Nguyễn V. Nam
Còn nhớ, thời 1975, TBT Lê Duẩn ôm mộng lớn, muốn làm gạch nối hòa hợp hòa giải hai đàn anh vĩ đại, muốn VN trở thành bàn đạp nhuộm đỏ toàn vùng Đông Dương thành một khối, muốn CSVN đời đời toàn trị VN một cách hiến định ...
Cái nguyên trạng 1975 đó đã vỡ nhiều lần sau hai trận chiến Tây Nam và chính Bắc; sau hai đận ngửa tay xin thế giới cứu đói; sau lần cúi đầu xin kẻ cựu thù đế quốc hủy bỏ cấm vận; và sau cơn lốc domino Đông Âu cùng Liên Xô cũ.
Cái nguyên trạng vào cuối thập niên 80 cũng vỡ theo đà “đổi mới”. Hợp tác xã bị hợp tác viên xóa sổ. Chế độ tem phiếu hộ khẩu chết đứng, lôi theo hệ thống bao cấp và những đặc quyền đặc lợi. Kinh tế kế hoạch tập trung từ tốn đi vào quá khứ. Mác-Lê bỗng chốc thành một bóng ma. Đảng mất điểm tựa cả tư tưởng lẫn kinh viện. Đảng viên xé lẻ vơ vét lợi quyền bằng mọi cách, thậm chí cả cách xà xẻo tiền cứu trợ. Nhũng lạm là xu thế thời đại của cả đảng. Con bạch tuộc có toàn bộ phương tiện bao che cho chính nó. Chống tham nhũng là chống đảng.
Đầu tư nước ngoài đổ vào VN trong cuối thập niên 90 làm vỡ cái nguyên trạng thời đó thành nhiều mảnh nhỏ. Cơ chế xin-cho chỉ còn giá trị hành dân là chính. Địa phương tự ý vận động nguồn ngoại tệ. Tỷ lệ quyền lợi của các lãnh chúa từng vùng cát cứ được tính trên dự án, không còn do khả năng ban phát của đảng. “Trên bảo dưới không nghe” trở thành quy luật tất yếu.
Từ đó tới nay, đảng mất dần khả năng toàn trị. Áp suất bủa dồn tứ phía. Phải thay luật và cải tổ hành chính xoành xoạch mà doanh nhân nước ngoài vẫn chưa thấy hài lòng. Tối huệ quốc với Nhật và Mỹ là những xoay sở mười năm. Campuchia đa đảng đã nhanh chân vào WTO. Những chi phối chính trị từ Bắc Kinh lấn sâu tận sân sau Bộ chính trị Hà Nội. FDI lăn vào miệng vực, rơi tự do. CPC & PNTR của Mỹ lơ lửng từng năm. Dân oan khiếu kiện nhếch nhác lau nhau bát nháo cả thủ đô. Hoạt động dân chủ hóa VN từ giới đối kháng bung rộng ra thành phần trí thức trẻ, thậm chí rất trẻ. Ủy viên TW đua nhau tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Cán bộ trung tầng khinh miệt lãnh đạo. Cán bộ hạ tầng tự tung tự tác. Thời đại Internet với 13.8 triệu email trong nước. Tường lửa dễ vượt hơn đua xe máy. Công nhân đồng loạt đình công. Đảng không bưng bít được hành vi hủ hóa của cán bộ các cấp, kể cả cấp TW. Nghị quyết pha chè. Chính sách vá víu. Chuyên cơ Air Force One đã đáp xuống sân bay Nội Bài và vừa mới đáp lần nữa, ở cả Tân Sơn Nhất. Công an, Quân đội tự tìm đường “mua bảo hiểm” tương lai và sẵn sàng đi đêm ...
Cái nguyên trạng 2006 của đảng, nếu chính thức trích dẫn từ Bản giải trình của ông Nguyễn Phú Trọng trong Đại hội Đại biểu Toàn đảng X vừa qua thì quả nhiên: “Nguy cơ chệch hướng XHCN là có thật”. Thực tế sát sườn là đảng “đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp không thể coi thường bất cứ thách thức nào”.
Cái nguyên trạng cần giữ đã teo tóp lại ở một góc nhỏ, thậm chí rất nhỏ, theo tuyên bố bế mạc đại hội vừa nói của ông Nông Đức Mạnh, là: “để tiếp tục hoàn thiện và phát triển đường lối, quan điểm đổi mới trong giai đoạn cách mạng hiện nay của nước ta”. Nói nôm na là để đảng vẫn duy nhất có tên trên hiến pháp và để giữ cơ hội “sửa sai”. Thực tiễn, cái góc rất nhỏ ấy ra sao?
1. Cái nguyên trạng teo tóp 2006 cũng đã vỡ - Đảng CSVN đang thu nhỏ dần. Những lớp vỏ bao bì của đảng đã bị lịch sử và thực tiễn khoan thai bóc từng lớp. Trước tiên là nền tảng tư tưởng và lý luận. Từ cụ Mác tới bác Hồ là một khoảng cách tính bằng năm ánh sáng. Thảm đỏ trải dài long trọng đón tiếp hầu hết cựu thù. Kế tiếp là khả năng quản lý đất nước bị lột trần. Việt Nam bị nhận chìm trong thế giới thứ ba. TW chèo chống con thuyền đảng bằng những que tăm. Quân đội thi đua làm kinh tế. Đơn vị nhỏ cạnh tranh cùng bọn cửu vạn cửa khẩu. Đơn vị to cạnh tranh cùng bưu điện, cung cấp cả phương tiện truy nhập mạng cho dân qua dịch vụ viễn thông. Công an bị nhận giếng hay bị bắt làm con tin, những cuộc thẩm vấn ép cung bị trình làng trên mạng thông tin. Quốc hội “nổi loạn”. Bức tranh Mặt Trận Tổ Quốc đã bị nhân dân treo ngược bằng những tổ chức ngoài luồng. Tham nhũng là một thứ ung thư đã đẩy con bệnh đảng vào thời kỳ chót ...
Sự sợ hãi trước đây của dân nay đã được chuyển nhượng miễn phí về cho đảng. Những đối phó của đảng có hệ thống từ luật pháp, nghị định, sắc lệnh và nhà tù... đã teo dần thành xích sắt khóa ngoài cổng nhà đối kháng.
2. Cái nguyên trạng teo tóp 2006 cũng đã vỡ - Đảng CSVN không “được phép” và cũng không còn quyền “cho phép”. Đảng không được phép tiếp tục độc quyền cai trị đất nước bằng những nghị quyết sai trái, nhân danh thiện chí sai đâu sửa đó, một khi đại hội X đã công khai thừa nhận: “Lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH như hiện nay của chúng ta vẫn chưa ngang tầm với những đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, của yêu cầu phát triển và hiện đại hóa xã hội”. Đảng không được phép nhập nhằng ví von đảng là tổ quốc, đảng là dân tộc, cả cái nhỏ nhất, đảng là đại diện của giai cấp công nhân, một khi mà đảng tiên phong trong việc cấu kết với giới chủ nhân người nước ngoài để bóc lột chèn ép công nhân trong nước. Đảng không được phép nhân danh bất kỳ một “sứ mệnh” nào, bởi chẳng từng ai trao gửi qua bất kỳ một cuộc trưng cầu dân ý nào. Trong một tương lai không xa, đảng cũng phải sửa bản Điều Lệ vì không thể và không còn được phép chuyên quyền sử dụng ngân sách quốc gia cho sinh hoạt riêng của đảng nữa. Đó là nguyện vọng và là đòi hỏi của đại khối dân tộc, một phần đã phản ánh qua tiếng nói của một số đại biểu QH.
Đảng cũng không còn quyền cho phép lập hội hay ra báo. Các tổ chức xã hội, công đoàn độc lập, đoàn thể công-nông, thậm chí là đảng phái chính trị,... đã đơn phương chính thức áp dụng bộ luật tối cao là Hiến Pháp để tự lập tự quản, và sinh hoạt không cần cấu vào ngân quỹ quốc gia, tiến dần lên trình độ hoạt động liên đới dưới hình thái của những hiệp hội hay liên minh. Song song đó tất yếu sẽ là những hội nhà báo độc lập, và những tờ báo quy tụ những ký giả, phóng viên độc lập đã từng từ chối viết bài theo đơn đặt hàng, hay từng bị dàn báo đảng từ chối đăng bài xiển dương sự thật. Đây chính là dấu ấn của thực quyền dân chủ.
3. Cái nguyên trạng teo tóp 2006 cũng đã vỡ - Quần chúng đang kết hợp thành một sức mạnh mới. Bài học đàng sau những cuộc đình công thắng lợi ở Sóng Thần-Linh Trung là một thông điệp lớn gửi đến nhân dân cả nước: “Phải Đòi Mới Được”. Kết quả rành rành trước mắt. Một người đòi không xong, nhưng 18.000 người ra cổng đứng hút thuốc với nhau thì được tăng lương. Một xí nghiệp đòi không xong, nhưng hàng trăm xí nghiệp cùng rửa tay nghỉ việc thì tỷ số hối đoái tính lương được điều chỉnh cập nhật ngay bằng nghị định của chính phủ. Kết quả lan truyền nhanh ngang tầm vận tốc các máy vi tính. Nhân dân đang kết hợp nhau dưới nhiều dạng khác, ở nhiều thành phần khác, để cùng nhau đòi hỏi kỳ được không chỉ những quyền lợi thiết thân, mà còn là những công bằng tối thiểu. Tám mươi triệu người VN đã thấy ra mọi hệ quả thảm khốc đất nước và dân tộc đã oằn lưng gánh chịu sau nửa thế kỷ thao túng bởi chưa tới 200 người trong TW đảng CSVN. Tám mươi triệu người đó đã thấy ra sức mạnh thật sự đang nằm ở đâu. Hứa hẹn cũ đã phai. Niềm tin xưa đã nhạt. Lằn ranh mới đã vạch. Sức mạnh mới đã tỏ. Ôn hòa là phương châm. Đối đầu là ý chí. Đối đầu bất bạo động chính là lộ trình dân chủ hóa.
4. Cái nguyên trạng teo tóp 2006 cũng đã vỡ - Khát vọng đa nguyên đã biến thành hành xử đa nguyên. Nắm tay nhau đi từ tâm thức đến hành động, nhân dân VN đã tự “xã hội hóa” nhiều diện sinh hoạt, từ vi mô tới vĩ mô, trước khi nhà nước dán nhãn nó thành chính sách. Khoán ruộng là một biểu hiện lớn. Khuyến học là một cụ thể khác. Cứu trợ bão lụt cũng là một thực tiễn từ thời cả nước còn phân chia giai cấp thiếu đói và đói gay gắt. Tờ “Người Sài Gòn” đã truyền thừa tâm ý qua các tờ “Thao Thức”, “Phù Sa”, “Canh Tân”... và gần nhất là tờ “Tự Do Ngôn Luận”. Nhân dân thấy ra nửa thế kỷ chờ đợi nhà nước giải quyết từng vấn nạn là một thời gian quá lâu. Mười đại hội đảng vừa qua đã tự trả lời cho nghi vấn của cả nước: Chắc gì nhà nước có đủ thiện chí hay khả năng giải quyết trong nhiều năm tới? Những thế hệ mới của nhân dân không thể chờ thêm đến đời con cháu họ. Nhân dân đã tự giải quyết lấy các vấn đề xã hội sát sườn, kể cả việc tự lập hội để kề vai nhau giải quyết các vấn nạn tại địa phương. Quy trình tự lo lấy đó là nền móng của sinh hoạt đa nguyên trong xã hội. Con đường không thẳng và chưa phẳng, đó đây vẫn còn những chỗ lồi lõm gồ ghề, nhưng mọi người đều thấy đó là cột mốc của các xa lộ thông thoáng trong một tương lai gần. Rõ ràng, xã hội VN đang trên đường xây dựng một định chế dân sự mới. Cốt lõi của nó chính là giá trị củng cố và phát huy sức mạnh liên kết của cả dân tộc, cả trước lẫn sau khi chấm dứt nạn độc tài, dù là độc tài cộng sản bây giờ hay độc tài không cộng sản về sau.
Không một APEC hay WTO nào có thể tự nó làm thay đổi vận mệnh Việt Nam. Chính người Việt Nam phải làm điều đó, trong nhiều thế trận của một lực lượng dân tộc. Ai cũng biết vậy. Hãy sát cánh cùng nhau hậu thuẫn cho liên minh dân tộc để tự giải quyết lấy vấn nạn của đất nước mình. Hãy sát cánh cùng nhau để phá vỡ hẳn cái nguyên trạng teo tóp còn lại của đảng CSVN ngày nay.
Hai từ “xoay chuyển” đang nằm gọn trong tay của mỗi chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét