26 tháng 9, 2006

Tham Nhũng (CT28)


Nguyễn Thái Bình

Suốt gần 2 năm nay, một bầu không khí ồn ào xuất hiện trên tất cả các diễn đàn chính thức và không chính thức. Đó là đề tài chống tham nhũng. Khởi tố, bắt giam, truy tố, bỏ tù, không có vùng cấm cho tham nhũng…những cụm từ đó xuất hiện với một tần suất ngày một dày và âm vang ngày càng lớn. Được vô số báo lá cải và không lá cải loan tin. Cách đưa tin cũng mập mờ, nửa kín nửa hở. Nó giống như một cô gái chân dài vừa muốn váy không ngắn thêm nhưng đùi phải “phô” ra nhiều hơn nữa.

Trong rất nhiều cuộc họp của Chính phủ và các cơ quan Bộ ngành bây giờ ai cũng nói chuyện chống tham nhũng, ai cũng chửi nhưng không ai tự nhận là mình tham nhũng, nó giống như một phản ứng tâm lý để chứng tỏ mình trong sạch. Thực tế thì chống tham nhũng là chống ai ? Đánh tham nhũng là đánh ai ? bắt ai ? vì lý do gì ? Tất cả đều chưa đề cập đến một cách thấu đáo.

Từ diễn đàn quốc hội:
Rất nhiều đại biểu quốc hội gào lên “chống tham nhũng” một cách vô hồn mà không hề nghĩ lại mình. Lương trung bình của một đại biểu quốc hội là: 2 triệu đồng/tháng. Gia đình một đại biểu quốc hội hiện tiêu xài khoảng 8 triệu đồng một tháng. Họ vẫn sống, vẫn gào. Vẫn háo hức đợi chờ phong bì và vẫn rất “đại thanh” khi nói chống tham nhũng.

Quả thật, tất cả các đại biểu quốc hội đều thường xuyên nhận phong bì, cái ít nhất cũng trên 500.000 đ. Nếu như ai là đại biểu quốc hội không nhận phong bì thì có thể công bố công khai chứng minh. Mỗi một ngôi biệt thự ở Việt nam bây giờ trung bình là 2,5 tỷ. (ở thành phố lớn là 4 đến 5 tỷ ), ở thủ phủ của các tỉnh là 1 đến 1,5 tỷ. Hầu hết các đại biểu quốc hội đều có biệt thự hoặc nhà riêng ở Thành phố lớn hoặc ở tỉnh (nhiều khi là cả 2 nơi). Có thể nói tất cả các đại biểu quốc hội đều đang sở hữu những tài sản ít nhất là 2 tỷ. Lương họ chưa đủ ăn vậy tiền đến từ đâu ? Nó đến từ phong bì.

Hiện nay nếu ai đó đến nhờ vả những đại biểu quốc hội mà đưa phong bì dưới 10 triệu thì coi như bị “vứt qua cửa sổ” vì bị các vị đó cho là không biết điều. Dù cho sự giúp đỡ đó có thể là rất nhỏ nhặt.

Đến các cán bộ công chức:

Lương của cán bộ công chức nhà nước tuỳ thuộc vào ngạch, bậc…nhưng phần lớn nằm ở mức 1 đến 2 triệu/tháng. Hiện nay trung bình một gia đình chi tiêu ở thành phố cũng khoảng 5 triệu đồng/tháng. Họ vẫn sống và hầu hết họ cũng có nhà riêng. Nhà riêng ở Thành phố khoảng 1-2 tỷ hoặc căn hộ cũng trên dưới 1 tỷ. Lương họ chưa đủ ăn, vậy tiền đâu ? Nó đến từ phong bì.

Tất cả các cán bộ công chức thường xuyên nhận phong bì. Giá chung cho các thành viên tham dự họp bây giờ là 100.000đ. Cũng có chỗ chi “hậu” đến 300.000. Đó là những khoản chi liên tục cho các cuộc họp và hầu như ngày nào cũng có vì họp hành ở các Bộ, Ngành thì nhiều vô kể xiết. Các bạn hỏi tiền đó ở đâu ra ư ?

Nó đến từ các doanh nghiệp, từ các dự án và sâu xa hơn là đến từ một hệ thống kế toán phức tạp và rắc rối nhất thế gian này. Hiện ở Việt Nam số lượng người làm kế toán, tài chính, tiền lương tại các cơ quan nhà nước là cực lớn. Tôi không biết trên thế gian này còn chỗ nào phức tạp hơn hệ thống tiền lương, bậc, ngạch, hệ, phụ cấp… rắc rối như ở Việt nam với vô vàn con số lẻ. Từ đó người làm công tác kế toán: “muốn đúng thì phải sai”. Đây là một sự thật mà ai đã và đang làm kế toán ở cơ quan Nhà nước mới thấy rõ, nói ra thì rất dài.

Bắt ngay “tầng lớp doanh nhân mới”:

Có thể nói tất cả các doanh nhân đều đã từng đưa phong bì. Ít nhất là có một cái trên năm trăm ngàn đồng. Không một doanh nhân nào dám nói rằng mình kinh doanh tại Việt Nam là sạch sẽ, đường hoàng. Tôi đã gặp nhiều doanh nhân mới cũng tỏ ra anh hùng “tao làm đến cùng”. “Tao sẽ nộp thuế đường hoàng và làm cho ra nhẽ”. Nhưng than ôi, nộp thuế vào cho Nhà nước đâu phải là đơn giản vì cán bộ thuế đâu muốn doanh nhân nộp nhiều thuế cho Nhà nước mà chỉ muốn nộp vào hầu bao của cán bộ mà thôi. Dù cho “ít cũng được” nhưng là phải nộp cho cá nhân cán bộ thuế. Hầu hết các doanh nhân cuối cùng cũng thoả hiệp, một số ít thì bị “đập” đến chết.

Một lần buông xuôi là một lần doanh nhân thấy quen. “thôi thì cho được việc, cả xã hội nó thế” nên cũng không đấu tranh làm gì nữa. Lâu dần sẽ thành quen. Họ trở nên những kẻ tiếp tay cho tham nhũng mạnh mẽ nhất. Một số người khác thì bị “đập” chết oan ức cho nên tạo ra tiền lệ và tâm lý rất nặng nề trong xã hội. Không đưa phong bì là ngu, là “thế mà cũng đòi làm doanh nhân”.

Và tóm cổ người dân:

Hầu hết người dân trưởng thành ở Việt Nam đều đã từng đưa phong bì. Nhiều người dân móc mãi trong lưng quần ra 500 ngàn để đưa cho bác sỹ trước ca mổ. Những nông phu bán lúa non gửi cho con tiền để góp đưa cho thầy giáo khi không muốn “đem tình” đổi điểm. Tiểu thương thị thành nói thách bán đắt gom góp từng xu lẻ để ‘chạy trường” cho con. Chị bán phở, anh bán nước mía, bà bán chè chén bên vỉa hè phải bỏ vào phong bì cho công an, trật tự viên tiền “luật” hàng tháng. Bác thợ mộc, anh thợ nề, chị gánh thuê nhịn ăn sáng để đóng tiền tạm trú, kiếm một chỗ làm hay đơn giản chỉ là được “đứng” để bán sức lao động. Vì cuộc sống mưu sinh khổ sở trong xã hội nhố nhăng này, tất cả họ đều đang tiếp tay cho tham nhũng. Dù ít dù nhiều họ đều đang vi phạm pháp luật.

Với 80% dân số là nông dân, từng đồng xu lẻ của đại bộ phận người dân cứ theo nhau chạy dài về thành phố. Tiền từ cấp xã lên huyện, huyện lên tỉnh và tỉnh ra Trung ương. Trung ương ra nước ngoài. Tích tiểu thành đại. Đó là dòng chảy thực của đồng tiền tại Việt Nam chứ không phải là dòng đầu tư cho Nông nghiệp Nông thôn mà Nhà nước vẫn ngày đêm rao giảng. Người dân đâu được hưởng gì từ hệ thống nhà máy đường đến những giàn khoan hay nhà máy lọc dầu Dung Quất, từ những chiếc máy bay mới của Vietnam Airlines cho đến những con đường PMUs. Nhưng họ sẽ là những người đang tích góp từng đồng để nuôi tham nhũng và còn để trả nợ mai sau. Nguy hiểm hơn, họ có thể bị bắt một cách đúng luật của Nhà nước bất cứ lúc nào.

Đến trẻ em có tội ?

Bạn tôi kể một câu chuyện rất đáng suy ngẫm. Một hôm bố của một cậu học sinh lớp 5 tìm thấy mấy chiếc phong bì trong cặp sách của con trai. Có loại phong bì 20 ngàn, loại 10 ngàn và loại 5 ngàn. Hỏi sao lại thế và để làm gì ? Sau một hồi bối rối, cậu bé thú nhận: Cái 20 ngàn là cho kiểm tra 1 tiết, cái 10 ngàn là kiểm tra 15 phút và phong bì 5 ngàn là cho kiểm tra miệng. Tất cả nộp cho lớp trưởng và lớp trưởng “đi thăm” thầy chủ nhiệm. Lại còn có một chuyện khác: Một em bé 3 tuổi đi học mẫu giáo ngây thơ nói với cô giáo: “Cô cho cháu cái phiếu bé ngoan, cháu cho cô 2 ngàn”. Không biết các câu chuyện trên đúng sai thế nào nhưng thấy quen và đau xót quá.

Bắt đảng và bị đảng bắt!:

Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước, xã hội Việt Nam. Có đến 95% đại biểu quốc hội là đảng viên đảng CS. Đại biểu quốc hội là người làm ra luật. Nói đúng hơn là cụ thể hoá các nghị quyết của Đảng Cộng sản bằng pháp luật. Trong bộ luật hình sự hiện hành, tại Điều 279 quy định “người nào nhận hối lộ từ 500.000 (năm trăm ngàn đồng) đến dưới 10 triệu đồng thì bị phạt tù từ hai năm đến 7 năm”. Xin lưu ý là trên năm trăm ngàn thì phạm tội hình sự còn dưới năm trăm ngàn thì đều là vi phạm hành chính và có thể bị xử lý (tức là đều phạm tội ).

Theo quy định của Pháp luật thì ai cũng có thể bị bắt vào bất cứ lúc nào vì tội tham nhũng. Vì ai cũng có thể bị bắt cho nên Đảng có quyền chọn để ưu tiên bắt ai. Thứ nhấtđảng hay chọn bắt những doanh nghiệp tư nhân chứ không phải Nhà nước, Thứ hai Đảng chọn những người không phải là đảng viên để bắt còn nếu bắt quá lắm phải bắt đảng viên thì phải khai trừ ra trước rồi mới bắt và thứ ba quan trọng nhất là Đảng chọn cái bọn không có “phong bì” để chạy.

Với một hệ thống luật pháp chồng chéo và nhiêu khê, đôi lúc mâu thuẫn nhau; Với một xã hội nặng tính nho giáo nơi các mạng lưới quan hệ gia đình, bạn bè chằng chịt đan xen và với một thói quen xem thường dịch vụ tư vấn pháp lý, doanh nhân nào ở Việt Nam cũng như lạc vào một mê hồn trận, u u minh minh, sắc sắc không không. Kẻ thù cực kỳ vô hình, nó giống như một thứ ảo giác. Nhưng vẫn có một thứ đạn để tiêu diệt kẻ thù đó. Thứ đạn này nó giải quyết được tất cả mọi thứ nhưng không đảm bảo anh an toàn. Nó giúp anh giải quyết được việc nhưng nó không tha thứ cho anh. Nó gói anh vào và nó dán kín anh lại. Phong bì.

Nhưng sẽ có một ngày. Chiếc phong bì sẽ rách. Cái phong bì đang đóng gói 83 triệu người dân trong sự tha hoá, sự suy đồi đạo đức và tội lỗi sẽ bị chọc thủng. Cái phong bì là Đảng cộng sản đang dạy cho người ta bôi trơn để được việc và để cùng nhau tha hoá chứ không tạo điều kiện cho người dân trở nên lương thiện. Giống như Chí Phèo xưa, Bây giờ ở Việt Nam chúng ta muốn làm người lương thiện cũng không thể được. Nhưng có một sự thật rằng muốn trở nên lương thiện chúng ta phải Canh tân chính mình.




Thực tế chứng minh rằng mỗi một hành động tuy nhỏ nhưng có giá trị gấp hàng ngàn, hàng vạn lần lời nói . Công cuộc chấn hưng đất nước với mục tiêu dân chủ, tự do đang đứng trước một thách thức phải có bước nhảy vọt mới về lượng và chất ... Dùng mọi hành động nào đang hợp pháp để đấu tranh và lợi dụng triệt để sự sơ hở của đối phương, như việc làm của cảnh sát giao thông để lên tiếng về tự do, nhân quyền dân chủ có kết hợp với WTO … dù có bị giữ xe hay thiệt hại một chút thì cũng không sao, xe ôtô được giữ tại bãi xe có bạt che mưa nắng như xe của Bộ trưởng , không ai xâm phạm … vì bây giờ ngay cả cảnh sát giao thông cũng ngại va chạm về chính trị, có khi nhìn thấy biển xe công ty tôi bây giờ cảnh sát giao thông cũng phát ngán , không thèm chấp. Nguyễn Phương Anh

Không có nhận xét nào: