05 tháng 9, 2006

Dân Oan (CT28)


Lệ Trinh

Từ ít lâu nay, xuất hiện ở Việt Nam danh từ "dân oan" để nói đến những người dân đang khiếu kiện để đòi lại công bằng, công lý cho mình. Không phải chỉ có ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Hà Nội người ta mới gặp được dân oan. Ở khắp mọi nơi trên đất nước ta hiện nay, chỗ nào có cái gọi là "trụ sở tiếp công dân" đều thấy tụ tập hàng chục, hàng trăm dân oan. Họ ăn chực nằm chờ, năm này qua tháng kia, họ căng lều, căn bạt, người màn trời chiếu đất để nhất quyết đòi hỏi chính quyền giải quyết những nỗi oan khiên của họ. Dân oan đi khiếu kiện vì nghĩ rằng dưới chế độ CSVN, có thể có luật pháp. Dân nghĩ như vậy cũng có cơ sở vì CSVN tuyên bố xây dựng Nhà Nước pháp quyền, vì Quốc Hội đang sản xuất một rừng luật, vì CSVN đã mang pháp luật ra để dọa nạt dân, vì CSVN đã dùng pháp luật để "quy án, gán tội" cho dân dù có vi phạm hay không.

Nhưng, thật là tội nghiệp cho người dân thấp cổ bé miệng, bất lực trước cường quyền : Đi đòi công lý ở nơi không hề có công lý thì bao giờ đòi cho được ? Gần đây, theo báo CSVN, trong phiên họp lần thứ 14 của Ban Chỉ Đạo Cải Cách Tư Pháp Trung Ương, "Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết yêu cầu các cơ quan tư pháp phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng hoạt động, cụ thể hóa chương trình cải cách tư pháp, loại bỏ "căn bệnh trầm kha" là thiếu và yếu trong đội ngũ cán bộ tư pháp". Sự kiện này chứng tỏ, ở nước ta, từ trước đến nay, không có một nền tư pháp công minh để phán quyết những vấn đề tranh tụng trong xã hội.

Trong quá khứ, nhất là vào thập niên 50 và 60, hình ảnh ghê rợn của những "tòa án nhân dân" với chức năng duy nhất là xử tội chết cho những người bị gán tội địa chủ. Đây là những cuộc đấu tố man rợ được gọi trá hình là "tòa án nhân dân". Nơi đây, thẩm phán thường là bọn cán bộ cộng sản, chữ quốc ngữ còn chưa biết đọc biết viết, nói gì đến trình độ về luật pháp; bị cáo không có quyền biện hộ, không có luật sư; xét xử không dựa trên luật pháp... Một nền tư pháp mà trong mấy chục năm trường không có một trường Đại Học Luật để giảng dậy, đào tạo luật sư thẩm phán. Sau khi chiếm được Miền Nam, CSVN đã đóng cửa trường Luật. Việc xét xử vẫn tiến hành như trong những năm đầu của chế độ. CSVN chỉ mới mở lại Khoa Luật từ sau "đổi mới", tức là từ non 20 năm nay. Trong khi đó, Nhà nước vẫn chưa có một hệ thống luật pháp đầy đủ trên giấy trắng mực đen. Tệ hại hơn nữa là luật viết một đàng, chính quyền áp dụng một nẻo gây ra tình trạng nhiều quyết định của chính quyền sai luật, đi ngược lại quy định của luật pháp. Nếu gọi tình trạng này là tình trạng luật rừng thì cũng không ngoa.

Điển hình, cứ đọc báo chí của đảng trong thời gian gần đây, sẽ thấy được tình trạng luật rừng này. Báo Người Lao Động, ngày 7/8/2006 đăng tin "20 năm vẫn chưa đòi được tiền thi hành án: Đội Thi hành án quận 5, TP HCM giữ của ông Trần Đăng Hưng 550.000 đồng từ năm 1986 đến nay chưa trả. Ông Hưng khiếu nại lên tòa án quận 5, nhận được câu trả lời, thẩm quyền giải quyết không phải của cơ quan này mà thuộc về Đội thi hành án quận 5. 20 năm qua, vụ việc vẫn chưa được giải quyết". Báo Lao Động ngày 22/12/2004 đưa tin "Thi hành án sai, dân phải chịu : Người dân tuân thủ các quy định của pháp luật thì mất nhà, bị thu hồi giấy tờ và chỉ biết gửi đơn khiếu nại đến các cấp các ngành, còn cơ quan nhà nước làm sai lại cố tình bắt dân phải chịu và đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên. Chuyện lạ này đang xảy ra tại Phòng Thi hành án tỉnh Bắc Giang". Tòa án Bắc Giang cũng là nơi hiện đang xảy ra vụ bắt các tu sĩ Phật Giáo, tra tấn dã man, nguỵ tạo nhân chứng, vật chứng để "quy án gán tội" ăn cắp tượng Phật cổ. Còn bao nhiêu trường hợp khác nữa, kể không hết... Tóm lại, từ các cơ quan gọi là Viện Kiểm Sát Nhân Dân đến các tòa án, đến những nhân sự trong ngành tư pháp của Việt Nam hiện nay đều mang tính chất biểu kiến với quốc tế, nhưng lại là nguồn gốc những vụ xử án oan sai, nhằm hành hạ, bóc lột lương dân vô tội.

Không phải ngẫu nhiên mà tự dưng ông chủ tịch nước mới ra lò Nguyễn Minh Triết đã chỉ thị phải "cải cách tư pháp" sau khi đưa ra nhận xét về ngành tư pháp là "yếu và thiếu". Chắc hẳn ông đã bị dân oan chặn xe đưa đơn khiếu kiện. Hai nhận xét của ông vừa đúng, vừa sai thực tế. Nếu ở từ cấp quận, huyện lên đến thị xã, thành phố, nơi nào cũng có tòa án, cũng có kiểm sát nhân dân thì đâu có thiếu. Nhân sự trong các cơ quan tư pháp vừa kể thì chưa trống chỗ đã có người chờ. Vậy nói thiếu như lời ông Triết thì không đúng. Còn nói tư pháp Việt Nam yếu cũng sai sự thật. Bạo lực của công an, của kiểm sát nhân dân, của cán bộ điều tra đâu có yếu ?

Có thể ông Triết muốn nói đến cái thiếu là thiếu những tòa án văn minh, trong sáng, xét xử công minh, thiếu những thẩm phán có trình độ và lương tâm xét xử. Thiếu hai thứ này thì thật đúng với thực tế. Có điều là không sao tìm được trong đảng CSVN những nhân sự như thế. Và toà án của nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam vẫn tiếp tục là những gánh hát xử theo luật rừng. Dân oan ngày càng đông.

Không có nhận xét nào: