05 tháng 6, 2006

Lời Ngỏ... (CT25)

Năm 1969, nhà phản kháng Andrei Amalrik của Nga đã viết “Liên Bang Xô Viết Có Thể Sống Còn Đến Năm 1984?” và tiên đoán sự sụp đổ toàn diện của Liên Xô dựa trên lý luận: Bất kỳ tập đoàn lãnh đạo nào phải dồn hết tiềm năng vào việc kiểm soát đời sống tinh thần và vật chất của người dân, tập đoàn đó sẽ không thể tồn tại vĩnh viễn. Ông đưa ra hình ảnh người công an lúc nào cũng phải nâng súng chỉa vào nhân dân; theo thời gian, khẩu súng trở nên nặng trĩu đến độ không cầm nổi nữa; đuối sức, anh ta hạ súng và nhân dân trong gọng kềm áp bức sẽ phá ngục. Điều tiên đoán của ông bị thế giới Tây phương coi là viễn mộng. Tuy nhiên, ý tưởng của ông đã tạo sự lo lắng cho chính quyền Xô Viết vì họ biết rằng chỉ cần một tia tự do nhỏ cũng đủ để làm bùng phát cơn bão lửa đốt cháy toàn bộ hệ thống độc tài của chế độ. Những người có khả năng bật lên tia lửa tự do này chính là những nhân vật phản kháng mà nhà cầm quyền đã nỗ lực đàn áp. Tiên đoán của ông Andrei Amalrik đã xảy ra trong sự kinh ngạc của thế giới dù muộn mất 6 năm.

Điều gì đã khiến cho ông Andrei Amalrik tiên đoán thành công? Cái ông có mà Tây phương không có là cảm nhận của ông về sức mạnh khủng khiếp của Tự Do. Những nhà phản kháng hiểu rõ được sức mạnh này có thể chuyển hóa toàn bộ đời sống con người, giải phóng một xã hội mà trong đó sự thật hay giả trá hoàn toàn bị kiểm soát bởi chế độ độc tài, giải phóng ngay cả một người đang ở trong ngục tù. Ý thức về sức mạnh của tự do này chính là mẫu số chung của những nhà phản kháng. Dù khác biệt với nhau về sách lược đấu tranh, họ đã cùng đồng ý với nhau rằng: Một xã hội tự do cho phép mọi người nói lên quan điểm của mình mà không phải lo sợ bị phỉ báng, tấn công, đàn áp, bắt giam hay tù đày. Điều này được áp dụng giữa chính họ - những người phản kháng với nhau. Dù không cùng quan điểm nhưng họ đều thấy rằng thành công chỉ đến khi tình trạng phản kháng từ nhiều cá nhân, nhiều khuynh hướng tiếp tục tồn tại và phát triển. Khi nhận thức rằng sức mạnh của bạo quyền không chỉ nằm ở quân đội và công an mà ở khả năng kiểm soát những điều được nói, được nghe, được viết, được đọc, và trên hết là được suy nghĩ. Các nhà phản kháng đã thực hiện, áp dụng những điều này cho chính họ mà không lo lắng những áp suất không riêng gì đền từ bạo quyền, mà từ chính những người cùng chí hướng.

Hơn 16 năm trôi qua sau ngày hệ thống cộng sản bị sụp đổ. Việt Nam là một trong 4 nước hiếm hoi còn bị lôi theo con đường chủ nghĩa lỗi thời. Tuy nhiên, 16 năm qua cũng đã xảy ra nhiều đổi thay tích cực. Tích cực nhất là sự trưởng thành và phát triển của các phong trào dân chủ VN. Khái niệm dân chủ đã trở thành mục tiêu tranh đấu của nhiều người. Nhưng dân chủ không thể nào có được nếu con người không thực sự có tự do. Một xã hội dân chủ mang theo nó nhiều điều kiện căn bản: Luật pháp, hiến pháp, độc lập tư pháp, đa đảng, tự do tôn giáo, tự do báo chí... Nhưng quan trọng hơn hết là quyền tự do của quần chúng trong việc chọn lựa thành phần lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, bầu cử chưa phải là thước đo chính xác của dân chủ. Nó chỉ là một phương tiện tích cực hoặc tiêu cực tùy vào hoàn cảnh và phương thức áp dụng. Không ai phủ nhận những điều hay lẽ phải được định rõ trong hiến pháp nước ta. Nhưng thực tế cho thấy đó chỉ là những văn bản vô ý nghĩa. Tương tự, bầu cử, tham gia nghị trường, trưng cầu dân ý cũng sẽ vô ý nghĩa nếu nó vẫn nằm trong vòng dàn dựng, kiểm soát hoặc khống chế của bạo quyền. Đôi khi, nó không những chỉ vô ý nghĩa mà còn đóng vai trò chứng minh và xác định chính nghĩa giả hình của tập đoàn thiểu số lãnh đạo dựa vào kết quả của những tiến trình dân chủ không thật này. Dân chủ chỉ có thật khi nhân dân thực sự tự do tham gia vào tiến trình tuyển chọn, tự do lên tiếng, tự do phản đối và thay đổi được những bất công của tiến trình chọn lựa trong một môi trường mà ai cũng có thể bày tỏ ý kiến của mình và không sợ bị đàn áp, khủng bố. Có như thế thì mọi cuộc bầu cử, trưng cầu dân ý, tham gia nghị trường mới thực sự có ý nghĩa và dẫn đến nền dân chủ thực sự.

Ngày hôm nay, những nhà đấu tranh cho dân chủ nước ta đang đứng trước một vận hội mới và thử thách mới. Vận hội của những ngọn lửa dân chủ đã bước vào giai đoạn không thể bị dập tắt, những ngọn thác đòi hỏi tự do không thể xoay ngược dòng. Thử thách ở những khác biệt về tầm nhìn tương lai trong sách lược đấu tranh và thử thách ở nỗ lực phân rẽ, khủng bố từ bạo quyền. Thử thách sẽ được vượt qua, vận hội sẽ được nắm bắt, nếu và chỉ nếu: Tinh thần phản kháng, những con người phản kháng phải tồn tại và cùng phát triển. Chính họ phải là biểu tượng của khát vọng tự do để trở thành chất xúc tác cho mọi phong trào quần chúng nương theo, bùng nổ và dẫn đến sự sụp đổ toàn diện của hệ thống độc tài.

Ban biên tập Canh Tân

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Test!