05 tháng 11, 2005

Trong Luồng, Ngoài Luồng, Nhiều Luồng (CT18)

Thế Trân


Vào đầu tháng 11, tổng thống Bush tham dự hội nghị thượng đỉnh kinh tế tại Argentina để trao đổi về việc thành lập một vùng tự do mậu dịch của châu Mỹ. Tại đây, ông Bush đã gặp sự chống đối của các nhóm chống Mỹ biểu tình. Nhóm biểu tình bạo loạn đập phá, đốt cháy một số cơ sở thương mại. Tin tức về hội nghị cũng như sự chống đối biểu tình được loan tải rộng rãi qua giới truyền thông tại Mỹ và trên thế giới.

Cũng cùng thời gian này, chương trình ca nhạc, thời trang Duyên Dáng Việt Nam đến Úc biểu diễn tại thủ đô Canberra, và thành phố Sydney để kỷ niệm 60 năm thành lập Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Tại đây, chương trình này đã gặp sự chống đối biểu tình của cộng đồng người Việt nhằm phản đối việc nhà nước sử dụng văn nghệ để tuyên truyền đánh bóng cho chế độ. Các cuộc biểu tình với nhiều ngàn người Việt tại Canberra và hơn muời ngàn người tại Sydney đã được giới truyền thông Úc đăng tải. Trong khi đó báo chí của đảng ta thì loan tin chuyến trình diễn tốt đẹp, cũng không quên thòng thêm một câu nhắc đến "một số người Việt biểu tình" nhưng không đủ can đảm, hay không được phép để đưa hình ảnh của "một số người Việt biểu tình" này như thế nào.


Cũng cùng vào thời điểm này, bên trời Tây xảy ra cuộc nổi loạn bạo động của giới trẻ gốc di dân, hầu hết là dân Bắc Phi. Tỷ lệ nghèo, thất nghiệp, kỳ thị trong giới di dân này rất cao so với dân Pháp. Cuộc nổi loạn bắt đầu từ sự việc hai thanh niên bị cảnh sát rượt phải chạy trốn vào một trạm biến điện và bị điện giật chết. Tin tức bạo loạn kéo dài cả tuần lễ đã được loan truyền rộng rãi tại Pháp và trên thế giới.


Tương phản với sự việc này là vụ nổi loạn ở Tây Nguyên. Tất cả những gì chúng ta biết chỉ là một số người Thượng nổi loạn. Và biết rất giới hạn, một chiều. Chỉ có những ai theo dõi thời sự thì có thể biết và biết rõ sự việc qua những thông tin ngoài luồng từ các đài phát thanh RFA, BBC, Chân Trời Mới, v.v....


Bản tính con người thường thì đẹp khoe, xấu che. Nhưng trong một môi trường dân chủ với tự do thông tin như các nước Tây phương, các nước phát triển... thì chuyện xấu che không nổi, che không được. Và vì thế mà giới thẩm quyền, giới trách nhiệm phải có đủ can đảm để nhìn nhận sự thật, đối đầu, trực diện với những vấn đề của xã hội, của quốc gia. Trong khi đó các chế độ độc tài, nhất là độc tài cộng sản như Việt Nam ta, thì họ dùng quyền lực cai trị, sức mạnh của guồng máy kiểm soát để ngăn chận, bưng bít thông tin. Từ đó đưa đến một sự trớ trêu: các chế độ độc tài là những chế độ yếu nhất trên thế giới. Quyền lực toàn trị của họ chỉ để lộ ra sự tự ti, yếu kém khi không đủ can đảm để đối đầu với sự thật. Lịch sử thế giới đã cho thấy những chế độ độc tài tưởng chừng như rất mạnh nhưng khi tới giờ cáo chung của họ, họ sụp đổ rất lẹ. Đó là bằng chứng hùng hồn của sự yếu đuối của các chế độ độc tài.


Trong Luồng

Tại các nước độc tài, hệ thống thông tin (báo chí, truyền thanh, truyền hình...) nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước, do đó, hầu như mọi thông tin là trong luồng. Chỉ có những thông tin nào vừa ý nhà nước mới được loan tải, còn các thông tin còn lại bị bưng bít, ngăn chận bằng mọi cách. Những luồng thông tin khác từ giới đối kháng, từ quần chúng chỉ có thể lưu hành qua hệ thông tin ngoài luồng như báo chui, truyền miệng. Vì thế hệ thống thông tin của các nước độc tài chủ yếu là hệ thông tin trong luồng.

Ngoài Luồng


Ngược lại trong các nước tự do dân chủ, nhà nước tuy có những phương tiện thông tin riêng nhưng không thể xiết chặt tư duy giới truyền thông. Lại càng khó kiểm soát các phương tiện thông tin tư nhân vì phải bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Hệ thống thông tin tư nhân phát triển mạnh và đóng vai trò chân vạc để quân bằng những sai trái, thiếu sót của xã hội, của nhà nước bằng cách thông tin rộng rãi mọi tin tức xấu tốt. Với thông tin đầy đủ như thế, người dân có đủ dữ kiện để thực thi vai trò công dân của mình bằng cách áp lực quốc hội (qua các dân biểu, đại diện dân), bằng cách bỏ phiếu chọn người đại diện, chọn lãnh đạo đất nước, bằng sự tham gia đóng góp phần mình để tác động vào xã hội, làm xã hội thăng tiến, tốt hơn. Chính hệ thống thông tin chủ lực ngoài luồng tại các nước tự do dân chủ đã giúp cho các quốc gia này thăng tiến hơn.

Nhiều Luồng


Hệ thông tin ngoài luồng tại các quốc gia tự do, dân chủ cũng vẫn có những điểm tiêu cực của nó. Trước thời Internet bộc phát, các phương tiện thông tin với cỡ tầm vóc lớn như nhật báo, tạp chí, đài truyền thanh, đài truyền hình rất tốn kém, không phải ai cũng có khả năng làm chủ các phương tiện này. Do đó giới truyền thông tư nhân rơi vào tay các đại công ty, những chủ nhân giàu có. Và họ đều có những cách nhìn vấn đề riêng của họ và vì thế thông tin đến từ các hệ thống tư nhân này ít nhiều bị ảnh hưởng bởi tư duy, quan điểm của người chủ nhân. Những thông tin từ các nguồn khác không đủ sức chen chân, cạnh tranh để đến với quần chúng một cách rộng rãi.

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi Internet trở thành một phương tiện thông tin trọng yếu của thời đại hôm nay. Phương tiện web phổ thông, đại chúng, ít tốn kém, dễ thực hiện đã giúp cho các nguồn thông tin khác có chỗ chen chân vào để đem thông tin rộng rãi đến với mọi giới. Thông tin ngày hôm nay tại các quốc gia tự do dân chủ không còn giới hạn ở trong luồng của nhà nước , ngoài luồng của các đại công ty mà bung rộng ra nhiều luồng khác nhau.

Thế cũng chưa đủ. Phương tiện web vẫn còn tốn kém, không phải ai cũng biết thực hiện, do đó nguồn thông tin web vẫn giới hạn trong số người có kiến thức, có phương tiện tài chánh chút ít. Gần đây người ta sáng tạo ra phương tiện blog là một loại web mà ai cũng thực hiện được, không tốn tiền. Thông tin không còn giới hạn ở các nhóm, tổ chức, ở những người có kiến thức web nữa mà mở rộng ra cho tất cả mọi người. Với phương tiện blog, hệ thống thông tin không còn là nhiều luồng nữa, mà là trăm luồng, ngàn luồng, vạn luồng, triệu luồng ...


Khơi Luồng Thông Tin


Thật là xấu hổ khi trên thế giới ngày nay thông tin đã được khơi lên đến muôn vạn luồng trong khi đất nước chúng ta dưới sự cai trị độc đoán của đảng và nhà nước vẫn chỉ có một luồng thông tin. Đất nước chúng ta chỉ có thể có cơ hội khá hơn, tốt hơn khi thông tin được khơi rộng từ nhiều luồng khác nhau. Chúng ta hãy nỗ lực kêu gọi mọi người, mọi giới, mọi tầng lớp cùng nhau tận dụng mọi nguồn thông tin khác nhau để mở rộng, chia sẻ những thông tin cần thiết đến với tất cả quần chúng. Chúng ta hãy nỗ lực kêu gọi thành phần trí thức, sinh viên, doanh thương là những thành phần đi đầu về kiến thức, về khả năng, hãy tận dụng và quảng bá các phương tiện thông tin như web, blog, yahoo groups, ... để chia sẻ những thông tin hữu ích bị nhà nước cấm cản. Thông tin nhiều luồng sẽ là bước đầu trong tiến trình thay đổi đất nước chúng ta.

Không có nhận xét nào: