05 tháng 6, 2004

Thư Ngỏ (CT1)



Quí bạn đọc thân mến,


Là người Việt Nam, ai trong chúng ta cũng đều muốn đất nước giàu đẹp, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nhân dân được sống trong một đất nước ổn định và giàu mạnh, có nhiều cơ hội để thăng tiến. Khát vọng tuy giản đơn nhưng vẫn còn nằm ngoài tầm tay với của nhiều thế hệ chúng ta.

Vào năm 1847, chỉ với một chiến thuyền, hải quân Pháp đã đánh chìm toàn bộ các chiến thuyền Việt Nam trong cuộc đụng độ đầu tiên tại hải cảng Đà Nẵng. Sự kiện này đã nói lên sự chênh lệch quá rõ ràng về trình độ kỹ thuật và sức mạnh quân sự giữa Việt Nam và các nước phương Tây. Nhưng vua quan của nhà Nguyễn thời đó vẫn không học được kinh nghiệm này để mau chóng thay đổi chính sách bế quan tỏa cảng. Tình trạng sơ cứng về tư duy của tầng lớp lãnh đạo đã đưa nước ta đắm chìm vào vòng nô lệ.

Hơn 150 năm sau, kinh nghiệm nhức nhối của triều Nguyễn vẫn còn nguyên vẹn, nước ta vẫn tiếp tục đắm chìm trong tụt hậu không lối ra. Vào thế kỷ 19 hay chỉ mới cách đây chừng vài chục năm, một số nước trong vùng cũng ở ngang tầm chậm tiến như Việt Nam. Nhưng ngày nay, các quốc gia này đã có những bước phát triển nhảy vọt, bỏ xa Việt Nam. Chỉ so với Thái Lan, nước ta đã bị bỏ xa khoảng 20 năm phát triển. Đây là một vấn đề rất nghịch lý đối với tiềm năng dồi dào của dân tộc.

Nếu nói nước ta không tiến thì không đúng. Nhưng khi Việt Nam đi được một bước, thì các nước khác đã tiến năm, bảy bước. Các chuyên gia kinh tế đã dự phóng rằng nếu Việt Nam cứ phát triển đều đều mỗi năm là 10% thì cho đến năm 2020 mới bằng với mức phát triển của Thái Lan hiện nay, đến năm 2030 thì bằng Mã Lai và đến năm 2060 mới bằng Hàn Quốc. Hẳn nhiên, các nước này đâu đứng chờ ta. Họ vẫn tiếp tục phát triển. Khoảng cách giữa ta và họ vẫn tiếp tục dài ra. Thực tế này có khác gì Việt Nam đang bị tụt hậu trên con đường phát triển chung của kinh tế toàn cầu? Việt Nam ta hiện có rất nhiều chuyên viên, trí thức giỏi và giàu lòng yêu nước với hoài bảo và nhiều phấn đấu để đưa đất nước tiến lên, nhưng kết quả đã không như họ muốn. Tại sao?

Những câu hỏi trên và nhiều câu hỏi khác cứ bật ra khi kiểm nghiệm lại hoàn cảnh của đất nước. Tại sao một đất nước có đầy đủ những điều kiện để sống sung túc nhưng nghèo nàn và lạc hậu vẫn tiếp tục đè nặng lên đa phần dân ta? Tại sao một dân tộc nổi tiếng là cần cù và thông minh lại không có khả năng đưa đất nước tiến nhanh trên con đường phát triển? Tại sao chúng ta có một tập thể những người trẻ tuổi đầy năng lực và ý chí, trong đó không thiếu những người ưu tú, lại chưa tạo được điều kiện để biến Việt Nam trở thành một nước tiên tiến trong vùng?

Đây là một mối nhục của mọi thế hệ Việt Nam. Thông thường, người ta thường thích đề cập đến cái vinh, cái đẹp, cái đáng kiêu hãnh... của dân tộc mình và che dấu hoặc không muốn nhắc đến cái nhục, cái xấu, cái đáng trách... Đây là phản ứng rất bình thường của mỗi con người. Nhưng nếu không được lưu tâm đến, cái xấu vẫn còn đó và có thể ngày một tệ hơn, cái nhục vẫn còn nguyên vẹn và có thể ngày một khó rửa.

Ngày xưa, cái nhục của một dân tộc thường là mất nước, bại trận hay bị lệ thuộc. Ngày nay, sự bành trướng và chi phối của các nước mạnh không còn thể hiện qua hành động xâm chiếm đất đai, mà bằng những ảnh hưởng về kinh tế, tài chính để khống chế các nước yếu và khai thác các nước này cho nhu cầu và quyền lợi của họ. Vì thế trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sẽ có những nước bị kìm hãm trong lạc hậu và chỉ đóng vai trò phục vụ cho những nước khác. Nước ta đang rơi vào nguy cơ này, nguy cơ lạc hậu vĩnh viễn và không có cơ hội ngóc đầu lên được. Mối nhục Việt Nam sẽ không còn là mất nước, mà là mối nhục chậm tiến, nghèo nàn và lạc hậu.

Mối nhục này có là nỗi bận lòng của chúng ta không? Có phải là một vấn đề đáng chất vấn lương tri của mỗi người Việt Nam quan tâm đến tương lai của giống nòi không? Không trả lời thỏa đáng những câu hỏi này, dù 150 năm trước hay 150 năm sau, vấn đề canh tân Việt Nam chắc chắn sẽ còn nguyên vẹn. Với tâm huyết góp phần gỡ bỏ mối nhục chậm tiến và lạc hậu, với khát vọng canh tân Việt Nam đã kéo dài từ nhiều thế hệ, nhóm chủ trương tờ "Canh Tân" mà quí bạn đọc đang cầm trên tay chỉ muốn góp một đóng góp nhỏ bé của mình là mở ra một diễn đàn chung nhằm chuyên chở những suy tư, nhận định, ý kiến về mọi vấn đề liên quan đến nhu cầu canh tân Việt Nam. Mặc dù chỉ là một đóng góp nhỏ mọn, nhưng chúng tôi tin rằng nếu mỗi người Việt Nam đều sẵn sàng có những đóng góp nhỏ mọn tương tự, thì con đường canh tân Việt Nam sẽ mau chóng bắc cầu, vượt sông, xẻ núi, nối liền hiện tại đen tối với tuơng lai tươi sáng của dân tộc, đưa nước Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu không thua kém bè bạn năm châu bốn biển.

Nhóm Chủ Trương Canh Tân

Nếu không phải chúng ta, thì AI sẽ là người Đón Đầu, Đi Tắt? (CT1)


Lê Việt

Tại sao chúng ta vẫn đang mày mò? Vì việc thì lớn mà chúng ta còn quá trẻ. Không phải vì độ tuổi, mà quá trẻ với thị trường như tất cả mọi người dân nước Việt. Sau mười mấy năm Đổi Mới, chúng ta là thế hệ đầu tiên lại ở đúng nơi mà hai trăm năm trước, không phải chỉ nhà Nguyễn, mà cả các sĩ phu thời đó đã thất bại trong việc canh tân tránh tụt hậu. Nếu chúng ta thất bại có nghĩa là dân tộc này thêm một lần thất bại, trong hoà bình.

Tìm được chí hướng mới không hề là một việc dễ. Có những thế hệ may mắn sinh ra thì mọi thứ đã rõ ràng đến như trong suốt. Nhưng chúng ta thì không. Chúng ta vào tuổi 18 phải đối mặt với thị trường, với những sức xoáy vô tri ghê gớm. Chúng ta phải đấu tranh để có việc làm cho chính mình trước hết. Rồi sau nữa chúng ta đối mặt với đói nghèo - lạc hậu - quan liêu - bảo thủ của đất nước. Đối mặt với trì trệ đến nhàm chán trong một thế giới đang mải miết nhảy những bước dài...

Cần bao nhiêu năm để một dân tộc tìm được một chí hướng đi lên? Không thể là mười năm. Sau năm mươi năm nô lệ, người Việt Nam mới hiểu rõ cần phải làm gì. Cho dù có hàng trăm cuộc thử nghiệm, cho dù "Nguyễn Trung Trực lại Hoàng Hoa Thám, đầu nối thay đầu, chân nối chân", đất nước vẫn loay hoay trong một thời kỳ dài đăng đẳng "đen tối tưởng chừng không có lối ra"!

Chúng ta không thể yên tâm được chỉ với hình ảnh anh công nhân lái máy cày hay chị công nhân làm ca đêm trong thời đại của nền kinh tế tri thức này. Hình ảnh đẹp đẽ ấy, tiếc thay là của thời kỳ khác dù là một thời kỳ mở đầu rất quan trọng trong việc đặt nền móng cho tương lai.

Ai đã cho chúng ta hình ảnh mới, hình ảnh của thời bình, hình ảnh của những trí thức, nhà cải cách, những thương nhân, những lập trình viên? Chúng ta không thèm đi xin những điều đó vì chúng ta tự hào rằng ta có thể tự mình tìm thấy, ngay từ trong lịch sử của dân tộc này.

Bạn học của tôi tin vào ai? Họ tin vào những người đã đi bước đi của họ, từ sáu mươi năm trước, những thế hệ trí thức Tây học đầu tiên của Việt Nam: Hoàng Xuân Hãn - người thiết kế giáo dục trung học Việt Nam hiện đại, Trần Đức Thảo - nhà triết học đầu tiên, GS Tạ Quang Bửu, GS Trần Đại Nghĩa, v.v... Và cùng với rất nhiều những con người lớn lao khác đang được coi là ngọn nguồn của giới trí thức Việt Nam hiện đại. Những người đã đem về tri thức mới, trong sạch và lạ lẫm, những người đã đóng góp không mệt mỏi theo lối của các trí thức chân chính, nghĩa là trong thầm lặng.

Những bạn bè tôi có thể lấy được nguồn mạch ấy từ đâu, nếu không phải là từ những người kế tục của các thế hệ trí thức tiền bối ấy. Họ rất sẵn sàng nhưng tiếc thay, lại không biết tại sao họ còn chưa trao cho người trẻ tuổi nguồn mạch ấy.

Chúng ta đang bị quở trách chỉ vì chưa tìm ra được bước đi, trong khi chính nhiều người đang quở trách lại đã từ lâu thúc thủ trước thị trường, sợ hãi nó, xua đuổi nó... họ sợ cái quyền cai trị độc tôn mà họ tự cho là "sứ mệnh cao cả - lịch sử với Dân tộc". Họ không hề đưa ra được một gợi ý, dù nhỏ cho người trẻ tuổi. Không có một khoa học mới về đạo đức thị trường, tinh thần doanh nhân. Không có ai nói lên thị trường đáng tín và tri thức đáng trân trọng ở điểm nào, tận dụng sức mạnh của thị trường để nhân lên niềm tự hào dân tộc thế nào. Họ cũng đang bị khuất phục với công cụ mạnh mẽ của chính họ chỉ vì nó quá mới mẻ.

Cũng được, chúng ta sẽ làm việc đó. Nhưng trách móc, có nghĩa là quay lưng lại với những con người đang phải một mình đối mặt với thách thức lớn lao...

Bạn bè tôi đang đi về đâu? Có những người nhuộm tóc và đeo khuyên mũi. Một số khác đang miết mải trên con đường học tập ở nước ngoài, nơi họ nghĩ, duy nhất có thể đón đầu, đi tắt. Họ nghĩ, những kiến thức ở trường đại học Việt Nam của họ chưa đủ để đi tắt, một khi những người mà họ muốn đón đầu còn học nhiều hơn, biết nhiều hơn, trong môi trường vận động nhanh hơn.

Chúng ta có thể đi tắt được bao nhiêu khi cuốn giáo trình của chúng ta được dịch lại, thậm chí được đơn giản hóa từ 30 năm trước? Có những thứ ta cần để đón đầu còn hoàn toàn chưa xuất hiện ở Việt Nam: xã hội học thực nghiệm, công nghệ vật liệu nghiên cứu các dạng năng lượng mới, trí tuệ nhân tạo, kỹ nghệ siêu vi... Vì thế mà họ không hề từ nan phải học ở bất kỳ đâu cái mà đất nước cần, cho dù phải nếm trải nỗi nhọc nhằn xa quê.

Liệu có mất đi niềm tự hào dân tộc khi hướng tới tri thức mới của nhân loại? Có lẽ không! Cần đọc lại điều nhức nhối triều Nguyễn. Nó còn là của chúng ta, những người được giao kế tục, gánh vác trọng trách của nước nhà, vì cho đến nay, chúng ta vẫn còn chưa được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu. Và hơn hết, nó còn có thể lặp lại một cần nữa. Lịch sử rất vui lòng tàn nhẫn với những thế hệ ươn hèn.

Bạn bè tôi lo sợ khi nhìn thấy thư viện 15 tầng của trường đại học New York làm việc 24/24 giờ, luôn chật sinh viên. Viện Toán Courant - số một về toán ứng dụng, đèn trên 13 tầng không bao giờ tắt trước 12 giờ khuya. Họ sợ những con tàu trí tuệ thao thiết chạy, mà sinh viên ta chưa biết tới cuộc đua ấy. Họ lo sợ khi nhìn những thư viện trong các trường trung bình ở nước ngoài đã có lượng sách nhiều hơn Thư viện Quốc gia của ta đóng cửa lúc 8 giờ, sợ những thư viện khổng lồ trên mạng Internet mà bạn bè họ còn chưa biết đến sự tồn tại của chúng.

Nhưng họ cũng có những ước mơ. Họ muốn một ngày nào đó nhìn thấy bờ sông Hồng, sông Thao, sông Lô như bờ sông Mixixipi, không cỏ lác và rau cải vàng. Bởi vì, người nghèo sẽ không còn phải tận dụng những mảnh đất một mùa của lũ bấp bênh nữa.

Và thế là họ bắt đầu nghĩ suy về chí hướng của mình, cho quê hương mình, nơi tổ tiên đã đổ máu để gìn giữ ...

Những cô gái Việt trên mạng lưới eBay và những cô dâu Đài Loan bất hạnh (CT1)


Trung Điền

Đầu tháng 3 năm 2004, ba phụ nữ Việt Nam bị một người Đài Loan mang ra đấu giá trên một mạng lưới điện toán với giá trên 5 ngàn đô la. Mạng lưới này thuộc công ty eBay, chuyên giới thiệu những sản phẩm cho người tiêu thụ trên khắp thế giới để vào mua bán. Việc phụ nữ bị rao bán như những món hàng trên internet, đã xuất hiện vài năm trở lại đây và đã bị nhiều quốc gia nghiêm cấm; nhưng đối với người phụ nữ Việt Nam thì đây là lần đầu tiên. Chủ nhân của dịch vụ nói trên còn nói rằng họ sẽ dẫn người "mua" qua tận Việt Nam để lựa hàng với giá là 200 ngàn đồng Đài tệ, bao gồm tiền vé và Visa nhập khẩu. Làn sóng bất bình của người Việt nổi lên đã làm cho chủ nhân công ty eBay có trụ sở chính tại tiểu bang California, Hoa Kỳ phải ra lệnh đóng cửa trang web có đăng hình bán đấu giá ba phụ nữ Việt Nam. Trong khi đó chính phủ Việt Nam vẫn hoàn toàn im lặng.

Ba phụ nữ Việt Nam bị mang ra đấu giá này là những người được đưa đến Đài Loan dưới hình thức "cô dâu". Họ là một trong gần 100 ngàn cô dâu Việt Nam đã được đưa sang Đài Loan trong 10 năm qua dưới sự tổ chức của các công ty môi giới Việt Nam và Đài Loan. Một số dữ kiện thu thập tại chỗ bởi một phóng viên sang làm việc tại Đài Loan và tiếp xúc với nhiều cô dâu chạy thoát ra ngoài như sau:

Cách đây vài năm, chi phí để cưới vợ mà đàn ông xứ Đài phải trả là vào khoảng 10.000 đô la Mỹ. Gia đình cô dâu nhận được trung bình là 2.000 đô. Hiện nay, chi phí xuống còn khoảng 6.000 đô và gia đình cô dâu nhận được khoảng 200-300 đô. Với 100.000 cô dâu và trung bình 8.000 đô cho mỗi người trong khoảng thời gian 10 năm qua thì dịch vụ này lên đến 800 triệu đô. Một dịch vụ to lớn, ít rủi ro cho các công ty môi giới Đài, Việt. Vốn? Chỉ là những con người nghèo khó trong đường cùng tuyệt vọng. Tại nước ta, dịch vụ "béo bở" như thế khó mà nằm trong tay những người dân thường.

Đa phần các cô dâu đến từ các vùng nông thôn miền Nam và miền Tây Nam bộ, học vấn thấp và gia đình nghèo khó. Họ được tập trung tại những chỗ gọi là Trại nuôi đào. Từ đây, các cô gái trên dưới hai mươi này được đưa đến sắp hàng trong những hành lang của khách sạn để khách Đài chọn lựa. Thông thường là mấy chục cô, có lúc lên đến cả 100, 200 cô. Đôi khi họ bị bắt cởi quần áo để khách chọn lựa. Chú rể có thể chọn nhiều cô và sau đó người thì dẫn cô gái lên phòng khách sạn, kẻ thì chọn 2,3 cô để dẫn đi ăn, đi chơi với mục tiêu tìm hiểu và quyết định một cô sau cùng.

Đàn ông Đài Loan bình thường không ai muốn lấy vợ Việt Nam. Đa phần các "chú rể" thuộc vào các thành phần: già, tàn tật, nghèo, thổ dân, làm biếng. Có những người thực lòng muốn xây dựng gia đình. Dù ở trong trường hợp này, các cô dâu vẫn lâm vào những khó khăn như không được ra ngoài, tiếp xúc với nhiều người, làm việc rất nhiều trong gia đình chồng. May mắn hơn một chút là các cô dâu được ra ngoài đi làm. Phần lớn là để kiếm tiền thêm cho gia đình chồng. Số ít được chồng cho gởi một phần tiền kiếm được về gia đình. Tình trạng này sẽ gia tăng trong tương lai với "sách lược" làm ăn mới của công ty môi giới: cho phép các thân chủ được trả góp. Một chú rể Đài Loan chỉ cần trả trước vài trăm đô. Lấy vợ xong bắt vợ đi làm để trả nốt số tiền còn lại. Kém may mắn hơn là những người lấy vợ để vừa thỏa mãn sinh lý vừa có thêm một người "a-sin" ở đợ phục vụ cho cả gia đình. Tình trạng bi thảm kế tiếp là việc lấy vợ để dùng vào việc săn sóc người bị tàn tật, bệnh thần kinh trong gia đình. Chỉ cần một người lành lặn qua cưới vợ nhưng thực tế trên giấy tờ là cưới một người em hoặc người anh tàn tật. Đây là một dịch vụ đang được khai thác bởi những gia đình trung lưu có người thân bị tật nguyền, khi mà tại Đài Loan, mướn một người đến chăm sóc kẻ bị tật nguyền kinh phí lên đến 2.000 đô la một tháng. Cuối cùng, bi thảm nhất là những cô dâu bị lừa cưới sang nhưng bị đưa vào những ổ gái ngay sau khi đặt chân xuống phi trường Đài Bắc. Một số trong những thiếu nữ này bị rao bán trên eBay.

Hàng ngày vẫn có hàng chục phụ nữ từ những miền quê xa xôi lên thành phố Hồ Chí Minh để được làm dâu cho người ngoại quốc theo sự sắp đặt của công ty môi giới. Đa phần họ không biết gì về các thảm kịch của người đi trước, mà chỉ muốn làm sao có tiền để giúp gia đình đang túng thiếu. Oái ăm thay, họ đâu biết rằng, sau khi nhận khoản tiền vài triệu đồng Việt Nam qua công ty môi giới, họ sang Đài Loan là bước vào thế giới của những nàng Kiều trong thời đại mới. Đây là một dịch vụ không những chà đạp nhân phẩm con người mà còn xúc phạm đến danh dự của cả một dân tộc. Tệ nạn này đang bị nhiều quốc gia lên tiếng ngăn cấm nhưng tại nước ta, không những chính quyền không ngăn cấm mà còn dính phần vào những công ty môi giới để buôn người qua hình thức cưới hỏi. Rõ ràng là tại nước ta đang có cái gì đó không bình thường. Đảng và nhà nước thì suốt ngày nói đến xây dựng xã hội hiện đại văn minh, dân giàu nước mạnh, trong khi người dân thì vật lộn với miếng ăn và làm bất cứ những gì để sống còn, kể cả việc bán rẻ nhân phẩm của mình.

Việt Nam đang cần một cuộc cải cách dân sinh mà trước hết phải làm sao ngăn chận tệ nạn buôn bán con người dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng ta không thể nào để những phụ nữ Việt Nam tiếp tục bị rao bán, đấu giá như những món hàng. Đây là điều sỉ nhục đối với một dân tộc từng tự hào có hơn bốn nghìn năm văn hiến.

Người con gái nhà bên kia đường (CT1)


Cành Nam


Con hẻm hẹp, ồn, bẩn, nghèo, nhưng đầy sinh động. Giòng sống bắt đầu tất tả từ 4 giờ sáng đến mãi quá nửa khuya. Căn hộ bên phải là của hai gương mặt suốt buổi không thấy nụ cười. Một nam, một nữ, là chồng, là vợ suốt mấy chục năm dài. Cực nhọc với lũ con đông đúc, ốm, bụng thõng, mặt mũi, tay chân lem luốc. Suốt buổi chúng lê bước, rảo chân, nhanh tay giành giựt bên những đống rác chen chúc cùng những tuổi thơ khắp các nẻo phố khác tập trung về.


Căn hộ bên trái là những chị em không cùng mẹ cùng cha, từ các làng quê trôi giạt theo lời mai mối dẫn đường của một bà dẻo nói, miệng bằng tay, tay bằng miệng. Căn hộ ấy là nơi thu hút nhiều lời bàn, nhiều ngày giờ rỗi, mỗi khi công việc tạm lắng đọng của các bà bưng thúng bán mẹt, các bác xích lô, các tay thợ thuyền, các cán bộ ở hẻm trên. Dù gì, nơi ấy vẫn là ‘cái rốn vũ trụ’ của con hẻm, với chút hương tươi mát thổi vào giòng sống vốn khô cằn, ngạt bụi, không gì mới mẻ giữa nhịp độ đều đặn, chán nản, mệt mỏi của con hẻm nhỏ.

Căn hộ bên kia đường là nhà của một cán bộ, thừa tiền, nhiều quyền, chiếm lấy, cho thuê. Người thuê căn hộ lần này là một cô gái trẻ. Gầy gò nhưng dai sức; da xanh nhưng mắt sáng. Con hẻm xầm xì: cô gái là sinh viên mới ra trường, đang làm việc cho một công ty thuộc chủ nước ngoài. Họ bàn tán: người đâu mà may mắn thế!

Một hôm trời nắng, cô gái mở toang cửa chính. Ánh sáng tràn vào, rọi khắp góc cạnh thế giới riêng tư của cô gái. Những đôi mắt tò mò vụt nhìn ngang, dọc, tìm hiểu. Đến quá ngọ, mặt trời lên đến đỉnh đầu, những cặp mắt không còn vội vã, tưới vội cái nhìn nghiêng, mà đã có vài kẻ dừng hẳn chân, nhìn kỹ, nhìn sâu. Một căn hộ chiều ngang hẹp, nhưng có chiều dài bù đắp đáng kể. Một chiều dài cong cong, không thẳng tắp, nhưng đằng đẳng nhiều quá khứ nổi trôi, chịu đựng miệt mài cùng những người con người từng ngự trị nó. Tường vôi được tô trát lại khi vừa đổi chủ. Người chủ mới, được rước vào, và những thay đổi được nhìn thấy ngay, rõ nét. Những thay đổi vội vã, chấp vá, phô trương hình thức bề ngoài. Tuy thế, cũng khiến bộ mặt căn hộ trông khang trang, hào nhoáng hẳn lên. Những thay đổi hình thức trên mặt nổi ấy, dù gì cũng đủ làm hài lòng những ai không thật sự quan tâm, và những ai không nghĩ sâu, nhìn kỹ.

Mặt trời đúng ngọ, phóng những tia nắng chói chang, sòng sọc rọi vào từng góc cạnh. Đến lúc ấy, dù không chú tâm tìm tòi, người ta cũng phải nhìn ra được những cái thay đổi chưa triệt để, tạm bợ, vá víu của căn hộ sau nhiều năm đã bắt đầu phơi rõ nét suy tàn. Ở những góc nhà, chái bếp, và đằng sau cánh cửa nửa khép nửa mở, nhờ ánh sáng không biết tránh né, người ta nhìn ra được những mạng nhện bụi bặm, những vết loang lỗ, những giọt nước rỉ từ vết nứt trên chái nhà... Người ở ngoài nhìn vào, sau những cái tô trát màu sắc che đậy bề ngoài, có lẽ không ít thì nhiều đều nhìn ra những cái không vẹn toàn, những điều ương dở, khiếm khuyết của căn hộ. Vấn đề là không rõ những ai từng ở trong căn hộ, đang ở trong căn hộ, có nhìn thấy sự điêu tàn phục sẵn sau những bức tường sắp đổ, và có thấy ra nhu cầu phải có những thay đổi cần thiết tận nền móng của căn hộ chăng?

Cô gái sống ở căn hộ lần này xem vẻ hẳn ra là người có tài, có trí. Ít ra là cô ta không ngần ngại để ánh sáng tràn vào, đẩy lùi phần nào những góc tối tăm của căn hộ. Phải chăng đó là bước đầu, để ít ra nhìn được những điều cần phải thấy? Cô gái đứng bên bàn viết. Trước mặt là ba tờ giấy xanh. Không rõ trên giấy viết những gì, chỉ thấy cô gái đứng nhìn mãi tới trời quá ngọ vẫn không ngẩng đầu lên. Ngoài kia, con hẻm nhỏ vẫn ồn ào, với đủ tiếng động cơ, tiếng rao hàng, tiếng nước dội, tiếng mắng con, tiếng người chạy tất tả... Tất cả hình như không làm giao động luồng tư tưởng của cô gái trong căn hộ này. Cô ta nghĩ gì? đọc gì? tại sao cô ta không ngồi nhìn mà lại đứng? đứng mãi thế để làm gì? ngồi lại chả dễ chịu hơn là đứng sao? mà lại là đứng rất lâu? Càng lúc, số người tò mò qua lại trước căn hộ đều tự hỏi: cô gái muốn gì trong cái thế đứng thẳng người ấy?

Một ngày sắp trôi qua. Ánh tà dương còn rơi rớt làm ửng váng cả một góc trời đỏ cam. Một người bước hẳn vào nhà. Lại thêm một người bước theo. Thêm một người nữa. Rồi thêm một người. Chẳng mấy chốc, căn hộ đầy những người hàng xóm. Những người cùng sống chung trong căn hẻm nhỏ. Cùng chịu đựng bao mùa mưa nắng. Cùng một vận mệnh, một tương lai, một quá khứ. Ngày thường không nói nhiều với nhau, nhưng đều biết về nhau. Họ đứng nhìn cô gái vẫn đang trong thế đứng thẳng lưng, mắt nhìn dán xuống những tờ giấy xanh trên bàn. Ai đó bước thêm bước nữa. Giờ thì họ đứng cạnh cô gái, và họ cùng nhìn vào ba tờ giấy trên bàn như cô. Trời rất khuya họ mới rời căn hộ. Mỗi người bước về nhà mình như về một nơi khác lạ. Khác lạ vì chính họ đã đổi khác.

Vẫn là đôi vợ chồng khốn khó, bố mẹ của lũ con gầy gò, bụng thõng. Vẫn là những chị em không cùng mẹ cùng cha, sống dưới sự sắp xếp từng giờ của con mụ dẻo nói. Vẫn là cô gái trí thức, có việc làm nơi hãng của chủ nhân người nước ngoài. Thế nhưng đêm nay, họ trở về nhà với một khát vọng. Một ước muốn mãnh liệt mà họ ngỡ rằng sự vật lộn từng phút cho cái ăn, cái mặc, đã không thể có cơ hội dấy lên nữa. Đêm nay, trong cuộc đời bương chải tất tả, lần đầu họ thấy họ quan tâm đến những điều ra ngoài phạm trù đời sống cá nhân họ, gia đình họ. Lần đầu, họ nghĩ đến những điều xa xôi hơn, ảnh hưởng đến cả con hẻm nhỏ, thậm chí cả cái đất nước mà họ thường được điều kiện hóa để ít khi còn nghĩ đến.

Đêm nay, đầu con hẻm có tiếng ai trăn trở: ‘làm lại con người’. Tiếng ai vọng lại: ‘đúng thế! những con người biết chấp nhận lấy nhau; biết những điều khác biệt của nhau là bình thường’. Thoảng trong cơn gió cuối hẻm: ‘ những con người có suy nghĩ đa dạng, đa chiều, cá biệt, nhưng không vì thế mà tiêu diệt nhau, trù dập nhau’. Những con người Việt Nam mới, một nước Việt mới, lấy dân làm gốc. Vẳng xa từ hướng đống rác cuối hẻm, nghe nhẹ như tiếng ai thở dài: ‘nhưng còn có thể được chăng? có còn kịp chăng?’. Giọng ai tràn đầy hy vọng: ‘Nếu cùng làm có ngày sẽ được. Sức mạnh dân tộc, lịch sử rành rành, không thể không tin!’. Câu hỏi đâu đó chợt vang lên: ‘nhưng biết phải khởi đầu từ đâu?’. Trong bóng tối của đêm khô bức, đèn chợt bật cháy sáng trong căn hộ bên kia đường. Trong sự tĩnh lặng của con hẻm khuya, từng lời một vang rền khẩn thiết: ‘bắt đầu từ chính mình ! Hãy bắt đầu từ chính bản thân!’. Hãy gõ cửa sẽ mở !. Hãy tìm sẽ gặp!.

Đã có người khởi xướng. Lời kêu gọi đồng vọng đã vang lên. Có người đã nghe thấy. Không ai còn chờ đợi ai khác. Từng căn hộ một, đèn lần lượt được thắp lên. Chẳng mấy chốc, cả con hẻm tối đã rực sáng với cùng một khát vọng: Khát vọng Canh tân! Canh tân Con người! Canh tân cuộc đời! Canh tân môi trường! Canh tân Đất nước! Sự đồng tâm chung niềm khát vọng đang mở từng cánh cửa nửa khép nửa mở, xua tan đi bóng tối. Ngày mai trời hẳn đầy nắng đẹp.