05 tháng 5, 2006

Tham Nhũng: Cái Giá của Sự Thiếu Công Khai và Minh Bạch (CT24)


H. Vinh

Cuộc chiến chống tham nhũng đã khởi động được một thời gian không còn ngắn. Nhưng dường như, càng "chống" nạn tham nhũng càng tràn lan, từ nặng nề, rồi nghiêm trọng và đã đến mức được coi là "quốc nạn". Càng phát động "chống", nạn tham nhũng ngày càng tinh vi hơn và những vụ tham nhũng càng lớn hơn. Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Uông Chu Lưu đã phải nhìn nhận: "tham nhũng diễn ra với tính chất và quy mô ngày càng lớn, phạm vi xảy ra với diện rộng và mang tính tổ chức giữa nhiều cá nhân và đơn vị".

Tham nhũng đã gây cho đất nước những thảm họa khôn lường. Nguyên khí quốc gia bị xâm hại, lãng phí, tạo ra đầy rẫy những bất công trong xã hội. Mặt khác, tham nhũng góp phần rất lớn trong việc làm đạo đức xã hội ngày càng bị băng hoại. Cái mất quan trọng hơn khó lòng lấy lại được là mất lòng tin vào sự nghiêm minh của luật pháp, vào bộ máy công quyền. Lòng tin của nhân dân, những chủ nhân của đất nước với bộ máy quản lý và điều hành đất nước bị mai một, tinh thần đoàn kết không được phát huy, sức mạnh dân tộc bị suy hao một cách nặng nề. Mặt khác, hình ảnh đất nước VN bị tổn thương trong con mắt bạn bè năm châu, nhất là các tổ chức, các nhà đầu tư quốc tế.

Nguyên nhân của nạn tham nhũng đã được mổ xẻ nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các phát biểu của các nhà nghiên cứu tại các hội thảo, các kiến nghị, cũng như trong các phát biểu của những nhà lãnh đạo Đảng cộng sản từ khóa này đến khóa khác. Quyết tâm của các nhà lãnh đạo cũng được khẳng định từ khóa này sang khóa khác, từ năm nọ sang năm kia. Với rất nhiều những ngôn từ mạnh mẽ, những câu nói hay ho, nào là tham nhũng là "Quốc nạn" nào là phải coi chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao sức chiến đấu của Đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng... Các biện pháp từ nguyên tắc, văn bản pháp luật đến nội dung, phương pháp hành động đã tốn không ít giấy mực, văn bản, báo chí...

Nhưng hình như sự quyết tâm càng cao, thì nạn tham nhũng càng lấn tới? Đó là sự "phi lý mà có thật" đang xảy ra trên đất nước Việt Nam của chúng ta, một đất nước vào hạng nghèo đói của thế giới, nhưng được xếp hạng 102/146 nước trong danh sách tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế và đứng hàng thứ 12/13 nước được coi là tham nhũng nhất Châu Á.

Nhìn lại các vụ án tham nhũng, từ nhỏ đến lớn, chúng ta thấy một điều: Hầu hết, các tội phạm trong các vụ án tham nhũng lớn đều làm người dân phải giật mình vì những tài sản của mình bị chiếm đoạt mà không hề hay biết. Một Bùi Tiến Dũng với những mánh khóe, thủ đoạn rút ruột nhà nước, mà thực chất là mồ hôi, nước mắt của nhân dân để dùng hàng triệu đô la nướng vào cờ bạc, nuôi gái..., chắc chắn không chỉ xảy ra trong một khoảnh khắc. Một Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu nhận hối lộ mua bán quota qua một quá trình không ngắn. Một Lã Thị Kim Oanh làm thất thoát hàng chục tỉ, đồng, những vụ án là thất thoát thậm chí hàng ngàn tỉ đồng của Nhà nước.... Xa hơn một chút, những Epco - Minh Phụng, những Tân Trường Sanh, những vụ Dầu Khí, Thủy cung Thăng Long... đã diễn ra mà không phải chỉ trong ngày một ngày hai. Chúng ta thường thấy, các cơ quan chức năng "dễ dàng" bị lừa bởi những công ty ma, những dự án ảo, những chủ đầu tư lừa... Đến khi sự việc gây hậu quả nghiêm trọng thì mới biết rằng đã giao những dự án béo bở cho những người không một xu dính túi, đã bổ nhiệm những cán bộ không có năng lực, thậm chí là những thành phần bất hảo trong xã hội. Có những tiến sỹ xài bằng giả, ăn cắp bản quyền, đạo văn, đạo công trình khoa học nhưng đã không bị phát hiện. Có nhiều người khi bị vỡ lỡ những cuộc lừa đảo mới biết rằng, để được làm thân phận làm thuê xứ người đã tốn không biết bao nhiêu tiền của cho những tay cò mồi, những tổ chức lừa đảo. Chuyện hậu quả, những bất ngờ của nhân dân, của các cơ quan công quyền, trong những vụ việc tham nhũng, tiêu cực là chuyện dài tập, nhiều kỳ.

Một trong những nguyên nhân để căn bệnh tham nhũng hoành hành hiện nay, đó là tính công khai và minh bạch đã không được coi trọng. Sự giám sát của người dân, những chủ nhân thật sự của đất nước này đã không được thực sự phát huy. Tiêu chí dân chủ đã bị coi nhẹ. Mặc dù điều này không còn mới, xem ra việc thực hiện không đến nỗi khó khăn như người ta tưởng. Nhưng thực tế, điều này đã không được thực hiện hoặc có thực hiện cũng chỉ là nửa vời.

"Cuộc chiến chống tham nhũng chỉ hiệu quả khi tất cả các cơ quan, ban ngành vào cuộc. Nhiều cán bộ hô chống tham nhũng nhưng hãy xem lại ngay tại đơn vị mình đã dám đấu tranh với tệ nạn này chưa?", Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng nói với báo giới, chiều 5/5/2005. Nhưng sau đó không lâu, chính tại cơ quan của Chính phủ, mấy quan chức của Thanh tra nhà nước bị bắt vì ... tham nhũng. Thứ trưởng Bộ GTVT, người đã đi lên từ PMU 18, hiện đang là một "ổ" tham nhũng mà người cầm đầu là Bùi Tiến Dũng vừa bị bắt và đang là đầu mối quan tâm của dư luận về những tài sản, những mối quan hệ gia đình trị. Dư luận đang nóng lên với những mối liên quan đến tham nhũng, đến tư cách cán bộ, đảng viên của ông Thứ trưởng này dần dần được hé lộ. Ông lại là nguời vừa chủ trì hội nghị tập huấn cho các cán bộ chủ chốt thuộc bộ phận triển khai Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí và Luật phòng chống tham nhũng?. Chính những người đi chống tham nhũng lại là những kẻ tham nhũng. Chính những người rao giảng đạo đức về thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng lãng phí, lại là những người rút ruột nhà nước hàng tỉ đồng để nuôi gái, ăn nhậu. Chuyện chống "Quốc nạn" trở thành hài hước.

Từ những năm đầu đổi mới, câu nói: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đã thực sự khơi dậy được tính minh bạch và công khai, phát huy được tác dụng không nhỏ của nó. Nhưng tiếc thay, công năng của nó đã không được tiếp sức để nó phát huy mà đã nhanh chóng không được người ta nhắc đến nữa.

Một dự án rất khó có thể móc ngoặc đùn cho các "sân sau", nếu tất cả được minh bạch về hồ sơ, về các yêu cầu và qui mô gói thầu, về những nhà thầu tham gia với đầy đủ hồ sơ năng lực của họ. Nếu có những khuất tất, chắc chắn sẽ có nhân dân, những người giám sát phản hồi nhanh chóng.

Một bộ máy nhà nước địa phương đến trung ương rất khó có thể trở thành "Vườn trẻ", nếu qui trình chọn lựa cán bộ được công khai với những tiêu chí cần thiết cho những công việc cụ thể, những ứng cử viên với đấy đủ hồ sơ về năng lực, kinh nghiệm, bằng cấp... Nếu sự lựa chọn không công bằng, không chính xác, chắc chắn sẽ có những phản hồi của cán bộ Công nhân viên của cơ quan đó.

Một thị trường thuốc không thể lên đến giá cắt cổ người bệnh, những chủ nhân đất nước đến khốn cùng trong ốm đau bệnh tật, nếu giá thuốc và những phương thức, những nhà cung cấp thuốc được minh bạch và lành mạnh trong kinh doanh.

Một cán bộ lãnh đạo của dân, ắt sẽ khó có khả năng móc ruột ngân sách, giấu diếm, tẩu tán tài sản của mình bằng những chiêu rửa tiền, khó có thể sử dụng bằng cấp giả để leo lên, nếu tất cả tài sản, quan hệ, trình độ, bằng cấp của anh được công khai, minh bạch cho nhân dân, những người bầu ra mình được biết và có thể kiểm tra bất cứ lúc nào.

Những sai phạm khó có thể tiếp tục nếu những phản ánh của công luận, báo chí và nhân dân được công khai xử lý nghiêm minh với phương châm "Quân pháp bất vị thân" chắc chắn sẽ có tác dụng gia tăng lòng tin và có tác dụng răn đe mạnh mẽ...

Tất nhiên, vấn đề đi kèm theo việc phát hiện tham nhũng, là các biện pháp xử lý và ngăn chặn tham nhũng một cách kiên quyết và triệt để. Không thể có những vùng cấm cho tham nhũng, không cần thiết phải đưa vào diện "Xử lý nội bộ" dưới chiêu bài "ổn định lòng dân, ổn định tình hình". Tất cả những việc đó không được xử lý đúng mức đều thể hiện sự không quang minh, chính đại của những người đi chống tham nhũng và những kẻ tham nhũng.

Rất nhiều những ví dụ khác nữa, để có thể chứng minh rằng: Sự công khai, minh bạch góp phần không nhỏ cho công cuộc chống tham nhũng, làm ngược điều đó, nó ắt sẽ có tác dụng ngược lại. Những vụ án tham nhũng lớn đã qua, đã cho thấy cái giá phải trả là không nhỏ cho việc thiếu tính minh bạch và công khai trong xã hội.

Nhân dân là tai mắt của nhà nước, họ là người chủ thật sự của xã hội, hãy trả lại đúng vị trí đó cho nhân dân. Người chủ có quyền biết được, những đầy tớ của mình làm gì, thân nhân của họ ra sao? Tại sao người ta sợ sự minh bạch và công khai đến thế? Thói thường, chỉ những kẻ nào lương tâm không trong sáng, tự thấy bản thân mình không "sạch" mới phải che đậy sự thật của mình. Một người đàng hoàng, không có gì phải e ngại khi để cho người khác, nhất là những "ông chủ" hiểu rõ về mình. Một ông bố, bà mẹ không gương mẫu, không dám để con cái mình biết những việc mình làm. Một đứa con có những hành vi mờ ám, mới không dám để bố mẹ, anh em và những người khác biết những hành vi của mình. Ngoài ra, có gì cần phải bí mật, giấu diếm?

Người dân có quyền được biết những kẻ thay mặt mình quản lý tài sản, nắm vận mệnh của mình tổ chức, xã hội, đất nước thay mình là ai. Cũng không nên nghĩ rằng: Trình độ dân trí có hạn, biết nhiều sẽ không có lợi (?). hoặc "Công khai không có nghĩa là dán tất cả lên tường"?. Theo tôi, đó chỉ là một sự ngụy biện không đủ sức thuyết phục để che đậy những việc làm không đàng hoàng của những kẻ có tà tâm.

Người dân có đủ nhận thức để tin theo Đảng, theo nhà nước mà trực tiếp là các cán bộ khi họ biết rõ rằng, đó thật sự là những người vì nước nhân dân phục vụ. Những năm tháng hào hùng của thời Thống nhất đất nước là một minh chứng hùng hồn. Ngược lại, dù có trăm ngàn những lời hứa, những câu hoa mỹ, những khẩu hiệu vang trời, nhưng bản thân người cán bộ không gương mẫu, người dân vẫn quay mặt đi. Hiện tượng "trên bảo dưới không nghe" hiện tượng coi thường luật pháp, có nguyên nhân sâu xa từ những tấm gương đó.

Để góp phần có hiệu quả cho việc ngăn chặn và đầy lùi "quốc nạn" tham nhũng, sự công khai và minh bạch là điều không thể thiếu. Để những lời hô hào chống tham nhũng, những kế hoạch hành động có thể được thực hiện, cũng không ai khác, ngoài những người có trọng trách được giao cho nhiệm vụ nặng nề này phải là những người gương mẫu nhất. Trước hết, những người có cương vị và trách nhiệm cao nhất từ Tổng Bí thư, Thủ Tướng chính phủ, Chủ tịch nước... đến các Bộ trưởng, Thứ trưởng, các cán bộ cao nhất cần gương mẫu nhất về sự minh bạch và công khai của mình. Nói cách khác, khi đã chấp nhận vào cương vị là người phục vụ, cần biết chấp nhận sự giám sát quản lý của người được phục vụ là nhân dân, như vậy mới có thể tạo lòng tin nơi họ.

Nếu làm được như vậy, lòng tin của nhân dân ngày càng được củng cố, tính tự giác thực thi pháp luật, giám sát cơ quan công quyền được phát huy, sẽ có tác dụng tích cực trong mọi tầng lớp, hoạt động xã hội. "Quốc nạn" tham nhũng chắc chắn sẽ bị mất một môi trường nuôi dưỡng và lộng hành như hiện nay.

Chỉ có những con người công chính, mới xứng đáng làm những việc công chính. Đất nước này không thiếu những người tài đức, không thiếu những cán bộ lãnh đạo, nhân dân có đầy đủ khả năng để biết chọn ai đại diện cho mình, nếu tất cả được đàng hoàng lựa chọn. Những tâm hồn đen không hề muốn đưa ra ánh sáng, nhưng nếu không đưa được ra ánh sáng, thì chính những tâm hồn đen sẽ dẫn dắt xã hội vào con đường tối.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Thằng nào làm bậy trước sau gì thì cũng bị lôi cổ ra chặt thôi, không nên vơ đũa cả nắm chửi chế độ như vậy. Ở các nước phương tây được cho là dân chủ văn minh nhưng cũng tham nhũng đầy đó thôi, ngay như nước Mỹ còn có đám dám tham nhũng ăn bớt tiền cứu trợ bão Katrina vừa rồi thủ hỏi như thế còn gì là con người nữa cơ chứ. Bọn tư bản cũng thối nát chẳng kém gì đâu. Trước khi chửi người khác thì hãy xem xét lại chính bản thân mình trước đã, xem mình có phải là con người hoàn thiện chưa? đã cứu giúp những con người khốn khổ quanh ta chưa, hay là nhìn thấy rồi lẳng lẳng quay lưng giả bộ không biết? Ôi.. Những kẻ sống rởm đời kia! hãy làm nhiều hơn là nói đi cho XH được nhờ.