05 tháng 7, 2006

Giai Cấp Và Dân Tộc (CT26)

Lưu Tấn Đông

Hãy cùng nhìn lui lại để thấy Việt Nam ta đã tiến một bước dài so với thời kêu gọi thế giới cứu đói năm 1985. Lùi xa hơn nữa và nhìn thật kỹ, quả là ta đã nhảy vọt một tầm dài so với thời thống nhất ý chí tiêu diệt tư sản ngay sau 1975. Cũng có thể nói là ta đã mang hia bảy dặm so với thời Cách mạng mùa Thu 1945. Việt Nam ta ngày nay đã đủ ăn (chí ít là về mặt lương thực thực phẩm), người lao động tay chân đã vượt mức thù lao 1USD/ngày.

Nhưng nếu nhìn quanh, Việt Nam ta vẫn chưa bước ra khỏi bảng xếp hạng những quốc gia phát triển chậm nhất hành tinh, với năng lực sản xuất vào hàng thấp nhất thế giới, và không còn cách nào khác hơn là chuẩn bị hội nhập vào cuộc đua toàn cầu hóa với một mảnh kiến thức khá nông và một niềm tự tin cực mỏng.

Chúng ta sẽ chọn cách nhìn nào để triệt tiêu sức ỳ, đánh thức tiềm lực và đề xuất những giải pháp năng động đủ sức kích thích cả nước tiến lên cùng nhịp với nhân loại?

*


Thật ra, sức ỳ đó đến từ đâu?

Trước khi Đảng ta xuất hiện, có phải đó là chế độ phong kiến với sự lột xác của giai cấp nông nô thành nông dân được vua cấp ruộng? Đến khi Đảng ta ra đời, nhân danh đại diện giai cấp công nhân cách mạng và tiên tiến, có phải đó là sự đồng hóa nông dân và ngư dân vào giai cấp công nhân vốn không nhiều ở nửa đầu thế kỷ 20? Hay đó là lúc mà Đường Cách Mệnh từ những lối mòn dọc Trường Sơn sắp có điều kiện biến thành xa lộ, thì giai cấp công nhân thi đua phát huy cách mạng tính dưới hình thức lao nô trả nợ chiến phí hồi cuối thập niên 1970, biến dần thành “lao động hợp tác” ở Đài Loan, Mã Lai để chào mừng thế kỷ 21? Hay đó là thực tiễn hiện tại, công nhân liên doanh của ta vẫn bị chủ nhân đập giày vào mặt còn trí thức của ta bị trói tay ở giữa thời đại kinh tế tri thức chủ đạo của xu thế toàn cầu hóa, mà không ai trong chúng ta đoan chắc được vị trí của giai cấp công nhân hay vai trò lãnh đạo cả nước của giới đại diện giai cấp công nhân?

Nhìn từ một góc độ giản đơn khác, biết đâu chỉ vì Đảng chuyên chính lãnh đạo cả nước chỉ cốt để nhân danh sứ mệnh lịch sử mà bảo vệ quyền lợi của riêng mỗi giai cấp do nó đại diện, như Mác đã dạy? Khốn nỗi, Mác còn dạy thêm là một khi đã cướp chính quyền, giành quyền lãnh đạo, thì quy luật kế là việc ôm giữ quyền lực để bảo vệ người vô sản đã biến thành hữu sản sẽ trở thành lực cản cực lớn đối với các bước tiến tiếp theo của xã hội.

Dân tộc ta đứng đâu trong sự chọn lựa đó?

Dân tộc ta đã làm gì hoặc sẽ làm gì đối với trì lực đó?

*


Câu hỏi kế tiếp nữa là: Làm thế nào để đánh thức tiềm lực?

Tiềm lực còn ngủ yên, nói theo nhà thơ Nguyễn Duy, hẳn do bởi nhiều yếu tố. Nhìn từ góc tư duy của Đảng ta, cứ mỗi đận rập khuôn giáo điều, kiêu ngạo cộng sản và xa rời dân tộc... là đều gánh lấy thất bại thảm hại, chí ít là ở mặt triệt tiêu tiềm lực. “Cải Cách Ruộng Đất” theo mô thức TQ là một nỗi kinh hoàng kéo dài cho nông dân VN từng là giai cấp nền tảng cái nôi cách mạng của ta. Các sự cố “Nhân Văn-Giai Phẩm”, “Xét Lại-Chống Đảng”... đều kinh hoàng không kém. Cực điểm của nỗi kinh hoàng và hệ quả tận diệt tiềm lực, phải chăng chính là ba cuộc chiến Bắc-Nam, Kampuchia và cuộc “giáo trừng” của bọn bá quyền phương Bắc? Sau đó, liệu là còn chỗ nào cho tiềm lực ngoi dậy trong bối cảnh tem phiếu hộ khẩu, ngăn sông cấm chợ, trù dập trí thức, tiêu diệt tư sản, tập trung cải tạo, giáo dục nhồi nhét, y tế lá cây, bưng bít thông tin và ngoại giao khấu tấu? Tiềm lực còn đó để ngủ yên đã là may!

Có bao giờ nhân dân VN được hỏi và đồng ý với những chính sách dứt điểm tiềm lực liên tục do Đảng ta độc quyền phóng tay phát động như vừa kể?

Dân tộc ta cần làm gì đối với căn nguyên trù dập tiềm lực cả nước như vừa kể?

Để giải phóng tiềm lực, phải chăng chính chúng ta trước tiên phải tự giải phóng chính mình ra khỏi cỗ máy xay tiềm lực con người và tài nguyên đất nước?
*


Một vài việc cụ thể mà chúng ta có thể lựa chọn ngay là:

  1. Tập trung nỗ lực phấn đấu cho đất nước cất cánh, dân tộc thăng hoa, chứ không vì sự tồn tại hay tương lai của bất kỳ một giai cấp nào.
  2. Nếu đã có một giai cấp nào đó chọn lựa một đảng phái làm đại diện thì các giai cấp hay thành phần khác của dân tộc cũng có quyền ngang bằng để chọn một đảng phái đại diện cho từng tập thể của họ.
  3. Trong lúc toàn dân chưa thực sự có một chọn lựa nào về chính thể và chính phủ điều hành quốc gia, hãy ngưng sử dụng cụm từ “Chủ nghĩa Xã hội” trong các văn kiện của Chính phủ, Nhà nước và các loại văn thư hành chính.
  4. Điều chỉnh ý niệm “cơ quan ngôn luận”, để báo chí và các nhà xuất bản không nhất thiết trực thuộc bất cứ cơ quan chủ quản nào, mà có thể do tư nhân phát triển kinh doanh trong nền kinh tế thị trường hiện nay.
  5. Cả nước cần sớm áp dụng chương trình giáo dục chính trị như một môn học nhiệm ý ở các cấp trung học và đại học.
  6. Chấm dứt vai trò chủ đạo và đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các xí nghiệp quốc doanh, đồng thời, tạo dựng một sân chơi bình đẳng cho giới doanh nhân trong và ngoài nước.

Nhân dân hãy bỏ phiếu bầu cử theo đúng ý nghĩ của mình. Nếu điều kiện lựa chọn người ứng cử vẫn do sự thông qua của Đảng bộ các cấp, thì nhân dân chúng ta hãy lựa chọn lấy cho mình một thái độ ứng xử đúng đắn nhất là không đi bầu hoặc bỏ phiếu trắng.

Ban biên tập Canh Tân

Mức Trưởng Thành Trên Đất Thái (CT26)


Vũ Thạch

Vận mạng chính trị của Thủ tướng Thái, ông Thaksin Shinawatra, xem ra vẫn tiếp tục hẩm hiu trong những ngày qua, thật khác xa với cái thời 2001, khi ông đại diện đảng Người Thái Thương Người Thái, đắc cử vào ghế Thủ Tướng giữa tiếng hoan hô của toàn dân sau mấy năm liền khủng hoảng kinh tế. Và chỉ mới năm ngoái, 2005, ông lại đắc cử với số phiếu dẫn đầu rất vẻ vang. Nhưng không lâu sau đó, gia đình ông quyết định bán hãng điện thoại di động duy nhất của nước Thái, do ông và các con ông làm chủ, cho giới đầu tư Singapore. Quyết định này, tuy không vi phạm luật pháp Thái, nhưng đụng phải làn sóng tức giận mãnh liệt của dân Thái. Nhiều người cho rằng ông Thaksin đã bán đứng một phần nền an ninh quốc gia cho ngoại nhân.

Nay sự phẫn nộ của dân chúng đang lan từ gia đình ông Thaksin sang đảng Thái Thương Thái do ông lãnh đạo. Vào giữa tháng 6 năm 2006 Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia chính thức truy tố trước toà Bảo Hiến một số vi phạm luật lệ của đảng Thái Thương Thái trong cuộc bầu cử vào tháng 4 năm 2006 vừa qua, mà nặng nhất là tội danh thuê mướn các đảng nhỏ ra tranh cử lấy lệ tại một số vùng để tránh qui định phải được một số phiếu tối thiểu nếu chỉ có một đảng tranh cử.

Tòa Bảo Hiến đã chính thức nhận xử vụ kiện này. Nếu Tòa xác nhận các tội danh kể trên là đúng, đảng Thái Thương Thái sẽ bị giải thể toàn bộ và vĩnh viễn. Các lãnh tụ đảng này, kể cả ông Thaksin, sẽ bị cấm đảm nhận bất kỳ chức vụ chính quyền nào trong 5 năm. Đây là hình phạt rất nặng đối với cả tổ chức lẫn các nhân sự liên hệ.

Nhưng nếu nhìn từ góc độ cơ cấu dân chủ thì đây quả là chỉ dấu của một bước tiến vô cùng lớn lao cho nền hiến pháp chỉ mới ra đời vào năm 1996 trên đất Thái. Để có một tòa án dám xét xử đảng đang nắm quyền và vị thủ tướng đương nhiệm, cơ cấu chính quyền Thái đã thực sự đạt đến lằn mức tam quyền phân lập; với 3 ngành hành pháp, lập pháp, tư pháp thực sự kiểm soát lẫn nhau. Để có một Ủy Ban Bầu Cử dám vạch ra những sai trái của đảng cầm quyền, người dân Thái đã thực sự tin tưởng và không cho phép một ai được đứng trên pháp luật; và các định chế phi chính phủ trong xã hội đã rất trưởng thành trong việc kiểm soát hoạt động và hiệu năng của chính quyền.

Mức thành công này của dân tộc Thái lại càng lớn lao nếu nhìn lại lịch sử đất nước này dưới các gót chân quân phiệt trước năm 1996. Suốt từ sau thế chiến 2, cứ hễ quân đội không vừa ý là lại có đảo chánh, lại có một ông tướng ra nắm quyền. Sau một thời gian ngắn gặp phải sự phản đối và bất hợp tác của người dân, chính phủ quân phiệt ấy lại được thay thế bằng một chính phủ dân sự. Chu kỳ thay đổi thể chế này được lập lại năm 1963, 1969, 1971, 1978, 1991, 1992, và mãi đến năm 1995, dân tộc Thái mới thuyết phục được tất cả mọi thành phần xã hội về qui luật: không một chế độ nào có thể tồn tại nếu không được sự dung dưỡng của người dân. Ngay cả những chế độ độc tài, dù có thế lực to lớn hay tàn ác đến đâu, đều sẽ xụp đổ nếu người dân rút lại sự hợp tác của họ.

Một điểm quan trọng khác, so với những hình thức xuống đường bằng bom xăng và gậy gộc của thời 60, 70, quả thật dân tộc Thái đã tiến một bước dài trong kỹ thuật đấu tranh quần chúng, qua việc thiết lập và tận dụng các định chế độc lập trong xã hội, để vừa không đổ máu vừa nâng mức hữu hiệu lên gấp nhiều lần.

Tại vùng đất hình chữ S không xa Thái Lan là bao, người ta thấy cơ cấu xã hội Việt Nam không những không tiến tới mà còn chạy ngược giòng thời gian theo "kim chỉ Bắc", chạy băng qua cả những năm Pháp thuộc, về mãi tận thời phong kiến của thế kỷ trước để nhất định ôm lấy mô hình cai trị "Chính Quyền là Cha Mẹ", một mô hình tặng không cho những kẻ cầm quyền tính đương nhiên và vĩnh viễn, và dĩ nhiên không chấp nhận bất kỳ hình thức khác biệt ý kiến hay cả gan xúc phạm nào từ thành phần dân chúng mà họ chỉ xem là con cái...

So sánh 2 mức độ và cơ cấu cai trị xã hội, quả thật dân tộc Thái Lan đang có khoảng cách dẫn trước hàng thế kỷ so với dân tộc Việt Nam. Trong lúc người dân Thái lao nhanh về phía trước, phát triển mọi mặt xã hội theo hướng tiến bộ của nhân loại suốt mấy thập niên qua, thì cả nước Việt Nam chúng ta, suốt 30 năm liền dưới bàn tay cai trị của đảng CSVN, ra sức chạy ngược giòng tiến hóa, và đến nay vẫn nhất định không quay đầu nhìn lại.

Mùa Đông Qua Rồi (CT26)


Từ Nguyên Thạch

Mùa Đông qua rồi, tôi đem phơi phóng
Những chăn màn quần áo mốc meo
Chợt nhận ra trong trái tim, hình bóng
em vẫn ở bên tôi giữa ngày tháng gieo neo

Mùa Đông qua rồi, tôi gom hết lá
Đem đốt đi những khô héo trong hồn
Sợi khói cay có làm tôi rơi nước mắt
Để cái nhìn tôi được xanh hơn

Mùa Đông qua rồi, tôi đi phát cỏ
Trồng thêm những luống bắp, luống cà
Những khóm hoa làm niềm vui nho nhỏ
Để vườn tôi bớt trồng trải, bao la

Mùa Đông qua rồi, tôi ngồi soạn lại
Những lá thư trong ngăn kéo cuộc đời
Những gương mặt người thân như hoa trái
Trên cây đời tôi còn lắm xanh tươi

Mùa Đông qua rồi, tôi đem phủi bụi
Sửa soạn hành trang cho một chuyến đi dài
Đã bao lần tôi và em trì hoãn
Chuyến tốc hành đến cuộc sống ngày mai.

Cùng tất Biến, Biến tất ... Biến Mất (CT26)


Vân Thanh

Khi các biện pháp hứa quanh, hù dọa, đập phá đồ đạc, bắt giữ, rồi áp tải những người dân đang khiếu kiện tại Hà Nội về nguyên quán không giải quyết được gì mà chỉ thấy số người kéo về Hà Nội đòi công lý càng ngày càng tăng lên;

Khi các biện pháp sừng sộ, hăm dọa, và ngay cả đóng vai du đảng xông vào đánh đấm các nhà dân chủ không có tác dụng, mà chỉ thấy chính công an sau đó nài nỉ các nạn nhân đừng nói lại với thế giới bên ngoài;

Khi các ước muốn thẳng tay đàn áp người dân trong nước bị lấn át bởi nỗi lo sợ bị mất những nguồn tiền chung từ các mối giao thương với nước ngoài để nuôi chế độ, và càng lo sợ sẽ mất các nguồn tiền riêng đang đầu tư tại các nước phương Tây;

Những người lãnh đạo chế độ độc tài CSVN chẳng biết làm gì hơn, đành đem bản Nghị Định 38, mới ban hành tháng 3 năm 2005 đã rơi vào quên lãng, ra phủi bụi bặm và lập một Hội Nghị Tập Huấn vào tháng 6 năm 2006 để làm lý cớ hù họa dân chúng một lần nữa.

Điều mà đảng CSVN không chịu rút tỉa kinh nghiệm là, cũng giống như lần trước, những điều khoản vô lý đến độ buồn cười trong cái Nghị Định 15 điểm này đang tạo nhiều tác dụng ngược lên chính cái chế độ ban hành ra nó.

Ngay tại điều 3, Nhà Nước nói rằng cơ quan các cấp có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục mọi thành viên "thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và trong từng lãnh vực công tác; kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân, điều kiện gây ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng". Người đọc thấy ngay sự bịp bợm của Nhà Nước khi gọi những luật lệ giới hạn ngặt nghèo các quyền dân chủ bằng cái tên hoa mỹ "quy chế dân chủ", và buộc các cơ quan phải dùng các quy chế này để bóp chết thật sớm những sinh hoạt có chút gì màu sắc dân chủ.

Sự nham nhở tăng dần tại điều 5.1 khi Nhà Nước cấm việc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ của công dân để thực hiện hoặc lôi kéo, kích động, mua chuộc, cưỡng ép người khác tập trung đông người ..." Trong thực tế ngày nay tại Việt Nam, người ta chỉ thấy báo và đài của Đảng, loa của phường, người của Tổ Dân Phố, và các hung thần công an khu vực làm những trò lôi kéo, cưỡng ép đó đối với người dân trong những ngày lễ lạc của chế độ mà thôi. Do đó, nếu đây là những luật lệ nghiêm túc thì trước hết phải lôi những kẻ ĐANG cưỡng ép người dân ra phạt trước và buộc họ phải chấm dứt ngay những hành động phạm pháp này.

Mức hề tính tăng nhanh tại điều 5.3: "Chỉ áp dụng biện pháp cưỡng chế sau khi đã áp dụng các biện pháp hướng dẫn, giáo dục, thuyết phục ..." Trong thực tế, 83 triệu người Việt Nam đều biết Công An chỉ có 2 thái độ đối với dân, hoặc nạt nộ lập tức theo kiểu "miệng tao là pháp luật đây", hoặc tử tế hơn thì viện lý do "tôi chỉ làm theo lệnh cấp trên thôi". Khi chính các nhân sự này, trong thâm tâm, đều biết việc mình theo lệnh chế độ đàn áp người dân để kiếm sống là trái với luân lý, đạo đức bình thường của con người, thì làm sao có chuyện công an mở miệng hướng dẫn, giáo dục, hay thuyết phục quần chúng ?!

Và có lẽ trắng trợn nhất là điều 7 của bản Nghị Định, đó là "Quy định này không áp dụng đối với các hoạt động do các cơ quan Đảng, Nhà Nước, Mặt Trận Tổ Quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức". Rõ ràng điều luật này đặt Đảng và các sản phẩm của Đảng lên trên pháp luật. Chỉ cần nhìn vào điều này, người ta đã đủ hiểu những chủ trương về Nhà Nước Pháp Quyền sẽ chỉ tiếp tục là những từ ngữ nhằm lừa bịp dân chúng và thế giới mà thôi. Nhưng quan trọng hơn cả là Nhà Nước dựa vào điều luật nào của Hiến Pháp, dù là loại Hiến Pháp do chính chế độ đẻ ra, để đặt Đảng CSVN lên trên pháp luật như vậy. Và nếu chính luật của Nhà Nước lại đang vi phạm pháp luật thì toàn bản Nghị Định này có giá trị gì không?

Nhưng có lẽ điều thảm hại nhất của Nghị Định 38 là bản thông tư hướng dẫn thi hành Nghị Định này của Bộ Công An. Thông tư này định nghĩa những đám đông mà công an phải dẹp ngay là những nhóm tụ tập từ NĂM người trở lên. Thật khó hiểu một chế độ luôn tự khoe mình dân chủ gấp ngàn lần tư bản, một Đảng luôn tự nhận mình được chính nhân dân trao cho mình sứ mạng cai trị đất nước vĩnh viễn, nay lại lo sợ về từng nhóm 5 người dân tụ tập lại. Nếu thi hành đúng Nghị Định này, thì mỗi ngày trên cả nước phải bắt hàng triệu những người bán và ăn hàng rong, những nhóm du khách tụ tập trước các thắng cảnh, ngay cả những nhóm học sinh hư xe đứng lại trên lề đường.

Và sau hết, với việc người dân bị cấm hội họp tại nhà tư, dù là để thờ phượng theo tôn giáo, và nay với Nghị Quyết 38 cấm tụ tập nơi công cộng, thì cái gọi là quyền tự do hội họp theo điều 69 của Hiến Pháp sẽ áp dụng ở đâu, có lẽ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam chăng ?!

Những người cầm đầu Đảng CSVN dư biết "trò hù" này đã trở thành "trò hề" trong mắt dân chúng và cả trong lòng những người thừa hành như một loại hò hét trong những màn hát bội, nhưng đảng thực sự chẳng biết làm gì hơn. Họ chỉ lập lại đúng qui trình của chính quyền thực dân tại Việt Nam thuở trước hoặc bất kỳ chế độ độc tài nào trên thế giới trong thời gian gần đây khi bắt đầu bước vào giai đoạn cuối trào. Khi những chế độ này biết không còn phương pháp tuyên truyền nào có thể tiếp tục lừa phỉnh về bản chất cốt lõi của chế độ và khi quá bí về các biện pháp nhằm hóa giải cơn giận ngày một dâng cao của dân chúng, những kẻ cầm quyền không còn cách nào khác ngoài việc lớn tiếng hăm dọa ngoài mặt, và bên trong âm thầm tẩu tán tài sản ra nước ngoài.

Nếu đây là cách cùng tất "BIẾN" mà đảng CSVN nhất định chọn, thì dân tộc Việt Nam cũng sẽ chẳng có cách nào khác ngoài việc giúp đảng "BIẾN MẤT" vĩnh viễn để đất nước này bắt đầu chuyển mình đi lên.

Núp Bóng Thuộc Cấp (CT26)


Phan Long

Ðọc lại chuỗi dài những tháng ngày bị sách nhiễu của Nhà Dân Chủ Ðỗ Nam Hải, người ta thấy có điểm lạ. Khi công an dàn cảnh tai nạn lưu thông để lục soát xe và lấy sách của ông Hải ngày 8/12/2005, hai người ký giấy bắt người và giữ sách là Trung tá và Thượng tá công an. Ðến ngày 16/1/2006, thì đến phó chủ tịch UBND Thành Phố, Nguyễn Thành Tài, ký giấy đòi phạt 20 triệu đồng VN. Ngày 14/2/2006, lại một Trung tá công an quận ký giấy đòi ông Hải đến hạch sách. Trong suốt thời gian này, ông Hải khẳng định việc công an tịch thu sách của ông là vi phạm pháp luật, và việc phó chủ tịch UBND thành phố đòi phạt tiền lại càng chứng tỏ nhà nước hoặc chẳng hiểu gì về luật pháp hoặc chẳng xem pháp luật ra gì.

Ðến ngày 21/6/2006, giới cầm quyền ra biện pháp mạnh hơn, đòi siết đồ đạc của ông Hải để trừ vào tiền phạt, nhưng lần này giao cho một chủ tịch UBND quận ký quyết định và 2 tuần sau đó, giao cho UBND phường thi hành.

Ðiều người ta lấy làm lạ là thường khi một vụ việc kéo dài, nghĩa là gặp nhiều rắc rối phức tạp, thì càng lúc vụ việc càng được chuyển lên cấp cao hơn chứ ít khi đi ngược xuống cấp thấp. Và theo kinh nghiệm quá khứ, khi chế độ càng muốn ra tay làm mạnh để hù dọa những người khác chính kiến, lại càng tăng cấp bộ trách nhiệm, chứ không giao ngược cho cấp thấp tại địa phương.

Hơn thế nữa, cách hành xử này đối với trường hợp của ông Ðỗ Nam Hải không phải là hiện tượng đơn lẻ, nhưng xảy ra khá nhiều trong những tháng gần đây. Ngoài việc công an hăm dọa và cấm các nạn nhân bị sách nhiễu không được thuật lại các buổi công an tra khảo với thế giới bên ngoài, người ta còn thấy sự biến mất của các quan chức cấp cao cấp khi tiến vào khâu trực tiếp ức hiếp, đàn áp người dân. Việc đập phá nơi thờ phượng, đánh đấm các nhà dân chủ, và ngay cả giết hại đồng bào thiểu số Tây Nguyên đều được giao cho cán bộ phường, xã thực hiện, ít là trên giấy tờ.

Có nhiều giả thuyết để giải thích hiện tượng này. Có người cho rằng, trong thời buổi mở cửa buôn bán với thế giới hiện nay, các quan chức lớn sợ bị quốc tế chế nhạo vì chính họ biết những lệnh lạc của mình rất quái dị so với tiêu chuẩn hành xử của một chính phủ bình thường trên thế giới; và nếu các lệnh này vi phạm nhân quyền trầm trọng, những thành phố mà họ cai trị còn có thể bị khước từ các giao kèo kinh tế béo bở. Cũng có người cho rằng, việc đùn đẩy cho cấp dưới này chỉ vì các quan chức lớn sợ mất mặt với dân chúng và chính tập thể đảng viên của họ. Ai cũng biết lệnh lạc của Nhà Nước ngày nay chỉ để hù dọa, chứ chẳng còn mấy ai tuân theo. Vì dẫn đầu trong việc coi thường luật pháp trên cả nước chính là cán bộ có chức quyền, đảng viên cao cấp, và thân nhân của họ.

Tuy nhiên, nếu có dịp so sánh với cách hành xử của giai cấp cai trị thuộc các chế độ độc tài khác vào cuối giai đoạn cầm quyền của họ, người ta có thể thấy một lý do chính xác hơn. Tại các nơi này, từ Ðông Âu đến các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, trong những tháng ngày cuối cùng, những vụ trực tiếp áp bức người dân, từ đánh đập các nhà dân chủ đến giết người tập thể theo kiểu trừ khử chủng tộc, v.v... đều được đẩy cho cán bộ cấp thấp thực hiện. Khi nhóm lãnh đạo tại thượng tầng đều biết không thể cưỡng lại xu hướng dân chủ của nhân loại hôm nay, và ngày tàn của các chế độ độc tài còn lại trên thế giới chỉ còn là vấn đề thời gian, họ biết sẽ có ngày phải trả lời trước tòa án dân tộc và trước tòa án quốc tế về những hành động côn đồ, đẫm máu của ngày hôm nay. Cùng lúc đó họ vẫn muốn đè bẹp các lực lượng dân chủ hầu kéo dài những ngày tháng cai trị để cào vét càng nhiều càng tốt trước khi ra đi. Ðể đạt được cả 2 mục tiêu này, cách hay nhất, và có lẽ "duy nhất", là đẩy các hành động trực tiếp đàn áp dân chúng cho cấp dưới thi hành.

Dĩ nhiên, trong mọi chế độ độc tài, bao giờ cũng có những thành phần sẵn sàng lăn vào thi hành các mệnh lệnh để mong tiến lên "chiếu trên" tuy vẫn biết những tấm gương "dê tế thần" trước đây và sau này. Tuy vậy, đại đa số cán bộ cấp thấp đều bị giằng co giữa 2 nhu cầu, vừa phải giữ miếng cơm hiện tại cho bản thân và gia đình, vừa phải trả lời lương tâm và lo sợ về các hình phạt của dân tộc và nhân loại có ngày sẽ ập xuống. Tại các phiên xử tội phạm chống lại nhân loại trước tòa án quốc tế trong những năm qua, loại bào chữa "tôi chỉ thi hành theo lệnh trên" đã quá nhàm và không còn thuyết phục được ai. Ngày nay mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Và với thời đại tin học và Internet ngày nay, từng hành động áp bức của các nhân sự của chế độ đang được chuyển ra nước ngoài và ghi lại thành hồ sơ. Cộng đồng người Việt hải ngoại đang tiếp tay tích cực trong việc này và chuyển tiếp dữ kiện đến các cơ quan lưu trữ quốc tế về tội phạm chống lại loài người.

Trước tình cảnh đó, nếu là người có lương tâm hoặc không muốn bị chịu án chung với chế độ mai sau, những cán bộ cấp thấp phải làm gì ?

Thật khó để trả lời câu hỏi này, vì có quá nhiều trường hợp khác nhau. Tuy nhiên, thái độ và cách hành xử của công an, cảnh sát Serbia trong những tuần lễ cuối của chế độ độc tài Slobodan Milosevic có thể là những thí dụ cụ thể cho những ai cần biết. Vào những ngày sôi nổi tháng 9 năm 2000 đó, khi được lệnh dàn xe cảnh sát ngang các ngã đường chính để chặn từng đoàn biểu tình từ các tỉnh kéo về thủ đô Belgrade, các đoàn công an và cảnh sát đã tuân lệnh và làm đúng như vậy. Nhưng khi đoàn xe của dân chúng lũ lượt kéo đến, công an tại các nút chặn ôn tồn thương lượng với đại diện đoàn biểu tình và đồng ý khoanh tay đứng nhìn để dân chúng đẩy xe công an vào lề đường. Tại tòa nhà quốc hội cũng vậy. Khi được lệnh, cảnh sát Serbia nhanh chóng dàn hàng bao quanh tòa nhà này. Nhưng khi dân chúng kéo đến, họ tiếp tục đứng yên bất động. Dân chúng lập tức hiểu ý, đi xuyên qua hàng rào cảnh sát tiến vào quốc hội đòi Milosevic phải tôn trọng kết quả bầu cử. Thế là cảnh sát không đụng đến dân và dân không đụng đến cảnh sát.

Một cách tổng quát, cán bộ cấp thấp tại một số chế độ độc tài đã chọn cách hành xử rất khôn khéo, đó là tuân hành những mệnh lệnh có tính hình thức và hù dọa, nhưng không thực sự nhúng tay vào những vụ đàn áp quần chúng và tuyệt đối không đụng đến tính mạng người dân. Nếu cấp trên chỉ thị những hành động tàn bạo, hãy để họ tự làm lấy, đặc biệt là những kẻ hưởng lợi nhiều nhất hiện nay và có phương tiện lẩn tránh ngày mai đang ngồi ngất ngưởng ở thượng tầng.

Như dân chúng tại các chế độ độc tài vừa sụp đổ, người dân Việt Nam sẽ nhớ rất rõ những ai đàn áp họ nhưng cũng rất tinh tế nhận ra những ai cố tránh không áp bức họ theo lệnh trên. Nếu không có tài sản tích lũy và phương tiện để chạy ra nước ngoài như những kẻ cai trị ở thượng tầng, các cán bộ cấp thấp vẫn có thể chọn tương lai cho mình bằng các hành xử đúng đắn trong những ngày trước mặt.

Tôi Hèn Nhát (CT26)


tự sự Nguyễn Phương Anh


… Thà có một kẻ thù thông minh,
còn hơn là có một người bạn hèn nhát.


Vậy là ngày 6/7/2006 đang đến gần, với tâm trạng mừng lo lẫn lộn tôi cố gắng thu xếp các công việc để có thể đến gặp và chúc mừng sinh nhật Bác Giang cũng như có một số công việc nhỏ cần trao đổi với mọi người trong tiệc sinh nhật.

Khi chỉ còn 3 ngày nữa là đến dịp hẹn, tôi được cơ quan an ninh nhắc nhở thông qua người bạn là giáo viên, họ nói rằng cấm chỉ không được đến mừng sinh nhật, họ còn cho người đến tận nhà bố mẹ tôi để yêu cầu bố mẹ tôi có biện pháp để ngăn cản tôi không được đi đến nơi đó, sau khi qua nhà bố mẹ tôi thì họ sang nhà tôi để truyền đạt lệnh “mồm” không cho phép đi sinh nhật, với các áp lực trên tôi thực sự hoang mang và sợ hãi (chưa kể từ một tháng trở lại đây tôi có hân hạnh được gặp gần 20 cuộc với các nhân viên an ninh ), tôi quá lo sợ cho nên đã phải tự tìm mọi cách để đến gặp cơ quan an ninh hỏi cho ra nhẽ, buổi đầu đến bộ công an xin gặp thì họ không cho gặp, đến tận hôm sau tôi mới tìm được cách gặp gỡ thông qua một người bạn, buổi gặp gỡ tự nguyện này giống thực sự như một buổi hỏi cung, giống ở chỗ có biên bản, có báo cáo…chỉ khác là trong đó có từ tự nguyện.

Sau khi nghe phân tích các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong các bài viết của tôi từ ông trưởng phòng, …và ông có hỏi tôi có ý kiến gì khi họp hôm nay, tôi trả lời là tôi sẽ phải học thêm luật nữa cho rõ để lần sau đỡ vi phạm, Ông có vẻ không đồng ý còn cô thư ký ghi biên bản thì cười duyên. Ông doạ tôi rằng chỉ với mấy bài viết như của tôi thôi mà Lê chí Quang đã phải đi tù 3 năm đấy, rồi nếu tôi còn làm việc như thế nữa thì ảnh hưởng đến gia đình, rồi công ăn việc làm, sẽ chẳng ma nào đến công ty tôi nữa nếu tôi đi đến sinh nhật ông Giang…nghe vậy tôi hoang mang quá, tôi lo sợ….và tôi đã hèn nhát ký, làm cam đoan, thề thốt là : Không bao giờ liên lạc với những người phản động, chống phá đất nước ! Không liên lạc với các báo chí phản động ! Khi về đến nhà tôi cứ nghĩ không hiểu cái bọn phản động ấy là ai ? mà từ bé đến giờ tôi đã gặp bao giờ đâu ? ai định nghĩa cho tôi đi, cho tôi biết những ai đã bị toà án xét xử là phản động đi ?.

Không những thế tôi lại còn phải cam đoan không viết những bài có nội dung chưa có cơ sở, sai lệch, quy chụp…và phải “tự nguyện” đưa các nhân viên an ninh đến nhà mình và in ra các bài viết để nộp cho an ninh và phải xoá tiệt các bài viết này bằng chuẩn D.O.D của Mỹ để không khôi phục lại được (dùng CyberScrub Privacy Suite Trial ), tôi đã quá hèn nhát và đã xoá hết theo đúng ý của họ và bây giờ nếu có muốn đọc lại thì phải nhờ các báo nước ngoài, họ đã lưu trữ giúp, thật là rách việc ! Nhưng cũng còn cái tốt là các bài viết này bên an ninh họ giữ cẩn thận lắm, tôi có nói với họ 20 năm sau khi tôi rảnh rỗi công việc tôi có thể đến đòi họ lấy ra để đọc, nhớ lại thủa hàn vi. Một việc cực kỳ hèn nhát nữa đó là khi gặp gỡ an ninh mình lại run đến nỗi không dám ghi âm lại cuộc làm việc trong khi mình có thiết bị ghi âm,chụp ảnh, quay phim cực kỳ nhỏ gọn và không ai biết ( www.ajoka.com, giá rẻ chỉ 62 USD ) nó giống như cái khuy áo và cái đồng hồ, khi về nhà mình cứ tự sỉ vả mình là thằng hèn hết chỗ nói, không thể nào tha thứ cho được.

Sự việc đâu chỉ dừng lại ở đó, dường như an ninh cho rằng phải làm cho tôi hèn nhát hẳn đi thì mới được, thế là họ cho người đến gặp bố mẹ, họ hàng, hang hốc của tôi để yêu cầu làm theo họ, họ lại còn họp ở phường để thông báo là tôi phản động, theo đuôi, bị lôi kéo…họ còn nói có đơn nặc danh tố cáo công ty tôi buôn lậu ?, họ còn đến tận Đại học bách khoa Hà nội nơi tôi đang học để họp với ban giám hiệu và thông báo cho họ biết tôi gần như là phản động thật rồi, họ nghiêm cấm không được đến sinh nhật ông Giang, nếu không họ sẽ bắt, ngăn chặn trên đường …đòn này quả thực làm tôi hoang mang lắm, lơ tơ mơ lắm, đi đâu cũng thấy mọi người trong phường nhìn mình cười cười, ánh mắt cảm thông… cứ như là vừa được lăng xê trên truyền hình không bằng .

Đầu óc tôi hoạt động căng thẳng cốt để mà tìm cách giảm nhẹ hậu quả của những việc vừa rồi, nhưng hoạt động căng quá làm cho tôi bị mụ mị đi và một lần nữa cái “Tôi” hèn hạ lại lên ngôi, tôi nghĩ thôi thì mình không đến nữa vậy, nhưng như vậy không được, mình đã viết bài chúc mừng sinh nhật lại hứa sẽ đến, nếu không đến thì khác gì con vật? Vậy hay là mình đến sớm trước một hôm đi, ý này hay và thế là tôi quyết tâm đi đến trước một hôm, nhưng dở quá bác lại không có nhà và tôi lại quên mua quà mới may chứ ! Vậy việc đến trước này hỏng rồi, phải nghĩ cách khác : Hay là mình đến nhưng chỉ đứng ngoài để nếu không vào thì cũng chia lửa được sự quan tâm của an ninh một tý để cho bác Giang có sinh nhật vui vẻ chăng ?

Nghĩ nhiều quá mà không ra được phương án nào, tôi thấy mình nhỏ bé thế nào ấy…mang tiếng là kỹ sư, đứng trong hàng ngũ trí thức,lại còn doanh nhân nữa chứ,Thế mà lại là “Hèn sĩ”, khi nói mồm, tán phét,viết lách thì “hay” nhưng đến khi có mỗi hành động đi sinh nhật mà cũng đặt lên đặt xuống, hay là mình nghe nói nhiều quá đến việc : Dân chủ ở Việt nam phải 10 năm nữa mới có ?( lấy ai đi đầu từ bây giờ đây ), một mình không thể gỡ được bàn tay đen đúa đang che mặt trời ? (còn bao nhiêu người dân chủ nữa chứ, lại còn đến đa phần đảng viên tốt muốn đổi tên, muốn thôi cái đuôi và thôi cả MácLê nữa kìa, họ chỉ muốn là người yêu nước, người lao động chân chính thôi...), nếu mình đấu tranh thì sẽ không còn công việc mà làm ăn nữa, sẽ đi tù, vợ con sẽ đói, không được học hành ??? Khó thật !

Tôi cứ nghĩ cái chất lỏng đang chảy trong tim tôi lúc này chắc không phải là “giọt máu đào” thuộc giòng giống Tiên-Rồng nữa rồi, mà có khi cũng chẳng bằng cái loại “nước lã” của Chị Ray-mông-Điêng, người xa lạ, khác giống nòi mà dám đứng ra dùng cả mạng sống của mình để ngăn cản con Tàu của cái ác, để đòi Tự do, Dân chủ, Bác ái…cho người dân nước Việt, thật là cái thằng tôi khốn nạn quá ! hèn nhát quá ! Thôi không kể đến người ngoài, mà kể cả người trong nước, cùng lớp trẻ, thì tôi cũng sao so sánh được với những Nguyễn vũ Bình, Phạm hồng Sơn…hoặc kể cả Lê chí Quang thì tôi cũng không thể bằng vì làm sao mà bì được sự hiên ngang của Anh trước lao tù, và còn nhiều nữa như anh Nguyễn văn Đài bị cắt điện thoại nhiều lần mà có bao giờ ngưng tranh đấu ? Và còn tôi thì lại cứ mong chờ người ngoài sẽ đến giúp đất nước mình như ảnh hưởng của nghị quyết 1481 của nghị viện EU… và lo sợ, hèn nhát, đợi chờ…

Phần vì mệt mỏi, lại hoang mang…tôi hỏi ý kiến bạn bè,người thân nên hay không đi dự sinh nhật, có ý kiến nói không nên đi vì an ninh họ cấm, họ doạ sẽ bắt bớ…nhưng cũng có tiếng nói “Không sợ, cứ đi vì mình đâu có vi phạm gì, không phản động, chống cộng,chống đối lại đất nước, chống dân tộc là được. Ở đất nước ta hiện nay làm gì có chỗ chết (như đe doạ) mà không dám đến ”, còn mẹ và vợ tôi thì khuyên giống bên an ninh, nhưng khi tôi quyết đi đến dự thì họ lại theo tôi đến tận nơi để nếu có gì bị bắt bớ…họ sẽ can thiệp, kể cả che đạn cho tôi ?!

Khi ra khỏi nhà, tôi đã bị 1 cán bộ an ninh đi theo ngay sau cho đến khi đến tận nhà bác Giang, vào nhà bác thì đã thấy một số các bậc tiền bối như bác Hà sĩ Phu, giáo sư Đào Quang Tiến, đại tá Nguyễn văn Miến, tổng công trình sư Lê Minh Phúc, bác Dương Hùng, cô Trinh thị Hương, chú Ngọc Thế Phương, chú Bùi huy Quân … đã ngồi đợi, nhưng không thấy bác Giang đâu, tôi có hỏi thì bác gái cho biết bên sở văn hoá họ vừa mời bác trai đi làm việc lúc 3.00 chiều để bàn về 33 quyển sách bị tịch thu hôm trước, đến bây giờ là hơn 5 giờ bác Giang vẫn chưa về, trong khi điện thoại bàn thì luôn luôn không gọi, không nhận được, điện thoại di động của bác Giang và của mọi người đang trong nhà thì cũng y chang, không biết có bị phá sóng không đây ! Ngồi nói chuyện với các bậc tiền bối được 45’ thì an ninh tác động đến vợ và mẹ tôi (Hiện đang ngồi đợi ngoài ngõ nhà bác Giang) vào để xin phép cho tôi về, tôi cùng vợ vào xin phép các bác về sớm vì cũng không biết bác Giang lúc nào về, cũng may là mình đem quà (1 quả dưa) và chúc mừng sinh nhật qua bác gái, và cũng đã cầu chúc những điều tốt đẹp cho Ngài Tổng thống Bush tại nhà bác Giang. Ra ngõ tôi được 1 cán bộ an ninh đưa thẳng về nhà và còn có người trực ở lại ngõ nhà tôi xem tôi có quay lại sinh nhật nữa không. Kể ra nếu không nhát lắm thì tôi sẽ ở lại thêm cho đến khi bác Giang về mới phải !.

Sau khi dự sinh nhật về và được gặp các bậc tiền bối ( đang đấu tranh cho dân chủ, thịnh vượng của đất nước đã không ngại khó khăn từ khắp nơi đến dự) chia sẻ và khuyên nhủ cũng như tận mắt thấy được sự hành xử trên phương diện con người của các chiến sĩ an ninh cấp dưới, tôi mới thấy sự lo lắng về bắt bớ, trấn áp ( như doạ nạt) …là không có thật, là võ mồm và như đi vào quên lãng,và một sức mạnh mới trong tôi trỗi dậy át đi sự hèn nhát, để thôi thúc tôi tiếp bước trên con đường đấu tranh cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.

Và tôi hiểu được rằng muốn đấu tranh mà vẫn giữ được thế đứng đang có thì hợp lý nhất là phải tiến công, trong khi đấu tranh với lực lượng mạnh mà sức ta yếu thì trước hết phải dùng chiến thuật “nhu quyền” : lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, nói vậy là ta phải hiểu được nội tình của đối phương, họ là ai, họ ở đâu, làm gì, gia cảnh …con người nhân vô thập toàn, họ chắc phải có những điểm yếu nhất định, hoặc giả chúng ta hãy kêu gọi tình người ngay trong những người thân trong gia đình họ để nâng cao thiện nhân trong họ, dưa họ về với dân tộc, chính nghĩa…đừng để họ trở nên độc ác và nói với họ rằng nếu ai gieo gió thì sẽ gặt bão, ai vay nhiều thì sẽ phải trả lại cả vốn lẫn lãi và nguy cơ di hại đến mai sau .

Trong khi đối phương biết rất rõ về chúng ta mà chúng ta lại bỏ trống trận địa tìm hiểu chi tiết về đối phương thì đó là không hay rồi, chúng ta cũng không nên chĩa mũi nhọn vào các nghị định…như 31CP, 56NĐ… mà đưa những người ký ra để kiến nghị toàn bộ, mà chúng ta phải biết chọn lọc những người nào “thực thi pháp luật” là “cần” chúng ta nhất ? đó phải chăng là những trưởng phòng các cục thuộc bộ công an ? Lý do họ cần chúng ta là họ sẽ gài bẫy…để họ được lên sao, lên vạch trên ve áo, họ lên lương và lên chức vụ để thoã mãn khát khao quyền lực, thói ích kỷ…, mà hiện nay các lãnh đạo chức vụ cao hơn trong ngành an ninh nhiều khi lại không sâu sát, tìm hiểu sự thật, lẽ phải vì đã quá tin ở cấp dưới, tại sao khi người phát ngôn bộ ngoại giao ta nói “..Ở Việt nam không bao giờ có những người bất đồng chính kiến bị bắt, mà chỉ có những người vi phạm pháp luật.”, Vậy cái ranh giới này ở đâu ? Hay chỉ tại những người xấu và có chút quyền lực, dối trên, lừa dưới trong ngành an ninh muốn lên sao lên chức mà bất chấp cả đạo lý, họ âm mưu nâng cao quan điểm để kết tội các nhà dân chủ để thoã mãn thói ích kỷ của mình ? Rất mong các quý vị đấu tranh dân chủ thực sự cũng như những người có cảm tình với trào lưu dân chủ hãy tự giúp nhau mở một bách khoa toàn thư mở ( wikimedia ) về nhân thân, hiện trạng kinh tế, học thức, quan hệ…của những người này để hòng mong góp thông tin cho sự đấu tranh cho dân chủ có bước tiến cần thiết. Và cũng mong sao toàn dân tộc ta hãy quý mến, thân yêu nhau như “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” và hãy cùng nhau hoạch định cho mình một tương lai tốt đẹp hơn .

Hà nội, 7/7/2006.

Nguyễn Phương Anh.

Tái bút :
Mong Bác Giang và gia đình cũng như các bậc tiền bối tha thứ cho cháu những phút giây hèn nhát và nếu có thế cháu sẽ đến tận nhà các bác để mong được tha thứ. Tôi cũng mong bạn đọc hãy cảm thông chia sẻ với tôi và xin lắng nghe các bạn tại địa chỉ 35F8 Bách khoa- Ngõ 104 Lê thanh Nghị - Hai bà Trưng-Hà nội, tel : 04.8682902, e-mail : kimngannguthien@yahoo.com

Đến bây giờ : 15.30 PM 7/7/2006 mà điện thoại của nhà bác Giang cũng như di động vẫn chưa liên lạc được.