05 tháng 6, 2005

Thư Ngỏ (CT13)

Các bạn thân mến,

Trong tháng vừa qua, nhóm chủ trương đã nhận được nhiều góp ý của bạn đọc về phương thức phổ biến báo Canh Tân (CT). Chúng tôi xin chân thành cám ơn sự đóng góp của các bạn. Dựa vào ý kiến của đa số, từ số này chúng tôi sẽ gởi đến các bạn theo hình thức như sau: tóm tắt hoặc trích dẫn của các bài viết trong phần thân bài của email và nguyên văn nội dung của báo sẽ được đính kèm trong dạng Word-97. Bên cạnh đó, nếu bạn muốn nhận CT theo những cách khác thì xin liên lạc riêng để chúng tôi cố gắng đáp ứng nhu cầu của bạn.

Cũng kể từ số báo này, CT sẽ được đăng tải trên mạng dưới dạng blog (hay là weblog) tại http://canhtan.blogspot.com/. Trên trang này, bạn có thể xem toàn bộ các số báo CT bất cứ lúc nào và có thể góp ý thẳng cho từng bài viết trên trang blog.

Blog là một hiện tượng phổ biến gần đây trên mạng vì ai cũng có thể có một trang blog dễ dàng và miễn phí. Việc đăng tải bài viết lên trang blog cũng đơn giản hơn là làm một trang web. Bạn không cần phải mua tên miền, mở trương mục web, học cách viết mã HTML. Nếu bạn có thể đăng ký mở được Yahoo email thì bạn có thể đăng ký mở được một trang blog. Nếu bạn đánh tiếng Việt Unicode được trên máy vi tính, trên email Yahoo tức là bạn đã có thể đăng tải bài lên trang blog.

Chúng tôi chọn blog là vì trong hoàn cảnh kiểm soát thông tin của nhà nước hiện nay, chúng ta khó mà thực hiện được một kênh thông tin chính thức. Cách phổ quát là trang web thì phải xin phép hoặc phải thực hiện từ nước ngoài. Trong khi đó với trang blog thì đơn giản, dễ dàng, miễn phí mà không cần phải xin phép. Những yếu tố thuận tiện này sẽ dẫn tới sự phổ thông của blog giống như các hộp thư Yahoo cá nhân và chính quyền sẽ khó mà dựng tường lửa cho một số lượng trang blog nhiều như vậy trong tương lai.

CT kêu gọi các bạn hãy sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình qua những kênh thông tin mà nhà nước không thể kiểm soát được như Yahoo email, trang blog, diễn đàn web ngoài Việt Nam, các trang web cho phép góp ý như BBC, RFA. Hãy tận dụng những kênh thông tin này để thực thi quyền tự do ngôn luận của chúng ta. Nếu bạn muốn có thêm những hướng dẫn để thực hiện và xử dụng blog xin vui lòng liên lạc với CT.

Các bạn thân mến,

Trong tháng qua, việc hai cha con của công ty môi giới Trung Hữu hãm hiếp, sách nhiễu tình dục các phụ nữ Việt Nam tại Đài Loan đã tạo nên những quan tâm của nhiều thành phần với những mức độ khác nhau.

Có người quan tâm vì xuất phát từ lòng yêu thương và từ đó đã biến thành hành động như trường hợp Linh mục Nguyễn Văn Hùng. Ông đã hỗ trợ, che chở, giúp đỡ công nhân lao động Việt Nam trong suốt hơn 5 năm qua. Hầu như ai đi lao động hợp tác tại Đài Loan cũng biết đến vị Linh mục giàu lòng nhân ái này.

Có những người cả ở Việt Nam lẫn Đài Loan quan tâm vì lo sợ sẽ bị tìm hiểu, điều tra và lên án của các cơ quan nhân quyền bởi vì sự cố Trung Hữu chỉ là một góc cạnh của nạn buôn người qua hình thức cưới hỏi, nhập cảng lao động mà chính phủ Đài Bắc biết nhưng đã làm ngơ trong bao năm qua.

Có những người quan tâm về vai trò của chính phủ Việt Nam trong việc giúp đỡ và bảo vệ cho công dân nước mình khi đi lao động nước ngoài. Khi hỏi các bạn lao động hợp tác tại Đài Loan về, hầu như chẳng ai biết ông Trần Đông Huy, trưởng ban quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan. Có biết thì biết là ông ta cũng như văn phòng chẳng bao giờ muốn giúp công dân nước mình khi có vấn đề.

Có những mối quan tâm chỉ dựa trên tình người và công lý đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Đó là nỗ lực giúp đỡ, khiếu kiện cho các nạn nhân xấu số của Văn Phòng Hỗ Trợ Pháp Luật Đài Bắc. Đáng lẽ đây là trách nhiệm của nhà nước ta, nhưng ngược lại chính văn phòng này đã cáo giác ông Trần Đông Huy cản trở các nạn nhân tố cáo vụ hiếp dâm.

Nhưng trên hết là lòng tự hào của vô số những người con Việt Nam đang bị tổn thương. Chúng ta cảm thấy nhục nhã khi dân mình đã bị đối xử tồi tệ, khi Đảng và Nhà nước chẳng bảo vệ được gì cho những món hàng người đã được xuất khẩu để Đảng kiếm lời. Như có bạn đã viết trên hộp thư của đài BBC: "Bảo vệ cho công dân Việt nam nghĩa là bảo vệ danh dự cho tổ quốc Việt nam, đây là bổn phận của chính quyền và những tổ chức đại diện Việt nam ở nước ngoài...". Còn bạn, bạn có những quan tâm như thế nào? Bạn nghĩ gì về thân phận của những người dân Việt phải lìa bỏ gia đình đi làm thuê ở xứ người? Cảm giác của bạn về những kẻ thất nghiệp, nghèo nàn và tàn tật đến từ Taiwan, Hàn Quốc được sờ soạng, ngắm nhìn và lựa chọn các thiếu nữ Việt Nam chúng ta như những món hàng ; Cảm giác của bạn về những phụ nữ Việt Nam phải chôn cuộc đời mình trong số phận của một cô dâu nơi xứ người? Bạn đánh giá ra sao về vai trò của Chính phủ ta, về hành vi của ông Trần Đông Huy khi tiếp xúc riêng với nạn nhân và khuyên nên nhận một khoản tiền bồi thường cho yên thân. Chúng tôi rất mong mỏi nhận được những tâm tư của bạn trải dài trên những trang giấy của Canh Tân để chúng ta cùng nhau chia xẻ và nói lên tiếng những cảm xúc, suy nghĩ của mình trong việc này.

Nhóm chủ trương Canh Tân

Từ Bài Văn "Lạ" Xôn Xao Làng Giáo (CT13)

Thanh Bình


Giữa tháng 3 vừa rồi tại Hà Nội, trong kỳ thi học sinh giỏi văn thành phố có xuất hiện một bài văn lạ của Nguyễn Phi Thanh, học sinh lớp 11. Với lý do lạc đề, bài văn này được giáo viên chấm 3/15 điểm. Nhiều người bảo nên cho điểm tối đa, người khác bảo nên cho 0 điểm.

Đúng là lạc đề. Bài văn không đi vào phân tích cái đẹp trong bài thơ “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc” theo như đề ra mà em viết “Em thực sự không thích bài văn này, em đang sống trong thời bình và không rung động được với một bài văn tế”. Theo giáo sư, nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai thì gần 60 năm đi dạy và nghiên cứu văn học, ông chưa hề thấy một phản ứng mạnh mẽ nào như thế từ phía học sinh.

Điều đó đúng. Từ khi đảng CSVN cầm quyền năm 1945 đến nay nhân dân Việt Nam không được tự do nói đúng những điều mình nghĩ, viết những điều mình thích. Đối với học sinh, và với môn văn học, thì chỉ có quyền khen hay mà không có quyền bày tỏ chính kiến của mình. Mái trường XHCN đã đào tạo ra những con người, trong đó có tôi, chỉ biết vâng lời. Sự thuần dưỡng của đảng đã thành thần và tuân phục của nhân dân đã thành nếp. Tôi nhớ nhân vật Mị trong “Vợ Chồng A Phủ”, giống nhân dân tôi, lầm lũi như con rùa núi, lặng lẽ như cây rừng lúc hoàng hôn, và tin theo như một định mệnh.

Trong suốt 60 năm đó, Đảng cộng sản đã được rất nhiều người tung hô và tiếp tay kiến tạo niềm tin cho thế hệ trẻ. Một số người trong họ có năng khiếu về văn học, âm nhạc. Tố Hữu, dẫu có chút ăn năn trong những ngày cuối đời, cũng không làm thay đổi được chân dung bồi bút của mình. Ông góp phần vào việc đưa văn học của Đảng vào cuộc sống của đất nước tôi, gây bao cảnh lầm than và phi nghĩa. Hầu hết thanh niên Việt Nam đều biết bài thơ của Tố Hữu về Anh Hùng Nguyễn Văn Trỗi (theo một cách nói). Kẻ khủng bố (theo cách nói khác) đã được tuyên truyền như là một bản Anh hùng ca bất khuất. Vì nó, hàng triệu thanh niên đã hăng hái lên đường, trút máu xương cho cuộc chiến ủy nhiệm. Trong bài thơ tác giả viết:

“Chúng trói anh vào cọc mấy vòng dây
Mười họng súng một băng đen bịt mắt
Anh thét lớn chính Mỹ kia là giặc
Và tay anh giật phắt mảnh băng đen…”

Kèm với bài thơ này còn có hình ảnh Nguyễn Văn Trỗi bị trói chặt tay, thế mà không một ai trong chúng tôi, từ trước đến nay, đặt câu hỏi là tay bị trói chặt rồi, làm sao anh có thể “giật phắt mảnh băng đen được nữa”. Chúng tôi tin một cách chân thành và mù quáng điều đó. Lớp lớp học sinh đọc vang cả góc trường. Bởi vì chúng tôi không có quyền hỏi lại và buộc phải tin rằng những điều đem ra giảng dạy là đúng, là không thể chuyển lay.

Mới đây, tôi có may mắn được đọc một bài tâm bút của nhà thơ Trần Trung Đạo hiện đang ở hải ngoại, tôi rất cảm phục anh và nhận thấy rõ sự vô nhân đạo của Nhà thơ Tố Hữu khi ông ta viết về những người lính đối phương trong bài thơ Bắn Đi:

“ Ngon như một đĩa thịt bò tươi
ở dưới kia chúng nó đang cười
Cười đi nhé các con ơi rồi chết…”

Khi nhà thơ ví quân đối phương như “một đĩa thịt bò tươi” thì đúng là không còn nhân tính trong đó. Nhưng hàng chục năm qua, bao nhiêu thế hệ Việt Nam đã và đang được giáo dục như vậy, rất nhiều người tin theo như vậy và không ít kẻ thích thú được làm như vậy. Chúng tôi bị say máu.


Nhưng sự vô nghĩa và mất đạo đức nhất của nhà thơ chỉ có thể cảm thụ được khi mà…con bạn tập nói. Cả gia đình tôi đã xúc động lặng im rất lâu khi con tôi cất tiếng nói đầu tiên Nước mắt chảy trên mi bà, người được đón nhận âm thanh đầu tiên đó, lần lượt sau đó con nói tên ba, tên mẹ, tên anh em với một tình thương trìu mến. Tôi thấy mình xấu hổ vì đã từng gào lên trong 2 câu thơ trong bài thơ “Nói với con” của Nhà thơ Tố Hữu:

“Vui biết mấy khi con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin”

Lớp lớp học sinh chúng tôi từng đọc hào sảng, ngu dốt một cách hồn nhiên như chính nhà thơ vậy. Phải đợi đến khi con tập nói mới biết được một cách chắc chắn rằng đó là một câu thơ sai cả về nội dung và âm điệu, đó là một câu thơ lừa dối, dán nhãn và phi nhân tính. Nó phản động về tư tưởng, mất dạy về nhận thức và dã man về đạo đức. Hãy hình dung trong một đêm khuya, đang bế con trên tay, bỗng nhiên nó hô vang tên độc tài Stalin. Hãi thật!

Ngoài việc “chia trái tim thành 3 phần tươi đỏ” và dành riêng “cho Đảng phần nhiều”, Tố Hữu còn có nhiều bài thơ làm chúng ta sợ. Nó xem thường quá khứ và hù dọa tương lai. Tác giả cho rằng thời kỳ đói kém trong những năm 1960s là “ đỉnh cao muôn trượng”

“Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu”

Tất cả chúng tôi đều đọc những câu thơ đó trong cái đói, cái rét. Thế mà vẫn tin, vẫn cho rằng tuyệt vời và lịch sử dựng nước hàng ngàn năm qua chưa bao giờ tươi đẹp, hào hùng đến thế. Chúng tôi không đặt câu hỏi rằng đỉnh cao nhất rồi thì tương lai làm sao tốt đẹp hơn được nữa? Năm 1961 đảng ta đã là đỉnh cao của trí tuệ loài người, đất nước ta đã là đỉnh cao của phát triển và sau đó sẽ là gì?. “Nghìn xưa” không bì kịp và “mai sau” mãi mãi vẫn thấp hơn? Với cái đói đến trong veo hai hòn dái, chúng tôi gào lên những no ấm đâu đâu. Chúng tôi nghe âm hưởng rì rào của một chế độ cộng sản quần hôn và mất dạy với một đức tin vừa bị đánh tráo. Và với đức tin giả đó, chúng tôi tin, một cách chân thành. Và do vậy chúng tôi không hề ngạc nhiên, khi Tố Hữu viết “30 năm đời ta có Đảng” thì “ Thịt với xương tim óc dính liền”. Một hình ảnh dự báo chân thực nhất của tai nạn giao thông hiện nay tại Việt Nam.

Phải mất hơn 40 năm, dần dần chúng tôi mới thoát khỏi cái bóng tư duy khủng khiếp đó và mãi đến hôm nay những cô cậu học sinh mới bắt đầu dám nói những điều mình suy nghĩ. Nhưng bài viết của em Thanh vẫn chỉ là 3/15 điểm. Tư tưởng của Đảng và của những kẻ đồng lõa vẫn tiếp tục bóp nghẹt những tiếng nói trung thực cất lên từ lứa tuổi học trò. Nhưng rồi sẽ đến một ngày trong tương lai rất gần, không phải một, mà là hàng trăm, hàng triệu học sinh, sinh viên đều cất tiếng nói đòi được bày tỏ đúng đắn chính kiến của mình. Chúng ta là những tờ giấy trắng bị Đảng vẽ bậy lên quá nhiều, còn con cái chúng ta quyết không để bị viết những điều lung tung nữa. Phải không các bạn ?

Câu chuyện giáo dục thực ra không chỉ dừng ở Nhà thơ Tố Hữu. Cũng như tất cả các học sinh khác, khi bắt đầu đi học, chúng tôi đều biết về Lê Văn Tám, rất nhiều người trong chúng tôi mong ước ngày đêm làm “Ngọn đuốc sống Lê Văn Tám” để “ phá kho xăng của địch”. Tất cả bỗng nhiên chưng hửng, ngã ngửa ra khi mới đây chính đích thân Giáo Sư sử học Phan Huy Lê nói rõ rằng: Lê Văn Tám là nhân vật không có thật. GS. Phan Huy Lê nói rằng sự thật đó cần được công bố vì đó chính là di chúc cuối đời của Giáo Sư Trần Huy Liệu. Như vậy: đường phố nơi tôi sinh, công viên nơi em tôi chơi, tượng đài nơi chúng tôi ngưỡng mộ, trường học thuở thiếu thời của tôi …đều mang tên của một người giả. Đó là sự dối lừa. Chúng tôi không nhận ra vì nó tinh vi và hệ thống.

Đối với trẻ thơ, sau khi biết nói, các em sẽ tập hát. Cũng giống như chúng ta ngày xưa, bài hát “Ai yêu nhi đồng bằng bác Hồ Chí Minh…” là một trong những bài hát đầu tiên các em biết đến. Hết thế hệ tuổi thơ này sang thế hệ tuổi thơ khác, đã hát một cách nồng nàn, say sưa. Vậy mà, đã bao giờ ta tự hỏi rằng điều đó có đúng không?. Liệu một người theo tư tưởng Cộng sản Maxist sinh ở tận Nghệ An hơn một thế kỷ trước yêu con cái của chúng ta hơn chúng ta hay không? Chắc chắn rằng bạn cũng như tôi, chúng ta yêu thương con cái mình nhất và ngược lại con cái chúng ta yêu thương ta. Chỉ hai từ yêu ghét trung thực như vậy, Nhà thơ Phùng Quán bị bỏ tù khi ông sáng tác:

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu…

Và khi đêm về…….con bạn chắc chắn sẽ nằm mơ. Một ngàn lần tôi ước ao rằng, giấc mơ của con cái chúng ta có là những gì đẹp đẽ nhất, yêu thương và gắn bó với bé nhất. Liệu đã bao giờ chúng ta tự hỏi rằng con có mơ về Bác Hồ như là một bài hát mà tất cả học sinh mẫu giáo đều hát. Đã có những người bạn nói với tôi rằng con của cậu ấy nói rằng “Đêm qua con không mơ gặp Bác hồ mà con mơ gặp Bà ngoại”. Hầu hết chúng ta không mơ gặp Bác và con chúng ta cũng không mơ gặp Bác. Nhưng một số người, vì những mưu toan chính trị của riêng mình đã không trung thực. Họ tiếp tục dối lừa, đưa nhân dân vào những huyền thoại.

Lớn lên chút nữa chắc chắn con của chúng ta học làm văn và khi được ra một đề bài tả về Bà nội, thì đó phải là "Bà nội em rất vui tính, khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào, rất yêu lao động... ". Chúng ta sẽ nghĩ sao, khi bây giờ bà của các cháu thực sự đang bị ốm, nằm viện đã mấy tháng nay, người gầy lắm và chẳng làm việc gì được.... Các em không được nói lên rằng bà của mình có thể sắp phải qua đời. Bởi lẽ, đáp án đã có sẵn, bởi vì bài văn mẫu đã đưa ra rồi và bởi vì Chế độ đã muốn điều đó rồi.

Cũng tương tự như vậy đối với việc mô tả một trận đấu bóng đá: “Lúc đầu 2 đội ra sân, đội nhà chơi có phần rời rạc và bị ghi một bàn. Sang hiệp hai, ngay phút đầu đã gỡ lại, trận đấu trở nên quyết liệt, đến phút thứ 89, đội nhà ghi thêm một bàn nữa, cả sân vận động vỡ òa trong tiếng hò reo…” Đây là một bài văn mẫu mà các em phải theo, phải mô tả đúng kịch bản, nếu không chắc chắn sẽ bị “lạc đề” và điểm sẽ thấp.

Nền giáo dục rập khuôn một chiều như vậy trong suốt mấy chục năm đã làm cho nhiều mái đầu trẻ thơ trở thành bạc trắng. Nó vẫn tiếp tục tồn tại. Nó vẫn tiếp tục bào mòn những suy nghĩ và sức sáng tạo của con em chúng ta. Nó làm cho sự cảm thụ về văn học trở nên buồn tẻ, nhàm chán. Nó dày vò lòng yêu nước vốn đã bị hao hụt của chúng ta. Đáng nói hơn là nó đã đụng chạm đến tình thương yêu của chúng ta đối với con cái, không chỉ cản trở bước chân của anh của tôi mà còn cả thế hệ kế tiếp chúng ta. Như vậy đã đến lúc chúng ta phải nói rằng “mũ ni che tai” là vô trách nhiệm. Thật vậy!, Đã đến lúc tất cả chúng ta cần phải sát cánh bên nhau, ủng hộ nhau và cùng lên tiếng đòi hỏi phải tôn trọng tự do ngôn luận và tư tưởng để canh tân môi trường xã hội.

Nguyễn Phi Thanh:

Đơn giản bởi vì bọn em không sống trong thời chiến tranh, bọn em không thể rung động trước một bài tế khi mà thực sự bọn em đang sống trong thời bình. Bọn em không quay lưng với lịch sử nhưng có nhiều cách để bọn em hiểu về lịch sử dân tộc...


Em nghĩ, đứng trước một tác phẩm văn học bao giờ cũng có ý kiến trái ngược khen – chê, hay-dở nhưng dường như học sinh bọn em chỉ có quyền thích, chỉ có quyền khen hay mà không có quyền nói lên chính kiến của mình, và việc phê bình văn học hình như chỉ là việc của các nhà phê bình (Hoài Thanh, Hoài Chân...)... Nhìn ra, chỉ ra cái hay của một tác phẩm văn học đã khó nhưng chỉ ra cái hạn chế, thiếu sót của tác phẩm ấy còn khó hơn nữa, vậy mà chưa bao giờ bọn em được tỏ rõ chính kiến của mình trong một bài thi, tất cả chỉ vì áp lực của điểm số...

Những suy nghĩ đó không phải là nhất thời. Đó là những điều tôi từng suy nghĩ, trăn trở trong quá trình học tập. Chính vì vậy, có thể nói tôi đã viết những điều đó với tất cả tâm huyết. Viết xong thấy nhẹ nhõm cả người vì cuối cùng tôi cũng đã có một dịp “trút bầu tâm sự”, nói lên những suy nghĩ thật của mình...

Tôi chỉ muốn nói lên suy nghĩ thật của mình với mục đích tích cực, có tính xây dựng chứ không phải là phản ứng tiêu cực. Điều tôi nghĩ, tôi viết thể hiện mong muốn sẽ có những cải cách chương trình, thay đổi cách dạy và học, mong muốn thầy cô, nhà trường có thể linh hoạt hơn trong cách ra đề, đánh giá...

Tôi tự nhận thấy hiện nay chúng tôi học theo kiểu thụ động, tiếp nhận kiến thức một chiều, hầu như là học thuộc. Thầy cô phân tích theo cảm nhận, suy nghĩ của mình, sau này kiểm tra, thi cử chúng tôi cũng theo mẫu đó nếu muốn được điểm cao, không có chỗ cho chúng tôi tự nghĩ, trình bày những ý tưởng, cảm nhận riêng.

Lời Sám Hối Muộn Màng (CT13)

Lệ Trân


Nhìn lại quá khứ, một số cán bộ cao cấp nhất của đảng đã từng đưa ra những ý kiến khác với chỉ đạo của cấp trên. Họ đã bị mạt sát thậm tệ trên các phương tiện truyền thông trước khi bị đảng trừng trị. Ông Hoàng Văn Hoan đã phải trốn để sống lưu vong tại Trung quốc và bị tử hình vắng mặt. Ông Trần Xuân Bách bị kỷ luật và mất hết các chức vụ. Cả hai đều là Uỷ viên Bộ chính trị. Những sự trù dập này là lý do đơn giản nhất để giải thích tại sao các cán bộ của đảng ở mọi cấp rất hiếm khi tuyên bố chính thức phần nào quan điểm của mình trong lúc còn đương nhiệm. Nhân dịp kỷ niệm ngày 30/4 vừa qua, trong bài trả lời phỏng vấn Tuần báo Quốc tế của Bộ Ngoại giao, ông Võ Văn Kiệt, Uỷ viên Bộ chính trị giữ chức Thủ tướng từ 1991-1997 đã đưa ra một số nhận định gây nhiều chú ý. Trong đó ông khẳng định qua trích lời của cố Tổng bí thư Lê Duẩn thay cho nhận định của mình khi nói về ngày 30/4: "Đây là thắng lớn của cả dân tộc, không phải của riêng ai”. Ông Kiệt nói đến một quá khứ nên được khép lại. Những tuyên bố của ông có đúng và mang tính hiện thực không?

Chiến tranh Việt Nam kết thúc và đánh dấu một biến cố đau thương nhất trong lịch sử nước nhà. Sau ngày 30/4 chỉ có hai nhóm người thực sự chiến thắng là chùm các tổ hợp sản xuất, buôn bán vũ khí quốc tế và những cán bộ hàng đầu của đảng. Nhóm thứ nhất thu lợi nhiều tỷ đô la từ chiến tranh, biến Việt Nam trở thành bãi thử nghiệm lý tưởng cho các loại vũ khí mới với kỹ thuật hiện đại và hiệu quả giết người cao hơn. Nhóm kia, giờ đây toàn quyền cai trị trên cả nước và có cơ hội vươn bàn tay dài hơn để vét cho đầy túi tham của họ. Còn lại tất cả các bên tham chiến đều thua. Mất mát lớn nhất là tổ quốc Việt Nam. Hàng triệu người đã bị hy sinh cho cuộc chiến tương tàn, hàng trăm ngàn người bỏ xác dưới đại dương hay chết trong rừng sâu trên đường vượt biên của họ. Tất cả khi còn sống có thể mang nhiều điều khác nhau, song khi chết, đều giống nhau với mái tóc đen, màu da vàng xạm nắng Việt Nam.

Tiếng súng chấm dứt, đảng và nhà nước nắm trong tay một tiềm năng to lớn là nguồn nhân lực và vật lực dồi dào, vô giá. Đặc biệt là lực lượng được đào tạo chính qui của miền Nam có chuyên môn cao trong đủ mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, các nhà quản lý giỏi, các thương gia rất thành công trong một nền kinh tế thị trường thực thụ, sẵn sàng đáp ứng cho sự phát triển của đất nước. Số lớn hơn và quyết định mọi thành công của công cuộc xây dựng là đội ngũ công nhân và nông dân với kiến năng phong phú trong lĩnh vực công và nông nghiệp của một nền sản xuất tiền hiện đại mà cho đến nay đảng còn đang loay hoay, mò mẫm học mà chưa theo kịp. Bên cạnh đó là lực lượng quốc phòng với hàng trăm ngàn sĩ quan miền Nam được đào tạo với chất lượng cao đủ đáp ứng cho một cuộc chiến tranh hiện đại nếu xảy ra để bảo vệ tổ quốc khi cần. Tuy bị tàn phá nặng nề, song nguồn vật lực miền Nam để lại không nhỏ. Đồng ruộng phì nhiêu, các nhà máy tuy chưa thật lớn song nó chứa đựng tiềm năng quản lý và sản xuất của một nền kinh tế tự do tiên tiến. Thời gian rất ngắn sau ngày hòa bình, chỉ một số nhỏ trong lực lượng lao động nói trên rời khỏi đất nước, phần đông còn ở lại với hoài bão tái thiết xứ sở thời hậu chiến. Sau ngày 30/4 mọi hy vọng đều tan biến. Thay vì quản lý và sử dụng hữu hiệu các nguồn nhân và tài lực sẵn có cho việc xây dựng lại đất nước, thì trong niềm say chiến thắng, đảng và nhà nước đã nghĩ ra nhiều phương cách trả thù. Hầu hết những người được gọi là “ngụy quân” và “ngụy quyền” bị dồn vào các trại cải tạo mà thực chất là trại tù cay nghiệt nhất. Đảng dùng bài học từ lý luận của Lenin và kinh nghiệm thực hành từ miền Bắc để đoạt lấy các nhà máy, công xưởng qua cuộc “cải tạo công thương nghiệp”. Thực chất là chiến dịch cướp bóc và tàn phá sở hữu tư nhân của cơ chế thị trường theo đúng bài bản như Lenin viết: "Quốc hữu hóa xã hội chủ nghĩa là sự thủ tiêu sở hữu tư nhân của giai cấp bóc lột về tư liệu sản xuất, chuyển nó thành sở hữu toàn dân""Nhìn chung, phương pháp tịch thu không hoàn lại diễn ra nhanh hơn”. Lenin gọi đó là "cuộc tấn công của cận vệ đỏ vào giai cấp tư sản" (Sách giáo khoa “Kinh tế chính trị Mác-Lênin”, tập II, trang 32& 34, Nhà Xuất bản Giáo dục, 1998). Những doanh nhân và các nhà quản lý giỏi sau khi bị lợi dụng để dạy, truyền kinh nghiệm, họ bị đuổi việc hoặc bị đưa đi học tập cải tạo hoặc lên vùng kinh tế mới hoang dã. Ở nông thôn, nông dân cùng các tư liệu sản xuất được đưa vào hợp tác xã để sản xuất tập thể với năng xuất lao động rất thấp. Kết quả là kinh tế kiệt quệ, xã hội điêu tàn, người dân đầy ắp lòng thù hận và mất hết niềm tin. Hậu quả là hàng triệu người đã rời bỏ quê hương thân yêu, liều mình trao thân cho biển cả, rừng sâu đi tìm một cuộc sống an toàn hơn, tốt đẹp hơn, trong đó hàng trăm ngàn người đã bỏ xác trên biển cả, trong tay hải tặc hay trong rừng sâu. Đảng có nghe tiếng kêu van của họ, những bà mẹ quì lạy bọn hải tặc không còn tính người hòng xin tha cho những đứa con gái mới lớn hay đừng giết chồng họ. Nhiều chuyện hãi hùng trong những chuyến vượt biên mà con người chưa từng hoặc chưa bao giờ được nghe chỉ đơn giản vì chẳng còn ai để kể. Tội ác này này thuộc về ai, há chẳng phải tại đảng và nhà nước sau ngày chiến tranh chấm dứt?

Quá khứ không thể khép lại, người Việt Nam cả trong và ngoài nước chưa thể đồng lòng chung lưng xây đất nước một khi đảng và nhà nước vẫn đang say sưa với hơi men chiến thắng trong khi cả dân tộc quặn đau bởi quá khứ hãi hùng. Quá khứ cũng không thể khép lại nếu đảng và nhà nước không có khả năng đưa đất nước ra khỏi vũng lầy của tăm tối và lạc hậu với hai nỗi nhục là một trong ít nước nghèo đói và tham nhũng nhất thế giới hiện nay. Quá khứ chỉ thực sự khép lại và chiến thắng hiện diện trên đất nước ta nếu đảng biết đau những nỗi đau của dân tộc và đảng phải chứng tỏ được bản lĩnh và năng lực để đưa đất nước sánh vai mọi mặt với các cường quốc trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân Việt Nam được sống trong tự do, dân chủ và quyền làm người được tôn trọng. Đảng phải thực tâm giải quyết những thách thức đang đặt ra trước mắt giữa nghèo đói, tụt hậu với thịnh vượng và tiến bộ. Phải chọn lựa giữa lòng bao dung với tính ích kỷ hẹp hòi, nghi kỵ và thù hận, giữa độc quyền và dân chủ. Chừng đó, lòng “hoà hiếu”“bao dung” dân tộc mới mở rộng để khép lại một quá khứ thương đau do đảng gây ra, trong đó bản thân nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt có dự phần trách nhiệm. Thực tế, dưới sự lãnh đạo của đảng thì những lời tuyên bố của ông Kiệt cũng chỉ có chút ít sám hối cá nhân muộn màng, không mang tính hiện thực. Một lời sám hối muộn màng cuối đời vì lương tâm cắn rứt hay là lời phát biểu mị dân mang giọng đạo đức giả ? Câu trả lời nằm ở thời gian và những hành động cụ thể của ông Kiệt trong tương lai.

Vượt Qua Triền Núi (CT13)

Cành Nam


Chuột !

Lũ chuột táo tợn. Nghe các nhà lãnh đạo báo động toàn nước thế; rằng chúng rượt đuổi chó và giết cả mèo. Tài liệu báo động khẩn của trên ban xuống rằng chúng cắn những đứa trẻ nằm trong nôi; ăn những tô cơm còn trong nồi; nếm canh ngay từ thìa của bà nội trợ. Chúng cắn thủng mẹt hong cá khô, còn làm ổ ngay trong mũ của một số nhà cách mạng lão thành. Chúng dám ảnh hưởng lên những câu chuyện phiếm của các bác nông dân, của những cô gái lao động nông trường. Các cấp báo động khẩn rằng tiếng kêu của chúng ngoan cố phát ra suốt ngày đêm, từ khắp hang cùng ngõ cụt, dưới nhiều âm điệu khác nhau, phải canh phòng cao độ.

Nghe cấp báo, toàn đảng hồi hộp, lo âu. Cả nước cũng cuống quít, sợ hãi theo, dù không rõ điều gì cần lo sợ. Những nhà lãnh đạo tối cao bỏ nhiều ngày tháng để họp bàn, tìm phương đối phó. Trong phòng họp: sự im lặng thần thánh, tuyệt đối. Chỉ có giọng của ngài lãnh đạo ngồi trên cao: ‘Chúng ta phải có bẫy; phải tạo ra bẫy cho chúng sập vào, rồi giết sạch cả lũ!’. Ngay lúc vị lãnh đạo kính mến vừa tuyên bố, chợt ở cửa ra vào, có tiếng động sột soạt. Cả phòng họp nhốn nháo: ’Cái gì thế ? Cái gì thế ?’. ‘Không sao, không sao. Chỉ tiếng giầy ai đó trên sàn ngoài cửa!’. ‘Ôi, bất cứ tiếng động nhỏ nào như tiếng loài chuột cũng làm tim tôi muốn rớt ra ngoài!’... ‘Này, cứ vào đi. Cửa không khóa lâu rồi!’. Ngài lãnh đạo kính yêu to tiếng mời. Và từ cửa bước vào một anh chàng lạ mặt. Áo quần còn lạ mắt hơn vì chói chang một màu đỏ, từ đầu tới chân, với giữa ngực áo lại đượm một mảng vải vàng to. Và anh chàng thì cao, gầy, gầy lắm. Chỉ đôi mắt thì thật là sáng, thật là xanh. Màu xanh tràn đầy hy vọng. Tóc tai lởm chởm, da mặt sạm nắng cháy. Mặt mày nhẵn nhụi, không râu. Nụ cười cứ chợt đến chợt đi từ cặp môi còn rất thắm.

Anh chàng lên tiếng: ‘kính thưa quý ngài, tôi có khả năng diệt được loài chuột dữ. Không kể gì chuột, bất cứ vật gì sống dưới ánh mặt trời này, dù chúng là loài bò sát, hay chui lòn, hoặc biết bay, thậm chí biết lặn sâu dưới đáy, tôi đều có thể làm cho chúng phải biến đi. Chỉ xin các ngài, khi xong việc, cho tôi được hưởng những ngọn gió bên ngoài những cánh đồng thổi lại!’ Giọng hớn hở của ngài lãnh đạo kính yêu: ‘gió trên đồng? cho anh hít thở gió khắp nơi kia chứ, sá chi ít gió trên đồng!’. Cả phòng hội đồng hớn hở, vui mừng đến ngạc nhiên.

Bước lên đường, anh chàng cao, gầy, mặt sạm nắng hăng hái lên đường. Lòng vững một niềm tin vào lời hứa trân trọng, đáng quý của những nhà lãnh đạo cả nước. Anh ta rút cây sáo để sâu trong mảnh vải vàng nơi ngực áo đỏ ra. Anh ta cất tiếng sáo du dương. Từ khắp các cánh đồng, khắp các ngõ hẻm, từ mái tranh đến những tòa nhà cao, từng đàn, từng đàn chuột kéo nhau ra đường. Anh chàng cao, gầy đi trước, cả lũ chuột bước từng bước theo sau. Đến khi tới ngay bên bờ sông, chúng đồng loạt nhẩy xuống, nước cuốn chúng đi mất dạng ! ...

Các anh nên nghe tiếng người dân cả nước hoan hô vang dội. Mọi người mừng vui, ca hoan ngày đại thắng đến rồi. Tiếng thúc dục của những ngài lãnh đạo tối cao: ‘Mau, mau lên đi. Nhanh chóng lên đi. Tìm gậy, sào tre, chọc hỏng ổ của chúng, nén chặt hang động chúng ..!’ Đang hò hét, thị uy, bất chợt hiện ra trước mắt, mặt anh chàng cao gầy, da sạm nắng chân chất kia: ‘kính thưa ngài lãnh đạo kính mến, xin ngài giữ lời cho tôi đến với những cánh đồng đầy gió’. Mặt ngài lãnh đạo tái xanh lại: gió trên đồng? Các quan chức khác cũng xanh mặt vì giận. ‘Hựm, cho cái thằng này hít thở những ngọn gió tự do bên ngoài thổi vào ư ?’ ‘Sau hít thở, nó sẽ đòi thêm gì chứ ? ‘Cho nó tự do đi lại, thế nó lại mang những ngọn gió ấy đến các nơi khác thì sao?’ ‘Cái gì cũng phải có giới hạn chứ’. Ngài lãnh đạo tối cao cả nước, khoát tay: ‘ Này, này, chúng tôi thấy với chính mắt đấy nhé. Cả đàn chuột tự kéo đến bờ sông, sẩy chân, rơi tòm xuống nước mà chết đuối đấy nhé’. Nháy một bên mắt, ngài lãnh đạo xéo mồm cười: ‘Vả lại, đất nước còn nhiều khó khăn. Vừa thoát cuộc chiến 30 năm, lại bị lũ chuột dọa dẫm đêm ngày. Hay là thế này, ta cho anh ít bạc nhé, 50,000 đồng nhé. Hay muốn tí quyền chức cũng không sao nào!’. Các ngài hí hửng xoa tay, thầm thì với nhau: ‘ai lại chả ham bạc, ham quyền hơn ham tí gió ngoài trời!’.

Gương mặt anh chàng gầy, cao, da sạm nắng càng gầy, càng sạm. Nụ cười biến mất, đôi môi không thắm nữa mà khô, tái. Anh kêu lên sảng sốt: ‘không, không thể nào lại lừa tôi. Tôi không chờ được nữa. Này, các ngài đáng kính yêu ơi, các ngài hãy biết, tim tôi đầy nhiệt huyết. Đó là do chính các ngài đã tạo ra phần nào, nhưng hãy nhớ, nhiệt huyết tim tôi có thể dùng vào việc khác’. Ngài lãnh đạo mặt đổi sắc tím: ‘Mày dám cả gan dọa dẫm cả chúng tao à ? Mày biết làm gì ? Mày có thể làm gì được? Muốn thổi sáo à? Cứ thổi đi, thổi đến khi chú mày vỡ tung buồng phổi xem được gì nào.’

Đau khổ, thất vọng. Anh chàng mặc áo đỏ, ngực vàng ngồi gục đầu dưới gốc cây to. Nghĩ suy nhiều năm tháng. Một ngày nắng lên, anh ta dõng dạc đứng lên. Trên người anh ta, không còn chiếc áo đỏ màu năm cũ. Nay chỉ còn lại màu vàng loang từ ngực áo. Cả người anh ta nay nhuộm thắm màu vàng, màu của nước da những người đồng bào, cùng chung một quá khứ, nguồn gốc với anh. Chàng thổi sáo cất bước lên đường. Và từ đó, anh ta thổi lên hai nốt nhạc. Hai nốt Tự Do. Rồi anh thổi thêm hai nốt khác. Hai nốt Dân Chủ. Và tuần tự, những nốt nhạc, Nhân Quyền, Dân Quyền ... tiếp tục tràn khắp đường phố mà anh đi qua. Từng đám đông bước xuống đường. Đám đông hân hoan cùng tiếng sáo. Theo tiếng nhạc thúc giục, những đứa trẻ túa ra khắp phố phường. Chúng vỗ tay, chúng đánh nhịp, miệng chúng hát lên bài ca Tuổi Trẻ. Khi nốt nhạc lên cao điểm, lũ trẻ đồng chạy cả lên đường. Tất cả những đứa trẻ trai lẫn gái, với những đôi má bắt đầu hồng, những đôi mắt đượm lại màu xanh. Màu xanh chứa chan hy vọng. Màu xanh của tương lai một nước.

Và khi chúng chạy đến bên triền núi, chợt mở ra một khoảng không gian vô hình. Tựa như một hang động chợt mở toang lối vào. Cái không biết, cái vô định đang chờ phía trước, nhưng cái đang có, đã rõ, có còn chi để luyến tiếc chăng ? Và anh chàng thổi sáo bước vào trước, lũ trẻ nối bước theo sau. Và khi tất cả đã vào hết cả; cả đứa trẻ cuối cùng trong cả nước, cánh cửa vô hình bên triền núi đã khép nhanh. Đóng chặt lại sau lưng, biến mất đi phía trước, kìa tương lai một nước !

Cuối cùng, thì tất cả chỉ nằm ở hai lựa chọn: ở lại phía sau với những dối trá quá khứ, chuyên quyền thực tại, đánh mất tương lai; hay dứt khoát tiến về phía trước vì tương lai thế hệ một giống nòi.