01 tháng 2, 2007

FREEDOM HOUSE - Chủ Nghĩa MÁC và Cô Hồn (CT31)


Nguyễn Quốc

Ngày 17 tháng 1 vừa qua, tổ chức Freedom House đưa ra báo cáo đánh giá hàng năm về tình hình tự do của thế giới của năm 2006 [1].Bản báo cáo báo đánh giá và xếp hạng tự do của toàn bộ các nước trên thế giới theo 3 mức: Có tự do, tự do một phầnkhông tự do. Theo đó trong năm 2006 có 90 nước có tự do, 58 nước tự do một phần và 45 nước không có tự do. VN nằm trong số 45 nước không có tự do. Để đi đến kết luận đó, Freedom House đánh giá theo một loạt các tiêu chí khác nhau dựa vào các sự kiện chính trị, xã hội xảy ra trong năm 2006.

Dù báo cáo không đề cập, người đọc đều thấy có sự liên hệ rõ ràng giữa Chủ nghĩa Mác Lê Nin, các cô hồn đang lởn vởn ở Ba Đình và sự tự do của Freedom House. Như chúng ta đều biết, khi vào lăng chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội, tất cả ta đều thấy hàng chữ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Không giống như hàng triệu hàng chữ như thế được viết nhan nhản khắp nơi trên đất nước Việt Nam, một số người nói rằng chữ viết ngay cửa vào lăng được đắp bằng vàng thật.

Giống như lăng mộ của các vị vua Ai Cập, ông Hồ mang theo mình di sản mà ông nâng niu và dành trọn cả đời cựa quậy để thoát ra mà không được, đặc biệt những năm cuối đời. Quan trọng hơn, chính ông đã cầm tù người khác, thì lương tâm của ông và những người cộng sản đã bị giam cầm chính trong tư tưởng và định kiến hẹp hòi của mình [2]. Tiếc rằng ông Hồ đã chết nhưng vẫn chưa được tự do. Xác ông vẫn bị phơi ra cho thiên hạ ngó, làm bình phong cho chủ nghĩa đã thối rữa. Điều đó đi ngược với di huấn của ông trước khi chết. Bây giờ mồ mả ông còn động, linh hồn ông chưa siêu thoát, còn lởn vởn ở Ba Đình làm ma đói qua ngày.

Chính vì vậy, không phải vô tình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trụ sở ở số 2 Hoàng Văn Thụ, sát cạnh lăng ông Hồ, đã lập một bàn thờ trên tầng 4, hương khói quanh năm suốt tháng để cầu an cho vong linh ông Hồ và cho các cô hồn khác. Mới đây, Bộ đã có quyết định dẹp bỏ nhưng nay năm hết tết đến các chuyên viên lại lên đó thắp nhang, vái lễ hằng ngày. Các nhà tâm linh học nói rằng đài tưởng niệm các chiến sỹ vô danh trước lăng ông Hồ và gần cổng vào của Bộ Kế hoạch & Đầu tư là chỗ của các cô hồn tụ tập. Họ là những người chết vô thừa nhận, đêm đêm vẫn về đó, kêu gào, tìm kiếm những khúc xương chân, xương tay đã mất mát của mình và đòi hỏi được cầu siêu để thoát tục.

Freedom House không quên họ, vì chính các cô hồn và ông Hồ đều là những người nô lệ. Họ chết trong tình trạng bị nô lệ tư tưởng và bây giờ tư tưởng đó vẫn tiếp tục nô dịch hơn 83 triệu dân Việt Nam. Ông Hồ Chí Minh coi như đã tự mình ngoắc vào cổ một cái ách tai ương là chủ nghĩa Cộng sản. Đúng lúc Chế Lan Viên ngồi ở Hà Nội tưởng tượng và phét lác rằng: “Luận cương đến với người và người đã khóc/ Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê Nin / Bác reo lên như nói cùng dân tộc/ Tự do là đây, cơm áo đây rồi” là lúc, đau buồn thay, Hồ Chí Minh quàng vào cổ mình một cái thòng lọng mà sau này càng giãy càng bị ông Duẩn và Bộ Chính trị thít chặt.

Nhưng thế giới này không thiếu những nhà chính trị độc tài và ngu dốt hơn. Hai kẻ điển hình nhất trên thế giới vào thời điểm này Fidel Castro, kẻ muốn cầm quyền vĩnh viễn suốt đời và Kim Young IL, kẻ độc tài bệnh hoạn tiếp tục lấy dân của mình làm con tin tống tiền thế giới.

Họ cũng được Freedom House theo sát khi báo cáo đánh giá: “Tệ nhất trong 45 nước không có tự do là Bắc Hàn và Cu Ba” [3]. Cả 2 quốc gia này đều bị đánh giá 7 điểm cho quyền chính trị và 7 điểm cho tự do dân sự theo thang điểm từ 1-7, trong đó điểm tốt nhất là 1 và điểm kém nhất là 7. Cả 2 nước này đều là quốc gia có lý tưởng chủ nghĩa Cộng sản, có một đảng duy nhất lấy chủ nghĩa Mác-Lê Nin làm kim chỉ nam, làm “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình lãnh đạo. Bởi vậy, người Cu Ba tìm đường sang Mỹ, người Bắc Hàn trèo qua bất cứ thứ gì có thể trèo được để vào những khoảnh đất tự do nhỏ bé trong các toà đại sứ của nước tự do. Người Việt Nam đối mặt với tử thần để tìm kiếm hai chữ “Tự Do”.

Theo đánh giá của Freedom House, “hiện có 45 nước, chiếm 23% chính thể trên thế giới chưa có tự do. Điều đó tương đương với 2,448,600,000 người không có tự do”. Trong đó Trung Quốc cũng là một nước được đánh giá là không tự do đã chiếm hơn một nửa số người trong tất cả các nước không có tự do. Trung Quốc, Cu Ba, Việt Nam, Lào, Bắc Hàn và một số lớn các nước thuộc Liên Xô cũ vẫn theo hệ tư tưởng Mác Lê Nin cũng được đánh giá là không có tự do.

Để trả lời câu hỏi tại sao cho đến năm 2006 rồi, Chủ nghĩa Mác vẫn tiếp tục cầm tù khoảng 1,7 tỷ dân trong số hơn 2,4 tỷ dân không có tự do trên thế giới, ta cần chú ý rằng nguồn gốc là hàng loạt tác phẩm của Mác đề cập rất nhiều về nô lệ nhưng không đề cập việc xây dựng một xã hội tự do. Mác ghi rất rõ rằng cần phải hy sinh các quyền lợi và sự tự do cá nhân để đạt được mục tiêu của đất nước. Bởi vậy, khi cần có gạo ăn, nhà nước ép buộc cả giáo sư đại học, luật sự, bác sỹ ra đồng làm ruộng. Vì “sự ổn định chính trị” người ta có thể bắt và bỏ tù những người chỉ trích chính phủ một cách ôn hoà. Tức là dạy cho người ta phải hy sinh tự do cá nhân. Nhưng mục tiêu của đất nước là gì khi không phải là sự tự do và quyền lợi của những người công dân.

Đúng là “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Nhưng, tiếc thay, giống như nhiều cụm từ nổi tiếng khác ở Việt Nam từng được gán cho là của Hồ Chí Minh, vẫn là một giá trị mà ngày đêm nhân dân Việt Nam phải đòi hỏi. Gần đây, Bộ Chính trị tiếp tục ra một chỉ thị số 06 [4] bắt toàn dân học tập về tác phong, tư tưởng của Hồ Chí Minh là bằng chứng rõ ràng nhất. Khi ra quyết định đó là lúc cả Bộ Chính trị lại bị nô dịch bởi một cái vòng kim cô nhỏ hơn do chính mình đặt ra. Bộ Chính trị lại tiếp tục tước mất tự do của những người quá cố, của nhân dân Việt Nam và của chính mình.

Việt Nam được Freedom House chấm 7 điểm cho quyền tự do chính trị (PR)và 5 cho quyền tự do dân sự (CR). Mặc dù hơn Trung Quốc một điểm về quyền dân sự nhưng chỉ hơn Cu Ba và Bắc Hàn 2 điểm về quyền này. Quyền tự do chính trị vẫn ở mức thấp nhất là 7 điểm. Nguyên nhân rõ ràng và trực tiếp nhất là vì Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì Chủ nghĩa Mác Lê Nin.

Chỉ có một cách duy nhất để đạt được sự tự do hơn cho tất cả mọi người Việt Nam là vứt bỏ chủ nghĩa Mác Lê Nin, chôn xác Hồ Chí Minh, lập đàn cầu siêu cho tất cả các nạn nhân chiến tranh và cho toàn thể nhân dân được thực thi những quyền công dân căn bản.

Ghi chú:
[1] Báo cáo công bố nằm tại đường link: http://www.freedomhouse.org/template.cfm?page=70&release=455
[2] Ý này là của Nelson Mandela viết trong cuốn sách hành trình dài tới tự do
[3] Trang 4- Báo cáo tóm tắt, mục Worst of the worst - tồi tệ nhất trong các nước tồi tệ.
[4] Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính Trị về việc học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh.

05 tháng 1, 2007

Xú Quyền (CT31)


Trần Ngọc Hà

2006 đã thong thả mặc áo trắng lên đường. Còn ở lại Việt Nam là một trách nhiệm tân tòng oằn vai chiếc đòn gánh thời cơ hay hiểm họa trong WTO. Còn ở lại Việt Nam là một mặt nạ ứng xử văn minh đỏng đảnh cực kỳ mong manh của đảng và nhà nước CSVN thời hậu APEC. Còn ở lại Việt Nam là một Phạm Hồng Sơn vừa mới bị công an hành hung tập thể ngoài nhà tù lớn, đã lên tiếng báo động tình trạng sức khỏe suy kiệt của Nguyễn Vũ Bình, một nhà đấu tranh cho dân chủ khác còn nằm trong nhà tù nhỏ.

Quan trọng hơn cả, còn ở lại với Việt Nam là những hội, những đoàn, những tập thể ngoài luồng... trong đó, Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam là một tập hợp chính trị ngày càng ổn định hoạt động và được thêm hậu thuẫn từ nhiều phía, cả trong nước lẫn ngoài nước. Lời nhận định của Đại sứ Michael Marine về những nhà đấu tranh cho dân chủ ở VN có thể được coi là một tiêu biểu: “Niềm tin của họ mạnh đến mức họ dám nói ra công khai. Tôi nghĩ họ là những người yêu nước thật sự. Họ muốn điều tốt đẹp nhất cho Việt Nam... Sự phát triển của dân chủ, theo một nhịp độ mà Việt Nam thấy sẵn sàng và người Việt mong muốn, là điều mà chúng tôi ủng hộ”.

Lễ bàn giao nhiệm kỳ giữa 2006 và 2007 xảy ra ngay từ dịp kỷ niệm bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, với sự tham dự nhiệt tình và miễn phí của AIM, Windows Live Messenger, Google IM, Yahoo!Messenger, ICQ, Paltalk và Skype. Nội dung những đoạn Chat trong thời gian đó tập trung vào việc nhắc nhớ cho nhau những quyền căn bản của cả nhân loại. 2006 xin gửi một đóa hồng đến FPT, VDC và các ISP khác của Việt Nam đã nối mạng cho những buổi hội luận trong-ngoài. Một bông hồng nữa dành tặng cho Mobifone và các hãng điện thoại di động: Hàng trăm ngàn người khác cũng đã chuyển cho nhau những mẩu tin nhắn SMS, hỏi thăm nhau là ở Việt Nam ta đã có tự do dân chủ đích thực hay chưa? Mới biết, loại truyền đơn kiểu tờ rơi cổ điển trước sân trường đại học, hay dạng thư “thiên linh chuỗi” đã lặng lẽ cáo lui đi vào lịch sử. Người ta hiện chỉ còn chuyền tay nhau những bản sao trên giấy các tờ báo ngoài luồng. Và luận bàn về đối sách của đảng và nhà nước CSVN.

Xem ra, những đối sách đó biểu hiện khá rõ tầm cỡ trí tuệ và thiện chí của đảng và nhà nước CSVN:

  • Đối với hàng hàng lớp lớp Dân Oan khiếu kiện: Đã có vòi rồng, dùi cui, hơi cay, xe tải bít bùng và các trại tập trung trong các dịp lễ lớn có tai mắt phóng viên nước ngoài.

  • Đối với những tù nhân lương tâm: Đã có bệnh tật là giải pháp (như rất nhiều trường hợp trước đây, hay trường hợp Nguyễn Vũ Bình hôm nay).

  • Đối với những ngòi bút lương tâm: Đã có xích sắt khóa trái cổng ra vào của họ (rất nhiều người trong dịp APEC); đã có máy phá sóng điện thoại di động (Ls Lê Thị C ông Nhân và nhiều người khác); và đã có bảng cấm người nước ngoài lai vãng tới nơi họ ở.

  • Đối với những người từng nêu ý kiến về con đường dân chủ hóa Việt Nam: Cấm tiệt mọi tờ báo đăng bài của họ (rất nhiều người); cấm tiệt họ lên máy bay (Ls Nguyễn Văn Đài); cấm tiệt họ đến tham dự mọi đám cưới, đám giỗ, đám tang... (rất nhiều người); cấm tiệt mọi người đến thăm họ (rất nhiều người); phong tỏa kinh tế toàn bộ gia đình họ (rất nhiều người); cô lập và dè bỉu con cái họ ở trường học (rất nhiều người); bắn tiếng hăm dọa qua thân nhân của họ (Gs Nguyễn Chính Kết); triệu tập họ tới cơ quan an ninh mỗi ngày (Ks Đỗ Nam Hải, Gs Nguyễn Chính Kết...); lập chốt công an kiểm soát công khai quanh nhà họ và nếu cần thì hành hung tập thể ngay trước mắt hàng xóm của họ (Bs Phạm Hồng Sơn); chỉ thị cho công an giả dạng xã hội đen quấy nhiễu gia đình họ bằng chất thải, đồ dơ, nắm đấm... (trường hợp gần nhất là ông Hoàng Minh Chính); chỉ thị cho công an tông xe của họ (kịch tác gia Lưu Quang Vũ, Lm Chân Tín, mới đây là ông Đỗ Nam Hải); gây phân hóa giữa họ bằng cách tung tin và khai thác sự chênh lệch phương tiện hay tài chánh hỗ trợ từ bên ngoài v.v...

  • Đối với những tờ báo ngoài luồng: Nhái bản in, tráo nội dung, thêm tin thất thiệt... (như trường hợp tờ Tự Do Ngôn Luận mới nhất).
Xem ra, đó không phải là những đối sách ở tầm chiến lược hay chiến thuật của những lãnh đạo điều hành một quốc gia. Trong quyền Anh, nó có tên là những cú đấm dưới thắt lưng. Dưới xa thắt lưng. Có thể các môn phái võ Tàu phải đặt thêm tên gọi mới cho những đòn bẩn này là... xú quyền.

Trên thực tiễn, những phương án này cũng không phải rẻ tiền. Hãy làm thử 1 bài toán nhỏ về số công an vây quanh nhà Ks Đỗ Nam Hải, với mức bồi dưỡng trung bình là 1 triệu rưỡi tiền VN và chi phí điện thoại di động 500.000$ mỗi công an: Tổng cộng 6 công an 1 toán x 3 ca ngày và 2 ca đêm = 30 công an. Vị chi 30 x 2 triệu là 60 triệu đồng/1 tháng/để canh cửa 1 nhà dân chủ. Chưa tính tiền lương chính thức của công an, chưa tính bồi dưỡng cho các trưởng toán, chưa tính tiền xăng nhớt theo dõi... Tiền bồi dưỡng này từ đâu ra, nếu không phải là từ thuế của dân?

Tốn tiền, đánh bẩn, để được gì? Sự sợ hãi ư? Ngay từ thời khởi động các cuộc đấu tranh bất bạo động bên Ấn, khi mà người dân lũ lượt xếp hàng để sẵn sàng vào tù, thì những hù dọa tạo sợ hãi cũng đã là chuyện cổ tích. Ở vào thời đại mà nội dung thẩm vấn của công an đã lần lượt lên mạng toàn cầu, và người dân nhắc nhau cùng mặc áo trắng ra đường để bày tỏ thái độ đối đầu bất bạo động với một chế độ độc tài độc đảng, thì xem ra thì những đòn hù dọa dơ bẩn đó càng mang nặng tính cổ tích.

Tiêu cực hơn, nó càng khiến nhân dân nhìn ra sự tương phản đậm nét giữa thế lực toàn quyền của đảng CSVN với cách hành xử đê tiện dưới lưng quần của nó. Cũng là những thể hiện hình ảnh “cùng đường” của một nhà nước sắp rã. Tương tự như đối sách của một chính phủ Đông Âu hồi cuối thập niên 80 đã cho phép truyền hình chiếu phim khiêu dâm để... giữ cho thanh niên khỏi xuống đường biểu tình!

Quan trọng hơn, nó càng khích lệ người dân hun đúc quyết tâm và hành động để sớm giải trừ ách nạn độc tài độc đảng hầu tạo đường băng cất cánh cho đất nước và dân tộc Việt Nam.

Không Có Gì Quý Hơn Độc Lập Tự Do (CT31)

Nguyễn Chí Thiện (1968)

Không có gì quý hơn độc lập tự do.
Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó
Tôi biết nó, đồng bào miền Bắc này biết nó
Việc nó làm, tội nó phạm ra sao
Nó đầu tiên đem râu nó bện vào
Hình xác lão Mao lông lá
Bàn tay Nga đầy băng tuyết giá
Cũng nhoài qua lục địa Trung Hoa
Không phải xoa đầu mà túm tóc nó từ xa
Nó đứng không yên, tất bật, điên đầu
Lúc rụi vào Tàu, lúc rúc vào Nga
Nó gọi Tàu Nga là cha anh nó
Và tình nguyện làm con chó nhỏ
Xông xáo giữ nhà gác ngõ cho cha anh

Nó tận thu từ quả trứng, quả chanh
Học lối hung tàn của cha anh nó
Cuộc chiến tranh chết vợi hết thanh niên
Đương diễn ra triền miên ghê gớm đó
Cũng là do Nga giật Tàu co
Tiếp nhiên liệu gây mồi cho nó
Súng, Tăng, Tên lửa, Tàu bay
Nếu không, nó đánh bằng tay?

Ôi đó, thứ độc lập không có gì quý hơn của nó!
Tôi biết rõ, đồng bào miền Bắc này biết rõ
Việc nó làm, tội nó phạm ra sao
Nó là tên trùm đao phủ năm nào
Hồi cải cách đã đem tù, đem bắn
Ðộ nửa triệu nông dân, rồi bảo là nhầm lẫn!
Ðường nó đi trùng điệp bất nhân
Hầm hập trời đêm nguyên thủy
Ðói khổ dựng cờ đại súy
Con cá lá rau nát nhầu quản lý
Tiếng thớt, tiếng dao vọng từ hồi ký
Tiếng thở, lời than đan họa ụp vào thân
Nó tập trung hàng chục vạn ngụy quân
Nạn nhân của đường lối "khoan hồng chí nhân" của nó.
Mọi tầng lớp nhân dân bị cầm chân trên đất nó
Tự do, không thời hạn đi tù!
Mắt nó nhìn ai cũng hóa kẻ thù
Vì ai cũng đói món nhục nhằn cắn răng tạm nuốt
Hiếm có gia đình không có người bị nó cho đi suốt.

Ðất nó thầm câm cũng chẳng được tha
Tất cả phải thành loa
Sa sả đêm ngày ngợi ca nó và Ðảng nó
Ðó là thứ tự do kh ông có gì quý hơn của nó !
Ôi, Ðộc lập, Tự do !
Xưa cũng chỉ vì quý hai thứ đó
Ðất Bắc mắc lừa mất vào tay nó
Nhưng nay mà vẫn có người mơ hồ nghe nó
Nó mới vạn lần cần nguyền rủa thực to:
Hồ Chí Minh, chính mi loài quỷ dữ!


Lý Tưởng & Lòng Can Đảm (CT31)


D.N. & T.D.

Bạn có phải là người can đảm ? Và đã bao giờ bạn can đảm đi theo lý tưởng của mình dù gặp phải muôn vàn khó khăn, thử thách ?

Trước hết chúng ta cần định nghĩa: Can đảm là gì ? Can đảm là khi bạn gặp nguy hiểm tới bản thân, nhưng vẫn kiên trì hành động với sự khôn ngoan, sáng suốt để theo đuổi mục tiêu lý tưởng cho tới khi đạt kết quả. Còn nếu không biết sợ nguy hiểm mà làm thì đó gọi là sự liều lĩnh chứ không thể gọi là sự can đảm được.

Sự can đảm không phải tự nhiên mà có trong mỗi con người, nhưng can đảm được tích lũy dần bởi những kinh nghiệm khi phải đối mặt với nguy nan trong thực tế. Bởi vậy, mỗi khi gặp nguy hiểm chúng ta thường tỏ ra hoang mang sợ hãi, vì sự sợ hãi đến từ bản năng tự nhiên của con người. Nhưng, những người có nhiều kinh nghiệm khi phải đối mặt với nỗi sợ hãi, họ luôn làm chủ được nỗi sợ đó của bản thân mình và giữ vững tinh thần để can đảm đối mặt với những nguy hiểm đang đe dọa trước mắt.

Trên một phương diện khác, lòng can đảm còn được nung nấu bởi niềm lạc quan tin tưởng vào chính mình và lý tưởng mà mình đang theo đuổi. Họ luôn lường trước được những đau khổ hay khó khăn có thể xảy ra để chuẩn bị tinh thần đối phó, cho dù đó có thể là điều tệ hại nhất. Trả lời cuộc phỏng vấn của một phóng viên báo LA Times trong dịp sang VN tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC vừa qua, Gs Nguyễn Chính Kết đã tâm sự rằng ông cũng ngán công an VN như hàng ngàn người khác, nhưng sở dĩ ông tiếp tục đấu tranh là bởi 2 điều: Một là chính nghĩa sáng ngời của công cuộc đấu tranh. Hai là, so với sự đau khổ của 80 triệu đồng bào hiện giờ, thì những điều gọi là “hy sinh, chịu đựng” của ông chẳng có gì đáng kể. Mới biết sức mạnh của niềm tin quả lớn lắm thay! Hoặc như trường hợp Bs Nguyễn Đan Quế, có đầy đủ hồ sơ sang Mỹ nhưng ông nhất quyết ở lại VN đấu tranh cho Tự Do Dân Chủ tại quê nhà. Thật can trường biết mấy!

Tương tự như thế, chúng ta có thể nhìn thấy ngay được sự cam đảm của những người Việt yêu nước đang dấn thân cho Tự Do - Dân Chủ trên quê hương như : Gs Hoàng Minh Chính, Ks Đỗ Nam Hải, Nb Nguyễn Vũ Bình, Ls Nguyễn Văn Đài, Bs Phạm Hồng Sơn, Ls Lê Thị Công Nhân… và còn nhiều gương mặt trẻ tuổi khác. Trong lúc bị bạo quyền cộng sản đàn áp mạnh mẽ và bị xúc phạm nguy hại tới tính mạng, chắc chắn các nhà Dân chủ yêu nước này đã phải trải qua rất nhiều tâm trạng khác nhau từ tức giận tới lo lắng hồi hộp, nhưng họ luôn có được sự can đảm, cương quyết trong tư duy để cảm nhận và hành động. Quan sát về những tấm gương này, và nếu có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với họ chúng ta có thể nhận ra rằng: Họ luôn có sự chuẩn bị tinh thần rất triệt để. Hơn thế nữa, họ cũng đã chuẩn bị để không phải ân hận hay vương vấn cho chính họ và gia đình dù nếu có bị thương tổn hay hy sinh.

Bên cạnh đó, nhiều người can đảm có sự trông cậy và niềm tin mạnh mẽ trong đời sống tâm linh. Lm Nguyễn Văn Lý, Ms Nguyễn Hồng Quang, Ht Thích Quảng Độ, Đh Lê Quang Liêm, Tập thể đồng bào theo đạo Tin Lành vùng Cao Nguyên, Đồng bào Phật Giáo Hòa Hảo, Giáo dân Giáo xứ Nguyệt Biều… đều là những ví dụ điển hình về sự can đảm đòi quyền Tự Do Tôn Giáo. Bất chấp sự đàn áp thô bạo, bắt bớ, giam cầm hoặc cô lập của nhà cầm quyền cộng sản.

Người can đảm, còn là người biết nhìn nhận giá trị đích thực của bản thân mình, biết mình là con người chân chính, hành động đúng với lương tâm mình. Biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để thấu cảm với họ. Khi chúng ta nhìn lại những chiến sỹ Dân chủ từ Quốc nội cho tới Hải ngoại, họ đều là những con người có tấm lòng thương dân và yêu nước chân thành. Họ luôn rất nặng lòng với nỗi thống khổ của bà con Dân Oan, dằn vật lương tâm khi đất nước bị đói nghèo tụt hậu so với thế giới. Và còn gì đau xót hơn khi nhìn thấy xã hội bị băng hoại về đạo đức bởi chủ nghĩa ngoại lai mà chính quyền cộng sản đang áp đặt. Cho nên, mỗi khi bị công an cộng sản hạch sách, câu lưu đi thẩm vấn, họ đã cảm nhận được tâm trạng của công an cộng sản và tiên đoán trước một số phản ứng của chúng, khi chúng bắt buộc phải thi hành công việc điều tra xét hỏi một cách máy móc. Sự thông cảm này giúp các nhà Dân chủ thêm bình tĩnh, bớt gây thêm khoảng cách với công an cộng sản bằng thái độ nhã nhặn nhưng dứt khoát cùng với lý luận vững vàng. Vì đa số công an cộng sản giờ đây họ bị buộc thi hành nhiệm vụ, có nhiều công an có lương tâm cũng đã ngán ngẩm với công việc này, nhưng cũng còn những tên rất hung bạo. Người can đảm nhìn nhận và phân biệt được lý tưởng của mình là tranh đấu, tiêu diệt ngọn nguồn của cái ác, chứ không phải với những tay sai làm điều ác.

Một điểm quan trọng nữa là những người can đảm thường có thói quen tự động viên mình để kiên trì làm việc, chứ không phải là tự khen để rồi dẫn đến tự kiêu. Có người tập thói quen này cho chính họ từ nhiều năm tháng, rồi những lời tự động viên đó trở thành một phần tiếng nói thúc dục lương tâm và hun đúc cho nghị lực của họ.

Sau cùng, người can đảm luôn biết rằng, những chấp nhận chịu đựng đau đớn của mình, nếu có, sẽ là vũ khí mạnh nhất để đánh động lương tâm của đối phương, của quần chúng và nhân loại. Đây là một trong những ý niệm nền tảng của Ghandi trong chủ trương đấu tranh bất bạo động do ông khởi xướng tại Ấn độ. Các cuộc đấu tranh bất bạo động sau này diễn ra trên khắp thế giới, đều xiển dương sự hy sinh, khổ hạnh của các chiến sỹ tham gia các công cuộc đấu tranh cho Công Bằng, Dân Chủ - Tự Do, nhằm thuyết phục lương tâm, thu hút sự quan tâm của quần chúng trong và ngoài nước, cộng đồng thế giới, cũng như thức tỉnh lương tri của những người đang phục vụ cho chế độ độc tài.

Vậy nên, chúng ta ai cũng có thể là người can đảm nếu chúng ta biết tôi luyện sự can đảm một cách thường xuyên và có ý thức, tùy theo môi trường sống, tuổi tác, hoàn cảnh.... Cần nhớ, sự can đảm chỉ được tôn vinh giá trị một khi được sử dụng để đạt tới kết quả như lý tưởng mong đợi, chứ không chỉ nhằm để tạo hào khí hay vinh quang cho mỗi cá nhân mình. Do đó, sự can đảm đòi hỏi phải có chuẩn bị phương án, lượng giá tình huống, tiên liệu hệ quả, cố tránh những hậu quả xấu nhất, và sẵn lòng chấp nhận những việc còn lại xảy ra. Đồng thời có một niềm tin mãnh liệt vào lẽ phải, vào sự tất thắng của chân lý Yêu Thương, Công Bằng, Tự Do và Nhân Bản!

Níu Giọt Mồ Hôi Đứng Dậy Làm Người (CT31)


Thạch Hãn

Kính gửi quý anh chị tham dự ngày kỷ niệm ra đời Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Tính từ khi loài người có chữ viết, từng bộ sử của mỗi dân tộc đã trang trọng ghi lại những chiến thắng hiển hách cá biệt. Sự thành bại thường đặt trên căn bản tranh chấp được thua. Lãnh thổ. Tài nguyên.... Ngay cả niềm tin hay tư tưởng. Lắm khi chỉ đơn giản bắt nguồn từ tham vọng của lãnh tụ....

Dù bởi động cơ nào, và dù là giữa nước này với nước khác hay giữa phe này với phe khác, đó vẫn là những tranh chấp giữa người và người.

Từ thuở khai thiên loài người đã biết đau
Nên hộc tốc dẫm đạp lên nhau
Dẫm đạp lên chính mình (2)


Rồi ném thêm vào cuộc đời từng mớ bất công.

Chỉ duy nhất một lần, cả nhân loại đã tạo chung chiến thắng, viết nên một ngày lịch sử đáng khắc ghi vào tâm khảm của toàn thể loài người.

59 năm trước, đúng vào ngày 10 tháng 12 này, bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời.

*


Từ đó, suốt 59 năm qua, bản Tuyên Ngôn, có giá trị khuyến nghị thuở đầu, đã được thế giới phong phú hóa về nội dung để đáp ứng khát vọng và sự tiến bộ của loài người, đồng thời, cụ thể hóa về hình thức thành những công ước quốc tế có tính cách pháp lý ràng buộc các quốc gia tham dự phải tôn trọng và thi hành.

Trong 59 năm qua, một phần nhân loại thuộc các nước tự do dân chủ đã may mắn thụ hưởng trọn vẹn mọi quyền làm người, phát huy trí tuệ, phát triển kinh tế, hiện đang ngẩng mặt sánh bước vào một thiên niên kỷ mới của hòa bình, văn minh và thịnh vượng.

Trong 59 năm qua, song song với những thành quả nhân quyền từ bản Tuyên Ngôn 1948, một phần khác của nhân loại cũng đã ghi đậm một điểm son thế kỷ: Tung hê trò chơi chủ nghĩa, xô ngã bức tường Bá Linh, kéo đổ các tượng đài lãnh tụ, tự cất bước ra khỏi vũng lầy bạo lực của quốc tế cộng sản, ngay trên cái nôi sản sinh ra nó, để được sống thực sự như những con người.

Từ cái búa cái đục
Trong tay những kẻ vô danh
Cũng cao hơn biết bao tầm trí tuệ
Khi thế giới chuyển mình nhìn nó đổ
Gạch đá cũng hóa niềm vui
Khi nhân loại tung lên những nụ cười
Một khoảng trời sao đã không thể ngủ
Khi những con người khám phá ra
quyền sống bình thường
Thở bình thường
Nói bình thường
Đi lại bình thường (3)


Nhìn lại mình, nửa thế kỷ qua, dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta đã phải kinh qua vô vàn khổ nạn với đạn bom của thời chiến, và sau đó, bị dìm sâu dưới ách khổ nạn độc tài của thời bình.

Quay hướng nào gió cũng quất vào tôi
Những ngọn roi phũ phàng của sóng (4)
Với hai bàn tay đen đúa
có thể xiết chặt cổ người
Nó giả vờ in cái bóng lên tường,
làm những trò chơi (5)


*


59 năm qua, chưa có một thống kê nào ghi lại đầy đủ bao triệu người Việt Nam bị hy sinh oan uổng trong ba cuộc chiến do lãnh đạo Hà Nội chủ xướng, nhằm bành trướng chủ nghĩa quốc tế cộng sản xuống miền Nam, xâm lăng lân quốc phía Tây, và chống trả quan thầy phương Bắc.

Em phải dựng giàn cây che mắt giặc
Đường mở dần
Trong dạ núi Trường Sơn...
Ngày ra đi là thanh niên xung phong
Chừ trên tóc em có ngôi sao bộ đội (6)
Gươm đây đã rèn thêm thép mới
Đạn đây, đã lau sáng từng viên (6)
Giữa đất trời xáo động...
Em băng trong lửa đạn chiến hào...
Đây tóc nữ sinh cuốn theo vành mũ vải (6)
Những xác bộ đội ở Biển Hồ,
ở Đồng Chum
ở tận biên thùy xứ Thái
Có biết mình đã chết vô tình
trong chiếc áo viễn chinh?
Những con trâu, mảng lúa, xóm làng
nằm tức tưởi ở vùng Việt Bắc
Có ngờ đâu đáp số của tình anh em quốc tế
là mạng sống chính mình? (3)
Ôi nắm đất máu thịt hoài thai
Nói với mẹ bằng lời bia mộ
Mẹ lặng lẽ nhen trong chiều ngún lửa
Tấm thân gầy như sợi khói hương bay (7)


Do ai? Bởi ai?

Trong chiến tranh, lá ngụy trang không che chắn nổi đạn bom. Dứt chiến tranh, lời ngụy trang chẳng phủ kín nổi sự thật.

Khi không còn phân biệt đâu là hư hay thực
Tên tội nhân bỗng chốc hóa anh hùng
Người hiền lương phó mặc cái đã từng
Những vết thương cứ hồn nhiên chảy máu (8)
Nối ngày nay với ngày xưa
Biết rồi lại nối với chưa biết gì (9)
Tính cộng lại hóa ra trừ
Tính nhân đâu ngỡ bây giờ thành chia (5)
Một thời ngu ngơ
Một đời nức nở (10)
Điều may mỏng manh, rủi ro thì nhảy nhót
Cả cuộc đời tìm như kẻ ngô nghê (11)
Ôi, mây nổi, mây nổi
Che sao kín bầu trời
Ôi, mây nổi, mây nổi
Đổi sao được sắc trời (5)


Khởi đầu, độc lập là mục tiêu.

Cuối cùng, nhân dân là phương tiện.

59 năm qua, cũng chưa một ai đúc kết nổi hậu quả sự hy sinh của hàng triệu người đó đã khiến cho hàng chục triệu người Việt Nam còn lại phải bị phân ly, đày đọa dưới chế độ chuyên chính vô sản của giới lãnh đạo vong bản phi nhân.

Bước đi đẫm giọt quan hà
Phương gần khổ lụy
Phương xa ngậm ngùi (1)


Đất nước mang tiếng ''thống nhất'', nhưng một phần tinh hoa của dân tộc lại bị đẩy ra khỏi nước, và lòng người thì tan tác muôn chiều. Ôi, 59 mươi năm thui chột trí tuệ và cằn cỗi tình người, chỉ vì một dúm lãnh đạo bình vôi.

Sau cánh cổng vàng son của đạo lý
Sau nấc thang cuối cùng của danh vọng
Sự giả dối có thể đạt được
Tất cả những gì cần đạt
(Dù bằng cái chết của người khác)
Sự vinh quang của chính mình
Vẫn lớn lao hơn (12)


Mấy ai ngờ, cái chết của hàng triệu bộ đội chỉ để đánh đổi lấy cái chết dở của toàn dân dưới bàn tay bạo lực của những tay đầu gấu của đảng còn sống sót và đang quá độ thành một giai cấp quý tộc đỏ?

Một đời cha - gió bạt mưa mù
Niềm vui chưa căng tròn bông lúa
Mà ưu phiền đã xanh trái mù u (13)
Mẹ đâu ngờ
sau lưng mình từ máu đẫm trồi lên
chiếc ghế
có thằng con thoát chết vụ khui hầm
trở về ngồi chễm chệ
Cái mặt nó bây giờ mới đạo mạo làm sao
nói năng đứng ngồi quan trọng
thâm tâm chỉ nghiền ngẫm cách nào
êm nhất
lẹ nhất
cho mỗi ngày chiếc ghế thêm cao.
Cao
Cao
cao
đến tận chỗ không còn nghe tiếng cuộc đời oan trái
không còn thấy
trên con đường gập ghềnh của Tổ quốc đau thương
có người mẹ tóc bạc chân trần
oằn lưng dưới chồng đơn khiếu nại
nặng hơn dãy Trường Sơn (14)


59 năm qua, những người Việt Nam chúng ta, dù đã trải qua hay sinh ra trong thời khoản đó, có mấy ai quên được kiếp sống dằn vật đan chuỗi âu lo dưới lửa đuốc đấu tố cải cách ruộng đất, dưới nút thắt bao tử bằng từng mảnh tem phiếu, dưới tiếng kẻng tù tập trung cải tạo, dưới vòng kim cô tư tưởng Mác-Lê, dưới một nền giáo dục ca tụng lãnh tụ Nga-Tàu, dưới tiếng gõ cửa giữa khuya của công an khu vực, dưới những bản án đọc bằng ánh mã tấu, dưới tiếng thở dài của người thân hay của chính mình?

Chợt nghe động trống
Trâu bò nhớn nhác
Dùi quậy liên hồi
Ê ẩm tấm da khô (1)


59 năm qua, có mấy ai trong chúng ta đã bình tâm được trước bảng sắp hạng nghèo đói của thế giới, mà trong đó, dân tộc mình được xếp vào hàng 10 nước đứng đầu?

Chưa quen con chữ i tờ
Khổ nghèo thất học, tuổi thơ không trường
Lên mười đã biết gió sương
Suốt ngày quanh quẩn nẻo đường... ve chai (15)


59 năm qua, dưới vực sâu đói nghèo lạc hậu đó, bà con Việt Nam ta trong nước còn phải chịu đựng một chế độ cai trị phi nhân, vô thần, trong đó, mọi quyền căn bản của con người đều bị giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam tước bỏ bằng bạo lực thống trị. Mọi cơ quan truyền thông công khai đều của đảng. Mọi giáo hội chính thức hoạt động đều của đảng. Mọi tổ chức đoàn thể đều do đảng chi phối. Kể cả quốc hội cũng chỉ là cơ quan ngoại vi đóng mộc nhân dân cho đảng. Mỗi đại biểu quốc hội đều do đảng đề cử hay chấp thuận. Luật pháp do quốc hội này làm ra, do đó, cũng chỉ nhằm áp dụng vào dân đen. Hãy tẩy chay những trò chơi bằng lá phiếu in sẵn của đảng:

Trăm vòi huơ nhầy nhụa cả trời mây
phun khắp chốn chứng sida mão tủy
chúng thách thức những cái đầu biết nghĩ
những con tim còn sôi sục Việt Nam (14)


*


Chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã từng ký tham gia và cam kết thi hành 8 công ước quốc tế nhân quyền: Công ước không áp dụng những hạn chế luật định đối với tội phạm chiến tranh và tội phạm chống nhân loại (4/6/81); Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội Apartheid (9/6/81); Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng (9/6/81); Công ước về nỗ lực xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc (9/6/81); Công ước về quyền dân sự và chính trị (24/9/82); Công ước về quyền kinh tế, văn hóa, và xã hội (24/9/82); Công ước về nỗ lực xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (19/3/82); và gần nhất, Công ước quốc tế về quyền trẻ em (20/2/1990).

59 năm qua, thực tế Việt Nam là một hình ảnh thảm thương hoàn toàn nằm bên ngoài các công ước đó:

Khuôn mặt đói xanh của em bé lên chín lên mười
Sống với bản năng
cũng đủ trở thành tù nhân chính trị (3)
Trời đất uy nghi
Xanh vĩnh cửu
Chim bay hình thánh giá muôn phương
Cung tên tạo hình thánh giá
Bắn con chim bay hình thánh giá tử thương.... (1)
Ngày tối hơn đêm
''Đêm-vó-ngựa''
Quỳ gối chống tay
Vẫn còn sợ ngã
Mặt đất này quá cheo leo (1)


59 năm qua, cũng dưới gông cùm bạo lực của bộ máy cai trị cộng sản, bà con Việt Nam ta trong nước đã bị những kẻ nhân danh nhân dân tước mất cả những quyền tối thiểu của con người là có được miếng ăn đủ dinh dưỡng, chỗ ở được kín đáo, cái mặc được lành lặn, việc học được hỗ trợ, bệnh hoạn được chăm sóc....

Phận lấm
Tối ngày đào khoáy
Lưng nắng - vẽ
Hoa văn tiền sử
Chài chãi đồng chiêm
Mấy kiếp rồi.... (1)
Kiếp cà
Duyên tím
Phận xanh
Cõi bẩn thỉu
Cố xanh, cố tím
Ngoem ngoém tối ngày mồm róm
Cành suông chết điếng tím xanh (1)


59 năm qua, nói chung, dưới chế độ cộng sản, người Việt Nam không được sống thành người. Thầy Quảng Độ đã nói rõ to giùm cả nước: ''Bước ra khỏi tù nhỏ chỉ để vào tù lớn''.

Trên tay áo này
Những giọt đau!
Những giọt đau!
Của mẹ, của em, của bọt bèo số phận
Nằm nghe những tiếng chao chân
Trên một bến bờ vực thẳm...
Đắng cay sực tỉnh, mình lạnh mồ hôi
Đi mòn đôi chân, túi đời đã cạn
Mà roỏng rẻng như mới nghe hai tiếng làm người (6)


*


Quyền sống không phải là một loại đặc ân. Không ai có thể cho. Cũng không ai muốn ngửa tay xin nhận. Nên chi, 59 năm qua, người Việt Nam vẫn đang dũng cảm đấu tranh hàng ngày, ngay trong môi trường sinh tử khắc nghiệt nhất, để tự giành lấy quyền sống cho đáng sống.

đất nước chúng ta vốn là chiêc nôi
mà những tấm lòng hòa thuận đều vui sống được
thế tại sao anh chị em và tôi
không được sống
khóc hay cười
câm hay nói
cũng phải đợi lệnh
một người nhân danh cho tất cả (16)


Lịch sử loài người đã liên tục chứng minh rằng không có bất kỳ một quy luật nào đúng hơn lòng dân. Còn gì đáng tội hơn những kẻ khư khư áp dụng những quy luật cai trị đã bị nhân dân đào thải?

Chẫu mắt mù
Nhìn đóng cọc vào đêm....
Đêm đen kìm kẹp ngọn đèn
Gãy lửa, vẫn vinh danh nguồn sáng (1)


59 năm qua, cũng không một ai trong khối người Việt Nam rời nước tìm tự do lại có thể quên được thảm họa kinh hoàng trên hành trình vượt biên vượt biển mười chết một sống, chỉ để sống cho ra người. Cũng không một ai trong chúng ta có thể quên được khối bà con bất hạnh bên nhà. Càng không hề một ai trong chúng ta có thể dửng dưng được trước nỗ lực đấu tranh của hàng triệu bà con bất hạnh đó ngay giữa lòng chế độ. Những Thái Bình, Kim Nỗ, Trà Cổ, Xuân Lộc....

Những bờ đê những ruộng đồng đã mở
Những làng thôn này sắp xếp nề nếp loài người
Di chúc ông cha đã khai thuần hồn sử
Trăm trứng này bọc tự một nôi (3)


*


Chúng ta, những người Việt ở nước ngoài, đã gặp nhau từ nhiều năm nay, trong từng cuộc biểu tình tranh đấu cho tự do của bà con ruột thịt bên quê nhà, chỉ vì, dù xa xôi ngàn dặm, mối tình tự quê hương vẫn không hề rời tơ gãy ngó; chỉ vì, dù cách trở đại dương, vẫn không thể nào làm kẻ đứng ngoài.

Có những hiện diện của các anh các chị
Như nối từ Cà Mau tới ải Nam Quan
Để bốn ngàn năm có cùng một chí
Trước mặt là đường tìm lại Việt Nam (3)


Chúng ta gặp nhau hôm nay, nhân kỷ niệm 59 năm ngày Quốc Tế Nhân Quyền, để tưởng niệm nhiều thế hệ người Việt đã hy sinh cho lý tưởng tự do - nhân bản trong nửa thế kỷ qua, cũng là để khẳng định tiếp tục đấu tranh cho lý tưởng tự do - nhân bản cho dân tộc Việt Nam.

Từ những phù sa sông Hồng sông Mã
Những bài ca giữa trời đất hài hòa
Đã vang vọng từ trống đồng giục giã
Dưới bóng chim, rồng, là mẹ là cha (3)


Chúng ta gặp nhau hôm nay, tại đây và cùng với nhiều nơi khác trên thế giới, nhân kỷ niệm 59 năm Quốc Tế Nhân Quyền, chỉ nhằm sử dụng ngay quyền làm người của chính mình để cùng góp sức giành lấy quyền làm người cho dân tộc mình.

anh chị em ơi
làm sao ta có thể trả lời
cho con cháu ngày mai
nếu hôm nay đây ta không muốn làm người
về một câu hỏi hết sức giản dị
sống để làm gì
nếu chính lòng chúng ta, mỗi người
chưa biết làm gì để sống
sống cho ra một con “người” (16)


Chúng ta gặp nhau hôm nay, và vẫn có thể còn phải gặp nhau trong những ngày tới, cho tới ngày chấm dứt kỳ được chế độ chà đạp nhân quyền trên đất nước Việt Nam. Thế kỷ này phải củaq chúng ta.

Vì đã nghe ra từ xương máu muôn dân
Là thương cả bốn ngàn năm đang cùng bước tới
Những bước hài hòa từ một xuất xứ lương tâm
Ngay cả giấc mơ bây giờ
cũng không nằm yên ngơi nghỉ
Ở hai đầu thế giới vẫn chỉ thấy một con đường
Là non sông chúng ta vẫn còn hào khí (3)
Biển hung bạo biển chỉ là sóng nước
Không có cát vàng, lòng biển ở đâu?
Biển hãy nhớ lòng cát sâu, sâu thẳm
Khi núi lửa chồm lên, biển phải cúi đầu! (5)


*


Nhân Quyền Cho Việt Nam, một khát vọng phải được thỏa đáp cho người Việt Nam.

Hơn nửa thế kỷ xới vun. Đã đến lúc người Việt Nam phải tự chính mình bày tỏ lòng dân bằng thái độ. Đã đến lúc người Việt Nam phải tự gắn kết sức mạnh dân tộc bằng chính niềm tự hào bất khuất của dân tộc. Đã đến lúc người Việt Nam phải cùng tưng bừng đón chào một mùa Xuân Nhân Bản.

Chú thích:
(1) Phùng Cung; (2) Đỗ Mạnh Hùng; (3) Lê Bi; (4) Nguyễn Vũ Tiềm; (5) Hoàng Hương Trang; (6) Lưu Trọng Lư; (7) Ngọc Khương; (8) Bùi Thanh Tuấn; (9) Đỗ Huy Chí; (10) Sĩ Hào; (11) Thanh Hà; (12) Phạm Thị Ngọc Liên; (13) Trương Gia Hòa; (14) Bùi Minh Quốc; (15) Sơn Ngọc; (16) Nguyễn Hữu Nhật.

Những Con Số Việt Nam (CT31)

Dân số Việt Nam hiện nay vào khoảng 85 triệu người, đứng hàng thứ 13 trong số hơn 200 quốc gia, lãnh thổ.

Tiếng Việt đứng hạng thứ 16 trong số các ngôn ngữ trên thế giới về tổng số người sử dụng.

Diện tích Việt Nam là 331 nghìn cây số vuông, đứng hàng thứ 66 trên thế giới. Nếu không bị mất gần một nghìn cây số vuông lãnh thổ về tay Trung Quốc có lẽ Việt Nam lên được thêm một hạng.

Bình quân thu nhập theo đầu người tính theo mãi lực, tức Gross Domestic Product at Purchasing Power Parity (GDP/PPP), vào khoảng 3 nghìn mỹ kim, đứng hạng 123 trên 181. Nếu tính từ dưới đếm lên thì Việt Nam đứng hàng nghèo thứ 58 trên thế giới.

Theo tổ chức bóng đá FIFA, Việt Nam đứng hạng 134 trong số 199 quốc gia thành viên.

Trong tất cả kỳ thế vận hội Olympics từ trước đến nay, Việt Nam thắng được duy nhất một huy chương bạc.

Trong khi đó trong các kỳ thi Thế Vận Toán (Mathematics Olympiad) hàng năm cho học sinh trung học, Việt Nam hầu như đứng hạng Top Ten. Tuy nhiên chưa có nhà toán họcViệt Nam nào thắng giải Fields Medal, một giải toán có uy tín tương đương với giải Nobel.

Theo tổ chức y tế thế giới WHO, hệ thống y tế Việt Nam đứng hạng 160 trong số 190 quốc gia.

Theo tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, vào năm 2002, mức độ tự do báo chí ở Việt Nam đứng hàng thứ 131 trong số 139 quốc gia.

Theo Transparency International thì chỉ số tham nhũng ở Việt Nam đứng hàng thứ 111 trong số 163 quốc gia, đứng gần cuối sổ.

Trong bảng sắp hạng bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam đứng hạng 99 trong số 133 quốc gia.

Theo tổ chức WorldAudit.org thì

Nhân quyền, dân quyền của người Việt Nam có chỉ số 6 đến 7. Trong thang số này, 1 là tốt nhất, 7 là tệ nhất.

Nấc thang dân chủ của Việt Nam được xếp hạng 132 trong số 150 quốc gia, cũng gần cuối sổ.

06 tháng 12, 2006

Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên Hợp Quốc


Được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết số 217 (III), ngày 10 tháng 12 năm 1948.

LỜI NÓI ĐẦU

Với nhận thức rằng:

Việc thừa nhận nhân phẩm vốn có, các quyền bình đẳng và không thể tách rời của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là cơ sở cho tự do, công bằng và hoà bình trên thế giới,

Sự xâm phạm và coi thường nhân quyền đã dẫn đến những hành động tàn bạo, xâm phạm tới lương tâm của nhân loại, và việc xây dựng một thế giới trong đó con người được tự do ngôn luận và tín ngưỡng, không còn phải chịu nỗi sợ hãi và cùng cực được coi là nguyện vọng cao cả nhất của loài người,

Nhân quyền phải được pháp luật bảo vệ để mỗi người không buộc phải nổi loạn như là biện pháp cuối cùng để chống lại chế độ cường quyền và áp bức,

Cần phải khuyến khích việc phát triển quan hệ bằng hữu giữa các dân tộc,

Nhân dân các nước thành viên Liên Hợp Quốc trong bản Hiến chương đã một lần nữa khẳng định niềm tin của mình vào những quyền cơ bản của con người, vào nhân phẩm, vào giá trị của mỗi người, vào quyền bình đẳng nam nữ, và đã bầy tỏ quyết tâm thúc đẩy tiến bộ xã hội cũng như xây dựng các điều kiện sống tốt hơn, tự do hơn.

Các nước thành viên đã cam kết, cùng với tổ chức Liên Hợp Quốc, phấn đấu thúc đẩy mọi người tôn trọng và thực hiện các quyền cũng như nhũng tự do cơ bản của con người.

Nhận thức thống nhất về những quyền và tự do đó của con người là yếu tố quan trọng nhất cho việc thực hiện đầy đủ cam kết này.

Nay, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuyên bố:

Bản tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền này là thước đo chung cho tất cả các nước và tất cả các dân tộc đánh giá việc thực hiện mục tiêu mà mọi cá nhân và mọi tổ chức trong xã hội, trên cơ sở luôn ghi nhớ Bản tuyên ngôn này, sẽ phấn đấu thúc đẩy sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người thông qua truyền bá và giáo dục, cũng như sẽ phấn đấu đảm bảo cho mọi người dân, ở chính các nước thành viên của Liên Hợp Quốc và ở các lãnh thổ thuộc quyền quản lý của mình, công nhận và thực hiện những quyền và tự do đó một cách có hiệu quả thông qua những biện pháp tích cực, trong phạm vi quốc gia hay quốc tế.

Điều 1

Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi con người đều được tạo hoá ban cho lý trí và lương tâm và cần phải đối xử với nhau trong tình bằng hữu.

Điều 2

Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do nêu trong Bản tuyên ngôn này, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay địa vị xã hội.

Điều 3

Mọi người đều có quyền sống, tự do và an toàn cá nhân.

Điều 4

Không ai phải làm nô lệ hay bị cưỡng bức làm việc như nô lệ; mọi hình thức nô lệ và buôn bán nô lệ đều bị ngăn cấm.

Điều 5

Không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm.

Điều 6

Mọi người đều có quyền được thừa nhận tư cách là con người trước pháp luật ở khắp mọi nơi.

Điều 7

Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau không có bất cứ sự phân biệt nào. Tất cả mọi người đều được bảo vệ như nhau chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử vi phạm Bản tuyên ngôn này cũng như chống lại mọi hành vi xúi giục phân biệt đối xử như vậy.

Điều 8

Mọi người đều có quyền được các toà án quốc gia có thẩm quyền bênh vực theo pháp luật trước những hành vi vi phạm các quyền cơ bản do hiến pháp hay luật pháp quy định.

Điều 9

Không ai bị bắt, giam giữ hay đày đi nơi khác một cách độc đoán.

Điều 10

Mọi người, với tư cách bình đẳng về mọi phương diện, đều có quyền đươc một toà án độc lập và vô tư phân xử công bằng và công khai để xác định quyền, nghĩa vụ hoặc bất cứ một lời buộc tội nào đối với người đó.

Điều 11

(1) Mọi người, nếu bị quy tội hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi một toà án công khai, nơi người đó dã có được tất cả những đảm bảo cần thiết để bào chữa cho mình, chứng minh được tội trạng của người đó dựa trên cơ sở luật pháp.

(2) Không ai bị kết tội hình sự vì một hành vi hay sự tắc trách không bị coi là một tội hình sự theo quy định của luật pháp quốc gia hay quốc tế vào thời điểm đó. Cũng như không cho phép áp dụng hình thức xử phạt đối với một tội hình sự nặng hơn so với quy định của luật pháp lúc bấy giờ cho mức độ phạm tội cụ thể như vậy.

Điều 12

Không ai bị can thiệp một cách độc đoán đối với cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hay thư tín của cá nhân người đó cũng như không bị xâm phạm tới danh dự và uy tín. Mọi người đều được pháp luật bảo vệ chống lại những hành vi can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.

Điều 13

(1) Mọi người đều có quyền tự do đi lại và cư trú trong phạm vi lãnh thổ của mỗi quốc gia.

(2) Mọi người đều có quyền rời khỏi bất cứ nước nào, kể cả nước mình, cũng như có quyền trở về nước mình.

Điều 14

(1) Mọi người đều có quyền tìm kiếm và được lánh nạn ở những nước khác khi bị ngược đãi.

(2) Quyền này không được áp dụng trong trường hợp đương sự bị truy tố vì những tội không mang tính chất chính trị hay vì những hành vi đi ngược lại mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc.

Điều 15

(1) Mọi người đều có quyền nhập quốc tịch của một nước nào đó.

(2) Không ai bị tước đoạt quốc tịch của mình hay bị khước từ quyền được thay đổi quốc tịch một cách độc đoán.

Điều 16

(1) Nam hay nữ đến tuổi thành niên đều có quyền hôn nhân và xây dựng gia đình mà không có bất cứ một hạn chế nào về chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ có quyền bình đẳng trong việc kết hôn, trong cuộc sông vợ chồng và lúc ly hôn.

(2) Việc kết hôn chỉ được tiến hành khi có sự đồng ý hoàn toàn và tự nguyện của cả hai bên.
(3) Gia đình là một đơn vị tự nhiên và cơ bản của xã hội và được xã hội và nhà nước bảo vệ.

Điều 17

(1) Mọi người đều có quyền sở hữu tài sản của riêng mình hay chung với những người khác.

(2) Không ai bị tước đoạt tài sản của mình một cách độc doán.

Điều 18

Mọi người đều có quyền tự do suy nghĩ, ý thức và tôn giáo, kể cả tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng, và tự do thể hiện tôn giáo hoặc tín ngưỡng dưới hình thức truyền bá, thực hành, thờ phụng hoặc lễ tiết, với tư cách cá nhân hay tập thể, công khai hay riêng tư.

Điều 19

Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bầy tỏ quan điểm; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, truyền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới.

Điều 20

(1) Mọi người đều có quyền tự do họp hành và tham gia hiệp hội một cách hoà bình.

(2) Không ai bị bắt buộc phải tham gia một hiệp hội nào.

Điều 21

(1) Mọi người đều có quyền tham gia vào chính quyền của nước mình, một cách trực tiếp hay thông qua những đại diện được tự do lựa chọn.

(2) Mọi người đều có quyền được hưởng các dịch vụ công cộng của đất nước mình một cách bình đẳng.

(3) Ý chí của nhân dân là cơ sở tạo nên quyền lực của chính quyền; ý chí được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và thực sự, theo nguyên tắc bỏ phiếu phổ thông và bình đẳng và được thực hiện qua bỏ phiếu kín hoặc qua các thủ tục bỏ phiếu tự do tương tự.

Điều 22

Với tư cách là thành viên của xã hội, mọi người đều có quyền được hưởng bảo hiểm xã hội cũng như được thực hiện các quyền về kinh tế, xã hội và văn hoá không thể thiếu đối với nhân phẩm và tự do phát triển nhân cách của mình, thông qua nỗ lực quốc gia, hợp tác quốc tế và phù hợp với hệ thống tổ chức và nguồn lực của mỗi quốc gia.

Điều 23

(1) Mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn công việc, được hưởng điều diện làm việc công bằng và thuận lợi và được bảo vệ chống lại tình trạng thất nghiệp.

(2) Mọi người đều có quyền được trả công ngang nhau cho công việc như nhau, không có bất cứ sự phân biệt đối xử nào.

(3) Mọi người đều có quyền được hưởng chế độ thù lao công bằng và thuận lợi đảm bảo cho sự tồn tại của bản thân và gia đình xứng đáng với nhân phẩm và được hỗ trợ thêm từ các hình thức bảo trợ xã hội khác, nếu cần thiết.

(4) Mọi ngượi đều có quyền thành lập và tham gia các tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.

Điều 24

Mọi người đều có quyền nghỉ ngơi và giải trí, kể cả quyền được hạn chế hợp lý về số giờ làm việc và hưởng những ngày nghỉ định kỳ được trả lương.

Điều 25

(1) Mọi người đều có quyền được hưởng mức sống đủ để đảm bảo sức khoẻ và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các mặt ăn, mặc, ở, y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết khác, cũng như có quyền được bảo hiểm trong trường hợp thất nghiệp, ốm đau, tàn tật, goá bụa, già nua hoặc thiếu phương tiện sinh sống do những hoàn cảnh khách quan vượt quá khả năng kiểm soát của mình.

(2) Các bà mẹ và trẻ em cần được chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt. Tất cả trẻ em, sinh ra trong hoặc ngoài giá thú, đều được hưởng mức độ bảo trợ xã hội như nhau.

Điều 26

(1) Mọi người đều có quyền được học hành. Phải áp dụng chế độ giáo dục miễn phí, ít nhất là ở bậc tiểu học và giáo dục cơ sở. Giáo dục tiểu học là bắt buộc. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải mang tính phổ thông, và giáo dục cao học phải theo nguyên tắc công bằng cho bất cứ ai có đủ khả năng.

(2) Giáo dục phải hướng tới mục tiêu giúp con người phát triển đầy đủ nhân cách và thúc đẩy sự tôn trọng đối với các quyền và tự do cơ bản của con người. Giáo dục phải tăng cường sự hiểu biết, lòng vị tha và tình bằng hữu giữa tất cả các dân tộc, các nhóm tôn giáo và chủng tộc, cũng như phải đẩy mạnh các hoạt động của Liên Hợp Quốc vì mục đích gìn giữ hoà bình.

(3) Cha, mẹ có quyền ưu tiên lựa chọn loại hình giáo dục cho con cái.

Điều 27

(1) Mọi người đều có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng, được thưởng thức nghệ thuật và chia xẻ những thành tựu và lợi ích của tiến bộ khoa học.

(2) Mọi người đều có quyền được bảo hộ đối với những quyền lợi về vật chất và tinh thần xuất phát từ công trình khoa học, văn học và nghệ thuật mà người đó là tác giả.

Điều 28

Mọi người đều có quyền được hưởng trật tự xã hội và trật tự quốc tế trong đó các quyền và tự do nêu trong Bản tuyên ngôn này có thể được thực hiện đầy đủ.

Điều 29

(1) Mọi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng là nơi duy nhất người đó có thể phát triển nhân cách của mình một cách tự do và đầy đủ.

(2) Khi thực hiện các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo sự công nhận và tôn trọng và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác cũng như đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự xã hội và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.

(3) Trong bất cứ trường hợp nào, việc thực hiện những quyền và tự do này cũng không được đi ngược lại với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc.

Điều 30

Không được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá nhân nào được quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào nêu trong Bản tuyên ngôn này.