05 tháng 5, 2006

Đấu Tranh Công Khai hay Bí Mật (CT24)


Trích Gene Sharp - Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Bí mật, ngụy trang, và lập mưu trong bóng tối tạo thêm vấn đề rất khó khăn cho những phong trào đấu tranh bất bạo động. Thường thì phía dân chủ khó giữ nổi các ý định hay kế hoạch khỏi những cặp mắt tình báo hay cảnh sát chính trị của chế độ.

Nhìn từ góc cạnh của phong trào thì bí mật không chỉ bắt nguồn từ sự sợ hãi mà còn làm góp phần gia tăng sự sợ hãi. Và chính sợ hãi sẽ làm suy giảm tinh thần kháng cự và làm giảm số người có thể tham gia vào hành động.

Bí mật, một khi bị lộ, sẽ góp phần tạo nên những ngờ vực và cáo buộc trong nội bộ phong trào (mà thường là oan uổng) về việc ai là nội gián cho đối phương. Bí mật cũng có thể ảnh hưởng trên khả năng duy trì chủ trương bất bạo động của phong trào. Ngược lại, sự công khai về chủ trương và kế hoạch không những tạo được ảnh hưởng ngược với các hậu quả nêu trên, mà còn góp phần tạo hình ảnh là phong trào đối kháng thực sự rất mạnh.

Vấn đề dĩ nhiên phức tạp hơn nhiều so với vài giòng vắn tắt này, và có những lãnh vực hệ trọng trong hoạt động đối kháng cần phải giữ bí mật. Quyết định có nên giữ một việc mật hay không cần phải được lượng giá với đầy đủ dữ kiện bởi những người hiểu rõ cả về sự vận hành của đấu tranh bất bạo động và những phương tiện dọ thám của bạo quyền trong từng trường hợp cá biệt.

Những việc như soạn thảo, in ấn và phổ biến các tài liệu chui, sử dụng đài phát thanh bất hợp pháp trong nội địa quốc gia, cũng như việc thu thập dữ kiện tình báo về các hoạt động của bạo quyền là loại việc đòi hỏi độ bảo mật cao.

Trong suốt tiến trình đấu tranh bất bạo động, việc duy trì tiêu chuẩn gắt gao trong hành động ở mọi giai đoạn là điều cần thiết. Trong số những tiêu chuẩn này, yếu tố không sợ hãi và duy trì kỷ luật bất bạo động là những điều kiện luôn luôn phải có. Ðiều quan trọng cần nhớ là phải có số đông dân chúng thì mới đủ áp lực để tạo thay đổi, nhưng số đông đó chỉ trở thành những người tham gia đáng trông cậy khi những tiêu chuẩn gắt gao được duy trì trong phong trào.




Leo Thang các Quyền Tự Do

Sự phát triển của các định chế xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị độc lập sẽ dần dần mở rộng vùng “không gian dân chủ” trong xã hội và thu nhỏ vùng kiểm soát của chế độ độc tài. Khi các định chế dân sự trong xã hội ngày càng lớn mạnh so với chế độ độc tài, thì bất kể chế độ muốn gì, quần chúng sẽ tự xây dựng dần dần một xã hội độc lập ngoài luồng kiểm soát của họ. Nếu và khi chế độ can thiệp để ngăn chặn sự “leo thang tự do” này, các cuộc tranh đấu bất bạo động sẽ khởi sự để bảo vệ vùng không gian tự do vừa giành được, và thế là chế độ độc tài phải đối phó thêm với một “mặt trận” mới trong cuộc đấu tranh.

Với thời gian, sự kết hợp giữa chiến dịch kháng cự và nỗ lực xây dựng định chế sẽ dẫn đến tình trạng mặc nhiên có tự do, từ đó sự sụp đổ của chế độ độc tài và việc thiết lập chính thức các cơ chế dân chủ sẽ phải đến vì tương quan quyền lực trong xã hội đã thay đổi từ căn bản.




Những Hình Thức Thách Đố Tượng Trưng

Vào giai đoạn đầu của chiến dịch làm suy yếu chế độ độc tài, hành động cần phải được giới hạn về tầm vóc và nên được hoạch định một phần để thử nghiệm và ảnh hưởng lên tâm trạng của quần chúng, sửa soạn họ cho cuộc đấu tranh kéo dài bằng phương cách bất hợp tác và phản kháng chính trị.

Hành động khởi đầu thường chỉ mang hình thức phản đối tượng trưng, biểu kiến bất hợp tác ngắn hạn trong một giới hạn. Nếu số người sẵn sàng tham gia còn ít thì hành động ban đầu có thể nhẹ nhàng như đặt vòng hoa tại một nơi mang ý nghĩa quan trọng. Ngược lại, nếu có số đông những người sẵn sàng hành động, thì những hình thức như 5 phút ngưng mọi hoạt động hoặc vài phút im lặng có thể áp dụng. Trong một số hoàn cảnh, một vài cá nhân có thể tuyệt thực, thực hiện đêm canh thức tại một nơi mang ý nghĩa, học sinh tẩy chay lớp học ngắn hạn, hoặc tọa kháng ngắn hạn tại một văn phòng quan trọng. Dưới một chế độ độc tài, khởi động bằng các hành động quyết liệt hơn hầu như chắc chắn sẽ bị đàn áp nặng nề.

Một số hành động biểu kiến khác, như đứng đầy người phía trước biệt thự của những kẻ độc tài, hoặc trước trụ sở chính của công an, v.v. có thể tạo mức rủi ro cao và do đó không nên dùng để khởi xướng một chiến dịch. Những hành động phản đối tượng trưng ban đầu có khi thu hút ngay được sự chú ý của dư luận toàn quốc và thế giới, thí dụ như những cuộc xuống đường đông đảo tại Miến Điện vào năm 1988, hoặc việc chiếm ngự và tuyệt thực của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh năm 1989. Tuy nhiên, con số thương vong quá cao trong hai trường hợp này là điều mà các chiến lược gia phải đặc biệt quan tâm khi hoạch định các chiến dịch. Mặc dầu tạo được chấn động rất lớn về đạo đức và tâm lý, các hành động này tự chúng khó có thể đánh sập được chế độ độc tài, bởi vì đây là những hành động biểu kiến chứ không thay đổi thế lực của chế độ độc tài.

Thường thì khó mà cắt đứt được các nguồn thế lực hiện có của chế độ độc tài một cách toàn diện và nhanh chóng vào thời gian đầu của cuộc đấu tranh. Vì điều này đòi hỏi phải có hầu như toàn bộ dân chúng và mọi cơ chế của xã hội - mà trước đây phần lớn đều ngoan ngoãn phục tùng - cự tuyệt chế độ và bất ngờ cùng kháng cự lại bằng hình thức bất hợp tác quyết liệt và rộng khắp. Mức độ tham gia này chưa xảy ra, và là điều khó đạt tới nhất. Do đó trong hầu hết mọi trường hợp, ý định tung ngay ra một chiến dịch bất hợp tác và đối kháng toàn diện là một chiến lược không thực tế cho giai đoạn đầu chống lại độc tài.

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tui khoái chữ "tranh đấu" hôn là "đáng trâu" ủa quên .."đấu tranh", mà hổng biết chữ "đấu tranh"này co 1trong tự điển không ta ???

Nặc danh nói...


Từ Độc Tài đến Dân Chủ -- Một Hệ Thống Ý Niệm Về Giải Phóng