05 tháng 2, 2005

Nửa Thế Kỷ - Một Ngày Hội Lớn (CT9)

Lữ Triệu Phong


Sau cùng, nhân dân Iraq đã nô nức xuống đường mà không hề bị lùa như trong nửa thế kỷ qua. Ở cấp độ cơ chế quốc gia, bức tường độc tài ở đây đã vỡ hẳn. Lần đầu tiên trong suốt 50 năm dài, nhân dân nước này đã cho vào thùng phiếu những lá phiếu tự do của mình. Không một ai buộc họ phải đi bầu. Không một ai tổ chức “học tập” cho họ trước đó. Không một ai buộc họ phải đầu phiếu cho người này hay gạch tên người khác. Lá phiếu của mỗi người phản ánh trung thực ý kiến chọn lựa của chính họ. Bất chấp những lời đe dọa của phiến quân Hồi giáo cực đoan sẽ thu gom mạng sống của những ai đi bầu, bất chấp những kẻ ôm mìn tự sát phá hoại các địa điểm đầu phiếu, bất chấp cả các tiếng nổ ì ầm bom đạn từ ngoại ô vọng về thành phố, những hàng người nối nhau như trẩy hội, ngẩng mặt thách thức quân khủng bố bằng lá phiếu của từng người và bằng tổng số người xuống đường bỏ phiếu cao hơn cả tỷ lệ cử tri đi bầu ở Mỹ. Con đê sợ hãi cũng đã vỡ toang.

Có những người tàn phế đi bầu trên chiếc xe lăn của họ. Có những người tàn tật được thân nhân cộ đi bằng xe đẩy hàng. Có những cụ già được con cháu cõng trên lưng đến phòng phiếu. Có những tráng niên địu ẵm con thơ, dắt dìu bố mẹ…. Có những em bé thức sớm để nhắc nhở và hối thúc mẹ cha: “Hôm nay là ngày bầu cử!”. Có người nức nở: “Tôi đã ôm hôn thùng phiếu. Đây là một lễ hội. Đây là một bước ngoặt và là một bước tiến đúng hướng để dẫn tới độc lập”. Có người mang kẹo bánh đến biếu tặng các nhân viên phòng phiếu. Có những quân nhân đã dán hẳn tờ cổ động đi bầu nhiều màu rực rỡ lên trên báng súng. Có người luôn miệng chúc lành cho các toán lính bảo vệ địa điểm bỏ phiếu: “Thượng Đế sẽ ban phước lành cho bạn”. Có người đã nhảy múa sau khi bỏ phiếu. Còn trẻ em thì vui đùa biến các sân phòng phiếu thành chỗ đá bóng….

Và, cảm động biết mấy, hàng triệu phụ nữ Ả-rập, từ tuổi thanh niên đến trang phụ lão, lần đầu tiên được biết tới những thao tác bỏ phiếu, lần đầu tiên được thưởng thức mùi vị tự do và bình đẳng, lần đầu tiên được hành xử một quyền căn bản của con người trong cộng đồng nhân loại. Cụ bà Fathiya Mohammed ở thành phố Askan đã bảo: “Đây mới thực là dân chủ. Đây là ngày đầu tiên trong đời tôi cảm thấu được sự tự do”. Ở thành phố Irbil, bà Fatima Ibrahim, năm 14 tuổi đã lấy chồng, trăng mật chỉ được non 3 tháng thì chồng bà bị chế độ bắt đi biệt tích cùng với người cha và mấy anh em trai, hiện rất hãnh diện về vết mực tím trên ngón tay trỏ được đánh dấu là đã bỏ phiếu, hân hoan phát biểu rằng: “Bây giờ tôi mới thực sự nghĩ rằng chế độ Saddam Hussein đã vĩnh viễn sụp đổ”. Bà Batool Al Musawi ở thành phố Baghdad, khi nghe tiếng súng cối vào buổi sáng bầu cử, đã giải thích: “Lúc đó, những tiếng nổ đã làm tôi chợt nảy ra ý nghĩ rằng bọn khủng bố đã yếu, chúng sợ dân chủ, chúng đang thua. Bởi vậy, tôi đã giục chồng tôi, ba mẹ tôi, và chúng tôi cùng đi bỏ phiếu với nhau một lượt”.

Không hẳn là tất cả những cụ già và thanh niên nam nữ đó đều đã được nghe qua lời khẳng định của vị tổng thống Mỹ trong bài diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ 2 trước đó chỉ hơn một tuần: “Chúng ta không chấp nhận sự tồn tại vĩnh viễn của các chế độ chuyên chế bởi chúng ta không chấp nhận tình trạng nô lệ tồn tại vĩnh viễn. Tự do sẽ đến với những ai yêu quý nó”. Nhân dân Iraq, cũng như nhiều dân tộc bị áp bức khác, tự họ đã đề kháng nhiều năm với một chế độ độc tài trên đất nước mình, bất kể là độc tài cộng sản hay không cộng sản. Tự họ đã thực sự yêu quý tự do một cách trân trọng, khát khao. Tự họ đã bày tỏ lòng yêu quý này bằng sự can đảm phá vỡ con đê sợ hãi, ngay trong lòng mỗi người. Bức tường Bá Linh cũng từng sụp đổ bắt đầu bằng ý chí và lòng dân. Ông Shamal Hekeib, 53 tuổi, cùng vợ đi bộ 20 phút để tới phòng phiếu ở phía Nam thành Baghdad, đã bảo rằng: “Chúng ta là người Ả-rập, chúng ta không sợ hãi và chúng ta không hèn nhát!”. Bà Alaa Abed Mehdi, 27 tuổi, ngắm nhìn dòng người đi bầu từ phía trong cửa sổ trong lúc tai nghe tiếng súng cối ầm ì quanh vùng, đã chợt thốt lên rằng: “Đó là một cảnh quan đáng kinh ngạc. Tôi không bao giờ chờ đợi được thấy một khung cảnh tương tự như vậy. Nó khiến tôi tự hỏi mình còn chờ gì nữa mà không đi bầu?”. Trong khu vực mệnh danh là khu Tam Giác Sunny do phiến quân khủng bố kiểm soát, giáo viên cấp 3 Jaffer Nima Kateeb, 45 tuổi, rời nhà để đến phòng phiếu, đi ngang qua những khu láng giềng có những đám đông tụ tập mà ông biết trong đó có cả những cựu nhân viên mật vụ của Saddam ngày trước đang liếc xéo, nên ông quay trở về nhà. Nhưng ít lâu sau đó, ông lại xuống đường đi đến phòng phiếu, trong lòng nhủ thầm một lời khích lệ của người anh ông: “Họ không thể giết hết mọi người!”. Còn gia đình hàng xóm của ông thì kéo hết cả nhà đi ngờ ngờ: “Tôi bất chấp. Vụ bầu cử này làm tôi thấy quá vui”. Cũng trong khu vực này, ông Abed Hunni đã cùng vợ đi bộ hơn cây số để tới phòng phiếu Musayyib với ý nghĩ bật ra thành lời: “Thượng Đế đã hào phóng ban cho chúng ta được ngày hôm nay”.


Không chỉ Thượng Đế. Với lá phiếu trên tay, cứ nghĩ như bà Batool Al Musawi vừa kể, thì khi bỏ phiếu vào thùng, nhân dân đã chính thức bàn giao sự sợ hãi qua cho đám thiểu số hiện đang níu giữ bạo lực.

Hội Đoàn trong Phát Triển (CT9)

Lê Trực


Kể từ thời dựng nước, Việt Nam đã trải qua gần năm chục thế kỷ bị thường trực đe dọa mầm xâm lược từ phương Bắc với tổng cộng cả ngàn năm Bắc thuộc và cả trăm năm Pháp thuộc. Nhưng, đất nước và dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại trên mặt đất. Nhờ đâu? Có nhiều yếu tố đáng kể. Đáng kể hàng đầu phải là tinh thần quần tụ cộng đồng, thấy rõ nhất là khi phải đối diện với thiên tai và địch họa. Không ai bảo ai, chiến đấu với thiên nhiên và kẻ thù xâm lược phải bắt đầu bằng tinh thần đoàn kết. Đoàn kết từ cấp thôn xã tới cấp quốc gia. Đoàn kết từ các tảng đất đắp đê cho tới những đầu gậy Diên Hồng. Đoàn kết bằng ý chí đấu tranh và bằng kỷ luật tuân thủ nguyên tắc lãnh đạo chỉ huy. Đoàn kết đã trở thành tập quán sinh hoạt của người Việt, từ năm ngàn năm trước. Đoàn kết chính là chất keo gắn liền những trang sử vẻ vang của dân tộc và sự tồn tại của quốc gia. Rõ ràng: Quốc gia không phải được hình thành để chia chác những vinh quang bổng lộc, mà nó hình thành để các cộng đồng dân cư cùng sẻ chia những khó khăn và thử thách.

Các cộng đồng dân cư đã cùng nhau tổ chức hóa quốc gia từ thời dựng nước và liên tục làm cho đất nước phát triển. Mặt khác, nó giữ một vai trò quan trọng trong cả việc quân bình hóa sinh hoạt tinh thần lẫn vật chất của chính những cộng đồng dân cư đó. Lòng tự tin của nhân dân ngày một nâng cao và khoảng cách giàu nghèo cũng được giảm thiểu khi sinh hoạt cộng đồng nảy nở lành mạnh dưới nhiều hình thái khác nhau, gần gũi nhất là các hội đoàn. Vì sao? Bản chất thực sự của đói nghèo là do sự bất bình đẳng về quyền lực, nguyên nhân chính gây ra sự bất bình đẳng về cơ hội. Nhất là khi mà trong xã hội, tính minh bạch cùng trách nhiệm giải trình không được coi trọng, thì cơ hội tiếp cận hoàn toàn thuộc về giới quyền chức, tất yếu làm giới hạn quyền được thăng tiến của một bộ phận lớn nhân dân. Một cơ chế xã hội càng tạo ra nhiều sự bất bình đẳng về quyền lực thì sẽ khiến cho tình trạng chênh lệch nghèo càng trở nên trầm trọng. Sinh hoạt hội đoàn sẽ làm gia tăng trọng lượng tiếng nói của các cá nhân đơn lẻ, khiến người nghèo không dễ dàng bị gạt bỏ bên lề cuộc đua thăng tiến. Sinh hoạt hội đoàn còn giúp cho tập thể những người yếu kém trong xã hội có chỗ tựa để nâng cao vị thế của mình, khả dĩ tạo được sự tôn trọng cũng như sự quan tâm của những thành viên khác trong xã hội, đặc biệt là từ nhà cầm quyền.

Thực tế Việt Nam trong những năm qua cho thấy người dân nghèo không được quan tâm đúng mức và họ càng trở nên nghèo đói trong một xã hội đang chuyển biến với vô vàn cơ hội. Khi trở nên yếu thế và dễ bị tổn thương, các cơ hội về quản lý và khai thác tài nguyên của họ cũng trở thành không đáng kể. Nếu được tham gia vào các tổ chức nhất định như hội, đoàn, tổ, nhóm vv.. người dân sẽ có điều kiện được quản lý nguồn tài nguyên của mình tốt hơn. Vừa có lợi cho đất nước, lại vừa giúp cho họ vượt khỏi ngưỡng đói nghèo. Thực tế đã chứng minh là khi có nhiều cộng đồng dân cư ven biển cũng như ven rừng đứng lại với nhau trong một tổ chức, họ sẽ có cách cùng nhau bảo vệ và khai thác hiệu quả hơn nguồn lợi tự nhiên của biển và rừng. Nhiều dự án dựa vào cộng đồng và lấy nhóm cộng đồng dân cư làm định hướng phát triển đã chứng minh sự thành công vượt trội trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Trong sinh hoạt tổ, nhóm, hội, đoàn… các thành viên đều coi đó như những diễn đàn bình dân và bình đẳng mà họ có thể thoải mái phát biểu, cùng sẻ chia những kinh nghiệm thành công hay khó khăn của riêng mình cho toàn nhóm lấy làm kinh nghiệm chung. Năng lực của từng người và cả nhóm từ đó sẽ gia tăng. Kỹ thuật giải bày ý kiến cũng thằng thắn và trung thực đủ để mỗi người trau dồi khả năng nâng cao nhận thức và biểu đạt quan điểm. Mỗi cá nhân trong các hội, đoàn đó đều thấy ra: Trong một xã hội ngày càng đòi hỏi cải tiến liên tục phương thức làm việc tập thể, thì hiệu quả của việc tập trung trí tuệ và năng lực đã khiến cho vai trò và chức năng của những tổ chức cộng đồng quần chúng tự lập càng có ý nghĩa quan trọng.

Trong một đất nước mà quyền lợi của Nhân dân được tôn trọng và bảo vệ thì các hội đoàn sẽ là những tổ chức trung gian đóng vai trò tích cực trong việc củng cố Chính quyền và là phương tiện chuyển tải những chính sách của Nhà nước đến với nhân dân. Như vậy, rõ ràng: Các hội đoàn là một bộ phận tất yếu của xã hội dân sự. Để giữ đúng chức năng bảo vệ quyền lợi của các thành viên, các hội đoàn này có thể ẩn mình trong quan hệ với Nhà nước, song ở nhiều lúc và nhiều nơi cần thiết, nó có khả năng thể hiện qua các tập hợp hoặc liên minh độc lập trong vai trò trung gian chuyển tải nguyện vọng của Nhân dân với Nhà nước. Ngược lại, trong một đất nước mà quyền lợi chỉ tập trung vào tay của một nhóm người lãnh đạo cố níu giữ độc quyền kinh tế xã hội, thì sinh hoạt của các tổ, nhóm, hội, đoàn… sẽ trở thành những diễn đàn tích cực của nhân dân để giải tỏa phần nào tính độc quyền ở hạ tầng cơ cấu, tiến dần tới việc giải tỏa nguồn gốc sinh ra những đặc quyền đặc lợi ở nhiều tầng cấp. Mặt khác, những sinh hoạt kết đoàn đích thực của nhân dân nói trên cũng sẽ dần dà quân bình hóa hay thăng tiến hóa hoạt động của những tổ chức quần chúng đang nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ mà thiếu hiệu quả hiện nay. Nói cách khác: Muốn thực thi khẩu hiệu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, nói chung là muốn đất nước phát triển, thì tất yếu là phải đẩy mạnh việc hình thành một xã hội dân sự, bằng cách nâng cao vai trò của những bộ phận tất yếu của xã hội dân sự là các hội đoàn. Nhân dân chúng ta hãy tận lực giúp nhau và giúp Nhà nước phát huy tối đa mọi hình thái Sinh Hoạt Hội Đoàn, bắt đầu là ngay tại địa phương mình.

Giáo Dục và Y Tế: Những Chỉ Dấu Báo Động (CT9)

Long Tuyền


Ngày 3 tháng 12, 2004 Quốc hội Việt Nam ban hành nghị quyết số 41/2004/QH11 nêu lên tầm quan trọng của năm 2005 là năm cuối của kế hoạch 5 năm 2001-2005 và đặt ra một số chỉ tiêu và nhiệm vụ chính phải thực hiện trong năm nay.

Các chỉ tiêu vĩ mô được đề nghị ra có đặc điểm chung là nhiều tham vọng, tuy không đến nỗi trở thành hão huyền. Chẳng hạn như mức tăng trưởng của Tổng Sản Phẩm phải gia tăng 8.5%. Trong khi năm 2002 hoặc năm 2003 đạt khoảng 7%, và các dự trù lạc quan nhất cho 2005 cho thấy sẽ khó vượt 7.5%. Chỉ số giá tiêu dùng sẽ phải tăng dưới 6.5%, trong khi chỉ số này tăng khoảng 8% trong năm 2004, và trong khi những yếu tố có tác dụng làm vật giá gia tăng như sự việc tiền VN xuống giá so với đồng Mỹ Kim, giá nguyên liệu nhập khẩu cao, giá gạo gia tăng, cầu trong nước mạnh... có nhiều xác suất sẽ tồn tại trong năm 2005. Những chỉ tiêu còn lại là: Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu dinh dưỡng sẽ phải giảm xuống 25%, từ 30% hiện nay. 1.6 triệu việc làm mới phải được cấu tạo, trong đó xuất khẩu lao động 70000 người. Số học sinh học nghề tăng 12%. Tỷ lệ hộ nghèo phải giảm xuống dưới 7%. Tỷ lệ sinh giảm 0.4 phần ngàn.

Sau phần ấn định chỉ tiêu, Quốc Hội đã kê khai 10 nhiệm vụ và giải pháp chính phải hoàn thành để đạt được các chỉ tiêu đưa ra. Các nhiệm vụ này trải rộng trên mọi lãnh vực. Nhiệm vụ 1 đề cập tới việc đổi mới công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, củng cố doanh nghiệp nhà nước, chủ động chính sách tiền tệ, cố gắng tăng thu. Nhiệm vụ 2 nhấn mạnh về nâng cao chất lượng đào tạo nghề, điều chỉnh chi tiêu về đói nghèo, kềm chế tỷ lệ tăng dân số qua công tác tuyên truyền, ban hành pháp lệnh dân số, tăng cường quản lý nhà nước về viện phí, giá thuốc. Nhiệm vụ 3 liên quan tới việc nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ trẻ em. Nhiệm vụ 4 nêu lên việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Nhiệm vụ 5 liên quan tới các chương trình phát triển kinh tế xã hội ở miền núi và các vùng có đông các sắc tộc thiểu số cư ngụ. Nhiệm vụ 6 nói tới nhu cầu củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, phối hợp giữa quân đội và công an. Nhiệm vụ 7 nhấn mạnh về sự ổn định quan hệ lâu dài với các nước láng giềng trong khu vực, đồng thời mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế, vận động người Việt Nam ở nước ngoài, chuẩn bị và bảo đảm các điều kiện để hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiệm vụ 8 đề cập tới nhu cầu cải tổ guồng máy công lý, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, kiện toàn và nâng cao chất lượng cán bộ tại các cơ quan tư pháp, phát hiện và xử lý nghiêm các vụ tham nhũng. Nhiệm vụ 9 liên quan tới việc bảo đảm quyền lợi của người dân, giải quyết các vụ khiếu nại tồn đọng, ban hành chính sách đền bù nhất là trong việc thu hồi đất của dân. Nhiệm vụ 10 nêu lên nhu cầu đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính.

Nói chung, những nhiệm vụ để lộ những thiếu sót kinh niên của cấp lãnh đạo trong việc mang lại phúc lợi cho người dân VN; guồng máy hành chính vẫn rườm rà và thư lại; tham nhũng vẫn hoành hành; hệ thống tư pháp vẫn bị cơ quan hành pháp chi phối; luật lệ vẫn thiếu minh bạch và tròng tréo nhau. Bên cạnh những khó khăn cố hữu này, người ta còn thoáng thấy một số chỉ dấu báo động cho nguy cơ mới.

Trước hết, dân số gia tăng nhanh chóng hơn dự trù! Theo kế hoạch 5 năm 2001-2005 thì đến năm 2005, nước VN sẽ có khoảng 83 triệu người, trong đó ở nông thôn khoảng 60 triệu và ở thành thị 23 triệu. Trong thực tế, thì dân số gia tăng khoảng 83.3 triệu người, trong đó 21.5 triệu ở thành thị. Thành ra người dân không rời bỏ nông thôn để vào thành thị đông như dự trù, khiến vấn đề khiếm dụng và thất nghiệp ở nông thôn thêm trầm trọng. Nghị quyết số 41 này nhấn mạnh rằng 1.6 triệu việc làm cần được cấu tạo trong năm 2005, trong khi con số thường được các bản báo cáo khác nhau nêu lên trước đây là 1.2 triệu.

Tuy chưa hết 5 năm của kế hoạch, nhưng có thể nói rằng các chính sách về phát triển xã hội không đạt được kết quả, đặc biệt là trên các mặt giáo dục và y tế. Đối chiếu với Tổng Sản Phẩm, tỉ lệ chi tiêu về giáo dục còn thấp kém so với các quốc gia cùng trình độ phát triển. Đối chiếu với ngân sách Nhà Nước, thì thấy rằng tỉ lệ này suy giảm mỗi năm. Bên cạnh những con số cho thấy số trẻ em ghi danh tiểu học có gia tăng từ 88% năm 1998 lên tới 91% vào năm 2002, thì ai cũng thấy việc giảm thiểu con số 9% còn lại khó vô cùng. Một nửa trẻ em ở tuổi tiểu học không được đến trường thuộc các sắc dân thiểu số, nửa còn lại là các em bị khuyết tật, hay không có gia đình sống lang thang đầu đường xó chợ. Các vùng núi Bắc Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long là những vùng tập trung đông trẻ em ở tuổi tiểu học mà không được đến trường. Thành ra việc "phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa" nêu ra trong kế hoạch 5 năm có thể kết luận ngay rằng không thành công. Chi tiêu giáo dục của Nhà Nước dành cho 20% thành phần giàu nhất trong dân số (trung bình 859 000 đồng) đáng kể hơn là cho 20% thành phần nghèo nhất (trung bình 837 000 đồng).

Sang tới các chỉ tiêu y tế, thì tính cách tụt hậu về phương diện xã hội này càng thêm rõ nét: 26.9% của các chi tiêu của Nhà Nước dành cho 20% thành phần giàu nhất, trong khi 13.5% dành cho 20% thành phần dân số nghèo nhất. Những bất bình đẳng về chi tiêu y tế giải thích tại sao có nhiều chênh lệch giữa các chỉ số y tế của các vùng và các sắc tộc. Tử suất của trẻ sơ sinh tại miền núi Bắc bộ cao gấp 4 lần miền Tây Nam (41 phần ngàn so với 11 phần ngàn), cũng như giữa những hộ mù chữ và những hộ được học xong trung học (58.6 phần ngàn so với 13.2 phần ngàn).

Thông thường, công chi về y tế và giáo dục là phương tiện tốt nhất để làm giảm thiểu các chênh lệch xã hội và mang lại cho các thành phần khốn khó nhiều cơ hội hơn để cải thiện cuộc sống cho chính mình và cho con cái của mình. Một chính sách giáo dục và y tế nhằm hỗ trợ cho các thành phần đang được ưu đãi nhất trong xã hội, thay vì nâng đỡ các thành phần yếu kém thiếu may mắn, hiển nhiên là có tính cách phản xã hội và có tác dụng làm cho các chênh lệch thêm trầm trọng giữa những thành phần nhân dân. Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa tiêu xài như vậy thì sự việc xã hội Việt Nam càng ngày càng thêm phân hoá ắt là điều khó tránh khỏi và tương đối dễ hiểu thôi!

Đoạn Trường, Âu Cơ (CT9)


Trịnh Thị Hoài

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này...

1. Tối. Ngoài trời thiếu ánh trăng. Nam và những người đàn ông đã rời hang động từ mờ sáng. Trong cái rét căm căm, những người đàn bà quây quần bên nhóm lửa. Lạnh và đói. Mùa đông sắp tàn thì lương thực cũng cạn dần. Hơn bao giờ hết cuộc sống của tôi phụ thuộc hoàn toàn vào Nam và những người đàn ông hang động. Họ có cái mà tôi không có: sức mạnh để sống còn. Tôi có cái mà họ không có: nét đẹp của người đàn bà. Tôi nhìn ra ngoài mong ngóng. Đói và lạnh.

2. Trăng đã tròn. Những người đàn ông đang ồn ào nướng thịt. Chúng tôi ngồi trong góc tối yên lặng nhìn. Sau khi họ no nê, những người đàn bà sẽ chia đều phần sót lại. Nhóm lửa đã thành tro. Nam, sau khi hung bạo, thèm muốn với tôi, đã lăn ra ngủ như những người đàn ông khác. Tôi biết đây là nghĩa vụ của tôi. Những lúc đó, tôi có cảm giác của một cục đất.

3. Mặt trời ngột ngạt dưới đám mây đen. Mười ngày sau lần trăng tròn thứ chín. Nỗi đau quặn thắt từng cơn. Tôi nghe tiếng mẹ tôi và các chị nói bọng nước tôi đã vỡ. Tại sao những người đàn bà phải chịu cái cực hình khủng khiếp này. Tiếng mẹ tôi văng vẳng: cầu cho nó là con trai. Tôi lả người đi khi tiếng oe oe đầu đời của con tôi cất lên. Trong ràn rụa nước mắt tôi ôm đứa con trai vào lòng. Mặt trời đỏ au chiếu chỗ tôi nằm.

4. Buổi sáng. Rừng cây đã vàng lá. Chúng tôi đã rời khỏi hang động và sống trên những chòi cao. Cu Nam không còn quấn quít nhiều bên tôi nữa. Cha nó hằng ngày dẫn nó đi tập săn thú, làm chòi. Nó đã rời khỏi vòng tay tôi để tập làm đàn ông. Mẹ tôi nói đó là định mệnh của chúng tôi. Chúng tôi tiếp tục ngồi nhìn bóng mình, hoài vọng bước chân trở về của những người đàn ông.

5. Ngày thứ hai. Rừng cây trụi lá. Tôi sửa soạn hàng gánh ra chợ. Nam đã dọn xong mảnh đất cho mùa gieo mạ tháng tới. Đó là lúc mà tôi có thể phụ giúp cho Nam trong công việc đồng áng. Tôi cảm thấy mình không hoàn toàn là cái bóng của Nam nữa mặc dù tôi vẫn không được quyết định điều gì quan trọng trong gia đình. Tôi vẫn chỉ là người đàn bà đẹp với bộ óc thông minh chưa tự mình làm ra được áo cơm.

6. Mùng sáu, tháng thứ hai, năm Quý Mão. Dọc theo giòng sông Hát trắng một màu áo. Tôi ngồi xếp lại bộ quần áo lụa vàng lấm tấm máu. Tiếng voi trận còn văng vẳng như lúc thân xác tôi và em tôi chìm dần xuống giòng sông phẫn nộ sóng. Đất nước tôi lại trở về với bóng tối. Tôi lại trở về với chiếc bóng của tôi. Nhấp chén nước vối chát đắng tôi nghe có vị lạ thường. Nước sông Hát hôm nay sao mặn.

7. Nam đem về nhà thêm một người đàn bà khác. Tôi không còn khóc lóc, vật vã mình như những lần trước. Lợi ích gì khi phải làm khổ những người đàn bà vốn đã khổ hơn tôi. Tôi nhận thức được cái vòng tròn oan nghiệt vĩnh định của chúng tôi. Đè nén nỗi ghen tức và thù hận người cha của các con tôi trong ngăn kín, tôi tập yêu thương những người đàn bà của Nam. Sau hiên nhà, gió tru tréo qua từng chiếc lá chuối rách.

8. Tháng Tám. Mùa Thu. Tôi khan cổ khi viên đạn phá nát cái đầu gục xuống của già Nam. Tôi la hét những điều gì đó về một thế giới đại đồng, chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp. Tôi tru tréo tưởng tượng những tội ác bóc lột của tên điền chủ già nua. Đứng trên cái xác không hồn, tôi thấy chân dung những gã đàn ông trần truồng hang động. Về nhà, trong căn phòng tối có những mảnh vải màu đỏ, Nam bế con, liếc mắt nhìn tôi e ngại.

9. Mùa hè. Gió nồm thổi bỏng mái tranh. Tôi sửa lại từng chiếc khăn tang trên đầu những đứa con sống thiếu cha từ lúc sinh ra đời cho đến khi tin dữ hốt hoảng về từ bên kia bờ Thạch Hãn. Trên những khuôn mặt thơ dại đó, tôi thấy Nam, thấy những giòng sống mải miết trôi ra biển. Đốt nén nhang cho một đám ma không xác, tôi hỏa táng niềm mơ ước của tôi và hạ huyệt chôn sâu hoài vọng của tôi về một thiên đường vô tăm tích.

10. Biển. Những ngọn sóng cuồng nộ đè cuốn thân tôi. Áo quần nồng mùi nôn mửa bị xé toạc bay theo gió. Tiếng gào của con gái tôi đứt khoảng và thưa dần. Tôi nhắm mắt, tôi che ngực, tôi kẹp chân. Đám mây đen hôi hám ập xuống thân tôi mang theo tiếng sét đâm ngút sâu vào tâm não. Tên hải tặc Thái Lan đứng dậy. Mở mắt, nhìn qua cái háng của gã đàn ông, tôi bắt gặp ánh mắt thẫn thờ tuyệt vọng bất lực của Nam từ những người đàn ông trên tàu. Tôi không còn nghe tiếng con gái tôi khóc nữa.

11. Buổi sáng. Chủ Nhật, đầu tháng, năm 2000. Mỗi ngày, tôi lầm lì với công việc đều đặn của một công nhân nô lệ. Tên chủ người Đài mắt hí nhưng nhìn rõ được cái ưu điểm cần cù, nhẫn nại và chịu nhục của những món hàng xuất khẩu lao động Việt Nam. Hắn đâu biết rằng chúng tôi còn có khả năng thu xếp, điều hành, tính toán chi li thần kỳ. Hắn đâu biết trong đời sống của chúng tôi, nhét hết mọi chuyện từ chồng con, bếp núc, tiền bạc, nhà cửa, công việc làm vào mười tám tiếng đồng hồ hết năm này qua tháng khác đã đào luyện cho chúng tôi một khả năng điều hành rất hữu hiệu.

12. Thứ Bảy. Tối. Tôi đang là giám đốc điều hành cho một công ty sản xuất máy vi tính. Bên ngoài, cơn mưa đầu mùa đã nhẹ hạt với tiếng hò văng vẳng từ bên kia sông Hương vọng lại. Thành phố lặng yên sau kết quả của cuộc bầu cử. Người phụ nữ đầu tiên đã được chọn vào trách nhiệm lèo lái đất nước nhờ vào tấm lòng nhân ái, con tim hiền hòa và khả năng tụ hội khéo léo, mềm mỏng. Có tiếng chồng con tôi ở phòng bên cạnh. Con trai đang nói về món ăn ngon nào đó vừa học được cách nấu. Con gái huyên thuyên về dự định thực hiện một trại hè huấn luyện nghệ thuật lãnh đạo ở Nghệ An. Nam đang ồn ào qua điện thoại về cô bạn cũ có con bằng phương pháp cấy tinh nhân tạo và nhất định sống không cần đàn ông. Tôi thấy mình bình an như gối mền. Tối nay, trước khi đi ngủ tôi sẽ đọc lại Chinh Phụ Ngâm để nhớ lại cái thuở mịt mù ban đầu và thương những bà mẹ từ nghìn năm trước: Tôi.

13. Thứ Hai, ngày Hai, tháng Hai, năm 2009. Nữ và Nam dừng lại trước căn nhà màu xanh da trời. Sau hàng hoa sáu cánh màu trắng, nắng chiếu vào cánh cửa có hàng chữ khắc: "Lương Tâm Nhân Loại Sẽ Yên Ổn Khi Thực Sự Có Sự Bình Đẳng Giữa Người và Người". Nữ đẩy cánh cửa bên phải. Nam đẩy cánh cửa bên trái. Theo khung cửa mở, những tia nắng ấm áp tỏa rộng, đều khắp căn phòng.