05 tháng 3, 2006
Trả Lại Hào Khí Diên Hồng (CT22)
Lê Công Định
Lịch sử cho dân tộc những trang sách khó quên,
Tình yêu đất nước cho con người năng lượng cần thiết,
Tương lai giống nòi cho mỗi chúng ta đích điểm để hành động!
Đó là lý tưởng sống của những con người còn khái niệm phân biệt giữa Cái Ác và Cái Thiện.
Đó là lẽ sống của những trái tim còn biết cảm xúc trước Nỗi Khổ và Hạnh Phúc.
Với tình thương trong tim và ánh sáng từ khối óc, nỗi nhu nhược và sợ hãi thành quán tính quen thuộc bấy lâu sẽ được vượt qua, để mỗi một người dân là một mũi tên nhắm vào cái ác và nỗi nhục lạc hậu mà vươn tới.
Công Lý rồi sẽ phục hồi và trái tim rỉ máu của cả dân tộc sẽ thôi không còn bị đặt để trước cửa thềm của thế giới văn minh.
Những bàn chân đã tiến bước. Những cánh tay đã vươn lên. Những trái tim đã chung nhịp đập. Bốn ngàn năm dân tộc Lạc Hồng, đã nghe, đã thấy ! Hào khí đã dâng cao! Với Lê Công Định và biết bao người khác (Canh Tân)
Lịch sử Việt Nam là lịch sử thăng trầm của một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây. Những khoảnh khắc hòa bình hầu như ngắn ngủi. Sau 1975 niềm vui độc lập và thống nhất, với biết bao máu và nước mắt vô tội đổ xuống, đã không kéo dài bao lâu. Đất nước triền miên rơi vào khủng hoảng, hết khủng hoảng kinh tế, đến khủng hoảng đạo lý và bây giờ khủng hoảng niềm tin. Điều đó suy cho cùng có nguyên nhân nội tại từ chính sự nhu nhược của mỗi con người chúng ta.
Bốn ngàn năm lịch sử đã kết nối từng cá nhân thành một dân tộc, hun đúc nên khát vọng Đại Việt, đưa chúng ta đi hết chiến thắng này đến thắng lợi khác, giành lại độc lập tự chủ và thống nhất giang sơn về một mối. Thành tựu ấy có được là do sự quật khởi của hào khí Diên Hồng qua các thời đại. Tiếc thay khi chuẩn bị bước vào nền thái bình thịnh trị, sự nhu nhược đã thế chỗ cho tinh thần quật khởi! Kẻ thì bỏ nước ra đi, trốn tránh. Người thì ở lại nhẫn nhục, muộn phiền. Bọn cơ hội thừa dịp thi thố sự đồi bại, biến giang sơn chung thành món mồi riêng tư béo bở.
Vì nhu nhược, chúng ta không dám phản kháng thói hạch sách, nhũng nhiễu của lớp quan lại mới, chấp nhận dùng tiền vượt qua trở ngại. Đến khi nhìn lại, quốc nạn tham nhũng và quan liêu đã lan tràn, bất trị.
Vì nhu nhược, chúng ta che tai không dám nghe lời nói ngay thẳng, mặc nhiên dung túng sự dối trá và xu nịnh. Đến khi bừng dậy, đạo đức đã suy đồi, khó sửa.
Vì nhu nhược, chúng ta hài lòng với những gì đang có, cố tin vào sự ổn định giả tạo, đắm mình vào những lễ hội vô nghĩa liên miên. Đến khi nghĩ lại, xung quanh đã đầy dẫy ung nhọt, không còn thuốc chữa.
Vì nhu nhược, chúng ta bịt mắt trước những bước đi vũ bão của các dân tộc láng giềng. Đến khi tỉnh ngộ, sự tụt hậu quá rõ ràng, không còn cơ may rút ngắn khoảng cách.
Để che giấu mặc cảm do nhu nhược, khắp nơi người ta kể nhau nghe những bài vè châm biếm hoặc lớn tiếng dè bĩu chuyện cung đình tồi tệ, nhưng lại trong … quán nhậu! Chí khí kiểu “sĩ phu Bắc Hà” ấy liệu sẽ giúp ích được gì cho công cuộc chấn hưng đất nước đang lúc cần hào khí Diên Hồng năm xưa?
Muốn chấn hưng đất nước trong vận hội ngàn năm có một này cần phải rũ bỏ sự nhu nhược đó. Muôn người xin hãy nắm tay lại, chế ngự sự sợ hãi, cùng tiến về phía trước, may ra khát vọng Đại Việt mới có cơ may biến thành hiện thực. Xin đừng để sự nhu nhược của những cá nhân trở thành sự bạc nhược của cả một dân tộc.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét