05 tháng 7, 2004

Tinh Thần Hòa và Đồng (CT2)


Đoàn Minh

Dân chủ là một ý niệm, một học thuyết, một phương cách ứng xử, một thể chế chính trị hay là tất cả những điều này hợp lại? Loài người đã tốn hao nhiều giấy mực, tâm huyết để thảo luận việc này. Cho đến hôm nay sau quá trình tiến hóa nhiều nghìn năm, thử nghiệm nhiều thể chế, người ta gần như đã thống nhất với nhau rằng chính thể dân chủ được coi như là một mẫu mực tốt nhất, có thể đảm bảo sự thay đổi chính trị trong trật tự, sự chung hưởng phúc lợi hợp lý và cơ hội đóng góp của mỗi người cho tương lai của mình. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy ngọn cờ dân chủ được giương cao từ hai đối cực của những hệ ý thức hoàn toàn ngược nhau. Điều này có thể đem lại những hoang mang cho một số người, đặc biệt ở những nơi mệnh danh là dân chủ, nhưng yếu tính chung hưởng phúc lợi hợp lý và quyền đóng góp chính trị của cá nhân đã không được thể hiện. Như vậy, điều gì giúp chúng ta hiểu được thế nào là một nền dân chủ đích thực và thế nào là một nền dân chủ giả hiệu?

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần tìm cho ra cái bản thể của dân chủ. Đó chính là tinh thần Hòa và Đồng. Hòa nói lên sự biết chấp nhận những khác biệt của mỗi cá nhân để tìm thấy cái chung của số đông. Đồng là sự cùng nhau chung sống để chia xẻ trách nhiệm và phúc lợi qua sự chấp nhận một "khế ước xã hội". Tinh thần Hòa không cho phép một nhóm người, hay một đảng phái nào áp đặt khuôn mẫu độc nhất bắt mọi người tuân theo. Sự chấp nhận khác biệt để tìm mẫu số chung chỉ đạt được khi mỗi cá nhân được đảm bảo quyền được thông tin, học hỏi và có cơ hội phát biểu, thảo luận để tìm sự đồng thuận của đa số. Tinh thần Hòa khuyến khích sự trao đổi, thu nhận những ý kiến khác biệt nhưng không tiêu diệt nhau bởi những khác biệt đó. Như vậy Hòa là tinh thần ứng xử giữa con người với nhau và Đồng là tinh thần chung sống tuân theo một khế ước tập thể. Hòa với nhau để Đồng làm việc chung là thuộc tính vốn có của dân chủ. Chấp nhận sự khác biệt của nhau thì con người mới được khai phóng và xã hội mới thực sự có điều kiện phát triển toàn diện. Khi một chế độ cai trị không tôn trọng tinh thần Hòa, thì tất cả sáng kiến bị bóp nghẹt. Trong một xã hội không có tinh thần Hòa, thì "hàng trăm loại cúc đều chỉ nở thành hoa vạn thọ", nói theo cách ví von của cụ Phan Khôi. Tóm lại, Hòa là mạch nguồn của muôn hồng nghìn tía, của yêu thương và thăng tiến.

Trong khi đó ý niệm tập thể theo tinh thần của Đồng là toàn bộ mọi người sinh sống trong đất nước đó. Tinh thần Đồng không cho phép một nhóm người, hay một đảng cầm quyền coi trọng một thành phần hay một giai cấp nào trong xã hội hơn những thành phần còn lại. Tinh thần Đồng là cội nguồn của bao dung, không chia cắt và công bằng. Một dân tộc chia xẻ tinh thần Đồng là một dân tộc không phân chia giai cấp, không phân biệt đối xử vì khác biệt chính kiến, nguồn gốc hay văn hóa. Tất cả mọi người được sinh hoạt tự do trong khuôn khổ của khế ước xã hội mà chính họ góp phần trực tiếp hay gián tiếp lập ra. Như vậy Hòa là điều kiện để hướng tới Đồng và ngược lại trong Đồng đã tiềm ẩn ý niệm Hòa. Sức sống của Hòa, Đồng là sự quân bình và bao dung, không cực đoan. Không lạm dụng tinh thần tự do đến mức quá trớn làm tê liệt xã hội nhưng cũng không nhân danh lợi ích tập thể để triệt tiêu các ước vọng của cá nhân hay thiểu số.

Như vậy trong một nền dân chủ đích thực không thể thiếu hai đặc tính Hòa Đồng. Trong một cách nhìn khác thì Dân Chủ là sự áp dụng của lý tưởng sống Hòa Đồng. Chỉ bằng ngọn đuốc thắp sáng bởi tinh thần Hòa và Đồng, chúng ta mới soi rọi được bản chất của một nền dân chủ đích thực.

Giàu Mạnh (CT2)


Lưu Tấn Đông


"Đất nước người ta phát triển giàu mạnh là nhờ có ít anh hùng".
Trịnh Công Sơn.


Từ năm 1976, TBT Lê Duẩn đã tuyên bố chỉ trong vòng 10 năm, mỗi hộ sẽ có xe máy, tivi, tủ lạnh. Thế là tất yếu đổng, đạp, đài... bỗng nhiên thành chuyện vặt! Đó cũng là thời điểm cuộc đổi tiền đầu tiên ở VN, hệ thống tem phiếu được cải tổ, chính sách Giá-Lương-Tiền được phát động cùng lúc với các chính sách tận diệt bọn tư sản mại bản và chuyển dân lên vùng kinh tế mới. Đến 1979, bộ đội ta được trên chỉ thị ồ ạt tràn sang ngăn chận nạn diệt chủng ở Campuchia. Mặt trận Tây Nam bùng nổ, kéo theo năm hậu quả kinh khiếp cho một đất nước chưa kịp lành vết thương chiến tranh Nam-Bắc: Một là hàng vạn gia đình bộ đội Việt Nam đồng loạt nhận bằng liệt sĩ trên đất Chùa Tháp. Hai là VN ta vốn đang sống nhờ kinh viện của Liên Bang Xô Viết lại phải cưu mang thêm gần bốn triệu dân Campuchia đói rách tả tơi. Ba là hàng vạn bộ đội khác đã phải trắng xương đỏ máu ngăn chận giòng thác "giáo trừng" môi hở răng lạnh của bọn bá quyền phương Bắc. Bốn là các cột mốc biên giới Việt-Trung đã bị dời sâu vào nội địa nước ta. Năm là quyết định của thế giới đồng tình cấm vận kinh tế VN. Bấy giờ, chỉ mỗi VN ta mới hội đủ điều kiện thực tiễn để phân biệt rạch ròi các hạng mục thiếu đói, đói, và đói gay gắt. Bấy giờ, suy dinh dưỡng không còn là một cụm từ y học được quy vào một tỷ lệ dân số nhất định nào. Nó là tình trạng mẫu mực chung của nhân dân ta anh hùng.

Mười năm sau, 1986, lời tuyên bố của TBT Lê Duẩn chỉ ứng đủ cho những hộ có cán bộ đi B. VN vừa trải qua thêm một đận đổi tiền kèm theo những lời kêu gọi thế giới cứu đói cực kỳ thống thiết. TBT Nguyễn Văn Linh chuẩn bị chính sách đổi mới theo hướng Perestroika của điện Cẩm Linh, cũng là sự chuẩn bị cho báo đài thu hình những chuyến rút quân ra khỏi Campuchia sau 10 năm hữu nghị trên xứ bạn, chỉ giữ lại những sư đoàn chuyên gia đóng chốt an ninh gọi là để ổn định chính trị. Giấc mộng Liên Bang Đông Dương bốc hơi, nhưng cả ba nước Đông Dương đều được phân bố rạp mình nằm ở cuối bảng xếp hạng của thế giới thứ ba. Đến cuối năm 1989, Đông Âu chuyển mình, chính sách cởi trói văn nghệ của TBT Nguyễn Văn Linh bỗng chốc biến thành xiết lại. Làn sóng dân chủ hóa ăn lan sang cái nôi cách mạng Liên Xô vào năm 1991, ngày 19 tháng 8. Quốc tế cộng sản tan rã. VN ta bị cắt đứt viện trợ quân sự lẫn kinh tế. Hệ quả tiêu cực là trắng tay cháy túi. Nhưng, kết quả tích cực là lãnh đạo phải chấm dứt tư duy ký sinh vào những bậc đàn anh vĩ đại. Dân ta phát kiến ra cách khoán ruộng, sau đó trở thành chính sách hàng đầu của đảng và nhà nước ta, xóa sổ chế độ hợp tác xã trên con đường quá độ tiến lên nơi chưa biết. Nhân dân ta bớt đói, và ở một góc nhìn nhất định, chừng mực nào đó, nước ta bắt đầu bớt yếu đi từ ý niệm tự lực đó. Chỉ từ bấy, VN mới bắt đầu có đủ gạo cung ứng cho thị trường trong nước, tiến dần đến chỗ xuất khẩu gạo lên hàng thứ ba, rồi thứ nhì trên thế giới.

Từ năm 1991, chúng ta đã bắt đầu nghe nhiều về khẩu hiệu "nước mạnh dân giàu". Dân đã đủ ăn, cán bộ đã có quyền làm giàu theo lời tuyên bố của TBT Đỗ Mười và có thể tạm coi là đủ giàu, nhưng có phải là nước ta đã đủ mạnh? Do đâu mà người chiến thắng là ta phải quay lại quỵ lụy trong quan hệ với bọn thực dân và đế quốc chiến bại? Do đâu mà, nhỏ là các giao kèo liên doanh, lớn là các hiệp ước song phương của ta vẫn bị thiệt thòi, như ta từng chịu thiệt thòi dưới các quy chế tối huệ quốc với Nhật và Mỹ? Do đâu mà đảng và nhà nước ta phải tiến từ Điện Biên Phủ sang Liên hiệp các nước Pháp thoại? Do đâu mà mọi phái đoàn công du của đảng và nhà nước ta vẫn phải ra vào công quán nước ngoài bằng cửa hậu? Do đâu mà công nhân vốn là giai cấp tiền phong của XHCN vẫn bị chủ nhân người nước ngoài quát mắng, đánh đập ngay trên đất nước mình, hay được xuất khẩu ra nước ngoài để làm những việc mà người bản xứ không muốn làm với mức lương rẻ mạt? Do đâu mà người phát ngôn ngoại giao của ta cứ phải liên tục lên tiếng phản đối những văn bản, nghị quyết của quốc hội Liên Âu, quốc hội Mỹ, hay của các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế lên án tình hình vi phạm nhân quyền của đảng và nhà nước ta? Do đâu mà đảng và nhà nước ta đã tự động dâng đất hiến biển cho ngoại bang để đánh đổi lấy 16 chữ vàng ổn định tình hữu nghị?... Có nhức nhối lắm không khi nghe loa phường mỗi ngày nhiều lần lặp lại khẩu hiệu "nước mạnh dân giàu"?

Phải chăng đã đến lúc vấn đề cần được nhìn lại một cách nghiêm túc? Phải chăng dân giàu không chỉ có nghĩa là đủ ăn đủ mặc, hay được lượn lờ xe máy dưới ánh đèn màu của hàng hàng lớp lớp khách sạn, vũ trường? Phải chăng dân giàu còn bao gồm cả sự đáp ứng những nhu cầu trí tuệ, tâm linh và niềm tự hào văn hóa dân tộc khác với niềm tự hào chiến thắng sau những trận biển người dập vùi núi xương sông máu trên Trường Sơn xẻ dọc, Biển Hồ sóng sánh, hay giữa các cột biên chập chùng từ Lũng Cú đến Đồng Đăng? Phải chăng dân ta chưa giàu là bởi một nền giáo dục lạc hậu từ chương và đặt nặng phần chính trị lên trên kiến thức? Phải chăng dân ta chưa giàu vì âm hưởng các cuộc "chiến đấu thần thánh", và XHCN vẫn được coi là thứ giáo điều linh hiển ở trên mọi loại tín ngưỡng tâm linh khác? Phải chăng dân ta chưa giàu vì vẫn còn đó những vòng kim cô khắc nghiệt trên đầu các văn nghệ sĩ? Phải chăng dân ta chưa giàu vì bức tường lửa ngăn dân lên mạng internet mỗi ngày một dày hơn cả đê Yên Phụ? Phải chăng dân ta chưa giàu vì vẫn còn phải cơm nắm nước bịch sắp hàng đội đơn khiếu kiện trước tư dinh của TBT?... Còn nước mạnh? Có lý nào nước mạnh ở chỗ "quyền lực trên nòng súng", nhà nước có toàn quyền bắt giam hay quản thúc những người nghĩ khác với mình? Có lý nào nước mạnh ở chỗ chính phủ ta quản lý được một chế độ hộ khẩu nghiêm ngặt với hàng chục vạn đơn xin tạm vắng tạm trú mỗi ngày? Có lý nào nước mạnh ở chỗ nhà nước có toàn quyền ra lệnh giật sập nhà nguyện, phong tỏa nhà chùa? Có lý nào nước mạnh ở chỗ toàn bộ hơn 500 cơ quan ngôn luận trong cả nước cùng đánh vần đều nhịp từng bản tin của thông tấn xã nhà nước? Có lý nào nước mạnh ở chỗ TBT đảng ta đứng bục lên lớp một tổng thống Mỹ về bài học quân sự cổ tích ngay giữa thủ đô của mình trong lúc vẫn chực chờ ngửa tay xin viện trợ? Có lý nào nước mạnh ở chỗ VN cởi áo chen chân xin nhập vào khối các nước xác xơ của Nam Bán Cầu, của thế giới thứ ba? Có lý nào nước mạnh ở chỗ lá quốc kỳ chỉ được phép tung bay bên trong vòng rào các đại sứ quán VN trên thế giới? Có lý nào nước mạnh ở những bài ca đàm phán xin khất nợ hay xóa nợ trước các câu lạc bộ Paris, London?...

Kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, cả Đức lẫn Nhật đều bại trận, song chỉ vài thập niên sau đó, nước Đức vươn vai dẫn đầu châu Âu và nước Nhật lẫy lừng dẫn đầu châu Á. Năm 1975, VN ta hãnh diện là đã chiến thắng đế quốc đầu sỏ tư bản Mỹ. Non ba mươi năm sau, đảng và nhà nước ta lại hãnh diện về một chiến thắng khác trong trận đàm phán cuối cùng là đã "gài" được vào thương ước Việt-Mỹ một câu khẳng định "VN là một quốc gia đang phát triển", để hưởng thêm tí phúc lợi trên thuế biểu xuất khẩu hàng sang Mỹ. Liệu có cần phải hỏi VN ta đang đứng đâu với biển hiệu "xóa đói giảm nghèo" đeo cổ, trước tầm tiến bộ và phát triển giông bão của nhân loại? Có nên chăng, ở vị trí của dân là gốc của nước, mỗi người VN chúng ta cùng đối diện với những dằn vật nhức nhối vừa nêu, và cùng khai phá một hướng cất cánh cho chính mình và cho đất nước mình, sao cho thực sự đúng nghĩa với cụm từ "dân giàu nước mạnh"?

Tiến Tới Mà Lại Tụt Hậu (CT2)


Vũ Thạch


"Dù gì thì cuộc sống bây giờ cũng khá hơn mươi mười năm về trước..."
Vô Danh Cùng Khắp.


Nếu cách đây 2 thập niên nhiều bà con ta ngỡ ngàng là tại sao trên báo chí các hợp tác xã nông nghiệp, các nông trường đều vượt chỉ tiêu sản xuất mà cả nước vẫn đói, thậm chí một số vùng có chết đói, thì ngày nay cũng không ít người Việt Nam phải tự hỏi tại sao nhan nhản trên báo những báo cáo phấn khởi về mức phát triển kinh tế hàng năm, những con số xuất cảng tăng vụt, trong lúc một vài quan chức Đảng và một số nhà trí thức lại cứ kêu gào báo nguy về tình trạng tụt hậu của nước ta. Ai đúng, ai sai ?

Trước hết, cả các định chế quốc tế cũng phải công nhận rằng những con số tăng trưởng GDP khoảng 7% hàng năm mà Nhà Nước ta công bố, tuy có thổi phồng đôi chút, nhưng không tới độ quá ngược với sự thật như các tin tức "vượt chỉ tiêu" của thời kinh tế chỉ huy và bao cấp. Tuy vậy con số tăng trưởng GDP là một con số có tính so sánh, nó so sánh tổng sản lượng nội địa của năm này so với năm trước. Vì nền kinh tế thị trường nước ta chỉ mới mở mắt được vài năm nay và các chỉ số kinh tế cũng chỉ mới bắt đầu được thu thập trong thời gian ngắn ngủi này, do đó, có thể nói chúng ta đang so sánh với một lằn mức rất thấp, nếu không nói là so sánh với một con số không. Chính vì vậy mà con số GDP chia theo đầu người cho năm 2003, dù đã có xoa bóp, vẫn chỉ mới ở mức 476 USD.

Dĩ nhiên kinh tế không đại diện trọn vẹn cho mức phát triển của một quốc gia, tuy nhiên, đem con số 476 USD này so với các quốc gia trong vùng vẫn làm bật lên hình ảnh tụt hậu của chúng ta. GDP trên đầu người năm 2003 của Indonesia là 1140 USD, tức hơn gấp đôi Việt Nam; của Thái Lan là 2223 USD, tức hơn gấp 4 lần Việt Nam; của Nam Hàn là 11630 USD, tức hơn 24 lần Việt Nam; của Đài Loan là 13180, tức hơn 27 lần Việt Nam; của Singapore là 22330 USD, tức hơn 46 lần Việt Nam.

Năm nước kể trên được liệt kê để chúng ta cùng thấy vận tốc tụt hậu kinh hồn của Việt Nam trong 28 năm qua. Tại thời điểm 1975, mặc dù bị đắm chìm trong chiến tranh, nền tảng kinh tế tại miền Nam Việt Nam vẫn hơn hẳn các nước trong vùng Đông Nam Á và cả Đài Loan, Đại Hàn. Cụ thể như kỹ nghệ lắp ráp xe hơi với động cơ nhập từ Nhật Bản đã được khởi động tại Việt Nam vào đầu thập niên 70. Cùng mô thức phát triển kỹ nghệ xe hơi này, hãng xe Hyundai của Đại Hàn và Proton của Mã Lai đều đi sau La Dalat của Việt Nam từ 5 đến 10 năm. Nhiều trại nuôi gà hàng trăm ngàn con, nhiều khu trồng nho kỹ nghệ của tư nhân đã đi vào sản xuất. Ngành nuôi tôm, cá ngay trên sông nước đã đi vào giai đoạn thử nghiệm. Bên cạnh ngân hàng quốc gia đã có một số ngân hàng tư nhân làm nền tảng cho nền kỹ nghệ tài chánh, v.v... Nói cách khác trong 2 thập niên sau khi đất nước thống nhất, mức tăng trưởng GDP của ta mang giá trị âm, nghĩa là chỉ có những nỗ lực phá hủy các cơ sở hạ tầng kinh tế quốc gia sẵn có và diệt trừ khu vực kinh tế tư nhân đang hoạt động. Phải mất gần gần 30 năm sau, chúng ta mới đang cố tạo dựng lại các cơ sở này từ con số không.

Một khó khăn khác trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách tụt hậu là mỗi thành tựu kinh tế, khoa học, kỹ thuật lại góp phần làm nền tảng cho sự phát triển chung nhanh hơn. Hãy dùng một thí dụ thật gần, theo các dự đoán tươi sáng nhất của Đảng và nhà nước, dựa trên nền tảng kinh tế hiện tại, Việt Nam vẫn phải mất 20 năm nữa mới theo kịp Thái Lan của ngày hôm nay, nghĩa là tăng gấp 4 lần GDP theo đầu người. Nhưng trong 20 năm trước mặt, chắc chắn Thái Lan sẽ không đứng yên nhưng sẽ phát triển với vận tốc còn nhanh hơn nữa dựa trên nền tảng đã có ở hiện tại. Và như vậy, có xác suất cao là khoảng cách giữa Việt Nam và Thái Lan sau 20 năm sẽ còn rộng hơn khoảng cách hiện nay. Đó là chưa kể đến vận tốc phát triển vũ bão của các con hổ Á Châu như Đại Hàn, Đài Loan. Nếu nỗ lực canh tân đất nước để giải trừ quốc nạn tụt hậu không được gấp rút nâng lên thành ưu tiên hàng đầu của toàn dân tộc, rất có thể Việt Nam sẽ mất vĩnh viễn cơ hội bắt kịp thế giới.

Trong nỗ lực đó, câu hỏi đầu tiên cho mỗi người chúng ta là có nên tiếp tục dùng một vài con số lựa lọc để lừa dối nhau chấp nhận ổn định trong tụt hậu, hay phải đánh thức nhau về khoảng cách cứ xa dần giữa Việt Nam và thế giới để thấy nỗi nhục và trách nhiệm của chúng ta không chỉ đối với dân tộc hôm nay mà còn đối với hàng trăm thế hệ cha ông đã trả giá xương máu cho tương lai của đất nước này.

Quan Niệm Độc Lập Trong Thời Đại Mới (CT2)


Trần Châu Khoa

Đối với mọi dân tộc trên thế giới và nhất là đối với dân tộc Việt Nam, từ "Độc Lập", "Tự Chủ" có một ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng. Dân tộc ta có truyền thống trân quý độc lập, tự chủ. Phải chăng vì dân ta đã từng nhiều phen bị mất đi những gia sản quý giá đó mà phản ứng tự nhiên của dân tộc là bảo vệ độc lập chủ quyền, giành lại độc lập chủ quyền dù phải hy sinh tất cả ? Lịch sử Việt Nam là cả một chuỗi dài toàn dân chiến đấu chỉ vì những giá trị đó.

Tự điển định nghĩa độc lập là đứng một mình, không nhờ cậy ai, không lệ thuộc ai, không cần ai bảo hộ mình. Một xí nghiệp, một cơ quan truyền thông... được coi là độc lập khi họ không bị ảnh hưởng, bị chi phối bởi bất cứ ai kể cả chính quyền.

Một nuớc độc lập là một nước có khả năng tự trị: nội chính, ngoại giao đều không chịu sự chi phối, can thiệp, khống chế bởi các nước khác. Trong lịch sử, thời xưa hay ngay giữa thời cận đại, ở phương Đông hay phương Tây, người ta ghi nhận những nước lớn thường hay bắt các nước nhỏ "thần phục" hay làm "chư hầu". Đã có một thời Trung Quốc vẫn coi nước ta là một nước chư hầu của họ; vua ta phải được họ ban sắc phong.

Trong ngôn ngữ của thế kỷ 20 người ta mệnh danh một số nước nhỏ là các nước "vệ tinh", xoay quanh nước lớn. Vì thế, trong chiến tranh lạnh, phe tư bản gọi Liên Xô hay Trung Quốc là "đế quốc" và các nước XHCN Đông Âu, Việt Nam, Bắc Triều Tiên hay Cuba là những nước vệ tinh. Gọi là vệ tinh vì nó phải đi đúng trong "quỹ đạo" của Liên Xô hay Trung Quốc, phải tuân hành những quy luật của hệ thống "thái dương hệ" XHCN; đi trật đường là có vấn đề. Liên Xô đã dùng chiến xa và quân đội tràn vào Đông Berlin, thủ đô nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức, ngày 16/6/1953 (hàng trăm người thiệt mạng, 25.000 bị bắt); vào Budapest, thủ đô của Hungari 4/11/1956 (200.000 người chết, 160.000 chạy sang phương Tây) , vào Praha, thủ đô của Tiệp Khắc ngày 21/8/1968 với 300.000 quân và hàng ngàn chiến xa... vì các nước này đã muốn đi ra khỏi quỹ đạo. Phe XHCN gọi Mỹ là "đế quốc" và các nước theo phe Mỹ là "tay sai". Dù là nước vệ tinh hay tay sai thì những nước liên hệ cũng đã mất phần nào độc lập của mình.

Nói đến độc lập, người ta thường liên tưởng đến dân chủ và chủ quyền. Vấn đề là chủ quyền nằm trong tay ai ? Chủ quyền thuộc Nhà Nước hay chủ quyền thuộc nhân dân? Người ta dễ dàng chấp nhận, công dân của một nước độc lập có quyền làm chủ và quyết định về vận mệnh của mình. Nhiều chính quyền cũng muốn núp sau quan niệm độc lập, chủ quyền để mặc tình áp dụng đường lối cai trị của mình, cho dù cách cai trị đó hà khắc, chà đạp con người, không cho con người được hưởng những quyền tự do căn bản nhất. Nước nào chỉ trích, phê bình họ đều bị gán vào tội "xen vào công việc nội bộ", "xâm phạm chủ quyền" nước họ.

Nói đến chủ quyền, người ta cũng lại thường nghĩ đến lãnh thổ, đến biên giới. Ở thời đại ngày hôm nay, ngoại trừ trường hợp có quốc gia chuyển nhượng đất đai cho nước khác, không còn thấy có những nước lớn mang quân đi xâm lược, chiếm cứ lãnh thổ của nước khác làm thuộc địa như hồi thế kỷ thứ 17, 18 nữa. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là quốc gia được bảo vệ bởi biên giới của mình một cách khép kín. Ở thời đại toàn cầu hóa ngày hôm nay, nếu có còn biên giới địa dư thì các thứ biên giới khác đã bị phai mờ, nếu không muốn nói là bị biến mất. Công dân của các nước châu Âu, từ nước này sang nước kia, không cần chiếu khán. Hơn thế nữa, giữa nhiều nước châu Âu các trạm kiểm soát ở cửa khẩu trên đường biên giới giữa các nước cũng đã biến mất như giữa Đức, Bỉ, Hà Lan, Pháp vv... Thông tin, tư tưởng, vốn liếng, văn hóa vv... đã không còn bị giới hạn bởi biên giới các quốc gia nữa.

Trên thế giới hiện nay, đã hình thành nhiều nhóm quốc gia trong các Hiệp Hội, các Liên Minh, các Tổ Chức xuyên quốc gia, như Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên Minh Các Nước Châu Âu (EU), Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) vv... Vì nhu cầu hội nhập, hợp tác cho quyền lợi của các quốc gia, nên các nước không thể nào ôm lấy định nghĩa "độc lập" của các thế kỷ trước. Không ai có thể phủ nhận tính cách độc lập, tự chủ của các nước như Anh, Pháp Đức chẳng hạn; nhưng vì cùng chấp nhận ở trong EU, nên mỗi nuớc phải từ bỏ một phần độc lập của mình. Ví dụ, Ủy Ban Âu Châu tại Bruxelles quyết định cấp cho mỗi nước thành viên của EU một hạn ngạch sản xuất sữa; các quốc gia không được sản xuất quá số lượng ấn định cho dù nông dân có khả năng sản xuất nhiều hơn. Nuớc nào vượt chỉ tiêu sẽ bị phạt tiền. Không thể nói vì chuyện này mà các nước thành viên EU mất độc lập. Đối với WTO cũng thế. Nước ta có nhu cầu hội nhập nền kinh tế thế giới và gia nhập WTO. Từ 10 năm nay, Việt Nam đã chập chững cải tổ nhiều lãnh vực, từ kinh tế đến luật pháp vv... kể cả những cải tổ đi ngược lại hướng XHCN của Đảng và Nhà Nước. Thế nhưng sau vòng thương thuyết mới đây tại Genève, WTO còn đòi hỏi ta phải cải tổ hơn nữa và cải tổ thực sự, nhất là về luật pháp và khu vực quốc doanh.

Trong thời đại ngày hôm nay, bước qua ngưỡng cửa thiên niên kỷ mới, cần phải canh tân tư duy con người, từ người công dân đến người lãnh đạo quốc gia, và qua đó canh tân quan niệm về độc lập, tự chủ. Ngày nay, không thể có một quốc gia nào tuyên bố độc lập, đứng riêng lẻ, đóng chặt các cửa ngõ với thế giới bên ngoài. Tư duy mới là thế độc lập trong đại gia đình thế giới. Nói cách khác, đó là thế không đứng một mình và đứng chung với người khác nhưng không để mất chính mình: thế liên lập. Dĩ nhiên, nền độc lập của Việt Nam không phải cứ hô hào mà có. Nó sẽ phải được xây dựng bằng những giá trị thực sự dân tộc và bằng sức mạnh nội tại. Sức mạnh ấy phải đến từ toàn dân chứ không phải loại sức mạnh của một nhóm cầm quyền vay mượn từ ngoại quốc. Nếu không có loại sức mạnh nội tại đúng nghĩa ấy, từ liên lập nước ta sẽ trở thành một thứ nô lệ tân thời, súng sính trong vai kẻ phục dịch cho các nước khác.