05 tháng 3, 2006
Làm Thế Nào Để Thành Lập Được Một Đảng Chính Trị Mới ở Việt Nam (CT22)
Lý Đại Văn
Gần đây tôi đã đọc nhiều bản góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị cho Đại hội X đảng Cộng sản Việt Nam. Có nhiều ý kiến đòi hỏi đảng cộng sản nên chấp nhận một thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng. Tôi cho rằng điều này là không hợp lý, bởi vì đảng Cộng sản không bao giờ chấp nhận điều đó và họ cũng không có quyền hay chức năng để cho phép một Chính Đảng mới ra đời. Về khía cạnh pháp lý đảng cộng sản cũng chỉ là một tổ chức chính trị bình đẳng như các đảng phái khác, hoạt động trong khuôn khổ đã được quy định bởi Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, mọi nghịch lý của nước ta đã khởi nguồn khi chính đảng cộng sản đã vẽ ra Điều 4 trong Hiến pháp để tự động qui định cho mình vai trò độc tôn lãnh đạo đất nước. Nói một cách khác đảng cộng sản đã tự động tước đoạt quyền làm chủ vận mệnh đất nước của nhân dân trong việc ngăn cấm người dân tự do thành lập và tổ chức những đảng phái để tham gia, góp phần vào công việc lãnh đạo đất nước. Sau đây là những vấn đề lý luận và thực tiễn khi tiến hành thành lập một Chính Đảng mới tại Việt Nam:
1. Về khía cạnh lịch sử:
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ở Việt Nam có rất nhiều đảng chính trị cùng hoạt động với đảng cộng sản, đặc biệt là trong chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vốn là một chính phủ đa đảng. Trong đó có đảng Xã hội và đảng Dân chủ đã hoạt động và tồn tại cho đến năm 1988 mới tự tuyên bố giải thể với lý do đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử (trong thực tế có thể không phải như vậy). Sự ra đời của các đảng chính trị trước đây, bao gồm cả đảng Cộng sản, dưới thời Pháp thuộc là dựa vào sự ủng hộ của lực lượng quần chúng mà họ làm đại diện, chứ không phải hay không thể theo một thủ tục pháp lý nào, và cũng không có bất kỳ một cơ quan nào cấp phép cho họ. Bản thân đảng Cộng sản đã được thành lập ở Trung Quốc chứ không phải ở Việt Nam.
2. Về khía cạnh pháp lý:
Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam không có điều nào cấm công dân của mình thành lập một đảng chính trị. Như vậy công dân Việt Nam có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm.
Điều 2 Hiến pháp Việt Nam qui định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân…”
Điều 50 qui định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, … được tôn trọng…”
Điều 53 qui định: “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội,…”
Điều 68 qui định: “Công dân có quyền tự do lập hội,..”
Như vậy mọi quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân và của nhân dân, người dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước bằng cách lập những đảng chính trị khác nhau để đại diện cho mình.
3. Về khía cạnh xã hội:
Hiện nay Việt Nam đang mở cửa và đổi mới, thực hiện nền kinh tế thị trường đặt căn bản trên việc cạnh tranh và cung cầu. Kết quả đến nay rất hiển nhiên là nhờ chính sách này mà nước ta đã giải quyết được một số vấn đề căn bản như lương thực, hàng tiêu dùng. Nhà nước ta đã ký kết các hiệp ước thương mại với thế giới và đã dựa vào căn bản cạnh tranh chính đáng, công bình, minh bạch và trọng pháp. Nền kinh tế đa dạng này không thể nào phát triển lâu dài, không thể đủ sức để thật sự đưa đất nước vươn lên ngang tầm với những nước tiên tiến khác khi mà nó vẫn bị kềm hãm bởi một thể chế độc tài, độc đảng. Vì thế cho nên nền chính trị của nước ta cũng phải được mở cửa và đổi mới. Trách nhiệm lãnh đạo đất nước cũng phải dựa trên sự cạnh tranh trí tuệ và lòng yêu nước của mỗi người và sự chọn lựa sau cùng để có những nhà lãnh đạo tốt nhất phải nằm trong tay nhân dân. Muốn thế, nước ta phải có những sinh hoạt chính trị đa nguyên với sự tự do ra đời của nhiều đảng phái chính trị khác.
4. Sự cần thiết và tất yếu của sinh hoạt đa đảng
Khi hiến pháp quy định rằng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân…thì người dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước bằng nhiều cách khác nhau trong đó là việc thành lập, tổ chức những đảng chính trị khác nhau. Hiến pháp Việt Nam không có qui định nào cấm các đảng chính trị khác thành lập và hoạt động, cũng không qui định ở Việt Nam chỉ duy nhất có một đảng Cộng sản được tồn tại và phát triển. Hiến pháp cũng không quy định hay cho quyền đảng CSVN có tư cách pháp lý để cho phép hay đồng ý một đảng chính trị khác được thành lập. Các đảng chính trị được thành lập dựa trên cơ sở duy nhất là có sự ủng hộ của một bộ phận người dân mà họ làm đại diện và qua sức ép của xã hội mà các đảng phái phải công nhận nhau và làm việc với nhau trong tinh thần bình đẳng với mục tiêu chung là đáp ứng nguyện vọng của quần chúng cử tri.
Hiện tại, đảng Cộng sản Việt Nam có khoảng 3 triệu đảng viên so với khoảng 83 triệu người Việt Nam, như vậy đảng Cộng sản chỉ đại diện cho một bộ phận rất nhỏ dân số Việt Nam.
Trong khi đó còn gần 80 triệu người Việt Nam có rất nhiều những ý kiến khác nhau, những quan điểm khác nhau về xây dựng đất nước, và họ cần có một Chính Đảng khác, ngoài đảng Cộng sản, để đại diện cho quyền lợi và tiếng nói của họ. Ngoài ra, mỗi người dân đều có quyền tự do tham gia hoặc rời bỏ bất kỳ một đảng phái nào. Tại các nước Âu Mỹ, có nơi có đến gần 50% số cử tri đăng ký thuộc một chính đảng và họ có quyền từ bỏ đảng này để tham gia bất cứ đảng khác mà họ thấy đáp ứng được nguyện vọng của họ.
Nhân dân ta không thể nào cứ nghĩ rằng không được phép hoạt động đảng phái để rồi không nỗ lực vận động hay thành lập đảng phái. Thực tế là đảng CSVN đang cầm quyền đã từng tuyên bố là xiển dương lý tưởng tự do, trong đó ắt phải có tự do lập hội hay lập đảng. Thực tế là lâu nay, cả nhà nước và đảng CSVN chưa có (và cũng không thể có) một văn kiện chính thức nào ngăn cấm việc sinh hoạt đa đảng.
Thông thường ở các nước dân chủ, họ có Tòa án Hiến pháp (hay một cơ quan hành chính độc lập với các đảng phái chính trị) là nơi để các đảng chính trị đăng ký hoạt động. Họ còn có Ủy ban bầu cử trung ương là nơi để các đảng chính trị đăng ký tham gia tranh cử. Như vậy ở các nước đó các đảng chính trị khi thành lập cũng không phải xin phép, mà họ chỉ đăng ký hoạt động hoặc đăng ký khi tranh cử.
Tóm lại, cả về khía cạnh lịch sử, khía cạnh pháp lý, và thực tiễn xã hội, mọi người dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng,… đều có quyền tự do thành lập đảng.
5. Vậy làm thế nào để thành lập được một đảng chính trị ở Việt Nam?
Đây là câu hỏi mà hiện nay rất nhiều người Việt Nam đang tìm câu trả lời.
Theo nghiên cứu của cá nhân tôi thì cách làm dưới đây có thể phù hợp:
Trước hết là nên thành lập một ủy ban gọi là Ủy ban Vận động Thành lập Đảng. Việc thành lập Ủy ban này không phải xin phép và cũng không cần ai công nhận vì không có điều nào trong hiến pháp cấm đoán. Ủy ban này sau khi soạn thảo ra điều lệ đảng và cương lĩnh tạm thời thì đưa ra cho quần chúng nhân dân để lấy sự ủng hộ. Ủy ban nên đặt ra khi thu được bao nhiêu chữ ký ủng hộ (ví dụ là 100, 500 hay 100.000,…) thì đủ để công bố thành lập đảng.
Ngoài ra những thành viên của đảng Dân chủ và đảng Xã hội cùng với hậu duệ của họ hoàn toàn có quyền để khôi phục lại hoạt động của đảng Xã hội và đảng Dân chủ, góp phần vào quá trình dân chủ hóa xã hội và đất nước.
6. Kết Luận:
Trên đây là những ý kiến của cá nhân tôi, tôi mong muốn có sự tranh luận và góp ý của tất cả những ai đang quan tâm đến Tổ quốc Việt Nam yêu dấu của chúng ta. Thiết nghĩ việc sinh hoạt đa đảng chẳng những là quyền hiến định của dân ta mà còn là việc tối cần thiết để xây dựng và phát triển đất nước. Mong sao những cơ quan thẩm quyền tạo sự dễ dàng và những bậc trí giả dấn thân thiết lập một định chế xã hội tối ư cần thiết này.
Trong xu thế tất yếu đi đến một xã hội dân chủ với thể chế chính trị đa đảng ở Việt Nam, tôi hy vọng rằng thế hệ trẻ Việt Nam sẽ tự đứng lên để nắm lấy quyền và cơ hội của mình chứ đừng bao giờ thụ động ngồi chờ vào sự ban cho của người khác.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 nhận xét:
bạn cho mình hỏi nếu thành lập một đảng phái. Thì mình nên đi theo chủ nghĩa gì. Tư bản thì bóc lột dân, chủ nghĩa XH thì giết dân. Vậy mình nên chọn cái nào ?
mình rất thắc mắc mong bạn trả lời mình nhé.
Đăng nhận xét