05 tháng 8, 2006

Múa Đôi (CT27)


Phạm Dân Quyền

“hiểu cho nhau sống đã là phiêu lưu”.
Nguyễn Duy.

Ông Phạm Bá Hải , 38 tuổi, là một doanh nhân VN làm việc tại Ấn Độ trong thời kỳ kinh tế thị trường. Ông đã về VN từ ngày 18 tháng 7 đến 28 tháng 7 năm 2006 để hoàn tất công tác thành lập một tổ hợp kinh doanh đại diện cho nhiều Cty Ấn Độ. Ngày 29 tháng 7, khi trở lại nhiệm sở ở Ấn Độ, ông đã bị đồn công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất, thuộc Cục quản lý Xuất nhập cảnh, nhân danh Nghị định 35/2000 và “chỉ đạo của Cục” để ngăn chặn việc xuất cảnh của ông mà không hề nêu một lý do chính đáng nào. Nhiều người mới từ đó hiểu ra thế nào là kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.

Vào sáng ngày 3 tháng 8, công dân Phạm Bá Hải bị thẩm vấn tại Cục quản lý xuất nhập cảnh của Bộ công an về 3 tội danh: 1) Có liên hệ với tổ chức khủng bố Kashmir và đem khủng bố về VN; 2) Có tiếp xúc với nhân sự của khối vận động dân chủ 8406; và 3) Đã viết Cương Lĩnh Cửu Việt cho nhóm Bạch Đằng Giang. Trong lần này, ông Hải thừa nhận ông là một trong hơn 2000 người ký tên ủng hộ Tuyên ngôn của nhóm vận động dân chủ 8406; ngoài ra, tất cả đều là những gán ghép không cơ sở. Một trong những bằng chứng do công an nêu ra (bằng miệng) là có người từng ở chung trại tỵ nạn Thái Lan hồi thập niên 90 đã mới vừa tố cáo ông Hải “âm mưu lật đổ chính quyền”. Hỏi người đó là ai, công an chỉ cho biết người đó đã khai đúng tên và năm sanh của ông Hải, “thế là đủ!”. Công dân Phạm Bá Hải đòi đối chất với người tố cáo đó trước tòa án, nhưng phía công an quanh co, không trả lời về đòi hỏi đó. Toàn bộ cuộc thẩm vấn không có biên bản, ngoài một máy quay phim và một máy ghi âm. Ông Hải cũng không nhận được giấy mời, chỉ giản đơn bị gọi bằng điện thoại đến số 254 Nguyễn Trãi để “làm việc!”.

Ngay sau đó, toàn bộ đoạn băng ghi âm về buổi thẩm vấn của 5 công an dài hơn 3 tiếng đồng hồ này đã được công bố trên mạng của chương trình phát thanh của đài Á Châu Tự Do.

Hôm sau, 4 tháng 8, công dân Phạm Bá Hải lại bị triệu hồi đến gặp những người công an ngày hôm qua, để trả lời phần lớn về công việc làm ăn của ông với các Cty bên Ấn Độ. Chiến thuật mới của công an có vẻ muốn moi bằng được những khe hở kinh doanh của ông Hải để kết tội “làm ăn phi pháp”. Động cơ Chính trị đã diễn biến hòa bình sang Kinh tế! Ông Hải đòi phải có giấy mời của công an để trả lời với đối tác kinh tế của ông thì phía công an trả lời rằng “văn bản ngăn chận xuất cảnh chính là giấy mời”. Phía công an nhất định không trao cho ông Hải bản sao của biên bản thẩm vấn hôm nay. Do đó, ông Hải cũng nhất quyết không ký tên vào tờ biên bản mà công an gọi là tờ “trao đổi” đó.

Đoạn băng ghi âm về buổi thẩm vấn này cũng đã được công bố trên mạng của chương trình phát thanh của đài Á Châu Tự Do.

*


Qua ngày 5 tháng 8, ông Nguyễn Ngọc Quang, 45 tuổi, bị “triệu tập” đến sở công an quận 8 ở Phạm Thế Hiển, nhưng lại bị làm việc với 7 công an A42. Nội dung cuộc thẩm vấn này tập trung vào 2 tội danh chính mà công an cố ép ông Quang phải nhận: 1) Chủ đạo nhóm Bạch Đằng Giang; và 2) tham gia vào nhóm vận động dân chủ 8406. Không hiểu bằng cách nào, đoạn băng ghi âm cuộc thẩm vấn rất dài này được cắt thành 10 mảnh và đồng loạt nhảy lên mạng của đài RFA.

Trong 3 ngày tiếp đó, ông Quang đều nhận được điện mời của công an, nhưng mãi đến ngày 10 tháng 8, ông Quang mới đến. Ông bị lục soát đến mức chính ông phải mô tả là “trần truồng”. Lý do là để ngăn ngừa các đoạn băng ghi âm như vừa nói. Công an đòi ông Quang phải tháo gỡ những đoạn băng trước đó ra khỏi mạng của RFA ở bên Mỹ!!! Nội dung tranh luận hôm nay xoáy quanh vấn đề nổi cộm đó. Thêm một lần nữa, nội dung tranh luận này lại xuất hiện thần tình trên mạng của đài RFA.

*


Qua hai sự kiện điển hình nói trên, và ráp với những cuộc bắt bớ, lục soát khác của công an các nơi đối với thành viên của nhóm 8406, người ta thấy gì về mối liên hệ và cách hành xử giữa công an và công dân?

1. Về đặc tính của các đoạn băng ghi âm là chất lượng rất cao. Người ta nghe rõ được cả tiếng thở gấp lấy hơi của công an lúc tức giận và chuẩn bị áp đảo.

2. Về phía công dân:

Thứ nhất là thái độ bình tĩnh đến mức bình thản. Tinh thần vô úy mà HT Quảng Độ rao giảng mấy năm qua nay đã thành hiện thực, cụ thể đến độ khiến công an chột dạ (sẽ nói sau). Nói chung là công dân đã nêu cao câu khẩu hiệu thời đại: “Đừng sợ những gì CS làm – Hãy làm những gì CS sợ”.

Thứ hai là hỏi tên và chức vụ của công an. Hỏi cho kỳ được mới thôi, bằng quyền hạn của một công dân cần biết đang “làm việc” với ai, cấp nào, thẩm quyền tới đâu của phía an ninh. Kỹ thuật này khá bất ngờ và khiến các công an lúng túng, bởi ít khi bị hỏi chăng?

Thứ ba là đòi giấy mời bằng văn bản chính thức, tức là không chấp nhận tình trạng công an gọi điện triệu tập. Ông Hải đã tranh luận về điểm này suốt hai phần ba thì giờ thẩm vấn. Đây là một kỹ thuật làm cuộc thẩm vấn bị chệch hướng và mất động lượng.

Thứ tư là phủ nhận mọi vu khống, bằng lý luận và bằng sự đòi hỏi cho ra bằng cớ. Công dân Nguyễn Ngọc Quang khẳng quyết là không dựa vào một thế lực nào bên ngoài, mà chỉ dựa vào sự suy nghĩ của chính mình, bắt đầu từ trách nhiệm đối với tổ quốc và dân tộc. Công dân Phạm Bá Hải đòi đối chất với kẻ tố cáo ngay giữa tòa án. Kỹ thuật đòi đối chất và đòi ra tòa là một phương thức “át tiếng” công an rất hữu hiệu.

Thứ năm là nhất quyết không khai tên bằng hữu trong nhóm, ngoại trừ những người mà họ biết là công an đã biết. Ông Hải chỉ duy nhất nêu tên ông Lê Trí Tuệ. Ông Quang bảo là không có gì để khai thêm, nếu cần thì “các anh cứ tiến hành thủ tục bắt giam và đưa ra tòa”.

Thứ sáu là nhất định không ký tên vào bất cứ văn bản nào do công an viết sẵn. Ông Hải đấu tranh quyết liệt về điểm này, bằng những lý luận đanh thép, và thắng cuộc.

Thứ bảy là trả lời điện thoại di động hoặc gọi nơi cần gọi ngay giữa giờ thẩm vấn. Ông Hải đã nhiều lần trả lời các cú điện thăm hỏi của bằng hữu đứng bên ngoài sở công an, và bấm máy gọi cho thân sinh của ông, hỏi rõ về thời gian cần có để thư mời của công an về tới nhà. Kỹ thuật này cũng nhằm cắt đứt cuộc thẩm vấn thành nhiều đoạn rời rạc, không để các nỗ lực đe nẹt đạt được cao điểm của nó.

Thứ tám là đòi phía công an cũng phải công khai minh bạch, như chính các công dân này đã công khai ký tên ủng hộ Tuyên ngôn 8406, và công khai thừa nhận sự việc ủng hộ đó.

Thứ chín là lý luận tối đa về pháp luật, dùng chính hiến pháp là luật cao nhất để vạch ra những mâu thuẩn của luật và văn bản dưới luật. Đây cũng là kỹ thuật xác định tính vi hiến của Nghị định bắt người của chính phủ.

Thứ mười là bắt bẻ từng câu từng chữ mà các công an thẩm vấn sử dụng theo thói quen của họ. Cả ông Hải lẫn ông Quang đã tranh cãi “tay đôi” với công an về nhiều việc, từ việc rất nhỏ như một tờ giấy nào đó, cho tới những vấn đề tầm cỡ như đa nguyên đa đảng. Kỹ thuật này khiến công an chìm vào những việc do công dân chủ động mà nhất thời quên mất vị trí của họ.

Sau cùng là đòi bằng được biên bản buổi thẩm vấn, cho dù là đương sự nhất quyết không ký tên vào. Thường ra việc đòi biên bản này chiếm mất đoạn cuối của cuộc thẩm vấn, vốn là cao điểm của hù dọa hay dụ ngọt của phía công an.

3. Về phía công an:

Một là những thói quen trịch thượng khó gột bỏ cho thành người văn minh. Tay công an thẩm vấn ông Quang lặp lại hàng ngàn lần mệnh đề đầu câu là “Tôi nói cho anh hay”, gắn liền với mệnh đề cuối câu là “Tôi nói với anh như thế!”. Còn tay công an đối thoại với ông Hải thì cũng hàng ngàn lần một câu hỏi ở cuối câu nói là “Đúng không?”. Cứ tưởng rằng nói vậy là gia tăng uy tín cho câu nói.

Hai là những “nghiệp vụ” cũng lỗi thời như chủ nghĩa: “Chúng tôi đã biết hết về tổ chức của các anh!”. “Hãy thành khẩn với cơ quan an ninh”. “Các anh không qua được tai mắt nhân dân đâu!”. “Chúng tôi có đủ các biện pháp”....

Ba là mớ tư duy nô lệ đến mức khó lòng giải thích: “Các anh xâm phạm đến cái chính thể của đảng và nhà nước mà chúng tôi phải bảo vệ”. “Cái cực kỳ quan trọng, quan trọng bậc nhất là chính thể của đảng”. Hoặc những phát biểu nhập nhằng rằng tao-là-luật: “Anh không thể lý luận như thế với pháp luật”....

Bốn là không muốn bị lộ tên: Các công an trong cả 2 vụ thẩm vấn này đều lúng túng trong việc xưng tên. Càng lúng túng hơn nữa khi phải kê khai chức vụ với người bị thẩm vấn. Những công an ký giấy triệu tập nhà văn Hoàng Tiến cùng những người khác trong nhóm đều đòi lại và giữ luôn tờ giấy triệu tập. Điều này cho thấy mọi công an cũng đều có một tương lai cần nghĩ tới, và không muốn lưu tên tuổi trên bất kỳ một bộ nhớ nào.

Năm là bắt đầu dung dị. Chẳng hạn như những câu trần tình tiêu biểu: “Muốn to thì to - Muốn nhỏ thỉ nhỏ thôi!”. “Muốn khó thì khó - Muốn dễ thì dễ thôi!”. Hiểu rằng đó là lời dọa cũng được, mà hiểu đó như lời vuốt cũng được: Rằng tự bản thân tôi chẳng muốn làm khó gì anh!

Sáu là sự nhã nhặn tối thiểu hay nhũn nhặn cần thiết: Thính giả chỉ nghe được tiếng ngón tay gõ vào bàn thay cho những tiếng đập bàn thông thường của công an mấy năm về trước. Đây là một bước đầu tiến bộ của cán bộ ngành bảo vệ đảng và nhà nước. Hay đây là một bước lùi của công an, theo đúng nhịp những bước lùi của đảng và nhà nước? Gì thì gì. Sự hiểu ra của công an là một điều đáng được ca ngợi: Chẳng đời nào tiếng đập bàn át được âm thanh khi sự thật điềm nhiên gióng tiếng.

Bảy là toàn bộ hai cuộc thẩm vấn đều toát ra được tính chất “Có Làm hay Làm Cho Có” của những công an “hữu trách”. Tay công an thẩm vấn ông Hải đã mất non 1/3 thì giờ để khích tướng rồi xuống giọng yêu cầu ông Hải ký vào một tờ giấy làm bằng cho cuộc “làm việc”. Cũng có lúc cả hai tay công an thẩm vấn đều không dấu được sự bực dọc, nhưng cả hai đều kềm giữ được khá tốt thái độ to tiếng. Tâm ý “Tình Tang” này không chỉ vì kém lý, mà còn bởi phải giữ một khoảng “bảo hiểm” cần thiết cho tương lai. Đây cũng là một điểm đáng ngợi ca không kém, như nhà thơ Nguyễn Duy đã bảo: “tình tang là cuộc phiêu lưu tuyệt vời”.

*


Đáng ca ngợi hàng đầu trong những sự cố này là những đoạn băng ghi âm toàn bộ các cuộc thẩm vấn đã đến tai mọi người. Đây là sở trường tạo ra “sinh tử phù” của ngành công an. Bây giờ không còn là một độc quyền nữa. Công an lại càng cần phải cảnh giác với dư luận quần chúng trong ngoài nước mà tỏ lộ cách hành xử văn minh hơn nữa. Nhỡ biết đâu...

Hiện thời, phải thừa nhận tinh thần vô uý của quần chúng đã đồng loạt biến thành hành động. Và còn lan rộng. Công dân và công an đang khiêu vũ những điệu múa đôi ngoạn mục: Cứ một bên bước tới thì cùng phía chân đó, bên kia phải bước lùi. Cứ vậy, chẳng bao lâu nữa sẽ tới phiên nhân dân và đảng tranh tài.

Phan Bội Châu (CT27)


Giáo sư Chương Thâu

Phan Bội Châu là nhà yêu nước và là một tác giả lớn đầu thế kỷ 20 của Việt Nam. Các tác phẩm của ông có ảnh hưởng lớn tới nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước.

Phan Bội Châu tên cũ là Phan Văn San, hiệu Hải Thụ, sau lấy hiệu là Sào Nam và nhiều bút danh khác. Ông sinh ngày 26-12-1867, quê ở làng Đan Nhiễm, nay là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Nhiều người dân bây giờ vẫn thờ ơ lướt qua khu di tích Kim Liên của cụ Hồ để lặng lẽ tìm đến thắp hương cho bàn thờ cụ Phan gần đó.

Lúc nhỏ, Phan Bội Châu nổi tiếng thông minh. Sáu tuổi đã thuộc hết Tam tự kinh, bẩy tuổi đã hiểu kinh truyện, tám tuổi đã làm thông thạo loại văn cử tử. Mười ba tuổi, đi thi ở huyện đỗ đầu. Mười sáu tuổi, đỗ đầu xứ, nên cũng gọi là Đầu xứ San.

Năm lên chín tuổi, ông đã có ý thức hưởng ứng phong trào của Trần Tấn, Đặng Như Mai, chống thực dân. Mười bảy tuổi, được tin phong trào khởi nghĩa nổi lên ở Bắc kỳ, ông đã thảo bài hịch Bình Tây thu Bắc. Năm 19 tuổi hưởng ứng chiếu Cần Vương của Hàm Nghi, ông tổ chức một đội thí sinh quân gồm 60 người lên đường ứng nghĩa, nhưng chưa kịp hành động thì địch đã về càn quét ở làng. Công việc không thành nhưng chí hướng cứu nước của ông đã rõ. Ông đã ném danh lợi phù phiếm vào trời đất mông mênh để chọn cho mình một cuộc sống phi thường.

Tiếp đó, mười năm Phan Bội Châu làm ông đồ dạy học. Năm 1900, ông đỗ thủ khoa trường Nghệ và chính thức bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng. Cụ Phan lập ra Hội Duy Tân (1904), chọn Kỳ Ngoại Hầu Cường Để làm minh chủ, chủ trương khôi phục nền độc lập. Đầu năm 1905, ông sang Nhật rồi quay về dấy lên một phong trào Đông Du vào năm 1905-1908. Ông viết nhiều tác phẩm tuyên truyền cách mạng như Việt Nam vong quốc sử, Hải ngoại huyết thư, v.v...

Là lãnh đạo phong trào Đông Du, Phan Bội Châu đã tổ chức Công Hiếu Hội, tập họp 200 lưu học sinh Việt Nam sang Nhật học tập chính trị, khoa học, quân sự. Những năm cuối cùng trên đất Nhật, ông lập ra các hội có tính chất “đoàn kết quốc tế”, như hội Điền- Quế- Việt Liên Minh (liên minh giữa những người Vân Nam, Quảng Tây với Việt Nam) và hội Đông Á Đồng Minh (gồm một số người Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, v.v...) để giúp nhau chống lại bọn đế quốc.

Khoảng tháng 3-1909, tổ chức Đông Du bị giải tán và Phan bị chính phủ Nhật trục xuất. Trở về ẩn náu tạm thời trên đất Trung Quốc ít lâu, sau đó Ông sang Thái Lan hoạt động. Hơn một năm sau, khi cách mạng Tân Hợi (1911) thành công, Phan Bội Châu lại trở về Trung Quốc và thành lập Việt Nam Quang Phục Hội mà tôn chỉ duy nhất là đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước “Cộng Hòa Dân Quốc Việt Nam”.

Sau những hoạt động yêu nước, Cụ Phan bị thực dân Pháp nhờ bọn quân phiệt Trung Quốc bắt giam ngày 24-12-1913.

Năm 1917, khi Phan Bội Châu ra tù, cụ Phan tuy phải sống bằng nghề viết báo ở Hàng Châu, làm biên tập viên của tờ Bình Sự tạp chí, nhưng cụ Phan vẫn không quên lợi dụng báo chí để tuyên truyền chống Pháp và tiếp tục tìm đường cứu nước.

Giữa năm 1924, Phan Bội Châu đã cải tổ Việt Nam Quang Phục Hội thành Việt Nam quốc dân đảng. Tháng 12-1924, sau khi tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc, cụ Phan dự định sang năm sau (1925) sẽ cải tổ lại Việt Nam quốc dân đảng theo hướng tiến bộ nhất. Nhưng ngày 30-6-1925, trên đường từ Hàng Châu về Quảng Châu để nhóm họp anh em, cụ Phan đã bị Hồ Chí Minh bán đứng và chỉ điểm cho thực dân Pháp. Khi vừa đến ga bắc Thượng Hải thì bị thực dân Pháp bắt cóc đem về nước. Chúng âm mưu bí mật thủ tiêu cụ Phan nhưng việc bị bại lộ, nên phải đưa ra xử ở Tòa đề hình Hà Nội. Tính mạng “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng” bị uy hiếp, gây ra một phong trào bãi khóa, bãi công, bãi thị rầm rộ khắp cả nước. Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ đó, thực dân Pháp bối rối, phải tuyên bố tha bổng nhưng bắt cụ Phan phải về sống ở Huế mà không được đi bất cứ đâu.

Từ năm 1926 trở đi, Phan Bội Châu là người tù bị giam lỏng ở Bến Ngự. Đến đây, cuộc đời hoạt động cách mạng nguyện hiến dâng tất cả cho Tổ quốc của cụ phải bỏ dở. Mặc dù “Ông già Bến Ngự” phải sống cuộc đời “cá chậu chim lồng” nhưng cụ vẫn làm thơ văn để nói nỗi khổ nhục của người dân mất nước, trách nhiệm của người dân đối với nước... Đó là các tác phẩm: Nam quốc dân tu tri, Nữ quốc dân tu tri, Bài thuốc chữa bệnh dân nghèo, Cao đẳng quốc dân, Luân lý vấn đáp, Lời hỏi thanh niên... Phan Bội Châu niên biểu, Lịch sử Việt Nam diễn ca. Đó cũng là các công trình biên khảo hết sức đồ sộ như Khổng học đăng, Phật học đăng, Xã hội chủ nghĩa, Chu dịch, Nhân sinh triết học, cùng với trên 800 bài thơ nôm các loại, mấy chục bài phú, văn tế, tạp văn khác.

Ông là Nhà yêu nước thật sự nồng nàn. Ông là Bậc thầy của Hồ Chí Minh cả về phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn lẫn ý chí đấu tranh. Thế mà vì nghĩ Ông là con nhà địa chủ, năm 1955 họ đem ra đấu tố Ông nhưng vì Ông đã chết nên họ gỡ bức ảnh của Ông trên bàn thờ xuống và bắt treo ở chuồng trâu cho tận đến khi sửa sai. Ôi Cộng sản!

Chúc Tết Thanh Niên

Phan Bội Châu

Dậy ! Dậy ! Dậy !
Bên án một tiếng gà vừa gáy
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng
Xuân ơi xuân, xuân có biết cho chăng?
Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng
Hai mươi lẻ đã từng bao chua với xót
Trời đất may còn thân sống sót
Tháng ngày khuây khỏa lũ đầu xanh
Thưa các cô, các cậu lại các anh
Trời đã mới, người càng nên đổi mới
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Ghé tay vào xốc vác cựu giang san
Ði cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan
Dây đoàn thể quyết phen thành nghiệp lại
Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi
Cởi lốt xưa mà tu dưỡng lấy tinh thần
Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn
Ðúc gan sắt để dời non lấp bể
Xối máu nóng để rửa vết dơ nô lệ
Mới thế này mới là mới hỡi chư quân
Chữ rằng: nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân.


Mẹ Việt Nam & Những Bà Mẹ Việt Nam (CT27)


T.H.

Trời quang. Mây tạnh. Sấm chớp dọa nạt nhẹ nhàng rồi cũng yên, cũng lặng. Chiếc vồng ngũ sắc nở căng phồng sau ngọn mưa Ngâu, che khuất đâu đó nhịp cầu Ô Thước tủi buồn. Ráng chiều thắm đậm. Màu trời óng ánh. Mùa Vu Lan mở hội.

Đã ngót hai ngàn năm xa cách. Mẹ Âu Cơ khoan thai vén mây truyền thuyết, đủng đỉnh bước về trần gian, tìm thăm đàn con vẫn có tiếng là văn hiến, khi nhân loại bừng bừng khí thế chực lao vào thiên niên kỷ mới.

Trăm con một mẹ chia hai
Đường lên chủ nghĩa có dài ngàn năm?
[1]

Đàn con của mẹ Âu Cơ tan hợp, hợp tan bao phen, nghe nói nay đã quy về một mối. Mẹ được báo cáo là nửa bọc con trên rừng đã xuống tận đồng bằng để thực hiện khẩu hiệu thống nhất và bình đẳng.

Nhưng, trước đó, phải ra sức giành độc lập.

*

Nghe cũng đúng. Phải giành độc lập. Mẹ Trưng từng khai sáng con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Mẹ Triệu cũng từng cố giành quyền tự chủ đất nước. Thành công hay thất bại, không chỉ là cái tước hiệu Nữ Vương. Thành công hay thất bại, không chỉ là cái ngai vàng. Thành công hay thất bại, phần lớn được định bởi sức sống của cả nước sau đó....

Thời nào cũng vậy. Nay cũng vậy. Phải giành độc lập. Có kẻ hô to: Không có gì quý hơn độc lập.... Át cả lời tạ từ trong những cuộc chia ly màu đỏ. Át cả giọng mẹ tìm con trên đường đất nâu sơ tán.

Nhiều bà mẹ gánh gồng chạy giặc bị thất lạc đàn con, luống cuống mất hồn tìm kiếm cho đến lúc không thể lết được nữa. Đâu đó tiếng thất thanh lạc giọng của những đứa con, vang vọng từng giây:

Mẹ tôi em có gặp đâu không?
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi cũng có thằng em bé dại
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông?
[2]

Phải giành lấy mùa Xuân độc lập.

Bằng mọi cách. Kể cả cách rao bán những thứ chưa có trong tay. Những thứ đang cố giành. Cho chủ khác.

Bằng mọi giá. Kể cả xương trắng máu đào. Ngập sông. Đầy đồng. Rẻ mạt.

Mùa Xuân. Lòng Xuân. Gỗ có mắt nhưng thấy đâu? Nấm có tai nhưng nghe đâu?

Nắng chẳng hồng tươi, núi chẳng xanh
Mây chì ngừng đứng lặng bên thành.
Nhạc trời chim cũng thôi lên tiếng,
Có những lòng xuân khóc chiến chinh.
[3]

Đã có kẻ độc quyền lãnh đạo. Mẹ Việt Nam không trả giá được. Đã có kẻ xưng độc quyền quản lý. Những bà mẹ Việt Nam, tất nhiên, không được trả giá.

Mà cũng không thể. Bởi đó không chỉ là máu xương chính mình. Nó gồm cả máu xương con mình.

Độc lập được đánh đổi bằng mớ huy chương Thanh Đề như thế đấy.

Độc lập trở thành món quà chuyền tay từ thực dân sang bầu bạn quốc tế, cũng như thế đấy.

*

Một nửa bọc con của Mẹ, với huy chương Thanh Đề đỏ ngực, che kín cả những mảnh áo rách lòi xương, bắt đầu được truy lãnh giải thưởng Đảo Huyền.

Khởi đi từ những nhà thơ tình, người ta nghe những giai điệu mới. Về những vị trí mới. Về các tương quan mới. Về mớ định nghĩa mới.

Trong đó có cả chữ Trung, chữ Hiếu.

Hiếu là hạnh đứng sau trăm hạnh. Kính dâng các bậc sinh thành:

Anh em ơi! Quyết chung lưng
Đấu tranh tiêu diệt tàn hung tử thù
Địa hào, đối lập ra tro
Lừng chừng phản động đến giờ tan xương
Thắp đuốc cho sáng khắp đường
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay
Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống, đọa đày chết thôi...
[4]

Hiếu là đức cội nguồn muôn đức. Kính dâng những bà mẹ Việt Nam:

Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
thờ Mao Chủ Tịch,
thờ Xít-ta-lin bất diệt.
[5]

Cải cách ruộng đất.

Cải tạo xã hội.

Cải biến lòng người.

Những đứa con thôi nhớ về những bà mẹ quê vất vả trăm chiều, nuôi một đàn con chắt chiu [6]. Những đứa con thôi chờ nụ cười son, và đồng quà ngon. [6]

Đức Mục Kiền Liên gặp mẹ ngay trên đất Bắc, nhiều vô kể, tại những đình làng lập lòe ánh đuốc ma trơi chủ nghĩa. Những Thanh Đề trở thành “bọn tàn hung tử thù”, được chôn sống để nhìn lưỡi cày lướt ngọt qua cổ. Những Thanh Đề bị dán nhãn “địa chủ - đối lập”, được ném đá cho vỡ vụn. Những Thanh Đề thuộc diện “lừng chừng - phản động”, được đánh hèo cho bẹp dí.... Còn nhiều nữa. Đã nói là vô kể.

Những bà mẹ còn lại, ít huy chương hào nhoáng hơn, được ban phát cho sự cao cả kéo dài:

Không phải chết, sống mỏi mòn mới khiếp
Sống niêu cơm manh áo cũng đọa đày
Sống yên lành, song cũng khó yên thay
Sống lao tù, sống bệnh hoạn lắt lay
Sống đau nhức cả thần kinh bắp thịt
Năm tháng kéo ùn ùn lên bất tuyệt…
[7]

Ôi! Oan khiên nghiệp chướng nào phủ lấp tình mẫu tử?

Ôi! Đảo huyền. Đám con nào hành hình treo ngược mẹ, ngay trong mùa Kiết Hạ Vu Lan?

*

Có thời, một nửa thế giới xưng độc lập với một nửa còn lại. Một nửa Việt Nam cũng nương trào lưu, nướng dân đen, xưng độc lập, xong, đòi giải phóng nửa kia, gọi là để tất thành bức tranh thế giới đại đồng dở dang màu đỏ. Bằng đại bác đêm đêm vọng về thành phố [8]. Bằng những con mắt bình minh tắt trên giòng sông, những con mắt mùa Đông tắt trong hoàng hôn. [8]

Đao kiếm không có mắt. Người cầm mã tấu cũng y vậy. Tấm lòng, nếu có, cũng để nước cuốn trôi [8]. Đừng nói chuyện anh em một bọc, khi bạo lực đại bác đã động phòng hoa chúc với mắt nhắm mù lòa. Chiến trường “B” mở cửa. Những bà mẹ Việt Nam, cho dù áo rách sờn vai, cơm ăn bát vơi bát đầy [6], và cho dù chưa kịp hoàn hồn hết sợ hình ảnh những ngôi đình làng bập bùng ánh đuốc, lại phải lật đật bẻ hột gạo làm đôi, tách hột muối làm ba, và rứt nguyên đùm trứng góp vốn cho chiến tranh. Nuôi con đánh giặc đêm ngày. [6]

Nên chi,

Đất này chẳng có niềm vui
Ngày quệt mồ hôi, đêm chùi lệ ướt
Trại lính trại tù người đi không ngớt
Người về thưa thớt dăm ba...
Trẻ con đói xanh như tàu lá
Cày bừa phụ nữ đảm đang
Chốn thôn trang vắng bóng trai làng
Giấy báo tử rơi đầy mái rạ…
[7]

Ôi! Oan khiên nghiệp chướng nào tròng vào cổ những đứa con bất hạnh cái nghĩa vụ bất kham đánh giặc đêm ngày?

Đánh giặc đêm ngày. Cố yên tâm đánh giặc đêm ngày. Mẹ chỉ có thể nuôi bằng khoai sắn. Nhưng, đã có Đảng lo toan tìm kiếm đồng minh vĩnh cửu: Mù lòa và dốt nát đã tuyên thệ tuyệt đối trung thành đến cuối đường quá độ. Đã có Đảng lo toan cho sứ mạng rạch ròi định danh kẻ thù: Tất cả sẽ trở thành kẻ thù, kể cả những người đồng sàng dị mộng trong đảng. Yên chí! Tất cả đều là kẻ thù. Ngoại trừ cặp bài trùng đồng minh vĩnh cửu nói trên.

*

Kết quả là nước nhà thống nhất.

Có kẻ dèm pha rằng chỉ trên mặt lãnh thổ. Mặc. Nó sẽ được cải tạo chung thân. Số phận của mọi suy nghĩ lô-gích đều như thế cả. Hiểu chứ?

Kết quả là Nam-Bắc bình đẳng.

Có người xấu miệng sửa sai thành bình sản. Mặc. Nó sẽ là nạn nhân tư sản đầu tiên được chế độ chiếu cố. Mọi người đều ngang bằng quyền lợi ở mức vô sản. Trừ đảng. Hiểu chứ?

Kết quả nhân đôi vẫn là đất miền Nam được giải phóng, cùng lúc với người miền Bắc. Một lối hòa hợp không hòa giải. Bởi thiếu hóa giải. Mặc. Đàn anh hài lòng là tốt thôi. Dân tộc chỉ là chiêu bài. Quốc tế vô sản mới là cứu cánh. Hiểu chứ?

Hiểu! Nên chi, đón người vào Nam đã có nhiều con tàu há mồm kêu giúp: Mẹ muốn sống. Mẹ muốn con sống. Chúng Tôi Muốn Sống!

Hiểu! Nên chi, nhiều bà mẹ trong Nam từng vắt cơm cho con trai bên này và con rể bên kia. Nuôi bây đánh giặc đêm ngày? Cuối đường mới bật câu tự hỏi sao thời trước lại đổ cháo nguội xuống hầm cho nó?

Hiểu! Nên chi, nhiều bà mẹ từng xào mắm ruốc thăm con học quân trường, ít lâu sau lại mang ruốc khô thăm nuôi con trong tù cải tạo. Khuyên nó đừng lo, thằng em đã thoát nghĩa vụ quân sự. Rồi tất tả ra về.

Còn chạy thăm dâu, nuôi cháu đang bị tù vượt biên.

Hiểu! Nên chi, sơ yếu lý lịch của mẹ chỉ vỏn vẹn bốn chữ: Suốt Đời Chạy Giặc.

nơi nhà anh gửi em bà mẹ
tuổi già cũng nhận lắm gian truân
xưa kia chạy giặc quanh miền bắc
vào trung ở sát chỗ hung tàn
68-72-75 dành sạch cả
dắt díu vào Nam địu với quang
bốn năm chòi lá kinh tế mới
Tây Nam khói lửa khắp bừng bừng
mẹ sống suốt đời đi chạy giặc...
chả mấy hồng nhan cũng đoạn trường
[9]

Hiểu! Nên chi, tương lai nhiều bà mẹ trẻ, mẹ già, là ở một nơi khác, chưa rõ:

Mặc kệ cỏ hoang cánh đồng gái góa
chen nhau sang nước người làm thuê
Biển Thái Bình bồng bềnh định mệnh
nhắm mắt đưa chân không hẹn ngày về…
[10]

Hiểu! Hiểu rất rõ: Độc lập, thống nhất không hề đồng nghĩa với chấm dứt chiến tranh. Lý do có gì khó? Tiến trình bình sản còn giới hạn trong nước, dù nguyên cả nước. Biên cương tổ quốc xã hội chủ nghĩa còn hẹp, tính nguyên cả khối. Chiến tranh đã lan theo đường mòn Bắc-Nam vào tận Sài Gòn. Chiến tranh vẫn có thể bào thêm đường mòn Đông-Tây lấn qua Nam Vang, vì e dân tộc láng giềng tuyệt chủng!

Có kể gì nỗi lo chính xương mẹ trắng, máu cha hồng, chất dọc, chảy quanh trụ đồng phương Bắc lần nữa?

Chiến tranh như mưa ngập đồng
Mẹ bao phen tiễn biệt chồng, lìa con
Thời gian núi lở sông mòn
Mẹ Cha xanh cỏ, con còn viễn chinh..
[11]

Kẻ thù phương Bắc, với cái dân số trên một tỷ người, nghe chừng không suy suyển mấy thời hậu chiến. Dân tộc bạn Khờ-me chỉ đỏ màu da chứ không tuyệt chủng.

Chỉ có dân tộc ta, nhờ đó, được xếp hạng kế cận đầu bảng, trên danh sách mấy quốc gia nghèo đói và lạc hậu nhất thế giới.

*

Nhờ chiến tranh và bảng sắp hạng đó, Cục Thống Kê Trung Ương đỡ mất những ngày nhìn mây trôi qua khung cửa. Đừng đề cập đến số tử thương. Hãy quên số đào ngũ B-quay. Nhưng cần ghi lại số thương binh cụt chân vì mìn cá nhân và chống chiến xa. Diện này rất đông và có trợ cấp. Không nhiều, nhưng cán bộ địa phương sẽ có thêm cơ hội xà xẻo cải thiện kinh tế gia đình. Còn phần họ ư? Câu trả lời Nga ngữ là Makeno. Dịch sang tiếng Việt là mặc-kệ-nó.

Xứ sở nhân tình
sao thật lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu
nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng
Mẹ liệt sĩ gọi con đội mồ lên đi kiện
ma cụt đầu phục kích nhà quan…
[10]

*

Nhờ chiến tranh và bảng sắp hạng đó, Cục Nhà Đất thi đua học bổ túc văn hóa, làm các con tính cộng trừ nhân chia cho thật lẹ. Bình quân mỗi đầu người cần một chỗ nằm nửa thước ngang, hai thước dài.

Trên hay dưới mặt đất, như nhau. Mẹ hay con, như nhau. Phần hương hỏa kể bỏ.

những đêm không còn tiếng hát trên đá đen
đất nước nằm co, con người không chỗ ở
gió chảy ngoài trời trầy sướt đỏ…
[12]

*

Nhờ chiến tranh và bảng sắp hạng đó, có đám trẻ mồ côi bắt đầu cuộc đời bằng số không, và ra sức khư khư ôm giữ hoài hiện tại. Bởi có đâu tương lai khi thiếu mẹ? Và có đâu tương lai khi chính sách xóa đói giảm nghèo đòi xóa cả số không?

Suốt bờ lề hôn ám
Mẹ già mở mắt buồn trông
Những em bé thoát thai từ mạng nhện
Lớn lên bằng gai góc
Bằng lau sậy mọc chồn bãi rác
Trận đồ tương lai cuồng nộ phát sinh
Bẫy lừa và nọc độc…
[13]

*

Nhờ chiến tranh và bảng sắp hạng đó, những bà mẹ làm công nhân sẽ tự động được tiệt sản mà không cần nêu ý kiến lúc lâm bồn. Đó là công việc chính của các bác sĩ, còn phụ sản và sức khỏe đứa bé chỉ là chuyện vặt.

Cũng nhờ đó, những bà mẹ khác được khuyến khích không nhất thiết phải giữ con trong bụng. Phá thai miễn phí là chính sách được ưu tiên nâng cấp để lên hàng đầu thế giới.

Chiếc kéo Đảng dùng cắt tem phân phối
Gạo ngô từng lạng từng cân
Đã cắt nhỏ tình thân cốt nhục
Manh áo, niêu cơm, cuộc đời rữa mục
Vợ chẳng cậy chồng, con chẳng cậy cha
Mẹ hiền đành ôm bụng tống thai ra…
[7]

*

Vu Lan Bồn. Lễ giải đảo huyền, gỡ bỏ hình phạt treo ngược. Lễ xá tội vong nhân. Mùa báo hiếu. Hồi hướng công đức về Mẹ.

Mẹ Việt Nam và những bà mẹ Việt Nam.

Bao nhiêu bông hồng là đủ?

Mẹ trong lòng dân tộc? Dân tộc trong lòng mẹ? Chỗ đứng nào cho hai thiểu số cấu xé giành giật “lẽ phải” nhất định thuộc về một siêu cường nào khác, mà quên hẳn Mẹ? Chỗ đứng nào cho các loại nghĩa vụ quốc tế từng đập chết ngất truyền thống hiếu hòa dung nạp của dân tộc?

Chẳng ai trả lời. Nhưng sao cùng cảm một nỗi đau như nhau, cho Mẹ?

Các loại nghĩa vụ quốc tế, rồi cũng theo độ dầy mỏng của đồng rúp và đồng đô-la mà thay đổi hình dạng. Tốt nhất là đừng đề cập tới vào những lúc không cần thiết, như khi truyền thống hiếu hòa dân tộc chưa hồi tỉnh.

Tuy nhiên, lẽ phải, sau đợt thống kê toàn bộ thương vong ở cuối các cuộc chiến liên tục nửa thế kỷ qua, dù không báo trước đặc tính tạm thời giai đoạn, đã đứng về phía không chỉ quên mất Mẹ, mà còn đủ sức tàn ác để treo ngược Mẹ bằng sợi chỉ đỏ mệnh danh tất yếu lịch sử.

Dù yên ắng trên mặt, dường như bên dưới cái lịch sử phẳng lì đó vẫn nghe chừng có điều u uất?

Cả một nền văn học hoàn toàn được định hướng vững chắc, được nuôi dưỡng hùng hậu cho chiến tranh và ngược lại, những tưởng thời thống nhất sẽ sản sinh ra các đại tác phẩm tầm cỡ. Cho xứng đáng với “chân lý” đoạt về tay những quan thầy hào phóng. Cho xứng đáng với dãy Trường Sơn hai mặt Đông Tây cùng đen trụi một màu than. Cho xứng đáng với bao tầng đất đá cùng đỏ quạch một màu máu anh em chung bọc của cả hai miền Nam-Bắc. Thấm sâu vào lõi địa cầu đến chạm các túi dầu dưới thềm lục địa....

Cả một nền văn học vững chắc và hùng hậu đó, gần hai thập niên sau, vẫn lắc đầu bất lực. Hình như cái khung định hướng không cho phép các nhà văn nhà thơ viết về cả những điều bất toại cỏn con. Mà không nói bật được nỗi bất hạnh và bất bình của Mẹ, làm sao có được tác phẩm lớn để đời?

Sau cùng, có phải núi xương sông máu kia oan uổng, ở tầm vóc lớn là trên thực tế lịch sử giành độc lập, và ở phạm vi nhỏ hơn là không trở thành chất liệu cho các đại tác phẩm? Rủi thay, mà cũng may thay!

Mẹ ơi, xin đừng chờ!

Bởi có kẻ vẫn tiếp tục gào to: Không có gì quý hơn những huy chương.

Ơi. Những bông hồng. Đám con mù lòa ngỗ nghịch chưa kịp cài lên áo để mừng còn đó Mẹ Việt Nam, gai đã đâm thấu tim, xuyên phổi Mẹ. Chừng như bị cuốn vào một thứ trò chơi tuổi dại trường kỳ, chúng rộ cười ha hả, hỏi đố: Ai Thắng Ai? Có rõ đâu từ đó, cả bọn nhìn nhau, cùng biết là đời mình không lớn khôn thêm.

Suốt đời không thể lớn khôn thêm.

Đóa hồng rã cánh trước khi tàn. Mẹ Âu Cơ xoay lưng, vai run từng nhịp, bước chậm chân quay trở vào truyền thuyết.

Một mình.

Chú Thích:

(1) Mịch La Phong; (2) Quang Dũng; (3) Đông Hồ; (4) Xuân Diệu; (5) Tố Hữu; (6) Phạm Duy; (7) Nguyễn Chí Thiện; (8) Trịnh Công Sơn; (9) Chu Vương Miện; (10) Nguyễn Duy; (11) N.D.T.; (12)
Thường Quán; (13) Hoàng Xuân Sơn.