Trần Trọng Nghĩa
Hội nghị APEC lần thứ 14 vừa kết thúc tại Hà Nội. Trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị các ban ngành của khối APEC và đặc biệt là Hội nghị thượng đỉnh 21 quốc gia trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương, báo đài của đảng và nhà nước đã có hàng trăm bài viết để thông tin và để đưa ra những hình ảnh huy hoàng, tráng lệ của Hà Nội trong dịp này. Từ khi lên nắm chính quyền đến nay, đây là lần đầu tiên đảng ta tổ chức một hội nghị quốc tế có quy mô lớn như thế này. Trong vỏn vẹn hơn 1 tuần lễ, đã có đến trên 10.000 quan khách từ nguyên thủ quốc gia đến các thành viên chính phủ, các doanh nhân quan trọng của những tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, đội ngũ hàng ngàn phóng viên và các đoàn tùy tùng, an ninh, vệ sĩ...
Đảng và nhà nước đã huy động 8 khách sạn 5 sao với những phòng ốc cực kỳ lộng lẫy, giá một đêm là 4.500 đô la Mỹ để đón tiếp các vị nguyên thủ quốc gia. Trước đó nhiều tháng, thành phố Hà Nội đã được trang hoàng rực rỡ. Nhà nước đã làm sạch đường phố bằng cách quét dọn không những rác rưởi, bụi bặm. Hơn thế nữa đảng ta còn tìm mọi cách để che dấu những hình ảnh nói lên những vấn đề lớn của Việt Nam hiện nay là tệ nạn tham nhũng và tụt hậu xã hội. Hàng ngàn trẻ em lang thang đường phố, hàng trăm đồng bào dân oan khiếu kiện đã bị hốt về giam giữ tại những trung tâm gọi là “tạm trú”. Bằng cái tài xấu dấu tốt khoe tới mức thượng thừa, đảng ta đã thành công trong việc trưng ra một hình ảnh đẹp đẽ của Việt Nam. Chính ông Lê Minh Triết, chủ tịch nước đã tuyên bố trong buổi họp báo ngay sau khi hội nghị bế mạc rằng: “Việt Nam đã thành công trong việc tổ chức Hội nghị cấp cao APEC và trong việc quảng bá hình ảnh của mình”.
Trong những ngày sau hội nghị, báo chí đã có nhiều bài viết về thành tích an ninh của hội nghị. Đó là nhờ đảng ta đã huy động toàn lực bộ máy công an chìm, nổi với những dụng cụ tối tân. Nào là mỗi tham dự viên, bất luận là ai cũng phải đeo bảng an ninh (security pass) có gắn “chip” điện tử gồm tên họ, hình ảnh mới được ra vào khách sạn. Không có thẻ này thì dù đã nhận được phòng trong khách sạn cũng không được vào phòng mình. Tuy nhiên, khi đọc một số cảm tưởng bức xúc của các sinh viên được huy động đi làm “tình nguyện viên” mới biết được sự khó xử của họ khi bị các phái đoàn đòi hỏi thẻ an ninh của họ và sự tắc trách cũng như thiếu chuyên nghiệp của lãnh đạo ban tổ chức, không đủ thẻ để phát cho khách. Nào là cấm lưu thông trên những đường phố gần khu Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia cả tuần lễ làm cản trở sinh hoạt thường nhật của dân phố. Nào an ninh gắt gao trong và ngoài các khách sạn nơi các vị nguyên thủ quốc gia trú ngụ... Chắc chắn sau hội nghị này sẽ có những tấm huy chương khen thưởng ngành công an vì chính quyền đã nhận xét, an ninh đã là ưu điểm của hội nghị.
Dưới con mắt của các quan khách nước ngoài tới một hội nghị về kinh tế, có thể họ cũng chỉ chú tâm đến những vấn đề kinh tế và nhìn thấy những con số. Cũng có thể họ nhìn thấy cảnh tượng hoành tráng ở hội nghị hay những nơi CSVN dẫn họ tới thăm viếng. Với chương trình hội nghị đầy ắp, với những hạn chế di chuyển của các phái đoàn, họ không thể nhìn thấy hết được những hình ảnh khác hình ảnh mà CSVN phô bày ra với họ. Làm sao họ có thể tới được nơi cư ngụ của những người đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam như nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, Ls Lê Thị Công Nhân, Ls Nguyễn Văn Đài, Ts Nguyễn Thanh Giang, nhà báo Trần Khải Thanh Thủy, Bs Phạm Hồng Sơn, ... để nhìn thấy được nhà cửa của họ bị công an túc trực bao vây, cô lập, máy điện thoại của họ bị cắt, để nhìn thấy lối vào nhà họ có gắn bảng tiếng Anh “cấm người nước ngoài”, hay “cấm chụp hình”... Có một điều mà khách tới dự hội nghị APEC không thể tưởng tượng nổi, đó là nhà cô Ls Lê Thị Công Nhân, Bs Phạm Hồng Sơn và các nhà đấu tranh dân chủ ở Hà Nội đã bị công an ràng dây xích khóa trái từ bên ngoài. Công an đã biến tư gia của những người này thành nhà tù có khóa. Đây là một hành động vô lương tâm, vi phạm mọi nhân quyền trên thế giới gây ra bởi chính bộ máy công an. Gọi hành động này là vô lương tâm vì để chắc chắn có thể giữ chân các nhà đấu tranh dân chủ, họ bất chấp hành động khóa trái cổng tư gia khi có người và nhất là có trẻ em trong nhà. Nếu xảy ra hỏa hoạn, hậu quả sẽ không thể lường được. Lúc đó, có thể công an sẽ lại ráo hoảnh nói rằng “sẽ rút kinh nghiệm cho lần sau”.
Tuy nhiên nếu đại bộ phận quan khách dự hội nghị APEC 14 chỉ thấy đèn hoa, thì đã có một số ký giả dùng máy điện thoại di động phỏng vấn được những nhà dân chủ hôm Chúa Nhật 19/11/2006. Phóng viên của CNN Radio, báo LA Times và các hãng thông tấn AFP, Reuters đã nối kết được với các đại diện Dân Chủ là Giáo sư Nguyễn Chính Kết ở Sài Gòn và Luật sư Lê Thị Công Nhân tại Hà Nội. Nội dung buổi “họp báo” điện đàm này đã được phổ biến rộng rãi trên mạng internet. Trả lời câu hỏi về việc xây dựng lực lượng Dân Chủ tại Việt Nam, nữ luật sư Lê Thị Công Nhân đã trả lời: “Trên hết và trước hết phải tranh đấu cho quyền tự do báo chí và tự do thông tin”. Giáo sư Nguyễn Chính Kết cũng đã cho phóng viên ngoại quốc biết sự hình thành của Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền nhằm kết hợp các đảng phái, đoàn thể để đấu tranh đòi đa nguyên, đa đảng bằng phương pháp “đấu tranh ôn hòa, bất bạo động”. Ông cũng cho biết “lực lượng Dân Chủ VN thiết tha kêu gọi Tổng Thống Bush hãy công khai ủng hộ dân tộc Việt Nam, ủng hộ cuộc đấu tranh vô cùng chính đáng của dân tộc VN để giành lại các quyền con người và xây dựng một thể chế dân chủ trên đất nước này”.
Quan khách dự hội nghị APEC 14 có thể đã được cho coi một hình ảnh Việt Nam huy hoàng tráng lệ, có nhiều cơ hội làm ăn, có ổn định chính trị, hình ảnh đẹp đẽ của bề mặt tấm huy chương. Rất mong các phóng viên sẽ đưa ra bề trái tấm huy chương là độc tài, là đàn áp, là vi phạm nhân quyền, là phi dân chủ, là nghèo đói để mong các nước APEC góp phần làm cho mặt trái tấm huy chương cũng đẹp như mặt trước của nó.
22 tháng 11, 2006
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét