05 tháng 11, 2005

Lệ Đá (CT18)

Trần Nam Khoa


Ngày 31/10/2005 vừa qua, sự kiện Tượng Đức Mẹ Maria khóc đã chấn động nhiều người. Mặc dù công an thành phố ngăn cản và linh mục Huỳnh Công Minh "khuyên can", hàng ngày đã có rất đông người kéo nhau về đây chiêm bái, cầu nguyện.

Hiện tượng lạ này đã thu hút sự chú ý của đông đảo đồng bào ta, dù là lương hay giáo, vốn cũng có một lòng thành kính đối với Đức Mẹ Maria. Lòng thành kính này không phải mê tín dị đoan như những luận điệu của đảng và nhà nước, mà nó phát xuất từ niềm hy vọng, cậy trông vào một sự an ủi, phù trợ nào đến từ một người Mẹ thiêng liêng ở cõi Trời. Hiện tượng có một vệt trắng xuất phát từ khóe mắt bên phải của tượng Đức Mẹ, chảy dài xuống cằm như giòng nước mắt của người đang khóc, cần được làm sáng tỏ. Đó là lý do khiến Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Sài Gòn đã gửi một lá thư chung ngày 4/11/2005, thông báo sẽ thành lập "một ban có trách nhiệm tìm hiểu, nghiên cứu thấu đáo về hiện tượng trên". Công việc "tìm hiểu, nghiên cứu" của ban này chưa khởi sự thì đảng và nhà nước đã tận tình giúp đỡ ủy ban với 2 xe bồn phun nước cố ý rửa sạch vệt trắng trên mặt tượng Đức Mẹ. Nhưng vệt "nước mắt" vẫn còn nguyên vẹn.

Còn nhớ, ít lâu sau khi bức tường Berlin bị phá sập, có một cô bé leo lên những bậc thang trước tiền đình Quốc Hội nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức cũ, lần theo mấy cây cột đó, lấy tay sờ lên những vết đạn của cuộc Thế Chiến Thứ Hai còn sót lại trên những phiến đá. Được hỏi, cô bé trả lời "Em đang hỏi chuyện những phiến đá này!". Cô bé nói: "Em hỏi đá là bị nhiều vết đạn như thế này, đá có đau không ? Đá không trả lời. Nhưng đá đã kể cho em nghe những gì đá đã chứng kiến trong chiến tranh, lúc em chưa sinh ra, với bao nhiêu người chết, bao nhiêu đá gạch đã đổ vỡ và đá đã khóc...". Lúc đó, ai cũng nghĩ cô bé giầu óc tưởng tượng. Nhưng về sau, người ta mới thấm thía. Con người đối xử với con người tàn tệ đến nỗi gỗ đá còn phải đau lòng. Nhớ lại câu chuyện cô bé mà thấy hiện tượng "Đức Mẹ Nhà Thờ Sài Gòn Khóc" cũng chẳng có gì là lạ.

Tượng Nữ Vương Hòa Bình đã được dựng lên mấy chục năm qua và đã chứng kiến muôn vàn khổ đau của dân tộc Việt Nam. Khổ đau trong chiến tranh. Khổ đau sau chiến tranh. Mẹ đã nhìn thấy bao vành khăn sô trên đầu hàng triệu mẹ góa con côi. Mẹ đã thấy biết bao cảnh gia đình tan nát, chiếu đất màn trời, bao mảnh đời bơ vơ lưu lạc. Mẹ đã thấy người người thất thểu từ trại tù cải tạo trở về thành phố, không còn nơi tá túc. Mẹ đã thấy bao em bé bán vé số, lang thang, bụi đời, dẫn ông bà đi ăn xin ngay dưới chân Mẹ. Mẹ cũng đã thấy xã hội ngày càng băng hoại, con người không còn đối xử với nhau bằng tình bác ái. Mẹ cũng đã nhìn thấy biết bao tệ nạn xã hội, bao nhiêu tội lỗi ngày càng tràn lan. Mẹ khóc là phải. Vì Mẹ là Mẹ của Tình Yêu. Phiến đá vô tri ở Berlin còn biết khóc, huống hồ là Mẹ.

Cứ cho là Đức Mẹ đã hiển linh bằng một dấu chỉ là giòng nước mắt chảy dài trên má tượng Mẹ. Thử hỏi tại sao Đức Mẹ khóc? Phải chăng vì thương con cái Việt Nam lầm than cực khổ vì đang bị kẻ ác thống trị? "Hãy tự giúp mình rồi thì trời sẽ giúp cho". Chạy tới Mẹ để tôn kính, để cầu nguyện là điều hiếu thảo. Chạy tới Mẹ cũng còn chứng tỏ là con cái còn đang mong chờ một cái gì mà họ không tìm thấy. Phải chăng đó là tự do, hạnh phúc? Nhưng chỉ cầu nguyện rồi không làm gì để cải tiến nếp sống của chính mình thì Mẹ cũng không giúp được gì cho mình cả. Con người được sinh ra có tự do. Chính Chúa và Đức Mẹ cũng phải tôn trọng sự tự do đó. Bao lâu con người không thể hiện được quyền tự do thiên phú của chính mình mà lại chấp nhận để kẻ ác tước đoạt tự do của mình và không tìm cách đòi lại, thì Đức Mẹ sẽ còn buồn. Mẹ khóc là thế đó.

Không có nhận xét nào: