05 tháng 12, 2005

Nhận Diện Xã Hội Việt Nam Qua Hiến Pháp (CT19)

Trung Trực


Hiến pháp là đạo luật cơ bản của quốc gia và có vai trò rất lớn trong đời sống xã hội. Tất cả mọi việc lớn bé, tất cả mọi người, từ tổng thống đến bác nông dân, đều chịu tác động của hiến pháp. Muốn hiểu biết khái quát một quốc gia chúng ta phải hiểu hiến pháp của quốc gia đó bởi hiến pháp gắn liền với việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước. Đọc hiến pháp ta sẽ hiểu được giá trị và trình độ văn minh của quốc gia đấy.

Việt Nam được coi là quốc gia có nhiều hiến pháp nhất thế giới. Từ năm 1946 đến nay chúng ta đã có 4 bản hiến pháp và một số sửa đổi, trong khi hầu hết các nước khác chỉ có 1 đến 2 bản hiến pháp. Đặc biệt là Hiến pháp Hoa Kỳ hơn 200 năm (1789) vẫn còn hiệu lực và có vẻ vẫn còn sức sống mãnh liệt trong tương lai. Hiến pháp Tây Đức ban hành từ năm 1949 đã tiên liệu hiệu lực của nó cho cả những vùng đất bên ngoài lãnh thổ để hơn 40 năm sau đã trở thành hiện thực khi nước Đức thống nhất. Hiện nay, Hoa Kỳ và Đức là những cường quốc số 1 thế giới còn Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo nàn nhất. Điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về giá trị và tính ổn định của các bản hiến pháp.

Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam là bản Hiến pháp 1946 được quốc hội thông qua ngày 9 tháng 11 năm 1946. Có thể nói đây một bản hiến pháp dân chủ. Ngay trong lời nói đầu, bản hiến pháp đã khẳng định “nhiệm vụ của toàn dân tộc là kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”. Hiến pháp 1946 đã hội tụ tinh hoa của các đảng phái chính trị và thể hiện khá đầy đủ khát vọng chính đáng và tốt đẹp của Nhân dân Việt Nam. Đó là được ấm no, hạnh phúc và hoà bình. Bản hiến pháp kêu gọi tinh thần đoàn kết, kêu gọi nhân dân Việt Nam quy tụ dưới “một chính thể dân chủ rộng rãi để cùng nhau tiến bước trên con đường vinh quang, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hoà bình của nhân loại”. Đáng tiếc thay, những cuộc tranh giành quyền lực vì những ý thức hệ vay mượn và diễn biến phức tạp của thời kỳ 9 năm kháng chiến đã đẩy dân tộc ta đến những bất đồng. Sự bất đồng đó đã làm cho bản hiến pháp không phát huy được tác dụng. Cho đến khi hòa bình lập lại vào năm 1954 thì Điều 10 tốt đẹp của hiến pháp quy định những quyền cơ bản của công dân chỉ còn lại hình thức. Tệ hại hơn, cái ngoại lai đã dần dần thắng thế và sự minh mẫn bắt đầu ra đi. Trí tuệ tổng hợp đã bị xé nát trong một giai đoạn mà đất nước ta cần một giải pháp khôn ngoan và đồng thuận nhất. Bản Hiến pháp dân chủ gồm 70 điều đầu tiên của Việt Nam đã bị giết chết. Nó chết vì ngộ độc.

Hiến pháp thứ 2 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là hiến pháp 1959. Đây là một bản hiến pháp quái dị, đã bị biến thái nên không còn đúng ý nghĩa của một bản Hiến pháp nữa. Nội dung của nó thể hiện sự giằng co giữa Chủ nghĩa dân tộc và Chủ nghĩa Cộng sản quốc tế và làm rạn nứt mọi các khái niệm thuần túy nhất. Nội dung và các điều khoản cụ thể đã mâu thuẫn và chia cắt giống như đất nước Việt Nam đau thương vào thời kỳ đó. Thực tiễn thảm khốc của dân tộc ta sau đó đã bắt nguồn từ những lập lờ và gian lận trong bản hiến pháp này. Khái niệm “Cộng sản”“Đấu tranh giai cấp” đã được đưa vào ngay trong lời nói đầu bằng “sự sáng suốt của Đảng Lao động”. Khi hiến pháp hùng hổ tuyên bố đây là một bản hiến pháp thực sự dân chủ cũng là lúc nó cúi đầu xác nhận sự đoàn kết nhất trí với các nước anh em trong phe XHCN và oang oang lên án bè lũ đế quốc. Bản hiến pháp 112 điều này đầy rẫy những ngôn từ của quốc gia dân tộc quằn quại trong vỏ bọc ý thức của một học thuyết quốc tế vay mượn. Bản hiến pháp này không đảm bảo được những quyền tự do tối thiểu mà hậu quả là dẫn đến việc bắt giam hàng loạt trí thức thời kỳ “Nhân văn Giai phẩm”. Cũng vì tính quái dị của bản hiến pháp mà những người “xét lại” vẫn nghĩ là mình đã làm một điều hợp hiến. Bản hiến pháp này tồn tại trong 20 năm, cũng đau thương, dang dở và vô nghĩa như chính lịch sử dân tộc ta thời kỳ đó.

Năm năm sau ngày đất nước thống nhất, bản hiến pháp thứ 3 của Việt Nam ra đời, Hiến pháp 1980. Đây là một bản hiến pháp phản động, dài dằng dặc gồm 147 điều chủ yếu cóp nhặt từ hiến pháp Liên Xô. Lời nói đầu hiến pháp là một lời kêu gọi đầy bạo lực, vẽ ra những ảo tưởng với những hậu quả khôn lường. Bản hiến pháp không hề nghĩ đến khát vọng chính đáng của dân tộc sau chiến tranh đau thương là hòa bình và hạnh phúc. Ngược lại nó lớn tiếng huênh hoang ca ngợi chiến tranh, đánh thắng từ “bọn tay sai Cămpuchia đến bá quyền Trung Quốc, từ đế quốc Mỹ đến đế quốc Pháp”. Vì bản hiến pháp phản động này mà đất nước ta sau đó đã rơi vào một tình trạng hết sức hỗn loạn. Vì bản hiến pháp này mà nhân dân của đất nước phì nhiêu đồng ruộng trở nên đói nghèo rách rưới, những làng quê lẽ ra được yên bình sau chiến tranh đã phải nhường chỗ cho trộm cướp và nổi loạn do đói ăn. Đó là hậu quả tất yếu khi Điều 2 của bản Hiến pháp này xác nhận rằng: “Nước cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước Chuyên chính vô sản. Sứ mệnh lịch sử của Nhà nước là thực hiện quyền làm chủ tập thể” – một khái niệm mà ngay cả những học giả lỗi lạc nhất từ trước đến nay vẫn không cắt nghĩa được. Xét về mặt phá hoại thì Hiến pháp này đã cực kỳ thành công. Nhân dân đã thực sự trở thành vô sản. Hiến pháp phản động này đã để lại di họa cho mai sau bằng cách xác lập tại Điều 4, một tiền lệ nguy hiểm, là khẳng định vai trò lãnh đạo của đảng Cộng Sản lên trên toàn bộ dân tộc. 12 năm tồn tại của bản Hiến pháp này là 12 năm kinh hoàng của toàn bộ nhân dân. Hàng trăm ngàn người xô nhau ra đại dương mênh mông sóng nước hiểm nguy vì muốn thoát khỏi quốc gia chuyên chế, nơi mà một anh công an quèn có thể cầm hàng tập lệnh khám nhà và bắt người khống chỉ. 12 năm tồn tại của bản Hiến pháp này là 12 năm của những dằn vặt đớn đau, của một cơn giãy chết.

Hiến pháp 1992 là một liều thuốc kháng sinh tư bản và sự bừng tỉnh của Liên Xô sau Đại hội đảng Cộng sản lần thứ 27. Quốc hội Việt Nam năm 1992, với một tỷ lệ đảng viên cộng sản cao nhất thế giới, đã buộc phải thừa nhận những sự thật phũ phàng rằng họ chẳng mang lại gì cho dân tộc Việt Nam qua các bản hiến pháp, ngoại trừ bạo lực và đói nghèo. Dẫu sao cũng đã chân thành. Lần đầu tiên những tư tưởng tốt đẹp, được Abraham Lincoln xác quyết và thế giới ghi nhận suốt hơn một thế kỷ qua đã được đưa vào như phấn son trên khuôn mặt của một cô gái lỡ thì: Đó là Nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân. Gần 10 năm sau, bản hiến pháp 1992 đã phải sửa đổi (2001) với sự lúng túng kết hợp loằng ngoằng, bế tắc trong tư duy và dự báo một tương lai tiếp tục bất trắc cho dân tộc Việt Nam. Di chứng của Hiến pháp 1980 vẫn còn nguyên nơi Điều 4, ngang nhiên thách thức 96,7% dân số Việt Nam ngoài đảng. Điều 76 Hiến pháp còn quy định công dân phải trung thành với tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong khi lời nói đầu xác nhận rằng chúng ta đang “trong thời kỳ quá độ để lên XHCN”. Như vậy Hiến pháp 1992 đã bắt công dân của mình phải bảo vệ một cái chưa hề có và chắc chắn sẽ không có trên đất nước ta. Hiến pháp 1992 là một chiếc áo vá. Nó có vẻ đủ ấm nhưng không đủ rộng cho một cơ thể đang lớn từng ngày. Nó rách từng giờ. Đất nước bứt nhíp từng ngày. Rất nhiều điều trong Hiến pháp 1992 có thêm cái đuôi vô nghĩa: “theo quy định của pháp luật”, đặc biệt là điều 69. Vì hiến pháp là đạo luật gốc nên việc quy định thêm những mệnh đề như vậy là thô bỉ và phi khoa học. Điều 15 có ghi “…cơ chế thị trường” thêm vào chiếc đuôi “theo định hướng XHCN”. Những chiếc đuôi vô lý này không thể quật lên đầu chặn đứng bước đi của lịch sử nhưng nó có thể quấn vào bụi cây để kéo lùi lại toàn bộ xã hội. Rõ ràng những tồn tại trong hiến pháp 1992 thể hiện một tâm lý nhát gan, sợ hãi. Do dự luôn luôn là một điều xấu trong khi tính mạo hiểm không phải khi nào cũng đồng nghĩa với rủi ro. Những chắp vá trong hiến pháp 1992 đã làm tồi tệ thêm hình ảnh vốn không đẹp đẽ của nó. Những chắp vá đó làm đánh mất tính tối cao và vinh quang của một bản Hiến Pháp.

Di thi giá họa là một trong 36 kế của người Trung Hoa. Xác chết không còn là xác chết nữa, nó trở thành công cụ cho những đòn tấn công của kẻ thù dân tộc. Khi đã trở thành vật chứng cho những mưu đồ đen tối phương Bắc, xác chết không những gây ra ô nhiễm môi trường, làm ngộ độc nhiều người mà còn là cơ sở để kết tội công dân yêu nước. Nó đã và đang trở thành vũ khí đe dọa niềm tin tốt đẹp và làm tê liệt khả năng hội tụ ý chí của chúng ta. Chúng ta phải cảnh giác với những luồng khí độc đã bị chối bỏ ngay trên quê hương khai sinh ra nó.

Việt Nam có nhiều hiến pháp và hầu hết là các hiến pháp tồi vì chúng ta chưa có một tầm nhìn dài hạn và chu đáo cho hiến pháp. Rõ ràng chúng ta chưa đánh giá đúng mức tính chất quan trọng của hiến pháp trong đời sống chính trị xã hội và văn hóa của quốc gia. Chúng ta chưa coi hiến pháp là đạo luật quy định sự tác thành chứ không phải là sự áp đặt bởi một hay một nhóm người theo một chủ thuyết nhất định. Hỡi những người con ưu tú của đất nước Việt Nam thân thương này, hãy thức dậy lương tri, cùng nhau xây dựng một Hiến pháp phản ánh đầy đủ những giá trị tốt đẹp mà tạo hóa đã dâng ban cho nhân loại. Hãy cùng nhau xây dựng một hiến pháp kết tụ những tinh hoa của loài người để qua đó bảo vệ được những quyền năng cơ bản của mọi thành viên trong xã hội.

Bầy Quạ Đen và Lòng Can Đảm (CT19)

Nguyễn Việt Ân


Bài viết Tiếng Vỗ Cánh của Bầy Quạ Đen của nhà văn Dương Thu Hương đã khởi đi bằng những khổ đau của con người Việt Nam. Khổ đau từ thời chiến với hàng sư đoàn lính cái tóc rụng da xanh, kinh nguyệt thất thường, lên cơn điên tập thể. Khổ đau của hàng vạn cô gái lỡ thì thời hậu chiến, trên các nông lâm trường hoang vắng, trông ngóng sự xuất hiện bất thần của một gã đàn ông lạ, mong được hãm hiếp để mang thai. Khổ đau của những đứa bé đầu đường xó chợ, những em nhỏ dị tật quái thai. Từ những những nỗi khổ đau đó để nêu đích danh thủ phạm: Đó là đám người cầm quyền găm trong óc những nguyên lý cộng sản cực quyền và dòng máu cường hào thôn xã, một băng đảng buôn lậu quốc gia, ổ ăn cắp của đảng độc quyền, là những kẻ trương lên tấm biển xã hội chủ nghĩa để cướp bóc tài sản quốc gia.

Đối diện với một thảm trạng như vậy, chúng ta đã phản ứng như thế nào? Dương Thu Hương đã mượn băn khoăn của các nhà Việt học để đưa ra một nghịch lý: Một dân tộc dũng cảm biết bao trong chiến tranh và hèn mọn biết bao trong cuộc sống thời bình. Rồi giải thích: "Gần như toàn bộ lòng can đảm của dân Việt tiêu xài trong các cuộc chiến tranh ấy. Lòng can đảm cũng như mọi phẩm chất tinh thần khác không phải một năng lượng vô hạn. Nó không phải cơm trong nồi Thạch Sanh, cũng chẳng sinh trưởng lu bù như loài tảo hay các sinh vật đơn bào. Nó cũng giới hạn như món tiền xếp trong chiếc ví."

Lời giải thích dựa trên lịch sử hơn 4000 năm. Nhưng cũng từ tấm gương lịch sử trong suốt ấy, chúng ta lại thấy: trải qua hơn 1000 năm đô hộ bởi Trung Hoa, hơn 100 năm Pháp thuộc dân tộc ta vẫn hùng dũng bật mình vươn dậy trước mọi cuộc ngoại xâm. Bao nhiêu thế hệ đã hy sinh mạng sống mình cho dải giang sơn gấm vóc. Lòng can đảm dân tộc không những đã sinh tồn, mà còn nảy nở từ đời này qua kiếp khác. Vậy lòng can đảm có phải là món tiền xếp trong ví tiêu hoài sẽ hết như bà Dương Thu Hương đã viết? Hay nó đã được nuôi dưỡng và sinh sôi nảy nở bởi tình yêu thương đất nước. Lịch sử đã chứng minh rằng lòng can đảm dân tộc phải gắn liền với tổ quốc để được sinh tồn và phát triển.

Ngày hôm nay, sự gắn liền đó đã bị chặt đứt khi tổ quốc bị đồng hóa với xã hội chủ nghĩa: Yêu nước là phải yêu chủ nghĩa xã hội! Chống đảng là chống XHCN, là chống tổ quốc Việt Nam! Đây là hậu quả của những rác rưới tư duy khởi đi từ thế kỷ trước còn vật vờ sót lại, là trò phù thủy chính trị với nghệ thuật mị dân được hỗ trợ bằng những nòng súng lạnh lùng và nhà tù sắt máu. Đây cũng là nỗi băn khoăn, do dự của những người từng một thời dấn thân cho độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc bằng con thuyền xã hội chủ nghĩa và mái chèo cộng sản quốc tế. Những con người đó ngày nay đã hụt hẫng nhận chân rằng quãng đời sung mãn của mình đã lót đường cho đám quạ đen khốc hại và bộ máy cường quyền hiện nay.

Ngày hôm nay, lòng can đảm dân tộc cần được ấp ủ bởi lương tâm con người và sinh sôi nảy nở bằng tình yêu thương đất nước. Muốn vậy, phải phá vỡ cho bằng được cái quàng xích chủ nghĩa xã hội ra khỏi thân thể quê hương. Muốn vậy, phải loại bỏ sự độc quyền lãnh đạo, chủ thuyết lỗi thời của bầy quạ đen đang rỉa rói xác thân tổ quốc.

Cộng Sản – Con Bạch Tuộc Nghèo (CT19)

Lê Chí Tâm


Kính thân tặng anh Trần Trung Đạo
Người cho tôi nhiều cảm xúc về tổ quốc quê hương

Chiều Huyện Hiên - phía Tây Bắc Quảng Nam

Trời mưa. Những ngôi nhà lợp tôn giống nhau như đúc. Đây là nhà dự án. Nhà nước tài trợ tôn lợp trên mái và 2 cọc bê tông. Xung quanh bưng bằng phên đất hoặc bằng nan tre do dân tự đóng. Giá trị mỗi ngôi nhà khoảng 2 triệu đồng.

Mưa lộp bộp trên mái tôn. Nước mưa chảy dài thành rãnh trước nhà. Có 8 người trong gia đình. Họ ngồi lặng im trên một tấm phản rộng đan bằng tre và là nơi tất cả cùng nằm ngủ khi đêm về. Đó là tài sản có giá nhất của họ. Dọc phên đất còn có một dây phơi chằng qua, nơi đó có nhiều bộ quần áo cũ, bẩn và rách nát. Góc nhà có mấy con dao phát rừng và 2 cái cuốc mẻ.

Người mẹ trẻ 32 tuổi đời với 6 đứa con đã kịp trở nên già. Người cha 36 tuổi đen cháy với đôi mắt lạ lùng. Họ im lặng nhìn nhau. Khát khao sống, khát khao làm việc căng tròn trong mắt họ. Và nước mắt, giống như những hạt mưa long lanh bên ngoài, cứ chợt oà ra.

Họ là người dân tộc Hre và họ có đạo. Họ bị dồn về đây cách nay 6 tháng. Họ ở trong một ấp chiến lược thời nay. Nó được gọi với một cái tên mỹ miều là “làng tái định cư”. Họ phải về ngôi làng này vì Nhà nước đang làm một dự án. Họ phải về. Bỏ lại sau lưng ruộng nương, nhà cửa. Bỏ lại sau lưng lời ca tiếng hát và nền văn hóa riêng. Rừng cây, sông suối, nơi ông cha họ đã gắn bó hàng nghìn năm, bỗng chốc trở thành hoang phế. Nhà nước nói “sẽ có nhà xây, có bệnh viện” nhưng họ không thể gặm cột bê tông để ăn và có thể chết vì đói trước khi chết vì bệnh. Hôm nay, Nhà nước nói trắng ra “ở trong đó bọn truyền đạo nó vào”. Ra đây “bọn tao dễ quản lý”.

Nước bắt đầu dột, những tấm tôn bị đóng đinh vội vàng vào rui nhà đã làm cho nước mưa leo theo những lỗ thủng chảy xuống giường. Người mẹ dịch chỗ, những đứa con run run giụi vào gần mẹ hơn. Người bố quay đi không nói, như lục tìm một cái gì quý giá dưới tấm chiếu rách. Ông đưa 2 cái chứng minh thư nhân dân. Đó là cái hai vợ chồng có được khi về đây. Đây là lần thứ 3 ông đưa ra. Hai lần trước là cho công an kiểm tra. Lần này ông cũng tưởng vậy.

Tôi đến bên nồi cơm, mở chiếc vung đen nhẻm cong queo ra. Trong đó còn nửa nồi có lẫn cả cơm và sắn. Tất cả chỉ có vậy. Khô cứng và nhạt thếch. Những ánh mắt thèm thuồng của lũ trẻ theo tay tôi, xoáy sâu vào phần cơm độn mà Bố Mẹ chúng buộc phải dành lại cho buổi cơm chiều. Cái nồi duy nhất đó được nóng lên một lần duy nhất trong ngày cho 8 miệng ăn.

Tôi đứng nhìn trong bất động. Bài học phá ấp chiến lược ngày xưa vang vọng bên tai.

***

Trưa Hà Nội – Thủ đô 995 năm tuổi của VN

Trời nắng. Trong một nhà hàng sang trọng nằm trên con đường gần Bộ Y tế. Nhiều người chúc tụng nhau vì sự thành công của một dự án tái định cư. Phó giám đốc dự án hùng hồn khẳng định sự thành công rực rỡ của dự án. Hồ sơ tuyệt hảo, quy trình xử lý khoa học, ý nghĩa xã hội to lớn, ý nghĩa chính trị trọng đại.

Đảng cười.

Nhiều người đàn ông trung niên mặt to và cánh mũi dày. Nhiều cô gái viền mắt xanh và môi đỏ. Họ xúm lại bên nhau. Rượu ngoại mỗi chai 2 triệu đồng đang xếp dài trên bàn tiệc. Đám đàn ông ăn mừng cho một dự án nơi xa, và nhiều người con gái từ phương xa về phục vụ. Thái độ ngoan hiền như phục vụ cha ông, và đĩ thoã như với chồng trên giường. Nếu không, gầm cầu là nơi các cô đứng và chút tiền báo hiếu hàng tháng cho bố mẹ sẽ không còn.

Họ nói nhiều về dự án và cách chơi gái, say mê và dâm dục như nhau. Chuông điện thoại reo, cả phòng yên lặng. “Đang họp!”. Nói dối là cách mà quan chức cộng sản thường làm và “máy nói dối” là cách mà nông dân thường nói để chỉ điện thoại di động.

Tiền được rút ra để trả. Đó là cái rui, cái mè hay cái cột bê tông của ngôi nhà dự án. Lưng tôi lạnh như vừa có một giọt mưa chảy vào. Không. Đó là máu và nước mắt nhân dân, là những đêm đi hoang của con cái họ, là thuốc lắc chờ sẵn trong vũ trường.

Buổi họp chi bộ khai mạc đúng 2 giờ chiều. Những bộ com lê di động, treo trên những khuôn mặt nghiêm trang nhưng hơi đỏ bước vào và họ bắt đầu nói chuyện về thành công của dự án, về đạo đức, tác phong và lối sống.

***

Đêm Sài Gòn – Thành phố lớn nhất Việt Nam

Dọc đường Nguyễn Huệ.

Những tổ lái tuổi mới đôi mươi, lao xe vun vút. Hở lưng, hở nách là cách mà thanh niên này lựa chọn. Xe ga đắt tiền là thời trang và đú đởn nhau được coi là sành điệu. Một thế hệ thanh niên mất phương hướng đang dồn năng lượng của mình vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng.

Sàn nhảy. Loang loáng ánh đèn và tiếng nhạc inh tai. Thuốc lắc dường như đã ngấm để họ điên cuồng trong những vũ điệu. Nhiều chai rượu 2 triệu đồng được đặt lên bàn và có đám thanh niên lại học cha chú để nói chuyện làm tình trong quán rượu, nhưng tục tĩu và trắng trợn hơn. Tiền đó là tiền từ bố mẹ mà ra. Tiền bố mẹ là tiền từ những dự án mà ra. Tiền từ dự án là tiền vay nước ngoài mà nhân dân chúng ta sẽ phải trả.

Về sáng, họ rời những phòng khách sạn. Chợt nhận ra mình bạc nhược và yếu đuối đến chừng nào. Nhưng cơn say đã đến, u mê đã phủ dầy, 60 năm ở Hà Nội, Đảng đã đủ làm cho thế hệ trung niên dối trá. 30 năm ở Sài Gòn, Đảng đã làm cho một thế hệ thanh niên ngất ngư và buồn ngủ. Con tôi nằm trong số đó.

Sáng sớm nay. Giữa phố phường. Tôi đứng trong nắng hanh và gió thoảng. Tự thấy mình có lỗi cả với cả đám mây trắng trên trời xanh và chiếc đồng hồ nơi cổ tay mình. Xung quanh tôi, còn đây, những nghèo đói và khoảng cách giàu nghèo. Còn đây món nợ dự án hôm nào. Còn đây, bao mảnh đời bất hạnh cô đơn. Còn đây ánh mắt lạ kỳ của người Cha lương thiện ở Quảng Nam. Còn đây độc tài đảng trị. Còn đây cuộc cách mạng canh tân.

Đường Bay (CT19)

Lê Huyền An


Trên thân thể tôi có một thứ rất dư thừa. Đó là đôi cánh. Thượng Đế cho loài chim chúng tôi đôi cánh. Người tống cho chúng tôi một cái lồng. Thế mới có chuyện dư thừa. Trong những lúc đăm chiêu suy ngẫm, tôi tự hỏi mãi. Đôi cánh, cái lồng, thứ nào dư thừa hơn thứ nào?

Phải thành thực mà nói, mới nhìn loáng thoáng thì cái lồng tôi ở cũng xinh lắm. Lồng được sơn bóng một màu đỏ rực rỡ. Mái lồng kiểu Lạng Sơn cong cong như mái đình, pha lẫn nét chạm trổ của Trung Quốc. Trong lồng có ba cái lọ sành bé tí đựng thức ăn, thức uống. Chỉ có tôi mới biết được đằng sau nước sơn bóng loáng đó những thanh tre đã rã mục. Chỉ có tôi mới biết là ba cái lọ sành Liên Xô đã lên mốc bên trong. Chỉ có tôi mới biết rằng thức ăn thức uống cả đời nhỏ nhọt từ cái thừa mứa sót lại của Người. Duy chỉ có cái loa tí xíu hát cho chim nghe thì vẫn tốt, vẫn cứ rè rè dai dẳng theo năm cùng tháng tận. Từ cái lồng nhìn ra là một khoảnh vườn đầy dây leo. Cố rướn người lắm tôi mới loáng thoáng thấy được khoảng trời xanh xanh. Còn phía sau lồng thì lúc nào cũng lạnh lẽo và tối âm u.

Tôi chỉ được hót nhưng không được nói. Tôi cũng muốn nói lắm chứ. Nhưng có lúc mới vô tư nói nhăng nói cuội vài câu thì con mèo màu xanh ô liu lại nhảy xổ đến nhe răng gầm gừ hăm dọa. Con mèo xấu xí là đầy tớ trung thành của Người, cái trung thành được tưởng thưởng bằng một tách sữa mỗi sáng. Thế là tôi im. Dù thi thoảng đêm tối vắng vẻ tôi cũng thì thầm vài tiếng, cố nói cho chính mình nghe vài điều lý sự. Vậy nhưng tôi vẫn biết rằng với thân phận của mình thì làm gì có được một lời nói giá trị hay ý nghĩa với ai. Người vẫn cứ im lặng như đá ném mặt bèo và tôi mà không thận trọng sẽ bị cho là bỗ bã và sẽ hẩm phận thêm mà thôi.

***

Gã đàn ông đi làm về thì con sáo đã sổ lồng bay mất. Thường ngày gã vẫn không để ý đến con sáo đen đủi này nhưng bây giờ nhìn cái lồng trống không, vắng bóng tiếng hót của nó thì gã lại thấy thiêu thiếu. Cái lồng trống không làm cả căn phòng như rộng thêm. Con mèo màu ô liu vẫn gầm gừ muốn nhảy xổ lên chiếc lồng như một thói quen tiền kiếp. Lần đầu tiên, gã thấy con mèo màu xanh ô liu cũng tàn độc không thua gì gã.

Ba hôm sau, giữa tiếng ve sầu buồn bã bỗng có tiếng hót của con sáo vang lên từ trên tàn phượng vĩ sau vườn. Tiếng con sáo giữa trưa hè nghe buồn thảm, đứt đoạn như đứa con đi hoang sau một thời gian ăn đường ngủ bãi trở về, thấp thỏm, lưỡng lự trước hiên nhà. Nó lân la khe khẽ đậu bên bờ dậu, rón rén đáp vào khung cửa sổ. Con mèo ô liu hung dữ rình mò nhảy lên cào cấu vào khoảng trống không gian. Thế là con sáo lại bay đi. Trưa hôm sau, sáo lại về hót điệu buồn thảm, đứt đoạn trên tàn phượng vĩ rực đỏ.

Gã đàn ông đem cái lồng ra sơn phết lại, thay ba cái lọ sành Liên Xô bằng bộ tách Trung Quốc rẻ tiền. Gã để cách cửa lồng hé mở và thay nhạc cho cái loa rè rè tiền kiếp. Trên cành phượng vĩ, con sáo vẫn cất giọng hót buồn thảm, đứt đoạn. Rồi sáo lại bay đi.

Ba tháng sau, đi làm về, gã đàn ông lại thấy con sáo đang trong lồng ngững đầu nhìn gã thách đố.

***

Tôi đã biết tại sao Thượng Đế ban cho tôi đôi cánh. Tôi đã biết tại sao Thượng Đế tạo nên bầu trời cao xanh. Tôi đã biết thế giới ra sao phía bên ngoài khoảnh vườn u tối. Tôi đã đón nhận cảm giác lâng lâng, kỳ diệu khi xoải cánh bay cao trên tàn phượng vĩ lung linh nắng. Tôi đã bay suốt chiều dài đất nước, băng dọc theo Trường Sơn âm u kỳ bí, là đà lướt theo giòng sông Cửu ướt lệ. Tôi đã bay qua những cánh đồng hoang khô, nhìn thấy những cánh chim già phơi mình bên cỏ úa, những cánh chim non xơ xác trên những bãi rác ngất trời. Tôi đã bay thoát khỏi mảnh đất mà trên xa nhìn xuống có hình cong gầy guộc như chữ S. Tôi đã được học tiếng Hoa để hát ngày 12 tiếng những bài nhạc dây chuyền kiểu tư bản. Tôi đã gặp những con chim cùng tổ ra đi nhưng vẫn ngày đêm hoài niệm về một thiên đường mù ảo. Và cuối cùng tôi đã biết rằng, được hót, được nói nhưng chúng tôi vẫn là nô lệ. Cái lồng mới vẫn không thay đổi đuợc bản chất nô lệ của tôi và của các bạn tôi.

Thế là tôi trở về. Không phải vì tôi cảm thấy quen lì với cuộc đời tù hãm. Chẳng phải tôi sợ đến ngộp thở trước mênh mông của hương trời. Cũng không vì sau bao năm tháng nằm trong giam cầm của định mệnh, tôi đã an phận cuộc đời thuộc về cái góc xó tối tăm này. Tôi trở về vì tôi biết sự giam cầm không phải là vì cái lồng oan nghiệt mà là do sự sợ hãi lưu cửu, do chính tâm thức ngục tù và cung cách sống tù nhân của mình.

***

Người đang ngồi say dật dờ, mặt đỏ máu và đôi tay tham lam mân mê những con chim xanh xinh đẹp nửa nông thôn nửa thành thị. Những chai rượu 2 triệu đồng lăn lóc đổ. Những viên thuốc lắc đang ngấm vào trí não của những kẻ lên đồng thời đại. Họ đang ăn mừng cho một dự án thành công ở Quảng Nam. Con mèo ô liu hung dữ vẫn ngoan ngoãn gầm gừ qua lại như một hăm dọa thầm kín. Cái loa rè tiếp tục hát nhạc mới lời cũ ngày nào từ thời Pắc Bó.

Tôi đập nhẹ đôi cánh, nhắm mắt tung bay vào bầu trời xanh của ước mơ sẽ tới. Sau lưng tôi là những cánh chim khác đang vươn cánh nhập đường bay. Nhìn những đóa hoa trắng đang chớm nở, chúng tôi vừa bay vừa cất tiếng nói.

05 tháng 11, 2005

Hệ Thống Tội Ác Có Tổ Chức (CT18)

Thạch Hãn


Lịch sử thế giới từng nhiều lần biện biệt: Công hôm nay có thể biến thành tội ngày mai, hay, công cho một nhóm nhỏ lại là tội đối với một đại khối triệu triệu người. Chủ nghĩa cộng sản có công hay tội với nhân loại? Câu trả lời hôm nay có thể còn tùy phía mà khác nhau nhiều ít. Duy một điều mọi người có thể nhất trí với nhau: Chủ nghĩa cộng sản là con đường dài nhất đi từ tư bản chủ nghĩa tới tư bản chủ nghĩa. [1] Dài nhất, và đúc bằng nhiều xác người nhất. Chết đạn lẫn chết đói. Lý do? Dọc đường kách mệnh, lãnh tụ đảng đã trở thành hoàng đế kiêm giáo chủ, nghĩa là quyết định sự sống chết không những của thân xác mà cả linh hồn của con người [2]. Thê thảm hơn nữa, ở cuối đường kách mệnh, người người hỏi nhau: Đâu rồi trống Xô-Viết? Đâu rồi cờ búa liềm? Đâu nào cơm no áo ấm? Đâu nào dân chủ tự do? Con thuyền lịch sử cận đại VN chở đầy khẳm nỗi bất hạnh vĩ đại chưa từng của dân tộc, mệnh danh Độc Lập - Thống Nhất. 30 tháng Tư. Đầy túi hay trắng tay? Vinh quang hay căm thù? Chiến thắng hay đồi bại? Thống nhất hay phân ly? Hòa bình hay chiến tranh nối tiếp?... Mỗi mắt một góc nhìn. Đan chéo nhau những mục tiêu viễn mơ với cái đói trước mặt. Xen kẽ nhau những dày xéo chính chuyên với câm nín đọa đày. Rối bời nhau những vàng thoi rượu ngoại với máu xương nước mắt. Đừng tiếp tục dựa vào mớ công trạng chưa được lịch sử phân định để tự tiện hành quyết vận mạng đất nước hôm nay và di hại tàn khốc về sau cho hàng chục triệu đồng bào. Giờ đây hắc bạch phân minh. Thế là rõ, cái dấu ấn biện biệt của thời gian. Thế là rõ, cái góc nhìn xoáy buốt của sự thật.

*


Đừng đánh trẻ nít chỉ vì chúng làm sai những việc rất nhỏ, khi mà ta chưa dám phản đối lãnh đạo đảng và nhà nước làm sai những việc động trời. Với những sai lầm nhỏ nhặt, trẻ nít đáng được khoan dung tha thứ. Trẻ nít thường không tự biết mình dốt. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà cứ nhân danh tuổi trẻ là được khoan thứ. Bởi ngay chính tuổi trẻ đã không thể ỷ lại vào sự khoan thứ để tiếp tục làm sai.

Càng khó khoan thứ hơn ngàn lần đối với những lão già nhân danh đảng để Chung Thân Làm Sai và di hại nhiều đời cho cả nước. Bởi những bộ óc xơ cứng đó không thể nào vừa tự phong là đỉnh cao trí tuệ, lại vừa bảo là không tự biết mình đã dốt còn tham. Không thể nào: Bảy chục còn nghi tuổi mới ba [3]. Cái ngu dốt vì kém hiểu biết tự nó không nguy hiểm là bao. Những tác hại trầm trọng bắt nguồn từ sự ngu dốt vì tư duy chật hẹp khi nắm quyền lực trong tay, đi kèm với lòng tham chỉ muốn mỗi mình được tất.

Tuổi trẻ không nhận ra sai lầm vì bất trí.
Tuổi già không nhìn nhận sai lầm là bất lương.

Cải Cách Ruộng Đất là cái sai không thể khoan thứ. Nhân Văn-Giai Phẩm là cái sai không thể khoan thứ. Xét Lại - Chống Đảng là cái sai không thể khoan thứ. Giết dân trong suốt ba cuộc chiến khốc liệt vừa qua để tiếp tục giết dân trong mấy mươi năm thống nhất là cái sai không thể khoan thứ. Chánh sách trù dập trí thức, chánh sách tem phiếu hộ khẩu, chánh sách giam người tùy tiện, chánh sách tập trung cải tạo, chánh sách giáo dục rô-bô-hóa quần chúng, chánh sách y tế xuyên tâm liên, chánh sách xã hội bán máu đổi gạo-bới rác đổi rau, chánh sách văn hóa nô dịch tận diệt tính tình người, chánh sách thông tin bưng bít một chiều, chánh sách ngoại giao ăn mày khấu tấu, chánh sách đổi tiền đánh sập tư sản công thương nghiệp miền Nam, chánh sách đày dân lên rừng làm kinh tế mới-đuổi dân ra biển tìm tự do-hay đẩy dân đi làm lao nô nước ngoài để trả nợ chiến phí v.v... đều là những cái sai không thể khoan thứ.

Hàng triệu người Việt Nam đã chết hay chịu thương tật vì những cái sai đó. Hàng chục triệu người Việt Nam đã và đang bị bức khổ triền miên vì những cái sai đó. Dân tộc Việt Nam đã bị chia lìa, phân hóa, hận thù, thui chột, vì những cái sai đó. Đất nước Việt Nam đã rơi vào hố sâu lạc hậu, đói nghèo, ký sinh, cũng vì những cái sai đó.

Đó không chỉ thuần là những cái sai.
Đó là Hệ Thống Tội Ác Có Tổ Chức.

Số phận của dân tộc là tập hợp số phận của mỗi cá nhân. Muốn giải quyết cái to, phải khởi sự bằng những giải quyết riêng từng cái nhỏ. Số phận chỉ thực sự khắc nghiệt khi ta coi đó là điểm cuối của cuộc đời. Chính sự an phận là tròng áp bức đầu tiên nơi mỗi con người. Im lặng nuôi dưỡng áp bức [4]. Nên chi, nếu mỗi cá nhân quyết không buông xuôi đời mình cho số phận, cả nước sẽ có cơ xây dựng lại Việt Nam. Tuổi hai mươi không tin vào định mệnh. Định mệnh là đối thủ tiến công [5]

Đình công, bãi thị, biểu tình... Công nhân, tiểu thương, nông dân đang vung tay thách đố với số phận. Kiến nghị, thư ngỏ, báo chui.... Trí thức, nhà văn, đảng viên đang chấm mực vẽ lại chân dung số phận. Thẻ đảng trả về cho đảng. Con người đòi quyền làm người. Người bước ra đường. Chữ nghĩa đã biến thành nắm tay. Hờn căm đã biến thành sức mạnh rào làng, quăng cán bộ xuống giếng. Phẫn uất biến thành ngọn lửa. Niềm tin đã biến thành biểu ngữ gìn vườn giữ ruộng: Một cây chàm bị đốn là một mạng người ngã theo! Đi tới thắng lợi, xin cầu chúc bạn, cầu chúc tất cả chúng ta... [6]

Chú Thích: [1] Lech Walesa; [2] Nguyễn Đình Thi dẫn lời Nguyễn Văn Linh; [3] Cao Bá Quát; [4] Francois Mitterand; [5] Lý Phương Liên; [6] Vũ Kim Hạnh.

Sống Can Đảm vì Mục Tiêu Dân Chủ (CT18)

Cành Nam



‘Càng gần đến mục đích, càng nhiều khó khăn; nhưng ta hãy tiến bước như các vì sao, tiến bước bình tĩnh, không vội vàng, nhưng liên tục, lúc nào cũng hướng tới mục đích đã định’. (Khuyết danh)

Trong số báo trước, bài ‘Can Đảm Sống và Sống Can Đảm’, chúng ta đã cùng nhau lượng định sức mạnh của một chế độ độc tài đến từ đâu, và những nguồn thế lực này sẽ vì đâu mà tê liệt. Chúng ta cũng duyệt qua những phương thức đấu tranh đã được thế giới áp dụng trong lịch sử nhân loại để lật đổ ách độc tài. Chúng ta cũng phân tích lợi, hại, những yếu tố liên hệ, và phó sản của từng hình thức đấu tranh đối với tương lai đường dài của đất nước. Chúng ta cũng đã lược qua những nhược điểm của chế độ để biết đâu là tử huyệt để đánh đúng chỗ, hầu đưa cuộc tranh đấu giành tự do dân chủ đến thành công. Chúng ta cũng đã nhận định rằng đối kháng bằng quân sự là không đánh đúng vào điểm yếu nhất của chế độ độc tài mà chính là chọn cách đương đầu với thế mạnh nhất của họ, với vô số tổn thất có thể lường được trước. Từ đó, chúng ta đã nhận định rằng để giảm thiểu tối đa tổn thất, và để có điều kiện tập trung sức mạnh quần chúng, hướng vào nhiều lãnh vực đấu tranh đa dạng, phương thức hữu hiệu nhất là đấu tranh bất bạo động.

Trong bài này, chúng ta sẽ xét xem sức mạnh của lực lượng dân chủ chúng ta đến từ đâu. Những hình thức đấu tranh bất bạo động nào khả dĩ làm suy yếu chế độ, và làm thế nào để tận dụng và tổng hợp sức mạnh quần chúng vào cuộc đối kháng ôn hòa một cách hiệu quả.

I. Sức Mạnh của Lực Lượng Dân Chủ:

Nếu phản kháng bằng quân sự với vũ khí là súng, đạn, bom v.v., thì phương tiện tấn công của đấu tranh ôn hòa là sức mạnh quần chúng, là các định chế xã hội trong nhiều lãnh vực cấu tạo nên quốc gia như kinh tế, chính trị, y tế, giáo dục, tôn giáo v.v. Do đó, sức mạnh của lực lượng dân chủ nằm ở sức mạnh của khối quần chúng bị áp bức. Sức mạnh này nhiều hay ít do ở sự quyết tâm, lòng tự tin, và cách thức kháng cự của quần chúng. Ngoài ra, sức mạnh của lực lượng dân chủ còn nằm ở số lượng những đoàn thể xã hội độc lập. Nếu quần chúng chỉ là những cá nhân riêng lẻ thì sẽ không có số đông cần thiết để tạo sức xoay chuyển. Cũng vì thế, các chế độ độc tài đều chú tâm tiêu diệt các định chế xã hội ‘ngoài luồng’, và tập trung dân chúng vào những định chế, đoàn thể trong tầm kiểm soát của chế độ. Do đó, các lực lượng dân chủ cần nhìn ra vị trí chủ yếu của các đoàn thể, định chế xã hội cần phải có để nỗ lực tái dựng lại (nếu đã bị chế độ hủy diệt trước đó), hầu đoàn ngũ hóa quần chúng, tăng cường sức mạnh của mình.

II. Những Hình Thức Phản Kháng Bất Bạo Động:

Một chế độ độc tài chỉ có thể tồn tại nếu quần chúng tin tưởng vào lãnh đạo, và tiếp tục hợp tác, phục tùng chế độ. Một khi người dân ý thức được điều then chốt này, rằng chính người dân mới là lực lượng nắm trong tay quyền kiểm soát bình dưỡng khí của chế độ, thì việc chấm dứt một thiểu số đang cai trị là việc làm khả thi. Chỉ cần quần chúng khởi từ ý thức rõ rệt quyền làm chủ thực sự của mình, để từ đó, tùy vào cơ hội và điều kiện có được, để mỗi lúc, tắt dần liều lượng khí thở tiếp dưỡng cho chế độ, cho đến khi tắt hẳn nguồn sinh khí chế độ cần phải có, và cuối cùng là chấm dứt chế độ.

Việc quần chúng cắt nguồn dưỡng khí của chế độ có thể diễn ra qua ba hình thức: (1) Can thiệp, (2) Bất hợp tác và (3) Phản đối / Thuyết Phục. Thông thường, người ta cho rằng chỉ có thể áp dụng hai phương pháp đình công và biểu tình số đông khi đấu tranh bất bạo động; tức là hình thức phản đối. Thực ra, trong phản kháng chính trị ôn hòa, các nhà tranh đấu có thể áp dụng cả ba hình thức, từ thấp đến cao để huy động quần chúng đấu tranh qua nhiều phương thức từ tập trung số đông, biểu dương lực lượng ồn ào mang tính biểu kiến đến âm thầm phân tán, bí mật trải rộng hoặc khoanh vùng một số địa điểm ‘có tính chiến lược’ cho những kế sách lâu dài, ‘mưa dầm thấm đất’, nằm trong một kế hoạch chiến lược sáng suốt.

Trong ba hình thức phản kháng trên, loại phản đối, thuyết phục được tiến hành dưới dạng những cuộc biểu tình, diễn hành với số lượng người tham gia đông đảo, hoặc tán phát truyền đơn, diễn văn, thư phản đối, kiến nghị, tuyên ngôn, thỉnh nguyện thư tập thể, báo chui, tập dượt bầu cử (giả), hành hương, đêm không ngủ, tang lễ chính trị, tụ tập phản đối v.v....

Loại hình thức bất hợp tác có thể diễn ra trong nhiều lãnh vực chuyên biệt nhưng gây nhiều tác động lên chế độ nhất thì gồm có bất hợp tác xã hội, bất hợp tác kinh tế và bất hợp tác chính trị. Vài thí dụ về hình thức Bất hợp tác xã hội như tẩy chay các ngày lễ hội, các sinh hoạt giao tế của nhà nước, bất tuân tập thể các lề thói thông lệ xã hội do nhà nước đặt ra, rút lui khỏi các định chế xã hội, hô hào quần chúng bỏ đi vùng khác để gây nên tình trạng thiếu nhân công, tiêu thổ tập thể, sinh viên ngưng tham gia các sinh hoạt thể thao, xã hội, văn nghệ v.v. Bất hợp tác kinh tế gồm tẩy chay tiêu thụ hàng hoặc dịch vụ của một công ty quốc doanh nhà nước, hay một quốc gia đang có hành vi đàn áp nhân dân VN, tẩy chay một công ty môi giới không bảo vệ quyền lợi người dân, tự bãi công, đình công phản đối, bãi thị hàng loạt, bỏ ngang công việc, nông dân đình công, đình công liên đới giữa các ngành sản xuất, vận tải, và nhiều ngành kỹ nghệ cùng lúc. Bất hợp tác chính trị gồm hình thức phủ nhận chính quyền hay một chính sách nào đó của nhà nước, tẩy chay các lễ hội của nhà nước, tẩy chay các cuộc bầu cử, tẩy chay ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp, tẩy chay các tổ chức, cơ quan ngoại vi của chế độ, tẩy chay các luật lệ bất chính, trì hoãn và cản trở các nhân viên nhà nước, ngồi vạ hoặc từ chối tụ tập xiển dương nhà nước v.v....

Loại thái độ can thiệp bất bạo động có thể diễn ra trong phạm trù tâm lý, thí dụ như tuyệt thực, tự hứng khổ nạn, tự thiêu v.v. Trong phạm trù xã hội, vài hình thức can thiệp có thể kể đến việc tạo dựng các cơ chế xã hội khác để thay thế, cản trở diễn đàn thông tin của nhà nước, gây quá tải cho các cơ quan xã hội, hay tập thể tự quy định khuôn khổ xã hội mới v.v.... Vài thí dụ về can thiệp trong phạm trù kinh tế như in giấy bạc giả (vì động cơ chính trị), tạo lập thị trường khác thay thế, tạo lập hệ thống vận chuyển thay thế, xây dựng định chế kinh tế thay thế, làm tăng ca tối đa (ngược lại với đình công) v.v.... Và can thiệp về chính trị có thể là tiết lộ và tán phát danh tánh của công an, nhân viên chìm của nhà nước, hay gây quá tải hệ thống hành chánh, làm việc nhưng không cộng tác, hoặc tạo chủ quyền đối trọng và chính quyền song song v.v...

III. Tận Dụng Và Tổng Hợp Sức Mạnh Quần Chúng:

Những hình thức đấu tranh bất bạo động, dù trong những lãnh vực nào, căn bản vẫn là để đạt được mục tiêu chấm dứt ách độc tài để xây dựng dân chủ tự do đích thực. Do đó, những hình thức đấu tranh ôn hòa ở dạng chính trị vẫn phải là chủ yếu. Tuy thế, dù chọn lựa lãnh vực nào để khởi phát quần chúng đấu tranh, các nhà dân chủ đều cần bắt đầu từ chính mối quan tâm thiết thân của đa số quần chúng. Trong trường hợp dân chúng có nhiều ta thán trong lãnh vực kinh tế, hay xã hội, hoặc tôn giáo thì các hình thức đấu tranh tác động lên đúng những quan tâm đó của quần chúng sẽ có sự hưởng ứng tham gia đông đảo hơn; và vì thế sẽ là những phương pháp chống đối thích hợp nhằm thách đố và góp phần làm suy yếu quyền lực chế độ.

Một trong những trở ngại của lực lượng dân chủ là thuyết phục quần chúng tham gia vào cuộc đấu tranh chung. Nỗi sợ hãi bị chế độ đàn áp, trù dập và thói quen phục tùng khiến người dân ngại đứng lên tranh đấu. Phương thức phản kháng chính trị ôn hòa sẽ giúp cho quần chúng giảm đi nỗi sợ hãi và thói quen phục tùng cố hữu. Các nhà đấu tranh cho dân chủ thường lưu ý đến những hình thức đấu tranh uyển chuyển cần thiết để giúp người dân giảm bớt hoặc kềm chế được nỗi sợ hãi lúc ban đầu. Để giảm sự sợ hãi, quần chúng cần có thời gian làm quen với những hành động đấu tranh dễ làm, đơn giản, an toàn, mà thoạt nhìn vào, có thể không khác lắm với những thói quen, hành vi thường nhật. Thí dụ, thay vì tham gia tọa kháng rầm rộ, biểu kiến ngay, người dân có thể được cổ vũ làm những việc dễ như khi làm việc, cố ý ‘sai sót’ thay phiên nhau, hoặc cố ý làm việc chậm hơn một tí, hoặc đi làm trễ hơn một chút, hay cùng nhau lấy lý do bị đau ốm, hay ‘bị kẹt’ không đi làm được trong cùng 1 thời điểm. Người dân cũng có thể được kêu gọi tham dự các nghi lễ tôn giáo nào mang tính xác quyết lập trường chính trị, như một hình thức phản kháng chế độ âm thầm v.v...

Một yếu tố khác giúp cho nỗi sợ hãi giảm dần trong quần chúng đó là những nhà lãnh đạo quần chúng đấu tranh không thể để bị khiêu khích để phản ứng bạo động và tạo lý cớ cho chế độ đàn áp. Dĩ nhiên, dù nỗ lực tránh bạo động tối đa, nhưng đấu tranh ôn hòa vẫn có thể dẫn đến sự đàn áp không tránh khỏi của guồng máy công an bạo lực. Tuy thế, kinh nghiệm lịch sử cho thấy sự thiệt hại nhân mạng, hay bị thương tích trong cách phản kháng bất bạo động vẫn ít hơn là cách đấu tranh quân sự. Và chúng ta cần ghi nhớ yếu tố kỷ luật tự chế trong đấu tranh bất bạo động rất cần thiết để không rơi vào bẫy hay trận thế giăng sẵn của chế độ đương quyền.

Hầu thu hút và tổng hợp sức mạnh quần chúng, các nhà đấu tranh cho dân chủ giúp quần chúng đòi hỏi những nhu cầu thiết thân của họ với phương thức đấu tranh bất bạo động, bằng nhiều cách ôn hòa và đa dạng, trong khuôn khổ ‘cho phép’ hạn hẹp của chế độ, trong khi các phương thức đấu tranh khác không thể khai thác được hết. Ngoài tác dụng có thể đấu tranh một cách đa dạng trong nhiều lãnh vực, phương thức ôn hòa này còn giúp tranh thủ, thuyết phục, và tạo cơ hội cho nhiều thành phần quần chúng khác nhau có thể góp phần vào đấu tranh. Vì thành phần quần chúng nào cũng có thể tham gia tùy mức độ sẵn sàng và ý chí quyết tâm của họ. Trong ba thái độ từ can thiệp bất bạo động, đến bất hợp tác, đến phản đối chế độ, các nhà đấu tranh cho dân chủ đều có thể ứng dụng vào nhiều hình thức đấu tranh ôn hòa trong khắp mọi lãnh vực kinh tế, xã hội, tôn giáo, giáo dục, chính trị v.v. mà khối quần chúng đó quan tâm tuỳ thời điểm. Đây là thế đấu tranh toàn dân toàn diện hầu kết hợp sức mạnh tổng hòa của dân tộc.

Tạm Kết:

Khi quần chúng kềm chế hay giảm thiểu được sự sợ hãi để tham gia vào các hình thức bất hợp tác từ nhẹ nhàng, âm thầm, đến phản đối, thách đố, trực diện, là quyền lực của chế độ độc tài đang dần bị phá hủy. Khi quy tụ được sự tham gia của quần chúng, và liên minh, phối hợp được các định chế, đoàn thể xã hội ‘ngoài luồng’, là sức mạnh của lực lượng dân chủ đang dần gia tăng.

Chú thích: Tham khảo Tài liệu “From Dictatorship to Democracy’ của Gene Sharp

Lệ Đá (CT18)

Trần Nam Khoa


Ngày 31/10/2005 vừa qua, sự kiện Tượng Đức Mẹ Maria khóc đã chấn động nhiều người. Mặc dù công an thành phố ngăn cản và linh mục Huỳnh Công Minh "khuyên can", hàng ngày đã có rất đông người kéo nhau về đây chiêm bái, cầu nguyện.

Hiện tượng lạ này đã thu hút sự chú ý của đông đảo đồng bào ta, dù là lương hay giáo, vốn cũng có một lòng thành kính đối với Đức Mẹ Maria. Lòng thành kính này không phải mê tín dị đoan như những luận điệu của đảng và nhà nước, mà nó phát xuất từ niềm hy vọng, cậy trông vào một sự an ủi, phù trợ nào đến từ một người Mẹ thiêng liêng ở cõi Trời. Hiện tượng có một vệt trắng xuất phát từ khóe mắt bên phải của tượng Đức Mẹ, chảy dài xuống cằm như giòng nước mắt của người đang khóc, cần được làm sáng tỏ. Đó là lý do khiến Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Sài Gòn đã gửi một lá thư chung ngày 4/11/2005, thông báo sẽ thành lập "một ban có trách nhiệm tìm hiểu, nghiên cứu thấu đáo về hiện tượng trên". Công việc "tìm hiểu, nghiên cứu" của ban này chưa khởi sự thì đảng và nhà nước đã tận tình giúp đỡ ủy ban với 2 xe bồn phun nước cố ý rửa sạch vệt trắng trên mặt tượng Đức Mẹ. Nhưng vệt "nước mắt" vẫn còn nguyên vẹn.

Còn nhớ, ít lâu sau khi bức tường Berlin bị phá sập, có một cô bé leo lên những bậc thang trước tiền đình Quốc Hội nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức cũ, lần theo mấy cây cột đó, lấy tay sờ lên những vết đạn của cuộc Thế Chiến Thứ Hai còn sót lại trên những phiến đá. Được hỏi, cô bé trả lời "Em đang hỏi chuyện những phiến đá này!". Cô bé nói: "Em hỏi đá là bị nhiều vết đạn như thế này, đá có đau không ? Đá không trả lời. Nhưng đá đã kể cho em nghe những gì đá đã chứng kiến trong chiến tranh, lúc em chưa sinh ra, với bao nhiêu người chết, bao nhiêu đá gạch đã đổ vỡ và đá đã khóc...". Lúc đó, ai cũng nghĩ cô bé giầu óc tưởng tượng. Nhưng về sau, người ta mới thấm thía. Con người đối xử với con người tàn tệ đến nỗi gỗ đá còn phải đau lòng. Nhớ lại câu chuyện cô bé mà thấy hiện tượng "Đức Mẹ Nhà Thờ Sài Gòn Khóc" cũng chẳng có gì là lạ.

Tượng Nữ Vương Hòa Bình đã được dựng lên mấy chục năm qua và đã chứng kiến muôn vàn khổ đau của dân tộc Việt Nam. Khổ đau trong chiến tranh. Khổ đau sau chiến tranh. Mẹ đã nhìn thấy bao vành khăn sô trên đầu hàng triệu mẹ góa con côi. Mẹ đã thấy biết bao cảnh gia đình tan nát, chiếu đất màn trời, bao mảnh đời bơ vơ lưu lạc. Mẹ đã thấy người người thất thểu từ trại tù cải tạo trở về thành phố, không còn nơi tá túc. Mẹ đã thấy bao em bé bán vé số, lang thang, bụi đời, dẫn ông bà đi ăn xin ngay dưới chân Mẹ. Mẹ cũng đã thấy xã hội ngày càng băng hoại, con người không còn đối xử với nhau bằng tình bác ái. Mẹ cũng đã nhìn thấy biết bao tệ nạn xã hội, bao nhiêu tội lỗi ngày càng tràn lan. Mẹ khóc là phải. Vì Mẹ là Mẹ của Tình Yêu. Phiến đá vô tri ở Berlin còn biết khóc, huống hồ là Mẹ.

Cứ cho là Đức Mẹ đã hiển linh bằng một dấu chỉ là giòng nước mắt chảy dài trên má tượng Mẹ. Thử hỏi tại sao Đức Mẹ khóc? Phải chăng vì thương con cái Việt Nam lầm than cực khổ vì đang bị kẻ ác thống trị? "Hãy tự giúp mình rồi thì trời sẽ giúp cho". Chạy tới Mẹ để tôn kính, để cầu nguyện là điều hiếu thảo. Chạy tới Mẹ cũng còn chứng tỏ là con cái còn đang mong chờ một cái gì mà họ không tìm thấy. Phải chăng đó là tự do, hạnh phúc? Nhưng chỉ cầu nguyện rồi không làm gì để cải tiến nếp sống của chính mình thì Mẹ cũng không giúp được gì cho mình cả. Con người được sinh ra có tự do. Chính Chúa và Đức Mẹ cũng phải tôn trọng sự tự do đó. Bao lâu con người không thể hiện được quyền tự do thiên phú của chính mình mà lại chấp nhận để kẻ ác tước đoạt tự do của mình và không tìm cách đòi lại, thì Đức Mẹ sẽ còn buồn. Mẹ khóc là thế đó.

Trong Luồng, Ngoài Luồng, Nhiều Luồng (CT18)

Thế Trân


Vào đầu tháng 11, tổng thống Bush tham dự hội nghị thượng đỉnh kinh tế tại Argentina để trao đổi về việc thành lập một vùng tự do mậu dịch của châu Mỹ. Tại đây, ông Bush đã gặp sự chống đối của các nhóm chống Mỹ biểu tình. Nhóm biểu tình bạo loạn đập phá, đốt cháy một số cơ sở thương mại. Tin tức về hội nghị cũng như sự chống đối biểu tình được loan tải rộng rãi qua giới truyền thông tại Mỹ và trên thế giới.

Cũng cùng thời gian này, chương trình ca nhạc, thời trang Duyên Dáng Việt Nam đến Úc biểu diễn tại thủ đô Canberra, và thành phố Sydney để kỷ niệm 60 năm thành lập Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Tại đây, chương trình này đã gặp sự chống đối biểu tình của cộng đồng người Việt nhằm phản đối việc nhà nước sử dụng văn nghệ để tuyên truyền đánh bóng cho chế độ. Các cuộc biểu tình với nhiều ngàn người Việt tại Canberra và hơn muời ngàn người tại Sydney đã được giới truyền thông Úc đăng tải. Trong khi đó báo chí của đảng ta thì loan tin chuyến trình diễn tốt đẹp, cũng không quên thòng thêm một câu nhắc đến "một số người Việt biểu tình" nhưng không đủ can đảm, hay không được phép để đưa hình ảnh của "một số người Việt biểu tình" này như thế nào.


Cũng cùng vào thời điểm này, bên trời Tây xảy ra cuộc nổi loạn bạo động của giới trẻ gốc di dân, hầu hết là dân Bắc Phi. Tỷ lệ nghèo, thất nghiệp, kỳ thị trong giới di dân này rất cao so với dân Pháp. Cuộc nổi loạn bắt đầu từ sự việc hai thanh niên bị cảnh sát rượt phải chạy trốn vào một trạm biến điện và bị điện giật chết. Tin tức bạo loạn kéo dài cả tuần lễ đã được loan truyền rộng rãi tại Pháp và trên thế giới.


Tương phản với sự việc này là vụ nổi loạn ở Tây Nguyên. Tất cả những gì chúng ta biết chỉ là một số người Thượng nổi loạn. Và biết rất giới hạn, một chiều. Chỉ có những ai theo dõi thời sự thì có thể biết và biết rõ sự việc qua những thông tin ngoài luồng từ các đài phát thanh RFA, BBC, Chân Trời Mới, v.v....


Bản tính con người thường thì đẹp khoe, xấu che. Nhưng trong một môi trường dân chủ với tự do thông tin như các nước Tây phương, các nước phát triển... thì chuyện xấu che không nổi, che không được. Và vì thế mà giới thẩm quyền, giới trách nhiệm phải có đủ can đảm để nhìn nhận sự thật, đối đầu, trực diện với những vấn đề của xã hội, của quốc gia. Trong khi đó các chế độ độc tài, nhất là độc tài cộng sản như Việt Nam ta, thì họ dùng quyền lực cai trị, sức mạnh của guồng máy kiểm soát để ngăn chận, bưng bít thông tin. Từ đó đưa đến một sự trớ trêu: các chế độ độc tài là những chế độ yếu nhất trên thế giới. Quyền lực toàn trị của họ chỉ để lộ ra sự tự ti, yếu kém khi không đủ can đảm để đối đầu với sự thật. Lịch sử thế giới đã cho thấy những chế độ độc tài tưởng chừng như rất mạnh nhưng khi tới giờ cáo chung của họ, họ sụp đổ rất lẹ. Đó là bằng chứng hùng hồn của sự yếu đuối của các chế độ độc tài.


Trong Luồng

Tại các nước độc tài, hệ thống thông tin (báo chí, truyền thanh, truyền hình...) nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước, do đó, hầu như mọi thông tin là trong luồng. Chỉ có những thông tin nào vừa ý nhà nước mới được loan tải, còn các thông tin còn lại bị bưng bít, ngăn chận bằng mọi cách. Những luồng thông tin khác từ giới đối kháng, từ quần chúng chỉ có thể lưu hành qua hệ thông tin ngoài luồng như báo chui, truyền miệng. Vì thế hệ thống thông tin của các nước độc tài chủ yếu là hệ thông tin trong luồng.

Ngoài Luồng


Ngược lại trong các nước tự do dân chủ, nhà nước tuy có những phương tiện thông tin riêng nhưng không thể xiết chặt tư duy giới truyền thông. Lại càng khó kiểm soát các phương tiện thông tin tư nhân vì phải bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Hệ thống thông tin tư nhân phát triển mạnh và đóng vai trò chân vạc để quân bằng những sai trái, thiếu sót của xã hội, của nhà nước bằng cách thông tin rộng rãi mọi tin tức xấu tốt. Với thông tin đầy đủ như thế, người dân có đủ dữ kiện để thực thi vai trò công dân của mình bằng cách áp lực quốc hội (qua các dân biểu, đại diện dân), bằng cách bỏ phiếu chọn người đại diện, chọn lãnh đạo đất nước, bằng sự tham gia đóng góp phần mình để tác động vào xã hội, làm xã hội thăng tiến, tốt hơn. Chính hệ thống thông tin chủ lực ngoài luồng tại các nước tự do dân chủ đã giúp cho các quốc gia này thăng tiến hơn.

Nhiều Luồng


Hệ thông tin ngoài luồng tại các quốc gia tự do, dân chủ cũng vẫn có những điểm tiêu cực của nó. Trước thời Internet bộc phát, các phương tiện thông tin với cỡ tầm vóc lớn như nhật báo, tạp chí, đài truyền thanh, đài truyền hình rất tốn kém, không phải ai cũng có khả năng làm chủ các phương tiện này. Do đó giới truyền thông tư nhân rơi vào tay các đại công ty, những chủ nhân giàu có. Và họ đều có những cách nhìn vấn đề riêng của họ và vì thế thông tin đến từ các hệ thống tư nhân này ít nhiều bị ảnh hưởng bởi tư duy, quan điểm của người chủ nhân. Những thông tin từ các nguồn khác không đủ sức chen chân, cạnh tranh để đến với quần chúng một cách rộng rãi.

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi Internet trở thành một phương tiện thông tin trọng yếu của thời đại hôm nay. Phương tiện web phổ thông, đại chúng, ít tốn kém, dễ thực hiện đã giúp cho các nguồn thông tin khác có chỗ chen chân vào để đem thông tin rộng rãi đến với mọi giới. Thông tin ngày hôm nay tại các quốc gia tự do dân chủ không còn giới hạn ở trong luồng của nhà nước , ngoài luồng của các đại công ty mà bung rộng ra nhiều luồng khác nhau.

Thế cũng chưa đủ. Phương tiện web vẫn còn tốn kém, không phải ai cũng biết thực hiện, do đó nguồn thông tin web vẫn giới hạn trong số người có kiến thức, có phương tiện tài chánh chút ít. Gần đây người ta sáng tạo ra phương tiện blog là một loại web mà ai cũng thực hiện được, không tốn tiền. Thông tin không còn giới hạn ở các nhóm, tổ chức, ở những người có kiến thức web nữa mà mở rộng ra cho tất cả mọi người. Với phương tiện blog, hệ thống thông tin không còn là nhiều luồng nữa, mà là trăm luồng, ngàn luồng, vạn luồng, triệu luồng ...


Khơi Luồng Thông Tin


Thật là xấu hổ khi trên thế giới ngày nay thông tin đã được khơi lên đến muôn vạn luồng trong khi đất nước chúng ta dưới sự cai trị độc đoán của đảng và nhà nước vẫn chỉ có một luồng thông tin. Đất nước chúng ta chỉ có thể có cơ hội khá hơn, tốt hơn khi thông tin được khơi rộng từ nhiều luồng khác nhau. Chúng ta hãy nỗ lực kêu gọi mọi người, mọi giới, mọi tầng lớp cùng nhau tận dụng mọi nguồn thông tin khác nhau để mở rộng, chia sẻ những thông tin cần thiết đến với tất cả quần chúng. Chúng ta hãy nỗ lực kêu gọi thành phần trí thức, sinh viên, doanh thương là những thành phần đi đầu về kiến thức, về khả năng, hãy tận dụng và quảng bá các phương tiện thông tin như web, blog, yahoo groups, ... để chia sẻ những thông tin hữu ích bị nhà nước cấm cản. Thông tin nhiều luồng sẽ là bước đầu trong tiến trình thay đổi đất nước chúng ta.

Nhân Vật Nữ Của Năm 2005 (CT18)

Đặng Huy Lực


"Chẳng thà bị mất mạng vì sự trả thù của những con thú đàn áp đó, nhưng không thể mất quyền đòi hỏi công lý nghiêm minh" - Mukhtar Mai


Ngày 24-10 và 6-11-2005, báo Tuổi Trẻ điện tử đã đăng hai bản tin rất đáng ca ngợi ở mục Thế Giới, và cũng rất đáng để độc giả suy ngẫm hay tìm hiểu thêm. Bản tin thứ nhất viết về trường hợp bà Mukhtar Mai ở Pakistan bị cưỡng hiếp tập thể. Bản tin thứ nhì viết về giải thưởng "Người Phụ Nữ Trong Năm", do tạp chí Glamour ở Mỹ trao cho bà Mukhtar Mai.

Pakistan, còn được gọi là Hồi Quốc, sát cạnh Ấn Độ, cho tới nay vẫn còn lưu giữ hai đặc tính xã hội cổ đại: một là áp chế phái nữ; hai là phép vua thua lệ làng. Phụ nữ ở đây là nạn nhân trực tiếp và trường kỳ của cả hai tập quán thiếu văn minh và vô nhân vị đó. Họ không được đi học và không có quyền phát biểu trước đám đông. Họ thường xuyên bị sử dụng để khất nợ hay trừ nợ. Họ vẫn còn bị trừng trị bằng cách ném đá tới chết (gọi là karo-kari), về những tội danh được phán xét tùy tiện bởi các tiên chỉ trong làng, nhân danh bảo vệ chữ "danh dự" của cả làng. Đặc biệt là từ sau cuộc đảo chánh 1977 của tướng Zia ul-Haq, các đạo luật HudoodQisas-Diyat đã trở thành tai ương cho phái nữ ở đây. Theo luật Hudood, một phụ nữ bị cưỡng hiếp phải trình làng 4 nhân chứng phái nam để minh chứng sự kiện, bằng không thì bị coi là quan hệ nam nữ bất chính (nhiều phần là sẽ chịu án ném đá). Còn theo luật Diyat thì thân nhân của người bị giết có hai chọn lựa trước khi khiếu nại với cảnh sát: hoặc là tha thứ cho kẻ sát nhân, hoặc là nhận tiền tử và miễn tố.

Trường hợp của bà Mukhtar Mai bi thảm hơn người ta có thể mường tượng. Em trai 12 tuổi của bà bị nghi ngờ là có đi dạo với một tiểu thơ thuộc một thị tộc quyền thế trong làng Meerwala, hồi giữa năm 2002. Hội đồng tiên chỉ Jirga của làng nhóm họp và phán quyết hình phạt theo quy luật "mắt trả mắt, răng trả răng": Vấn đề "xúc phạm thế tộc" này chỉ có thể giải quyết bằng cách cho phía quyền chức được phép cưỡng hiếp tập thể đối với bà Mukhtar Mai để gỡ huề tiếng thơm cho dòng dõi của họ. Bốn người bên kia thực hiện xong luật trả thù đó trước mặt 200 người khác, còn buộc bà phải đi bộ về nhà trong tình trạng lỏa thể trước công chúng cả làng.

Hầu hết những nạn nhân bị cưỡng hiếp ở đây đã nín lặng và chọn cái chết cho đỡ nhục. Bà Mukhtar Mai không vậy. Bà không thể cúi đầu trước một băng đảng lão làng cường quyền vô đạo. Nỗi nhục bị hiếp nhỏ hơn nỗi nhục đồng lõa với cầm thú. Bà không thể dung dưỡng tội ác bằng sự câm nín. Bà quyết định đưa nội vụ ra ánh sáng công lý, cho dù bà là người mù chữ. Quyết định này đã gây chấn động toàn cõi Pakistan, và xuất hiện trên trang nhất làng báo quốc tế. Đây không chỉ đơn thuần là một vụ hình sự. Bà Mukhtar Mai đã đơn phương thách thức lại cả một hệ thống luật pháp cổ hủ, một truyền thống tộc trưởng toàn trị, một tập quán áp chế phi nhân, và một bức màn húy kỵ bao che tội ác bằng cách nhân danh "tiếng tốt" của địa phương. Bà cho rằng: "Chẳng thà bị mất mạng vì sự trả thù của những con thú đàn áp đó, nhưng không thể mất quyền đòi hỏi công lý nghiêm minh". Và bà đã thắng, nhờ dư luận hậu thuẫn cho lẽ phải. Bà đã dùng số tiền bồi thường để xây cất hai ngôi trường cho trẻ em gái ngay tại địa phương, với sự hỗ trợ của những mạnh thường quân, từ cả bên ngoài lãnh thổ Pakistan. Bà được thế giới biết đến qua lời phát biểu chân tình: "Giáo dục chính là sức mạnh... Nếu được giáo dục, người ta sẽ biết cách đấu tranh để bảo vệ lấy mình".

Nhưng không được bao lâu, những bị can trong vụ cưỡng dâm gỡ huề thế giá đó lần lượt được phóng thích vì nhiều lý do mơ hồ. Bà Mukhtar Mai lại phải tiếp tục đấu tranh để đưa vụ kiện lên tới tòa án tối cao, kể cả việc kêu gọi phụ nữ xuống đường. 14 tay vũ phu phải vào tù trở lại là điều cần thiết cho xã hội. Nhưng cần thiết hơn nữa là nguyên cả xã hội phải tỉnh thức và đồng lòng bài trừ tội ác đã lưu cửu thành truyền thống. Lẽ phải bấy giờ không ở bên cạnh bà nữa. Lẽ phải đã được chia đều cho đám đông. Lẽ phải đã thông đường bằng sức mạnh quần chúng tuy ôn hòa nhưng quyết liệt. Vụ việc bấy giờ đã lan rộng ra tới tầm quan trắc của thế giới. "Mukhtar Mai đã trở thành biểu tượng cho phụ nữ toàn cầu về lòng dũng cảm chống lại bất công trong xã hội", bà Nisha Varia của tổ chức Quan Sát Nhân Quyền Quốc Tế nhận định như vậy. Bà Mukhtar Mai đã được tuần báo Time-Asia của Mỹ vinh danh là Nữ Kiệt Á Châu (4-10-2004). Hệ thống truyền thông toàn quốc ABC của Mỹ đã xiển dương bà là Nhân Vật Trong Tuần (21-10-2005). Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã trang trọng giới thiệu bà trước dàn cử tọa sáng danh tại hội trường Lincohn ở New York (2-11-2005), trong dịp tạp chí Glamour vinh danh bà Mukhtar Mai là "Nhân Vật Nữ Của Năm 2005".

Ngay cả việc xuất cảnh để đi nhận các giải thưởng, bà Mukhtar Mai cũng đã gặp những trở ngại phiền phức của một cơ chế nhũng nhiễu. Tuy nhiên, chính quyền Pakistan sau cùng cũng phải đổi mới thủ tục hành chánh và quan niệm đối ngoại để bà sang Mỹ. Điều đó tốt, nhưng không quan trọng bằng những cải cách xã hội mà chính quyền Pakistan đã phải bắt đầu thực hiện và phải sớm hoàn tất trong thời gian tới, dưới áp lực quần chúng trong nước và sự chú mục của cà thế giới.

Chủ bút Cindi Leive của tạp chí Glamour cho biết tiêu chuẩn để đoạt giải phải là người "tin rằng nữ giới có thể thực hiện bất kỳ điều gì mà mình quyết tâm, và bà Mukhtar Mai đã biểu dương đầy đủ những phẩm chất đó hơn bất kỳ ai khác". Quyết tâm đầu tiên của bà Mukhtar Mai là bẻ gãy thói quen im lặng và chịu đựng của những người bị đàn áp: Phải nói lên khát vọng để cách tân xã hội. Quyết tâm gióng tiếng của bà đã làm thay đổi cả lịch sử nữ quyền ở Pakistan. Bà không chỉ làm gương cho quần chúng đứng lên đòi quyền làm người và giành lại nhân phẩm. Bà còn giáo dục cả một chính quyền đang nắm nguyên vẹn hệ thống công an, quân đội và tư pháp trong tay phải hành xử sao cho xứng đáng là những con người.

Lời Từ Chối Làm Nên Lịch Sử (CT18)

Lê Bá Thạch


Vào giữa thế kỷ 20, nước Mỹ vẫn còn là biểu tượng của nạn kỳ thị da màu. Suốt dọc các tiểu bang miền Nam nước Mỹ, những nơi công cộng đều được phân định rõ ràng lằn ranh chỗ nào cho người da đen được phép bước qua. Cả công xá, quán xá cho tới xe buýt.... Nhiều nơi còn yết thị những biển báo mang đầy tính miệt thị: "Cấm người da đen và chó vào". Luật Mỹ bấy giờ ở nhiều tiểu bang còn quy rõ rằng người da đen không được làm một số công việc nhất định, không được cư ngụ ở một số khu vực nhất định, và có bổn phận phải nhường chỗ cho người da trắng trên mọi phương tiện vận chuyển công cộng. Tình trạng này đã kéo dài từ đầu thế kỷ 20, và cả hai phía màu da đã chấp nhận như một sinh hoạt "bình thường". Cho tới ngày 1 tháng 12 năm 1955, bà Rosa Parks, 42 tuổi, người da đen làm nghề thợ may, ngụ tại thành phố Montgomery thuộc tiểu bang Alabama, quyết không chịu nhường ghế đang ngồi trên xe buýt cho một người đàn ông da trắng. Bà bị câu lưu và bị phạt 14 USD.

Trước đó đã từng có 2 người da đen đi xe buýt ở Alabama bị phạt vì tội không nhường chỗ cho người da trắng, nhưng bà Rosa Parks là người đầu tiên dám thách thức những bộ luật phân biệt chủng tộc tại Alabama lên tới Tối Cao Pháp Viện cấp liên bang. Động lực chính, theo lời bà kể lại, là vì bà tin rằng mọi người đều có quyền được đối xử bình đằng như nhau, và bà cho rằng đã phải chịu đựng tình trạng bất công đó quá lâu.

Phản ứng kế tiếp của người da đen ở thành phố này là tẩy chay hệ thống chuyên chở công cộng suốt 381 ngày, theo lời kêu gọi của Mục sư Martin Luther King Junior. Các phong trào đấu tranh bất bạo động đòi bãi bỏ sự kỳ thị da màu từ đó nổi lên khắp cả nước Mỹ, với thắng lợi sau cùng là quyền bình đẳng của mọi công dân Mỹ ngày nay, sau khi các điều luật vi hiến đã bị Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ loại bỏ. Từ đó, bà Rosa Parks được vinh danh là Bà Mẹ Của Đấu Tranh Nhân Quyền ở Mỹ.

Kết quả to lớn cho cả nước Mỹ là vậy, nhưng để được vậy cũng không phải đơn giản: Suốt thời gian hơn 300 ngày đó, khi chấp nhận tham gia cuộc đấu tranh bất hợp tác, tẩy chay không sử dụng phương tiện công cộng đó, thì nhiều gia đình người dân da đen vốn đã nghèo lại càng khốn khó hơn. Nhiều chủ nhân đã hăm dọa đuổi việc, gây khó dễ, và liên tục tạo muôn vàn áp suất lên thợ thuyền, công nhân da đen nếu họ không đến công xưởng đúng giờ; hoặc để mất ngày làm việc (do không đủ tiền để đi đến chỗ làm bằng phương tiện di chuyển khác, nên phải xin nghỉ làm v.v....). Nhiều người, gồm cả những người cao tuổi, đã phải thức từ 3, 4 giờ sáng để đi bộ đến chỗ làm cho kịp giờ, và nhiều đôi chân đã bật máu vì phồng da, sưng tấy suốt nhiều tháng trời ròng rã quyết tâm đi bộ. Việc đi chợ phải xách nặng lại đi bộ xa, đi đến bệnh xá, các buổi hẹn v.v.... đều dùng chính đôi chân mà giải quyết trong nhiều tháng hẳn nhiên là nhiều bất tiện và tốn kém thời giờ. Trong khi phương tiện thuận lợi hơn thì lúc nào cũng ở ngay sẵn trước cửa thôi thúc chờ đón, nhưng họ đã hạ quyết tâm, nhất định không dùng.

Chưa kể, nhiều gia đình người da đen đã mất việc vì nhà ở quá xa không thể đi bộ được, nhưng trong sự nghèo khó cực khổ hơn lúc bấy giờ của lũ con cái nheo nhóc, người dân da đen đã ý thức rất rõ, là dù gia đình họ có phải gánh chịu cam khổ trước mắt của quyết định đứng lên đấu tranh bất bạo động cho quyền lợi của cả sắc dân mình, thì kết quả thắng lợi cuối cùng cũng là vì chính tương lai lâu dài của thế hệ con cháu họ mai sau !!!

Do đó, việc đứng lên vì lẽ phải và đấu tranh cho công lý lúc nào cũng có những mất mát, thiệt thòi trước mắt, nhưng sau một thời gian, sự quyết tâm hợp quần của dân chúng sẽ mang lại những tác động chuyển đổi cả lịch sử một dân tộc. Nước Mỹ không những đã công nhận quyền bình đẳng của mọi sắc dân, điều này còn được ghi rõ vào các bộ luật nghiêm cấm tội kỳ thị, và đặc biệt là ngay trong học đường, các thế hệ trẻ từ cuối thập niên 50 tới nay đã được giáo dục tốt về việc đối xử bình đẳng với các bạn đồng lứa, trước khi ra giao tế ngoài xã hội.

Bà Rosa Parks qua đời vào ngày 24 tháng 10 năm 2005, trong lúc tiểu bang Alabama đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm một lời từ chối khiến cả lịch sử và văn hóa nước Mỹ sang trang.

Chuyện kể về bà Rosa Parks được viết thành nhiều quyển sách, nổi tiếng nhất là quyển "Sức Mạnh Thầm Lặng: Niềm Tin, Hy Vọng và Trái Tim của một phụ nữ đã làm thay đổi một Quốc Gia". Cho đến cuối đời, bà vẫn tin rằng sức mạnh đó không chỉ đến từ một lời kiên quyết chối từ, mà còn đến từ sự hưởng ứng của quần chúng trước lẽ phải.

Đây là một gương sáng cho nhân loại nói chung và cho người Việt nói riêng. Khởi đầu từ nỗ lực chấm dứt quốc nạn cường quyền và tham nhũng, Việt Nam cần gióng giã những lời chối từ vì lẽ phải, và sự hưởng ứng của quần chúng nhân dân sau đó, cũng vì công bằng và lẽ phải, về quyền làm người.

* Dữ kiện lấy từ bản tin trên VNexpress ngày 25/10/2005 và trên mạng Google

05 tháng 10, 2005

Khoảng Cách giữa Thành Phần Lý Tưởng Đấu Tranh và Đại Khối Quần Chúng (CT17)

Bất kỳ một chế độ nào không đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, chế độ đó sẽ phải sụp đổ. Đây là chân lý của lịch sử. Bên cạnh đó, nhìn vào những biến chuyển cận đại, mọi thay đổi dẫn đến chấm dứt độc tài đều bắt nguồn từ bốn yếu tố căn bản: (1) Áp lực đấu tranh từ quần chúng và thiểu số đấu tranh vì lý tưởng; (2) Sự phân hóa của chế độ độc tài; (3) Biến động lớn về kinh tế, xã hội hay chính trị; (4) Áp lực đến từ quốc tế. Trong 4 yếu tố này, áp lực đấu tranh từ quần chúng là chủ lực và quan trọng nhất. Nhìn vào thực tế nước ta ngày hôm nay, cả 4 yếu tố đều hiện hữu nhưng áp lực đấu tranh từ quần chúng, vốn quan trọng nhất, hiện vẫn còn yếu kém. Tại sao?

Mũi nhọn xung kích để xuyên phá bức tường cai trị, khơi mào cho sự đứng lên của quần chúng là một thành phần thiểu số đấu tranh vì lý tưởng. Nhưng nếu không có sự hỗ trợ của quần chúng thì thiểu số đấu tranh này dễ dàng bị cô lập và không đủ sức mạnh cần thiết để chấm dứt chế độ. Ngày hôm nay, sự hỗ trợ này vẫn chưa đạt được như ý vì giữa đại khối quần chúng và thiểu số lý tưởng vẫn còn nhiều khoảng cách. Để thấy rõ những khoảng cách này chúng ta cần duyệt qua nhiều góc cạnh khác nhau.


Trong những năm cuối thế kỷ 20 cho đến nay, nước ta đã dấy lên những đòi hỏi về Tự do, Dân chủ. Chúng ta có thể gắn liền những tên gọi Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Hà Sĩ Phu, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Trần Khuê, Nguyễn Đan Quế... với Tự do và Dân chủ. Với họ, Tự do, Dân chủ là khát vọng, là nền tảng, là động lực, là khẩu hiệu cho mọi cuộc đấu tranh. Đấy là nhu cầu sinh tử, là đích đến phải đạt được. Khát vọng này là khát vọng chung của cả dân tộc. Cùng lúc, bước vào thế kỷ 21 với sự đổi mới và mở rộng kinh tế để thoát hiểm của đảng, đa phần nhân dân ta đã bị cuốn theo cơn lốc kinh tế với nỗi lo khắc khoải cơm áo hàng ngày. Cuộc đời kĩu kịt mang nặng những bất công và hụt hơi với những đòi hỏi vật chất không ngừng nghỉ. Người ta trân quý đồng tiền hơn tự do vì tin rằng ‘có thực mới vực được đạo’, nhưng quên mất rằng không có đạo thì khó có thực; không có quyền tự do dân chủ, tự do định đoạt tương lai đời sống mình thì cũng chẳng có cả tự do buôn thúng bán bưng, tự do chạy gạo từng buổi. Nguyện vọng của mọi người là được yên thân làm ăn, có công ăn việc làm ổn định và viễn mộng thăng tiến cá nhân. Nguyện vọng này là nguyện vọng riêng, cho mỗi người và cho tương lai của riêng mình. Và đây là sự khác biệt căn bản thể hiện với câu nói của đa số quần chúng: 'khôn thì sống dại thì chết', chưa lo được thân mình và hiện tại thì đừng nghĩ tới người khác hoặc tương lai. Do đó, muốn có thêm sức mạnh hỗ trợ từ quần chúng, những người tranh đấu cho lý tưởng cần có phương hướng đấu tranh thích hợp, vừa tầm để vừa đáp ứng với nguyện vọng của người dân, vừa tiến hành cuộc cách mạng tâm thức để quần chúng hiểu rằng sự an toàn và thăng tiến cá nhân phụ thuộc vào sinh hoạt dân chủ và tự do của cả dân tộc.


Hình ảnh của Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn... là hình ảnh của những thanh niên lý tưởng kéo dài từ tinh thần của Nguyễn Thái Học, của Phạm Tất Đắc và bao anh hùng lịch sử khác. Đó là những con người can đảm, sẵn sàng chấp nhận những đe dọa của cường quyền, tự chọn cho mình một lối sống có lý tưởng, và dám hy sinh vì đại nghĩa. Đất nước lúc nào, thời nào cũng cần những con người lý tưởng như thế. Nhưng nhìn qua một khía cạnh khác, thì đấy cũng là biểu tượng của những hy sinh, mất mát. Biểu tượng này làm chùn bước đa phần những người bất mãn với chế độ, muốn làm một điều gì đó, nhưng bị sự sợ hãi bao vây theo năm tháng, bị đè nén nhiều tầng của guồng máy công an trị. Từ đó, những người đấu tranh trở thành những biểu tượng mà đa số chỉ đứng xa nhìn, ngưỡng phục nhưng không đến gần để sánh bước đồng hành.


Bên cạnh khoảng cách về ý muốn và lòng can đảm là sự khác biệt giữa nội dung truyền đạt tư tưởng đấu tranh và mức độ tiếp nhận của quần chúng. Những tư tưởng của Dương Thu Hương, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang... là những kiến thức cao tầm so với trình độ nhận thức và quan tâm của đa số nhân dân. Cuộc cách mạng tâm thức là cần thiết nhưng phải làm từng bước, phù hợp với nhận thức giới hạn của quần chúng vốn bao năm phải sống trong hệ thống tuyên truyền, nhồi sọ của bộ máy độc quyền thông tin, giáo dục một chiều.


Tóm lại, hãy khởi đi từ hình ảnh của Đỗ Nam Hải với những bà mẹ, em bé đi khiếu kiện. Hãy bắt đầu bằng việc hỗ trợ những đòi hỏi thực tế của người dân. Hãy đặt chân xuống vỉa hè, bước ra đồng ruộng, cởi áo khom lưng mặt đối đất lưng đội trời, để cùng với dân bắt đầu từ mối quan tâm của chính họ. Dân ta đang loay hoay ở chân núi. Đích đến là chóp núi cao xa với mây trời tự do và giấc mơ dân chủ. Nhưng hãy xây dựng từng nấc thang, bước từng bước ngắn, tay nắm tay với từng mong ước nhỏ nhoi của bác nông phu, anh công nhân, chị bán hàng, em chạy gạo. Từng bước nương tựa vào nhau sẽ giúp chúng ta thoát ra khỏi sự sợ hãi để đòi những điều nhỏ nhất liên quan đến đời sống của chính mình. Đòi hỏi cũng là những nấc thang để một ngày không xa, mọi người cùng nhận thức rằng, những đòi hỏi nhỏ, cho riêng mình chỉ có giá trị đích thực bền vững khi mà người dân thực sự làm chủ vận mệnh của đất nước. Và sự làm chủ thực sự này của nhân dân chỉ có được khi tự do, dân chủ được phục hồi trên đất nước Việt Nam.


Nhóm Chủ trương Canh Tân

Can Đảm Sống và Sống Can Đảm (CT17)

Cành Nam


"Tôi yêu thích con người biết cười trong gian khó, biết tạo được sức mạnh từ nỗi khổ đau và hun đúc lòng can đảm nhờ sự phản tỉnh" - Thomas Paine


Dưới chế độ độc tài, sự sống con người đôi khi còn kinh khủng gấp trăm lần hơn cái chết; nhưng cũng chính ở những nơi đầy gian khó ấy, giá trị đích thực của lòng can đảm đã biểu hiện. Hành động dám sống, trước nhất là trong đời sống bình thường, đã là một sự can đảm; và sau nữa, là dám sống cho đại sự lại càng là một sự can đảm cao quý. Bởi lẽ, can đảm đích thực không phải là dám chết, mà là dám sống ! Vấn đề là sống thế nào để vừa không đánh mất phẩm giá con người, vừa dũng cảm đấu tranh cho quyền được tự định đoạt lấy số phận chính mình, vừa không liều lĩnh thái quá để đương đầu với hiểm họa, trấn áp, bắt bớ một cách vô ích từ guồng máy công an bạo lực.

Câu hỏi tự vấn ‘sống thế nào thì gọi là đáng sống’ đã là tiền đề thúc đẩy các chiến sĩ dân chủ nước ta ý thức được sự cấp bách của nhu cầu phải đấu tranh cho quyền sống căn bản của con người và cho lợi ích chung của sự phát triển đất nước. Và sau khi bắt tay vào hành động, chắc hẳn các nhà đấu tranh cho dân chủ cũng đã từng tự hỏi: ‘làm thế nào để giữ mạng sống chính mình và thúc đẩy thêm ngày càng đông người phản tỉnh, ý thức tham gia cùng mình để tranh đấu cho quyền lợi của chính họ và cho cả nước?’.

Những câu hỏi này vô cùng quan trọng và cần có lời giải. Vì dưới chế độ độc tài, dân chúng chịu đựng áp bức triền miên, nhồi nhét bởi sự tuyên truyền qua năm tháng, khiến sự tuân phục vô điều kiện và quán tính sợ hãi đối với kẻ cầm quyền đã trở thành thói quen lâu đời, khó chữa. Trong môi trường bưng bít thông tin, khả năng tư duy bị thui chột, niềm tin vào chính sức mình để tạo thay đổi bị hủy diệt, và sự tin tưởng giữa người và người cũng xuống cấp, đã đưa đến hệ quả là cá nhân mỗi một người dân đã bị điều kiện hóa để trở thành những ốc đảo sống riêng lẻ, khó lòng hợp lực để tạo sức mạnh tổng thể hầu đòi hỏi tự do. Trạng thái tâm lý cho rằng mình chỉ là một hạt cát đơn độc trước sóng gió bất kỳ, không có sức mạnh trong tay để thay đổi hiện trạng, và luôn sống trong sợ hãi, đã giết chết mọi hành động tự phát của quần chúng. Ngay cả khi chứng kiến những tấm gương can đảm của các nhà đấu tranh cho dân chủ như Trần Khuê, Phạm Quế Dương, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Chính Kết, Đỗ Nam Hải, Dương Thu Hương, LM Nguyễn Văn Lý, HT Thích Quảng Độ, MS Nguyễn Hồng Quang v.v. vẫn không đủ sức thúc đẩy để người dân cùng đứng lên vì bên cạnh những vị này, còn có tấm gương tầy liếp của Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình v.v... vẫn còn đang đếm từng phút trấn áp trong nhà tù.

Để giải bài toán sợ hãi và thói quen phục tùng, vốn là hai nguyên nhân chính cản trở tiến trình giật sập mọi chế độ độc tài, các lực lượng dân chủ cần xét đến ít nhất là ba yếu tố: (1) Cường Điểm và Nhược Điểm của Chế Độ; (2) Những Phương Pháp Giành Lại Tự Do và (3) Khiển Dụng Thế Lực Quần Chúng. Từ ba vấn đề cốt lõi này hy vọng những lực lượng dân chủ có thể khai triển một kế hoạch chiến lược tổng quan; để từ đó hoạch định cụ thể những việc cần làm, hầu chấm dứt chế độ độc tài hiện tại.

Ba vấn đề nêu trên là những phạm trù lớn, đòi hỏi nhiều hơn là một bài viết ngắn này. Tuy nhiên, ở đây chúng ta thử lược qua vài nét khái quát của hai yếu tố đầu, để làm tiền đề cho những trao đổi, thảo luận giữa chúng ta về yếu tố thứ ba, Khiển Dụng Thế Lực Quần Chúng, trong những bài kế tiếp.

Dựa vào chính phủ chẳng ích gì ...Bạn phải dựa vào chính sự quyết tâm của mình mà thôi.... Hãy tự giúp mình bằng cách đứng chung lại với nhau... vun bồi sức lực cho những người đuối sức trong hàng ngũ... kết hợp lại với nhau, đoàn ngũ hóa ... và chắc chắn bạn phải thắng!'.
Charles Stewart Parnell

I. Cường Điểm và Nhược Điểm của Chế Độ:

Bất cứ chế độ độc tài nào tồn tại được chủ yếu là nhờ vào sự tập trung hết cả quyền lực vào tay một thiểu số. Tất cả của cải, tài sản quốc gia, phương tiện quân sự, mạng lưới công an, cơ chế xã hội, các định chế tài chánh, các tổ chức, đoàn thể, các phương tiện thông tin liên lạc, truyền thông, nhân vật lực ... đều nằm trong vòng kiểm soát chặt chẽ của giới lãnh đạo. Đây chính là sức mạnh và là nguồn thế lực chính trị tuyệt đối của chế độ.

Tuy nhiên, tất cả những nguồn lực này bền vững hay không và có thật sự là cường điểm của chế độ hay không, còn tùy thuộc vào mức độ chấp nhận chế độ, vào sự quy phục, hợp tác và tuân thủ của quần chúng. Không có sự hợp tác, tuân thủ của dân chúng và những định chế trong xã hội, quyền năng của chế độ sẽ bị suy giảm, và vô hiệu hóa dần những nguồn thế lực mà chế độ lệ thuộc vào để tồn tại. Chính vì ý thức được mấu chốt cơ bản này của việc duy trì thế và lực, nên các chế độ độc tài luôn thẳng tay đàn áp hầu ngăn chận những hành động hay ý kiến có khả năng đe dọa sự cai trị ‘chính thống’ của chế độ. Như câu nói ‘quần chúng nào thì chính quyền đó’; kẻ trị vì chỉ có thể cai trị khi quần chúng bị trị thụ động chấp nhận, ‘cho phép’ sự cai trị đó tiếp diễn. Không có sự ‘trợ giúp’, hợp tác của quần chúng, xuyên qua các định chế, không chế độ độc tài nào có thể tồn tại. Bạo chúa nào cũng phải mất ngôi cao nếu bị cả nước xem như kẻ thù; vấn đề chỉ là thời gian do ý thức mà hành động và phản kháng sao cho hiệu quả !.

Từ đó, chúng ta có thể hiểu được cường điểm của chế độ là khả năng trấn áp bằng bạo lực, bắt ép quần chúng vào thế phải tuân phục, nhưng đồng thời, nhược điểm của chế độ là tất cả những hình thức chống đối, bất phục tùng, chấm dứt hợp tác của quần chúng, nếu có thể kéo dài một thời gian, dù bị trấn áp, sẽ có khả năng làm suy yếu chế độ, rút dần lại các nguồn thế lực kể trên, để cuối cùng dẫn đến sự tan rã, chấm dứt chế độ ấy.

Ngoài ra, xét riêng những nhược điểm của chế độ độc đảng nước ta thì hiện có vô số những nhược điểm khác mà nếu minh định rõ, sẽ giúp cho các lực lượng dân chủ hoạch định được kế hoạch đấu tranh tổng thể. Những nhược điểm này, trong những bài sau, chúng ta sẽ trở lại một cách chi tiết hơn, chỉ xin tạm thời liệt kê vắn tắt ở đây:

  • Ý thức hệ bị soi mòn. Những bánh vẽ một thời và hình ảnh của lãnh đạo bị phơi bày trước ánh sáng, không còn thu phục, hay mị được ai.
  • Những chính sách nhà nước không đáp ứng nhu cầu của quần chúng và không giải quyết được những nan đề đất nước.
  • Sự kém hiệu năng của đảng viên các cấp đã khiến sự vận hành của guồng máy hành chánh ngày thêm vô hiệu quả và trở thành gánh nặng lên cơ chế vốn đã nặng nề của chính phủ.
  • Hiện tượng ‘làm ít khai nhiều’, báo cáo sai lạc, ‘nhào nặn’ dữ kiện từ các cấp đã khiến lãnh đạo không có những thông tin, con số chính xác hầu hoạch định chính sách đúng đắn.
  • Mâu thuẫn nội bộ, phân hóa trong hàng ngũ lãnh đạo, và tranh giành quyền lực từ thấp đến cao khiến sự vận hành, chỉ đạo, và thi hành lệnh lạc càng thêm khó khăn, đình trệ.
  • Hệ thống quyền lực hàng dọc luôn bị thách đố, lung lay vì sự tranh giành quyền lực cá nhân giữa các cấp và phe nhóm; góp phần làm soi mòn thêm quyền lực ở thượng tầng.
  • Giới trí thức, sinh viên... có những chỉ dấu thao thức, quan tâm đến thực trạng đất nước; và bắt đầu nẩy sinh những tư duy cấp tiến, không còn sẵn sàng chấp nhận thực tại v.v....

Với thời gian, những nhược điểm vắn tắt nêu trên sẽ ngày càng khiến chế độ mất hiệu năng, và khó giữ vững nếu gặp phải tình hình mang tính thách đố cao, hoặc khi phải đối phó với những chủ đích phản kháng có trọng tâm xuyên phá vào chính những nhược điểm của chế độ. Thế đánh nhắm vào điểm yếu của đối phương vẫn mang nhiều xác suất thành công cao hơn là nhắm vào thế mạnh của họ. Từ nhận định này, chúng ta thử xét xem có những biện pháp nào khả dĩ chấm dứt một chế độ độc tài; và từ đó, nhận diện sức mạnh của ta để tận dụng sức mạnh này của mình mà đánh vào những điểm nhược của đối thủ, hầu giành lại tự do cho cả nước.

II. Những Phương Pháp Giành Lại Tự Do (*)

Xuyên qua lịch sử đấu tranh của thế giới, có thể tạm liệt kê một số phương thức để giành lại quyền tự chủ trong một nước:

1. Phương thức Đấu Tranh Bạo Động
Phương thức này ngay lập tức cho chúng ta thấy là khi chọn cách này, chúng ta đã chọn đúng cách thức mà những kẻ đàn áp luôn nắm phần ưu thế. Tất cả vũ khí, quân đội, công an, phương tiện vận chuyển, chìa khóa nhà tù... đều nằm trong tay họ, và khi áp dụng cách này, chúng ta đang mang nhược điểm của mình để đối chọi với điểm mạnh hàng đầu của đối thủ.

2. Chiến Tranh Du Kích
Phương thức này thường dẫn đến số thương vong không nhỏ cho các lực lượng đối kháng, và sự thiệt hại đổ xuống đầu dân lành cũng không ít. Chưa kể, dù có thành công, các hệ quả tai hại từ chiến tranh du kích sẽ khiến đất nước thêm trì trệ một thời gian dài, và tiềm năng đất nước càng suy kiệt để có thể tái kiến thiết và thiết lập một chế độ dân chủ hiệu quả và nhanh chóng.

3. Đảo Chánh Quân Sự
Phương thức này có những điểm hại cần lưu ý. Đầu tiên, cách này cốt lõi là nhằm đoạt quyền sinh sát từ tay một thiểu số để trao lại cho một thiểu số khác bước lên thay thế, mà không nhất thiết là trao lại quyền lực đó cho toàn dân. Dân chủ không chắc sẽ được bảo đảm và không có những cơ chế, định chế cần thiết để loại trừ xác suất những kẻ cai trị mới có thể sẽ còn độc tài, phi dân chủ hơn cả những kẻ vừa bị lôi xuống.

4. Bầu Cử Có Giám Sát Quốc Tế
Năm 1990, tại Burma, và 1993 tại Nigeria, chúng ta đã từng kinh qua kết quả đắc cử của thành phần ứng viên đối kháng đã không hề được tôn trọng; và những ứng viên đắc cử vẻ vang đều bị trải qua đủ loại hù dọa, bắt bớ, trấn áp, kể cả thủ tiêu. Trong loạt bài sau, chúng ta có thể trở lại với những trường hợp mà bầu cử có các cơ quan quốc tế giám sát đã đưa đến sự thoát ách độc tài tại một số quốc gia, để thấy rằng muốn đạt kết quả thắng lợi cuối cùng bằng một cuộc bầu cử tự do, phải hội đủ một số điều kiện tiên quyết khác.

5. Giải Phóng Nhờ Thế Lực Nước Ngoài
Lực từ nước ngoài có thể là dưới dạng của công luận quốc tế, hay một siêu cường, cơ chế Liên Hiệp Quốc, hoặc những biện pháp cấm vận, phong tỏa chính trị, kinh tế của thế giới v.v. Khi người dân bị đàn áp lâu dài, đánh mất lòng tự tin vào sức mạnh của chính họ và của dân tộc, cộng thêm sự sợ hãi trở thành quán tính, thì hiện tượng tâm lý trông chờ vào sự giải phóng đến từ bên ngoài, để khỏi phải tự đấu tranh, tránh hy sinh mất mát, là điều có thể hiểu và thông cảm được. Tuy nhiên, sự chờ đợi này và nếu quả thật có xảy đến thì cũng không tốt đẹp gì cho chính dân tộc ấy bởi các lẽ:
  • Quốc gia nào cũng chỉ đặt ưu tiên quyền lợi của nước họ lên trên tất cả;
  • Quyền lợi chính trị hay kinh tế của nước họ sẽ định đoạt việc họ tích cực hỗ trợ ta hay bán đứng, bỏ rơi dân ta không thương tiếc;
  • Và thông thường, sau khi cân phân lợi ích cho họ, một chính phủ nước ngoài sẽ chỉ hỗ trợ lực đối kháng khi thành phần này đã lớn mạnh và có khả năng xoay chuyển tình hình. Không có được một lực lượng kháng cự mạnh mẽ ở trong nước thì khó có xác suất vận động được thế giới hỗ trợ, giải phóng dân ta.

6. Đấu Tranh Bất Bạo Động
Nhìn vào các quốc gia đã thoát ách độc tài gần đây như Estonia, Latvia, Ba Lan, Đông Đức, Tiệp, Lithuania v.v... nhờ vào sự phản kháng bất bạo động của nhân dân mà nên, khiến chúng ta thêm niềm tin rằng chấm dứt một chế độ độc tài là việc khả thi, có thể làm được. Vấn đề là biết phương thức để đánh đúng vào nhược điểm sinh tử của chế độ, có kế hoạch nhận diện và khiển dụng lực quần chúng, và khả năng gìn giữ cuộc đấu tranh ôn hòa, không để bị lôi cuốn vào trận thế bày sẵn của chế độ, cho họ lý cớ để sử dụng bạo lực, hầu tránh bị tiêu diệt hoặc gánh lấy những tổn thất có thể tránh được. Tuy nhiên, khi nói như thế không có nghĩa rằng nỗ lực đấu tranh chấm dứt một chế độ độc tài, dù bất bạo động, là bảo đảm không có thiệt hại, mất mát. Mọi phong trào kháng cự lại cái ác, đều đòi hỏi sự hy sinh và thời gian.

Tạm Kết

Trong bài tới, chúng ta sẽ thử trao đổi cái nhìn về những nguồn lực chính yếu của lực lượng dân chủ, phương thức đấu tranh nào giúp ta tận dụng sức mạnh của mình để xoáy thẳng vào nhược điểm của chế độ, và những kỹ thuật đấu tranh thực tiễn nào khả dĩ giúp quần chúng vượt qua nỗi sợ hãi và để lại sau lưng thói quen phục tùng để cùng nhau nỗ lực giải thể một chế độ độc tài. Nhận diện được thế lực quần chúng và khiển dụng thế lực quần chúng trong một kế hoạch đấu tranh bất bạo động sẽ là trọng điểm của bài kế tiếp.

Rất mong nhận được những cao kiến đóng góp và cơ hội trao đổi cùng các bạn nào cùng chung một niềm tin rằng dân Việt ta vẫn biết cười trong gian khó, biết tạo sức mạnh từ khổ đau, và biết hun đúc lòng can đảm nhờ sự phản tỉnh !

(*) Tài liệu tham khảo:
From Dictatorship to Democracy, by Gene Sharp

Ý Kiến Của Những Nắm Tay (CT17)

Lê Tiến Lực


Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tác giả của công trình 500KV thời tại vị, cũng là tác giả của một kiến nghị đổi mới cách đây 10 năm, nay vừa ký tên tán phát một bản "Đóng góp ý kiến vào báo cáo tổng kết lý luận và thực tiễn hai mươi năm đổi mới".

Đây là một bản "góp ý" khá công phu, trải rộng từ phạm trù lý luận qua tới kinh tế, xã hội. Công phu đến mức giới quan tâm đã bảo nhau hãy tạm gác qua một bên những nghi vấn về tác giả, hay số người tham vấn cho tác giả của văn bản, và chỉ nên chú tâm vào nội dung của nó. Đặc biệt là nội hàm tích cực của những góp ý trong đó.


Trước tiên, đó là những nhận định khá chính xác về lãnh đạo đảng, xuyên qua thực trạng cùn lụt và lạc hậu về mặt lý luận tư tưởng, mù mờ và bất cập về mặt đề hướng chỉ đạo, lúng túng và rối loạn về mặt quản trị điều hành. Chính xác, nhưng không mới lạ. Ngay cả những nhận định về nguyên nhân đưa tới thực trạng này cũng vậy. Không ai không biết rằng đó là hệ quả của một hệ tư duy công thần độc đảng bên trong một lũy tre kiến thức nông cạn và khép kín đã được lưu cữu lâu đời.


Ý niệm khai phá đầu tiên
chính thực nằm ở 3 chữ: "Chuyện Trong Nhà". Tương lai của một đất nước, của một dân tộc, không thể nào được tùy nghi định đoạt bởi một nhúm người nhân danh một chủ nghĩa phá sản, ứng xử bằng tác phong gia trưởng, tự cho phép độc nhất chính mình mò mẫm và cả quyền uy răn đe hay trừng phạt bất kỳ ai nghĩ khác. Quả thật, tiến trình cất cánh của Việt Nam không thể giải quyết theo tập quán khề khà phán ra chỉ thị. Nó phải là sự đồng thuận của nhiều khuynh hướng, trải qua một tiến trình tranh luận cởi mở và tương kính để tìm lấy những điểm chung tối hảo cho dân tộc. Rõ ràng, khả năng cất cánh của Việt Nam được đặt trên điều kiện ban đầu và phải có là một tiến trình dân chủ hóa đa nguyên đa đảng. Giá trị của mọi góp ý tiếp theo cũng sẽ được đo lường dựa trên điều kiện bức thiết này.


Ý niệm thứ hai
là việc phân định những "mã số" lỗi thời của một chủ nghĩa đã bị đào thải. Rốt ráo nhất cho cách giải quyết ở đây chính là đừng mất nhiều thì giờ thêm nữa để chứng minh cho nhau rằng đây là cái vòi voi hay cái đuôi voi rất đáng hay rất cần nhân danh ở tầm giai cấp, khi con voi đã chết, thịt da đã rữa. Cũng không nhất thiết phải ra sức gán ghép những ý nghĩa hậu tạo biến thành "luồng tư tưởng" cho bất kỳ một nhân vật nào, hầu níu kéo những say sưa một thời nay đã lạt phai, hay dựa vào cái "kim chỉ nam mơ hồ" đó để đấu đá nhau rằng phe này hay cánh kia chệch hướng. Khi đích nhắm của dân tộc Việt Nam là một tiến trình canh tân toàn diện từ con người đến môi trường và cơ chế của chính mình, thì chẳng có một chủ thuyết ngoại lai nào có thể là cái kim chỉ nam định hướng cho người Việt Nam; và cũng chằng một ai có thể nhân danh bất kỳ công trạng gì để áp đặt điều đó. Khi định hướng đúng đắn và phù hợp nhất với khát vọng của toàn dân là bệ phóng cất cánh của đất nước và thăng hoa của dân tộc, thì cái chệch hướng đầu tiên và sau cùng cần phải điều chỉnh chính là sự khẳng định vai trò lãnh đạo của bất kỳ một đảng nào đó ngay trên hiến pháp. Đồng thời, cũng phải tháo gỡ tức khắc những quan niệm hệ quả của nó là một nền kinh tế nhân danh thành phần chủ đạo (trường kỳ thua lỗ) của chủ nghĩa để tiếp tục bắt thằng què cõng thằng mù tiến vào bối cảnh kinh tế tri thức toàn cầu hóa của thế giới.


Ý niệm thứ ba
, không nhất thiết là để ghi công hay đổ lỗi cho một triều đại, nhưng rõ ràng là sự trì trệ của cả đất nước khởi nguồn từ mớ tư duy trì trệ của lãnh đạo, nhân danh bảo vệ đảng, bảo vệ CNXH, để "co kéo, kiềm chế những tiềm lực phát triển". Rất tiếc là những góp ý trong phần này của văn bản chưa có tính rốt ráo và thuyết phục. Giải pháp không hẳn chỉ nhằm lên án bọn tả khuynh hay đồng tình với bọn ít bảo thủ hơn trong cùng một đảng độc quyền, mà phải là một sinh hoạt công khai, cởi mở và minh bạch giữa nhiều đảng phái chính trị có cùng mục tiêu đưa đất nước đi lên chứ không vì vị trí của đảng mình.


Ý niệm thứ tư
, hệ quả trực tiếp tại chỗ của độc tài đảng trị, chính là tình trạng của đại khối đảng viên ngày nào còn nhân danh bảo vệ đảng thì ngày đó còn hội đủ điều kiện để đứng trên và đứng ngoài luật pháp. Nói cách khác, chính lãnh đạo đảng đã khuyến khích đảng viên hủ hóa (và tự tiện chà đạp nhân dân) khi tự mình xiển dương chủ trương "vì đảng" như một cứu cánh, và qua đó, tự mình có thể củng cố một thứ vị trí "thái thượng hoàng" cho cá nhân hay bè cánh. Quan niệm này cần phải được gột bỏ tức khắc trước khi hô hào mọi người "sống theo luật pháp", trước cả những cuộc bầu cử đại biểu quốc hội làm luật, khoan nói tới chuyện bàn thảo về một nền dân chủ pháp trị với những cơ chế độc lập và tự thân cân bằng quyền lực với nhau.


Ý niệm thứ năm
là nhu cầu vượt thoát ra khỏi tâm thức lệ thuộc sẵn có và kéo dài từ thời Commecon tới nay. Ở cấp vĩ mô, đó là tâm thức phải dựa vào một siêu cường nào đó để có quân viện, kinh viện hay quota xuất khẩu, hoặc tệ hơn, dựa vào đó để chứng tỏ với đảng viên là đảng được sự ủng hộ của thế giới. Ngày nào lãnh đạo còn độc quyền định đoạt thế dựa này, ngày đó Việt Nam vẫn còn là một quốc gia sản xuất gia công cho thế giới, và trong đảng vẫn còn nguyên trăm ngàn thứ cơ sở lý luận để kết án nhau là chệch hướng. Ở cấp vi mô, đó là tâm thức "xin-cho" treo dọc sợi dây vận hành từ trung ương xuống tới địa phương, và là cha đẻ của thái độ vênh vao ban phát ở mọi cấp, kể cả cấp tổ dân phố. Tâm thức lệ thuộc và phản ứng vênh vao này phải được cấp thời chấm dứt. Mỗi người dân và cả đất nước chỉ có thể khá hơn lên khi quyết tâm tự trang bị cho chính mình một tinh thần Tự Lập và Tự Lực để Tự Cường.


Ý niệm thứ sáu
, liên hệ tới tình trạng "nhũn não" của đội ngũ chuyên gia, bắt nguồn từ chính sách cán bộ của lãnh đạo, từ trong đảng ra tới ngoài xã hội. Nguyên nhân lớn nhất, cũng là một thú nhận rõ nhất và thẳng nhất của bản văn góp ý này, chính là lãnh đạo hoàn toàn thiếu bản lãnh nên đã phải dựa vào một số điều tự khẳng định mơ hồ như "lịch sử giao phó" và đã "tự lựa chọn mình theo phương pháp khép kín". Có nghĩa là không có ý kiến nào khác, đồng nghĩa với áp đặt. Giải pháp cho tình trạng này là phải tự mở rộng diễn đàn góp ý của chuyên gia và nhân dân, từ những vấn đề đặc thù của địa phương, chuyên biệt của ban ngành..., lên tới mức trưng cầu dân ý về những phương thức giải quyết các vấn nạn xã hội, đất nước. Đội ngũ chuyên gia hiện giờ không ít, cũng không thiếu kiến năng hay lương tri, chính là thành phần mũi nhọn tiên phuông trợ giúp cho lãnh đạo mở rộng tầm nhìn và khả năng quyết đoán. Quyết đoán cần kíp nhất là cổ võ sinh hoạt đa nguyên.


Ý niệm thứ bảy
liên hệ tới tập quán chính trị thụ động hai chiều, của cả thiểu số cai trị lẫn đại khối bị trị hiện nay: một bên cố nhân danh công lao và bạo lực cách mạng để giữ quyền làm sai; và một bên nhẫn nhục lo thân bên dưới áp suất của bạo lực giăng mắc, chỉ lo cái riêng mà xa dần những thảm nạn chung do bởi các chính sách sai lầm đó. Tóm gọn, cả hai phía đều cần gia tăng sức hiểu biết và sự hành xử đúng đắn về trách nhiệm và quyền hạn của mỗi người. Khởi đầu phải là những hiểu biết căn bản về Ý thức Dân Chủ của người dân, kế tiếp là nỗ lực xây dựng Môi Trường Dân Chủ của xã hội, và sau cùng mới là thiết kế những Cơ Chế Dân Chủ của quốc gia. Nhân quyền và Dân quyền sẽ được tôn trọng và bảo vệ từ đó, cả hai phía. Muốn vậy, bưng bít thông tin phải là chính sách cần được triệt tiêu trước tiên.

Nhìn chung, ngoài bảy ý niệm đáng kể bên trên, bản văn góp ý chỉ liệt kê thêm những điểm nhỏ là hệ quả trực tiếp hoặc gián tiếp của nó. Những điểm đáng ghi nhận nơi đây là:


Thứ nhất
, bảy ý niệm này được nêu lên như một nỗ lực tập hợp từ những nhân tố từng bức xúc trăn trở dài hạn, nghĩ suy cặn kẽ, cân nhắc kỹ lưỡng, trước khi chọn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm người ký tên bản văn góp ý.


Thứ hai
, những người có điều kiện đề xuất tới ông Kiệt không thể có nhiều, ở cả hai mặt khả năng lẫn sự tin cậy, nhưng là phần nổi nhỏ bé bên trên một tảng băng khổng lồ của giới quan tâm.


Thứ ba
, các đề xuất này ngày càng được nhiệt tình đón nhận và nhân sâu lan rộng trong giới quan tâm mà tự nó cũng phình nở, đặc biệt ở trang lứa U50 và U40 đang nắm giữ hầu hết các vị trí trung tầng trong guồng máy nhà nước hay ngoài thương trường.


Thứ tư
, đó đây trong bản văn, người đọc có thể bắt gặp những điểm không đồng ý (một phần hay hoàn toàn), nhưng tựu chung, nhiều người vẫn thừa nhận rằng đây là một khởi điểm khá tốt cho những trao đổi, chia sẻ sâu hơn vào từng vấn đề. Cái gốc của đa nguyên nằm ở tiến trình chia sẻ đó.


Sau cùng
, tranh đấu cho những ý kiến này biến từ chữ viết trở thành hiện thực sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực không ngừng và một quyết tâm cao độ. Không loại trừ xác suất biến từ những nắm tay trên giấy thành những nắm tay trên đường phố, hiệp lực cùng nhiều thành phần khác để quyết đòi cho bằng được những điều kiện thăng tiến cho chính mình và tương lai đất nước.