05 tháng 9, 2005

Thư Ngỏ (CT16)

Nhìn lại những thăng trầm của lịch sử nhân loại, chúng ta thấy bật ra một chân lý: Bất kỳ một chế độ nào không đáp ứng được nguyện vọng chung của nhân dân, chế độ đó sẽ phải sụp đổ; và mũi nhọn xung kích để đục thủng cái lỗ ban đầu của mọi bức tường cai trị, khơi mào cho sự đứng lên của quần chúng... thường là một thành phần thiểu số có lý tưởng. Ngày hôm nay, đảng CSVN không đáp ứng được nguyện vọng của đa số nhân dân. Ngày hôm nay, đã có một tầng lớp lý tưởng đang dồn mọi nỗ lực để đất nước đi lên. Vậy thì tại sao đất nước ta vẫn chưa có những thay đổi như mọi người mong đợi? Có nhiều nguyên nhân:

Khoảng cách giữa khát vọng của thành phần lý tưởng và nguyện vọng của quần chúng: Khát vọng của thành phần lý tưởng là tự do dân chủ thực sự cho đất nước. Khát vọng này đã trở thành khẩu hiệu chính của các đòi hỏi, đấu tranh. Từ nhận thức tư duy, những người lý tưởng đều hiểu rõ đây là nhu cầu sinh tử của cả dân tộc, là đích đến tối hậu. Ngược lại, khát vọng của quần chúng là giải quyết được những âu lo trước mắt: cơm no áo mặc, công ăn việc làm. Tự do dân chủ là một điều biết là cần, nhưng xa vời khi trước mắt phải chạy lo đời sống kinh tế. Đại số quần chúng chưa nhận thức được rằng chỉ có tự do dân chủ mới đảm bảo những điều kiện cần thiết để giúp mỗi người dân thoát khỏi bế tắc kinh tế và thúc đẩy xã hội một cách lâu dài để đưa đến sự phát triển bền vững chung của cả nước. Trong bối cảnh nhận thức còn tương đối ấy ở nước ta hiện nay, thiểu số những người lý tưởng cần quảng bá rộng rãi những lý thuyết vốn còn xa lạ với đại khối quần chúng, bằng cách trình bày những ý niệm này trong tầm nhìn sát với thực tế đời sống bình thường, đa dạng của người dân hơn.

Khác biệt về chính kiến giữa những thành phần thiểu số lý tưởng: Những người lý tưởng tuy có cùng một mẫu số chung là lòng yêu nước và khát vọng đem lại tự do dân chủ cho dân tộc, nhưng cuộc chiến trước năm 1975 vẫn còn để lại những tàn đọng ranh giới của những người "quốc gia" và "cộng sản". Người trong Nam kẻ ngoài Bắc. Người bộ đội chính quy, kẻ từ miền Nam tập kết. Cùng đòi hỏi dân chủ đa nguyên, nhưng vẫn có sự khác biệt giữa những người dứt khoát chia tay ý thức hệ CS, phủ nhận vai trò độc tôn của đảng, với những người muốn bảo vệ đảng, chỉ muốn đảng thay đổi cho tốt hơn. Cùng đấu tranh để tạo những đổi thay nhưng vẫn khác nhau ở quan điểm phải lấy sức mạnh dân tộc làm chính, hoặc dựa vào cường quốc nước ngoài...

Khác biệt về bản chất giữa những thành phần thiểu số lý tưởng: Những người lý tưởng có thể là những đảng viên hay cựu đảng viên lão thành đã từng cống hiến cả đời mình cho lý tưởng cộng sản. Có thể là những nhà trí thức đã từng phục vụ cho chính quyền miền Nam cũ. Là những người lính Việt Nam Cộng Hòa bên cạnh những chiến sĩ Quân Đội Nhân Dân. Có thể là những thanh niên, chuyên gia, trí thức - một thế hệ mới - không dính dáng, ràng buộc gì đến cuộc chiến tương tàn của quá khứ. Có thể là những tu sĩ đang đứng giữa hai con đường trách nhiệm - đạo pháp và đất nước... Những khác biệt này dẫn đến những khác nhau về bản chất con người và ít nhiều tạo nên định kiến làm những thành phần vốn đã là thiểu số mà vẫn chưa kết hợp lại được với nhau. Mẫu số chung về dân tộc tuy có đó nhưng chưa đủ sức mạnh để san bằng dị biệt.

Giới hạn về phương pháp vận động quần chúng: Trong khi mọi phương tiện truyền thông, báo chí đều nằm trong tay của đảng và nhà nước, thì đa phần các nhà tranh đấu đều chọn cho mình phương thức kiến nghị thư, viết bài và phổ biến chui. Với phương tiện điện toán toàn cầu, những tiếng nói của thành phần lý tưởng đã được vang rộng xa nhưng vẫn còn giới hạn trong thành phần sinh viên, trí thức có khả năng sử dụng email. Còn lại đa phần quần chúng bình dân vẫn khó biết hay chẳng biết được những gì cần biết. Thành phần lý tưởng vẫn chưa có những phương hướng tiếp cận khác với quần chúng nhằm truyền đạt tư tưởng, chưa thoát ra được phương thức đấu tranh lý thuyết và chưa mở rộng việc truyền đạt tư tưởng ra ngoài sự trao đổi trong nhóm.

Giới hạn về kiến thức đấu tranh của thế giới: Khi vừa bị cô lập, vừa sống trong môi trường bưng bít thông tin, nhiều người lý tưởng ở Việt Nam không có đủ điều kiện để nghiệm thu lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn của các phong trào dân chủ trên thế giới. Từ đó, đa phần không đưa ra được một chính sách toàn diện, lấy dài hạn soi sáng ngắn hạn, lấy ngắn hạn nuôi sống dài hạn. Thay vào đó là những chiến thuật ngắn hạn hay đòi hỏi từng bước.

Vị trí của những thành phần thiểu số lý tưởng trong xã hội: Điểm chung là tất cả đều bị trù dập, cô lập hoặc bị giới hạn trong sự thăng tiến cá nhân. Trừ một vài trường hợp, đa số đều phải giải quyết những khó khăn của cá nhân mình và không có nhiều khả năng để đáp ứng cấp thời nguyện vọng của người dân. Từ đó, họ chưa có đủ hấp lực để thuyết phục và vận động quần chúng tham gia vào những đòi hỏi chính đáng chung. Mọi người dễ nghĩ rằng: thân anh chưa lo xong thì sao lo được thân người khác. Họ bị cô lập khỏi xã hội đang chạy đua vất vả với đồng tiền và lợi nhuận cá nhân.

Tất cả những vấn đề căn bản nêu trên dĩ nhiên cần được khai triển thêm để mọi khó khăn được nhận thức rõ ràng. Có nhận thức được thì mới có thể vượt qua. Canh Tân chỉ xin phép được đưa ra một số nhận định sơ khởi coi như là gợi ý. Nhận thức và giải quyết đòi hỏi trí tuệ và nỗ lực của nhiều người và niềm hy vọng rằng: trước sau gì thì bất kỳ một chế độ nào không đáp ứng được nguyện vọng chung của nhân dân, chế độ đó sẽ phải sụp đổ; và mũi nhọn xung kích để đục thủng cái lỗ ban đầu của mọi bức tường cai trị, khơi mào cho sự đứng lên của những người cùng khổ là một thành phần thiểu số có lý tưởng và theo đuổi lý tưởng đó. Vấn đề còn lại là mau hay chậm? Bao lâu nữa dân tộc ta mới thoát ra khỏi ách độc tài đảng trị vốn là nguyên nhân của đói nghèo và chậm tiến !!! . Phải chăng một Liên Minh Dân Tộc trong đó mọi thành phần lý tưởng có thể vượt qua những khác biệt, giới hạn để cùng nhau gia tăng sức mạnh xuyên phá của mình là giải pháp mở ra một vận hội mới cho đất nước?

Nhóm Chủ trương Canh Tân

Quyển Nhật Kí Đánh Thức Cả Nước (CT16)

Lữ Triệu Phong


Địa danh Đức Phổ không từng gây cho nhiều người một ấn tượng mạnh mẽ nào, cho tới khi hai quyển sổ nhật kí "Những Ngày Rực Lửa" của cố bác sĩ Đặng Thùy Trâm được in thành sách.

Bối cảnh ra đi của chị Đặng Thùy Trâm, theo lời kể của người em là: "Chị tôi hi sinh năm 1970 tại chiến trường Quảng Ngãi. Cống hiến của chị tôi ghi trong hồ sơ đề nghị truy tặng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhì rất đơn sơ: bác sĩ, hi sinh tại chiến trường. Thời gian công tác: năm năm, ba tháng, năm ngày...". Đó, phải chăng cũng là tấm Huy Chương Thanh Xuân đơn sơ dành cho 1920 ngày lửa đạn của một thời lẽ ra phải là huy hoàng tươi đẹp nhất ở một thiếu nữ vừa tốt nghiệp ngành Y?

Ngược lại, việc hoàn trả và phổ biến hai quyển sổ nhỏ bé đó sau 35 năm được trân quý cất giữ, lại nằm trong một bối cảnh tương đối khá đặc biệt, từ ông Frederic Whitehurst, một quân nhân Mỹ. Nguyên nhân của sự dầy công lưu giữ ấy lại càng đặc biệt hơn, là đến từ yêu cầu của ông Nguyễn Trung Hiếu, một thượng sĩ thông dịch viên của quân đội miền Nam. Và khởi đi từ tính nhân bản ở hai người cựu thù địch của tác giả trên chiến trường khốc liệt năm xưa đó, quyển sách "có lửa" ấy đã có dịp ra đời mới đây, chiếm kỉ lục phát hành trên toàn quốc trong hai tháng rồi, về cả số lượng in ấn và tốc độ phổ biến qua suốt nửa thế kỉ nay.

Chị Thùy, từ những ngày quanh Tết Mậu Thân, hẳn chưa từng có ý định viết cho độc giả mai sau. Có lẽ cũng chẳng bao giờ chị thoáng nghĩ tới một kỉ lục phát hành vào ngay thời điểm kỉ niệm 30 năm thống nhất đất nước. Chị viết, chị ghi lại chuyện hàng ngày, trước tiên là cho chính bản thân chị. Một mình. Nên rất thật, rất người. Điểm đầu đã có nhà văn Bảo Ninh trân trọng xiển dương. Điểm sau cũng đã có nhà văn Nguyên Ngọc nhận định sâu sát. Cả hai điểm, gộp chung lại, đã được độc giả cả nước trân quý đón nhận ở mức độ gây cảm giác sửng sốt cho toàn thể Hội Nhà Văn, kèm theo một dấu hỏi khá to về thành quả của những Trại Sáng Tác suốt 30 năm qua. Và biết đâu tác giả của bài thơ Hoan Hô Chiến Sĩ Điện Biên, khi đọc quyển nhật kí của chị Thùy, hẳn đã phải tận tình xấu hổ vì đã miệt mài trau chuốt từ xa những lời ngợi ca sáo rỗng một chiến công hào hùng có thật vào thuở chị Thùy còn ở độ tuổi lớp 6.

Nhà thơ Hữu Loan, khi được hỏi sao chưa làm nhà, đã trả lời "còn bận làm người", như một lời nhắn gửi tới những ai từng tưởng là đã có quyền tước đoạt ở ông quyền sống cho ra người. Học giả Vương Trí Nhàn, khi trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ về quyển Nhật Kí Đặng Thùy Trâm, đã nhấn mạnh rằng ở đây, chúng ta "không chỉ gặp một chiến công mà còn gặp một con người". Hiếm đến thế sao? Ông nói lên điều này sau khi lãnh đạo đã lên tiếng ca ngợi giá trị tuyên truyền của quyển sách (mà xưa nay vẫn thường được mô tả theo khuôn đúc mẫu mực là "trong thơ có thép"). Ông không thể xa xỉ xiển dương anh hùng tính của một người xả thân vì lý tưởng, lại càng không hề đánh bóng tính hi sinh của nhiều thế hệ, để níu giữ một thời đại "ra ngõ gặp anh hùng", hầu giải quyết nhu cầu gầy lửa cực kỳ cần thiết của thời đại bất nhân vô hậu "ngồi nhà cũng gặp cường quyền tham nhũng" hôm nay. Ông chỉ đơn giản vinh danh người nữ bác sĩ nhân từ và quả cảm đã "tận tụy làm người". Ông đã trang trọng mời Thùy Trâm vào ngồi cùng chiếu trên văn đàn và "nhân đàn" với tác giả bài thơ Hoa Sim bất hủ.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lớn hơn chị Trâm 3 tuổi, có thể được xem là đồng lứa, cũng có cùng mẫu số chung là thấm đẫm tình người trong tác phẩm. Nhạc sĩ Văn Cao bảo "Sơn nó làm nhạc giống như là lấy đồ trong túi ra". Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang cho rằng "tiến trình âm nhạc của Sơn là do một rung động tự phát". Ở trang đầu tập nhạc Kinh Việt Nam (1968), với những bài nhạc: Sao Mắt Mẹ Chưa Vui, Nước Mắt Cho Quê Hương, Ta Ðã Thấy Gì Trong Ðêm Nay, Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói, Ngày Mai Ðây Bình Yên... tác giả đã ghi rằng đó "là tiếng kêu thương thống thiết, khởi từ một thực trạng máu xương, là lòng mơ ước về một rạng đông cho đêm tối dài lâu này". Đặng Thùy Trâm không khác. Về cách viết. Lẫn nội dung.

Chị Thùy cũng có một khát vọng cháy bỏng tương tự: "niềm hi vọng đã như một ngọn đèn rực sáng trước mắt" (4-8-68). Ánh sáng của buổi rạng đông đó, hay của ngọn đèn trước mắt đó là gì mà người ta có thể chấp nhận "chết chóc hi sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm" (14-7-69)? Không phải đôi ba người. Không phải vài chục hay vài trăm người. "Hàng triệu người như con đã ngã xuống mà chưa hề được hưởng trọn lấy một ngày hạnh phúc" (14-7-69). Chị Thùy không đứng từ xa nhìn vào cuộc chiến và làm thơ hoan hô để động viên thêm người đi B. Chị chỉ cần khẽ với tay là hái được ngay quả chín lý tưởng của cả một thế hệ, ngay tại bìa rừng Đức Phổ: "Con cũng là một trong muôn nghìn người đó, con sống, chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc...." (14-7-69). Và biết rất rõ rằng trang sử này được "viết bằng xương máu và tuổi xuân của bao người" (23-11-69). Quả là "Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì... ", như anh Sơn đã ghi lại trong bài hát Một Cõi Đi Về. Tất cả, tất cả, "biết bao người đã tình nguyện hiến dâng cả cuộc đời mình vì bốn chữ độc lập, tự do" (4-5-68). Có khi, ngay trên đường đi tới còn phải tự nhắc chính mình: "Hãy nhìn lại đi, bên cạnh Thùy có bao nhiêu đồng chí, bao nhiêu thanh niên đã cống hiến tuổi trẻ của họ cho cách mạng, họ ngã xuống chưa hề được hưởng hạnh phúc" (21-12-68). Có phải ở một tương giao cách cảm nào đó, anh Sơn đã bắt gặp hình ảnh chị Thùy: "Ta thấy em đang ngồi khóc, khi rừng chiều đổ mưa"?

Chị Thùy, em Thuận, anh Khiêm... và nhiều người khác nữa. Chưa được nhìn thấy ngày mai của dân tộc. Chưa được nếm thử mùi vị của bốn chữ độc lập, tự do. Âu cũng là may cho họ, nhờ chưa phải chứng kiến một ngày mai của dân tộc trong đó các Mẹ Anh Hùng đã an hưởng hòa bình:

Mẹ nghiêng vò gạo vét không còn
Ôi! Miệng vò hun hút hố bom
Chẳng cả con mèo mà nói chuyện
Để cho dịu bớt nỗi cô đơn...
Tiền tử tuất món tiền nhỏ bé
Mẹ năm con như mẹ một con
Mẹ thương các con thường tiếp khách
Lương mẹ ngang mấy hộp bia lon? (Xuân Miễn)

Còn mọi người quanh Mẹ? Ôi, những cuộc đời...

Mưa xối, nắng thiêu
Đêm trong, ngày đục
Thác bỗng dựng ở nơi không gấp khúc
Bợt bạt mặt người trong cơn giông (Hoàng Trần Cương)

Ôi, những mảnh đời... "tiến thoái lưỡng nan", đến phải thường xuyên tự nhủ


Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng! (Trịnh Công Sơn).

Không khác lời tiên tri của chị Thùy cho lãnh đạo nói với cả nước: "Hãy lấy niềm tự hào mà quên đi thất vọng" (12-4-68). Lớn nhất, chính là nỗi thất vọng bởi một phản bội rõ to, rõ đậm, rõ dài, ngay trên bốn chữ Độc Lập Tự Do bị che lấp bởi cái bóng của đàn anh Quốc Tế Cộng Sản:

Ta không phải vì ta ba chục triệu người.
Mà vì ba ngàn triệu trên đời. (Tố Hữu)

Và còn ngập ngụa biết mấy với bọn em út đảng viên, những kẻ:

Tiêu máu của dân như tiêu giấy bạc giả.... (Phùng Quán)

Những tên phỗng đứng đời xưa ấy
Gạo thịt cơm thừa đổ xuống sông
Nhìn người mẹ đói đau đứt ruột
Mặt trời vàng úa biết còn không? (Hoàng Vũ Thuật)

Không phải mới ló mặt hôm nay. Chính chị Thùy đã nhận diện tiền thân bọn này từ thời còn lặn lội trong bưng: "Vẫn có những con sâu, con mọt đang gặm dần danh dự của Đảng, những con sâu mọt ấy nếu không bị diệt đi nó sẽ đục khoét dần lòng tin yêu với Đảng" (25-5-68)... "Ngày từng ngày máu vẫn rơi, xương vẫn đổ. Điều đáng buồn nhất là trong những hi sinh gian khổ ấy, Th. chưa thấy được sự công bằng, sự trung thực. Chưa có một sự đấu tranh để thắng được những cái ti tiện, đớn hèn cứ xảy ra làm sứt mẻ danh dự của hai chữ đảng viên" (15-6-68).

35 năm sau những dòng chữ đó của chị Thùy, nhà văn Dương Thu Hương đã lặp lại nhiều lần chữ Ti Tiện riêng dành cho toàn bộ lãnh đạo CSVN, trước ống kính phỏng vấn của đài truyền hình ABC (Úc), ngay giữa lòng Hà Nội. Những khát vọng trẻ đã tự bao giờ biến thành những tuyệt vọng già, phất phơ trước những đỉnh cao vô trách nhiệm?

Ta đã thấy những vết lồi vết lõm trên mặt trăng sao
Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao (Việt Phương)

Từ đó, liệu có dư thừa (hoặc sẽ tạo phản cảm không) những công sức đánh bóng khía cạnh anh hùng của một Đặng Thùy Trâm từng bị phản bội ngay trên chiến trường Đức Phổ, kéo dài cho tới thị trường có định hướng hiện nay? "Không có cách nào giải quyết khác hơn là mình vẫn phải ở lại cùng anh em thương binh. Buồn cười thay đồng chí chính trị viên của bệnh xá từ chối không dám ở lại cùng mình trong tình huống này. Vậy đó, lửa thử vàng gian nan thử sức" (16-6-70). Khó cười được nữa rồi: "Một ngày, hai ngày... rồi chín ngày đã trôi đi mọi người vẫn không trở lại! Những câu hỏi cứ xoáy trong đầu óc mình và những người ở lại. Vì sao? Lý do vì sao mà không ai trở lại? Có khó khăn gì? Không lẽ nào mọi người lại đành đoạn bỏ bọn mình trong cảnh này sao?" (20-6-70). Đó là dòng chữ cuối cùng của chị Thùy, cô độc tận cùng trên tuyến đầu Đức Phổ, trước sự đớn hèn của lãnh đạo và đồng đội. Hai ngày sau, chị Thùy hi sinh.

Cũng từ đó, một con đường hay một bệnh xá mang tên chị Thùy có lẽ chưa đủ tầm nhân bản như khát vọng vô bờ nhưng rất đỗi bình dị của chị. Hãy đưa tên chị vào tận Quốc Hội, cùng với câu chất vấn của chị từ giữa năm 1968 tới giờ vẫn chưa được trả lời: "Tại sao vậy hở tất cả mọi người? Tại sao khi ta là kẻ đúng, khi ta là số đông mà không đấu tranh được với một số nhỏ, để số người đó gây khó khăn trở ngại cho tập thể?" (29-5-68).

Bàn cờ thế sự quân không động
Mà thấy quanh mình nổi bão giông (Khương Hữu Dụng)

Tại sao vậy, hỡi đồng bào cả nước?
Đã tỉnh giấc chưa, hỡi tuổi trẻ cả nước?

* Những chữ in nghiêng trong ngoặc được trích từ nhật kí của chị Thùy

Nhận Diện Xã Hội Việt Nam Hôm Nay - Qua Giáo Dục (CT16)

Lê Bình An


Với sự hiểu biết và kinh nghiệm của riêng tôi thì trên thế gian này không có một quốc gia nào còn có nền giáo dục lộn xộn và ít tính giáo dục như nền giáo dục Việt Nam. Khi tôi hiểu tuyên truyền là được phép nói láo cũng là lúc tôi thấy mình đã bị nhiễm bệnh. Căn bệnh của một nền giáo dục sai trái. Nếu có ai đó bảo rằng chúng ta đang thành công trong giáo dục, thường được giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế, tôi tự nghĩ, chúng ta lẽ ra còn được nhiều hơn thế nữa. Dân tộc ta là một dân tộc khá tinh anh. Người Việt Nam nhạy cảm và linh hoạt. Tuy nhiên, cũng chính sự nhạy cảm và linh hoạt này làm cho ranh giới giữa cái đúng và cái sai trở nên khó định. Chính sự linh hoạt của dân tộc đã làm cho nhiều triều đại trong lịch sử tưởng như vững chắc chợt bàng hoàng vì sự sụp đổ nhanh chóng. Nhưng nhiều ưu điểm của dân tộc ta đã bị một số người lợi dụng để truyền bá những tri thức sai lầm và phi khoa học.

Tôi không nằm trong số nhiều thế hệ là hậu quả của cải cách giáo dục. Nhưng hàng triệu trẻ em VN, đằng đẵng 20 năm, là vật thí nghiệm. Đầu tiên là cải cách chữ viết. Trong khi các giáo viên đại học gào lên phê phán Socrat là chủ quan siêu hình khi ông cho rằng vẻ đẹp không phải trên đôi má hồng của người thiếu phụ mà nằm trong đôi mắt của kẻ si tình, thì mặt khác các nhà giáo dục XHCN có đôi mắt lác từ sâu thẳm tư tưởng ngó nghiêng và xác nhận rằng bộ chữ thô lậu, khô cứng là đẹp, là uyển chuyển và vĩ đại. Thế là học trò được đưa ra thí nghiệm. 20 năm trôi qua, những giá trị tốt đẹp trong bộ chữ ban đầu đã được trả lại nhưng nhiều thế hệ học trò thì không thay thế được. Văn hoá cần có gốc và chữ viết là một nền tảng lớn của văn hoá. Đặt trên nền tảng không tốt tức là đã tạo cho con em một tương lai khó nhọc hơn.
Khi tốt nghiệp cấp II là lúc những thế hệ học trò của chúng ta bước vào phân ban. Những tư tưởng chắp vá của một thời được khơi mào trở lại. Sự suy nghĩ không nghiêm túc và dài hơi cho một chương trình đã tan vỡ trên toàn bộ quốc gia sau hơn 6 năm thực hiện. Hậu quả là học sinh gánh chịu. Kiến thức cơ bản của học sinh bị thiên lệch trầm trọng là hệ quả tất yếu của phân ban. Tiếp sau phân ban là vào đại học với chương trình chuyển giai đoạn. Bởi ý chí của một người, một nhóm người mà sinh viên tiếp tục tiếp nhận những quy trình đào tạo phi khoa học. Cái phi lý thì cũng đến lúc phải chấm dứt. Thế là không còn đào tạo 2 bậc nữa. Mọi việc vẫn nguyên và những chiếc ghế tiếp tục được nâng cao. Duy chỉ có sinh viên là thiệt. Nhiều sinh viên bơ vơ sau khi không chuyển tiếp được vào giai đoạn 2. Sau 2 năm đại học họ ra về với vốn kiến thức cơ bản là triết học Mác – Lê nin và nhiều bài học quân sự. Mớ kiến thức bị chối bỏ khắp thế giới đó tiếp tục đeo đẳng, là tỳ vết trong phương pháp tư duy, ảnh hưởng xấu suốt cả cuộc đời của họ.

Những nhà giáo dục Việt Nam đi những bước mù quáng tiếp theo khi quyết định nhập trường, tách trường Đại học. Quyết định chính trị này tạo ra vô số cái ghế mới và đánh đổ nhiều chiếc ghế cũ. Sự giằng xé quyền lực của các nhà giáo dục đã đẩy đưa rất nhiều thế hệ sinh viên vào những bước dở dang của cuộc đời và tạo ra sự lộn xộn và bất ổn ngay trong việc lĩnh hội kiến thức và tên gọi của bằng cấp. Đây là những quyết định hết sức nóng vội và sai lầm. Nó cũng giống như việc quyết định địa điểm thi đại học. Gần 15 năm trước đây đã tổ chức thi cụm rồi một thời gian sau lại tổ chức thi ở thành phố, cuối cùng lại tiến hành tổ chức phân chia ra thành nhiều cụm. Người chịu thiệt hại trong suốt những năm qua không ai khác là nhân dân. Không dừng lại đó. Các nhà chính trị làm giáo dục còn làm ngơ trước những sai phạm của các trường bán công, dân lập rồi sau đó can thiệp một cách thô bạo và xấc xược để tiếm quyền và chiếm đoạt các giá trị vật chất. Gian trá và xảo quyệt là cách mà họ hành động. Người chịu thiệt cuối cùng là học sinh, sinh viên, những công dân tương lai của đất nước Việt Nam thân yêu này. Hàng loạt loại hình đào tạo mới được mở ra một cách vô tội vạ: nào là tại chức, chuyên tu, từ xa, ngắn hạn, ngoài giờ… Đó là những thị trường béo bở cho các giáo viên và học viên bất lương. Họ trao đổi, chạy chọt, mua bán ì xèo.

Hình thức chỉ là biểu hiện nội dung, còn nội dung mới là điều quan trọng. Nội dung giáo dục của VN trong giai đoạn hiện tại là hết sức tai hại. Quả thật, nhiều Phó tiến sỹ sau một đêm đã thấy mình là tiến sỹ. Trước đó chỉ 6 tháng hoặc 1 năm thì những người đó đang là cử nhân. Sự tồn tại trong vòng 5 năm của phương thức đào tạo tiến sỹ ngắn hạn cũng đã đủ cho nhiều ngàn người trở thành phó tiến sỹ trước khi trở thành tiến sỹ sau một đêm. Rất nhiều người trong số tiến sỹ hôm nay là kẻ chi tiền cho những người khác viết thuê. Cho tới bây giờ nạn mua bán bằng cấp, học vị, giấy tờ giả vẫn tràn lan khắp nơi và ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Những lớp học cao học thưa thớt, lười nhác và mệt mỏi. Nghiên cứu sinh thì chủ yếu đem quà đến để nói chuyện phiếm với những người hướng dẫn. Dù cho phản biện kín nhưng sự gặp gỡ hằng ngày và thái độ thoả hiệp, xuê xoa giữa các thành viên hội đồng vẫn cho phép hầu hết những công trình vô nghĩa được đánh giá rất cao. Những công trình vô dụng đó ngày một chồng chất mốc meo trong các thư viện, và tiền túi những người hướng dẫn và phản biện ngày một nhiều thêm. Tiền đi đút lót của những người làm tiến sỹ là tiền có được từ những thành phần thấp kém hơn trong xã hội. Đại bộ phận số tiền để quan chức “làm” bằng cấp giả hoặc bằng cấp thật mà kiến thức giả là đến từ những người dân nghèo không có cơ hội được đi học.

Trường học, đặc biệt là trường đại học, đã biến thành chợ. Nơi đó hàng hoá là con điểm chứ không phải là kiến thức. Thầy giáo vốn là tầng lớp được kính trọng trong xã hội, phải bán từng con điểm để nuôi vợ con đang đói kém. Điều đó là tất yếu khi tri thức của họ bị bóc lột thậm tệ qua đồng lương chết đói. Chưa kể nhiều kẻ trong số họ trước đây hoặc đã phải trả giá bằng tiền để có bảng điểm cao, có bằng tốt nghiệp hoặc đã phải lo lót cho một chức danh giảng dạy. Học sinh lười học, chán nản và bế tắc. Những phương pháp giảng dạy khoa học và hiện đại đã quá cũ trên bàn làm việc và trong các cuộc hội thảo, nhưng vẫn còn quá mới nơi giảng đường. Mặc dầu vậy, người ta vẫn đổ xô đi thi, đi học, đặc biệt là đại học. Miễn là lấy cái bằng, cho qua một gạnh đầu dòng trong cơ cấu cán bộ. Xã hội ta là xã hội trọng bằng cấp và rất nhiều người đang cầm mảnh bằng bằng giấy chứ không phải kiến thức để xây dựng cơ nghiệp của mình.

Nguồn gốc căn bản của sự suy đồi trong giáo dục VN hôm nay có lẽ là hệ thống các trường Đảng. Bởi vì ở đó người ta vẫn dạy những điều không có thật, dạy những điều giả dối. Sự bế tắc hoàn toàn về lý luận của hệ thống trường đảng là sự thật 100%. Những biểu hiện lai căng, gán ghép cho cái sai chỉ làm tồi tệ hơn những cái sai đã có sẵn. Thế mà người ta vẫn dạy, vẫn nói những điều dang dở, vòng vo. Giáo dục là để cho người học biết đường mà đi, biết tạo lập cho mình một đường băng, chạy chậm, chạy nhanh rồi cất cánh. Giáo dục là sự học tập và nhận thức cái đúng để biết hiện tại và hoạch định tương lai. Nhưng giáo dục ở đây là sự dối lừa. Sự lừa dối lại được đem đi giảng dạy cho lãnh đạo của Nhân dân trong đó có lãnh đạo của ngành giáo dục.

Trẻ em bị đè cổ ra bắt học với những khối lượng kiến thức đồ xộ trong khi đó bậc cao học và tiến sỹ có thể đi chơi. Đây là điều phi lý tôi chưa thấy ở một quốc gia nào. Trong khi đáng lẽ học sinh tiểu học có thể vừa chơi vừa học thì phải gánh một lượng kiến thức khổng lồ. Càng học cao người học càng nhàn. Chăm thì cũng vậy thôi, phao-là vật để làm nổi mình lên. Học sinh trung học quấn quanh người và cẳng chân như những chùm đạn của binh lính sắp sửa vào trận đấu. Công an Phường Bách Khoa phải làm việc căng thẳng và bận rộn suốt những tháng thi đại học vẫn không dẹp bỏ được những chợ phao bày bán công khai. Nhưng cái phao quyền lực chính trị và tiền tài phía sau bài thi mới nhiều và thực sự hiệu quả. Nó làm nổi bật cả những học sinh dốt nát mà cũng không biết bơi. Bậc đại học và Cao học, người ta còn trải sách giáo khoa lên bàn mà chép. Tất cả đều chép y hệt như sách, còn điểm thì tuỳ mức độ ngoại giao, tỷ lệ thuận với những lần viếng thăm nhà riêng thầy giáo.

Chất lượng giảng dạy và cách thức phân bổ thời lượng giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng là điều đáng lo ngại. Có thể nói tất cả sinh viên đều phải học tập 3 môn vô bổ với một thời lượng rất lớn: Đó là Triết học Mác-Lê nin, Kinh tế chính trị học Mác - Lê Nin và Chủ nghĩa cộng sản khoa học. Để khẳng định triết học Mác- Lê nin là đúng, người ta đành phải phê phán hết tất cả những người không theo Mác. Vì vậy, nếu như sinh viên có biết các triết gia khác thì chỉ biết những điều xấu. Ngoài ra học sinh, sinh viên còn phải dành rất nhiều thời gian học tập quân sự, học chính trị, học nghị quyết. Tất cả đều quá đáng một cách không thể chịu nổi.

Thế rồi với mớ kiến thức hổ lốn, không chuyên sâu, không thành thục đó, họ ra trường và gia nhập vào đội quân thất nghiệp. Số sinh viên ra trường có công việc ngay chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Phần còn lại làm trái nghề hoặc thất nghiệp. Rất nhiều khi, trên những nẻo đường tôi đi, văng vẳng tiếng kêu của những thanh niên thất nghiệp ngộ chữ lẩm bẩm: “duy vật với vô thần”. Mác với Lê Nin. Thực ra giáo mác đã lạc hậu, han gỉ và đã bị vứt đi rồi. Nó không có gì to tát cao siêu. Nó không đáng cho hàng triệu, hàng triệu, lớp lớp sinh viên học sinh phải học, phải đọc, phải làm theo. Đất nước mình còn nghèo, nhân dân mình còn đói ăn, còn mất tự do. Đó mới là điều Nhân dân cần học, cần biết và cần hành động để cứu nguy dân tộc. Nhân dân cũng cần biết rằng nguyên nhân của mọi nguyên nhân là sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đã đến lúc cần phải thay đổi, Hỡi người dân Việt Nam, hãy vì một nền giáo dục lành mạnh và tốt đẹp hơn, hãy tôn trọng các ý kiến khác biệt – Chuyển đất nước đến Dân chủ - Đa nguyên. Hãy bắt đầu bằng giáo dục.