Bất kỳ một chế độ nào không đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, chế độ đó sẽ phải sụp đổ. Đây là chân lý của lịch sử. Bên cạnh đó, nhìn vào những biến chuyển cận đại, mọi thay đổi dẫn đến chấm dứt độc tài đều bắt nguồn từ bốn yếu tố căn bản: (1) Áp lực đấu tranh từ quần chúng và thiểu số đấu tranh vì lý tưởng; (2) Sự phân hóa của chế độ độc tài; (3) Biến động lớn về kinh tế, xã hội hay chính trị; (4) Áp lực đến từ quốc tế. Trong 4 yếu tố này, áp lực đấu tranh từ quần chúng là chủ lực và quan trọng nhất. Nhìn vào thực tế nước ta ngày hôm nay, cả 4 yếu tố đều hiện hữu nhưng áp lực đấu tranh từ quần chúng, vốn quan trọng nhất, hiện vẫn còn yếu kém. Tại sao?
Mũi nhọn xung kích để xuyên phá bức tường cai trị, khơi mào cho sự đứng lên của quần chúng là một thành phần thiểu số đấu tranh vì lý tưởng. Nhưng nếu không có sự hỗ trợ của quần chúng thì thiểu số đấu tranh này dễ dàng bị cô lập và không đủ sức mạnh cần thiết để chấm dứt chế độ. Ngày hôm nay, sự hỗ trợ này vẫn chưa đạt được như ý vì giữa đại khối quần chúng và thiểu số lý tưởng vẫn còn nhiều khoảng cách. Để thấy rõ những khoảng cách này chúng ta cần duyệt qua nhiều góc cạnh khác nhau.
Trong những năm cuối thế kỷ 20 cho đến nay, nước ta đã dấy lên những đòi hỏi về Tự do, Dân chủ. Chúng ta có thể gắn liền những tên gọi Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Hà Sĩ Phu, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Trần Khuê, Nguyễn Đan Quế... với Tự do và Dân chủ. Với họ, Tự do, Dân chủ là khát vọng, là nền tảng, là động lực, là khẩu hiệu cho mọi cuộc đấu tranh. Đấy là nhu cầu sinh tử, là đích đến phải đạt được. Khát vọng này là khát vọng chung của cả dân tộc. Cùng lúc, bước vào thế kỷ 21 với sự đổi mới và mở rộng kinh tế để thoát hiểm của đảng, đa phần nhân dân ta đã bị cuốn theo cơn lốc kinh tế với nỗi lo khắc khoải cơm áo hàng ngày. Cuộc đời kĩu kịt mang nặng những bất công và hụt hơi với những đòi hỏi vật chất không ngừng nghỉ. Người ta trân quý đồng tiền hơn tự do vì tin rằng ‘có thực mới vực được đạo’, nhưng quên mất rằng không có đạo thì khó có thực; không có quyền tự do dân chủ, tự do định đoạt tương lai đời sống mình thì cũng chẳng có cả tự do buôn thúng bán bưng, tự do chạy gạo từng buổi. Nguyện vọng của mọi người là được yên thân làm ăn, có công ăn việc làm ổn định và viễn mộng thăng tiến cá nhân. Nguyện vọng này là nguyện vọng riêng, cho mỗi người và cho tương lai của riêng mình. Và đây là sự khác biệt căn bản thể hiện với câu nói của đa số quần chúng: 'khôn thì sống dại thì chết', chưa lo được thân mình và hiện tại thì đừng nghĩ tới người khác hoặc tương lai. Do đó, muốn có thêm sức mạnh hỗ trợ từ quần chúng, những người tranh đấu cho lý tưởng cần có phương hướng đấu tranh thích hợp, vừa tầm để vừa đáp ứng với nguyện vọng của người dân, vừa tiến hành cuộc cách mạng tâm thức để quần chúng hiểu rằng sự an toàn và thăng tiến cá nhân phụ thuộc vào sinh hoạt dân chủ và tự do của cả dân tộc.
Hình ảnh của Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn... là hình ảnh của những thanh niên lý tưởng kéo dài từ tinh thần của Nguyễn Thái Học, của Phạm Tất Đắc và bao anh hùng lịch sử khác. Đó là những con người can đảm, sẵn sàng chấp nhận những đe dọa của cường quyền, tự chọn cho mình một lối sống có lý tưởng, và dám hy sinh vì đại nghĩa. Đất nước lúc nào, thời nào cũng cần những con người lý tưởng như thế. Nhưng nhìn qua một khía cạnh khác, thì đấy cũng là biểu tượng của những hy sinh, mất mát. Biểu tượng này làm chùn bước đa phần những người bất mãn với chế độ, muốn làm một điều gì đó, nhưng bị sự sợ hãi bao vây theo năm tháng, bị đè nén nhiều tầng của guồng máy công an trị. Từ đó, những người đấu tranh trở thành những biểu tượng mà đa số chỉ đứng xa nhìn, ngưỡng phục nhưng không đến gần để sánh bước đồng hành.
Bên cạnh khoảng cách về ý muốn và lòng can đảm là sự khác biệt giữa nội dung truyền đạt tư tưởng đấu tranh và mức độ tiếp nhận của quần chúng. Những tư tưởng của Dương Thu Hương, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang... là những kiến thức cao tầm so với trình độ nhận thức và quan tâm của đa số nhân dân. Cuộc cách mạng tâm thức là cần thiết nhưng phải làm từng bước, phù hợp với nhận thức giới hạn của quần chúng vốn bao năm phải sống trong hệ thống tuyên truyền, nhồi sọ của bộ máy độc quyền thông tin, giáo dục một chiều.
Tóm lại, hãy khởi đi từ hình ảnh của Đỗ Nam Hải với những bà mẹ, em bé đi khiếu kiện. Hãy bắt đầu bằng việc hỗ trợ những đòi hỏi thực tế của người dân. Hãy đặt chân xuống vỉa hè, bước ra đồng ruộng, cởi áo khom lưng mặt đối đất lưng đội trời, để cùng với dân bắt đầu từ mối quan tâm của chính họ. Dân ta đang loay hoay ở chân núi. Đích đến là chóp núi cao xa với mây trời tự do và giấc mơ dân chủ. Nhưng hãy xây dựng từng nấc thang, bước từng bước ngắn, tay nắm tay với từng mong ước nhỏ nhoi của bác nông phu, anh công nhân, chị bán hàng, em chạy gạo. Từng bước nương tựa vào nhau sẽ giúp chúng ta thoát ra khỏi sự sợ hãi để đòi những điều nhỏ nhất liên quan đến đời sống của chính mình. Đòi hỏi cũng là những nấc thang để một ngày không xa, mọi người cùng nhận thức rằng, những đòi hỏi nhỏ, cho riêng mình chỉ có giá trị đích thực bền vững khi mà người dân thực sự làm chủ vận mệnh của đất nước. Và sự làm chủ thực sự này của nhân dân chỉ có được khi tự do, dân chủ được phục hồi trên đất nước Việt Nam.
Nhóm Chủ trương Canh Tân
05 tháng 10, 2005
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 nhận xét:
Bài viết mang tính định kiến hận thù không khách quan vì người viết không nhìn nhận thực trạng . Chế độ VNCH có mang lại gì , đã mang lại gì cho dân tộc ngoài chuyện lệ thuộc xin xỏ phương tây y hệt như Lê chiêu Thống ngày xưa . Nổi nhục mất nước , ý thức vong bản mà phê phán hay sao !!
Người sống qua 2 chế độ
Đăng nhận xét