05 tháng 11, 2005

Sống Can Đảm vì Mục Tiêu Dân Chủ (CT18)

Cành Nam



‘Càng gần đến mục đích, càng nhiều khó khăn; nhưng ta hãy tiến bước như các vì sao, tiến bước bình tĩnh, không vội vàng, nhưng liên tục, lúc nào cũng hướng tới mục đích đã định’. (Khuyết danh)

Trong số báo trước, bài ‘Can Đảm Sống và Sống Can Đảm’, chúng ta đã cùng nhau lượng định sức mạnh của một chế độ độc tài đến từ đâu, và những nguồn thế lực này sẽ vì đâu mà tê liệt. Chúng ta cũng duyệt qua những phương thức đấu tranh đã được thế giới áp dụng trong lịch sử nhân loại để lật đổ ách độc tài. Chúng ta cũng phân tích lợi, hại, những yếu tố liên hệ, và phó sản của từng hình thức đấu tranh đối với tương lai đường dài của đất nước. Chúng ta cũng đã lược qua những nhược điểm của chế độ để biết đâu là tử huyệt để đánh đúng chỗ, hầu đưa cuộc tranh đấu giành tự do dân chủ đến thành công. Chúng ta cũng đã nhận định rằng đối kháng bằng quân sự là không đánh đúng vào điểm yếu nhất của chế độ độc tài mà chính là chọn cách đương đầu với thế mạnh nhất của họ, với vô số tổn thất có thể lường được trước. Từ đó, chúng ta đã nhận định rằng để giảm thiểu tối đa tổn thất, và để có điều kiện tập trung sức mạnh quần chúng, hướng vào nhiều lãnh vực đấu tranh đa dạng, phương thức hữu hiệu nhất là đấu tranh bất bạo động.

Trong bài này, chúng ta sẽ xét xem sức mạnh của lực lượng dân chủ chúng ta đến từ đâu. Những hình thức đấu tranh bất bạo động nào khả dĩ làm suy yếu chế độ, và làm thế nào để tận dụng và tổng hợp sức mạnh quần chúng vào cuộc đối kháng ôn hòa một cách hiệu quả.

I. Sức Mạnh của Lực Lượng Dân Chủ:

Nếu phản kháng bằng quân sự với vũ khí là súng, đạn, bom v.v., thì phương tiện tấn công của đấu tranh ôn hòa là sức mạnh quần chúng, là các định chế xã hội trong nhiều lãnh vực cấu tạo nên quốc gia như kinh tế, chính trị, y tế, giáo dục, tôn giáo v.v. Do đó, sức mạnh của lực lượng dân chủ nằm ở sức mạnh của khối quần chúng bị áp bức. Sức mạnh này nhiều hay ít do ở sự quyết tâm, lòng tự tin, và cách thức kháng cự của quần chúng. Ngoài ra, sức mạnh của lực lượng dân chủ còn nằm ở số lượng những đoàn thể xã hội độc lập. Nếu quần chúng chỉ là những cá nhân riêng lẻ thì sẽ không có số đông cần thiết để tạo sức xoay chuyển. Cũng vì thế, các chế độ độc tài đều chú tâm tiêu diệt các định chế xã hội ‘ngoài luồng’, và tập trung dân chúng vào những định chế, đoàn thể trong tầm kiểm soát của chế độ. Do đó, các lực lượng dân chủ cần nhìn ra vị trí chủ yếu của các đoàn thể, định chế xã hội cần phải có để nỗ lực tái dựng lại (nếu đã bị chế độ hủy diệt trước đó), hầu đoàn ngũ hóa quần chúng, tăng cường sức mạnh của mình.

II. Những Hình Thức Phản Kháng Bất Bạo Động:

Một chế độ độc tài chỉ có thể tồn tại nếu quần chúng tin tưởng vào lãnh đạo, và tiếp tục hợp tác, phục tùng chế độ. Một khi người dân ý thức được điều then chốt này, rằng chính người dân mới là lực lượng nắm trong tay quyền kiểm soát bình dưỡng khí của chế độ, thì việc chấm dứt một thiểu số đang cai trị là việc làm khả thi. Chỉ cần quần chúng khởi từ ý thức rõ rệt quyền làm chủ thực sự của mình, để từ đó, tùy vào cơ hội và điều kiện có được, để mỗi lúc, tắt dần liều lượng khí thở tiếp dưỡng cho chế độ, cho đến khi tắt hẳn nguồn sinh khí chế độ cần phải có, và cuối cùng là chấm dứt chế độ.

Việc quần chúng cắt nguồn dưỡng khí của chế độ có thể diễn ra qua ba hình thức: (1) Can thiệp, (2) Bất hợp tác và (3) Phản đối / Thuyết Phục. Thông thường, người ta cho rằng chỉ có thể áp dụng hai phương pháp đình công và biểu tình số đông khi đấu tranh bất bạo động; tức là hình thức phản đối. Thực ra, trong phản kháng chính trị ôn hòa, các nhà tranh đấu có thể áp dụng cả ba hình thức, từ thấp đến cao để huy động quần chúng đấu tranh qua nhiều phương thức từ tập trung số đông, biểu dương lực lượng ồn ào mang tính biểu kiến đến âm thầm phân tán, bí mật trải rộng hoặc khoanh vùng một số địa điểm ‘có tính chiến lược’ cho những kế sách lâu dài, ‘mưa dầm thấm đất’, nằm trong một kế hoạch chiến lược sáng suốt.

Trong ba hình thức phản kháng trên, loại phản đối, thuyết phục được tiến hành dưới dạng những cuộc biểu tình, diễn hành với số lượng người tham gia đông đảo, hoặc tán phát truyền đơn, diễn văn, thư phản đối, kiến nghị, tuyên ngôn, thỉnh nguyện thư tập thể, báo chui, tập dượt bầu cử (giả), hành hương, đêm không ngủ, tang lễ chính trị, tụ tập phản đối v.v....

Loại hình thức bất hợp tác có thể diễn ra trong nhiều lãnh vực chuyên biệt nhưng gây nhiều tác động lên chế độ nhất thì gồm có bất hợp tác xã hội, bất hợp tác kinh tế và bất hợp tác chính trị. Vài thí dụ về hình thức Bất hợp tác xã hội như tẩy chay các ngày lễ hội, các sinh hoạt giao tế của nhà nước, bất tuân tập thể các lề thói thông lệ xã hội do nhà nước đặt ra, rút lui khỏi các định chế xã hội, hô hào quần chúng bỏ đi vùng khác để gây nên tình trạng thiếu nhân công, tiêu thổ tập thể, sinh viên ngưng tham gia các sinh hoạt thể thao, xã hội, văn nghệ v.v. Bất hợp tác kinh tế gồm tẩy chay tiêu thụ hàng hoặc dịch vụ của một công ty quốc doanh nhà nước, hay một quốc gia đang có hành vi đàn áp nhân dân VN, tẩy chay một công ty môi giới không bảo vệ quyền lợi người dân, tự bãi công, đình công phản đối, bãi thị hàng loạt, bỏ ngang công việc, nông dân đình công, đình công liên đới giữa các ngành sản xuất, vận tải, và nhiều ngành kỹ nghệ cùng lúc. Bất hợp tác chính trị gồm hình thức phủ nhận chính quyền hay một chính sách nào đó của nhà nước, tẩy chay các lễ hội của nhà nước, tẩy chay các cuộc bầu cử, tẩy chay ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp, tẩy chay các tổ chức, cơ quan ngoại vi của chế độ, tẩy chay các luật lệ bất chính, trì hoãn và cản trở các nhân viên nhà nước, ngồi vạ hoặc từ chối tụ tập xiển dương nhà nước v.v....

Loại thái độ can thiệp bất bạo động có thể diễn ra trong phạm trù tâm lý, thí dụ như tuyệt thực, tự hứng khổ nạn, tự thiêu v.v. Trong phạm trù xã hội, vài hình thức can thiệp có thể kể đến việc tạo dựng các cơ chế xã hội khác để thay thế, cản trở diễn đàn thông tin của nhà nước, gây quá tải cho các cơ quan xã hội, hay tập thể tự quy định khuôn khổ xã hội mới v.v.... Vài thí dụ về can thiệp trong phạm trù kinh tế như in giấy bạc giả (vì động cơ chính trị), tạo lập thị trường khác thay thế, tạo lập hệ thống vận chuyển thay thế, xây dựng định chế kinh tế thay thế, làm tăng ca tối đa (ngược lại với đình công) v.v.... Và can thiệp về chính trị có thể là tiết lộ và tán phát danh tánh của công an, nhân viên chìm của nhà nước, hay gây quá tải hệ thống hành chánh, làm việc nhưng không cộng tác, hoặc tạo chủ quyền đối trọng và chính quyền song song v.v...

III. Tận Dụng Và Tổng Hợp Sức Mạnh Quần Chúng:

Những hình thức đấu tranh bất bạo động, dù trong những lãnh vực nào, căn bản vẫn là để đạt được mục tiêu chấm dứt ách độc tài để xây dựng dân chủ tự do đích thực. Do đó, những hình thức đấu tranh ôn hòa ở dạng chính trị vẫn phải là chủ yếu. Tuy thế, dù chọn lựa lãnh vực nào để khởi phát quần chúng đấu tranh, các nhà dân chủ đều cần bắt đầu từ chính mối quan tâm thiết thân của đa số quần chúng. Trong trường hợp dân chúng có nhiều ta thán trong lãnh vực kinh tế, hay xã hội, hoặc tôn giáo thì các hình thức đấu tranh tác động lên đúng những quan tâm đó của quần chúng sẽ có sự hưởng ứng tham gia đông đảo hơn; và vì thế sẽ là những phương pháp chống đối thích hợp nhằm thách đố và góp phần làm suy yếu quyền lực chế độ.

Một trong những trở ngại của lực lượng dân chủ là thuyết phục quần chúng tham gia vào cuộc đấu tranh chung. Nỗi sợ hãi bị chế độ đàn áp, trù dập và thói quen phục tùng khiến người dân ngại đứng lên tranh đấu. Phương thức phản kháng chính trị ôn hòa sẽ giúp cho quần chúng giảm đi nỗi sợ hãi và thói quen phục tùng cố hữu. Các nhà đấu tranh cho dân chủ thường lưu ý đến những hình thức đấu tranh uyển chuyển cần thiết để giúp người dân giảm bớt hoặc kềm chế được nỗi sợ hãi lúc ban đầu. Để giảm sự sợ hãi, quần chúng cần có thời gian làm quen với những hành động đấu tranh dễ làm, đơn giản, an toàn, mà thoạt nhìn vào, có thể không khác lắm với những thói quen, hành vi thường nhật. Thí dụ, thay vì tham gia tọa kháng rầm rộ, biểu kiến ngay, người dân có thể được cổ vũ làm những việc dễ như khi làm việc, cố ý ‘sai sót’ thay phiên nhau, hoặc cố ý làm việc chậm hơn một tí, hoặc đi làm trễ hơn một chút, hay cùng nhau lấy lý do bị đau ốm, hay ‘bị kẹt’ không đi làm được trong cùng 1 thời điểm. Người dân cũng có thể được kêu gọi tham dự các nghi lễ tôn giáo nào mang tính xác quyết lập trường chính trị, như một hình thức phản kháng chế độ âm thầm v.v...

Một yếu tố khác giúp cho nỗi sợ hãi giảm dần trong quần chúng đó là những nhà lãnh đạo quần chúng đấu tranh không thể để bị khiêu khích để phản ứng bạo động và tạo lý cớ cho chế độ đàn áp. Dĩ nhiên, dù nỗ lực tránh bạo động tối đa, nhưng đấu tranh ôn hòa vẫn có thể dẫn đến sự đàn áp không tránh khỏi của guồng máy công an bạo lực. Tuy thế, kinh nghiệm lịch sử cho thấy sự thiệt hại nhân mạng, hay bị thương tích trong cách phản kháng bất bạo động vẫn ít hơn là cách đấu tranh quân sự. Và chúng ta cần ghi nhớ yếu tố kỷ luật tự chế trong đấu tranh bất bạo động rất cần thiết để không rơi vào bẫy hay trận thế giăng sẵn của chế độ đương quyền.

Hầu thu hút và tổng hợp sức mạnh quần chúng, các nhà đấu tranh cho dân chủ giúp quần chúng đòi hỏi những nhu cầu thiết thân của họ với phương thức đấu tranh bất bạo động, bằng nhiều cách ôn hòa và đa dạng, trong khuôn khổ ‘cho phép’ hạn hẹp của chế độ, trong khi các phương thức đấu tranh khác không thể khai thác được hết. Ngoài tác dụng có thể đấu tranh một cách đa dạng trong nhiều lãnh vực, phương thức ôn hòa này còn giúp tranh thủ, thuyết phục, và tạo cơ hội cho nhiều thành phần quần chúng khác nhau có thể góp phần vào đấu tranh. Vì thành phần quần chúng nào cũng có thể tham gia tùy mức độ sẵn sàng và ý chí quyết tâm của họ. Trong ba thái độ từ can thiệp bất bạo động, đến bất hợp tác, đến phản đối chế độ, các nhà đấu tranh cho dân chủ đều có thể ứng dụng vào nhiều hình thức đấu tranh ôn hòa trong khắp mọi lãnh vực kinh tế, xã hội, tôn giáo, giáo dục, chính trị v.v. mà khối quần chúng đó quan tâm tuỳ thời điểm. Đây là thế đấu tranh toàn dân toàn diện hầu kết hợp sức mạnh tổng hòa của dân tộc.

Tạm Kết:

Khi quần chúng kềm chế hay giảm thiểu được sự sợ hãi để tham gia vào các hình thức bất hợp tác từ nhẹ nhàng, âm thầm, đến phản đối, thách đố, trực diện, là quyền lực của chế độ độc tài đang dần bị phá hủy. Khi quy tụ được sự tham gia của quần chúng, và liên minh, phối hợp được các định chế, đoàn thể xã hội ‘ngoài luồng’, là sức mạnh của lực lượng dân chủ đang dần gia tăng.

Chú thích: Tham khảo Tài liệu “From Dictatorship to Democracy’ của Gene Sharp

Không có nhận xét nào: