Lịch sử thế giới từng nhiều lần biện biệt: Công hôm nay có thể biến thành tội ngày mai, hay, công cho một nhóm nhỏ lại là tội đối với một đại khối triệu triệu người. Chủ nghĩa cộng sản có công hay tội với nhân loại? Câu trả lời hôm nay có thể còn tùy phía mà khác nhau nhiều ít. Duy một điều mọi người có thể nhất trí với nhau: Chủ nghĩa cộng sản là con đường dài nhất đi từ tư bản chủ nghĩa tới tư bản chủ nghĩa. [1] Dài nhất, và đúc bằng nhiều xác người nhất. Chết đạn lẫn chết đói. Lý do? Dọc đường kách mệnh, lãnh tụ đảng đã trở thành hoàng đế kiêm giáo chủ, nghĩa là quyết định sự sống chết không những của thân xác mà cả linh hồn của con người [2]. Thê thảm hơn nữa, ở cuối đường kách mệnh, người người hỏi nhau: Đâu rồi trống Xô-Viết? Đâu rồi cờ búa liềm? Đâu nào cơm no áo ấm? Đâu nào dân chủ tự do? Con thuyền lịch sử cận đại VN chở đầy khẳm nỗi bất hạnh vĩ đại chưa từng của dân tộc, mệnh danh Độc Lập - Thống Nhất. 30 tháng Tư. Đầy túi hay trắng tay? Vinh quang hay căm thù? Chiến thắng hay đồi bại? Thống nhất hay phân ly? Hòa bình hay chiến tranh nối tiếp?... Mỗi mắt một góc nhìn. Đan chéo nhau những mục tiêu viễn mơ với cái đói trước mặt. Xen kẽ nhau những dày xéo chính chuyên với câm nín đọa đày. Rối bời nhau những vàng thoi rượu ngoại với máu xương nước mắt. Đừng tiếp tục dựa vào mớ công trạng chưa được lịch sử phân định để tự tiện hành quyết vận mạng đất nước hôm nay và di hại tàn khốc về sau cho hàng chục triệu đồng bào. Giờ đây hắc bạch phân minh. Thế là rõ, cái dấu ấn biện biệt của thời gian. Thế là rõ, cái góc nhìn xoáy buốt của sự thật.
Đừng đánh trẻ nít chỉ vì chúng làm sai những việc rất nhỏ, khi mà ta chưa dám phản đối lãnh đạo đảng và nhà nước làm sai những việc động trời. Với những sai lầm nhỏ nhặt, trẻ nít đáng được khoan dung tha thứ. Trẻ nít thường không tự biết mình dốt. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà cứ nhân danh tuổi trẻ là được khoan thứ. Bởi ngay chính tuổi trẻ đã không thể ỷ lại vào sự khoan thứ để tiếp tục làm sai.
Càng khó khoan thứ hơn ngàn lần đối với những lão già nhân danh đảng để Chung Thân Làm Sai và di hại nhiều đời cho cả nước. Bởi những bộ óc xơ cứng đó không thể nào vừa tự phong là đỉnh cao trí tuệ, lại vừa bảo là không tự biết mình đã dốt còn tham. Không thể nào: Bảy chục còn nghi tuổi mới ba [3]. Cái ngu dốt vì kém hiểu biết tự nó không nguy hiểm là bao. Những tác hại trầm trọng bắt nguồn từ sự ngu dốt vì tư duy chật hẹp khi nắm quyền lực trong tay, đi kèm với lòng tham chỉ muốn mỗi mình được tất.
Tuổi trẻ không nhận ra sai lầm vì bất trí.
Tuổi già không nhìn nhận sai lầm là bất lương.
Cải Cách Ruộng Đất là cái sai không thể khoan thứ. Nhân Văn-Giai Phẩm là cái sai không thể khoan thứ. Xét Lại - Chống Đảng là cái sai không thể khoan thứ. Giết dân trong suốt ba cuộc chiến khốc liệt vừa qua để tiếp tục giết dân trong mấy mươi năm thống nhất là cái sai không thể khoan thứ. Chánh sách trù dập trí thức, chánh sách tem phiếu hộ khẩu, chánh sách giam người tùy tiện, chánh sách tập trung cải tạo, chánh sách giáo dục rô-bô-hóa quần chúng, chánh sách y tế xuyên tâm liên, chánh sách xã hội bán máu đổi gạo-bới rác đổi rau, chánh sách văn hóa nô dịch tận diệt tính tình người, chánh sách thông tin bưng bít một chiều, chánh sách ngoại giao ăn mày khấu tấu, chánh sách đổi tiền đánh sập tư sản công thương nghiệp miền Nam, chánh sách đày dân lên rừng làm kinh tế mới-đuổi dân ra biển tìm tự do-hay đẩy dân đi làm lao nô nước ngoài để trả nợ chiến phí v.v... đều là những cái sai không thể khoan thứ.
Hàng triệu người Việt Nam đã chết hay chịu thương tật vì những cái sai đó. Hàng chục triệu người Việt Nam đã và đang bị bức khổ triền miên vì những cái sai đó. Dân tộc Việt Nam đã bị chia lìa, phân hóa, hận thù, thui chột, vì những cái sai đó. Đất nước Việt Nam đã rơi vào hố sâu lạc hậu, đói nghèo, ký sinh, cũng vì những cái sai đó.
Đó không chỉ thuần là những cái sai.
Đó là Hệ Thống Tội Ác Có Tổ Chức.
Số phận của dân tộc là tập hợp số phận của mỗi cá nhân. Muốn giải quyết cái to, phải khởi sự bằng những giải quyết riêng từng cái nhỏ. Số phận chỉ thực sự khắc nghiệt khi ta coi đó là điểm cuối của cuộc đời. Chính sự an phận là tròng áp bức đầu tiên nơi mỗi con người. Im lặng nuôi dưỡng áp bức [4]. Nên chi, nếu mỗi cá nhân quyết không buông xuôi đời mình cho số phận, cả nước sẽ có cơ xây dựng lại Việt Nam. Tuổi hai mươi không tin vào định mệnh. Định mệnh là đối thủ tiến công [5]
Đình công, bãi thị, biểu tình... Công nhân, tiểu thương, nông dân đang vung tay thách đố với số phận. Kiến nghị, thư ngỏ, báo chui.... Trí thức, nhà văn, đảng viên đang chấm mực vẽ lại chân dung số phận. Thẻ đảng trả về cho đảng. Con người đòi quyền làm người. Người bước ra đường. Chữ nghĩa đã biến thành nắm tay. Hờn căm đã biến thành sức mạnh rào làng, quăng cán bộ xuống giếng. Phẫn uất biến thành ngọn lửa. Niềm tin đã biến thành biểu ngữ gìn vườn giữ ruộng: Một cây chàm bị đốn là một mạng người ngã theo! Đi tới thắng lợi, xin cầu chúc bạn, cầu chúc tất cả chúng ta... [6]
Chú Thích: [1] Lech Walesa; [2] Nguyễn Đình Thi dẫn lời Nguyễn Văn Linh; [3] Cao Bá Quát; [4] Francois Mitterand; [5] Lý Phương Liên; [6] Vũ Kim Hạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét