Trung Trực
Hiến pháp là đạo luật cơ bản của quốc gia và có vai trò rất lớn trong đời sống xã hội. Tất cả mọi việc lớn bé, tất cả mọi người, từ tổng thống đến bác nông dân, đều chịu tác động của hiến pháp. Muốn hiểu biết khái quát một quốc gia chúng ta phải hiểu hiến pháp của quốc gia đó bởi hiến pháp gắn liền với việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước. Đọc hiến pháp ta sẽ hiểu được giá trị và trình độ văn minh của quốc gia đấy.
Việt Nam được coi là quốc gia có nhiều hiến pháp nhất thế giới. Từ năm 1946 đến nay chúng ta đã có 4 bản hiến pháp và một số sửa đổi, trong khi hầu hết các nước khác chỉ có 1 đến 2 bản hiến pháp. Đặc biệt là Hiến pháp Hoa Kỳ hơn 200 năm (1789) vẫn còn hiệu lực và có vẻ vẫn còn sức sống mãnh liệt trong tương lai. Hiến pháp Tây Đức ban hành từ năm 1949 đã tiên liệu hiệu lực của nó cho cả những vùng đất bên ngoài lãnh thổ để hơn 40 năm sau đã trở thành hiện thực khi nước Đức thống nhất. Hiện nay, Hoa Kỳ và Đức là những cường quốc số 1 thế giới còn Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo nàn nhất. Điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về giá trị và tính ổn định của các bản hiến pháp.
Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam là bản Hiến pháp 1946 được quốc hội thông qua ngày 9 tháng 11 năm 1946. Có thể nói đây một bản hiến pháp dân chủ. Ngay trong lời nói đầu, bản hiến pháp đã khẳng định “nhiệm vụ của toàn dân tộc là kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”. Hiến pháp 1946 đã hội tụ tinh hoa của các đảng phái chính trị và thể hiện khá đầy đủ khát vọng chính đáng và tốt đẹp của Nhân dân Việt Nam. Đó là được ấm no, hạnh phúc và hoà bình. Bản hiến pháp kêu gọi tinh thần đoàn kết, kêu gọi nhân dân Việt Nam quy tụ dưới “một chính thể dân chủ rộng rãi để cùng nhau tiến bước trên con đường vinh quang, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hoà bình của nhân loại”. Đáng tiếc thay, những cuộc tranh giành quyền lực vì những ý thức hệ vay mượn và diễn biến phức tạp của thời kỳ 9 năm kháng chiến đã đẩy dân tộc ta đến những bất đồng. Sự bất đồng đó đã làm cho bản hiến pháp không phát huy được tác dụng. Cho đến khi hòa bình lập lại vào năm 1954 thì Điều 10 tốt đẹp của hiến pháp quy định những quyền cơ bản của công dân chỉ còn lại hình thức. Tệ hại hơn, cái ngoại lai đã dần dần thắng thế và sự minh mẫn bắt đầu ra đi. Trí tuệ tổng hợp đã bị xé nát trong một giai đoạn mà đất nước ta cần một giải pháp khôn ngoan và đồng thuận nhất. Bản Hiến pháp dân chủ gồm 70 điều đầu tiên của Việt Nam đã bị giết chết. Nó chết vì ngộ độc.
Hiến pháp thứ 2 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là hiến pháp 1959. Đây là một bản hiến pháp quái dị, đã bị biến thái nên không còn đúng ý nghĩa của một bản Hiến pháp nữa. Nội dung của nó thể hiện sự giằng co giữa Chủ nghĩa dân tộc và Chủ nghĩa Cộng sản quốc tế và làm rạn nứt mọi các khái niệm thuần túy nhất. Nội dung và các điều khoản cụ thể đã mâu thuẫn và chia cắt giống như đất nước Việt Nam đau thương vào thời kỳ đó. Thực tiễn thảm khốc của dân tộc ta sau đó đã bắt nguồn từ những lập lờ và gian lận trong bản hiến pháp này. Khái niệm “Cộng sản” và “Đấu tranh giai cấp” đã được đưa vào ngay trong lời nói đầu bằng “sự sáng suốt của Đảng Lao động”. Khi hiến pháp hùng hổ tuyên bố đây là một bản hiến pháp thực sự dân chủ cũng là lúc nó cúi đầu xác nhận sự đoàn kết nhất trí với các nước anh em trong phe XHCN và oang oang lên án bè lũ đế quốc. Bản hiến pháp 112 điều này đầy rẫy những ngôn từ của quốc gia dân tộc quằn quại trong vỏ bọc ý thức của một học thuyết quốc tế vay mượn. Bản hiến pháp này không đảm bảo được những quyền tự do tối thiểu mà hậu quả là dẫn đến việc bắt giam hàng loạt trí thức thời kỳ “Nhân văn Giai phẩm”. Cũng vì tính quái dị của bản hiến pháp mà những người “xét lại” vẫn nghĩ là mình đã làm một điều hợp hiến. Bản hiến pháp này tồn tại trong 20 năm, cũng đau thương, dang dở và vô nghĩa như chính lịch sử dân tộc ta thời kỳ đó.
Năm năm sau ngày đất nước thống nhất, bản hiến pháp thứ 3 của Việt Nam ra đời, Hiến pháp 1980. Đây là một bản hiến pháp phản động, dài dằng dặc gồm 147 điều chủ yếu cóp nhặt từ hiến pháp Liên Xô. Lời nói đầu hiến pháp là một lời kêu gọi đầy bạo lực, vẽ ra những ảo tưởng với những hậu quả khôn lường. Bản hiến pháp không hề nghĩ đến khát vọng chính đáng của dân tộc sau chiến tranh đau thương là hòa bình và hạnh phúc. Ngược lại nó lớn tiếng huênh hoang ca ngợi chiến tranh, đánh thắng từ “bọn tay sai Cămpuchia đến bá quyền Trung Quốc, từ đế quốc Mỹ đến đế quốc Pháp”. Vì bản hiến pháp phản động này mà đất nước ta sau đó đã rơi vào một tình trạng hết sức hỗn loạn. Vì bản hiến pháp này mà nhân dân của đất nước phì nhiêu đồng ruộng trở nên đói nghèo rách rưới, những làng quê lẽ ra được yên bình sau chiến tranh đã phải nhường chỗ cho trộm cướp và nổi loạn do đói ăn. Đó là hậu quả tất yếu khi Điều 2 của bản Hiến pháp này xác nhận rằng: “Nước cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước Chuyên chính vô sản. Sứ mệnh lịch sử của Nhà nước là thực hiện quyền làm chủ tập thể” – một khái niệm mà ngay cả những học giả lỗi lạc nhất từ trước đến nay vẫn không cắt nghĩa được. Xét về mặt phá hoại thì Hiến pháp này đã cực kỳ thành công. Nhân dân đã thực sự trở thành vô sản. Hiến pháp phản động này đã để lại di họa cho mai sau bằng cách xác lập tại Điều 4, một tiền lệ nguy hiểm, là khẳng định vai trò lãnh đạo của đảng Cộng Sản lên trên toàn bộ dân tộc. 12 năm tồn tại của bản Hiến pháp này là 12 năm kinh hoàng của toàn bộ nhân dân. Hàng trăm ngàn người xô nhau ra đại dương mênh mông sóng nước hiểm nguy vì muốn thoát khỏi quốc gia chuyên chế, nơi mà một anh công an quèn có thể cầm hàng tập lệnh khám nhà và bắt người khống chỉ. 12 năm tồn tại của bản Hiến pháp này là 12 năm của những dằn vặt đớn đau, của một cơn giãy chết.
Hiến pháp 1992 là một liều thuốc kháng sinh tư bản và sự bừng tỉnh của Liên Xô sau Đại hội đảng Cộng sản lần thứ 27. Quốc hội Việt Nam năm 1992, với một tỷ lệ đảng viên cộng sản cao nhất thế giới, đã buộc phải thừa nhận những sự thật phũ phàng rằng họ chẳng mang lại gì cho dân tộc Việt Nam qua các bản hiến pháp, ngoại trừ bạo lực và đói nghèo. Dẫu sao cũng đã chân thành. Lần đầu tiên những tư tưởng tốt đẹp, được Abraham Lincoln xác quyết và thế giới ghi nhận suốt hơn một thế kỷ qua đã được đưa vào như phấn son trên khuôn mặt của một cô gái lỡ thì: Đó là Nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân. Gần 10 năm sau, bản hiến pháp 1992 đã phải sửa đổi (2001) với sự lúng túng kết hợp loằng ngoằng, bế tắc trong tư duy và dự báo một tương lai tiếp tục bất trắc cho dân tộc Việt Nam. Di chứng của Hiến pháp 1980 vẫn còn nguyên nơi Điều 4, ngang nhiên thách thức 96,7% dân số Việt Nam ngoài đảng. Điều 76 Hiến pháp còn quy định công dân phải trung thành với tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong khi lời nói đầu xác nhận rằng chúng ta đang “trong thời kỳ quá độ để lên XHCN”. Như vậy Hiến pháp 1992 đã bắt công dân của mình phải bảo vệ một cái chưa hề có và chắc chắn sẽ không có trên đất nước ta. Hiến pháp 1992 là một chiếc áo vá. Nó có vẻ đủ ấm nhưng không đủ rộng cho một cơ thể đang lớn từng ngày. Nó rách từng giờ. Đất nước bứt nhíp từng ngày. Rất nhiều điều trong Hiến pháp 1992 có thêm cái đuôi vô nghĩa: “theo quy định của pháp luật”, đặc biệt là điều 69. Vì hiến pháp là đạo luật gốc nên việc quy định thêm những mệnh đề như vậy là thô bỉ và phi khoa học. Điều 15 có ghi “…cơ chế thị trường” thêm vào chiếc đuôi “theo định hướng XHCN”. Những chiếc đuôi vô lý này không thể quật lên đầu chặn đứng bước đi của lịch sử nhưng nó có thể quấn vào bụi cây để kéo lùi lại toàn bộ xã hội. Rõ ràng những tồn tại trong hiến pháp 1992 thể hiện một tâm lý nhát gan, sợ hãi. Do dự luôn luôn là một điều xấu trong khi tính mạo hiểm không phải khi nào cũng đồng nghĩa với rủi ro. Những chắp vá trong hiến pháp 1992 đã làm tồi tệ thêm hình ảnh vốn không đẹp đẽ của nó. Những chắp vá đó làm đánh mất tính tối cao và vinh quang của một bản Hiến Pháp.
Di thi giá họa là một trong 36 kế của người Trung Hoa. Xác chết không còn là xác chết nữa, nó trở thành công cụ cho những đòn tấn công của kẻ thù dân tộc. Khi đã trở thành vật chứng cho những mưu đồ đen tối phương Bắc, xác chết không những gây ra ô nhiễm môi trường, làm ngộ độc nhiều người mà còn là cơ sở để kết tội công dân yêu nước. Nó đã và đang trở thành vũ khí đe dọa niềm tin tốt đẹp và làm tê liệt khả năng hội tụ ý chí của chúng ta. Chúng ta phải cảnh giác với những luồng khí độc đã bị chối bỏ ngay trên quê hương khai sinh ra nó.
Việt Nam có nhiều hiến pháp và hầu hết là các hiến pháp tồi vì chúng ta chưa có một tầm nhìn dài hạn và chu đáo cho hiến pháp. Rõ ràng chúng ta chưa đánh giá đúng mức tính chất quan trọng của hiến pháp trong đời sống chính trị xã hội và văn hóa của quốc gia. Chúng ta chưa coi hiến pháp là đạo luật quy định sự tác thành chứ không phải là sự áp đặt bởi một hay một nhóm người theo một chủ thuyết nhất định. Hỡi những người con ưu tú của đất nước Việt Nam thân thương này, hãy thức dậy lương tri, cùng nhau xây dựng một Hiến pháp phản ánh đầy đủ những giá trị tốt đẹp mà tạo hóa đã dâng ban cho nhân loại. Hãy cùng nhau xây dựng một hiến pháp kết tụ những tinh hoa của loài người để qua đó bảo vệ được những quyền năng cơ bản của mọi thành viên trong xã hội.
05 tháng 12, 2005
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét