05 tháng 9, 2006

Con Đường Ngắn Nhất (CT28)


Lê Thanh

"Chúng ta không chỉ bảo vệ quyền lợi cho một nhóm người mà phản lại lợi ích của dân tộc và của chính mình, đó là dân chủ, tự do, hạnh phúc trong ấm no."

Ông Trần Quốc Tuấn, một sỹ quan an ninh C500, vừa công khai kêu gọi như vậy trong bức thư đề ngày 17 tháng 8, 2006, đang lan tràn cả trong và ngoài nước. Ông tha thiết kêu gọi các đồng chí, đồng nghiệp:

"Chúng ta hãy tỉnh táo lựa chọn cho tương lai của dân tộc và tương lai con em chúng ta. Hiện nay mở đầu cho cuộc đấu tranh chúng tôi kêu gọi các CHIẾN SĨ AN NINH QUÂN ĐỘI, AN NINH MẠNG, AN NINH ĐIỀU TRA, AN NINH BẢO VỆ NỘI BỘ, ĐẶC TÌNH, CẢNH SÁT HÌNH SỰ, và TRẬT TỰ đang hoạt động theo sự chỉ đạo của đảng Cộng Sản toàn quyền, hãy suy tư và nhận rõ hành vi của mình đang làm là phi lý, hình sự hóa hoạt động đấu tranh chính trị của những người tự do dân chủ.

Đừng cài bẫy, vu khống cho những người dân trong tay không một tấc sắt, không có người bảo vệ. Họ chỉ đòi quyền lợi giản đơn cho con người."

Hiển nhiên có vô số người vui mừng và cũng rất nhiều kẻ hốt hoảng khi bức thư này công khai xuất hiện. Vì duyệt lại các biến cố tại Liên Xô và Đông Âu, người ta đều thấy phương cách nhanh nhất để chấm dứt một chế độ độc tài là con đường được mở cổng bởi chính các cán bộ, đảng viên, nhân viên trong guồng máy cai trị. Vào những ngày tháng cuối cùng của nhiều chế độ tại Đông Âu, chỉ cần sự bất hợp tác thụ động của các công nhân viên Nhà Nước, như đồng loạt xin nghỉ bệnh, cũng đã đủ để làm tê liệt guồng máy cai trị. Hơn thế nữa, chính nhờ sự ngấm ngầm bất tuân các mệnh lệnh, đặc biệt là những lệnh đàn áp dân chúng, trong giới công an - cảnh sát mà các lực lượng quần chúng đấu tranh, các lực lượng dân chủ đầu tàu có thể tập trung vào việc đối đầu với chế độ độc tài hiện tại, và có đủ thời gian phát triển rộng khắp để không cho phép một chế độ độc tài mới nổi lên.

Điều cần nhận dạng là sự khác biệt giữa những cán bộ vạch trần những sai trái của chế độ vì mục tiêu thực sự muốn chấm dứt cảnh khổ của dân, và những kẻ chỉ mượn tiếng "vì dân" và ngay cả mượn lời của lực lượng dân chủ để tấn công các phe nhóm khác trong nội bộ nhằm tranh giành quyền và lợi. Hiện tượng này thực chất chỉ thay thế loại độc tài này bằng thứ độc tài khác chứ chẳng đem lại ích lợi gì cho dân tộc. Một tiêu chuẩn để phân biệt hai hình thức phản đối này là: những đòi hỏi thay đổi đằng sau các phản đối đó sẽ chuyển quyền lực từ tay chế độ vào tay nhân dân, hay chỉ chuyển quyền hành từ phe này qua nhóm khác thuộc cùng thành phần đang nắm quyền; Thí dụ như những chỉ trích cách đưa tin sai trái của một tờ báo Đảng để dẫn đến những kêu gọi phải cho phép tự do báo chí tư nhân, hay chỉ để thay thế cán bộ chủ nhiệm tờ báo này bằng một cán bộ thuộc phe nhóm mình.

Cũng vậy, dân tộc đang cần những tiếng nói lương tâm và những hành động thật giữa lòng guồng máy cai trị chứ không cần những khuôn mặt thương cảm đi kèm với lời khuyên bảo nhẫn nhục chịu đựng. Chẳng hạn như lời phát biểu của ông Võ Văn Kiệt, cựu thủ tướng CSVN, nhân ngày rằm tháng 7 vừa qua. Bên cạnh những chia xẻ về ý nghĩa cao sâu của Phật Giáo trong lòng dân tộc, ông tha thiết kêu gọi cả phật tử lẫn tăng ni hãy "mở rộng lòng từ bi hỉ xả, bỏ qua những định kiến trong quá khứ, chung lòng đoàn kết cùng nhau phụng sự chúng sinh và Tổ Quốc". Trong lúc đó, ông Võ Văn Kiệt biết rất rõ Nhà Nước CSVN đang tiếp tục giam cầm nhiều vị lãnh đạo Phật Giáo tại các chùa, cấm đoán mọi di chuyển, liên lạc, và hạn chế ngặt nghèo mọi mặt sinh hoạt của giáo hội. Trước những hành động ngay ở hiện tại, chứ không phải thuộc quá khứ đó, ông Kiệt không một lời phê phán hay ngay cả kêu gọi ngừng tay. Và như thế hoá ra ông chỉ thiết tha kêu gọi các nạn nhân hãy tiếp tục chịu các đòn mà chế độ đang và sẽ đánh lên họ ...... một cách vui vẻ chăng ?

Hơn thế nữa, nếu ông Võ Văn Kiệt thực lòng muốn từng bước giải trừ những oan nghiệp trên đất nước, có lẽ điều đầu tiên ông có thể làm là thẳng thắn phê phán sự sai lầm và các oán hờn vẫn đang tiếp tục sản sinh từng ngày từ bản Nghị Định 31/CP Quản Lý Hành Chánh mà ông đã đặt bút ký. Đây là việc làm có ý nghĩa đầu tiên mà nhiều người Việt Nam trông chờ ở ông từ lâu.

Nếu nhìn kỹ, bên cạnh hàng ngàn người CS còn đang nguyền rủa ông Gorbachev về tội để sụp đổ chế độ độc tài toàn trị Liên Xô, người ta sẽ thấy gần một tỷ người trải khắp Âu Châu biết ơn ông như một vị cứu tinh. Lịch sử nước Nga và lịch sử thế giới càng lúc càng nhận rõ vai trò và kính trọng sự can đảm của ông trong khúc quanh hệ trọng của đất nước Nga và cả nhân loại.

Liệu sẽ có những Gorbachev da vàng trên đất nước Việt Nam hay không ?

Không có nhận xét nào: