05 tháng 3, 2006
Những Đoàn Xe Chuyển Tải (CT22)
Cành Nam
Trong kinh Vasala Sutta, có đoạn kể một buổi sáng Ðức Thế Tôn rời khu rừng Jeta (Kỳ Viên), đắp y mang bát vào thành Savatthi (Xá Vệ) để trì bình. Gần đấy, có nhà của một vị theo đạo Bà La Môn, cũng đang chuẩn bị ra ngõ. Những người theo đạo Bà La Môn cho rằng sáng ra mà gặp phải một Sa môn (Samana) hay một tăng lữ thì là điềm không may. Vì thế, khi mắt nhìn thấy đức Phật từ xa đến thì ông ta nổi giận, buông lời cộc cằn thô lỗ: - Hãy đứng lại, này ông thầy tu ! Hãy dừng lại, này ông đạo bần tiện đê hèn ! Hãy đứng lại đó, này người cùng đinh khốn khổ !
Trước sự nhạo báng, khinh miệt của người đối với mình, Ðức Phật đã ôn tồn bảo: - Này bạn, ông có biết người cùng đinh là thế nào, hay cái gì làm cho người ta trở nên bần tiện, đê hèn? làm cho người ta là hạng cùng đinh không?
Tò mò vì phong độ trầm tĩnh đầy bi mẫn của Ðức Phật, ông ta trả lời: - Không, quả thật tôi không biết. Này, Gotama (Cồ Ðàm), tôi không hiểu thế nào là cùng đinh và những gì làm cho người ta trở thành cùng đinh (vasala).
Lời dạy của Ðức Phật hôm ấy có 27 điều, nhưng tựu chung, ý chính Ðức Phật muốn truyền đạt có thể gom vào một câu này trong đời sống: Không phải do số phần, hay do nguồn gốc sinh trưởng mà là cùng đinh hay không là cùng đinh. Trở thành cùng đinh là do hành vi của chính mình, mà trở nên không cùng đinh cũng là nhờ hành vi của chính mình.
Khi nghe xong những lời luận giải, người ấy chợt hiểu ra mình mới là hạng cùng đinh vì chính những hành vi khiếm nhã, những lời lẽ lỗ mãng mình có, chứ không phải Ðức Phật, dù rằng ngài đang là kẻ khất thực, ăn xin lòng từ tâm của chúng sinh. Một cách ôn hòa, không cần tự tâng bốc mình, cũng không cần hạ thể người Bà La Môn, qua 27 điều giảng về tư tưởng, hành động của con người, Ðức Phật đã giúp người ấy nhận thức rằng không vì người ấy sinh trưởng nơi quyền quý mà đã là người quyền quý, không vì Ðức Phật nghèo khổ mà đã là kẻ đê hèn; mà chỉ có hành vi của chính mình mới quyết định giá trị thật con người mình.
Ðó là trong tôn giáo. Trong chính trị, người ta cũng thường nghe câu: "Dân chúng thế nào thì chính quyền thế ấy". Ngụ ý muốn nói rằng nhận thức của người dân, thể hiện qua ý chí và hành động, sẽ quyết định guồng máy cai trị quốc gia. Số phận của họ làm những quần chúng bị cai trị ngặt nghèo hay là những người được sống tự do, với đầy đủ nhân quyền và dân quyền, phần nào đều do ở chính họ. Ðời sống họ được tốt hay không đều phải do chính họ phấn đấu mà nên. Lịch sử loài người cho thấy tự do phải tranh đấu mới có, chứ không bao giờ do van xin mà được. Tinh hoa Phật giáo cũng thế, không có điều gì xẩy ra mà không do chính mình tự chủ động tạo ra, trong hiện tại, hay trong kiếp trước. Không có gì tự nhiên mà có, không có điều gì do ngẫu nhiên mà được. Nếu trong kiếp trước do tâm, ý, hành động của mình sai trái, tạo nên nghiệp và kiếp này phải lãnh quả báo; nhưng nếu biết nhận thức lý nghiệp báo, kịp ăn năn, tu tâm dưỡng tính, chuộc lỗi ngay trong hiện tại, sẽ hóa giải đi phần nào những tai ương phải chịu. Ðiều này đã được Ðức Phật giảng rõ qua ví dụ của thìa muối đổ vào tách nước thì ắt phải mặn không thể uống trôi, nhưng nếu thìa muối (nghiệp) đổ vào giòng sông bao la thì độ mặn không còn đáng kể. Tóm lại, lúc nào cơ hội để tạo dựng hạnh phúc hay đau khổ trong cuộc sống đều có và đều do chính mình chủ động mà được, hay mất. Trước cơn pháp nạn hôm nay, một phật tử thuần thành và hiểu biết, không khi nào van vái cầu xin được cứu vớt. Ngược lại, những phật tử giác ngộ sẽ đặt trọn vẹn niềm tin nơi chính mình, nơi hạnh tinh tấn, và nỗ lực cố gắng để tự mình giải thoát chính mình. Thay vì bó tay đầu hàng trước nghịch cảnh, hay vuốt ve tâng bốc một thế lực cầm quyền nào, người Phật tử đặt niềm tin mình trên ý chí của mình, và không ngừng hoạt động để mang an lành không chỉ cho mình, mà còn cho tất cả.
Chính vì tri thức được lẽ ấy mà từ những năm đầu sau 1975, các chân tăng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã không ngừng tranh đấu cho tương lai an lạc của nước nhà. Suốt quá trình bi thương trong lịch sử Việt Nam, đạo đã luôn luôn gắn liền với đời. Tinh thần "tự giác nhi giác tha" đã thôi thúc quý tăng ni phật tử, một mặt không ngừng tu đạo để "tự giác" và "tự độ", dù gặp phải bao cấm đoán, trù dập, đàn áp của đảng và nhà nước, mặt khác vẫn không quên thể hiện tâm từ bi, để canh cánh một lòng phổ độ chúng sinh. Nếu nhìn từ góc cạnh của tinh hoa phật pháp thì có lẽ chính tâm lượng quảng đại của Ðại Thừa, nên ‘chiếc xe chuyển tải’ ("thừa") không thể chỉ có mình tự độ lấy mình thoát kiếp khổ nạn, mà còn phải dốc tâm phá ngã chấp, mang tâm bình đẳng để cả dân tộc đều được đến bến bờ viên tịnh. Và nếu nhìn từ góc cạnh của những người cùng chung một tổ quốc, thì trước khi là Phật tử, hoặc tín đồ, hay không theo một tôn giáo nào... thì tất cả đều vẫn là con dân một nước, cùng có bổn phận và trách nhiệm như nhau trước cơn quốc nạn. Chính vì thế, những vị lãnh đạo tinh thần, bất kể là tôn giáo nào, từ Ðức Giám mục Nguyễn Văn Ðiền, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Linh mục Nguyễn Hữu Giải, Linh mục Phan Văn Lợi, Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Mục sư Nguyễn Hồng Quang, Cụ Lê Quang Liêm, v.v... và biết bao tăng ni phật tử, Hòa Hảo, Cao Ðài, giáo dân, tín đồ Tin Lành vô danh khác, đã cùng tìm gặp nhau trong cùng một ý chí của những nhà đấu tranh vì tự do, nhân quyền, dân chủ cho dân tộc. Họ chưa bao giờ ích kỷ, chủ trương sống giải thoát cách ly thế gian, bỏ mặc sự lầm than của cả nước, để mưu cầu an thân cho chính mình và gia đình mình. Từ những giáo dân Nguyệt Biều, An Truyền, đến những phật tử Hòa Hảo ở An Giang, tín đồ Tin Lành ở vùng Cao Nguyên, đến những tăng ni phật tử tại Nguyên Thiều, Bình Ðịnh ... tất cả đều ý thức được rằng chính mình phải là nhân tố tạo sự thay đổi, và đã đến lúc phải tự mình chứng minh trước lịch sử, rằng mình không phải là "hạng cùng đinh" (vasala) dù cho đảng và nhà nước có muốn biến cả dân tộc này thành những hạng cùng đinh khốn khó, cũng không thể được !!!
Số phận và tương lai dân tộc Việt hoàn toàn nằm trong tay mỗi người chúng ta. Ðất nước sẽ đầy cỏ xấu, gai sắc, hay tràn ngập hoa thơm, trái ngọt, là do ở nỗ lực diệt trừ, bứng tận gốc rể những loài cỏ xấu, để tạo điều kiện gieo trồng những hạt giống tốt. Chúng ta chỉ chú tâm tự lo giải thoát chính bản thân ta, gia đình ta, hay chúng ta sẽ phá ngã chấp, để góp một bàn tay, một tấm lòng hầu giải trừ quốc nạn, pháp nạn cho cả dân tộc mình. Ðã đến lúc, chúng ta cần nhận thức trách nhiệm của mình trước vận nước, và vững tin vào ý chí của chính mình, để lấy sức mình làm chính, hầu giải quyết vấn đề của dân tộc Việt Nam, mà không ủy thác hay trông chờ vào bất cứ thế lực siêu cường nào. Hãy là những đoàn xe chuyển tải đem công đức, duyên khởi vị tha, trí tuệ để giúp thăng hoa thêm cuộc sống của chính mình, hiện tại và tương lai.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét