05 tháng 3, 2006

Món Quà Cho Đảng (CT22)


Băng Tâm

Để đánh dấu Đảng tròn 76 năm tội ác (3/2/1930-3/2/2006), Hội Đồng Nghị Viện Châu Âu đã tặng các chế độ cộng sản nói chung, cộng sản nước ta nói riêng một món quà độc nhất vô nhị và có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử nhân lọai. Đó là Nghị quyết 1481 (2006) mang tên “Nhu cầu lên án của quốc tế đối với những tội ác của các chính quyền cộng sản độc tài”. Với sự đề xuất chủ yếu của các nghị sĩ ba nước: Estonia, Latvia và Lithuania thuộc Liên Xô trước đây, cùng tiếng chuông cảnh tỉnh của những nghị sĩ đã từng là nhân chứng sống trong các chế độ cộng sản Trung và Đông Âu thời đó. Nghị sĩ Goran Lindbled người Thụy Điển soạn thảo, đệ trình văn bản và đã được thông qua ngày 25/01/2006 với 99 phiếu thuận và 42 phiếu chống. Nội dung chủ yếu, ý nghĩa của món quà đầu năm này thế nào và tại sao một văn bản như vậy nay mới được chính thức lên tiếng?

Nội dung của Nghị quyết 1481 nhằm lên án Chủ nghĩa cộng sản và các thể chế cộng sản phạm tội ác chống lại nhân loại, cũng để dọn đường chuẩn bị đưa ra xét xử trước tòa án quốc tế như Chủ nghĩa Phát xít và những kẻ cầm đầu của chúng sau Đệ nhị thế chiến tại Nurember. Về mặt ý nghĩa của Nghị quyết thật to lớn: Mặc dù ai cũng biết và thật nhiều tài liệu đã nói, viết về tội ác man rợ của các chế độ cộng sản trên phạm vi thế giới, nhưng món quà 1481 là văn bản chính thức đầu tiên thông qua tại Đại Hội đồng Nghị viện Âu Châu. Nhân loại một lần nữa được nhắc nhở về những tội ác to lớn để làm bài học hầu tránh lập lại những đáng tiếc xảy ra cho ý tưởng xây dựng ngôi nhà chung toàn cầu.

Nghị quyết gồm 14 điều. Một trong các điều của nó đã chỉ ra khá đầy đủ những gì về một nhà nước cộng sản. Chẳng hạn, Điều 2 ghi: “…Những chế độ độc tài toàn trị cộng sản gồm khối Liên xô, Đông Âu trong thế kỷ vừa qua và một số chế độ cộng sản hiện vẫn còn cầm quyền tại một số nước trên thế giới, đều là những quốc gia vi phạm nhân quyền. Những vi phạm này tuy khác nhau về cấp độ văn hóa, về ranh giới quốc gia, cũng như tùy giai đoạn lịch sử nhưng đều có chung những cuộc giết người tập thể, ám sát, thủ tiêu cá nhân không cần xét xử, biến đất nước thành trại tập trung với sự đầy đọa con người về thể xác cũng như tinh thần: tra tấn, nô lệ hóa, lao động khổ sai, tù đầy, khủng bố tập thể, ngược đãi, ám sát vì lý do chủng tộc, tôn giáo, chính kiến; vi phạm quyền tự do tư tưởng, xúc phạm lương tâm con người, cấm tự do báo chí, tự do chính trị, độc tôn, độc quyền, độc đảng”.

Tất cả các chế độ cộng sản trên toàn thế giới đều có những chính sách bất nhân giống nhau. Đây không phải là điều ngẫu nhiên, mà các chính sách này đều xuất phát từ những nhà kinh điển của Chủ nghĩa Marx-Lenin. Những tội ác cộng sản quốc tế gây ra không thể kể hết được. Từ Liên Xô, các nước cộng sản Trung, Đông Âu tới Cu Ba, Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Hàn tiếng kêu rên siết đã thấu đến tận trời xanh. Theo Stephane Courtois tác giả chính “Cuốn sách đen của chủ nghĩa Cộng sản” thuộc Trung Tâm nghiên Cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), tác phẩm được nhiều người biết đến và gây tranh luận nhiều nhất trong giới trí thức, các chính trị gia hàng đầu trên phạm vi quốc tế những năm gần đây thì đã có hàng trăm triệu người đã bị sát hại dưới các triều đại cộng sản. Courtois cho rằng Chủ nghĩa Cộng sản đại diện cho cái ác còn lớn hơn Chủ nghĩa Phát xít. Nếu các nhà nước phát xít đã gây nên nhiều tội ác khủng khiếp chống nhân loại, thì những thảm họa ấy cũng không kéo dài và việc khắc phục nó tương đối nhanh. Bằng chứng là chính các quốc gia đại diện cho trục phát xít là Đức-Ý-Nhật hiện tại nằm trong 7 quốc gia phát triển hàng đầu thế giới (G7). Tội ác do các chế độ cộng sản gây ra không chỉ là số lượng sinh mạng con người tính bằng đơn vị triệu nạn nhân, hay tỷ Mỹ kim mà hậu quả của nó thật bất tận và không thể khắc phục một sớm, một chiều; đặc biệt về mặt văn hóa và nền tảng đạo đức xã hội. Nếu nạn nhân của chủ nghĩa phát xít là ngoài bãi chiến trường, hay trong các hầm hơi ngạt thì tại các nhà nước cộng sản là do hậu quả của những chính sách tệ hại và phi nhân với những trận bão giết chóc hỗn loạn làm bạt vía, kinh hồn những ai đã từng sống trong các chế độ này.

Điều 9 của Nghị quyết 1481 viết:

“Các chế độ độc tài toàn trị còn lại trên thế giới vẫn tiếp tục gây tội ác. Không thể dùng quan điểm quyền lợi quốc gia để bao biện, lấp liếm sự lên án của cộng đồng nhân loại với các tội ác của các chế độ toàn trị này. Hội đồng Nghị Viện Âu Châu cực lực lên án tất cả mọi vi phạm quyền con người trong các chế độ cộng sản, coi nó như là tội ác chống nhân loại…”.

Chỉ điểm qua một vài trong số không thể đếm hết những tội ác của một nước đàn em trong số bốn quốc gia cộng sản còn sót lại là Việt Nam, đủ thấy tất cả các đặc trưng cơ bản vốn dĩ của nó. Từ khi ra đời, đảng bắt đầu ra tay nhuốm máu trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh những năm 1930-1931 đã là hành trang tội ác để theo đảng trên con đường trở thành ác quỷ và triền miên gây nhiều cảnh đầu rơi, máu chảy cho chính đồng bào của mình. Cải cách Ruộng đất được chia làm 5 giai đoạn từ 1949 đến 1956. Sự khủng khiếp và man rợ tăng dần theo thời gian và trở lên dữ tợn, dã man và bất nhân nhất là giai đoạn cuối cùng từ 1955-1956 tại miền Bắc. Đảng dạy cách đấu tố, vu khống, nói xấu gây căm thù. Kết quả trong cải cách đã có nhiều trường hợp con đấu cha, vợ đấu chồng, anh em đấu tố lẫn nhau rất thảm khốc, làm cho hàng vạn gia đình bị tan nát và luân thường đạo lý bị tiêu tan. Trong cải cách có hàng vạn người vô tội bị bắn và không ít đã phải tự tử do quá sợ hãi vì bị vu khống. Những tiếng thét oan khiên, máu vung vãi khắp nơi, nước mắt không còn để chảy. Nhiều người lúc ấy chỉ mơ ước mình được biến thành con chó, con mèo để tránh cảnh đọa đày. Những năm 1956 – 1958, một số trí thức đảng viên đảng cộng sản đã từng kháng chiến chống Pháp, họ lập ra hai tờ báo «Nhân văn»«Giai phẩm» mục đích là đòi tự do báo chí. Những người này là Lê Ðạt, Trần Dần, Nguyễn Hữu Ðang… đều bị đảng cộng sản bắt giam, tù đày trên 20 năm. Sau khi tiêu diệt trí thức, tư sản, địa chủ và những người đòi tự do báo chí và các đảng đối lập, năm 1959 đảng cộng sản bắt đầu thi hành các chính sách cướp bóc tài sản và các tư liệu sản xuất của dân dưới những hình thức «công tư hợp doanh» ở thành thị hay «Hợp tác xã nông nghiệp» tại nông thôn. Qua năm 1961, đảng lại đánh vào các tôn giáo và bắt đầu khủng bố các nhà tu hành, phá hoại những di tích lịch sử như chùa chiền, nhà thờ, nơi thờ phượng đã bị phá hoặc sử dụng vào các mục đích không tôn giáo (như nhà ở, trường học, nhà kho chứa phân bón...).

Sau ngày 30/4/1975, cả nước đã biến thành một nhà tù khổng lồ có tên «Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ». Các tội ác của chế độ được lập lại. Công cuộc cải tạo tư bản tư doanh ở miền Nam sau năm 1975 thực chất là cuộc đại ăn cướp, xóa sạch nền kinh tế thị trường khá tiến bộ của một nửa nước không cộng sản này mà nay họ lại học cách làm lại từ đầu theo ngôn từ «Cải cách kinh tế». Chế độ tạo ra đói nghèo vô tận, bắt bỏ tù cả triệu quân, dân, chính, cán miền Nam; đẩy hàng triệu đồng bào xuống biển vượt biên làm mồi cho cá mập. Cho đến nay, mặc dù kinh tế có được cải thiện đôi chút, song các mặt còn lại của đời sống xã hội càng bi đát hơn. Đảng trở thành cai tù nhiều kinh nghiệm và xảo quyệt, đặc biệt trong kỹ năng cướp bóc làm giầu. Tất cả có thể nói lên rằng: đảng ta phạm những tội ác chống nhân loài một cách hệ thống trong cả quá trình từ lúc sinh ra, giai đoạn phát triển và đang trên con đường diệt vong của mình.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các tội ác kinh thiên động địa dưới các chế độ cộng sản đến nay mới được chính thức đưa ra trong Nghị Quyết 1481. Trong khi các tên trùm phát xít phải đứng trước vành móng ngựa ngay khi chiến tranh kết thúc. Có nhiều lý do để trả lời cho câu hỏi này, song một số lý do cơ bản là:

Thứ nhất, khác với các nhà nước phát xít, các chế độ cộng sản chỉ gây tang tóc, đau thương cho chính dân tộc của họ, mà đồng bào cả nước đang bị nhốt tù và khủng bố thì có thể làm gì khác hơn là chịu đựng. Nếu không có sự lên tiếng của công luận quốc tế, thì những tên ác thú trong các thể chế cộng sản tha hồ làm mưa, làm gió cho các đồng hương của mình. Các hành động dù có tàn bạo đến đâu cũng có nhiều nguy cơ bị bưng bít, che đậy vì chúng thừa hiểu chẳng có luật lệ nào dám động đến nếu không nói bọn họ đủ thông minh để lợi dụng công cụ pháp lý để làm lạc hướng dư luận. Theo luật quốc tế, tất cả các quốc gia đều bình đẳng về mặt chủ quyền. Hiến Chương Liên Hợp Quốc, mục 2.4 xác nhận:

«Tất cả các thành viên sẽ kềm chế…từ sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự thống nhất lãnh thổ hay sự độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào trong bất cứ hình thức mâu thuẫn nào khác với mục đích của Liên Hợp Quốc» (Article 2.4 of the UN Charter).

Chính điều khoản này, các nhà nước cộng sản trong quá khứ, hiện tại và tương lai vẫn sử dụng để phản đối sự tố cáo quốc tế dưới luận điệu: «Can thiệp vào công việc nội bộ» nhằm tiếp tục các tội ác chống nhân loại.

Thứ đến, có những người mặc dù không còn tin vào sự thành công của chủ nghĩa cộng sản, nhưng họ thấy khó từ bỏ giấc mơ xưa trong lý thuyết mơ hồ về sự giải phóng con người thoát khỏi nghèo đói và về sự bình đẳng. Một số khác mặc dù biết tội ác của chế độ, nhưng không thể tố cáo vì sợ hoặc bản thân đã là một phần của những hành động đó.

Cộng đồng thế giới nói chung, dân tộc Việt Nam nói riêng vì vấn đề nhận thức, cần tích cực tố cáo, vạch trần những hành động chống lại nhân loại của các nước cộng sản để đưa ra xét xử tại tòa án quốc tế hầu làm bài học cho những cá nhân hoặc các thể chế đang còn nuôi ước vọng cai trị bằng tội ác. Giấc mơ an toàn cho mọi thành viên trong ngôi nhà chung toàn cầu cần sớm được thực hiện.

1 nhận xét: