05 tháng 5, 2006

Giai Cấp Công Nhân Phẫn Nộ (CT24)


Trần Tường

Dù đảng và nhà nước tìm mọi cách giảm thiểu tầm quan trọng của những cuộc đình công rộng lớn quy tụ hàng ngàn anh chị em công nhân trên cả nước từ cuối năm ngoái cho đến ngày hôm nay, thì đây phải kể là một cơn bão lớn đang làm rung chuyển bộ máy cầm quyền. Ở những nước dân chủ, hiện tượng công nhân đình công được coi như một trong những sinh hoạt bình thường của công nhân để tranh đấu cho quyền lợi của mình. Nhưng dưới một chế độ cộng sản hay XHCN mà đảng lãnh đạo duy nhất tự nhận là đảng của giai cấp công nhân thì những cuộc đình công này không phải là tầm thường. Thử tìm hiểu về các cuộc đình công này để thấy rõ bản chất của sự phẫn nộ của giới công nhân tại nước ta hiện nay.

Báo chí đưa tin: "Sáng 26/3/2006, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tiến hành phiên họp toàn thể thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động (phần liên quan đến đình công và giải quyết đình công)". Trong buổi họp, ủy ban này đã đưa ra nhận định rằng: "...trong thực tế, số lượng các cuộc đình công có xu hướng gia tăng; đình công xảy ra ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, nhiều nhất ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài". Ủy ban này cũng công nhận rằng: "Một điều đáng quan tâm là các cuộc đình công này đều tự phát, không theo đúng trình tự, thủ tục luật định..., không do tổ chức công đoàn khởi xướng và lãnh đạo...". Những nhận xét, nhận định trên đây của các vị đại biểu Quốc Hội, thay vì đưa họ đến kết luận lôgic là "anh chị em công nhân đã hoàn toàn mất hết tin tưởng vào đảng CSVN, tự nhận là đại diện cho giai cấp công nhân và họ đã phải tự đứng lên tranh đấu đòi quyền lợi của họ", thì lại dẫn họ đến kết luận là "nội dung các cuộc đình công xảy ra trong thời gian vừa qua đều nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, tuy chính đáng nhưng không hợp pháp". Và vì "một số quy định của luật pháp chưa phù hợp với thực tế"...

Rồi từ đó, Ủy ban này đã bàn đến việc bổ sung, sử đổi và có ý kiến là phải làm một bộ luật khác thay thế bộ Luật Lao Động năm 1994. Cũng nên nhắc là Luật Lao Động hiện hành của đảng và nhà nước đã dành chương XIV để quy định về đình công và giải quyết đình công gồm 4 mục với 43 điều nhằm để hạn chế những tranh chấp về quyền lợi giữa người lao động tức là công nhân và người sử dụng lao động, tức là chủ nhân. Theo những điều khoản này thì trong những cuộc "tranh chấp lao động tập thể", phải qua nhiều giai đoạn phức tạp như "hội đồng hòa giải lao động cơ sở hay hòa giải viên lao động", rồi phải đưa ra giải quyết tại "Hội Đồng trọng tài lao động tỉnh", rồi đình công phải "báo trước" và phải "do tổ chức công đoàn khởi xướng và lãnh đạo"... Công nhân đã thấy rõ, những điều khoản của luật lao động có mục đích áp bức, bóc lột họ. Những cơ chế quy định trong luật để hòa giải, trọng tài đều là của đảng và nhà nước CSVN. Không có cơ chế nào là do công nhân bầu lên, không có có cơ chế nào là đại diện thực chất cho công nhân cả. Chính Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc Hội, trong phiên họp vừa qua cũng đã phải thú nhận rằng: "Hội đồng hòa giải, tổ chức công đoàn ở nhiều doanh nghiệp chưa thành lập (có khoảng 50%), những người làm việc trong các tổ chức này lại do người sử dụng lao động trả lương nên chất lượng hoạt động kém hiệu quả". Thực chất không phải là chất lượng hoạt động kém hiệu quả, mà bọn người này đã trở thành tay sai cho chủ nhân, đứng hẳn về phe chủ nhân chống lại thợ thuyền lao động.

Lại nói về cái tổ chức mang tên Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam do đảng tự lập ra thì vào 24/02/2006 vừa qua, tổ chức này đã tổ chức hội thảo về bản dự thảo Báo Cáo Chính Trị đại hội X của đảng CSVN. Cuộc hội thảo xoay quanh vấn đề phải "giữ vững, tăng cường bản chất GCCN của Đảng". Báo Lao Động ngày 25/2 đã đua tin như sau: "Thống nhất với các ý kiến tại hội thảo, Phó Chủ tịch Đỗ Đức Ngọ (chủ trì hội nghị) nhấn mạnh đến kiến nghị làm rõ bản chất của Đảng CSVN là bản chất của Giai Cấp Công Nhân, và Đảng phải có chiến lược xây dựng giai cấp công nhân, bởi đã 39 năm nay Đảng chưa có nghị quyết về vấn đề này". Thực ra thì bản chất đảng CSVN có bao giờ là đảng của giai cấp công nhân đâu? Coi lại lịch sử, người ta thấy rõ, những người lãnh đạo cộng sản lúc ban đầu đều xuất thân từ giai cấp quan lại, địa chủ, phú nông, trí thức... .

Người lao động tại Việt Nam đã bị cộng sản lường gạt từ hơn nửa thế kỷ nay và lầm tưởng cộng sản đại diện cho quyền lợi của họ. Nay họ đã thấy rõ bản chất phản bội giai cấp của đảng CSVN. Vì thế mà họ đã tự phát đứng lên tự tranh đấu cho quyền lợi chính đáng của họ bằng những cuộc đình công khổng lồ mà các ông Trần Đức Lương, Phan Văn Khải và tập đoàn lãnh đạo chóp bu tại cung đình chưa hề thấy dưới chế độ XHCN. Đã đến lúc công nhân phải dứt khoát hơn để bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách loại bỏ chủ nghĩa và đảng CSVN.

Không có nhận xét nào: