05 tháng 5, 2006

Vũng Lầy Khiếu Kiện (CT24)


Khoa Nam

Từ hơn chục năm nay, phẫn uất trước những hành động ngang ngược của những cán bộ tham quan cộng sản nhũng nhiễu, ức hiếp, cướp đoạt tài sản dân lành, hàng vạn gia đình nạn nhân đã lâm vào cảnh khốn đốn thương tâm. Họ đã quyết liệt và kiên trì tố cáo, khiếu nại, mong đòi lại công lý, công đạo cho mình. Đơn khiếu kiện của họ nộp cho chính quyền địa phương chất cao như núi và đã bị tập đoàn quan lại cộng sản nắm giữ chức quyền tại các cơ quan gọi là "chức năng" cấu kết với nhau, bao che cho nhau, dìm đi tất cả. Rất đông đồng bào khổ nạn đợi chờ hàng chục năm mà vẫn không được cứu xét. Tới hỏi thì cán bộ sâu dân mọt nước đùn đẩy cho nhau. Hỏi xã, xã đẩy lên huyện, hỏi huyện, huyện đẩy xuống xã. Tình trạng này còn thê thảm, khốn nạn hơn dưới thời phong kiến.

Chính vì nhận thấy địa phương không thèm đếm xỉa đến dân, không thèm cứu xét oan tình của dân, nên dân đã rủ nhau mang đơn ra tận trụ sở đầu não của đảng và nhà nước tại Hà Nội. Dân cứ tưởng là quan lại địa phương làm bậy, còn ở Trung Ương, chắc thấm nhuần hơn cái gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh" như "sáng suốt", "trong sạch", "chí công vô tư", vv... sẽ giải quyết thỏa đáng cho họ. Thế là từ Cà Mâu, Đồng Tháp; từ Quảng Ngãi, Qui Nhơn; từ Hải Phòng, Lạng Sơn họ đã từng đoàn lũ lượt, vượt hàng ngàn cây số đường đất để mang đơn đưa tận tay các "vị lãnh đạo tối cao" tại Thủ Đô Hà Nội. Có người cho rằng phải đưa đơn cho người làm lớn nhất nước là Tổng Bí Thư đảng cộng sản và họ đã đổ về trụ sở Đảng. Bị xô đuổi, họ lại kéo nhau tới tư dinh ông Nông Đức Mạnh, liều lĩnh chặn xe để đưa đơn. Rồi cũng có người cho rằng phải đưa đơn cho Thủ Tướng chính phủ và họ đã săn duổi ngài Phan Văn Khải. Lại cũng có người nghĩ rằng Quốc Hội là cơ quan có "quyền giám sát tối cao", và họ đã tụ tập trước Quốc Hội, trước nhà ông Nguyễn Văn An, chủ tịch Quốc Hội, hay nhà riêng các ông bà "đại biểu". Có người đã trải qua hàng năm trời, màn trời chiếu đất, kiên trì bám trụ tại công viên Mai Xuân Thưởng, trước cửa cái cơ quan được mệnh danh là "trụ sở tiếp dân". Đối với hiện tượng này, đảng và nhà nước lại cho rằng, đây là hành động bất hợp pháp và gọi hiện tượng đội đơn ra triều đình này là "hiện tượng khiếu kiện đông người", hay "khiếu kiện vượt hệ thống". Đã nhiều lần nhà nước đã lùa công an tới bắt những người khiếu kiện tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng.

Trở lại chuyện những người khiếu kiện muốn gặp các "đại biểu Quốc Hội" để đưa đơn thì theo báo Lao Động điện tử, ngày 6/5/2006 vừa qua đã có "phiên họp thứ 39 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội (UBTVQH)" để bàn về bản "dự thảo nghị quyết về việc đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đoàn ĐBQH tiếp công dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị". Theo dự tính thì sau buổi họp này bản dự thảo sẽ được thông qua để trở thành nghị quyết chính thức. Nhưng cuối cùng, theo tờ báo thì "‘sự cố’ đã xảy ra: nghị quyết này đã không được thông qua". Về lý do khiến Quốc Hội phải đưa ra nghị quyết tiếp dân, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội đã phát biểu: "Có cảm giác những người đi khiếu kiện không còn tin vào cách giải quyết khiếu kiện của cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan tư pháp. Họ cứ bám lấy ĐBQH để gửi đơn thư khiếu kiện, thậm chí đến tận nhà riêng của ĐB để gửi đơn thư...". Còn về nguyên nhân khiến UBTVQH lâm vào bế tắc thì rất đơn giản: Họ không đồng ý được với nhau về các vấn đề "tiếp dân ở đâu? tiếp dân như thế nào? có được tiếp dân tại nhà riêng hay không?". Các địa điểm để đại biểu Quốc Hội tiếp dân rất hiếm vì nhiều lý do chủ quan cũng như khách quan. Về chủ quan thì Quốc Hội không có đủ ngân sách để có những văn phòng riêng cho từng đại biểu. Về khách quan thì cứ cho rằng Quốc Hội là do dân bầu, dân tin tưởng hơn chính quyền và có chức năng "giám sát tối cao" thì không bao giờ chính quyền gồm toàn tham nhũng lại lập văn phòng để nhận đơn tố cáo mình. Còn nếu giải quyết bằng tiếp dân tại nhà riêng thì gặp sự phản đối là vì là phạm luật. Trong buổi họp, ông Nguyễn Văn Yểu, phó chủ tịch Quốc Hội đã "đưa ra một nguyên tắc là theo Luật Khiếu nại Tố cáo quy định thì không được tiếp và nhận đơn thư của công dân ở nhà riêng". Thế là phiên họp tắc tị. Ông Nguyễn Văn An, đã kết luận không thông qua nghị quyết trong phiên họp. Như vậy, ngoại trừ vấn đề tiếp dân ở đâu và như thế nào, hiện nay vẫn chưa biết đại biểu có được nhận đơn khiếu kiện hay không? nhận rồi để làm gì vì không có quyền giải quyết khiếu kiện? Nhận rồi chuyển đi đâu? Chuyển thẳng cho "cơ quan chức năng" hay cho "văn phòng Quốc Hội"? Đơn thư khiếu kiện do đại biểu Quốc Hội chuyển có tính cách pháp lý không? có tính cách cưỡng bách thi hành không? Đảng và nhà nước ta đang sa vào trong vũng lầy khiếu kiện, một trong nhiều vũng lầy khác sẽ chôn vùi một nền cai trị độc tài và tham ô.

Không có nhận xét nào: