05 tháng 12, 2005

Cộng Sản – Con Bạch Tuộc Nghèo (CT19)

Lê Chí Tâm


Kính thân tặng anh Trần Trung Đạo
Người cho tôi nhiều cảm xúc về tổ quốc quê hương

Chiều Huyện Hiên - phía Tây Bắc Quảng Nam

Trời mưa. Những ngôi nhà lợp tôn giống nhau như đúc. Đây là nhà dự án. Nhà nước tài trợ tôn lợp trên mái và 2 cọc bê tông. Xung quanh bưng bằng phên đất hoặc bằng nan tre do dân tự đóng. Giá trị mỗi ngôi nhà khoảng 2 triệu đồng.

Mưa lộp bộp trên mái tôn. Nước mưa chảy dài thành rãnh trước nhà. Có 8 người trong gia đình. Họ ngồi lặng im trên một tấm phản rộng đan bằng tre và là nơi tất cả cùng nằm ngủ khi đêm về. Đó là tài sản có giá nhất của họ. Dọc phên đất còn có một dây phơi chằng qua, nơi đó có nhiều bộ quần áo cũ, bẩn và rách nát. Góc nhà có mấy con dao phát rừng và 2 cái cuốc mẻ.

Người mẹ trẻ 32 tuổi đời với 6 đứa con đã kịp trở nên già. Người cha 36 tuổi đen cháy với đôi mắt lạ lùng. Họ im lặng nhìn nhau. Khát khao sống, khát khao làm việc căng tròn trong mắt họ. Và nước mắt, giống như những hạt mưa long lanh bên ngoài, cứ chợt oà ra.

Họ là người dân tộc Hre và họ có đạo. Họ bị dồn về đây cách nay 6 tháng. Họ ở trong một ấp chiến lược thời nay. Nó được gọi với một cái tên mỹ miều là “làng tái định cư”. Họ phải về ngôi làng này vì Nhà nước đang làm một dự án. Họ phải về. Bỏ lại sau lưng ruộng nương, nhà cửa. Bỏ lại sau lưng lời ca tiếng hát và nền văn hóa riêng. Rừng cây, sông suối, nơi ông cha họ đã gắn bó hàng nghìn năm, bỗng chốc trở thành hoang phế. Nhà nước nói “sẽ có nhà xây, có bệnh viện” nhưng họ không thể gặm cột bê tông để ăn và có thể chết vì đói trước khi chết vì bệnh. Hôm nay, Nhà nước nói trắng ra “ở trong đó bọn truyền đạo nó vào”. Ra đây “bọn tao dễ quản lý”.

Nước bắt đầu dột, những tấm tôn bị đóng đinh vội vàng vào rui nhà đã làm cho nước mưa leo theo những lỗ thủng chảy xuống giường. Người mẹ dịch chỗ, những đứa con run run giụi vào gần mẹ hơn. Người bố quay đi không nói, như lục tìm một cái gì quý giá dưới tấm chiếu rách. Ông đưa 2 cái chứng minh thư nhân dân. Đó là cái hai vợ chồng có được khi về đây. Đây là lần thứ 3 ông đưa ra. Hai lần trước là cho công an kiểm tra. Lần này ông cũng tưởng vậy.

Tôi đến bên nồi cơm, mở chiếc vung đen nhẻm cong queo ra. Trong đó còn nửa nồi có lẫn cả cơm và sắn. Tất cả chỉ có vậy. Khô cứng và nhạt thếch. Những ánh mắt thèm thuồng của lũ trẻ theo tay tôi, xoáy sâu vào phần cơm độn mà Bố Mẹ chúng buộc phải dành lại cho buổi cơm chiều. Cái nồi duy nhất đó được nóng lên một lần duy nhất trong ngày cho 8 miệng ăn.

Tôi đứng nhìn trong bất động. Bài học phá ấp chiến lược ngày xưa vang vọng bên tai.

***

Trưa Hà Nội – Thủ đô 995 năm tuổi của VN

Trời nắng. Trong một nhà hàng sang trọng nằm trên con đường gần Bộ Y tế. Nhiều người chúc tụng nhau vì sự thành công của một dự án tái định cư. Phó giám đốc dự án hùng hồn khẳng định sự thành công rực rỡ của dự án. Hồ sơ tuyệt hảo, quy trình xử lý khoa học, ý nghĩa xã hội to lớn, ý nghĩa chính trị trọng đại.

Đảng cười.

Nhiều người đàn ông trung niên mặt to và cánh mũi dày. Nhiều cô gái viền mắt xanh và môi đỏ. Họ xúm lại bên nhau. Rượu ngoại mỗi chai 2 triệu đồng đang xếp dài trên bàn tiệc. Đám đàn ông ăn mừng cho một dự án nơi xa, và nhiều người con gái từ phương xa về phục vụ. Thái độ ngoan hiền như phục vụ cha ông, và đĩ thoã như với chồng trên giường. Nếu không, gầm cầu là nơi các cô đứng và chút tiền báo hiếu hàng tháng cho bố mẹ sẽ không còn.

Họ nói nhiều về dự án và cách chơi gái, say mê và dâm dục như nhau. Chuông điện thoại reo, cả phòng yên lặng. “Đang họp!”. Nói dối là cách mà quan chức cộng sản thường làm và “máy nói dối” là cách mà nông dân thường nói để chỉ điện thoại di động.

Tiền được rút ra để trả. Đó là cái rui, cái mè hay cái cột bê tông của ngôi nhà dự án. Lưng tôi lạnh như vừa có một giọt mưa chảy vào. Không. Đó là máu và nước mắt nhân dân, là những đêm đi hoang của con cái họ, là thuốc lắc chờ sẵn trong vũ trường.

Buổi họp chi bộ khai mạc đúng 2 giờ chiều. Những bộ com lê di động, treo trên những khuôn mặt nghiêm trang nhưng hơi đỏ bước vào và họ bắt đầu nói chuyện về thành công của dự án, về đạo đức, tác phong và lối sống.

***

Đêm Sài Gòn – Thành phố lớn nhất Việt Nam

Dọc đường Nguyễn Huệ.

Những tổ lái tuổi mới đôi mươi, lao xe vun vút. Hở lưng, hở nách là cách mà thanh niên này lựa chọn. Xe ga đắt tiền là thời trang và đú đởn nhau được coi là sành điệu. Một thế hệ thanh niên mất phương hướng đang dồn năng lượng của mình vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng.

Sàn nhảy. Loang loáng ánh đèn và tiếng nhạc inh tai. Thuốc lắc dường như đã ngấm để họ điên cuồng trong những vũ điệu. Nhiều chai rượu 2 triệu đồng được đặt lên bàn và có đám thanh niên lại học cha chú để nói chuyện làm tình trong quán rượu, nhưng tục tĩu và trắng trợn hơn. Tiền đó là tiền từ bố mẹ mà ra. Tiền bố mẹ là tiền từ những dự án mà ra. Tiền từ dự án là tiền vay nước ngoài mà nhân dân chúng ta sẽ phải trả.

Về sáng, họ rời những phòng khách sạn. Chợt nhận ra mình bạc nhược và yếu đuối đến chừng nào. Nhưng cơn say đã đến, u mê đã phủ dầy, 60 năm ở Hà Nội, Đảng đã đủ làm cho thế hệ trung niên dối trá. 30 năm ở Sài Gòn, Đảng đã làm cho một thế hệ thanh niên ngất ngư và buồn ngủ. Con tôi nằm trong số đó.

Sáng sớm nay. Giữa phố phường. Tôi đứng trong nắng hanh và gió thoảng. Tự thấy mình có lỗi cả với cả đám mây trắng trên trời xanh và chiếc đồng hồ nơi cổ tay mình. Xung quanh tôi, còn đây, những nghèo đói và khoảng cách giàu nghèo. Còn đây món nợ dự án hôm nào. Còn đây, bao mảnh đời bất hạnh cô đơn. Còn đây ánh mắt lạ kỳ của người Cha lương thiện ở Quảng Nam. Còn đây độc tài đảng trị. Còn đây cuộc cách mạng canh tân.

Không có nhận xét nào: