05 tháng 10, 2006

Chào Mừng Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam (CT29)

Ngày 16 tháng 10 năm 2006 vừa qua, Nhóm Chủ Trương Báo Canh Tân đã nhận được bản "Tuyên Bố Thành Lập Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Đấu Tranh Vì Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền Cho Việt Nam (Gọi tắt là Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam) trong niềm hân hoan phấn khởi.

Trước hết, toàn thể anh chị em trong Nhóm Chủ Trương Báo Canh Tân nhiệt liệt chào mừng sự hình thành của Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam, một tập hợp liên kết được những lực lượng, những cá nhân có chung một lý tưởng chấm dứt độc tài bất công để xây dựng một xã hội đa nguyên công bằng và một chế độ dân chủ nhân bản.

Đó là giấc mơ chung của toàn thể dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay. Để thực hiện giấc mơ này, dân tộc ta đã bao phen đấu tranh gian khổ, bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hi sinh tất cả cho nghiệp lớn. Tính chất của các cuộc đấu tranh đầy chính nghĩa này không mang nặng hận thù, không mang tính giai cấp, không bị chi phối bởi những khác biệt về tuổi tác, giới tính, địa phương, sắc tộc hay tôn giáo. Nó mang tính kiên trì và kiên quyết. Dù cường quyền bạo lực cũng không nao núng lòng dân. Dù lời ngon tiếng ngọt cũng không thay đổi lập trường. Dân ta là thế. Lịch sử là thế. Một bước không đổi, một ly không rời xa mục tiêu thực hiện giấc mơ dân chủ, thực hiện nguyện vọng canh tân của dân tộc.

Đoàn kết là sức mạnh. Dân tộc ta đã chứng minh trên mỗi trang sử Việt. Nhiều ví dụ, nhiều hình ảnh đã được truyền tụng từ đời này sang đời khác để con cháu Rồng Tiên không quên tình đoàn kết. Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Người ta có thể bẻ gãy một chiếc đũa, nhưng khó ai có thể bẻ gãy cả bó đũa... Kẻ cầm quyền độc tài, toàn trị rất khiếp sợ tinh thần đoàn kết của nhân dân ta. Chúng tìm mọi cách để ngăn chặn không cho dân ta đoàn kết lại được với nhau. Chúng tung ra những đòn ly giám để người này nghi kỵ người kia. Chúng dùng bạo lực để đập tan mọi mầm mống kết đoàn, mọi kế hoạch kết hợp. Chúng thấm nhuần câu "chia để trị". Vì thế, nói đoàn kết là một chuyện nhiều người có thể làm được, nhưng thực hiện tinh thần đoàn kết một cách tự nguyện, tự do, quy tụ được những người cùng lý tưởng, cùng khát vọng, cùng ý chí là một quá trình gian nan và đòi hỏi lòng dũng cảm.

Để có thể tác động lên tình hình Việt Nam, để có thể canh tân, thay thế chế độ độc tài toàn trị của đảng CSVN bằng một chế độ dân chủ, nhân quyền và nhân bản, cần có nhiều hình thức kết đoàn, nhiều hình thức liên minh, liên kết. Hội Nghị Diên Hồng dưới đời Nhà Trần là một hình thức đoàn kết trong lịch sử. Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam được hình thành là một hình thức đoàn kết của ngày hôm nay.

Thiết nghĩ, dù là chủ trương đấu tranh ôn hòa, bất bạo động thì "thế" liên minh dân tộc quả đúng là cái thế đấu tranh hữu hiệu nhất hiện nay. Trước một chế độ độc tài toàn trị như chế độ CSVN, với chính quyền và phương tiện quốc gia hùng mạnh, không một cá nhân nào, không một tổ chức hay đảng phái nào riêng lẻ có thể một mình tiến hành cuộc cách mạng canh tân đất nước được. Liên kết, liên hợp, liên minh, kết hợp nhiều cá nhân, đoàn thể chính trị, tôn giáo, sắc tộc vv... thành những lực lượng đấu tranh thì mới tạo nên thế đối trọng với cường quyền cộng sản.

Sự hình thành Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam đánh dấu một bước tiến mang tính chiến lược trong cuộc đấu tranh của toàn dân ta nhằm chấm dứt chế độ độc tài toàn trị, đặt nền tảng để xây dựng một tương lai tươi đẹp cho Việt Nam. Nỗ lực giới thiệu, vận động của những người chủ xướng trong những tháng qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan với sự đồng tình ủng hộ hoặc tham gia của những nhân vật đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam và trên thế giới, tiêu biểu cho nhiều xu hướng chính trị, xã hội tại Việt Nam. Bước tới, Nhóm Chủ Trương Báo Canh Tân thiết nghĩ, cần phải có sự tham gia công khai của các tổ chức, chính đảng, đoàn thể, tôn giáo, sắc tộc. Như thế mới mới có thể gọi là Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Đấu Tranh Vì Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền Cho Việt Nam. Có như thế thì tập đoàn cầm quyền mới e sợ. Nếu chỉ là những cá nhân, dù là những cá nhân này là các bậc lãnh đạo các đoàn thể, chính đảng đấu tranh cho dân chủ từ nhiều năm qua, thì cũng không tạo được động lượng lớn cho công cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước.

Chắc chắn với lập trường, quan điểm nêu trong Bản Tuyên Bố Thành Lập ngày 16/10/2006, Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhiều chính đảng, tổ chức, đoàn thể, tôn giáo... trong và ngoài nước. Sau khi Bản Tuyên Bố được phóng đi, chỉ ít giờ sau, Báo Canh Tân đã nhận được bản Tuyên Bố Ủng Hộ của Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng mang chữ ký của ông Đỗ Hoàng Điềm, chủ tịch Đảng, từ nước ngoài gửi về. Bản tuyên bố có đoạn viết: "Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (Đảng Việt Tân) nhiệt liệt tán đồng quan điểm trong sáng vì dân tộc và phương thức đấu tranh rất quyết liệt nhưng cũng rất nhân bản của Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam". Đảng Việt Tân cũng xác định như sau: "Đảng Việt Tân, trong tinh thần tổ quốc trên hết, hân hạnh cùng đứng chung vai với các lực lượng, đảng phái, đoàn thể và các cá nhân, để cùng đấu tranh cho tương lai tươi sáng của đất nước, dưới bóng cờ Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam". Câu này rõ ràng nói lên sự tham gia Liên Minh của Đảng Việt Tân.

Cũng trong chiều hướng này, ngày 18/10/2006, Báo Canh Tân cũng vừa nhận được BẢN LÊN TIẾNG Của Các Tổ Chức Người Việt Hải Ngoại Ủng Hộ Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam. Bản lên tiếng mang chữ ký của quý vị có tên sau đây: Gs Nguyễn Ngọc Bích, Chủ Tich Nghị Hội Người Việt Toàn Quốc Hoa Kỳ; Bs Nguyễn Quốc Quân, Chủ Tịch Tổ Chức Quốc Tế Yễm Trợ Cao Trào Nhân Bản; Bs Nguyễn Xuân Vinh, Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam, Nam California; Ks Đỗ Như Điện, Điều Hợp Viên, Phong Trào Giáo Dân V.N. Hải Ngoại; Ks Nguyễn Ngọc Anh, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia tại Arizona. Nội dung bản lên tiếng nêu rõ: "Thứ nhất, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các mục tiêu và đường lối đấu tranh của Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam; Thứ hai, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương bất bạo động của Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam; và Thứ ba, chúng tôi nguyện triệt để ủng hộ những yêu sách chính đáng của Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam vì Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền của 85 triệu đồng bào tại quê nhà và khắp nơi trên thế giới".

Rất mong trong những ngày tiếp sẽ có sự tham gia của đông đảo đồng bào cũng như các tổ chức trong và ngoài nước tham gia.

Được biết, từ khi Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam ra đời, chế độ độc tài toàn trị CSVN đã huy động các lực lượng công an của họ để sách nhiễu, bắt giữ, điều tra, lục soát tư gia những nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam. Theo một bản tin do Nhóm Phóng Viên Dân Chủ Sài Gòn đánh đi ngày 18/10/2006 thì vào lúc 9 giờ ngày 15/10/2006, các ông Đỗ Nam Hải, Nguyễn Chính Kết và bà Nguyễn Thị Phương Thi đã bị công an bắt tại quán ăn "Vườn Nhà Ai", địa chỉ số 3, Đường Hoàng Minh Giám – Quận Phú Nhuận, Sài Gòn, khi 03 anh chị em đang hội luận, góp ý cho bản dự thảo Thành lập Liên Minh Dân Tộc, và chuẩn bị đến thăm Bs Nguyễn Đan Quế. Các vị này đã bị công an chất vấn về Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam. Bản tin viết tiếp: "Theo một nguồn tin đáng tin cậy cho biết sắp tới Ông Đỗ Nam Hải sẽ tiếp tục phải làm việc với Cục Bảo Vệ Chính Trị 4, Tổng Cục an Ninh, Bộ Công An, số điện thoại: 08.8989669, vì liên quan đến liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền do Ông Đỗ Nam Hải là Thành Viên sáng lập và là người chấp bút soạn thảo cương lĩnh Liên Minh Dân Tộc dựa trên những chứng cứ công an, thu thập được trong CPU cá nhân của Ông Đỗ Nam Hải...".

Qua những phản ứng sơ khởi của công an, người ta có thể đánh giá được tác động của sự hình thành Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam lên Đảng và Nhà Nước. Từ đầu năm nay, đã xảy ra nhiều biến cố quan trọng trong công cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước. Thoạt đầu là "Lời Kêu Gọi Cho Quyền Tự Do Thông Tin Ngôn Luận" của 4 vị linh mục Công Giáo ra ngày 20/2/2006. Tiếp theo đó, vào ngày 8/4/2006, Bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt Nam với 118 chữ ký lúc đầu, rồi sau đó đã có hàng ngàn người trong và ngoài nước minh danh ký tên. Những nhà dân chủ này đã tập trung thành một khối mang tên Khối 8406. Tiếp đó là sự ra đời một số "báo chui". Báo Canh Tân đã nhiệt liệt chào mừng tờ bán nguyệt san "Tự Do Ngôn Luận" do Linh Mục Chân Tín làm Tổng Biên Tập, ra số đầu tiên ngày 15/4/2006; đến nay đã ra được 13 số liên tục. Báo "Tự Do Dân Chủ" do nhà văn Hoàng Tiến làm Tổng Biên Tập, ra số đầu tiên ngày 2/9/2006 và đến nay đã ra được đến số 2. Báo "Tổ Quốc" mới ra số 1 ngày 15/9/2006 với thành phần ban biên tập gồm các nhà dân chủ trong và ngoài nước.

Song song, đã xuất hiện một số chính đảng ngay tại trong nước. Ngày 9/5/2006, ông Nguyễn Phương Anh đã ra thông báo thành lập "Đảng Dân Chủ Bách Việt" do ông làm chủ tịch. Vào ngày 1/6/2006, ông Hoàng Minh Chính đã công khai tuyên bố "khôi phục sinh hoạt Đảng "Dân Chủ Việt Nam". Ngày 8/9/2006 Đảng "Thăng Tiến Việt Nam" đã ra đời tại Việt Nam. Đảng này hiện được lãnh đạo bởi một Ban Đại Diện Thành Lập Đảng, đứng đầu là ông Nguyễn Phong, phát ngôn viên là LS Lê Thị Công Nhân và đã có những văn phòng đại diện tại nước ngoài và nhiều quốc gia trên thế giới. Cũng nên nhắc là ngày 1/1/2005, Đảng "Dân Chủ Nhân Dân" đã ra đời và đúng 1 năm sau, ngày 1/1/2006, Đảng "Vì Dân" cũng đã được thành lập với tờ báo "Hoa Mai". Cùng với sự xuất hiện của các đảng chính trị, phải nói đến sự hình thành của các tập hợp thanh niên. Tập hợp thanh niên thứ nhất quy tụ các học sinh đang du học tại nước ngoài. Đó là "Tập Thể Thanh Niên Dân Chủ" đã do anh Nguyễn Tiến Trung thành lập ngày 8/5/2006. Tuy mới thành lập, song anh Nguyễn Tiến Trung và Chị Hoàng Lan đã có những hoạt động rất sôi nổi tại hải ngoại, gây sự chú ý của các cộng đồng người Việt từ Âu sang Mỹ và cả chính giới nước ngoài. Tập hợp thanh niên thứ nhì thành lập ngày 7/9/2006 tại Hà Nội là "Nhóm Thanh Niên Sơn Hà"; nhóm trưởng là anh Vương Quốc Hoài.

Với những điều kiện rất khó khăn ở trong nước, luôn luôn bị sự truy bức của chính quyền độc tài cộng sản, với bộ máy công an không từ bất cứ một phương cách nào, dù dã man, dù trái luật đến đâu, sự xuất hiện hàng loạt các đảng chính trị và các tập hợp thanh niên đấu tranh cho dân chủ đã chứng tỏ được quyết tâm cao, chứng tỏ được lòng dũng cảm mãnh liệt, chứng tỏ được ý chí sắt đá lá phải chấm dứt chế độ độc tài để xây dựng nền dân chủ nhân bản cho đất nước Việt Nam.

Có những tập thể chính trị, có những lực lượng thanh niên, chưa đủ, cần phải có sự kết hợp, liên minh, phối hợp nhịp nhàng trong cuộc đấu tranh toàn diện có sự tham gia của quảng đại quần chúng. Ngày nay, Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam, một hình thức liên minh dân tộc, đã được hình thành. Liên minh dân tộc cần quy tụ được: các đảng phái chính trị, các tổ chức thanh niên, sinh viên, các tổ chức tôn giáo, các tổ chức ngành nghề, các cộng đồng địa phương, các cộng đồng sắc tộc...

Báo Canh Tân xin tình nguyện gia nhập Liên Minh và dùng phương tiện truyền thông của mình để đóng góp trong công cuộc chấm dứt độc tài, xây dựng dân chủ, canh tân đất nước Việt Nam.

Nhóm Chủ Trương Canh Tân

Chào Mừng Công Đoàn Độc Lập Việt Nam (CT29)

Trần Trọng Nghĩa

Đảng CSVN tự nhận là đảng của giai cấp công nhân, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, là đại biểu trung thành cho quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động Việt Nam. Họ đã ghi trong Hiến Pháp như sau: "Nhà Nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam là Nhà Nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân..." hay "Nhà Nước bảo đảm không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ Quốc và của nhân dân...". Nhưng thực tế, trong đời sống hàng ngày, người dân, nhất là người dân lao động, cụ thể là giai cấp công nhân, ngày càng nhận thấy đảng CSVN đã phản bội nhân dân, phản bội giai cấp công nhân.

Sự phản bội của đảng CSVN càng trắng trợn kể từ khi họ tung ra chính sách "đổi mới", vứt bỏ kinh tế XHCN phá sản để chạy theo kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản. Trong nhiều năm nay, báo chí của chế độ đã đưa nhiều thông tin và bài phóng sự về tình cảnh khốn khổ của công nhân lao động tại các xí nghiệp. Qua sự tìm hiểu của nhiều du khách nước ngoài cũng như Việt kiều về thăm quê hương, tình trạng đó còn thê thảm gấp bội những gì được viết trên báo. Những chi tiết về tình trạng lao động của công nhân tại Việt Nam đã được nhiều trang mạng đề cập. Chỉ xin tóm gọn bằng một câu "CSVN không phải là giai cấp vô sản hay giai cấp công nhân mà đã trở thành tư bản đỏ, cấu kết cùng tư bản nước ngoài bóc lột công nhân Việt Nam đến tận xương tủy". Chính vì chống lại sự bóc lột này mà trong mấy năm qua đã diễn ra hàng nghìn cuộc đình công với sự tham gia của hàng vạn anh chị em công nhân. Họ đình công vì họ không chịu nổi tình trạng lao động kiệt lực mà đồng lương chết đói, thậm chí còn bị quỵt lương. Họ đình công vì bị ép buộc làm tăng ca mà không được trả thù lao. Họ đình công vì họ bị đối xử tàn tệ, bị xúc phạm nhân phẩm, bị cực hình, đánh đập, đuổi việc bất chấp luật lệ... Họ bị bỏ rơi không ai bênh vực. Cùng đường, họ chỉ còn cách tự phát xuống đường đình công để đòi hỏi quyền lợi cho chính mình.

Một số bạn nước ngoài đã thắc mắc: "Nghe nói ở Việt Nam cũng có công đoàn mà". Đúng! ở Việt Nam có cái gọi là "Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam". Nhưng đừng nghĩ rằng đây là công đoàn giống như các công đoàn trên thế giới. Ở các nước dân chủ tự do, công đoàn là một tập thể công nhân được chính các bạn công nhân bầu làm đại diện cho mình để thương thuyết với chủ hay cả với chính quyền trong những tranh chấp quyền lợi lao động và nếu bế tắc thì sẽ lãnh đạo công nhân đình công. Còn ở Việt Nam thì khác. Công đoàn không do ai bầu hết. Họ được đảng CSVN chỉ định. Vai trò và nhiệm vụ của họ là kiểm soát công nhân và ngăn ngừa công nhân tranh đấu, đình công. Bạn lại phát biểu: "Thế sao lại không có công đoàn độc lập?". Như biết bị hố, bạn cười và nói: "Làm sao mà có một tổ chức độc lập dưới chế độ cộng sản độc tài toàn trị được!". Nhưng cũng phải đỡ lời bạn và cho bạn biết là, ở trong và ngoài nước, người dân Việt Nam rất bận tâm về tình trạng công nhân ở Việt Nam bị bóc lột và vi phạm nhân quyền. Ước vọng của mọi người là có được Công Đoàn Độc Lập. Nhiều nỗ lực với sự hỗ trợ của những công đoàn bạn ở Úc, ở Pháp, ở Hoa Kỳ và ở Ba Lan... đã được đầu tư với mục đích là thành lập được một Công Đoàn Độc Lập ở Việt Nam. Cụ thể là từ ngày 28 đến 30/10/2006 tới đây, tại Warszawa, thủ đô nước Ba Lan, với sự giúp đỡ của Công Đoàn Đoàn Kết (Solidarnosc), sẽ diễn ra Hội Nghị Warszawa 2006 với mục đích "Vận Động Thành Lập Công Đoàn Độc Lập và Đấu Tranh Đòi Quyền Lợi Chính Đáng Cho Công Nhân Tại Việt Nam".

Chưa tới ngày Hội Nghị thì ngày 20/10/2006 vừa qua trên mạng internet toàn cầu đã thấy xuất hiện bản "TUYÊN BỐ THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM""LỜI KÊU GỌI GIA NHẬP CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM" kèm theo danh sách Ban Đại Diện Lâm Thời mà Trưởng Ban là ông Nguyễn Khắc Toàn.

Đây là một tin mừng lớn khiến mọi người quan tâm đến tình hình lao động của anh chị em công nhân tại Việt Nam đều phấn khởi. Nếu sự ra đời của Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Đấu Tranh Vì Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền Cho Việt Nam (Gọi tắt là Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam) ngày 20/10/2006 đánh dấu một bước tiến mới trong cuộc đấu tranh chấm dứt độc tài, xây dựng dân chủ, thì sự xuất hiện của Công Đoàn Độc Lập chỉ 4 ngày sau, tức ngày 20/10/2006 là một biến cố hết sức quan trọng vì đây là Công Đoàn Độc Lập đầu tiên dưới chế độ CSVN từ hơn 60 năm nay, đồng thời cũng là cái mốc của một phong trào đấu tranh mới, bảo vệ quyền lợi chính đáng của giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng và của cả dân tộc nói chung.

Trong niềm hân hoan, xin nhiệt liệt chào mừng Công Đoàn Độc Lập và chúc Công Đoàn vững mạnh đồng thời bành trướng mạnh mẽ để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi vật chất cũng như tinh thần của anh chị em công nhân tại Việt Nam.


Công Đoàn Độc Lập Việt Nam

Mục đích:

- Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người công nhân Việt Nam.
- Giúp đỡ những công nhân găp khó khăn trong cuộc sống, lúc ốm đau, bệnh tật.
- Nâng cao tình đoàn kết của giai cấp công nhân.


Chúng tôi kêu gọi các tổ chức đảng, chính quyền nhà nước Việt Nam, các tổ chức công đoàn do nhà nước Việt Nam lập ra và quản lý tạo điều kiện và giúp đỡ chúng tôi hoàn thành tốt trách nhiệm của mình trước công nhân..

Chúng tôi kính đề nghị Tổng Liên Đoàn Lao Động Thế Giới công nhận và kết nạp chúng tôi làm thành viên. Chúng tôi hứa sẽ tuân thủ mọi quy chế do Tổng Liên Đoàn Lao Đông Thế Giới quy định.

Chúng tôi kêu gọi Tổng Liên Đoàn Liên Hiệp Châu Âu, Tổng Liên Đoàn Lao Động các nước giúp đỡ, ủng hộ và bảo vệ chúng tôi trong quá trình xây dựng và phát triển.

Chúng tôi kêu gọi các tổ chức công đoàn của người Việt ở nước ngoài, các tổ chức và cá nhân người Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài giúp đỡ, ủng hộ chúng tôi trong bước đầu hình thành, xây dựng và phát triển.

Chúng tôi kêu gọi toàn thể anh chị em công nhân Việt Nam ở tất cả cá khu vực, nhà máy ở Việt Nam gia nhập Công Đoàn Đôc Lập Việt Nam. Chúng ta hãy đoàn kết lại thành một khối thống nhất, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong mọi tình huống. Có như vậy, chúng ta mới tự bảo vệ được mình, bảo vệ được thành quả lao động do chính mình tạo ra... (Trích Tuyên Bố Thành Lập Công Đoàn Độc Lập VN)

Việt Nam Phải Là Một Nước Mạnh (CT29)

Nguyễn Thị Hồng - Sinh Viên George Mason University - Virginia, Hoa-Kỳ

Đây là lần đầu tiên tôi viết về chính trị kể từ khi đặt chân đến nước Mỹ cách đây một năm. Ngay từ khi đặt chân đến đất nước rộng lớn, một thời từng là cựu thù của Nhân dân Việt Nam, lòng tôi tràn ngập cảm xúc. Nhưng tôi vẫn không thể nào viết được một chút gì vì tôi nghĩ mình cần phải lo học hành. Nhưng hôm nay sự hình dung về những giá trị lớn của quốc gia Việt Nam mới đủ mãnh liệt để tôi có thể ngồi trước bàn phím, gạt việc học hành sang một bên và viết một chút gì đó cho tổ quốc, cho đất nước Việt Nam thân yêu.

Đó là vì những hình ảnh tôi tình cờ nhìn thấy sáng nay, ngày 20 tháng 10 năm 2006 khi đi ngang qua trước Nhà trắng, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Có một đoàn người biểu tình. Họ cầm trên tay cờ Mỹ và cờ Miền Nam Việt Nam cùng nhiều biểu ngữ khác nhau. Những biểu ngữ và tiếng hô đã tạo ra một chuỗi dài những phản ứng tâm lý trong tôi. Đầu tiên là ngạc nhiên sau đó là tự vấn, đến xúc động mãnh liệt và cuối cùng là xác lập một niềm tin: “Việt Nam ta sẽ mạnh”. Không phải chuỗi phản ứng tâm lý đó là vì một cuộc biểu tình, mà vì chính con người biểu tình, những khẩu hiệu và cách thức họ chuyển tải vấn đề.

Còn nhớ, khi là sinh viên đại học năm cuối ở TPHCM, có một lần tôi nghe ông Nguyễn Tấn Dũng, khi đó là phó thủ tướng, quan chức cao cấp đầu tiên của Nhà nước đến thăm Hoa Kỳ, ông ta cũng gặp phải những đoàn người biểu tình và khi đó vô tuyến truyền hình Nhà nước bình luận rằng: “Đó là một nhóm người lạc hậu, lưu vong, cực đoan và chứa đầy hận thù”. Cùng với cách thức tuyên truyền suốt một thời gian dài đã ngấm vào máu. Tôi, cũng giống như nhiều sinh viên khác, nghĩ rằng người Mỹ gốc Việt đấu tranh là vì hận thù, họ chỉ mong có chiến tranh, bạo loạn để lật đổ chế độ, để về để đòi lại tài sản hoặc tiếm quyền lãnh đạo.

Những gì tôi thấy sáng nay hoàn toàn không phải như vậy.

Vâng. Tôi thấy rất nhiều cờ Mỹ và cờ Vàng ba sọc đỏ. Thấy những tấm biển to và nhỏ, cả hình vuông và hình tròn viết bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh. Tôi thấy khoảng 200 người, những người trung niên và những em nhỏ thiếu niên. Những cụ già mệt quá ngồi tạm trên ghế vẫn giương cao khẩu hiệu và những em bé đang nằm vui vẻ cười trong nôi (ít nhất là có 2 em bé trong xe đẩy trẻ em); Tôi thấy rất nhiều thanh niên nam và nữ, ánh mắt họ cười và miệng họ hô vang. Không phải tôi thấy những quân nhân mặc đồ lính rằn ri, đeo súng với khuôn mặt sát máu như TV ở nhà vẫn chiếu mà là những tấm áo khoác ngoài màu xanh, màu vàng rất đẹp. Hầu hết họ đều trông sang trọng, có sức sống và có học thức. Không phải tôi thấy họ đến từ một chỗ, của một tổ chức, mà từ rất nhiều nơi, nhiều tổ chức trên khắp nước Mỹ.

Tôi nghe những gì? Không khát máu, không đả đảo, không phản đối cực đoan như vẫn tưởng mà là Tự do, Dân chủ, Nhân quyền cho Việt Nam. Đó mới thực sự là những giá trị lớn hơn mà đất nước ta đang cần và họ hô là “cho Việt Nam”. Tới tận bây giờ, ngồi một mình trong giảng đường tôi vẫn cứ nghe văng vẳng bên tai tiếng loa: “Freedom, Democracy, Human Rights” và tiếng đoàn người đồng thanh “for Vietnam, for Vietnam”. Tôi nghe và thấy cả tiếng Việt và tiếng Anh. Thứ tiếng Việt chuẩn phổ thông và thứ tiếng Anh cũng rất Mỹ. Tôi nghe gió lộng và cả tiếng cờ bay trên công viên La Fayette trước toà Bạch ốc.

Họ đòi quyền đó cho ai? Có thể nhiều người bạn của tôi trong trường sẽ cãi lại là cuối cùng thì họ đòi quyền đó để trở về lãnh đạo, lấy lại tài sản, trả thù cộng sản như nhiều lần tranh luận bạn tôi đã trích từ chatroom “Giang hồ hải ngoại chống cộng” trên diễn đàn Paltalk. Tôi không nghĩ như vậy, và chính điều đó làm tôi xúc động. Tự do, Dân chủ, Nhân quyền không phải là một giá trị vật chất cụ thể mà họ muốn lấy cho riêng họ. Họ đang đòi những quyền đó cho 83 triệu đồng bào. Tự do, Dân chủ là một giá trị phổ quát và thiêng liêng đối với tất cả mọi người. Đó cũng là một nhân quyền mà dân tộc chúng ta đã biết và theo đuổi từ những năm 1930s khi tư tưởng tây phương được du nhập vào Việt Nam. Hơn 70 năm trôi qua chúng ta vẫn chưa có đầy đủ những quyền đó. Và đó là cái chúng ta phải đòi.

Thật vậy, nước Việt Nam ta sẽ mạnh. Tôi không chỉ thấy điều đó trong sức mạnh của những người đi biểu tình sáng nay, mà, quan trọng hơn, khi quay về giảng đường vào đọc trang BBC, Tôi thấy một phong trào đấu tranh đang liên tục lên cao với sự xuất hiện của Liên Minh Dân chủ Nhân quyền, của Công đoàn Độc lập và hàng hàng tít của BBC “Tiếp tục các hoạt động đối kháng”. Người dân trong nước, trong điều kiện khó khăn, đã bước những bước nhọc nhằn đầu tiên. Nhưng họ không cô độc. Họ đang được hỗ trợ tích cực từ ngay giữa lòng thủ đô nước Mỹ. Ngọn lửa trong nước đã dũng cảm nhóm lên và trong một tờ truyền đơn sáng nay tôi nhặt được tại công viên viết rằng: “Chúng tôi đến đây để yêu cầu tổng thống Bush xác nhận lại cam kết của mình về việc thúc đẩy dân chủ khi ông ấy đến dự APEC tại Việt Nam”. Đó chính là ngọn gió lành, là hơi thở ấm thổi vào trong nước. Dù ít dù nhiều sẽ giúp cho ngọn lửa tự do rực sáng trên bầu trời Việt Nam.

Tôi tin Việt Nam ta sẽ mạnh vì những con người tôi thấy đều bình dị và rất Việt Nam. Họ có những giá trị toàn cầu nhưng rất đỗi gần gũi thân tình. Họ đòi hỏi những giá trị đúng đắn cho Nhân dân Việt Nam. Những điều họ đang làm và cách thức họ làm thể hiện trí thức, trình độ và bản lĩnh tiên phong. Tôi tin Việt Nam ta sẽ mạnh vì cộng đồng mà tôi thấy sáng nay thật có lòng với dân tộc Việt Nam. Thật có lòng với những chiến sỹ dân chủ tại thành phố Hà Nội, nơi là thủ đô của kẻ xâm chiếm, và tại thảnh phố Hồ Chí Minh, nơi cái tên mà họ đang đấu tranh để thay đổi. Họ vẫn làm một cách tích cực dù cho họ đã là công dân Mỹ và đang sống sung sướng ở xứ người.

Tôi tin Việt Nam ta sẽ mạnh. Bởi tôi thấy cả 2 giá trị mạnh mẽ nơi đây. Trong nước và nước ngoài. Tôi thấy giá trị mà cả Dân tộc Việt Nam đang thay đổi và cường quốc Hoa Kỳ đang chủ trương ủng hộ. Tôi thấy một khung cảnh tuyệt đẹp, giữa gió thu se lạnh và ánh nắng ngập tràn trên công viên mang tên một vị tướng người Pháp nằm ngay giữa thủ đô Washington - Mỹ. Nơi anh em của tôi, đồng bào Việt Nam của tôi đang đứng – Hô vang những khẩu hiệu mà vì nó đã bao nhiêu người ngã xuống, bao nhiêu người chịu tù đày và nhiều người khác vẫn đang sẵn sàng trả giá. Còn một điều buồn là tôi chỉ dám đứng ở xa mà nhìn đoàn biểu tình. Tôi nhìn đến lúc họ ra về lúc gần 2 giờ chiều. Tôi chỉ dám nhìn vì tôi chưa hiểu gì cả nhưng có một điều tôi biết chắc chắn rằng nhiều người đã xin nghỉ làm hôm nay, họ đã lặn lội từ xa đến đây để cùng nhau nói lên tiếng nói chung, để đòi hỏi cho Một Việt Nam Mới, nơi sẽ có Dân chủ, Tự do và Phát triển. Cho đến lúc này, khi run run gõ những dòng chữ đầu tiên trên bàn phím, tôi mới tự hỏi mình: “Tôi đã làm gì cho tổ quốc, quê hương chưa?”.

Dân Oan Khiếu Kiện (CT29)


Trần Châu Khoa

Nhìn cái cảnh nheo nhóc của những cụ ông cụ bà già cả, những bà mẹ hốc hác lem luốc mồ hôi, những trẻ em nhếch nhác ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, trước cửa những cơ quan gọi là "Tiếp Dân" của đảng và nhà nước, không ai là không cảm thấy dâng lên trong lòng một nỗi thương xót pha lẫn uất hận, kể cả những người đã có quá khứ tham gia cách mạng. Bà con ta, có người ở tận Miền Nam xa xôi ngàn dặm, nhiều người ở các tỉnh Miền Trung, Miền Bắc đã kéo nhau về đây sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Không phải vì cảnh đẹp của cái vườn hoa này, càng không phải là để tham quan thủ đô hay viếng thăm lăng Bác. Họ tự nhận là "dân oan", cầm đơn ra tận Trung Ương khiếu kiện, đòi lại đất đai, điền thổ đã bị chính quyền địa phương cướp đoạt và không đền bù thỏa đáng. Dưới con mắt của đảng và nhà nước, họ là những người khiếu kiện vượt hệ thống, việc làm của họ là sai trái và sự kiện họ tụ tập đông người trước các cơ quan Trung Ương là vi phạm luật pháp. Phải chăng vì sự quyết đoán của đảng và nhà nước như vậy mà những oan khuất của bà con đã không được giải quyết?

Oan khuất của dân thì ai ai cũng đều biết. Không phải chỉ có những người ở gần vườn hoa Mai Xuân Thưởng mới biết, mà nhân dân cả nước đều biết. Không phải chỉ ở trong nước mới biết, mà người Việt ở nước ngoài cũng biết. Thậm chí cả phóng viên và du khách người nước ngoài cũng biết. Đảng và nhà nước rất khó chịu vì đây là ung nhọt đang làm nhơ nhuốc bộ mặt của chế độ. Làm thế nào để trả lời với nhân dân trên các mặt báo đài. Làm thế nào để giải thích với quốc tế khi đảng vẫn tự vỗ ngực tự đề cao mình là những đầy tớ phục vụ nhân dân? Thế là đảng huy động các lực lượng công an, công khai, trá hình, thậm chí giả dạng côn đồ để hành hung, trấn lột đồ dùng và giải tán bà con. Nhưng "dân oan" không chịu bỏ cuộc và còn kiên trì đấu tranh, bao lâu còn bị oan khuất. Trước tình trạng nhân dân nhìn lên, thế giới nhìn vào, đảng và nhà nước chưa có thể áp dụng ngay những biện pháp mạnh nhằm tạo khuôn mặt hòa hoãn để hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Nhưng những gì sẽ xảy ra với bà con dân oan sau khi chính quyền đạt được mục tiêu quốc tế rồi, khó mà tiên đoán được.

Trong lúc nhà nước đang ráo riết chuẩn bị tiếp đón Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC thì tin tức từ Genève, Thụy Sĩ cho biết là có thể Việt Nam sẽ chính thức trở thành thành viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, WTO vào đầu tháng 11/2006 tới đây, kết thúc 10 năm đàm phán, cải tổ kể từ ngày Việt Nam nộp đơn xin gia nhập. Trong thời gian gần đây, Quốc Hội đã tích cực làm ra trên 100 luật và pháp lệnh mới để thỏa mãn những yêu cầu của hồ sơ xin gia nhập WTO. Phần lớn những luật pháp này liên quan đến lãnh vực kinh tế, tài chánh nhằm bảo vệ các đối tác kinh tế quốc tế sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Nó không hề nhằm mục đích tạo một nền dân chủ pháp trị phục vụ và bảo vệ quyền lợi của nhân dân Việt Nam. Nhưng dù sao thì sau khi gia nhập WTO, nhà nước sẽ không thể nào thống trị đất nước như thời bao cấp. Khẩu hiệu "Nhà Nước pháp trị XHCN" sẽ được đảng ta tận dụng. Tại Trung Quốc, từ năm 1996 Đặng Tiểu Bình đã đưa ra chủ trương "trị nước theo pháp luật" khi hội nhập nền kinh tế thế giới. Đảng và nhà nước ta vẫn trung thành rập theo khuôn mẫu Trung Quốc. Như vậy, chắc chắn sẽ có thêm luật pháp để "trị nước" hay để khống chế nhân dân, bảo vệ chế độ. Dù cho lúc đó, nhà nước coi luật pháp là để "trị dân", và tiếp tục đứng bên ngoài luật pháp; nhưng nhân dân cũng có những mốc chuẩn để có thể đấu tranh cho quyền lợi sát sườn của mình.

Trở lại chuyện bà con "dân oan" ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, thiết nghĩ, bà con đã bị đảng và nhà nước đánh lừa một cách thậm tệ. Bà con ra Hà Nội "khiếu nại", "khiếu kiện", "kêu oan" vv... vì chính quyền địa phương thủ phạm những vụ cướp đoạt, ăn chặn, chèn ép bà con không chịu giải quyết. Thậm chí những ông quan lớn này còn thách thức bà con đi khiếu kiện. Nhiều người đã bỏ hàng chục năm chạy ngược, chạy xuôi khiếu nại. Rõ ràng là bà con ngỡ rằng cán bộ địa phương làm bậy thì có thể đòi được lẽ công bằng ở cấp cao hơn. Bà con nghĩ rằng trung ương thanh liêm, sáng suốt hơn địa phương... Chắc hẳn sau hàng chục năm màn trời chiếu đất, ăn chực nằm chờ ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, trước các cơ quan tiếp dân hay trước cổng dinh thự hoành tráng của các quan chức cao nhất của đảng và nhà nước để đưa đơn khiếu nại, bà con đã thấy rõ đó trên dưới đều nhũng lạm như nhau. Tiền mất, tật mang. Không thể nào đi tố cáo những tên cướp tép riu ở địa phương với tướng cướp ở trung ương. Đã đến lúc bà con dân oan phải có phương pháp khác để đòi hỏi quyền lợi và danh dự cho mình. Có hai việc bà con ta có thể làm. Một làm ngay trong lúc này và một làm trong dài hạn:

Việc thứ nhất cần làm ngay: Bà con ta biết là đảng và nhà nước đang ráo riết chuẩn bị Hội Nghị APEC. Trong những ngày trước đây, đã diễn ra những cuộc họp giữa các bộ trưởng, các chuyên gia, ban ngành nhằm chuẩn bị cho Hội Nghị Thượng Đỉnh vào đầu tháng 11/2006 tới đây. Trong những cuộc họp này có đề cập đến việc chống nạn tham nhũng. Hành vi cán bộ địa phương cướp đoạt nhà đất, ruộng vườn của nhân dân là hành động nhũng lạm. Bà con nạn nhân không nên chầu chực để đưa đơn khiếu nại với các cán bộ lãnh đạo vì họ không làm được gì cả, vì họ cùng một băng đảng kết chặt quyền lực với nhau. Bà con hãy mạnh dạn xuống đường nhằm tố cáo trước quốc tế về nạn tham nhũng của đảng và nhà nước CSVN và yêu cầu dư luận thế giới áp lực giúp bà con đòi lại quyền lợi. Chắc chắn trong những ngày hội nghị, nhà nước sẽ huy động công an để “ổn định trật tự”. Nhưng đây là cơ hội ngàn năm một thuở khi các lãnh đạo đảng phải lo tô hồng khuôn mặt của mình trước ống kính quốc tế và các nguyên thủ quốc gia.

Điều thứ hai: Hiện nay đã có nhiều văn phòng luật sự, nhiều tổ hợp luật sư quy tụ những luật gia trẻ đầy thiện tâm và lý tưởng sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của nhân dân trong các vụ kiện cáo. Bà con dân oan đừng thèm đệ đơn khiếu nại nữa mà hãy kiện thẳng những tên tham nhũng, ức hiếp nhân dân ra trước tòa án, dựa theo luật pháp do chính đảng và nhà nước ban hành.

Luật pháp được làm ra phải được mọi người tuân hành và tôn trọng, kể cả những cán bộ lãnh đạo cao cấp nhất của đảng và nhà nước. Những kẻ tự cho mình đứng trên pháp luật, không tuân thủ pháp luật... đều là những kẻ tội phạm sống ngoài vòng pháp luật phải bị trừng trị, dù kẻ đó là ai đi nữa. Sâu dân, mọt nước là tai họa của quốc gia. Ai cũng có quyền diệt trừ.

Cướp Bầu Hậu (CT29)


Vân Yên

Có một thời nhiều làng xóm quê ở Việt Nam, vào những đêm tối trời người ta thường thấy có nhiều ma trơi hiện lên, lập lòe bay chấp chới ở nghĩa trang của làng; rồi lũ chó đang nằm trong nhà đột nhiên chạy rống lên sủa ăng ẳng như bị ma đuổi; trẻ con đang ngủ bỗng giật mình khóc thét. Các bà già trong nhà vội thắp vài nén hương rồi lầm rầm khấn vái, còn các ông già bảo “đó là lũ ma đói đi lang thang tìm kiếm cái ăn”. Có cụ bảo: “Đấy là điềm chẳng lành, dương thịnh âm suy, dưới âm có loạn, nên các quan ôn quan dịch đi tuần tra để bắt lính”. Tất nhiên bây giờ chẳng ai tin vào các cách giải thích như thế. Riêng cụ giáo ở làng thì từ tốn bảo rằng:

... Ăn cắp là lấy một cái gì đó của người khác đang mang trên mình mà người đó không biết. Ăn trộm là vào nơi ở của người ta để lấy đi một cái gì đó trong lúc người ta vắng nhà. Còn ăn cướp là dùng sức mạnh hay vũ khí uy hiếp người ta để chiếm đoạt tài sản. Các cụ xưa còn chia ra làm hai loại ăn cướp. Cướp đêm là do bọn đạo tặc thực hiện, còn cướp ngày là do bọn quan lại thực hiện. Vì vậy ca dao có câu:

Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.


Như vậy là ăn cắp, ăn trộm hay ăn cướp đều giống nhau ở chỗ chiếm đoạt tài sản của người khác lúc họ còn sống. Nếu áp dụng luật sa-ri-a của đạo Hồi thì những người phạm tội đó đều bị trừng trị nghiêm khắc, có khi bị chặt cụt cả tay.

Ở thôn quê ta lại nơi này nơi khác có những gia đình không có con thừa tự, cho nên họ thường hiến cúng cho đình làng hay chùa làng vài sào ruộng, để khi qua đời thì hàng năm đình làng hay chùa làng sẽ có vài đĩa xôi với nải chuối và mấy nén hương làm giỗ cho vong linh họ. Việc cúng đất cho đình làng hay chùa làng đó gọi là “bầu hậu”, được thông qua bởi chính quyền sở tại và có bia gắn ở đình hay chùa để nhớ tên, nhớ ngày. Riêng miền Bắc Việt Nam có tới năm, sáu vạn trường hợp bầu hậu như vậy. Đây là một thuần phong mỹ tục của người Việt có từ thời xa xưa, mang tính nhân bản, người chết được tưởng nhớ, còn đình hay chùa làng có ruộng cày cấy tạo kinh phí bảo quản, trùng tu.

Nhưng từ lúc nhà nước ban lành luật cải cách ruộng đất, tất cả các loại ruộng đất, tất nhiên cả ruộng bầu hậu cũng bị tịch thu hết. Hệ quả là đình chùa dần dần đổ nát vì không có tiền tu sửa, sư sãi và các ông từ coi đình cũng phải rời làng vì không có ruộng đất sinh sống. Tất nhiên là không còn ai làm giỗ cho năm, sáu vạn người đã bầu hậu hàng chục vạn sào ruộng kia nữa. Bia bầu hậu ở đình hay chùa làng cũng bị người ta mang ra kê lối đi, bắc cầu ao hoặc nung vôi....

Cụ giáo thở dài: “Đấy là một hình thức ăn cướp, nhưng là ăn cướp người chết!”.

Có người hỏi lại: “Cứ tạm coi ma trơi là vong linh những người chết không được cúng giỗ hiện lên đi kiếm cái ăn, thế nhưng vì sao bây giờ chúng ta ít thấy ma trơi xuất hiện như thời sau cải cách ruộng đất?”.

Cụ đáp: “Nếu đi tìm cái ăn mãi mà không thấy nơi đâu giỗ chạp, thì đến ma trơi cũng phải chết đói mất! Chứ nếu còn thì có khi ma trơi cũng tụ về vườn hoa Mai Xuân Thưởng để khiếu kiện đấy!”.

Hóa ra, cải cách ruộng đất là giúp cho người ta chết hai lần?

Đàn Áp và Đấu Tranh (CT29)

Trần Tường

Joseph Goebbels, Bộ trưởng Bộ Thông tin Tuyên truyền của Đức Quốc Xã Hitler đã tuyên bố: "Nếu Nhà Nước tung ra một lời dối trá khủng khiếp và cứ nhắc đi nhắc lại hoài hoài thì dân chúng cũng sẽ tin...Vấn đề sinh tử của Nhà Nước là phải sử dụng tất cả quyền lực để đàn áp đối kháng để che dấu sự thật... Vì sự thật là kẻ thù một mất một còn đối của sự gian dối, là kẻ thù lớn nhất của Nhà Nước". Tên tuổi của Goebbels, từ Thế Chiến II đến nay, đã gắn liền với việc sử dụng các kỹ thuật tân tiến để xách động quần chúng.

Ở Việt Nam ta, đảng CSVN với những mánh khóe lừa bịp nhân dân bằng phương pháp của cộng sản đã là học trò trung thành của Gosbbels. Ngay từ ngày đầu cướp được chính quyền, CSVN đã gian dối dấu diếm bản chất Đệ Tam Quốc Tế của họ và ẩn mình trong Mặt Trận Việt Minh. Khi bị phanh phui, ông Hồ Chí Minh đã tuyên bố giải tán đảng Cộng Sản Đông Dương, đồng thời thủ tiêu những thành phần đối nghịch trong chính quyền đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Khi Liên Xô và cộng sản Đông Âu đã tan rã cùng với chủ nghĩa Mác Lênin thì đảng CSVN vẫn tiếp tục con đường cụt với sự dối trá bằng bưng bít thông tin, bằng nắm độc quyền truyền thông. Nhưng với máy vi tính, với điện thoại di động, với mạng lưới internet toàn cầu, càng ngày đảng CSVN càng bất lực trong việc ngăn chặn sự thật. Những nhà dân chủ Việt Nam đang từng bước bức phá những rào cản của chế độ để đi tìm sự thật. Theo lời của Đỗ Trung Tá, Bộ Trưởng Bưu Chính-Viễn Thông thì năm 2006, số người đăng ký vào mạng internet là 3,77 triệu và số người sử dụng internet đã lên đến 13,8 triệu người, tức 16,4% dân số. Con số này đông hơn gấp bội con số đảng viên và đông hơn lực lượng công an CSVN. Đảng CSVN không còn khả năng kiểm soát và ngăn chặn hết được. Trước vấn đề nan giải này đảng đã dựng các tường lửa để ngăn chặn những nguồn thông tin, ngăn chặn sự thật đến từ nước ngoài.

Những nhà đấu tranh dân chủ cũng đang trở thành nguồn cung cấp tin tức cho nhân dân và bị đảng CSVN coi là kẻ thù. Đảng CSVN dư biết là các vị này không có quân đội, vũ khí, sức lực nhưng lại có thể cung cấp cho nhân dân sự thật. Họ hành xử theo đúng bài bản của Goebbels là coi Sự Thật là kẻ thù lớn nhất. Chính vì thế mà không những họ đã bắt giam, quản chế những nhà đối kháng, mà còn tước đoạt mọi phương tiện khả dĩ viết lên sự thật và phổ biến sự thật. Đó là các máy vi tính, điện thoại hay những phương tiện truyền thông khác.

Ngày 24/09/2006, 12 nhà dân chủ đã cùng ký tên trong "bản lên tiếng cực lực phản đối nhà cầm quyền CSVN cưỡng đoạt phi pháp các tài sản và phương tiện làm việc của các nhà tranh đấu dân chủ tại Việt Nam". Bản văn này nêu 12 trường hợp điển hình CSVN đã vi phạm Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và tố cáo đích danh Cục A42 - Tổng cục An ninh - Bộ Công An tịch thu trái phép máy tính, điện thoại vv... của họ. Bản lên tiếng còn cho biết là Cục A42 có kế hoạch bắt giam và bỏ tù tất cả những nhà đấu tranh cho dân chủ sau Hội Nghị APEC. Bản lên tiếng cũng kêu gọi "dư luận trong, ngoài nước, đặc biệt là dư luận quốc tế đề cao cảnh giác, sẵn sàng đối phó với tình hình xấu có thể xảy ra để bảo vệ các nhà tranh đấu dân chủ và công dân trong nước trước bạo quyền của Đảng CSVN có thể xảy ra trong thời gian tới !!!".

CSVN đàn áp đối kháng là để duy trì sự gian dối, lừa bịp nhân dân, lừa bịp thế giới. Đồng bào trong và ngoài nước phải bảo vệ những nhà dân chủ trong nước là những người muốn mang sự thật đến cho toàn dân ta, phá tan mọi âm mưu gian trá của CSVN.

Sống Làm Người = Tư Duy + Hành Động (CT29)

Cành Nam

Tính con người dễ có khuynh hướng làm theo những gì có nhiều người chung quanh mình làm, nhất là những gì được mọi người khác chấp nhận thì mình càng yên tâm mà làm, chẳng cần đắn đo tìm hiểu. Cái khó là làm thế nào để giữ vững những gì mình tin tưởng, những gì cá biệt đặc thù của mình. Nguy hiểm thay sự hay làm theo kẻ khác, theo những tư tưởng của kẻ khác, theo khuôn mẫu định sẵn của xã hội, thành những thói quen không hề cần phải hiểu vì đâu ... miễn sao hợp với "thủ tục", để có được sự bằng lòng, chấp nhận của những người quanh mình. Trong một xã hội cộng sản, đảng ta chủ trương nhào nặn những con người không cần có bản sắc đặc thù của cá nhân, chỉ cần rập khuôn theo, làm theo y hệt những gì được tuyên truyền, được cho phép; một thế giới đại đồng, không còn biên giới phân biệt, không còn đặc thù dân tộc, quê hương.... Tất cả vì một chủ nghĩa; vì quốc tế cộng sản. Và người ta áp đặt cái chung vào cái riêng: "yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa" ...

Việc giữ vững những gì mình tin tưởng khi quanh mình người ta nghĩ khác, làm khác là một sự khó khăn, đầy tính thách đố. Làm thế nào giữ được những tư tưởng của chính mình khi quanh mình người ta luôn dạy mình phải nghĩ, phải làm, phải hùa, phải đồng ý theo cùng một hệ tư tưởng như người ta? Con người thuận lẽ thiên nhiên của tạo hóa sinh ra đều có sắc thái riêng, phân định mỗi người là một cá thể khác biệt. Liệu những phương sách đàn áp, khống chế, lối giáo dục nhồi sọ của chủ nghĩa cộng sản có thành công trong việc tẩy não quyền tự do tư duy, hành xử độc lập của con người không? Liệu ta sống trong một môi trường mà bấy lâu ai cũng chỉ biết nghĩ cùng một chiều, hiểu cùng một cách, học cùng một sách, làm theo cùng những chỉ thị ... thì có đánh mất hẳn những cái đặc thù gọi là "ta" không? Có lẽ không hẳn.

Nếu có một lúc nào đó, người ta ngừng những điều người ta đang làm theo một cách vô thức, để thử suy nghĩ vì sao ta lại thay đổi dáng đi, lối đứng, cách nói, thói nghĩ... chỉ để giống đa số những kẻ vô ý thức quanh mình? Tại sao ta cùng đi như người khác, làm theo như người khác? và tại sao những người đứng bàng quan ở quanh ta lại cùng vỗ tay, hòa nhịp điệu cổ võ khi ta không còn là ta ở giữa đám đông? Có lẽ khi chủ động suy gẫm, người ta sẽ ý thức hơn trong hành xử của mình, và sẽ tự chọn cho mình một lối đi, một phong thái riêng biệt, không bị ảnh hưởng bởi người khác. Hãy ngừng lại để ý thức và chủ động trong hành động của mình. Hãy tự định lấy lối đi riêng của chính mình!

Cái "ta" tiềm ẩn sẽ phải có lúc bừng tỉnh, để vượt thoát lên trên cái khuôn mẫu đồng dạng rẫy đầy ở quanh ta, để tìm lại cái "ta" chủ thể.

Nền giáo dục nước ta hiện nay theo chiều hướng hủy diệt khả năng tư duy. Với phương thức giáo dục tùy tiện và áp đặt, sinh viên học sinh không có điều kiện thông tin, tìm hiểu để đối chiếu, và không được đào tạo để có khả năng tự suy nghĩ, tự phân tích mà phải rập khuôn giáo điều do sự nhồi nhét nhiều năm. Ngày nay, còn bao nhiêu thầy cô mang thiên chức của những kẻ khai tâm chân chính, bao nhiêu nhà giáo dục có cái đởm lược để dám đặt nghi vấn những điều họ đang giảng dạy, để dám đào tạo thế hệ rường cột của nước nhà có được sự tự do trong suy nghĩ, để biết tự thẩm định lấy giá trị của những tư tưởng đang được truyền bá, để dám gạt bỏ thói học từ chương, học rập khuôn mà không thật hiểu những điều mình đang nhai lại...?

Có bao nhiêu người dám gạt qua những giáo điều để nói lên những cảm xúc thật của mình. Chúng ta là loài người, có tình cảm, biết xúc động, biết cảm nhận những cái hay, cái đẹp, cái khốn khó, cái đáng thương, cái vui, cái khổ của mọi vật, mọi việc quanh mình. Hãy dám sống thật với những cảm xúc của mình, với những suy nghĩ thực của mình, vì đó là một sự cần thiết. Nhất là trong một xã hội đầy dẫy bất công như ở nước ta hiện nay.

Những tác phẩm nghệ thuật để đời đều là những sáng tạo hoàn toàn khởi sự và hoàn tất dựa trên quyền tự do cảm nhận và tự do sáng tạo của con người. Những sáng tác nghệ thuật, vì thế, không thể thiếu ánh sáng của tự do. Những kẻ cầm quyền hiện nay muốn tước đoạt cái quyền tự do thiêng liêng ấy của những nhà thơ, nhà văn, những nghệ sĩ chân chính thì kết quả vẫn còn đó: Nhân Văn, Giai Phẩm Mùa Xuân, Giai Phẩm Mùa Thu ... những tiếng nói qua bao nhiêu thăng trầm của Trần Dần, Phùng Quán, Hữu Loan, Phùng Cung; của những Văn Cao, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ; của những Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Hoàng Tiến, Dương Thu Hương... muôn đời là những minh chứng cho cái quyền bất khả xâm phạm ấy của loài người có và còn cảm xúc. Những ai tự nhận mình là những nghệ sĩ thì phải thực sự dám sống và hành xử như những người-suy-nghĩ-tự-do; có nghĩa là phải có quyền tự do cảm nhận, tự do tư duy, tự do diễn đạt, để từ đó mới có thể nói đến việc có hay không một nền văn học nghệ thuật tự do thực sự.

Ngày nay trên đất nước ta, có bao nhiêu người suy-nghĩ-tự-do như thế? và có được bao người được sống và được nói, được viết, được sáng tạo mà không bị trù dập, quản chế, hà hiếp, hay xúc phạm bằng hình thức này hay hình thức khác? Cái thời của "Những Thằng Nịnh Hót", tác phẩm của Maiakovski có thể nào hiện hữu trên nước ta sau gần 50 năm sự thật của chủ nghĩa đã phơi bày? Ðã đến lúc ta cần nhớ đến những Hà Sĩ Phu, Dương Thu Hương, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Phương Nam Đỗ Nam Hải... để tự nhắc nhở mình.

"Phải luôn luôn khai phá, nhìn mọi sự bằng cặp mắt mới, từ góc cạnh mới. Không bao giờ suy xét một vật gì, một việc gì dưới cái nhìn chung của thói quen, của mọi người khác, mà tự mình phải dám nhìn vào sự vật từ mọi góc độ, bằng cách mới lạ luôn luôn, bằng chính mắt của mình". Ngày nay, người ta dễ mấy ai đã dám chọn cho mình một thế đứng, để suy xét sự việc bằng chính lý trí và lương tâm của mình để có những hành xử cần thiết. Ta phải luôn luôn tự tìm lấy và tìm lại tiếng nói của chính mình. Như lời thơ nhắc nhở của Hữu Loan "ngay giữa thời nô lệ, là người, chúng ta không ai biết cúi đầu". Dĩ nhiên, hệ quả của sự lựa chọn sống đúng với nhân vị của mỗi người đều có những cái giá phải trả, khi có cả một hệ thống luôn cấm đoán, trù dập đàn áp những ai dám nói trái với điều được phép nói, dám nhìn vào sự việc bị cấm nhìn, và dám nghĩ những điều không được nghĩ. Khi làm rập khuôn theo "đường lối, chính sách" thì:

"Quân nịnh tha hồ lên cấp.
Như con gì nhà gác lên thang
Còn muốn lên thủ trưởng cơ quan
Còn đi đây đi đó
Lưỡi và lưng
Lắm thằng gian khổ
...
Những ai không nịnh hót
Ði, mang cao liêm sỉ con người
Chúng gieo họa, gieo tai
kiểm thảo,
hạ tầng...
Còn quy là phản động..."

Ngày nay, đất nước ta có biết bao việc trái với sự thật, biết bao sự vu cáo, bắt bớ oan trái, xử sự tồi tàn mà kẻ cầm quyền giáng xuống đầu những người lương thiện. Và có được bao nhiêu người dám tách ra khỏi đám đông bình thường để vượt lên trên và can đảm nhìn ra tương lai thật sự của đất nước bằng cặp mắt của lương tâm? Bao nhiêu người dám vất những hèn nhát, ích kỷ lo riêng cho thân mình ở dưới chân, để làm chứng nhân cho sự thật? để nói lên tiếng nói của công lý loài người? Những án tù và lệnh quản chế và hàng trăm oan trái bất công khác đang diễn ra ngày đêm nơi quê nhà, ai là người dám bứt rời ra khỏi cuộc đời làm nô lệ, để can đảm đứng lên làm chủ lấy cuộc sống của chính mình, để nói lên tiếng nói công tâm? Như lời Hoàng Cầm thúc giục, ta không thể không chủ động suy nghĩ, đối chiếu. Phải thức tỉnh sau bao nhiêu năm ngủ kỹ đã quen:

Do cái lưỡi không xương
Nên nhiều đường lắt léo
Do con mắt bé tẻo
Chẳng nhìn xa chân trời,
Do bộ óc chây lười
Chỉ một màu sắt rỉ
Ðã lâu năm ngủ kỹ
Trên trang sách im lìm
Do mấy con người máy
Ðầy gân thiếu trái tim ...

Có những thời khoản ta cần cẩn thận, nhưng cũng có thời khoản cần ta dám cùng nhau thẳng người thách đố, làm chứng nhân của sự thật bất hạnh đang diễn ra trên đất nước của chính mình.

Hãy bừng tỉnh để nhìn về tương lai đất nước mà hy vọng sẽ có lớp lớp người ngạo nghễ đứng lên, thoát ra khuôn mẫu người ta muốn áp đặt cho mình, để thẳng người bước vào cuộc hành trình như những con người sống chân chính, có khả năng cảm xúc, có khả năng tư duy, khả năng phơi bày những sự thể, và khả năng tạo dựng mầm hy vọng. Trên thế giới yêu chuộng tự do dân chủ ngày nay và trên đất nước chúng ta, vẫn và sẽ phải còn rất nhiều những con người sống mang tâm hồn của những nghệ sĩ, những người tự do suy nghĩ, để không uốn lưỡi cong, để không quỳ gối, khòm lưng, để không theo khuôn thói tầm thường, để dám nhìn thẳng và nói lời thành thật. Xã hội đất nước chúng ta chỉ còn những con người đang chết dần mòn hay những con người sống chân chính, dám suy nghĩ chủ động và tích cực để có những quyết định tự quyết về cuộc sống của chính mình?

Hãy dám cảm nhận bằng xúc cảm của một con người, để từ đó dám nhìn vào sự thật, và dám chọn cho mình một lối đi riêng !



Một thầy giáo bảo một học trò đọc lên cho cả lớp nghe phần định nghĩa thế nào là một bài thơ hay, trích từ một quyển sách giáo khoa nổi tiếng. Trò định nghĩa một bài thơ hay là vì nội dung có hai yếu tố: sự quan trọng của vật / việc được miêu tả, và cách thức miêu tả. Ðó là hai yếu tố định đoạt tầm quan trọng và giá trị của một bài thơ. Khi học trò đọc xong phần định nghĩa ấy, thì thầy bảo học trò hãy xé trang sách với những giòng định nghĩa đó đi. Cả lớp còn ngơ ngác, ái ngại, tiếc sách, nhưng thấy thầy giục mãi, để cuối cùng, mỗi học trò đều dang tay xé toạc những giòng chữ "vàng ngọc" mẫu mực thời bấy giờ của quyển sách giáo khoa nổi tiếng đương thời. Lúc bấy giờ, thầy mới dạy học trò rằng khi học thơ, đọc thơ phải biết cảm nhận những rung động của chính mình, và những suy tư, cảm xúc dấy lên tự lòng mình, trong lòng người đọc, qua các giòng chữ, qua cách dùng từ, lối diễn đạt của tác giả ... và sự rung động đó là thước đo đúng đắn nhất cái hay của mỗi bài thơ. Không thể thấy thơ hay vì nó là bài ai cũng thấy hay, hoặc vì nó được viết bởi tác giả nổi tiếng, (mà mọi người đều chấp nhận và được cho phép in vì nó ca tụng đúng theo "quan điểm", "chính sách") và cũng không thể thấy nó hay vì nó hợp đúng với cái định nghĩa ở trên...