Lê Tiến Lực
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tác giả của công trình 500KV thời tại vị, cũng là tác giả của một kiến nghị đổi mới cách đây 10 năm, nay vừa ký tên tán phát một bản "Đóng góp ý kiến vào báo cáo tổng kết lý luận và thực tiễn hai mươi năm đổi mới".
Đây là một bản "góp ý" khá công phu, trải rộng từ phạm trù lý luận qua tới kinh tế, xã hội. Công phu đến mức giới quan tâm đã bảo nhau hãy tạm gác qua một bên những nghi vấn về tác giả, hay số người tham vấn cho tác giả của văn bản, và chỉ nên chú tâm vào nội dung của nó. Đặc biệt là nội hàm tích cực của những góp ý trong đó.
Trước tiên, đó là những nhận định khá chính xác về lãnh đạo đảng, xuyên qua thực trạng cùn lụt và lạc hậu về mặt lý luận tư tưởng, mù mờ và bất cập về mặt đề hướng chỉ đạo, lúng túng và rối loạn về mặt quản trị điều hành. Chính xác, nhưng không mới lạ. Ngay cả những nhận định về nguyên nhân đưa tới thực trạng này cũng vậy. Không ai không biết rằng đó là hệ quả của một hệ tư duy công thần độc đảng bên trong một lũy tre kiến thức nông cạn và khép kín đã được lưu cữu lâu đời.
Ý niệm khai phá đầu tiên chính thực nằm ở 3 chữ: "Chuyện Trong Nhà". Tương lai của một đất nước, của một dân tộc, không thể nào được tùy nghi định đoạt bởi một nhúm người nhân danh một chủ nghĩa phá sản, ứng xử bằng tác phong gia trưởng, tự cho phép độc nhất chính mình mò mẫm và cả quyền uy răn đe hay trừng phạt bất kỳ ai nghĩ khác. Quả thật, tiến trình cất cánh của Việt Nam không thể giải quyết theo tập quán khề khà phán ra chỉ thị. Nó phải là sự đồng thuận của nhiều khuynh hướng, trải qua một tiến trình tranh luận cởi mở và tương kính để tìm lấy những điểm chung tối hảo cho dân tộc. Rõ ràng, khả năng cất cánh của Việt Nam được đặt trên điều kiện ban đầu và phải có là một tiến trình dân chủ hóa đa nguyên đa đảng. Giá trị của mọi góp ý tiếp theo cũng sẽ được đo lường dựa trên điều kiện bức thiết này.
Ý niệm thứ hai là việc phân định những "mã số" lỗi thời của một chủ nghĩa đã bị đào thải. Rốt ráo nhất cho cách giải quyết ở đây chính là đừng mất nhiều thì giờ thêm nữa để chứng minh cho nhau rằng đây là cái vòi voi hay cái đuôi voi rất đáng hay rất cần nhân danh ở tầm giai cấp, khi con voi đã chết, thịt da đã rữa. Cũng không nhất thiết phải ra sức gán ghép những ý nghĩa hậu tạo biến thành "luồng tư tưởng" cho bất kỳ một nhân vật nào, hầu níu kéo những say sưa một thời nay đã lạt phai, hay dựa vào cái "kim chỉ nam mơ hồ" đó để đấu đá nhau rằng phe này hay cánh kia chệch hướng. Khi đích nhắm của dân tộc Việt Nam là một tiến trình canh tân toàn diện từ con người đến môi trường và cơ chế của chính mình, thì chẳng có một chủ thuyết ngoại lai nào có thể là cái kim chỉ nam định hướng cho người Việt Nam; và cũng chằng một ai có thể nhân danh bất kỳ công trạng gì để áp đặt điều đó. Khi định hướng đúng đắn và phù hợp nhất với khát vọng của toàn dân là bệ phóng cất cánh của đất nước và thăng hoa của dân tộc, thì cái chệch hướng đầu tiên và sau cùng cần phải điều chỉnh chính là sự khẳng định vai trò lãnh đạo của bất kỳ một đảng nào đó ngay trên hiến pháp. Đồng thời, cũng phải tháo gỡ tức khắc những quan niệm hệ quả của nó là một nền kinh tế nhân danh thành phần chủ đạo (trường kỳ thua lỗ) của chủ nghĩa để tiếp tục bắt thằng què cõng thằng mù tiến vào bối cảnh kinh tế tri thức toàn cầu hóa của thế giới.
Ý niệm thứ ba, không nhất thiết là để ghi công hay đổ lỗi cho một triều đại, nhưng rõ ràng là sự trì trệ của cả đất nước khởi nguồn từ mớ tư duy trì trệ của lãnh đạo, nhân danh bảo vệ đảng, bảo vệ CNXH, để "co kéo, kiềm chế những tiềm lực phát triển". Rất tiếc là những góp ý trong phần này của văn bản chưa có tính rốt ráo và thuyết phục. Giải pháp không hẳn chỉ nhằm lên án bọn tả khuynh hay đồng tình với bọn ít bảo thủ hơn trong cùng một đảng độc quyền, mà phải là một sinh hoạt công khai, cởi mở và minh bạch giữa nhiều đảng phái chính trị có cùng mục tiêu đưa đất nước đi lên chứ không vì vị trí của đảng mình.
Ý niệm thứ tư, hệ quả trực tiếp tại chỗ của độc tài đảng trị, chính là tình trạng của đại khối đảng viên ngày nào còn nhân danh bảo vệ đảng thì ngày đó còn hội đủ điều kiện để đứng trên và đứng ngoài luật pháp. Nói cách khác, chính lãnh đạo đảng đã khuyến khích đảng viên hủ hóa (và tự tiện chà đạp nhân dân) khi tự mình xiển dương chủ trương "vì đảng" như một cứu cánh, và qua đó, tự mình có thể củng cố một thứ vị trí "thái thượng hoàng" cho cá nhân hay bè cánh. Quan niệm này cần phải được gột bỏ tức khắc trước khi hô hào mọi người "sống theo luật pháp", trước cả những cuộc bầu cử đại biểu quốc hội làm luật, khoan nói tới chuyện bàn thảo về một nền dân chủ pháp trị với những cơ chế độc lập và tự thân cân bằng quyền lực với nhau.
Ý niệm thứ năm là nhu cầu vượt thoát ra khỏi tâm thức lệ thuộc sẵn có và kéo dài từ thời Commecon tới nay. Ở cấp vĩ mô, đó là tâm thức phải dựa vào một siêu cường nào đó để có quân viện, kinh viện hay quota xuất khẩu, hoặc tệ hơn, dựa vào đó để chứng tỏ với đảng viên là đảng được sự ủng hộ của thế giới. Ngày nào lãnh đạo còn độc quyền định đoạt thế dựa này, ngày đó Việt Nam vẫn còn là một quốc gia sản xuất gia công cho thế giới, và trong đảng vẫn còn nguyên trăm ngàn thứ cơ sở lý luận để kết án nhau là chệch hướng. Ở cấp vi mô, đó là tâm thức "xin-cho" treo dọc sợi dây vận hành từ trung ương xuống tới địa phương, và là cha đẻ của thái độ vênh vao ban phát ở mọi cấp, kể cả cấp tổ dân phố. Tâm thức lệ thuộc và phản ứng vênh vao này phải được cấp thời chấm dứt. Mỗi người dân và cả đất nước chỉ có thể khá hơn lên khi quyết tâm tự trang bị cho chính mình một tinh thần Tự Lập và Tự Lực để Tự Cường.
Ý niệm thứ sáu, liên hệ tới tình trạng "nhũn não" của đội ngũ chuyên gia, bắt nguồn từ chính sách cán bộ của lãnh đạo, từ trong đảng ra tới ngoài xã hội. Nguyên nhân lớn nhất, cũng là một thú nhận rõ nhất và thẳng nhất của bản văn góp ý này, chính là lãnh đạo hoàn toàn thiếu bản lãnh nên đã phải dựa vào một số điều tự khẳng định mơ hồ như "lịch sử giao phó" và đã "tự lựa chọn mình theo phương pháp khép kín". Có nghĩa là không có ý kiến nào khác, đồng nghĩa với áp đặt. Giải pháp cho tình trạng này là phải tự mở rộng diễn đàn góp ý của chuyên gia và nhân dân, từ những vấn đề đặc thù của địa phương, chuyên biệt của ban ngành..., lên tới mức trưng cầu dân ý về những phương thức giải quyết các vấn nạn xã hội, đất nước. Đội ngũ chuyên gia hiện giờ không ít, cũng không thiếu kiến năng hay lương tri, chính là thành phần mũi nhọn tiên phuông trợ giúp cho lãnh đạo mở rộng tầm nhìn và khả năng quyết đoán. Quyết đoán cần kíp nhất là cổ võ sinh hoạt đa nguyên.
Ý niệm thứ bảy liên hệ tới tập quán chính trị thụ động hai chiều, của cả thiểu số cai trị lẫn đại khối bị trị hiện nay: một bên cố nhân danh công lao và bạo lực cách mạng để giữ quyền làm sai; và một bên nhẫn nhục lo thân bên dưới áp suất của bạo lực giăng mắc, chỉ lo cái riêng mà xa dần những thảm nạn chung do bởi các chính sách sai lầm đó. Tóm gọn, cả hai phía đều cần gia tăng sức hiểu biết và sự hành xử đúng đắn về trách nhiệm và quyền hạn của mỗi người. Khởi đầu phải là những hiểu biết căn bản về Ý thức Dân Chủ của người dân, kế tiếp là nỗ lực xây dựng Môi Trường Dân Chủ của xã hội, và sau cùng mới là thiết kế những Cơ Chế Dân Chủ của quốc gia. Nhân quyền và Dân quyền sẽ được tôn trọng và bảo vệ từ đó, cả hai phía. Muốn vậy, bưng bít thông tin phải là chính sách cần được triệt tiêu trước tiên.
Nhìn chung, ngoài bảy ý niệm đáng kể bên trên, bản văn góp ý chỉ liệt kê thêm những điểm nhỏ là hệ quả trực tiếp hoặc gián tiếp của nó. Những điểm đáng ghi nhận nơi đây là:
Thứ nhất, bảy ý niệm này được nêu lên như một nỗ lực tập hợp từ những nhân tố từng bức xúc trăn trở dài hạn, nghĩ suy cặn kẽ, cân nhắc kỹ lưỡng, trước khi chọn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm người ký tên bản văn góp ý.
Thứ hai, những người có điều kiện đề xuất tới ông Kiệt không thể có nhiều, ở cả hai mặt khả năng lẫn sự tin cậy, nhưng là phần nổi nhỏ bé bên trên một tảng băng khổng lồ của giới quan tâm.
Thứ ba, các đề xuất này ngày càng được nhiệt tình đón nhận và nhân sâu lan rộng trong giới quan tâm mà tự nó cũng phình nở, đặc biệt ở trang lứa U50 và U40 đang nắm giữ hầu hết các vị trí trung tầng trong guồng máy nhà nước hay ngoài thương trường.
Thứ tư, đó đây trong bản văn, người đọc có thể bắt gặp những điểm không đồng ý (một phần hay hoàn toàn), nhưng tựu chung, nhiều người vẫn thừa nhận rằng đây là một khởi điểm khá tốt cho những trao đổi, chia sẻ sâu hơn vào từng vấn đề. Cái gốc của đa nguyên nằm ở tiến trình chia sẻ đó.
Sau cùng, tranh đấu cho những ý kiến này biến từ chữ viết trở thành hiện thực sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực không ngừng và một quyết tâm cao độ. Không loại trừ xác suất biến từ những nắm tay trên giấy thành những nắm tay trên đường phố, hiệp lực cùng nhiều thành phần khác để quyết đòi cho bằng được những điều kiện thăng tiến cho chính mình và tương lai đất nước.
05 tháng 10, 2005
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét