05 tháng 10, 2004

Việt Nam Trước Cơn Lốc Toàn Cầu Hóa (CT5)


Đoàn Minh

Từ đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa cộng sản đã vẽ lên một thế giới lý tưởng, trong đó không còn biên cương quốc gia, không còn cảnh người bóc lột người, tài nguyên được phân chia hợp lý, con người làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu v.v... Bức tranh "thế giới đại đồng" này đã nhoè nhoẹt nhiều với sự rạn nứt của khối cộng sản giữa hai khuynh hướng Liên Xô, Trung Quốc từ thập niên 60 và đã hoàn toàn tan vỡ khi chủ nghĩa cộng sản chính thức cáo chung tại Liên Xô là nơi đã khai sinh ra nó vào năm 1991. Oái oăm thay, cái ý niệm biên giới quốc gia trở nên mờ nhạt, tài nguyên phân phối nhanh chóng, khả năng lao động của mỗi nước được khai dụng phù hợp nhu cầu lại đang được diễn ra dưới sự dẫn dắt bởi một "bàn tay vô hình" của kinh tế tư bản. Đây là một tiến trình mà ngôn ngữ thời đại gọi là toàn cầu hóa. Dù tiến trình này đã có từ trước, nhưng gần đây do sự bùng nổ của cách mạng tin học, sự tăng trưởng cấp lũy thừa của khoa học, hiện tượng toàn cầu hóa này đã "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" và hiện đang chi phối hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy toàn cầu hóa là hệ quả của phát triển khoa học, kỹ thuật và tiến bộ của nhân loại nhưng điều này không đảm bảo được một thế giới bình đẳng và hạnh phúc. Sự chênh lệch giàu nghèo quá xa giữa các nước, sự xáo trộn do tiếp cận quá nhanh giữa xã hội của một nước chậm tiến với các nền văn hóa thúc đẩy tiêu thụ, sự băng hoại môi sinh do mục tiêu tham lợi, sự cạnh tranh bất cân xứng giữa các đại công ty và các doanh gia bản xứ... là những vấn đề mà các quốc gia chậm tiến phải quan tâm giải quyết. Như vậy thì toàn cầu hóa đem lợi hay hại cho các quốc gia chậm tiến điển hình như Việt Nam? Đây là một câu hỏi đơn giản nhưng đòi hỏi những lý giải phức tạp. Trong chuyến đi lịch sử viếng thăm Hà Nội, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã đưa ra một thí dụ khéo léo để nói về vấn đề này trước cử tọa là các sinh viên Đại Học Hà Nội. Ông nói: "Chúng ta có thể lấy gió để căng buồm đẩy thuyền đi. Chúng ta có thể dùng nước để sản xuất ra năng lượng. Chúng ta có thể cố công để bảo vệ con người và tài sản tránh bão tố, lụt lội. Nhưng thật là vô nghĩa khi từ chối sự hiện hữu của gió và nước, hay cố gắng làm chúng biến mất đi. Điều này cũng đúng với toàn cầu hóa. Chúng ta có thể làm sao để khai dụng tối đa lợi ích của nó và giảm thiểu những nguy cơ của nó - và nó sẽ không biến mất đi đâu". (We can harness wind to fill a sail. We can use water to generate energy. We can work hard to protect people and property from storms and floods. But there is no point in denying the existence of wind or water, or trying to make them go away. The same is true for globalization. We can work to maximize its benefits and minimize its risks, but we cannot ignore it - and it is not going away).

Để có thể cho nước nâng thuyền mà không làm đắm thuyền theo cách ví von của Bill Clinton, một quốc gia như Việt Nam khi đi vào dòng chảy toàn cầu hóa cần phải chuẩn bị một số các yếu tố sau đây:

  • 1. Một chính sách kinh tế vĩ mô ổn định tạo những điều kiện thích hợp cho đầu tư và tiết kiệm;
  • 2. Chính sách đối ngoại thúc đẩy hiệu năng qua các dịch vụ mậu dịch và đầu tư;
  • 3. Cải thiện cấu trúc kinh tế để khuyến khích sự cạnh tranh của các doanh gia nội địa;
  • 4. Thiết lập các định chế chặt chẽ và một chính quyền hữu hiệu để điều hành tốt quốc gia;
  • 5. Chú trọng giáo dục, huấn luyện, nghiên cứu và phát triển để gia tăng hiệu năng sản xuất.

Tất cả những điều này không phải là những phát kiến mới. Mỗi một yếu tố trên đây đã được giải thích đầy đủ bằng nhiều luận án với các chứng liệu xác thực. Chính quyền các nước đều có thể tham khảo, nhận sự tham vấn từ các chuyên gia để triển khai thành những đề án cụ thể. Tuy nhiên phải chọn các đề án nào và thi hành ra sao lại là một trở lực lớn cho nhiều chính quyền, vì các biện pháp cải tổ thường đụng đến quyền lợi và quyền lực của giới cai trị. Trong một xã hội khép kín, người dân không được thông tin đầy đủ, không có quyền thay đổi chính quyền qua lá phiếu dân chủ thì việc cải cách càng không dễ dàng.

Tóm lại lại chúng ta cần phải có một chính quyền trong sạch, hữu hiệu chú trọng đến canh tân con người, canh tân các cơ chế xã hội, thi hành một chính sách kinh tế nhằm nâng cao sự giàu có về vật chất lẫn tinh thần của người dân, biết chọn lọc tiến hành các đề án phù hợp với những gì đặc thù Việt Nam chứ không phải nhắm mắt cho rằng hễ cái gì mới là tốt. Có như vậy con thuyền quốc gia mới chuyển ngọn gió toàn cầu hóa thành một lực đẩy đưa dân tộc đến bến bờ của vinh quang, hạnh phúc và phát triển. Hơn bao giờ hết dân tộc Việt Nam cần được đổi mới toàn diện và nhanh chóng, vì gió thì không biết đợi.

Canh Tân Con Người Trong Hoàn Cảnh Việt Nam Hiện Tại (CT5)


Trần Thiên Ân


Nói đến canh tân - tức là đổi mới - con người thì ít nhất có hai câu hỏi cần trả lời là: (1) đổi mới con người như thế nào là phải và (2) làm sao mà đổi mới.


Một cách chung chung thì trả lời rằng canh tân là lấy cái hay của người mà theo, thấy cái dở của mình thì bỏ. Nhưng thế nào là hay thế nào là dở thì là một vấn đề có thể gây nhiều tranh cãi (và chúng ta sẽ nói đến trong những kỳ sau). Ngoài ra, cũng có thể nói canh tân là cái cũ bỏ đi, hoàn toàn theo mới. Thí dụ như Mỹ hùng mạnh giầu có, thì cứ bắt chước y chang như Mỹ là ta cũng trở thành hùng mạnh giầu có. Thái độ này không cần suy nghĩ lâu cũng biết ngay là không ổn. Nửa sau thế kỷ thứ 20 đã cung cấp cho chúng ta quá đủ dữ kiện chứng minh: Vì nhắm mắt theo Liên Xô và Trung Quốc đấu tranh giai cấp và cải cách ruộng đất mà Hồ Chí Minh đã phá bỏ sự bình thường của xã hội gồm nhiều giai cấp để thay bằng sự cuồng tín của một giai tầng xã hội lạc hậu dẫn đến những hậu quả tai hại ngày nay.

Nhìn về đầu thế kỷ, cụ Phan Chu Trinh bắt đầu đổi mới bằng sự xoá bỏ cái ì tính cố hữu gắn liền với nếp sống nông nghiệp lạc hậu. Cuộc sống dưới chế độ thuộc địa Pháp với chính sách giáo hóa đào tạo những kẻ thừa hành đã tạo nên ở tầng lớp này hai loại tâm thức đối nghịch: Một đa số thấy rõ thế ưu thắng của Pháp và chấp nhập hợp tác để thoát khỏi cuộc sống bùn lầy nước đọng; hai là một thiểu số khắc khoải về thân phận đen tối của dân tộc mà đi vào đấu tranh hay vận động cải lương, canh tân. Tình trạng con người bị giằng giật không thể quyết định giữa hai thái độ hành xử đối nghịch - yên phậnhoạt động - này đã được cực tả bằng hai câu thơ của Vũ Hoàng Chương:

"Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh"

Khi cuộc cách mạng tháng 8 xẩy ra, thì trỗi lên một tâm thức mới, được thể hiện nhiệt tình trong bài hát "Đời sống mới":

Đời sống mới, người Việt Nam mới
Đem thân hy sinh đấu tranh vì non nước
Đời sống mới, người Việt nam mới
Xây núi sông bằng máu người Việt nam

Trong thực tế, sự đổi mới con người đã diễn ra ở những ngày đầu một cách rất tích cực, với điển hình hai phong trào:

1. Phong trào diệt giặc dốt, mở các lớp bình dân học vụ để mọi người dân, mọi lứa tuổi đều biết đọc. Sự ơ thờ của quần chúng đã nẩy ra những câu vè thúc đẩy như "lấy chồng biết đọc là tiên, lấy chồng mù chữ là duyên con bò" hay "bình dân học vụ lập thành, mau đi tới đó học hành cho thông". Khả năng nhận xét để học hỏi của đa số dân chúng thấp đến nỗi không thể nhận ra mặt chữ cái. Cho nên đã có những câu vè giúp trí nhớ:

o tròn như quả trứng gà
ô thời đội mũ (^), ơ thời thêm râu
a thì có cái móc câu... hay là

i tờ có móc cả hai
i ngắn có chấm, tờ dài có ngang.

2. Phong trào bài trừ mê tín, dẹp bỏ đốt vàng mã, lên đồng lên bóng, tin vào tướng số để tự ru ngủ. Khởi đầu tích cực này đã dẫn đến chỗ phá đình phá chùa, dẹp bỏ truyền thống thờ phượng anh hùng dân tộc trong chiều hướng tiến tới thế giới đại đồng vô sản. Mở đầu là Hồ Chí Minh với bài thơ vịnh Trần Hưng Đạo, tự so sánh mình với bậc anh hùng ba lần đánh tan giặc Nguyên và quảng cáo thế giới đại đồng không biên cương:

"Bác phá quân Nguyên, thanh kiếm bạc
Tôi trừ giặc Pháp, ngọn cờ hồng
Bác đem đất nước qua nô lệ
Tôi dẫn năm châu tới đại đồng"...

Nhiệt tình ban đầu của toàn dân đã dần dần nguội tắt với những biện pháp củng cố chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp được đẩy mạnh sau khi Mao Trạch Đông chiếm được Hoa Lục và viện trợ cho Hồ Chí Minh. Dù phục vụ hay không trong guồng máy chuyên chính vô sản thì xã hội thu lại chỉ còn hai loại người: một số cuồng tín nghe theo lời bác và đảng và một số yên phận im miệng để sống hay/và tồn tại. Trần Độ đã nói đến tình trạng này (một cách tế nhị) qua những bài viết của ông về cuối đời: Những hưng phấn trong ngày đầu cách mạng, và sự im lặng đồng lõa tiếp theo để ngoi lên (như ông), khi những thất ý xẩy ra vì sự đối chọi giữa hình ảnh lý tưởng và thực tế tàn khốc, ti tiểu. Đồng thời tự an ủi mình với thái độ mackeno trong hy vọng chờ đợi ngày thành công cuối cùng sẽ đổi khác. Thực trạng này được diễn ra trong câu nói cửa miệng "thứ nhất ù lì, thứ nhì đồng ý" suốt thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì thế, Hồ Chí Minh đã phải kêu gọi xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Nhưng không định nghĩa nổi con người này là gì, ngoài việc đưa ra một số nguyên tắc hành xử lấy từ hệ thống giá trị cũ của Khổng giáo mà đảng CSVN tìm đủ cách xóa bỏ để củng cố chế độ toàn trị. Đó là những khẩu hiệu "cần kiệm liêm chính", "mình vì mọi người, mọi người vì mình" v.v... gọi là của bác Hồ. Những điều này thật đúng và hay, nhưng nhìn vào thực tế, tất cả chỉ nằm trong cửa miệng mà không hề được áp dụng chút nào từ trên xuống dưới. Khẩu hiệu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa đã được lập lại hoài là bởi vì thực sự con người này đã bị giết mất khi chính sách toàn trị được tiến hành. Mặc dầu không thiếu gì chuyện xưng dương những "anh hùng" được ca tụng - một người làm việc bằng mười bằng trăm, và các báo cáo thành tích vượt chỉ tiêu cũng như thắng lợi luôn luôn tràn ngập, với cùng một công thức "nói chung mọi điều là tốt, là thành công, ngoại trừ một thiểu số có những giới hạn nhất định, hay còn tồn tại những tiêu cực, chưa tốt".

Thời tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã có kêu gọi đổi mới, nhìn thẳng vào sự thực, và khẩu hiệu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa đã chìm đi. Nhìn thẳng vào sự thực đúng là một đổi mới con người quan trọng, khác hẳn cái tâm thức chung xã hội chủ nghĩa hiện thực (tức là cái khuôn toàn trị chuyên chính vô sản) là nói cho hay, báo cáo cho đẹp, nhắc lại đúng những khẩu hiệu tuyên truyền, và quay mặt tránh nhìn thực tại đói rách hư hại. Sự đổi mới này tiếc thay rất ngắn. Rồi tất cả lại đâu vào đấy, để khẩu hiệu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa rỗng tuếch trở lại cùng với các thành tích vượt bực của đảng trên giấy tờ và bộ máy tuyên truyền, cho tới nay.

Nhìn lại sự việc như trên thì ta thấy ngay sự đổi mới Nguyễn Văn Linh đề ra và sự xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa Hồ Chí Minh hô hào chỉ là dẹp bỏ cái hư hỏng, tiêu cực hiện tại để mà lấy một thái độ bình thường, lương thiện mà ai cũng biết từ lâu. Những bình thường này đã bị phá bỏ bởi chính sách toàn trị. Đổi mới con người trong trường hợp này chẳng có gì là mới, mà thật sự chỉ là sự trở lại cái bình thường vốn có.

Chúng ta đã trả lời một phần câu hỏi "đổi mới con người thế nào là phải". Chúng ta còn tiếp tục trong bài kế tiếp.

Cạnh Tranh và Phát Triển (CT5)


Văn Chu

Trong tháng 10 và tháng 11 tới đây, người dân tại Úc và Hoa Kỳ sẽ có dịp chọn lựa những người lãnh đạo đất nước mình qua bầu cử tự do. Tại hai nước này các đảng phái chính trị và các ứng cử viên đang ráo riết thi đua cạnh tranh nhau để tranh thủ lá phiếu cử tri. Những ứng cử viên hay Ðảng tranh cử đang phải cố gắng trổ tài chứng minh rằng mình giỏi nhất, xứng đáng nhất được bầu chọn. Khi có cạnh tranh như vậy, không chính trị gia nào dám khinh xuất ngồi trên đầu nhân dân hay ngồi im trên ghế quyền lực để hưởng thụ cho riêng mình.

Ở các xứ tự do, thi đua cạnh tranh là một trong những nền tảng của sự phát triển. Sự thi đua và cạnh tranh để làm giầu phát triển tư hữu cũng là động cơ chính của nền kinh tế thị trường, một nền kinh tế được quyết định và dẫn dắt và tự điều chỉnh bởi chính nhu cầu của quần chúng và thị trường. Nhờ sự cạnh tranh mà các sản phẩm hàng hóa đến tay người tiêu thụ rẻ hơn, phẩm chất cao hơn. Nhờ sự thi đua cạnh tranh mà các cơ sở kinh tế sản xuất đã phải động não phát huy bao sáng tạo trong quản trị và nhiều cải tiến phát minh các sản phẩm mới. Lấy ví dụ con chíp trong các máy vi tính đã càng ngày càng có tốc độ cao, gia tăng với cấp số lũy thừa chứ không còn cấp số nhân nữa, mà lại càng ngày càng gọn nhỏ hơn.

Hiệu quả của cạnh tranh thi đua cũng được thấy rõ nhất trong các thế vận hội thể thao như tại Athena Hy Lạp vừa qua. Bao nhiêu kỷ lục thế giới đã bị phá vỡ khiến con người ngày hôm nay vươn tới những giới hạn mới, nhanh hơn, xa hơn, cao hơn, khỏe hơn.

Khi đã chấp nhận hiện tượng cạnh tranh công khai, con người tất nhiên phải thiết lập một cơ chế vừa khuyến khích cạnh tranh vừa đảm bảo cho sự cạnh tranh được công bằng để cùng nhau thăng tiến. Cho nên tự nhiên cơ chế này sẽ nghiêm khắc lên án chế tài những trò gian lận, hay chơi xấu hại nhau để kéo đối thủ của mình xuống cho dở bằng hoặc dở hơn mình thay vì cố gắng sao cho mình hay hơn người.

Đảng và Nhà Nước ta hiện nay dư biết rằng sự thi đua cạnh tranh sẽ thúc đẩy sự tiến bộ. Bằng chứng là Đảng ngay từ thời chiến tranh đã luôn luôn bày ra mọi phong trào thi đua quần chúng trên mọi lãnh vực từ diệt Mỹ ngụy, đến văn hóa, xã hội, thể thao, sản xuất, v.v... Có điều lúc đó đảng đã không muốn biết rằng trên lãnh vực kinh tế, khi người dân có quyền tư hữu, làm chủ và trực tiếp thụ hưởng thành quả lao động của mình, dân đâu cần những tiếng thúc động viên bên ngoài của nhà nước để thi đua sản xuất. Ngày hôm nay đảng đã giác ngộ được điều này nên đã để cho kinh tế phát triển theo hướng kinh tế thị trường. Nhờ đó nền kinh tế Việt Nam đi lên thấy rõ.

Câu hỏi đặt ra là dù đảng và nhà nước vẫn biết giá trị ích lợi của sự thi đua cạnh tranh, tại sao họ vẫn nhất định không chấp nhận hiện tượng thi đua cạnh tranh trong chính trị, trong việc điều hành lãnh đạo quốc gia? Nguyễn Vũ Bình chỉ mới xin phép lập đảng chính trị để thi đua với đảng CSVN thì đã bị trù dập bắt tù tội. Biết rằng thi đua thúc đẩy tiến bộ, mà vẫn khư khư giữ độc quyền và ngăn chặn tiêu diệt mọi đối thủ cạnh tranh, Đảng CSVN đã chứng tỏ mình đang ở vị trí phản động đặt quyền lợi của phe Đảng mình lên trên quyền lợi chung của dân tộc và đất nước. Không những thế họ còn cho thấy sự thiếu tự tin nên sợ hãi không dám công khai thi đua cạnh tranh với các tổ chức đảng phái khác. Khi đã phải dùng bạo lực để trấn áp đối thủ cạnh tranh, đảng CSVN cũng cho thấy rằng họ biết rằng họ dở kém hay có tội nên khó có thể chinh phục trái tim và sự tin tưởng của quần chúng nếu để dân tự do lựa chọn. Nhưng càng làm như thế đảng CSVN đang tự mình kềm hãm chính mình trong vũng lầy lạc hậu, vì thiếu động cơ thăng tiến từ cạnh tranh. Chả trách Đảng CSVN càng ngày càng thoái hóa, khiến những đảng viên có lòng và lý tưởng thực sự phải chán ngán bỏ đảng mà đi.

Một khi đảng CSVN đã không dám chấp nhận sự cạnh tranh công khai chính thức, người ta không ngạc nhiên khi thấy những cạnh tranh quyền lực ngấm ngầm trong nội bộ, sau hội trường với những thủ đoạn ma bùn mà vụ đấu đá trong cung đình qua Tổng Cục 2 là ví dụ điển hình.

Canh Tân Giáo Dục (CT5)


Vũ Đại Việt


Người Việt ta vẫn có tiếng là giống dân thông minh hiếu học, cần cù. Với những đặc tính như thế, sao dân ta trên đất nước của mình vẫn nghèo mạt chậm lụt theo sau thế giới? Một trong nhiều lý do quan trọng đang kềm hãm dân tộc ta trong vũng lầy lạc hậu là nền giáo dục của ta. Trong bài viết ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ xin giới hạn vào một khía cạnh cơ bản đầu tiên của giáo dục, đó là tinh thần học.


Văn hóa nước ta đề cao việc học hành. Văn chương truyền đời thi vị hóa hình ảnh của những anh học trò dùi mài kinh sử, vác lều chõng lên kinh đô dự thi. Kết quả và biểu hiệu của sự thành đạt là đậu bằng Trạng Nguyên, để được làm quan to hay Phò Mã rồi vinh quy bái tổ cho bản thân và gia đình nở mày nở mặt với xóm làng. Ít khi thấy đề cập đến trong kho tàng văn hóa dân tộc hình ảnh của những người đồ đạt sẽ làm gì sau đó với những kiến thức học được sao cho đất nước và xã hội khá hơn.

Cho nên tuy văn hóa nước ta đề cao việc học hành, nhưng là đề cao việc học với mục đích đỗ đạt để làm quan hưởng bổng lộc cho bõ những thuở hàn vi mài đũng quần trên ghế nhà trường và đền đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Ấn tượng văn hóa trên vừa thể hiện, vừa duy trì và nuôi dưỡng một tinh thần học với mục đích chính và gần như sau cùng là tốt nghiệp với một mảnh bằng như ý. Cho nên các bậc sĩ phu trí thức của ta sau khi đỗ đạt tốt nghiệp thường coi như mình đã xong, có quyền hưởng nhàn không cần tiếp tục học để trau dồi thêm kiến thức tiên tiến nữa. Ở Việt Nam ngày nay bằng cấp còn trở thành lá bùa cho nhiều cán bộ nhà nước có đủ tiêu chuẩn để ngồi tại chức vụ thủ trưởng cơ quan, hay các chức vụ béo bở khác.

Trong khi đó ở các xứ tiến bộ như Hoa Kỳ, việc tốt nghiệp với mảnh bằng không được coi là điểm đến sau cùng mà chỉ mới là điểm khởi đầu của giai đoạn mới làm việc thực sự. Các lễ ra trường tốt nghiệp được gọi là Commencement Exercise có nghĩa là buổi tháo dợt mở đầu. Mảnh bằng chỉ có giá trị chứng minh rằng người cầm nó đã thu thập được một kiến thức và khả năng tối thiểu nào đó để có thể hành nghề với cấp bậc chuyên môn tương xứng. Áp dụng kiến thức và khả năng vào thực tế làm việc ra sao mới là yếu tố quyết định chính trong việc ấn định bổng lộc, thăng tiến và ổn định nghề nghiệp cá nhân. Trong nhiều ngành học, các văn bằng hành nghề chỉ có giá trị trong một thời kỳ nhất định mấy năm, và được tái cấp sau khi người cầm nó phải chứng minh mình luôn cập nhật kiến thức và tay nghề qua một số giờ tối thiểu học thêm hoặc qua một kỳ thi khảo sát lại.

Chính vì tinh thần học để biết cách làm việc sao cho chính mình và công việc được thăng tiến mà các chuyên gia trí thức ở các nước tiến bộ đại đa số rất nghiêm túc trong vấn đề thi cử. Vì họ ý thức rõ rằng thi cử là để đo lường thử thách khả năng thật của chính mình, chuẩn bị cho tương lai thực tế. Trong khi đó, tinh thần học của dân ta như đã trình bày ở trên dễ đưa đến cái nhìn rằng thi cử là hàng rào trước giải thưởng cuối cùng là
mảnh bằng tốt nghiệp. Và khi mà đã xem mảnh bằng là cứu cánh và thi cử là rào cản, thì người ta sẵn sàng tìm mọi cách để vượt qua rào cản, tìm mọi ngã tắt để đạt mục đích. Môi trường xã hội càng sa đọa, đầy rẫy tham nhũng, thì càng có cơ hội để đi ngã tắt để lấy mảnh bằng. Nên chẳng ngạc nhiên khi ngày nay ở nước ta, gian lận thi cử, dùng phao, thuê người thi giùm, mua bằng v.v... đang trở thành phong trào gần tới mức độ nạn dịch từ cấp lớn tới cấp bé. Việc này đưa đến một hiện tượng nghịch lý mỉa mai: người ta càng coi trọng mảnh bằng để đạt được nó bằng mọi cách, thì mảnh bằng càng trở nên vô giá trị không chứng minh được thực học.

Cho nên một thách đố lớn cho những nhà giáo dục và người cầm quyền hiện nay là làm sao cải tạo tư duy và quan niệm học hành thi cử của dân ta, để canh tân nền giáo dục nhằm đào tạo những trí tuệ Việt Nam có khả năng đưa nước ta hội nhập vào văn minh tiến bộ không ngừng của thế giới.

Tâm Sự của Chim và Người (CT5)


Lê Huyền An

Trên thân thể tôi có một thứ rất dư thừa. Đó là đôi cánh. Thượng Đế cho loài chim chúng tôi đôi cánh. Người cho chúng tôi cái lồng. Thế mới có chuyện dư thừa. Trong những lúc đăm chiêu suy ngẫm, tôi tự hỏi mãi: đôi cánh, cái lồng, thứ nào dư thừa hơn thứ nào?

Phải thành thực mà nói, mới nhìn thoáng qua thì cái lồng tôi ở cũng đẹp lắm. Lồng được sơn bóng một màu đỏ rực rỡ. Mái lồng kiểu Lạng Sơn cong cong như mái đình, pha lẫn nét chạm trổ của Trung Quốc. Trong lồng có ba cái lọ sành bé tí đựng thức ăn, thức uống. Chỉ có tôi mới biết được đằng sau nước sơn bóng loáng đó những thanh tre đã rã mục. Chỉ có tôi mới biết là ba cái lọ sành Liên Xô đã lên mốc bên trong. Từ cái lồng nhìn ra là một khoảnh vườn đầy dây leo. Cố rướn người lắm tôi mới thấy được khoảng trời xanh xanh. Còn phía sau lồng thì lúc nào cũng tối âm u. Và lạnh lẽo.

Tôi chỉ biết hót nhưng không biết nói. Tôi cũng muốn nói lắm chứ. Như con két nhà bên cạnh. Nhưng tôi mới thử được vài câu thì con mèo màu xanh ô liu lại nhảy xổ đến nhe răng gầm gừ hăm dọa. Con mèo xấu xí là cục cưng trung thành của Người, cái trung thành được tưởng thưởng bằng một tách sữa mỗi sáng. Thế là tôi im. Dù thỉnh thoảng đêm tối vắng vẻ tôi cũng thì thầm vài tiếng cho khỏi quên tiếng nói. Thế nhưng tôi vẫn biết rằng với thân phận của mình thì làm gì có được một lời nói giá trị hay ý nghĩa. Từ lúc sinh ra đến giờ tôi chỉ biết nhái lại từ ngữ của Người chớ có bao giờ nói được tiếng nói của Người đâu.

***

Tôi đi làm về thì con sáo đã sổ lồng bay mất. Thường ngày tôi vẫn không để ý đến con sáo đen đủi này nhưng bây giờ nhìn cái lồng mở cửa, vắng bóng tiếng hót của nó tôi lại thấy thiêu thiếu. Cái lồng trống không làm cả căn phòng trống vắng. Con mèo màu ô liu vẫn gầm gừ muốn nhảy xổ lên chiếc lồng như một thói quen tiền kiếp. Lần đầu tiên, tôi thấy nét độc ác của con mèo màu xanh ô liu.

Ba hôm sau, ngày cuối tuần, giữa tiếng ve sầu buồn bã bỗng có tiếng hót của con sáo vang lên từ trên tàng phượng vĩ sau vườn. Tiếng con sáo giữa trưa hè nghe buồn thảm, đứt đoạn như đứa con đi hoang trở về, thấp thỏm, lưỡng lự trước hiên nhà. Rồi sáo lại bay đi. Trưa hôm sau, sáo lại về hót điệu buồn thảm, đứt đoạn trên tàng phượng vĩ. Tôi đem cái lồng ra sơn phết lại, thay ba cái lọ sành Liên Xô bằng bộ tách Trung Quốc rẻ tiền. Trên tàng phượng vĩ, con sáo vẫn cất giọng hót buồn thảm, đứt đoạn. Rồi sáo lại bay đi.

Ba tháng sau, đi làm về, tôi thấy con sáo cúi đầu ủ rũ trong lồng.

***

Tôi đã biết tại sao Thượng Đế ban cho tôi đôi cánh. Tôi đã biết tại sao Thượng Đế tạo nên bầu trời cao xanh. Tôi đã biết thế giới ra sao phía bên ngoài khoảnh vườn u tối. Tôi đã biết cảm giác lâng lâng, kỳ diệu khi xoải cánh bay cao trên tàng phượng vĩ lung linh nắng. Vậy mà tôi vẫn trở về. Và tôi không làm sao biết được rõ ràng lý do trở về của mình. Phải chăng tôi cảm thấy quen lì với cuộc đời tù hãm? Phải chăng tôi sợ đến ngộp thở trước mênh mông của hương trời? Hay từ trong giam cầm của định mệnh, cuộc đời tôi đã thuộc về cái góc xó tối tăm này?

Con két nhà bên lại ồn ào nhái giọng tiếng Người. Con mèo ô liu hung dữ lại gầm gừ qua lại như một hăm dọa thầm kín. Tôi đập nhẹ đôi cánh, rướn người nhìn ra khung trời xanh bé tí đằng sau khoảnh vườn.