05 tháng 11, 2004

Dân Chủ và Dân Trí - Trước hay Sau (CT6)


Tạ Vũ


Thế rồi cuộc bầu cử đầy khó khăn thử thách tại Afghanistan cũng đã diễn ra vào ngày thứ bảy 9 tháng 10 năm 2004. Hơn 10 triệu cử tri, đa phần mù chữ và chỉ có thể bỏ phiếu bằng hình, đã vượt qua nỗi sợ hãi bởi các lời đe dọa của những thành phần tàn dư Taliban, vượt qua những đoạn đường đất vắt qua núi đồi hàng mấy chục cây số để đi bộ đến nơi bỏ phiếu. Không khí hồ hởi hiện rõ trên cả nước. Nhiều người dân Afghanistan trả lời các phái đoàn quốc tế đến giám sát cuộc bầu cử bằng nụ cười rạng rỡ với câu trả lời "chúng tôi rất mong cuộc bầu cử này sẽ đem lại hòa bình và an ninh". Những người bạo dạn hơn thì giải thích: "chúng tôi mong có một tổng thống để khỏi phải sống dưới ách các ông lãnh chúa và nhìn cảnh đổ máu triền miên".


Ngoại trừ một vài sự cố khiếu nại gian lận lẻ tẻ, hầu hết giới quan sát đều khen ngợi thành quả vượt bậc của chính phủ chuyển tiếp dưới quyền ông Hamid Karzai. Chỉ trong vòng 3 năm, đất nước này đã đi từ một chế độ độc tài, cuồng tín và bệnh hoạn sang một thể chế dân chủ cùng xu hướng với thời đại. Dân chúng Afghanistan từ vị trí có thể bị đánh đập bất cứ lúc nào trên đường phố không cần lý do sang vai trò quyết định ai sẽ lãnh đạo đất nước.

Nhưng rồi cũng chính hiện tượng "đổi đời" này khiến người ta bật lên câu hỏi: "Dân Afghanistan đã sẵn sàng cho thể chế dân chủ chưa ? "hay cụ thể hơn nữa: "Lá phiếu của những người còn mù chữ có mang giá trị gì không ?". Đây không phải là câu hỏi riêng cho người dân Afghanistan mà đã từng được nêu ra trong thời khởi đầu của hầu hết các nền dân chủ vững mạnh hiện nay. Cốt lõi của những câu hỏi đó là "Cần nâng cao Dân trí trước thì mới có thể chuyển sang một nền Dân chủ đúng nghĩa, hay phải có Dân chủ trước mới mong nâng Dân trí lên được ?"

Cuộc tranh luận này kéo dài hàng thế kỷ và bất phân thắng bại trên mặt lý thuyết. Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả giữa hai chọn lựa kể trên đã rõ như ngày và đêm. Cụ thể như tại Hoa Kỳ, không ai chối cãi là đã có hiện tượng kéo dài nhiều năm trong đó những kẻ giàu có khuynh loát hệ thống dân chủ để thao túng quyền hành cai trị trên một quần chúng nhân dân thiếu học. Nhưng trong thể chế dân chủ không ai có thể ngăn chặn quần chúng tiến lên bậc thang giáo dục hoặc độc quyền quyết định các lãnh vực giáo dục. Và thế là với mỗi thế hệ dân chúng đạt đến trình độ giáo dục cao hơn thì hệ thống dân chủ càng loại bỏ được những kẻ lạm quyền và quyền quyết định càng thuộc về quần chúng nhân dân. Nhìn sang các nước láng giềng của chúng ta, không ai chối cãi những cảnh đấm đá ngay tại quốc hội Đài Loan, cảnh các thủ tướng Hàn Quốc bị còng tay dẫn đi về tội tham nhũng, cảnh rối bời trong quốc hội Ấn Độ vì quá nhiều đảng phái. Nhưng đến hôm nay thì cả thế giới công nhận ba thể chế dân chủ đó đã trưởng thành và là nền tảng đẩy cả nền kinh tế lẫn mức độ dân trí tăng vọt.

Ngược lại, tại Trung Quốc và Việt Nam ta, cả hai chính phủ đều nhân danh trình độ dân trí thấp và nhu cầu ổn định, phát triển để ngăn cấm các sinh hoạt dân chủ. Câu hỏi đầu tiên: một chính phủ sau 50 năm không nâng nổi mức dân trí lên bằng các nước chung quanh, có đáng tiếp tục nắm quyền không ? Câu hỏi thứ hai: một chính quyền độc tài có muốn nâng cao dân trí để rồi phải đối diện với các đòi hỏi dân chủ trong dân chúng không ? Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn khẳng định chế độ độc tài thực dân Pháp chủ trương "ngu dân" để cai trị, còn chế độ độc tài, độc đảng hiện nay trên đất nước ta thì sao ?

Kế đến, hàng trăm nước trên thế giới suốt từ thế chiến 2 đến nay đã chứng minh ổn định xã hội lâu dài và phát triển kinh tế bền vững đòi hỏi phải có một nền tảng dân chủ làm hạ tầng. Cách duy trì ổn định bằng bộ máy cai trị công an chỉ là dấu đi những uất ức chờ ngày bùng nổ. Đồng thời, cách phát triển kinh tế cùng lúc với chính sách giới hạn dân trí chỉ dẫn đến nạn hủy hoại môi sinh, tăng tốc tham nhũng và băng hoại xã hội. Tất cả những điều này đang diễn ra tại nước ta ngày hôm nay!

Tóm tắt lại, Dân chủ không phải là phép lạ để cung cấp ngay một chính quyền toàn vẹn, nhưng Dân chủ là phương tiện hữu hiệu để chuyển biến hệ thống chính quyền ngày một tốt hơn mà không cần phải đổ máu. Quá trình xây dựng chính quyền bằng thể chế dân chủ được khởi động càng sớm, thì một Nhà nước đúng nghĩa càng chóng được đạt tới. Mọi lý lẽ viện dẫn "vì Dân trí thấp mà ngăn chặn Dân chủ" đều là những ngụy biện lạc hậu. Lạc hậu hơn cả đất nước Afghanistan dưới chế độ Taliban độc tài, cuồng tín và bệnh hoạn.

Canh Tân Con Người trong Hoàn Cảnh Việt Nam Hiện Tại: Làm Sao mà Đổi Mới (CT6)


Trần Thiên Ân

Trong bài trước (Canh Tân #5), chúng ta đã thấy đổi mới con người sau giai đoạn độc tài toàn trị chẳng qua là trở lại cái bình thường đã bị phá bỏ bởi chính sách toàn trị. Nhưng cái bình thường đó là cái gì và tại sao một chế độ được ca tụng là tốt đẹp không có chỗ nào chê mà lại phá bỏ cuộc sống bình thường của con người như vậy? Trước khi có chuyên chính vô sản và chủ nghĩa duy vật, cái bình thường là noi theo những lề thói hành xử được qui định bởi tam giáo Khổng Lão Phật. Noi theo thôi, chứ thực ra không phải ai cũng làm được đúng những tiêu chuẩn đó. Nhưng cho dù không làm được hết thì đó cũng là những tiêu chuẩn giá trị để phán xét, và như thế do phân biệt phải trái mà có được trật tự hài hòa xã hội tối thiểu. Cái trật tự đó nước ta hiện nay không có. Chỉ cần nhìn vào cảnh xe chạy ngoài đường hay đọc thoáng qua các chuyện trên báo hàng ngày là thấy. Có người bào chữa cho rằng đó là những hệ quả không tránh được khi đi theo kinh tế thị trường. Điều này đúng sai ra sao thì sẽ bàn tới sau. Nhưng mà ngay cả thời toàn trị nghiêm ngặt cũng không có nổi cái bình thường, khiến cho đạo diễn Trần Văn Thủy đã phải làm cuốn phim "Chuyện Tử Tế", khi mà tình hình đã có thể nói ra phần nào tâm sự. Ngay hiện tại, người để ý đối chiếu những điều nhà nước chính thức nói với những điều thực sự xẩy ra trước mắt hay thực sự nhà nước làm, cũng thấy rằng không có bình thường, vì rằng trắng bảo là đen, xấu khen là tốt.

Người ta đã nói nhiều về những chuyện con tố cha, vợ tố chồng thời cải cách ruộng đất, truyền miệng và trên thơ văn (không nhiều) của văn nghệ sĩ miền Bắc. Người ta kể lại vô số những bà con họ hàng miền Bắc làm lớn vào tiếp thu miền Nam năm 1975. Gặp anh em con cháu thì miệng nói rất thân thương tình nghĩa. Nhưng hoàn toàn ngoảnh mặt quay đi khi bà con miền Nam gặp những khó khăn có thể giúp đỡ. Ai cũng biết khi nói lời tốt đẹp chia xẻ tình nghĩa thì người ta cũng biết đến thế nào nào là tình nghĩa. Nhưng cái văn hóa toàn trị với đảng trên hết nó đã làm thui chột tất cả, chỉ còn để lại những lời khôn khéo dễ nghe. Để người nói tự an ủi rằng mình còn tình nghĩa, dù chỉ trong đầu óc, hay là vì đã quen nói những điều quan chức đảng muốn nghe dầu mình không nghĩ thế để tồn tại, mà cũng có thể là vì muốn phân bua rằng mình có tình nghĩa nhưng không thể làm được gì. Sống trong môi trường có sao nói vậy, người ở miền Nam chỉ thấy rằng "trăm voi không được bát sáo", lời nói khác xa việc làm và vì thế cho nên, miền Nam, sau một thời gian, đã xuất hiện câu "vào vơ vét về" chua chát.

Trong những ngày đầu cách mạng tháng 8, quả thật là có nhiều người đã hy sinh, theo tinh thần tổ quốc trên hếtđảng trên hết vì tin rằng đảng phục vụ tổ quốc. Nhưng khi đảng trở thành toàn trị thì không còn tổ quốc mà chỉ còn đảng đáng sợ, vì không theo đảng là chết chóc tù đầy. Cái sợ mà Nguyễn Tuân nói ra lúc cuối đời, cái ngoảnh mặt đi trước mọi bất thường, bất công, cái ù lì đồng ý , cái luồn lách kéo dài tới hiện nay, đã trở thành qui luật sống bình thường.

Nhắc lại những sự kiện trên không phải là để chê bai thêm những điều tệ hại đã và đang xẩy ra, mà chỉ để thấy rằng con người bất thường và hủ hoại không nhất thiết chỉ vì không biết điều bình thường, không hiểu điều tồi tệ, mà chỉ vì đã bị môi trường, hoàn cảnh, khiến phải như thế. Linh mục Nguyễn Ngọc Lan, (một người ở miền Nam hoạt động chống Mỹ cứu nước, nay đã lấy vợ bỏ tu) sau tháng 4/1975 trong bài viết "Hà Nội Tôi Thế Đấy" đã kể một chuyện lý thú trong chuyến ra thăm Hà Nội. Một kỹ sư Đông Đức đi thăm một nhà máy thấy người kỹ sư Việt Nam thao tác không có năng xuất, đã đẩy ông này ra, cầm lấy dụng cụ biểu diễn để hướng dẫn. Người Việt Nam không nói năng gì. Lúc trở lại chỗ làm, ông ra tay còn nhanh và khéo hơn người kỹ sư Đông Đức. Trước sự ngạc nhiên của người khách ngoại quốc, người công nhân Việt Nam nói vắn tắt "Ông có biết ông lĩnh lương gấp mấy lần tôi không? Làm như ông thì mấy lúc tôi ho lao chết?". Đấy là một cái bình thường bất bình thường ở dạng ít tiêu cực nhất ngay tại thủ đô dưới mắt của một người hoạt động miền Nam, trong niềm phấn khởi hân hoan sau khi đất nước thống nhất ra thăm Hà Nội xã hội chủ nghĩa tốt đẹp của "niềm tin yêu và hy vọng". Hiện nay, những người Việt nước ngoài về thăm nhà, ít ai mà không trải qua những chuyện bị làm khó dễ, từ hoạch họe giấy tờ đủ điều đến chuyện lục tung hành lý, kéo dài mấy tiếng đồng hồ để xét, nếu không chịu theo đúng qui luật "đầu tiên" là kẹp mấy đô la vào giấy tờ. Các nạn nhân chỉ lắc đầu, nhưng hiểu rằng những nhân viên đó phải như thế vì muốn làm ở hải quan thì phải nộp hối lộ và đóng hụi chết định kỳ. Và tự nhủ chỉ sẽ trở lại thăm quê hương nếu có lý do bất khả kháng.

Câu chuyện của ông Nguyễn Ngọc Lan và không biết bao nhiêu chuyện tương tự khác đã và đang xẩy ra cho thấy canh tân con người không chủ yếu chỉ là học theo kỹ thuật mới. Kỹ thuật đúng là cần cho con người đóng góp có hiệu năng và phẩm chất, nhưng không đủ, và không ích lợi, nếu không có tư thái hành xử bình thường, chưa nói đến là phải tích cực. Kỹ thuật học nhanh, từ vài tháng đến vài năm là đủ trở thành dùng được. Canh tân khả năng kỹ thuật chỉ mới là một phần tư công việc. Canh tân tư thái hành xử là một phần tư nữa. Tổng cộng mới đạt 50% yêu cầu. Để làm được chuyện canh tân trọn vẹn thì phải có môi trường và hoàn cảnh thuận lợi, như ta thấy sau khi nhìn lại những sự kiện nói trên, thì mới hoàn thành 100% công việc. Và như thế, tới đây chúng ta đã trả lời câu hỏi thứ hai khi ở phần mở đầu của bài này, là "làm sao đổi mới".

Nói cho rõ thì con người không thể đổi mới nếu không đổi mới cơ chế và môi trường xã hội.

Thực tế trước mắt cho thấy như thế. Lịch sử hay sách vở cũng cho thấy như thế. Đã có đi học qua lớp tiểu học, có lẽ ai cũng biết câu Án Tử đi sứ trả lời vua Tề trong Cổ Học Tinh Hoa "cây quít ở phía Nam sông Hoài thì ngọt ở phía bắc sông Hoài thì chua. Cùng một giống quít mà chua ngọt khác nhau, ấy là vì thủy thổ khác nhau vậy". Thủy thổ (đất và nước) thì ảnh hưởng lên cỏ cây hoa trái. Chế độ chính trị xã hội thì ảnh hưởng cách sinh hoạt và cư xử con người.

Canh tân cơ chế và môi trường xã hội phải tiến hành song song, nếu không muốn nói là tiến hành trước canh tân con người. Chúng ta sẽ không bàn luận ở đây về thứ tự trước sau này, vì nó cũng giống như tranh cãi trước sau của con gà và quả trứng. Khi nói tiến hành song song, thì chỉ có nghĩa rằng ta cần ý thức rõ nhu cầu tiến hành cả hai để có thể thành tựu sự nghiệp cách mạng canh tân đưa đất nước ra khỏi khổ nạn hiện nay và xây dựng đất nước trở thành thái hòa an lạc.

Xã Hội Công Dân và Dân Chủ Đa Nguyên (CT6)

Ngọc Châu


Ở một xã hội công dân, trong khi phấn đấu để phát triển đời sống cá nhân, người dân vẫn luôn luôn có tinh thần trách nhiệm để tự nguyện tham gia vào tiến trình phát triển chung của đất nước. Một xã hội thiếu tinh thần công dân khi mọi người chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng của gia đình và phó thác tương lai của đất nước cho người khác. Một xã hội mà mỗi người chỉ lo nhắm mắt làm giàu, không muốn hoặc không thể cộng tác với người khác để lo cho công việc chung thường là một xã hội đắm chìm trong đói nghèo, chậm tiến và mọi phát triển cá nhân chỉ là ngắn hạn và bấp bênh trong bối cảnh tụt hậu chung đó. Vì thế, chỉ khi nào người dân không nghĩ mình chỉ là một cá thể riêng biệt, mà thay vào đó, tự cho mình có trách nhiệm, bổn phận và khả năng góp phần ảnh hưởng lên guồng máy vận hành hoặc tương lai của cả quốc gia, thì ý thức công dân của xã hội đó sẽ phát triển, đất nước đó sẽ có cơ hội hưng thịnh.


Trong những nghiên cứu về ảnh hưởng của trình độ công dân với phát triển dài hạn của quốc gia, người ta thấy rằng thành quả của các chính sách cải tổ chính trị, dân chủ hóa không hoàn toàn lệ thuộc toàn bộ vào mức độ phát triển kinh tế, sự phồn vinh của xã hội mà còn tùy thuộc rất nhiều vào tinh thần công dân của nhân dân nước đó.

Ý thức công dân không phải tự nhiên mà có và không phải chỉ hiện hữu trong thời đại văn minh của thế kỷ 21. Từ nghìn năm qua, dân tộc ta đã xây dựng được ý thức công dân qua những truyền thống cỗ truyền và sinh hoạt làng xã. Tuy nhiên ý thức công dân đã bị xóa mờ trong khung cảnh của một nền chính trị độc tài toàn trị để rồi qua năm tháng, người dân đã mất hẳn tư duy và quyền hạn làm chủ vận mệnh của riêng mình, cũng như góp phần vào việc quyết định vận mạng chung của đất nước. Đó là chưa nói đến sự ì tính và tình trạng phá sản về tư thái con người do chủ thuyết cộng sản và guồng máy đảng trị gây ra theo năm tháng. Để xây dựng lại ý thức công dân đại chúng, giáo dục học đường là nền tảng khởi đầu. Tuy nhiên giáo dục không cũng chưa đủ. Môi trường sinh hoạt xã hội còn phải tạo điều kiện để tinh thần công dân được ươm mầm kết trái. Từ đó chúng ta cần nói đến thể chế Dân Chủ Đa Nguyên và mối tương quan giữa ý niệm này và ý niệm Xã Hội Công Dân.

Ngày hôm nay chúng ta nói nhiều đến nhu cầu dân chủ hóa. Tuy nhiên, qua nhiều nghiên cứu cũng như thực tế tại các nước dân chủ tiên tiến cho thấy mức độ ý thức công dân là yếu tố quan trọng nhất để nuôi dưỡng, bảo vệ và phát huy nền dân chủ lâu dài. Cốt lõi của tinh thần công dân là người dân kết hợp bởi ý thức về quyền lợi chung của quốc gia chứ không phải vì quyền lợi cá nhân hoặc phe nhóm. Ở một mức độ cao hơn, với tinh thần tôn trọng công ích chung, người dân tham gia những sinh hoạt xã hội, chính trị do sự thúc đẩy của tinh thần công dân nhiều hơn là động lực của lòng vị tha, bác ái. Nói cách khác, ý thức công dân dẫn đến nhu cầu cùng nhau làm chủ xã hội vốn là nền tảng căn bản của Dân Chủ. Do đó, ý niệm Xã Hội Công Dân cần phải song hành với ý niệm Xã Hội Dân Chủ trong tiến trình canh tân con người và canh tân đất nước.

Khi nói đến ý niệm Đa Nguyên trong cụm từ Dân Chủ Đa Nguyên, nhiều người thường giới hạn tính đa nguyên trong khuôn khổ chính trị, tức là sự hiện hữu và hoạt động của nhiều đảng phái với sự công nhận chính thức bởi hiến pháp và được bảo vệ và tôn trọng bởi luật pháp. Thực chất, đa nguyên chính trị chỉ là điểm đến cuối cùng trong tiến trình xây dưng nền dân chủ đa nguyên được thể hiện trong một biểu đồ kim tự tháp đi từ thấp đến cao như sau:


Trong mô hình kim tự tháp này, đa nguyên được bắt đầu từ nền tảng của sự đa dạng về tư tưởng và cách sống của mỗi cá thể. Không thể có đa nguyên khi con người bị thống trị bởi một tư tưởng, một chủ thuyết và mọi sự thể hiện tư tưởng, cách sống ngoài dòng thống trị đều bị ngăn cấm hoặc bị trù dập.

Khi có được đa nguyên trong tư tưởng, sinh hoạt cá nhân thì nhu cầu tìm đến nhau dựa trên những điểm chung của một số người sẽ xảy ra. Đây là nhu cầu xúc tác ban đầu để hình thành xã hội công dân với nhiều đoàn thể tư nhân, được thành lập một cách tự phát, với những sinh hoạt đứng ngoài vòng kiềm chế của nhà nước hoặc của đảng cầm quyền. Những tập hợp này không mang nặng tính chính trị như các hội thể thao, tương tế, văn hóa, nghệ thuật... nhưng chúng lại là nền tảng để thành hình hoặc duy trì thể chế chính trị dân chủ. Thực tế ở Đông Âu cho thấy sau khi thể chế độc tài ra đi, những phát triển trong lãnh vực sinh hoạt tư nhân ngoài phạm vi của chính trị đã đem đến kết quả tốt đẹp và có ảnh hưởng tích cực lâu dài cho nền tảng dân chủ. Từ đó, số lượng hội tư nhân của quần chúng đã được một số nhà nghiên cứu dùng làm chỉ số đo lường trình độ công dân của một nước. Chỉ số này gia tăng khi người dân mở rộng những sinh hoạt chung sang lãnh vực giáo dục, kinh tế, tôn giáo. Đây là lúc mà mỗi cá nhân nhận thức rằng mình không thể tự đứng một mình để phát huy kiến thức, tiềm năng kinh tế hay đời sống tâm linh mà phải liên kết với nhiều người để có những đóng góp thiết thực cho những hệ thống của các lãnh vực này. Chỉ số gia tăng theo hình kim tự tháp khi người dân bước vào lãnh vực nghiệp đoàn, truyền thông, báo chí để chủ động tranh đấu quyền lợi của một tập thể, thông tin và nói lên tiếng nói của một số đông quần chúng. Cuối cùng là những tập hợp chính trị có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách và sự vận hành quốc gia.

Trong suốt tiến trình trên, ý niệm xã hội công dân và dân chủ đa nguyên phải song hành và nuôi dưỡng lẫn nhau. Ở nước ta, hãy bắt đầu bằng việc xây dựng ý thức công dân trong mỗi người và tranh đấu để có những hội đoàn tư nhân độc lập. Đây là nỗ lực không thể thiếu trong tiến trình xây dựng xã hội công dân và nền dân chủ thực sự cho đất nước Việt Nam.

Thể Chế Nào cho Việt Nam? (CT6)


Đ. H.


Nhìn vào cơ chế chính trị và cách thức vận hành của một chính quyền, người ta sẽ biết được dân trí của nước đó ra sao. Lý do:


(1) Cơ cấu chính trị của một nước biểu hiện cung cách sống và ý thức tham gia chính trị của người dân. Nó là tấm gương phản chiếu trình độ giáo dục và tỷ lệ người có học và có kiến thức sống trong xã hội đó như thế nào.

(2) Cách vận hành của một chính quyền biểu hiện mức độ tham gia và kiểm soát của người dân vào các hoạt động của những cơ cấu hành chánh từ trung ương đến địa phương. Mức độ tham gia và kiểm soát này phần lớn tùy thuộc vào kiến thức và kinh nghiệm trong sinh hoạt chính trị của người dân.

Ngày nay khi nói đến cơ cấu chính trị của một quốc gia, người ta dựa theo nguyên tắc phân quyền, đặc biệt là dựa theo mối quan hệ giữa hai bộ phận Lập pháp và Hành pháp để thiết lập ra những mô hình của cơ cấu cai trị, còn gọi là thể chế chính trị. Nghĩa là các quốc gia thường dựa vào mối liên hệ giữa Lập Pháp (cơ quan làm Luật) và Hành Pháp (cơ quan thi hành luật) để vạch ra một nền tảng pháp lý chung cho quốc gia, gọi là mô hình chính trị. Hiện nay trên thế giới, tuy có rất nhiều mô hình, nhưng tựu trung đều triển khai từ ba loại thể chế: chế độ nghị viên nội các; chế độ tổng thống và chế độ đảng trị. Đây là ba thể chế được hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng với một vài pha lẫn nét đặc thù của mỗi địa phương. Câu hỏi được đặt ra: Thể chế nào thích hợp cho Việt Nam?

Việt Nam sẽ phải chọn lựa một thể chế chính trị phù hợp để đáp ứng ba nhu cầu sau đây:

(1) Bảo đảm được sự độc lập và phân quyền rõ rệt giữa ba ngành Lập Pháp - Hành Pháp - Tư Pháp. Không tạo điều kiện cho bất cứ một đảng phái nào có thể khống chế nền chính trị quốc gia; nhưng thể chế đó cũng không tạo ra tình trạng hỗn loạn chính trị do sự tồn tại quá nhiều đảng phái trong cơ chế lập pháp;

(2) Tổ chức được một chính quyền mạnh có khả năng lấy những quyết định cần thiết để giải quyết những vấn đề khẩn cấp của quốc gia. Cơ chế chính trị phải phân biệt rõ ràng giữa người phụ trách và bộ máy hành chánh. Bộ máy hành chánh phải được tôn trọng và bảo vệ; nhưng người ở các trách vụ này từ trung ương đến địa phương, nếu vi phạm những quy định luật pháp, sẽ phải chịu chế tài đúng mức, chứ không thể tự đồng hóa với cơ chế để ở trên luật pháp;

(3) Tạo môi trường và điều kiện để hỗ trợ sự xuất hiện của những đoàn thể chính trị quần chúng. Chính sự hoạt động của các đoàn thể quần chúng sẽ giúp nâng cao dân trí và khuyến khích người dân trực tiếp tham gia vào dòng sinh hoạt chính trị quốc gia. Nói cách khác, sinh hoạt chính trị của nước Việt Nam mới phải chuyển từ mô hình "đại biểu" (tức uỷ thác hoàn toàn cho người đại diện dân) sang mô hình "tham gia" (tức các đoàn thể quần chúng cùng có trách nhiệm bàn thảo và góp ý về những chính sách chung của quốc gia).

Dựa theo ba nhu cầu nói trên và căn cứ vào hiện tình đất nước mô hình chính trị phù hợp cho Việt Nam có thể nên là Tổng thống chế. Với ba lý do:

(1) Việt Nam cần phải phân biệt rõ rệt quyền hạn và trách nhiệm của ba cơ quan Lập Pháp (quốc hội), Hành Pháp (chính phủ) và Tư Pháp (tòa án) ngay từ đầu, để xây dựng một nền tảng pháp trị có đặc tính cân bằng và kiểm soát lẫn nhau. Muốn như vậy, Tổng thống chế là cơ chế tạo được sự phân biệt rõ rệt, vạch lằn ranh trách nhiệm rõ ràng giữa ba cơ chế mà không một phía nào có thể đổ lỗi một khi có khủng hoảng xảy ra, nhất là trong bối cảnh phôi thai xây dựng nền dân chủ lập hiến.

(2) Trong giai đoạn phôi thai của nền dân chủ, sẽ có rất đông đảng phái, tổ chức chính trị xuất hiện để ra ứng cử tham gia vào cơ chế lập pháp. Nếu áp dụng chế độ nghị viện (là thể chế dựa trên ưu thế của Lập pháp, đảng phái nào chiếm đa số trong quốc hội sẽ nắm quyền toàn bộ) thì trong bối cảnh đó sẽ khó có đảng phái nào chiếm ưu thế để ra cầm quyền mà phải cần một liên minh chính trị. Liên minh chính trị sẽ không làm cho chính phủ mạnh vì phải thoả hiệp nhiều xu hướng, hậu quả là chính quyền sẽ không thể nào có những biện pháp mạnh và thích ứng để đưa đất nước vượt ra khỏi những khủng hoảng một cách nhanh chóng. Do đó, Tổng thống chế giúp cho chính quyền tạo được tư thế mạnh vì Tổng thống do quần chúng bầu ra trong cuộc tổng tuyển cử chứ không do quốc hội bầu lên, nên không bị những hăm dọa truất phế từ quốc hội mỗi khi có những xung đột ý kiến hay quan điểm giữa hành pháp và lập pháp.

(3) Tạo điều kiện cho những đảng phái mạnh có điều kiện tiến hành những chính sách canh tân đất nước theo những chủ trương đã được toàn dân tín nhiệm trực tiếp qua lá phiếu. Thông thường trong Tổng thống chế, người dân vừa tín nhiệm ứng cử viên tổng thống sáng giá nhưng cũng đồng thời tín nhiệm cả những chính sách của đảng hay của phong trào đã đứng sau người ứng viên tổng thống ra tranh cử. Vì thế sự tín nhiệm của người dân vào một ứng viên Tổng thống cũng đồng thời gián tiếp biểu hiện sự ủng hộ những chính sách canh tân quốc gia. Trong khi đó, với chế độ nghị viện và trong bối cảnh phôi thai của chế độ dân chủ, khó có đảng nào chiếm ưu thế mà phải tạo thế hợp tác, cho nên chính sách canh tân của mỗi đảng bị thay đổi hay biến dạng khi đi vào thế liên minh.

Từ vài nhận định chủ quan của người viết, Tổng thống chế là thể chế chính trị phù hợp cho Việt Nam trong giai đoạn hậu độc tài và đó cũng chính là mục tiêu cần sự quan tâm của những người có tâm huyết vì dân tộc để tạo dựng được một chính quyền mạnh và huy động được sự ủng hộ của mọi giới.