05 tháng 10, 2005

Khoảng Cách giữa Thành Phần Lý Tưởng Đấu Tranh và Đại Khối Quần Chúng (CT17)

Bất kỳ một chế độ nào không đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, chế độ đó sẽ phải sụp đổ. Đây là chân lý của lịch sử. Bên cạnh đó, nhìn vào những biến chuyển cận đại, mọi thay đổi dẫn đến chấm dứt độc tài đều bắt nguồn từ bốn yếu tố căn bản: (1) Áp lực đấu tranh từ quần chúng và thiểu số đấu tranh vì lý tưởng; (2) Sự phân hóa của chế độ độc tài; (3) Biến động lớn về kinh tế, xã hội hay chính trị; (4) Áp lực đến từ quốc tế. Trong 4 yếu tố này, áp lực đấu tranh từ quần chúng là chủ lực và quan trọng nhất. Nhìn vào thực tế nước ta ngày hôm nay, cả 4 yếu tố đều hiện hữu nhưng áp lực đấu tranh từ quần chúng, vốn quan trọng nhất, hiện vẫn còn yếu kém. Tại sao?

Mũi nhọn xung kích để xuyên phá bức tường cai trị, khơi mào cho sự đứng lên của quần chúng là một thành phần thiểu số đấu tranh vì lý tưởng. Nhưng nếu không có sự hỗ trợ của quần chúng thì thiểu số đấu tranh này dễ dàng bị cô lập và không đủ sức mạnh cần thiết để chấm dứt chế độ. Ngày hôm nay, sự hỗ trợ này vẫn chưa đạt được như ý vì giữa đại khối quần chúng và thiểu số lý tưởng vẫn còn nhiều khoảng cách. Để thấy rõ những khoảng cách này chúng ta cần duyệt qua nhiều góc cạnh khác nhau.


Trong những năm cuối thế kỷ 20 cho đến nay, nước ta đã dấy lên những đòi hỏi về Tự do, Dân chủ. Chúng ta có thể gắn liền những tên gọi Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Hà Sĩ Phu, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Trần Khuê, Nguyễn Đan Quế... với Tự do và Dân chủ. Với họ, Tự do, Dân chủ là khát vọng, là nền tảng, là động lực, là khẩu hiệu cho mọi cuộc đấu tranh. Đấy là nhu cầu sinh tử, là đích đến phải đạt được. Khát vọng này là khát vọng chung của cả dân tộc. Cùng lúc, bước vào thế kỷ 21 với sự đổi mới và mở rộng kinh tế để thoát hiểm của đảng, đa phần nhân dân ta đã bị cuốn theo cơn lốc kinh tế với nỗi lo khắc khoải cơm áo hàng ngày. Cuộc đời kĩu kịt mang nặng những bất công và hụt hơi với những đòi hỏi vật chất không ngừng nghỉ. Người ta trân quý đồng tiền hơn tự do vì tin rằng ‘có thực mới vực được đạo’, nhưng quên mất rằng không có đạo thì khó có thực; không có quyền tự do dân chủ, tự do định đoạt tương lai đời sống mình thì cũng chẳng có cả tự do buôn thúng bán bưng, tự do chạy gạo từng buổi. Nguyện vọng của mọi người là được yên thân làm ăn, có công ăn việc làm ổn định và viễn mộng thăng tiến cá nhân. Nguyện vọng này là nguyện vọng riêng, cho mỗi người và cho tương lai của riêng mình. Và đây là sự khác biệt căn bản thể hiện với câu nói của đa số quần chúng: 'khôn thì sống dại thì chết', chưa lo được thân mình và hiện tại thì đừng nghĩ tới người khác hoặc tương lai. Do đó, muốn có thêm sức mạnh hỗ trợ từ quần chúng, những người tranh đấu cho lý tưởng cần có phương hướng đấu tranh thích hợp, vừa tầm để vừa đáp ứng với nguyện vọng của người dân, vừa tiến hành cuộc cách mạng tâm thức để quần chúng hiểu rằng sự an toàn và thăng tiến cá nhân phụ thuộc vào sinh hoạt dân chủ và tự do của cả dân tộc.


Hình ảnh của Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn... là hình ảnh của những thanh niên lý tưởng kéo dài từ tinh thần của Nguyễn Thái Học, của Phạm Tất Đắc và bao anh hùng lịch sử khác. Đó là những con người can đảm, sẵn sàng chấp nhận những đe dọa của cường quyền, tự chọn cho mình một lối sống có lý tưởng, và dám hy sinh vì đại nghĩa. Đất nước lúc nào, thời nào cũng cần những con người lý tưởng như thế. Nhưng nhìn qua một khía cạnh khác, thì đấy cũng là biểu tượng của những hy sinh, mất mát. Biểu tượng này làm chùn bước đa phần những người bất mãn với chế độ, muốn làm một điều gì đó, nhưng bị sự sợ hãi bao vây theo năm tháng, bị đè nén nhiều tầng của guồng máy công an trị. Từ đó, những người đấu tranh trở thành những biểu tượng mà đa số chỉ đứng xa nhìn, ngưỡng phục nhưng không đến gần để sánh bước đồng hành.


Bên cạnh khoảng cách về ý muốn và lòng can đảm là sự khác biệt giữa nội dung truyền đạt tư tưởng đấu tranh và mức độ tiếp nhận của quần chúng. Những tư tưởng của Dương Thu Hương, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang... là những kiến thức cao tầm so với trình độ nhận thức và quan tâm của đa số nhân dân. Cuộc cách mạng tâm thức là cần thiết nhưng phải làm từng bước, phù hợp với nhận thức giới hạn của quần chúng vốn bao năm phải sống trong hệ thống tuyên truyền, nhồi sọ của bộ máy độc quyền thông tin, giáo dục một chiều.


Tóm lại, hãy khởi đi từ hình ảnh của Đỗ Nam Hải với những bà mẹ, em bé đi khiếu kiện. Hãy bắt đầu bằng việc hỗ trợ những đòi hỏi thực tế của người dân. Hãy đặt chân xuống vỉa hè, bước ra đồng ruộng, cởi áo khom lưng mặt đối đất lưng đội trời, để cùng với dân bắt đầu từ mối quan tâm của chính họ. Dân ta đang loay hoay ở chân núi. Đích đến là chóp núi cao xa với mây trời tự do và giấc mơ dân chủ. Nhưng hãy xây dựng từng nấc thang, bước từng bước ngắn, tay nắm tay với từng mong ước nhỏ nhoi của bác nông phu, anh công nhân, chị bán hàng, em chạy gạo. Từng bước nương tựa vào nhau sẽ giúp chúng ta thoát ra khỏi sự sợ hãi để đòi những điều nhỏ nhất liên quan đến đời sống của chính mình. Đòi hỏi cũng là những nấc thang để một ngày không xa, mọi người cùng nhận thức rằng, những đòi hỏi nhỏ, cho riêng mình chỉ có giá trị đích thực bền vững khi mà người dân thực sự làm chủ vận mệnh của đất nước. Và sự làm chủ thực sự này của nhân dân chỉ có được khi tự do, dân chủ được phục hồi trên đất nước Việt Nam.


Nhóm Chủ trương Canh Tân

Can Đảm Sống và Sống Can Đảm (CT17)

Cành Nam


"Tôi yêu thích con người biết cười trong gian khó, biết tạo được sức mạnh từ nỗi khổ đau và hun đúc lòng can đảm nhờ sự phản tỉnh" - Thomas Paine


Dưới chế độ độc tài, sự sống con người đôi khi còn kinh khủng gấp trăm lần hơn cái chết; nhưng cũng chính ở những nơi đầy gian khó ấy, giá trị đích thực của lòng can đảm đã biểu hiện. Hành động dám sống, trước nhất là trong đời sống bình thường, đã là một sự can đảm; và sau nữa, là dám sống cho đại sự lại càng là một sự can đảm cao quý. Bởi lẽ, can đảm đích thực không phải là dám chết, mà là dám sống ! Vấn đề là sống thế nào để vừa không đánh mất phẩm giá con người, vừa dũng cảm đấu tranh cho quyền được tự định đoạt lấy số phận chính mình, vừa không liều lĩnh thái quá để đương đầu với hiểm họa, trấn áp, bắt bớ một cách vô ích từ guồng máy công an bạo lực.

Câu hỏi tự vấn ‘sống thế nào thì gọi là đáng sống’ đã là tiền đề thúc đẩy các chiến sĩ dân chủ nước ta ý thức được sự cấp bách của nhu cầu phải đấu tranh cho quyền sống căn bản của con người và cho lợi ích chung của sự phát triển đất nước. Và sau khi bắt tay vào hành động, chắc hẳn các nhà đấu tranh cho dân chủ cũng đã từng tự hỏi: ‘làm thế nào để giữ mạng sống chính mình và thúc đẩy thêm ngày càng đông người phản tỉnh, ý thức tham gia cùng mình để tranh đấu cho quyền lợi của chính họ và cho cả nước?’.

Những câu hỏi này vô cùng quan trọng và cần có lời giải. Vì dưới chế độ độc tài, dân chúng chịu đựng áp bức triền miên, nhồi nhét bởi sự tuyên truyền qua năm tháng, khiến sự tuân phục vô điều kiện và quán tính sợ hãi đối với kẻ cầm quyền đã trở thành thói quen lâu đời, khó chữa. Trong môi trường bưng bít thông tin, khả năng tư duy bị thui chột, niềm tin vào chính sức mình để tạo thay đổi bị hủy diệt, và sự tin tưởng giữa người và người cũng xuống cấp, đã đưa đến hệ quả là cá nhân mỗi một người dân đã bị điều kiện hóa để trở thành những ốc đảo sống riêng lẻ, khó lòng hợp lực để tạo sức mạnh tổng thể hầu đòi hỏi tự do. Trạng thái tâm lý cho rằng mình chỉ là một hạt cát đơn độc trước sóng gió bất kỳ, không có sức mạnh trong tay để thay đổi hiện trạng, và luôn sống trong sợ hãi, đã giết chết mọi hành động tự phát của quần chúng. Ngay cả khi chứng kiến những tấm gương can đảm của các nhà đấu tranh cho dân chủ như Trần Khuê, Phạm Quế Dương, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Chính Kết, Đỗ Nam Hải, Dương Thu Hương, LM Nguyễn Văn Lý, HT Thích Quảng Độ, MS Nguyễn Hồng Quang v.v. vẫn không đủ sức thúc đẩy để người dân cùng đứng lên vì bên cạnh những vị này, còn có tấm gương tầy liếp của Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình v.v... vẫn còn đang đếm từng phút trấn áp trong nhà tù.

Để giải bài toán sợ hãi và thói quen phục tùng, vốn là hai nguyên nhân chính cản trở tiến trình giật sập mọi chế độ độc tài, các lực lượng dân chủ cần xét đến ít nhất là ba yếu tố: (1) Cường Điểm và Nhược Điểm của Chế Độ; (2) Những Phương Pháp Giành Lại Tự Do và (3) Khiển Dụng Thế Lực Quần Chúng. Từ ba vấn đề cốt lõi này hy vọng những lực lượng dân chủ có thể khai triển một kế hoạch chiến lược tổng quan; để từ đó hoạch định cụ thể những việc cần làm, hầu chấm dứt chế độ độc tài hiện tại.

Ba vấn đề nêu trên là những phạm trù lớn, đòi hỏi nhiều hơn là một bài viết ngắn này. Tuy nhiên, ở đây chúng ta thử lược qua vài nét khái quát của hai yếu tố đầu, để làm tiền đề cho những trao đổi, thảo luận giữa chúng ta về yếu tố thứ ba, Khiển Dụng Thế Lực Quần Chúng, trong những bài kế tiếp.

Dựa vào chính phủ chẳng ích gì ...Bạn phải dựa vào chính sự quyết tâm của mình mà thôi.... Hãy tự giúp mình bằng cách đứng chung lại với nhau... vun bồi sức lực cho những người đuối sức trong hàng ngũ... kết hợp lại với nhau, đoàn ngũ hóa ... và chắc chắn bạn phải thắng!'.
Charles Stewart Parnell

I. Cường Điểm và Nhược Điểm của Chế Độ:

Bất cứ chế độ độc tài nào tồn tại được chủ yếu là nhờ vào sự tập trung hết cả quyền lực vào tay một thiểu số. Tất cả của cải, tài sản quốc gia, phương tiện quân sự, mạng lưới công an, cơ chế xã hội, các định chế tài chánh, các tổ chức, đoàn thể, các phương tiện thông tin liên lạc, truyền thông, nhân vật lực ... đều nằm trong vòng kiểm soát chặt chẽ của giới lãnh đạo. Đây chính là sức mạnh và là nguồn thế lực chính trị tuyệt đối của chế độ.

Tuy nhiên, tất cả những nguồn lực này bền vững hay không và có thật sự là cường điểm của chế độ hay không, còn tùy thuộc vào mức độ chấp nhận chế độ, vào sự quy phục, hợp tác và tuân thủ của quần chúng. Không có sự hợp tác, tuân thủ của dân chúng và những định chế trong xã hội, quyền năng của chế độ sẽ bị suy giảm, và vô hiệu hóa dần những nguồn thế lực mà chế độ lệ thuộc vào để tồn tại. Chính vì ý thức được mấu chốt cơ bản này của việc duy trì thế và lực, nên các chế độ độc tài luôn thẳng tay đàn áp hầu ngăn chận những hành động hay ý kiến có khả năng đe dọa sự cai trị ‘chính thống’ của chế độ. Như câu nói ‘quần chúng nào thì chính quyền đó’; kẻ trị vì chỉ có thể cai trị khi quần chúng bị trị thụ động chấp nhận, ‘cho phép’ sự cai trị đó tiếp diễn. Không có sự ‘trợ giúp’, hợp tác của quần chúng, xuyên qua các định chế, không chế độ độc tài nào có thể tồn tại. Bạo chúa nào cũng phải mất ngôi cao nếu bị cả nước xem như kẻ thù; vấn đề chỉ là thời gian do ý thức mà hành động và phản kháng sao cho hiệu quả !.

Từ đó, chúng ta có thể hiểu được cường điểm của chế độ là khả năng trấn áp bằng bạo lực, bắt ép quần chúng vào thế phải tuân phục, nhưng đồng thời, nhược điểm của chế độ là tất cả những hình thức chống đối, bất phục tùng, chấm dứt hợp tác của quần chúng, nếu có thể kéo dài một thời gian, dù bị trấn áp, sẽ có khả năng làm suy yếu chế độ, rút dần lại các nguồn thế lực kể trên, để cuối cùng dẫn đến sự tan rã, chấm dứt chế độ ấy.

Ngoài ra, xét riêng những nhược điểm của chế độ độc đảng nước ta thì hiện có vô số những nhược điểm khác mà nếu minh định rõ, sẽ giúp cho các lực lượng dân chủ hoạch định được kế hoạch đấu tranh tổng thể. Những nhược điểm này, trong những bài sau, chúng ta sẽ trở lại một cách chi tiết hơn, chỉ xin tạm thời liệt kê vắn tắt ở đây:

  • Ý thức hệ bị soi mòn. Những bánh vẽ một thời và hình ảnh của lãnh đạo bị phơi bày trước ánh sáng, không còn thu phục, hay mị được ai.
  • Những chính sách nhà nước không đáp ứng nhu cầu của quần chúng và không giải quyết được những nan đề đất nước.
  • Sự kém hiệu năng của đảng viên các cấp đã khiến sự vận hành của guồng máy hành chánh ngày thêm vô hiệu quả và trở thành gánh nặng lên cơ chế vốn đã nặng nề của chính phủ.
  • Hiện tượng ‘làm ít khai nhiều’, báo cáo sai lạc, ‘nhào nặn’ dữ kiện từ các cấp đã khiến lãnh đạo không có những thông tin, con số chính xác hầu hoạch định chính sách đúng đắn.
  • Mâu thuẫn nội bộ, phân hóa trong hàng ngũ lãnh đạo, và tranh giành quyền lực từ thấp đến cao khiến sự vận hành, chỉ đạo, và thi hành lệnh lạc càng thêm khó khăn, đình trệ.
  • Hệ thống quyền lực hàng dọc luôn bị thách đố, lung lay vì sự tranh giành quyền lực cá nhân giữa các cấp và phe nhóm; góp phần làm soi mòn thêm quyền lực ở thượng tầng.
  • Giới trí thức, sinh viên... có những chỉ dấu thao thức, quan tâm đến thực trạng đất nước; và bắt đầu nẩy sinh những tư duy cấp tiến, không còn sẵn sàng chấp nhận thực tại v.v....

Với thời gian, những nhược điểm vắn tắt nêu trên sẽ ngày càng khiến chế độ mất hiệu năng, và khó giữ vững nếu gặp phải tình hình mang tính thách đố cao, hoặc khi phải đối phó với những chủ đích phản kháng có trọng tâm xuyên phá vào chính những nhược điểm của chế độ. Thế đánh nhắm vào điểm yếu của đối phương vẫn mang nhiều xác suất thành công cao hơn là nhắm vào thế mạnh của họ. Từ nhận định này, chúng ta thử xét xem có những biện pháp nào khả dĩ chấm dứt một chế độ độc tài; và từ đó, nhận diện sức mạnh của ta để tận dụng sức mạnh này của mình mà đánh vào những điểm nhược của đối thủ, hầu giành lại tự do cho cả nước.

II. Những Phương Pháp Giành Lại Tự Do (*)

Xuyên qua lịch sử đấu tranh của thế giới, có thể tạm liệt kê một số phương thức để giành lại quyền tự chủ trong một nước:

1. Phương thức Đấu Tranh Bạo Động
Phương thức này ngay lập tức cho chúng ta thấy là khi chọn cách này, chúng ta đã chọn đúng cách thức mà những kẻ đàn áp luôn nắm phần ưu thế. Tất cả vũ khí, quân đội, công an, phương tiện vận chuyển, chìa khóa nhà tù... đều nằm trong tay họ, và khi áp dụng cách này, chúng ta đang mang nhược điểm của mình để đối chọi với điểm mạnh hàng đầu của đối thủ.

2. Chiến Tranh Du Kích
Phương thức này thường dẫn đến số thương vong không nhỏ cho các lực lượng đối kháng, và sự thiệt hại đổ xuống đầu dân lành cũng không ít. Chưa kể, dù có thành công, các hệ quả tai hại từ chiến tranh du kích sẽ khiến đất nước thêm trì trệ một thời gian dài, và tiềm năng đất nước càng suy kiệt để có thể tái kiến thiết và thiết lập một chế độ dân chủ hiệu quả và nhanh chóng.

3. Đảo Chánh Quân Sự
Phương thức này có những điểm hại cần lưu ý. Đầu tiên, cách này cốt lõi là nhằm đoạt quyền sinh sát từ tay một thiểu số để trao lại cho một thiểu số khác bước lên thay thế, mà không nhất thiết là trao lại quyền lực đó cho toàn dân. Dân chủ không chắc sẽ được bảo đảm và không có những cơ chế, định chế cần thiết để loại trừ xác suất những kẻ cai trị mới có thể sẽ còn độc tài, phi dân chủ hơn cả những kẻ vừa bị lôi xuống.

4. Bầu Cử Có Giám Sát Quốc Tế
Năm 1990, tại Burma, và 1993 tại Nigeria, chúng ta đã từng kinh qua kết quả đắc cử của thành phần ứng viên đối kháng đã không hề được tôn trọng; và những ứng viên đắc cử vẻ vang đều bị trải qua đủ loại hù dọa, bắt bớ, trấn áp, kể cả thủ tiêu. Trong loạt bài sau, chúng ta có thể trở lại với những trường hợp mà bầu cử có các cơ quan quốc tế giám sát đã đưa đến sự thoát ách độc tài tại một số quốc gia, để thấy rằng muốn đạt kết quả thắng lợi cuối cùng bằng một cuộc bầu cử tự do, phải hội đủ một số điều kiện tiên quyết khác.

5. Giải Phóng Nhờ Thế Lực Nước Ngoài
Lực từ nước ngoài có thể là dưới dạng của công luận quốc tế, hay một siêu cường, cơ chế Liên Hiệp Quốc, hoặc những biện pháp cấm vận, phong tỏa chính trị, kinh tế của thế giới v.v. Khi người dân bị đàn áp lâu dài, đánh mất lòng tự tin vào sức mạnh của chính họ và của dân tộc, cộng thêm sự sợ hãi trở thành quán tính, thì hiện tượng tâm lý trông chờ vào sự giải phóng đến từ bên ngoài, để khỏi phải tự đấu tranh, tránh hy sinh mất mát, là điều có thể hiểu và thông cảm được. Tuy nhiên, sự chờ đợi này và nếu quả thật có xảy đến thì cũng không tốt đẹp gì cho chính dân tộc ấy bởi các lẽ:
  • Quốc gia nào cũng chỉ đặt ưu tiên quyền lợi của nước họ lên trên tất cả;
  • Quyền lợi chính trị hay kinh tế của nước họ sẽ định đoạt việc họ tích cực hỗ trợ ta hay bán đứng, bỏ rơi dân ta không thương tiếc;
  • Và thông thường, sau khi cân phân lợi ích cho họ, một chính phủ nước ngoài sẽ chỉ hỗ trợ lực đối kháng khi thành phần này đã lớn mạnh và có khả năng xoay chuyển tình hình. Không có được một lực lượng kháng cự mạnh mẽ ở trong nước thì khó có xác suất vận động được thế giới hỗ trợ, giải phóng dân ta.

6. Đấu Tranh Bất Bạo Động
Nhìn vào các quốc gia đã thoát ách độc tài gần đây như Estonia, Latvia, Ba Lan, Đông Đức, Tiệp, Lithuania v.v... nhờ vào sự phản kháng bất bạo động của nhân dân mà nên, khiến chúng ta thêm niềm tin rằng chấm dứt một chế độ độc tài là việc khả thi, có thể làm được. Vấn đề là biết phương thức để đánh đúng vào nhược điểm sinh tử của chế độ, có kế hoạch nhận diện và khiển dụng lực quần chúng, và khả năng gìn giữ cuộc đấu tranh ôn hòa, không để bị lôi cuốn vào trận thế bày sẵn của chế độ, cho họ lý cớ để sử dụng bạo lực, hầu tránh bị tiêu diệt hoặc gánh lấy những tổn thất có thể tránh được. Tuy nhiên, khi nói như thế không có nghĩa rằng nỗ lực đấu tranh chấm dứt một chế độ độc tài, dù bất bạo động, là bảo đảm không có thiệt hại, mất mát. Mọi phong trào kháng cự lại cái ác, đều đòi hỏi sự hy sinh và thời gian.

Tạm Kết

Trong bài tới, chúng ta sẽ thử trao đổi cái nhìn về những nguồn lực chính yếu của lực lượng dân chủ, phương thức đấu tranh nào giúp ta tận dụng sức mạnh của mình để xoáy thẳng vào nhược điểm của chế độ, và những kỹ thuật đấu tranh thực tiễn nào khả dĩ giúp quần chúng vượt qua nỗi sợ hãi và để lại sau lưng thói quen phục tùng để cùng nhau nỗ lực giải thể một chế độ độc tài. Nhận diện được thế lực quần chúng và khiển dụng thế lực quần chúng trong một kế hoạch đấu tranh bất bạo động sẽ là trọng điểm của bài kế tiếp.

Rất mong nhận được những cao kiến đóng góp và cơ hội trao đổi cùng các bạn nào cùng chung một niềm tin rằng dân Việt ta vẫn biết cười trong gian khó, biết tạo sức mạnh từ khổ đau, và biết hun đúc lòng can đảm nhờ sự phản tỉnh !

(*) Tài liệu tham khảo:
From Dictatorship to Democracy, by Gene Sharp

Ý Kiến Của Những Nắm Tay (CT17)

Lê Tiến Lực


Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tác giả của công trình 500KV thời tại vị, cũng là tác giả của một kiến nghị đổi mới cách đây 10 năm, nay vừa ký tên tán phát một bản "Đóng góp ý kiến vào báo cáo tổng kết lý luận và thực tiễn hai mươi năm đổi mới".

Đây là một bản "góp ý" khá công phu, trải rộng từ phạm trù lý luận qua tới kinh tế, xã hội. Công phu đến mức giới quan tâm đã bảo nhau hãy tạm gác qua một bên những nghi vấn về tác giả, hay số người tham vấn cho tác giả của văn bản, và chỉ nên chú tâm vào nội dung của nó. Đặc biệt là nội hàm tích cực của những góp ý trong đó.


Trước tiên, đó là những nhận định khá chính xác về lãnh đạo đảng, xuyên qua thực trạng cùn lụt và lạc hậu về mặt lý luận tư tưởng, mù mờ và bất cập về mặt đề hướng chỉ đạo, lúng túng và rối loạn về mặt quản trị điều hành. Chính xác, nhưng không mới lạ. Ngay cả những nhận định về nguyên nhân đưa tới thực trạng này cũng vậy. Không ai không biết rằng đó là hệ quả của một hệ tư duy công thần độc đảng bên trong một lũy tre kiến thức nông cạn và khép kín đã được lưu cữu lâu đời.


Ý niệm khai phá đầu tiên
chính thực nằm ở 3 chữ: "Chuyện Trong Nhà". Tương lai của một đất nước, của một dân tộc, không thể nào được tùy nghi định đoạt bởi một nhúm người nhân danh một chủ nghĩa phá sản, ứng xử bằng tác phong gia trưởng, tự cho phép độc nhất chính mình mò mẫm và cả quyền uy răn đe hay trừng phạt bất kỳ ai nghĩ khác. Quả thật, tiến trình cất cánh của Việt Nam không thể giải quyết theo tập quán khề khà phán ra chỉ thị. Nó phải là sự đồng thuận của nhiều khuynh hướng, trải qua một tiến trình tranh luận cởi mở và tương kính để tìm lấy những điểm chung tối hảo cho dân tộc. Rõ ràng, khả năng cất cánh của Việt Nam được đặt trên điều kiện ban đầu và phải có là một tiến trình dân chủ hóa đa nguyên đa đảng. Giá trị của mọi góp ý tiếp theo cũng sẽ được đo lường dựa trên điều kiện bức thiết này.


Ý niệm thứ hai
là việc phân định những "mã số" lỗi thời của một chủ nghĩa đã bị đào thải. Rốt ráo nhất cho cách giải quyết ở đây chính là đừng mất nhiều thì giờ thêm nữa để chứng minh cho nhau rằng đây là cái vòi voi hay cái đuôi voi rất đáng hay rất cần nhân danh ở tầm giai cấp, khi con voi đã chết, thịt da đã rữa. Cũng không nhất thiết phải ra sức gán ghép những ý nghĩa hậu tạo biến thành "luồng tư tưởng" cho bất kỳ một nhân vật nào, hầu níu kéo những say sưa một thời nay đã lạt phai, hay dựa vào cái "kim chỉ nam mơ hồ" đó để đấu đá nhau rằng phe này hay cánh kia chệch hướng. Khi đích nhắm của dân tộc Việt Nam là một tiến trình canh tân toàn diện từ con người đến môi trường và cơ chế của chính mình, thì chẳng có một chủ thuyết ngoại lai nào có thể là cái kim chỉ nam định hướng cho người Việt Nam; và cũng chằng một ai có thể nhân danh bất kỳ công trạng gì để áp đặt điều đó. Khi định hướng đúng đắn và phù hợp nhất với khát vọng của toàn dân là bệ phóng cất cánh của đất nước và thăng hoa của dân tộc, thì cái chệch hướng đầu tiên và sau cùng cần phải điều chỉnh chính là sự khẳng định vai trò lãnh đạo của bất kỳ một đảng nào đó ngay trên hiến pháp. Đồng thời, cũng phải tháo gỡ tức khắc những quan niệm hệ quả của nó là một nền kinh tế nhân danh thành phần chủ đạo (trường kỳ thua lỗ) của chủ nghĩa để tiếp tục bắt thằng què cõng thằng mù tiến vào bối cảnh kinh tế tri thức toàn cầu hóa của thế giới.


Ý niệm thứ ba
, không nhất thiết là để ghi công hay đổ lỗi cho một triều đại, nhưng rõ ràng là sự trì trệ của cả đất nước khởi nguồn từ mớ tư duy trì trệ của lãnh đạo, nhân danh bảo vệ đảng, bảo vệ CNXH, để "co kéo, kiềm chế những tiềm lực phát triển". Rất tiếc là những góp ý trong phần này của văn bản chưa có tính rốt ráo và thuyết phục. Giải pháp không hẳn chỉ nhằm lên án bọn tả khuynh hay đồng tình với bọn ít bảo thủ hơn trong cùng một đảng độc quyền, mà phải là một sinh hoạt công khai, cởi mở và minh bạch giữa nhiều đảng phái chính trị có cùng mục tiêu đưa đất nước đi lên chứ không vì vị trí của đảng mình.


Ý niệm thứ tư
, hệ quả trực tiếp tại chỗ của độc tài đảng trị, chính là tình trạng của đại khối đảng viên ngày nào còn nhân danh bảo vệ đảng thì ngày đó còn hội đủ điều kiện để đứng trên và đứng ngoài luật pháp. Nói cách khác, chính lãnh đạo đảng đã khuyến khích đảng viên hủ hóa (và tự tiện chà đạp nhân dân) khi tự mình xiển dương chủ trương "vì đảng" như một cứu cánh, và qua đó, tự mình có thể củng cố một thứ vị trí "thái thượng hoàng" cho cá nhân hay bè cánh. Quan niệm này cần phải được gột bỏ tức khắc trước khi hô hào mọi người "sống theo luật pháp", trước cả những cuộc bầu cử đại biểu quốc hội làm luật, khoan nói tới chuyện bàn thảo về một nền dân chủ pháp trị với những cơ chế độc lập và tự thân cân bằng quyền lực với nhau.


Ý niệm thứ năm
là nhu cầu vượt thoát ra khỏi tâm thức lệ thuộc sẵn có và kéo dài từ thời Commecon tới nay. Ở cấp vĩ mô, đó là tâm thức phải dựa vào một siêu cường nào đó để có quân viện, kinh viện hay quota xuất khẩu, hoặc tệ hơn, dựa vào đó để chứng tỏ với đảng viên là đảng được sự ủng hộ của thế giới. Ngày nào lãnh đạo còn độc quyền định đoạt thế dựa này, ngày đó Việt Nam vẫn còn là một quốc gia sản xuất gia công cho thế giới, và trong đảng vẫn còn nguyên trăm ngàn thứ cơ sở lý luận để kết án nhau là chệch hướng. Ở cấp vi mô, đó là tâm thức "xin-cho" treo dọc sợi dây vận hành từ trung ương xuống tới địa phương, và là cha đẻ của thái độ vênh vao ban phát ở mọi cấp, kể cả cấp tổ dân phố. Tâm thức lệ thuộc và phản ứng vênh vao này phải được cấp thời chấm dứt. Mỗi người dân và cả đất nước chỉ có thể khá hơn lên khi quyết tâm tự trang bị cho chính mình một tinh thần Tự Lập và Tự Lực để Tự Cường.


Ý niệm thứ sáu
, liên hệ tới tình trạng "nhũn não" của đội ngũ chuyên gia, bắt nguồn từ chính sách cán bộ của lãnh đạo, từ trong đảng ra tới ngoài xã hội. Nguyên nhân lớn nhất, cũng là một thú nhận rõ nhất và thẳng nhất của bản văn góp ý này, chính là lãnh đạo hoàn toàn thiếu bản lãnh nên đã phải dựa vào một số điều tự khẳng định mơ hồ như "lịch sử giao phó" và đã "tự lựa chọn mình theo phương pháp khép kín". Có nghĩa là không có ý kiến nào khác, đồng nghĩa với áp đặt. Giải pháp cho tình trạng này là phải tự mở rộng diễn đàn góp ý của chuyên gia và nhân dân, từ những vấn đề đặc thù của địa phương, chuyên biệt của ban ngành..., lên tới mức trưng cầu dân ý về những phương thức giải quyết các vấn nạn xã hội, đất nước. Đội ngũ chuyên gia hiện giờ không ít, cũng không thiếu kiến năng hay lương tri, chính là thành phần mũi nhọn tiên phuông trợ giúp cho lãnh đạo mở rộng tầm nhìn và khả năng quyết đoán. Quyết đoán cần kíp nhất là cổ võ sinh hoạt đa nguyên.


Ý niệm thứ bảy
liên hệ tới tập quán chính trị thụ động hai chiều, của cả thiểu số cai trị lẫn đại khối bị trị hiện nay: một bên cố nhân danh công lao và bạo lực cách mạng để giữ quyền làm sai; và một bên nhẫn nhục lo thân bên dưới áp suất của bạo lực giăng mắc, chỉ lo cái riêng mà xa dần những thảm nạn chung do bởi các chính sách sai lầm đó. Tóm gọn, cả hai phía đều cần gia tăng sức hiểu biết và sự hành xử đúng đắn về trách nhiệm và quyền hạn của mỗi người. Khởi đầu phải là những hiểu biết căn bản về Ý thức Dân Chủ của người dân, kế tiếp là nỗ lực xây dựng Môi Trường Dân Chủ của xã hội, và sau cùng mới là thiết kế những Cơ Chế Dân Chủ của quốc gia. Nhân quyền và Dân quyền sẽ được tôn trọng và bảo vệ từ đó, cả hai phía. Muốn vậy, bưng bít thông tin phải là chính sách cần được triệt tiêu trước tiên.

Nhìn chung, ngoài bảy ý niệm đáng kể bên trên, bản văn góp ý chỉ liệt kê thêm những điểm nhỏ là hệ quả trực tiếp hoặc gián tiếp của nó. Những điểm đáng ghi nhận nơi đây là:


Thứ nhất
, bảy ý niệm này được nêu lên như một nỗ lực tập hợp từ những nhân tố từng bức xúc trăn trở dài hạn, nghĩ suy cặn kẽ, cân nhắc kỹ lưỡng, trước khi chọn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm người ký tên bản văn góp ý.


Thứ hai
, những người có điều kiện đề xuất tới ông Kiệt không thể có nhiều, ở cả hai mặt khả năng lẫn sự tin cậy, nhưng là phần nổi nhỏ bé bên trên một tảng băng khổng lồ của giới quan tâm.


Thứ ba
, các đề xuất này ngày càng được nhiệt tình đón nhận và nhân sâu lan rộng trong giới quan tâm mà tự nó cũng phình nở, đặc biệt ở trang lứa U50 và U40 đang nắm giữ hầu hết các vị trí trung tầng trong guồng máy nhà nước hay ngoài thương trường.


Thứ tư
, đó đây trong bản văn, người đọc có thể bắt gặp những điểm không đồng ý (một phần hay hoàn toàn), nhưng tựu chung, nhiều người vẫn thừa nhận rằng đây là một khởi điểm khá tốt cho những trao đổi, chia sẻ sâu hơn vào từng vấn đề. Cái gốc của đa nguyên nằm ở tiến trình chia sẻ đó.


Sau cùng
, tranh đấu cho những ý kiến này biến từ chữ viết trở thành hiện thực sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực không ngừng và một quyết tâm cao độ. Không loại trừ xác suất biến từ những nắm tay trên giấy thành những nắm tay trên đường phố, hiệp lực cùng nhiều thành phần khác để quyết đòi cho bằng được những điều kiện thăng tiến cho chính mình và tương lai đất nước.

Thay Mùa (CT17)

Nguyễn Việt Ân


Cuộc đời có bao giờ dừng lại trên những than van ? Bao năm bụi mờ, gió bạt và cuộc sống vẫn lạnh lùng trôi. Những lang thang đã bước, xót xa đã viết thành văn, đớn đau đã kể thành lời. Và trở thành những âm vang đơn điệu buồn tẻ.

Trong giòng trôi chảy đó, có những người đang lầm lũi quét lá vàng khô dưới bầu trời xám đen ảm đạm. Chung quanh lá vẫn không ngừng rơi. Những nhịp chổi vẫn đều đều quét. Yên lặng. Kiên nhẫn. Chịu đựng. Can đảm với rét căm.


Ở bên kia con đường có những đám đông đang ngồi trong khung cửa ấm. Có những lố nhố người co ro dưới vỉa hè. Kẻ ngoảnh mặt. Người nhìn ra. Thỉnh thoảng một vài kẻ băng qua đường âm thầm nhập bọn với những người quét lá.


Thế rồi một buổi sớm mai, bầu trời ảm đạm và nhiều mây đen chợt biến mất, nhường chỗ cho nắng xuân quang đãng. Hai bên đường rộn ràng cỏ xanh, hoa bướm. Những chiếc lá vàng đã không còn nữa. Biến mất. Tưởng như một phép lạ. Và chồi xanh sống dậy. Tưởng như một bình thường.


Những người ngồi trong khung cửa ấm, những người co ro vỉa hè mùa mây xám cũ, bây giờ, đang ngả mình phơi nắng dưới bầu trời trong xanh. Đêm trước, họ đã băng qua đường.


Không nhìn thấy đâu những người quét lá năm xưa. Họ đã tỏa ra khắp bốn phương trời. Theo sau là những em bé tung tăng miệng cười. Những chiếc chổi trên tay đã được thay thế bằng những cái búa cái đinh. Và những ngôi nhà mới mọc.


Còn lại nơi góc vườn cũ là mảnh giấy bạc màu cắm vào thân cây từ mùa mây xám ảm đảm năm trước:
"Dù ta không làm được việc lớn để thay đổi bộ mặt xã hội, nhưng ta có thể làm được việc nhỏ. Từ việc nhỏ ta làm cũng có khả năng tác động việc lớn. Dù không đủ sức làm một cơn sóng lớn chấn động mặt hồ, nhưng với một giọt nước nho nhỏ, ta vẫn có thể làm mặt hồ chuyển động. Hãy góp nhặt mọi ươm mơ từ nhau, hãy để vòng tay nối với vòng tay, ước mơ nối với mơ ước. Đêm cuộc đời có còn dày đặc đi nữa nhưng trong ta, trong vòng tay đan chặt, nhất định sẽ vạch thấy ánh mặt trời, nhất định sẽ tìm thấy mùa xuân bên kia bờ khát vọng.

Người Canh Gác (CT17)

Franz Kafka


Tôi chạy qua người canh gác. Nhưng sợ hãi, tôi chạy ngược trở lại và nói: “Tôi đã chạy qua đây lúc ông đang nhìn đi chỗ khác”. Người canh gác nhìn chằm chằm về phía trước chẳng nói năng gì. Tôi thưa: “Tôi nghĩ đúng ra mình không nên làm như vậy.” Người canh gác vẫn không nói gì hết. “Ông im lặng nghĩa là tôi được phép đi qua phải vậy không?”

Chuyện Hầu Công (CT17)

Liu-Ji


Tại nước Châu có một ông lão sinh sống bằng cách nuôi một bầy khỉ để chúng làm việc cho ông. Người nước Châu gọi ông là "hầu công", tức ông chủ khỉ. Mỗi buổi sáng, ông tụ họp bầy khỉ và ra lệnh cho con già nhất chỉ huy cả bầy lên núi hái hoa quả. Ông có luật là mỗi con khỉ phải nộp cho ông một phần mười số hoa quả nó hái được. Con nào phạm luật sẽ bị đánh đòn không thương tiếc. Tất cả lũ khỉ cay đắng chịu đựng mà không dám kêu than. Một ngày nọ, một con khỉ nhỏ hỏi chúng bạn: “ Có phải ông già trồng tất cả các cây ăn trái trên núi không vậy ?” Ðám khỉ trả lời: “ Không, cây mọc tự nhiên thôi.” Chú khỉ nhỏ hỏi tiếp: “Không có phép của ông già thì mình không được hái quả sao ?” Ðám khỉ trả lời: “Mình vẫn hái được chứ.” Chú khỉ nhỏ lại tiếp tục: “Thế thì tại sao mình lại phải phụ thuộc vào ông già; tại sao mình phải cung phụng ông ấy?” Đột nhiên, cả bầy khỉ đột nhiên ngộ ra và bừng tỉnh. Ngay tối hôm ấy, chờ khi ông lão ngủ say, bầy khỉ phá cũi sổ lồng. Chúng lấy tất cả hoa quả mà ông lão dự trữ đem theo vào rừng và không bao giờ trở lại. Cuối cùng ông lão chết vì đói. Kết luận: “Trên đời có những kẻ cai trị người bằng mánh khóe chứ không bằng những nguyên tắc chân chính. Họ chẳng khác nào hầu công, không biết sự đần độn của mình. Vì một khi người ta bừng tỉnh thì những mánh khóe đó không còn hiệu lực nữa."

Tư Tưởng Cách Mạng (CT17)

Hùng Tâm


Nhà thơ Chế Lan Viên đã nói rằng: “Chẳng có óc tưởng tượng thì chẳng có gì hết”. Tôi cho rằng “Chẳng có tư tưởng thì chẳng có gì cả”. Và đó chính là chủ đề của bài viết này với một số quan điểm và lòng mong muốn có một tác động nhỏ đến với các bạn trẻ sinh viên đang học tập, nghiên cứu dưới mái trường trung học và đại học. Ở lứa tuổi này các bạn cần một môi trường để giúp các bạn hình thành rõ nét tư tưởng và nhân cách của mình thông qua việc học tập. Rất tiếc, chúng ta đang thiếu một môi trường giáo dục lành mạnh đó.

Theo tôi mục đích của một nền giáo dục văn minh là đào tạo chúng ta có khả năng nhận thức, dạy chúng ta biết yêu những gì đáng yêu, biết ghét những gì ta đáng ghét. Nhưng tiếc thay, từ trước đến nay chúng ta vẫn bị đào tạo một nền giáo dục ngục tù, phản động. Điều này đã có rất nhiều người phê phán và là nỗi đau đớn của nhiều thế hệ, là bi kịch của nước ta hàng mấy thập kỷ qua. Đảng cộng sản đã nhồi sọ cho chúng ta bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu ngụy biện phản tri thức, phản khoa học. Nền giáo dục áp đặt ấy không giúp ta sự phân biệt phải trái, nhận thức đúng nghĩa về Chân, Thiện, Mỹ mà còn cố tình làm lu mờ các giá trị đó. Nó giết chết khả năng nghi ngờ, một nhân tố để hình thành óc lập luận độc lập, quan điểm độc lập về một hiện tượng hay một sự vật. Nguyên nhân của hiện trạng giáo dục nước ta hôm nay, suy cho cùng, chính là hậu quả của một chế độ chính trị độc tài và thiển cận, với âm mưu trường kỳ là muốn biến những thần dân họ đang cai trị thành những kẻ nô lệ tinh thần. Đảng cộng sản muốn đất nước ta là cái xưởng sản xuất nô lệ tư tưởng. Đảng sử dụng bộ máy cai trị về tư tưởng bằng nhiều con đường như truyền hình, báo chí, phát thanh... và quan trọng nhất là qua con đường giáo dục đào tạo. Bằng những khẩu hiệu hô hào một cách khéo léo và có hệ thống quy mô, đảng đã tiêu diệt khả năng phân biệt đúng sai và biến bao nhiêu thế hệ người dân nước Việt thành những kẻ nô lệ tư tưởng, chỉ biết nhắm mắt ngoan ngoãn vâng dạ, nghe lời.

Nô lệ tư tưởng là thứ nô lệ tồi tệ nhất trong mọi thứ nô lệ. Quả thật, người ta có thể nô lệ về cơm áo, nô lệ về thân thể, nô lệ về công việc. Tuy nhiên, những thứ nô lệ này chỉ tạm thời về mặt thời gian và nó có thể được giải phóng dễ dàng. Còn nô lệ về tư tưởng là tự mình tạo ra cho mình một cái nhà tù và nó không dễ thay đổi cho đến khi tiếp thu một cách khoa học những tri thức mới. Nhưng phương pháp tiếp thu khoa học thì không được dạy và do vậy người ta sẽ rất khó tự phá bỏ các nhà tù của chính mình. Giáo dục nó ảnh hưởng đến nhân cách và hành vi con người vì một khi con người đã suy nghĩ một chiều theo cách của chế độ cai trị thì đó là thứ suy nghĩ bình quân, họ không có óc lập luận độc lập, họ trở thành những kẻ a dua theo đám đông, a dua theo chế độ. Vì không có óc phán xét, họ có thể chống lại những tư tưởng tiến bộ hay phong trào tiến bộ trong xã hội. Họ trở thành những kẻ luôn run sợ trước những thay đổi của xã hội.

Nền giáo dục bao nhiêu năm nay được những kẻ cai trị đưa ra đã nhồi sọ qua không biết bao nhiêu môn học vô bổ, nhất là các môn khoa học xã hội như sử học, văn học, luật học và đặc biệt là triết học và chính trị học. Họ giáo huấn cho sinh viên những luận điệu phản khoa học như yêu dân tộc yêu nước là yêu Đảng, yêu CNXH hay cho rằng học thuyết Mác Lê là những gì tinh tuý nhất của loài người. Nhà nước XHCN là kiểu nhà nước cuối cùng trong lịch sử vv…. Tôi không thể dẫn chứng hết ra đây, tôi chỉ xin nêu ra một ví dụ về một nhân vật lịch sử mà chế độ tuyên truyền đưa vào nhà trường, vào sách giáo khoa. Đó là hình ảnh anh hùng Lê Văn Tám. Cho đến đầu thế kỷ 21 này, dư luận mới rộ lên phản đối về một hình ảnh ngọn đuốc sống Lê Văn Tám. Thực tế Đảng đã dựng Lê Văn Tám để hy vọng có nhiều thanh thiếu niên sẽ bắt chước hành động của con ngưòi này. Thế nhưng giả sử nếu câu chuyện ấy dưới con mắt của một người có tư duy nghiên cứu lịch sử chắc sẽ đặt ra những câu hỏi như Lê Văn Tám chết vào ngày tháng nào ? sự kiện đó xảy ra ở đâu? có ai là những người làm chứng không ? kho đạn và kho xăng bị huỷ diệt có gần khu dân cư không ? có bao nhiêu người chết trong vụ này. Sự kiện ấy có đài báo trong nước và nước ngoài thông tin không ?. Hành động của Lê Văn Tám là hành động của một cá nhân hay của một tổ chức ? Tại sao một cậu bé mình đầy lửa có thể vượt qua cổng gác, chạy dài đến hàng trăm mét trước khi vào kho xăng ? v.v...

Thế đấy. Nền giáo dục này đã không dạy cho sinh viên, học sinh khả năng đặt câu hỏi nghi ngờ và có những lập luận độc lập. Điều đó đã đạt được mục đích của họ là dễ bề cai trị, củng cố duy trì chế độ độc tài, đặc quyền đặc lợi của đảng. Đảng muốn chúng ta lẫn lộn giữa dân tộc, nhân dân với chế độ và thực sự họ muốn ta lẫn lộn giữa văn học nghệ thuật với đạo đức, triết học với chế độ chính trị. Đảng muốn tiêu diệt những tư tưởng tự do và tiến bộ của quá khứ, trong hiện tại và tương lai. Đảng chính là kẻ thù của trí tuệ, của phát triển tư duy và của nhân cách con người. Đã đến lúc chúng ta phải làm cách mạng, phải phá tung những ngục tù của chính mình, phải đặt lại nghìn câu hỏi cho những gì đã và đang nhồi nhét vào đầu chúng ta. Làm chủ tri thức là bước đầu làm chủ vận mệnh của chính mình, là nền tảng dẫn đến việc thực sự làm chủ vận mệnh của xã hội chung quang và tương lai của đất nước. Hãy bắt đầu cho cuộc cách mạng tư tưởng của chính mình bằng một câu hỏi cho mọi điều trong đời sống: CÓ THẬT VẬY KHÔNG ?