05 tháng 12, 2005

Nhận Diện Xã Hội Việt Nam Qua Hiến Pháp (CT19)

Trung Trực


Hiến pháp là đạo luật cơ bản của quốc gia và có vai trò rất lớn trong đời sống xã hội. Tất cả mọi việc lớn bé, tất cả mọi người, từ tổng thống đến bác nông dân, đều chịu tác động của hiến pháp. Muốn hiểu biết khái quát một quốc gia chúng ta phải hiểu hiến pháp của quốc gia đó bởi hiến pháp gắn liền với việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước. Đọc hiến pháp ta sẽ hiểu được giá trị và trình độ văn minh của quốc gia đấy.

Việt Nam được coi là quốc gia có nhiều hiến pháp nhất thế giới. Từ năm 1946 đến nay chúng ta đã có 4 bản hiến pháp và một số sửa đổi, trong khi hầu hết các nước khác chỉ có 1 đến 2 bản hiến pháp. Đặc biệt là Hiến pháp Hoa Kỳ hơn 200 năm (1789) vẫn còn hiệu lực và có vẻ vẫn còn sức sống mãnh liệt trong tương lai. Hiến pháp Tây Đức ban hành từ năm 1949 đã tiên liệu hiệu lực của nó cho cả những vùng đất bên ngoài lãnh thổ để hơn 40 năm sau đã trở thành hiện thực khi nước Đức thống nhất. Hiện nay, Hoa Kỳ và Đức là những cường quốc số 1 thế giới còn Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo nàn nhất. Điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về giá trị và tính ổn định của các bản hiến pháp.

Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam là bản Hiến pháp 1946 được quốc hội thông qua ngày 9 tháng 11 năm 1946. Có thể nói đây một bản hiến pháp dân chủ. Ngay trong lời nói đầu, bản hiến pháp đã khẳng định “nhiệm vụ của toàn dân tộc là kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”. Hiến pháp 1946 đã hội tụ tinh hoa của các đảng phái chính trị và thể hiện khá đầy đủ khát vọng chính đáng và tốt đẹp của Nhân dân Việt Nam. Đó là được ấm no, hạnh phúc và hoà bình. Bản hiến pháp kêu gọi tinh thần đoàn kết, kêu gọi nhân dân Việt Nam quy tụ dưới “một chính thể dân chủ rộng rãi để cùng nhau tiến bước trên con đường vinh quang, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hoà bình của nhân loại”. Đáng tiếc thay, những cuộc tranh giành quyền lực vì những ý thức hệ vay mượn và diễn biến phức tạp của thời kỳ 9 năm kháng chiến đã đẩy dân tộc ta đến những bất đồng. Sự bất đồng đó đã làm cho bản hiến pháp không phát huy được tác dụng. Cho đến khi hòa bình lập lại vào năm 1954 thì Điều 10 tốt đẹp của hiến pháp quy định những quyền cơ bản của công dân chỉ còn lại hình thức. Tệ hại hơn, cái ngoại lai đã dần dần thắng thế và sự minh mẫn bắt đầu ra đi. Trí tuệ tổng hợp đã bị xé nát trong một giai đoạn mà đất nước ta cần một giải pháp khôn ngoan và đồng thuận nhất. Bản Hiến pháp dân chủ gồm 70 điều đầu tiên của Việt Nam đã bị giết chết. Nó chết vì ngộ độc.

Hiến pháp thứ 2 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là hiến pháp 1959. Đây là một bản hiến pháp quái dị, đã bị biến thái nên không còn đúng ý nghĩa của một bản Hiến pháp nữa. Nội dung của nó thể hiện sự giằng co giữa Chủ nghĩa dân tộc và Chủ nghĩa Cộng sản quốc tế và làm rạn nứt mọi các khái niệm thuần túy nhất. Nội dung và các điều khoản cụ thể đã mâu thuẫn và chia cắt giống như đất nước Việt Nam đau thương vào thời kỳ đó. Thực tiễn thảm khốc của dân tộc ta sau đó đã bắt nguồn từ những lập lờ và gian lận trong bản hiến pháp này. Khái niệm “Cộng sản”“Đấu tranh giai cấp” đã được đưa vào ngay trong lời nói đầu bằng “sự sáng suốt của Đảng Lao động”. Khi hiến pháp hùng hổ tuyên bố đây là một bản hiến pháp thực sự dân chủ cũng là lúc nó cúi đầu xác nhận sự đoàn kết nhất trí với các nước anh em trong phe XHCN và oang oang lên án bè lũ đế quốc. Bản hiến pháp 112 điều này đầy rẫy những ngôn từ của quốc gia dân tộc quằn quại trong vỏ bọc ý thức của một học thuyết quốc tế vay mượn. Bản hiến pháp này không đảm bảo được những quyền tự do tối thiểu mà hậu quả là dẫn đến việc bắt giam hàng loạt trí thức thời kỳ “Nhân văn Giai phẩm”. Cũng vì tính quái dị của bản hiến pháp mà những người “xét lại” vẫn nghĩ là mình đã làm một điều hợp hiến. Bản hiến pháp này tồn tại trong 20 năm, cũng đau thương, dang dở và vô nghĩa như chính lịch sử dân tộc ta thời kỳ đó.

Năm năm sau ngày đất nước thống nhất, bản hiến pháp thứ 3 của Việt Nam ra đời, Hiến pháp 1980. Đây là một bản hiến pháp phản động, dài dằng dặc gồm 147 điều chủ yếu cóp nhặt từ hiến pháp Liên Xô. Lời nói đầu hiến pháp là một lời kêu gọi đầy bạo lực, vẽ ra những ảo tưởng với những hậu quả khôn lường. Bản hiến pháp không hề nghĩ đến khát vọng chính đáng của dân tộc sau chiến tranh đau thương là hòa bình và hạnh phúc. Ngược lại nó lớn tiếng huênh hoang ca ngợi chiến tranh, đánh thắng từ “bọn tay sai Cămpuchia đến bá quyền Trung Quốc, từ đế quốc Mỹ đến đế quốc Pháp”. Vì bản hiến pháp phản động này mà đất nước ta sau đó đã rơi vào một tình trạng hết sức hỗn loạn. Vì bản hiến pháp này mà nhân dân của đất nước phì nhiêu đồng ruộng trở nên đói nghèo rách rưới, những làng quê lẽ ra được yên bình sau chiến tranh đã phải nhường chỗ cho trộm cướp và nổi loạn do đói ăn. Đó là hậu quả tất yếu khi Điều 2 của bản Hiến pháp này xác nhận rằng: “Nước cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước Chuyên chính vô sản. Sứ mệnh lịch sử của Nhà nước là thực hiện quyền làm chủ tập thể” – một khái niệm mà ngay cả những học giả lỗi lạc nhất từ trước đến nay vẫn không cắt nghĩa được. Xét về mặt phá hoại thì Hiến pháp này đã cực kỳ thành công. Nhân dân đã thực sự trở thành vô sản. Hiến pháp phản động này đã để lại di họa cho mai sau bằng cách xác lập tại Điều 4, một tiền lệ nguy hiểm, là khẳng định vai trò lãnh đạo của đảng Cộng Sản lên trên toàn bộ dân tộc. 12 năm tồn tại của bản Hiến pháp này là 12 năm kinh hoàng của toàn bộ nhân dân. Hàng trăm ngàn người xô nhau ra đại dương mênh mông sóng nước hiểm nguy vì muốn thoát khỏi quốc gia chuyên chế, nơi mà một anh công an quèn có thể cầm hàng tập lệnh khám nhà và bắt người khống chỉ. 12 năm tồn tại của bản Hiến pháp này là 12 năm của những dằn vặt đớn đau, của một cơn giãy chết.

Hiến pháp 1992 là một liều thuốc kháng sinh tư bản và sự bừng tỉnh của Liên Xô sau Đại hội đảng Cộng sản lần thứ 27. Quốc hội Việt Nam năm 1992, với một tỷ lệ đảng viên cộng sản cao nhất thế giới, đã buộc phải thừa nhận những sự thật phũ phàng rằng họ chẳng mang lại gì cho dân tộc Việt Nam qua các bản hiến pháp, ngoại trừ bạo lực và đói nghèo. Dẫu sao cũng đã chân thành. Lần đầu tiên những tư tưởng tốt đẹp, được Abraham Lincoln xác quyết và thế giới ghi nhận suốt hơn một thế kỷ qua đã được đưa vào như phấn son trên khuôn mặt của một cô gái lỡ thì: Đó là Nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân. Gần 10 năm sau, bản hiến pháp 1992 đã phải sửa đổi (2001) với sự lúng túng kết hợp loằng ngoằng, bế tắc trong tư duy và dự báo một tương lai tiếp tục bất trắc cho dân tộc Việt Nam. Di chứng của Hiến pháp 1980 vẫn còn nguyên nơi Điều 4, ngang nhiên thách thức 96,7% dân số Việt Nam ngoài đảng. Điều 76 Hiến pháp còn quy định công dân phải trung thành với tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong khi lời nói đầu xác nhận rằng chúng ta đang “trong thời kỳ quá độ để lên XHCN”. Như vậy Hiến pháp 1992 đã bắt công dân của mình phải bảo vệ một cái chưa hề có và chắc chắn sẽ không có trên đất nước ta. Hiến pháp 1992 là một chiếc áo vá. Nó có vẻ đủ ấm nhưng không đủ rộng cho một cơ thể đang lớn từng ngày. Nó rách từng giờ. Đất nước bứt nhíp từng ngày. Rất nhiều điều trong Hiến pháp 1992 có thêm cái đuôi vô nghĩa: “theo quy định của pháp luật”, đặc biệt là điều 69. Vì hiến pháp là đạo luật gốc nên việc quy định thêm những mệnh đề như vậy là thô bỉ và phi khoa học. Điều 15 có ghi “…cơ chế thị trường” thêm vào chiếc đuôi “theo định hướng XHCN”. Những chiếc đuôi vô lý này không thể quật lên đầu chặn đứng bước đi của lịch sử nhưng nó có thể quấn vào bụi cây để kéo lùi lại toàn bộ xã hội. Rõ ràng những tồn tại trong hiến pháp 1992 thể hiện một tâm lý nhát gan, sợ hãi. Do dự luôn luôn là một điều xấu trong khi tính mạo hiểm không phải khi nào cũng đồng nghĩa với rủi ro. Những chắp vá trong hiến pháp 1992 đã làm tồi tệ thêm hình ảnh vốn không đẹp đẽ của nó. Những chắp vá đó làm đánh mất tính tối cao và vinh quang của một bản Hiến Pháp.

Di thi giá họa là một trong 36 kế của người Trung Hoa. Xác chết không còn là xác chết nữa, nó trở thành công cụ cho những đòn tấn công của kẻ thù dân tộc. Khi đã trở thành vật chứng cho những mưu đồ đen tối phương Bắc, xác chết không những gây ra ô nhiễm môi trường, làm ngộ độc nhiều người mà còn là cơ sở để kết tội công dân yêu nước. Nó đã và đang trở thành vũ khí đe dọa niềm tin tốt đẹp và làm tê liệt khả năng hội tụ ý chí của chúng ta. Chúng ta phải cảnh giác với những luồng khí độc đã bị chối bỏ ngay trên quê hương khai sinh ra nó.

Việt Nam có nhiều hiến pháp và hầu hết là các hiến pháp tồi vì chúng ta chưa có một tầm nhìn dài hạn và chu đáo cho hiến pháp. Rõ ràng chúng ta chưa đánh giá đúng mức tính chất quan trọng của hiến pháp trong đời sống chính trị xã hội và văn hóa của quốc gia. Chúng ta chưa coi hiến pháp là đạo luật quy định sự tác thành chứ không phải là sự áp đặt bởi một hay một nhóm người theo một chủ thuyết nhất định. Hỡi những người con ưu tú của đất nước Việt Nam thân thương này, hãy thức dậy lương tri, cùng nhau xây dựng một Hiến pháp phản ánh đầy đủ những giá trị tốt đẹp mà tạo hóa đã dâng ban cho nhân loại. Hãy cùng nhau xây dựng một hiến pháp kết tụ những tinh hoa của loài người để qua đó bảo vệ được những quyền năng cơ bản của mọi thành viên trong xã hội.

Bầy Quạ Đen và Lòng Can Đảm (CT19)

Nguyễn Việt Ân


Bài viết Tiếng Vỗ Cánh của Bầy Quạ Đen của nhà văn Dương Thu Hương đã khởi đi bằng những khổ đau của con người Việt Nam. Khổ đau từ thời chiến với hàng sư đoàn lính cái tóc rụng da xanh, kinh nguyệt thất thường, lên cơn điên tập thể. Khổ đau của hàng vạn cô gái lỡ thì thời hậu chiến, trên các nông lâm trường hoang vắng, trông ngóng sự xuất hiện bất thần của một gã đàn ông lạ, mong được hãm hiếp để mang thai. Khổ đau của những đứa bé đầu đường xó chợ, những em nhỏ dị tật quái thai. Từ những những nỗi khổ đau đó để nêu đích danh thủ phạm: Đó là đám người cầm quyền găm trong óc những nguyên lý cộng sản cực quyền và dòng máu cường hào thôn xã, một băng đảng buôn lậu quốc gia, ổ ăn cắp của đảng độc quyền, là những kẻ trương lên tấm biển xã hội chủ nghĩa để cướp bóc tài sản quốc gia.

Đối diện với một thảm trạng như vậy, chúng ta đã phản ứng như thế nào? Dương Thu Hương đã mượn băn khoăn của các nhà Việt học để đưa ra một nghịch lý: Một dân tộc dũng cảm biết bao trong chiến tranh và hèn mọn biết bao trong cuộc sống thời bình. Rồi giải thích: "Gần như toàn bộ lòng can đảm của dân Việt tiêu xài trong các cuộc chiến tranh ấy. Lòng can đảm cũng như mọi phẩm chất tinh thần khác không phải một năng lượng vô hạn. Nó không phải cơm trong nồi Thạch Sanh, cũng chẳng sinh trưởng lu bù như loài tảo hay các sinh vật đơn bào. Nó cũng giới hạn như món tiền xếp trong chiếc ví."

Lời giải thích dựa trên lịch sử hơn 4000 năm. Nhưng cũng từ tấm gương lịch sử trong suốt ấy, chúng ta lại thấy: trải qua hơn 1000 năm đô hộ bởi Trung Hoa, hơn 100 năm Pháp thuộc dân tộc ta vẫn hùng dũng bật mình vươn dậy trước mọi cuộc ngoại xâm. Bao nhiêu thế hệ đã hy sinh mạng sống mình cho dải giang sơn gấm vóc. Lòng can đảm dân tộc không những đã sinh tồn, mà còn nảy nở từ đời này qua kiếp khác. Vậy lòng can đảm có phải là món tiền xếp trong ví tiêu hoài sẽ hết như bà Dương Thu Hương đã viết? Hay nó đã được nuôi dưỡng và sinh sôi nảy nở bởi tình yêu thương đất nước. Lịch sử đã chứng minh rằng lòng can đảm dân tộc phải gắn liền với tổ quốc để được sinh tồn và phát triển.

Ngày hôm nay, sự gắn liền đó đã bị chặt đứt khi tổ quốc bị đồng hóa với xã hội chủ nghĩa: Yêu nước là phải yêu chủ nghĩa xã hội! Chống đảng là chống XHCN, là chống tổ quốc Việt Nam! Đây là hậu quả của những rác rưới tư duy khởi đi từ thế kỷ trước còn vật vờ sót lại, là trò phù thủy chính trị với nghệ thuật mị dân được hỗ trợ bằng những nòng súng lạnh lùng và nhà tù sắt máu. Đây cũng là nỗi băn khoăn, do dự của những người từng một thời dấn thân cho độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc bằng con thuyền xã hội chủ nghĩa và mái chèo cộng sản quốc tế. Những con người đó ngày nay đã hụt hẫng nhận chân rằng quãng đời sung mãn của mình đã lót đường cho đám quạ đen khốc hại và bộ máy cường quyền hiện nay.

Ngày hôm nay, lòng can đảm dân tộc cần được ấp ủ bởi lương tâm con người và sinh sôi nảy nở bằng tình yêu thương đất nước. Muốn vậy, phải phá vỡ cho bằng được cái quàng xích chủ nghĩa xã hội ra khỏi thân thể quê hương. Muốn vậy, phải loại bỏ sự độc quyền lãnh đạo, chủ thuyết lỗi thời của bầy quạ đen đang rỉa rói xác thân tổ quốc.

Cộng Sản – Con Bạch Tuộc Nghèo (CT19)

Lê Chí Tâm


Kính thân tặng anh Trần Trung Đạo
Người cho tôi nhiều cảm xúc về tổ quốc quê hương

Chiều Huyện Hiên - phía Tây Bắc Quảng Nam

Trời mưa. Những ngôi nhà lợp tôn giống nhau như đúc. Đây là nhà dự án. Nhà nước tài trợ tôn lợp trên mái và 2 cọc bê tông. Xung quanh bưng bằng phên đất hoặc bằng nan tre do dân tự đóng. Giá trị mỗi ngôi nhà khoảng 2 triệu đồng.

Mưa lộp bộp trên mái tôn. Nước mưa chảy dài thành rãnh trước nhà. Có 8 người trong gia đình. Họ ngồi lặng im trên một tấm phản rộng đan bằng tre và là nơi tất cả cùng nằm ngủ khi đêm về. Đó là tài sản có giá nhất của họ. Dọc phên đất còn có một dây phơi chằng qua, nơi đó có nhiều bộ quần áo cũ, bẩn và rách nát. Góc nhà có mấy con dao phát rừng và 2 cái cuốc mẻ.

Người mẹ trẻ 32 tuổi đời với 6 đứa con đã kịp trở nên già. Người cha 36 tuổi đen cháy với đôi mắt lạ lùng. Họ im lặng nhìn nhau. Khát khao sống, khát khao làm việc căng tròn trong mắt họ. Và nước mắt, giống như những hạt mưa long lanh bên ngoài, cứ chợt oà ra.

Họ là người dân tộc Hre và họ có đạo. Họ bị dồn về đây cách nay 6 tháng. Họ ở trong một ấp chiến lược thời nay. Nó được gọi với một cái tên mỹ miều là “làng tái định cư”. Họ phải về ngôi làng này vì Nhà nước đang làm một dự án. Họ phải về. Bỏ lại sau lưng ruộng nương, nhà cửa. Bỏ lại sau lưng lời ca tiếng hát và nền văn hóa riêng. Rừng cây, sông suối, nơi ông cha họ đã gắn bó hàng nghìn năm, bỗng chốc trở thành hoang phế. Nhà nước nói “sẽ có nhà xây, có bệnh viện” nhưng họ không thể gặm cột bê tông để ăn và có thể chết vì đói trước khi chết vì bệnh. Hôm nay, Nhà nước nói trắng ra “ở trong đó bọn truyền đạo nó vào”. Ra đây “bọn tao dễ quản lý”.

Nước bắt đầu dột, những tấm tôn bị đóng đinh vội vàng vào rui nhà đã làm cho nước mưa leo theo những lỗ thủng chảy xuống giường. Người mẹ dịch chỗ, những đứa con run run giụi vào gần mẹ hơn. Người bố quay đi không nói, như lục tìm một cái gì quý giá dưới tấm chiếu rách. Ông đưa 2 cái chứng minh thư nhân dân. Đó là cái hai vợ chồng có được khi về đây. Đây là lần thứ 3 ông đưa ra. Hai lần trước là cho công an kiểm tra. Lần này ông cũng tưởng vậy.

Tôi đến bên nồi cơm, mở chiếc vung đen nhẻm cong queo ra. Trong đó còn nửa nồi có lẫn cả cơm và sắn. Tất cả chỉ có vậy. Khô cứng và nhạt thếch. Những ánh mắt thèm thuồng của lũ trẻ theo tay tôi, xoáy sâu vào phần cơm độn mà Bố Mẹ chúng buộc phải dành lại cho buổi cơm chiều. Cái nồi duy nhất đó được nóng lên một lần duy nhất trong ngày cho 8 miệng ăn.

Tôi đứng nhìn trong bất động. Bài học phá ấp chiến lược ngày xưa vang vọng bên tai.

***

Trưa Hà Nội – Thủ đô 995 năm tuổi của VN

Trời nắng. Trong một nhà hàng sang trọng nằm trên con đường gần Bộ Y tế. Nhiều người chúc tụng nhau vì sự thành công của một dự án tái định cư. Phó giám đốc dự án hùng hồn khẳng định sự thành công rực rỡ của dự án. Hồ sơ tuyệt hảo, quy trình xử lý khoa học, ý nghĩa xã hội to lớn, ý nghĩa chính trị trọng đại.

Đảng cười.

Nhiều người đàn ông trung niên mặt to và cánh mũi dày. Nhiều cô gái viền mắt xanh và môi đỏ. Họ xúm lại bên nhau. Rượu ngoại mỗi chai 2 triệu đồng đang xếp dài trên bàn tiệc. Đám đàn ông ăn mừng cho một dự án nơi xa, và nhiều người con gái từ phương xa về phục vụ. Thái độ ngoan hiền như phục vụ cha ông, và đĩ thoã như với chồng trên giường. Nếu không, gầm cầu là nơi các cô đứng và chút tiền báo hiếu hàng tháng cho bố mẹ sẽ không còn.

Họ nói nhiều về dự án và cách chơi gái, say mê và dâm dục như nhau. Chuông điện thoại reo, cả phòng yên lặng. “Đang họp!”. Nói dối là cách mà quan chức cộng sản thường làm và “máy nói dối” là cách mà nông dân thường nói để chỉ điện thoại di động.

Tiền được rút ra để trả. Đó là cái rui, cái mè hay cái cột bê tông của ngôi nhà dự án. Lưng tôi lạnh như vừa có một giọt mưa chảy vào. Không. Đó là máu và nước mắt nhân dân, là những đêm đi hoang của con cái họ, là thuốc lắc chờ sẵn trong vũ trường.

Buổi họp chi bộ khai mạc đúng 2 giờ chiều. Những bộ com lê di động, treo trên những khuôn mặt nghiêm trang nhưng hơi đỏ bước vào và họ bắt đầu nói chuyện về thành công của dự án, về đạo đức, tác phong và lối sống.

***

Đêm Sài Gòn – Thành phố lớn nhất Việt Nam

Dọc đường Nguyễn Huệ.

Những tổ lái tuổi mới đôi mươi, lao xe vun vút. Hở lưng, hở nách là cách mà thanh niên này lựa chọn. Xe ga đắt tiền là thời trang và đú đởn nhau được coi là sành điệu. Một thế hệ thanh niên mất phương hướng đang dồn năng lượng của mình vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng.

Sàn nhảy. Loang loáng ánh đèn và tiếng nhạc inh tai. Thuốc lắc dường như đã ngấm để họ điên cuồng trong những vũ điệu. Nhiều chai rượu 2 triệu đồng được đặt lên bàn và có đám thanh niên lại học cha chú để nói chuyện làm tình trong quán rượu, nhưng tục tĩu và trắng trợn hơn. Tiền đó là tiền từ bố mẹ mà ra. Tiền bố mẹ là tiền từ những dự án mà ra. Tiền từ dự án là tiền vay nước ngoài mà nhân dân chúng ta sẽ phải trả.

Về sáng, họ rời những phòng khách sạn. Chợt nhận ra mình bạc nhược và yếu đuối đến chừng nào. Nhưng cơn say đã đến, u mê đã phủ dầy, 60 năm ở Hà Nội, Đảng đã đủ làm cho thế hệ trung niên dối trá. 30 năm ở Sài Gòn, Đảng đã làm cho một thế hệ thanh niên ngất ngư và buồn ngủ. Con tôi nằm trong số đó.

Sáng sớm nay. Giữa phố phường. Tôi đứng trong nắng hanh và gió thoảng. Tự thấy mình có lỗi cả với cả đám mây trắng trên trời xanh và chiếc đồng hồ nơi cổ tay mình. Xung quanh tôi, còn đây, những nghèo đói và khoảng cách giàu nghèo. Còn đây món nợ dự án hôm nào. Còn đây, bao mảnh đời bất hạnh cô đơn. Còn đây ánh mắt lạ kỳ của người Cha lương thiện ở Quảng Nam. Còn đây độc tài đảng trị. Còn đây cuộc cách mạng canh tân.

Đường Bay (CT19)

Lê Huyền An


Trên thân thể tôi có một thứ rất dư thừa. Đó là đôi cánh. Thượng Đế cho loài chim chúng tôi đôi cánh. Người tống cho chúng tôi một cái lồng. Thế mới có chuyện dư thừa. Trong những lúc đăm chiêu suy ngẫm, tôi tự hỏi mãi. Đôi cánh, cái lồng, thứ nào dư thừa hơn thứ nào?

Phải thành thực mà nói, mới nhìn loáng thoáng thì cái lồng tôi ở cũng xinh lắm. Lồng được sơn bóng một màu đỏ rực rỡ. Mái lồng kiểu Lạng Sơn cong cong như mái đình, pha lẫn nét chạm trổ của Trung Quốc. Trong lồng có ba cái lọ sành bé tí đựng thức ăn, thức uống. Chỉ có tôi mới biết được đằng sau nước sơn bóng loáng đó những thanh tre đã rã mục. Chỉ có tôi mới biết là ba cái lọ sành Liên Xô đã lên mốc bên trong. Chỉ có tôi mới biết rằng thức ăn thức uống cả đời nhỏ nhọt từ cái thừa mứa sót lại của Người. Duy chỉ có cái loa tí xíu hát cho chim nghe thì vẫn tốt, vẫn cứ rè rè dai dẳng theo năm cùng tháng tận. Từ cái lồng nhìn ra là một khoảnh vườn đầy dây leo. Cố rướn người lắm tôi mới loáng thoáng thấy được khoảng trời xanh xanh. Còn phía sau lồng thì lúc nào cũng lạnh lẽo và tối âm u.

Tôi chỉ được hót nhưng không được nói. Tôi cũng muốn nói lắm chứ. Nhưng có lúc mới vô tư nói nhăng nói cuội vài câu thì con mèo màu xanh ô liu lại nhảy xổ đến nhe răng gầm gừ hăm dọa. Con mèo xấu xí là đầy tớ trung thành của Người, cái trung thành được tưởng thưởng bằng một tách sữa mỗi sáng. Thế là tôi im. Dù thi thoảng đêm tối vắng vẻ tôi cũng thì thầm vài tiếng, cố nói cho chính mình nghe vài điều lý sự. Vậy nhưng tôi vẫn biết rằng với thân phận của mình thì làm gì có được một lời nói giá trị hay ý nghĩa với ai. Người vẫn cứ im lặng như đá ném mặt bèo và tôi mà không thận trọng sẽ bị cho là bỗ bã và sẽ hẩm phận thêm mà thôi.

***

Gã đàn ông đi làm về thì con sáo đã sổ lồng bay mất. Thường ngày gã vẫn không để ý đến con sáo đen đủi này nhưng bây giờ nhìn cái lồng trống không, vắng bóng tiếng hót của nó thì gã lại thấy thiêu thiếu. Cái lồng trống không làm cả căn phòng như rộng thêm. Con mèo màu ô liu vẫn gầm gừ muốn nhảy xổ lên chiếc lồng như một thói quen tiền kiếp. Lần đầu tiên, gã thấy con mèo màu xanh ô liu cũng tàn độc không thua gì gã.

Ba hôm sau, giữa tiếng ve sầu buồn bã bỗng có tiếng hót của con sáo vang lên từ trên tàn phượng vĩ sau vườn. Tiếng con sáo giữa trưa hè nghe buồn thảm, đứt đoạn như đứa con đi hoang sau một thời gian ăn đường ngủ bãi trở về, thấp thỏm, lưỡng lự trước hiên nhà. Nó lân la khe khẽ đậu bên bờ dậu, rón rén đáp vào khung cửa sổ. Con mèo ô liu hung dữ rình mò nhảy lên cào cấu vào khoảng trống không gian. Thế là con sáo lại bay đi. Trưa hôm sau, sáo lại về hót điệu buồn thảm, đứt đoạn trên tàn phượng vĩ rực đỏ.

Gã đàn ông đem cái lồng ra sơn phết lại, thay ba cái lọ sành Liên Xô bằng bộ tách Trung Quốc rẻ tiền. Gã để cách cửa lồng hé mở và thay nhạc cho cái loa rè rè tiền kiếp. Trên cành phượng vĩ, con sáo vẫn cất giọng hót buồn thảm, đứt đoạn. Rồi sáo lại bay đi.

Ba tháng sau, đi làm về, gã đàn ông lại thấy con sáo đang trong lồng ngững đầu nhìn gã thách đố.

***

Tôi đã biết tại sao Thượng Đế ban cho tôi đôi cánh. Tôi đã biết tại sao Thượng Đế tạo nên bầu trời cao xanh. Tôi đã biết thế giới ra sao phía bên ngoài khoảnh vườn u tối. Tôi đã đón nhận cảm giác lâng lâng, kỳ diệu khi xoải cánh bay cao trên tàn phượng vĩ lung linh nắng. Tôi đã bay suốt chiều dài đất nước, băng dọc theo Trường Sơn âm u kỳ bí, là đà lướt theo giòng sông Cửu ướt lệ. Tôi đã bay qua những cánh đồng hoang khô, nhìn thấy những cánh chim già phơi mình bên cỏ úa, những cánh chim non xơ xác trên những bãi rác ngất trời. Tôi đã bay thoát khỏi mảnh đất mà trên xa nhìn xuống có hình cong gầy guộc như chữ S. Tôi đã được học tiếng Hoa để hát ngày 12 tiếng những bài nhạc dây chuyền kiểu tư bản. Tôi đã gặp những con chim cùng tổ ra đi nhưng vẫn ngày đêm hoài niệm về một thiên đường mù ảo. Và cuối cùng tôi đã biết rằng, được hót, được nói nhưng chúng tôi vẫn là nô lệ. Cái lồng mới vẫn không thay đổi đuợc bản chất nô lệ của tôi và của các bạn tôi.

Thế là tôi trở về. Không phải vì tôi cảm thấy quen lì với cuộc đời tù hãm. Chẳng phải tôi sợ đến ngộp thở trước mênh mông của hương trời. Cũng không vì sau bao năm tháng nằm trong giam cầm của định mệnh, tôi đã an phận cuộc đời thuộc về cái góc xó tối tăm này. Tôi trở về vì tôi biết sự giam cầm không phải là vì cái lồng oan nghiệt mà là do sự sợ hãi lưu cửu, do chính tâm thức ngục tù và cung cách sống tù nhân của mình.

***

Người đang ngồi say dật dờ, mặt đỏ máu và đôi tay tham lam mân mê những con chim xanh xinh đẹp nửa nông thôn nửa thành thị. Những chai rượu 2 triệu đồng lăn lóc đổ. Những viên thuốc lắc đang ngấm vào trí não của những kẻ lên đồng thời đại. Họ đang ăn mừng cho một dự án thành công ở Quảng Nam. Con mèo ô liu hung dữ vẫn ngoan ngoãn gầm gừ qua lại như một hăm dọa thầm kín. Cái loa rè tiếp tục hát nhạc mới lời cũ ngày nào từ thời Pắc Bó.

Tôi đập nhẹ đôi cánh, nhắm mắt tung bay vào bầu trời xanh của ước mơ sẽ tới. Sau lưng tôi là những cánh chim khác đang vươn cánh nhập đường bay. Nhìn những đóa hoa trắng đang chớm nở, chúng tôi vừa bay vừa cất tiếng nói.