05 tháng 4, 2006

Cho Vay Lắt Nhắt - Một Phương Cách Khởi Động Xã Hội Dân Sự (CT23)


Vũ Thạch

Cho Vay Lắt Nhắt, hay nói cho văn hoa: Vi Tín Dụng (VTD), Microcredit, Microfinacing, là các chương trình cho những gia đình cực nghèo trong xã hội vay những khoản tiền nhỏ, thường từ 100 đô la trở xuống để khởi xướng những kế sinh nhai cho gia đình. Chẳng hạn như US$15 để nuôi một đàn gà, US$50 để mua cái máy may đạp chân, v.v... Cần nói rõ đây không phải là tiền nhân đạo tặng không; cũng không phải loại tiền cho vay để lo liệu các chuyện bất ngờ trong gia đình. Mục tiêu của số tiền cho vay là để lập kế sinh sống lâu dài cho gia đình.

Người mượn các khoản tiền này phải trả lại cả vốn và lãi nhẹ. Số tiền đó lại được dùng cho người kế tiếp vay. Phần tiền lời được dùng cho các chi phí giấy tờ, di chuyển, hoặc đắp vào để mở rộng thêm ngân quỹ cho vay. Người mượn tiền phải trả thường xuyên, hàng tuần hay hàng tháng, thành nhiều khoản nhỏ chứ không chờ đến cuối hạn nợ mới trả hết một lần. Tại những nơi quá nghèo, 4, 5 nhà gần nhau có thể nhập thành nhóm tương trợ, để tuần hay tháng nào có nhà thiếu chút ít khoản tiền phải trả thì các nhà trong nhóm có thể đỡ đần tạm thời cho nhau. Mỗi gia đình mượn tiền phải cho thấy ý định rõ ràng họ sẽ dùng số tiền này làm gì. Sau mỗi lần họ làm ăn thành công và theo đúng tiến trình trả xong món nợ cũ, họ lại có thể mượn một khoản nợ mới lớn hơn lần trước. Chu kỳ này được lập lại cho đến khi gia đình này có thể hoàn toàn tự lập hoặc khoản tiền họ muốn mượn đã vượt quá giới hạn qui định.

Nguồn Gốc

Từ những năm 1970, càng ngày các tổ chức quốc tế với mục tiêu cải tạo xã hội cũng như các cá nhân hay hội đoàn tặng tiền bạc càng nhận ra sự phung phí và vô ích của các khoản tiền viện trợ khi trao vào tay các chính quyền để qua họ giúp các gia đình nghèo trong xã hội. Và nếu có đến tay các gia đình nghèo thì cũng chỉ giúp được một thời gian ngắn rồi đâu lại hoàn đấy, đói lại hoàn đói. Suốt 3 thập niên sau đó nhiều phương thức đã được thử nghiệm để tìm cách thực sự với tới giới nghèo ở tận cùng xã hội, giúp họ vươn lên một cách hữu hiệu, mà không tạo thêm những ganh ghét, cạnh tranh với giới thương mãi hay những kẻ đang nắm quyền. Sau rất nhiều thất bại và uổng phí vô số các khoản viện trợ trên khắp thế giới, ngày nay Vi Tín Dụng được xem là một trong vài phương cách hiếm hoi mang khả năng thực sự đưa nhiều con người thoát vòng nghèo đói cùng cực. Những tổ chức tiên phong với nhiều kinh nghiệm nhất trong lãnh vực này bao gồm FINCA International, ACCION International, Grameen, v.v....

Tại thời điểm 2005, hơn 100 triệu gia đình hiện đang mượn tiền và kiếm sống bằng các khoản nợ "li ti" này trong lúc hàng triệu gia đình khác đã có thể sống tự lập từ Phi Châu đến Châu Mỹ La Tinh và Á Châu, kể cả một số khu quá nghèo tại những cường quốc như Hoa Kỳ. Đây là con số tăng trưởng vượt bậc vì vào cuối thập niên 1990, chỉ có khoảng 25 triệu gia đình được mượn nợ. Hàng ngàn các định chế tài chánh đã nhập cuộc, không chỉ những tổ chức vô vị lợi mà cả những ngân hàng thương mãi. Đặc điểm thu hút các ngân hàng thương mãi là tỷ số hoàn lại nợ rất cao.

Từ những thành công ở cấp quốc gia và vùng, phong trào dùng Vi Tín Dụng để xoá đói giảm nghèo đã liên kết thành những mạng lưới toàn cầu. Đáng kể nhất là liên hội Microcredit Summit Campaign, bao gồm khoảng 3000 đoàn thể hội viên trong lãnh vực này. Liên Hiệp Quốc tuyên xưng 2005 là Năm Quốc Tế Về Vi Tín Dụng. Một đại hội toàn cầu có tên The Global Microcredit Summit 2006 sẽ được tổ chức vào ngày 12 -15 tháng 11 tại Halifax, Nova Scotia, Canada.

Những Thành Kiến Không Chính Xác

Có lẽ người Việt chúng ta cũng không khác gì dân chúng tại các nước khác khi mới nghe đến phong trào cho mượn nợ kiểu này, nghĩa là rất ngờ vực về khả năng thành công của nó. Nghi vấn khá hiển nhiên đầu tiên là: có ai khôn ngoan mà lại đưa tiền cho người đang cùng quẫn nhất trong xã hội, bất kể ít hay nhiều, rồi mong lấy lại được!? Đặc biệt trong trường hợp VN, đính kèm với nghèo đói cùng cực là tiêu chuẩn luân lý bị hủy hoại dưới sức tàn phá của XHCN, xác suất hoàn lại nợ sẽ còn ít hơn nữa. Những mẫu chuyện "giật hụi" còn nhan nhản khắp nơi. Chưa kể những người có tiền "chơi hụi" chưa phải là tầng lớp cùng kiệt nhất trong xã hội. Mức độ "chạy nợ" hẳn còn tệ hơn nữa ở tầng lớp nghèo khó nhất. Tuy nhiên, các dữ kiện thu thập từ 3 thập niên qua cho thấy các thành kiến trên đều không chính xác. Trước hết, mức nghèo của những người ở đáy xã hội Ấn Độ không khác gì dân VN; mức tàn phá của chiến tranh mà dân quê tại Trung Mỹ phải gánh chịu không thua gì nông dân VN; và hệ quả cùng kiệt của XHCN và thể chế độc tài tại nhiều quốc gia Châu Phi cũng ngang ngửa với xã hội ta. Nói tóm lại, hiện trạng trên đất nước chúng ta KHÔNG đặc thù so với những vùng nghèo khó khác trên thế giới. Vậy các tổ chức có chương trình Vi Tín Dụng đã thấy gì tại những nơi này?

Điều ngạc nhiên đầu tiên là: "Dân nghèo rất sợ mượn nợ". Là những người thấp cổ bé miệng, họ đã có nhiều kinh nghiệm về những biện pháp dã man của các chủ nợ khi họ không có tiền trả, kể cả việc bắt con cái họ đem bán để trừ nợ. Vì vậy, nhân viên của các chương trình VTD thường phải bỏ công thuyết phục dân chúng về sự "hiền lành" của các "chủ nợ" này và những phương cách để người mượn tiền trả liên tục nhiều khoản nhỏ chứ không để dồn lại, hoặc tụ một nhóm gia đình lại để nâng đỡ nhau trong việc trả nợ, v.v....

Điều ngạc nhiên thứ hai là mức hoàn lại nợ rất cao, thường từ 90% đến 95%. Đây là con số ngoài sự mơ tưởng của các ngân hàng thương mãi. Có nhiều lý do giải thích hiện tượng này: những món nợ đầu quá nhỏ nên có "giật" cũng chẳng được là bao mà còn không được mượn những món lớn hơn. Khi đã thành công và mượn được các khoản nợ lớn hơn, chính người mượn nợ đã có được một số tài sản nhỏ và không muốn các tài sản đó bị "xiết" nếu không trả lại nợ. Những nhà hoạt động xã hội có nhận xét lạc quan hơn. Họ cho rằng vì những người nghèo này biết ơn chương trình VTD và biết rõ số tiền thu lại sẽ tiếp tục giúp cho những gia đình cùng khổ khác như họ.

Hiện tượng "giật hụi" khó có xác suất xảy ra vì (1) không có khoản tiền lớn nào được tụ lại lâu lâu một lần để "giật"; (2) món nợ lúc đầu rất nhỏ và chỉ tăng dần theo kết quả dùng tiền hữu hiệu và trả nợ sòng phẳng; và (3) việc trả nợ được chia nhỏ ra và được thu rất thường xuyên chứ không để dồn lại đến độ người nợ phải bỏ chạy.

Các Ảnh Hưởng Tích Cực của Vi Tín Dụng trong Xã Hội

Hiển nhiên về mặt nhu cầu vật chất thiết thực nhất, nhờ VTD các gia đình nghèo có kế mưu sinh lâu dài. Đây không phải là loại cứu trợ thừa mứa trong một thời gian ngắn rồi đói lại hoàn đói, nhưng là cách để kiếm sống lâu dài dựa trên chính sáng kiến, chọn lựa và công sức của từng gia đình. Hay hơn nữa, kinh nghiệm đã thu thập cho thấy hầu hết các gia đình vừa thoát khỏi cảnh chạy gạo từng bữa là nghĩ ngay đến việc cho con cái đi học, ít là một vài đứa nếu không đủ cho tất cả, với ước mong chúng không phải quay lại với lối sống cùng khổ của cha mẹ. Đây mới là lời giải dứt khoát và lâu dài cho nạn nghèo đói, lạc hậu. Nhìn rộng hơn, ta thấy các gia đình nghèo này cũng thoát ra khỏi vòng nô lệ cho những kẻ có tiền bạc vẫn thường là chủ nợ hoặc thuê mướn họ rất bất công. Riêng tại Việt Nam ngày nay, đặc biệt tại nông thôn, những kẻ có tiền và có quyền thường là một hoặc cấu kết chặt chẽ với nhau. Chỉ khi nào người dân vượt ra được sợi dây trói kinh tế của những kẻ này họ mới đủ tự tin và gan dạ để đòi hỏi những quyền khác thuộc về họ hoặc dám chống lại những chèn ép vô cớ. Nói cách khác, chỉ khi nào có được khả năng tối thiểu tự lập về "dân sinh" người ta mới có thể nói đến chuyện đòi hỏi "dân quyền".

Từ góc nhìn của những người muốn xây dựng lại xã hội Việt Nam, chúng ta cũng thấy phương cách này có tiềm năng không những phục hồi nhân vị và lòng tự trọng nơi từng con người khốn cùng, mà còn xây dựng lại niềm tin giữa con người với nhau, niềm tin vào lý tưởng phục vụ vô vị lợi, và cách hành xử tương trợ nâng đỡ nhau trong cộng đồng. Đây chính là sức sống của một Xã Hội Dân Sự mà chúng ta rất mong muốn xây dựng.

Sau hết, nhìn từ góc cạnh đấu tranh, chúng ta cũng thấy rất nhiều lợi điểm gián tiếp từ các chương trình VTD:

  • Trước hết, với loại chương trình VTD, không những khối tiền lớn ban đầu không lọt vào tay thiểu số cầm quyền tham nhũng như những vụ quốc tế tài trợ phát triển thường thấy hiện nay, mà các phúc lợi sản sinh sau đó cũng không dồn về cho nhà nước nhưng luân lưu bên ngoài xã hội, trong vòng dân chúng.
  • VTD giúp gia tăng các sinh hoạt qua lại rất nhỏ liên quan đến các nhu cầu đời sống giữa dân chúng trong cùng một đơn vị dân cư với nhau mà không cần phải đi qua hệ thống nhà nước. Đây chính là một hình thức khởi động Xã Hội Dân Sự rất căn bản.
  • Chính vì không đi qua Nhà Nước nên vai trò "nắm quyền sinh sát" của những kẻ cầm quyền trên đời sống người dân giảm dần. Người ta không phải tiếp tục dựa vào chế độ để kiếm sống, và từ đó sự sợ hãi mới có cơ hội hạ xuống để các hành động đòi hỏi cho những quyền lợi khác, cao hơn, có thể dần dần ló dạng.
  • Hình thức tìm đến giúp dân nghèo qua các chương trình VTD cũng là vỏ bọc rất tốt để những người có thể di chuyển khắp nơi, đến gần dân chúng, và ngay cả tạo những quan hệ với các cơ quan quốc tế bên ngoài để xử dụng khi cần thiết.
  • VTD cũng cho ta cơ hội rất tốt để phát triển lý tưởng phục vụ của tầng lớp thanh niên, đặc biệt là sinh viên. Họ có thể tình nguyện làm nhân viên không lương hoặc lương thấp cho các chương trình này.
  • Vì có thể khởi động mà không cần phải có một số tiền ban đầu thật lớn, loại chương trình VTD rất khả thi để khối kiều bào người Việt hải ngoại (với số đại phú còn rất ít) có thể góp phần tích cực vào việc phát triển XHDS tại VN băng ngang qua đầu chế độ. Tối thiểu, các chương trình VTD có thể tách ra được một phần con số 4 tỷ mỹ kim hải ngoại gởi hàng năm về nước cho những mục tiêu ích lợi cho đấu tranh và tương lai đất nước.

Những Khó Khăn

Hiện nay, chưa có tổ chức VTD độc lập nào lọt chân vào được các quốc gia còn nằm trọn vẹn dưới quyền cai trị của các đảng cộng sản như Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Hàn. Các khó khăn chính vẫn là:

  • Vì đây không phải là những khoản tiền viện trợ không hoàn lại và cũng không phải là những khoản tiền cho chính phủ vay mượn, nên giới cầm quyền không mấy "hồ hởi" cho phép các chương trình VTD từ nước ngoài vào hoạt động hay các chương trình tự đứng lên trong nước với sự trợ giúp từ bên ngoài. Tuy nhiên theo kinh nghiệm mở đường tại một số nước còn bị cai trị ngặt nghèo khác (không cộng sản), nếu các định chế tài chánh thế giới tạo đủ áp lực hoặc dùng việc mở các chương trình VTD như những điều kiện để chế độ được nhận tiếp các khoản viện trợ vô điều kiện trước đây, các chương trình VTD đầu tiên có thể được thành hình.
  • Một khi được cho phép hoạt động, các chương trình VTD cũng phải vượt qua các trở ngại do các cán bộ cầm quyền tại địa phương gây ra. Vẫn theo kinh nghiệm tại một số nước kể trên, thành phần có quyền hành tại địa phương thoạt đầu nhất định xen vào số nhân viên của các chương trình VTD với hy vọng "bòn rút" hoặc phân phối các món tiền cho vay như những ơn huệ cho những gia đình "ưu tiên". Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn các kẻ này đều rút lui vì không bòn rút được gì, lương trả rất thấp chỉ vừa đủ sống, và các khoản cho vay đều rất nhỏ và có đủ cho tất cả những ai muốn vay.
  • Lý do quan trọng nhất khiến các chương trình VTD chưa mở được tại các nước cộng sản là mối lo ngại của giới cầm quyền về các ảnh hưởng chính trị của các chương trình này lên dân chúng. Tuy vậy, nếu nhìn những chương trình thiện nguyện về y tế và nhân đạo phi chính phủ đang tiến hành tại nhiều nơi trên đất nước, việc mở các chương trình VTD không còn là 1 bước quá lớn và rất có thể xảy ra. Tuy nhiên nỗ lực vận động các định chế quốc tế vẫn rất cần thiết để tạo đủ áp lực buộc đảng và nhà nước phải chấp nhận các chương trình này, đặc biệt là vạch trần sự thiếu thành tâm của chính phủ trong các kế hoạch "xóa đói giảm nghèo" nếu không cho phép các chương trình VTD hoạt động.

Kết Luận

Vi Tín Dụng là một phương tiện mới, đã được thế giới kiểm nghiệm, để các nước nghèo như Việt Nam không những giảm bớt số phận cùng cực của con người mà còn khởi đầu việc xây dựng Xã Hội Dân Sự. Chính Xã Hội Dân Sự này sẽ góp phần lớn trong việc xóa dần sự độc tôn quyền lực chính trị của đảng CSVN và làm nền tảng lâu dài cho việc thiết lập thể chế dân chủ cho đất nước.

Không có nhận xét nào: