05 tháng 3, 2006

Thân Phận Phụ Nữ Trong Nỗi Đau Chung (CT22)


Kim Ngọc

Ngày quốc tế phụ nữ 8-3 đã qua, phụ nữ VN đã trải qua bao nỗi u buồn đau thương trong một xã hội đã bị kéo dài hơn 30 năm, đến bao giờ chúng ta mới thoát ra khỏi cái gông cùm này.

Tôi sinh ra và lớn lên tại miền Tây Nam bộ. Bản thân tôi đã chứng kiến bao nhiêu chuyện đau thương của người phụ nữ VN. Những trận đói kinh hoàng mà con người VN đã phải chịu đựng trong những năm dài sau kết thúc chiến tranh. Mẹ tôi phải chịu nhịn ăn nhường lại những củ khoai mì cho chúng tôi trong cơn đói hành hạ, phải chống chọi giữa cái sống và cái chết đang chực chờ. Gia đình chị dâu tôi phải đi ăn trộm nồi cám heo mà trong đó người ta chỉ nấu rau muống và cám, đem về nhà cho các con ăn. Chị ấy nhìn các con ăn mà rơi nước mắt. Mẹ tôi, chị tôi và còn vô số biết bao nhiêu người phụ nữ khác đã khóc khô nước mắt trong những ngày tháng đó. Những người Cha thì bị tù đày không biết ở tận phương nào, những người Anh thì bị bắt đi bộ đội, đi biền biệt không biết còn sống hay chết, nếu hết 3 năm mà không thấy trở về thì chỉ có còn chờ giấy báo tử. Bệnh tật, đói khát, tử thương từ chiến trường Campuchia đã ám ảnh tuổi thơ của tôi. Quan quyền thì cướp của cải của nhân dân, từ miếng thịt heo, con tép, con cá... đều phải bán cho hợp tác xã (thời vô hợp tác xã), mọi tài sản của nhân dân bị quy là của đất nước, ai ai cũng bị cho là phản động. Nhúc nhích là phản động, người nào bị bắt đi thì chẳng biết bị đưa đi đâu và chẳng biết bao giờ trở về. Tội lỗi này ai đã gây nên mà những người như Mẹ tôi phải gánh chịu tất cả?

Đó là những diễn cảnh của cuối thập niên bảy mươi và thập niên tám mươi. Còn thập niên chín mươi thì sao? Cũng để chống chọi với đói nghèo, người phụ nữ VN phải tự rao bán mình như một món hàng được nhiều kẻ đi qua, đi lại, xem và trả giá mua (giống đi chợ mua gà), họ mang cô gái (vợ) này về quốc gia của họ, thích thì để sử dụng cho xứng đồng tiền bỏ ra, còn chán chê thì bán vào những động mại dâm hoặc đuổi về nước, để tìm một cô vợ khác. Hơn trăm ngàn phụ nữ đó đã vì chén cơm và manh áo mà bất chấp những cơn sóng to đang vập vùi họ. Vậy ai đã gây nên một xã hội đói nghèo triền miên? Tội lỗi này ai gánh chịu? Còn hiện nay, cũng để chống chọi với đói nghèo, người phụ nữ VN phải ra đi xuất khẩu lao động để tìm đường sinh nhai. Nạn đem con bỏ chợ, tạo nên những số phận bi đát, đau thương xảy ra, ai chịu trách nhiệm?

Tôi đã vòng quanh những khu công nghiệp, mấy chục công ty nước ngoài, trong nước đầu tư, đâu đâu cũng toàn là nữ công nhân, mới 5h sáng họ ùn ùn đổ xô đi làm, họ làm cho đến 20h, hoặc 21h, có những công ty đến 22h, cũng chỉ vì cần đổi lấy chén cơm và manh áo. Với những đồng lương quá thấp mà đã bị quên lãng hơn sáu năm trời, không một ai chịu nhận trách nhiệm về sự cố tình quên lãng có lợi nhuận này.

Còn bên cạnh nhà chúng ta, những bà mẹ già nua, những em bé lang thang không học hành đổ xô, tung ra khắp mọi nẻo đường để đi bán vé số, bánh tráng, bán hàng gánh .... để kiếm sống qua ngày. Hai từ đói-nghèo chẳng thấy ai chịu lãnh trách nhiệm cả, thật là đau buồn cho người phụ nữ VN. Chén cơm + manh áo = mồ hôi + nước mắt + nỗi nhục. Đó là người phụ nữ VN. Người phụ nữ VN phải chờ đợi đến bao giờ để nghĩ đến những buổi pinic hay những chuyến du lịch giải trí? Chờ đến khi nào chế độ cộng sản VN sụp đổ? Hãy chủ động góp sức giải quyết vấn nạn này. Bằng những việc nhỏ vừa tầm tay của từng người, nhưng 80 triệu nguười cùng làm, để đạt kết quả lớn cho cả nước. Hãy sát cánh cùng nhau để giải quyết nó.

Sài Gòn 3/2006

Không có nhận xét nào: