05 tháng 5, 2006

Xẻ Dọc Trường Sơn... (CT24)


Đông Hà

Nhân ngày 19-5 (1999), cũng vừa là kỷ niệm 40 năm mở đường Trường Sơn, ông Trần Đức Lương đã đến gắn huân chương Sao vàng lên quân kỳ bộ đội Trường Sơn, và đọc vài trang ca ngợi, trong đó có một câu dài không thua dãy núi hụt hơi đó, như sau: “Vượt qua mưa bom bão đạn và các thủ đoạn chiến tranh tinh vi, hiện đại và vô cùng tàn bạo của kẻ thù; khắc phục mọi khó khăn về điều kiện khắc nghiệt của rừng núi Trường Sơn, suốt 16 năm bộ đội ta, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên tuyến đường Trường Sơn, với trí thông minh, sáng tạo và lòng dũng cảm phi thường, đã bảo vệ thông suốt liên tục tuyến đường huyết mạch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền bắc XHCN cho tiền tuyến lớn miền nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược...”.

Chi tiết ra, trong 16 năm đó, tuyến vận tải quân sự Trường Sơn đã chuyển một tổng lượng hàng là 1.349.060 tấn vào miền Nam. Trong số đó, mức tổn thất ghi nhận được là 25.500 xe tải và 765.610 tấn hàng, tức là mất hơn phân nửa. Chính lượng hàng đó làm cho con đường này mang tên là tuyến đường huyết mạch. Đối với Hà Nội, đó là sự mất mát lớn lao nhất, chứ còn mạng người thì không kể, cho dù số tổn thất bộ đội (đếm được) lên đến 29.400 người bỏ xác, và 79.800 người tàn phế. Chưa tính dân công nhịn đói cõng gạo chết dọc đường. Chưa tính trong thời gian mở đường, trung bình cứ mỗi cây số đã dán 15 bằng liệt sĩ. Chưa tính cả những người chết vì bệnh sốt rét rừng, hay những thế hệ Thanh Niên được đảng Xung Phong giùm để ra trấn giữ 2526 chốt lửa trên tuyến đường ngập máu đó.

Tất cả để đổi được những gì? Một huân chương sao vàng? Dăm ba bài thơ bài hát? Hàng loạt nghĩa trang mênh mông? Hàng triệu bà mẹ đón nghe những bài diễn văn bốc lửa thay giỗ tập thể con mình hàng năm? Hay, thống kê về 300.000 “hộ đói kinh niên” trên toàn quốc? Thống kê về chi phí giáo dục bình quân đầu người của VN thấp hơn Nhật Bản 238 lần? Thống kê minh thị hơn phân nửa các cửa hàng ăn uống ở VN là bia ôm, đế ôm, chè ôm... bên cạnh các tụ điểm hớt tóc ôm, rửa xe ôm, câu cá ôm...? Thống kê về non 1300 trường hợp ghi nhận được cho tới nay những người chết vì bệnh SIDA? Hoặc một bản thống kê khác dành cho Khe Ve, La Trọng, Tà Rùng, Cha Lo, Cổng Trời, Pha Băng Na, Hướng Lập, Trung Hóa, Hóa Thanh... những địa danh dọc đường Trường Sơn, hiện đang là nơi tập trung những con người thuộc diện đói nghèo nhất nhì thế giới?

Còn chế độ ưu đãi đối với Thanh niên Xung phong, những người mà thạc sĩ Tạ Vân Thiều viết trên báo Nhân Dân là bộ phận “vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng cho chiến trường; mở đường chi viện tiền tuyến lớn miền nam”? Cũng theo TS Thiều thì, qua Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg, chế độ ưu đãi đó gồm: Hơn 2000 người sẽ được xác nhận và cấp bằng liệt sĩ; Hơn 5000 người sẽ được xác nhận là thương binh loại B; Một số người đạt tiêu chuẩn “sống cô đơn không nơi nương tựa” sẽ được trợ cấp mỗi ngày 400gam gạo.

Bên cạnh bài diễn văn ca tụng khí phách xẻ dọc Trường Sơn do ông Trần Đức Lương đọc, cung đình Hà Nội đang có những nỗ lực níu chân các công ty Coca Cola, Pepsi Cola, Cigma, Citibank, Ford, General Electric, P&G, Microsoft... Mặt khác, ở mức vĩ mô, hy vọng cấp thiết của đảng ta là nâng cấp tiến trình bang giao với Mỹ lên mức toàn bộ, với tiêu chí là không chỉ có sứ quán Mỹ tại VN, mà phải cố đạt được một Hiệp ước Thương mại làm nền cho quy chế Tối huệ quốc của Mỹ. Đây là cuộc đua nước rút với vụ bầu cử tổng thống và quốc hội lưỡng viện sắp tới ở Mỹ. Các ngài Nguyễn Tấn Dũng, Trần Xuân Giá và Nguyễn Sinh Hùng đã từng bị gậy qua Mỹ. Gần nhất, cuối tháng 4/99, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Sĩ Kiêm đã sang dự Hội Nghị Mùa Xuân của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn của Mỹ. Theo tường thuật của báo Nhân Dân thì ông Cao Sĩ Kiêm “đã gặp với Tổng giám đốc IMF và WB, bày tỏ lời cảm ơn đối với sự giúp đỡ và hỗ trợ mà hai tổ chức này đã dành cho...”. Hóa ra, căn cứ vào những tổng kết thực tiễn, ý nghĩa thật sự của nó là khí phách xẻ dọc Trường Sơn... đi đón Mỹ?

Không có nhận xét nào: