05 tháng 6, 2006

Giúp Dân Hay Giúp Chế Độ Độc Tài? (CT25)


Trích Michael Schuman (Time)

Khi làm ăn với với Miến Điện, các nước Châu Á đã góp phần giúp cho chế độ quân phiệt duy trì quyền lực, trong khi người dân Miến Điện vẫn mắc kẹt trong cảnh nghèo nàn, bị đàn áp và quản lý kinh tế hỗn loạn.

Thaung Htun đã không về lại quê hương suốt 17 năm qua, nhưng vị bác sĩ 49 tuổi này vẫn không từ bỏ hy vọng một ngày nào đó chế độ dân chủ sẽ đến với Miến Điện và ông sẽ được an toàn về nhà. Vào năm 1988, ông tham gia một cuộc nổi dậy của sinh viên chống chế độ quân phiệt Miến Điện và sau đó phải trốn đến Thái Lan khi phong trào này bị các viên tướng cầm quyền đàn áp. Hai năm sau, các viên tướng thanh trừng đảng Liên minh Quốc gia Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi sau khi đảng này giành được chiến thắng huy hoàng trong cuộc bầu cử năm 1990. Thaung Htun cùng các đảng viên dân chủ khác lại phải đào tẩu trong một cuộc truy lùng của chính phủ. Ngày nay, ông vẫn tiếp tục vận động cho đường lối đấu tranh của mình và đã nhận được thiện cảm của rất nhiều người. Giám mục Nam Phi Desmond Tutu và cựu Tổng thống Cộng hòa Czech - Vaclav Havel, đã đưa ra một lời kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ thúc đẩy các viên tướng cầm quyền ở Miến Điện phải cải cách chính trị, cảnh báo rằng Miến Điện đang “đe dọa hòa bình và sự ổn định khu vực”. Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice gọi Miến Điện là “tiền đồn chuyên chế”, và Hoa Kỳ tiếp tục áp dụng biện pháp trừng phạt cấm vận. Bà Suu Kyi khẳng định rằng mọi ngoại tệ đều góp phần hợp pháp hóa và làm giàu cho giới tướng lĩnh. Sau tất cả những năm lưu đày, Thaung Htun vẫn không bỏ cuộc. “Tôi tin rằng một ngày nào đó trong đời, tôi có thể về lại quê hương”, ông nói, “Lịch sử đứng về phía chúng ta”.

Trong khi Thaung Htun tuyệt vọng cố gắng ngăn cản dòng tiền từ nước ngoài đổ về Miến Điện thì Gong, thị trưởng của thành phố Trung Quốc Ruili gần biên giới Miến Điện, lại tìm cách đổ tiền từ đại lục vào đây. Chính phủ Trung Quốc đã biến vùng biên giới gần Ruili thành một khu vực kinh tế đặc biệt. Hơn 400 triệu đô la được đổ vào Khu vực Kinh tế Thương mại Biên giới Jiegao mỗi năm. Thị trưởng Gong hy vọng việc buôn bán qua Jiegao sẽ tăng gấp ba lên đến 1,2 tỷ đôla vào năm 2008. Ông đã mở rộng cây cầu bắt ngang sông Ruili để giải quyết vấn đề vận chuyển và hiện đang xây dựng một cổng tháp trịnh trọng tại biên giới để tượng trưng cho mối quan hệ nở rộ của Trung Quốc với Miến Điện. Ông Gong nói đùa: “Hai nước có quan hệ rất chặt chẽ với nhau, những con gà Miến Điện đẻ trứng ngay trên đất Trung Quốc”.

Quan hệ mậu dịch chính thức giữa hai nước đã tăng gấp đôi trong vòng năm năm, lên đến 1,1 tỷ đôla vào năm 2004 và Trung Quốc trở thành nguồn cung cấp chính về đầu tư và viện trợ nước ngoài cho Miến Điện. Nhưng Trung Quốc không phải là nước Châu Á duy nhất hỗ trợ cho chính phủ Junta, bất chấp họ khét tiếng về chính sách đàn áp thô bạo. Nhiều nước láng giềng khác của Miến Điện cũng vui vẻ kinh doanh với nước này do bị thu hút bởi những tài nguyên thiên nhiên phong phú của họ. Hàng nhập cảng vào Thái Lan từ Miến Điện tăng vọt 50% trong 10 tháng đầu năm 2005 lên đến gần 1,5 tỷ đôla, và Ấn Độ cũng đang tìm cách đầu tư nhiều nguồn quan trọng vào đây, nhất là trong lĩnh vực năng lượng. Kết quả là két tiền của chính phủ Junta được chất đầy hơn bao giờ hết. Vào năm 1988, Miến Điện tuyên bố dự trữ ngoại tệ mạnh chỉ có 89 triệu đô la, nhưng vào năm 2004, họ có đến 685 triệu đô la, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Tất cả các khoản viện trợ, thương mại và đầu tư này đã cho phép chính phủ quân phiệt Miến Điện gạt bỏ 15 năm sức ép từ cộng đồng quốc tế nhằm mang lại cải cách dân chủ. Với các viên tướng, “mối quan tâm chính là bảo đảm sự tồn tại của mình, và họ có đủ tiền để làm điều đó”, theo Robert Templer, giám đốc chương trình Châu Á của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế tại New York.

Thực vậy, chế độ quân phiệt tỏ ra kiên cố hơn bao giờ hết. Chính phủ Junta, tự đặt cho mình một cái tên hoa mỹ là Hội đồng Phát triển và Hòa bình Quốc gia, được thống trị bởi những người theo đường lối cứng rắn do chủ tịch hội đồng là Tướng Than Shwe đứng đầu. Các tài nguyên thiên nhiên tùy nghi sử dụng đã giúp các viên tướng dễ dàng hơn trong việc ngoan cố bám víu quyền lực. Miến Điện có những nguồn dự trữ khí thiên nhiên đáng kể nằm gần ba quốc gia phát triển nhanh nhưng lại đói năng lượng là Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan. Dù hầu hết các công ty dầu hoả lớn bị lệnh cấm vận cấm đầu tư nhưng những người nước ngoài tranh giành từng mẫu dầu ở đây không hề vắng bóng. Hai công ty hoạt động hiện tại, Total của Pháp và Petronas của Malaysia, cung cấp cho Miến Điện khoảng một tỷ đô la lợi nhuận vào năm 2005. Vào năm 2004, một tập đoàn do Daewoo International của Nam Hàn đứng đầu, bao gồm Korea Gas, ONGC Videsh và Gas Authority của Ấn Độ, khám phá ra những nguồn dự trữ dầu hỏa lớn hơn cả các mỏ dầu hiện tại. Có thể họ cần một khoản đầu tư khoảng 2 tỷ đô la để phát triển các mỏ dầu này. Một nhóm đầu tư khác, kể cả Tập đoàn Dầu mỏ Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc đã ký sáu hợp đồng với chính phủ Miến Điện để khai thác nhiều mỏ dầu hơn. Ấn Độ cũng đang lên kế hoạch một hệ thống ống dẫn trị giá một tỷ đôla để dẫn khí thiên nhiên từ Miến Điện.

Những công ty Châu Á khác còn đầu tư vào các cánh đồng ngọc trai, khách sạn, sản xuất xe vận tải và thậm chí cả sản xuất bút chì. Các công ty Singapore là một trong những công ty nhiệt tình nhất, bỏ ra gần 1,6 tỷ đô la vào 72 dự án ở Miến Điện. Mức lương thấp - có lẽ thấp nhất Đông Nam Á - là một sức hút lớn với những ngành công nghiệp nặng như kỹ nghệ dệt. Dòng tiền từ các nước Châu Á không hề có khuynh hướng chậm lại. “Chúng tôi không có kế hoạch hạn chế các hoạt động kinh doanh của Nhật tại Miến Điện”, Hideaki Mizukoshi, giám đốc Văn phòng Châu Á và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật, cho biết, “Dân chủ không phải là tiêu chuẩn duy nhất khi quyết định mối quan hệ của chúng tôi với một quốc gia”.

Các nhà điều hành và các nhà ngoại giao trong khu vực giãy nãy khi nghe nói rằng họ đang hy sinh nhân quyền vì lợi nhuận. Nhiều viên chức và các nhà đầu tư Châu Á tin rằng kinh doanh và thương mại có cơ hội lớn hơn lệnh cấm vận trong việc thúc đẩy cải cách chính trị bằng cách mở cửa một đất nước cô lập. Ông Gong của Ruili lý luận rằng vai trò kinh tế của Trung Quốc “đang góp phần thúc đẩy cải cách chính trị và kinh tế ở Miến Điện”. Quan niệm này đã khiến Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), diễn đàn chính trị chính trong khu vực, mời Miến Điện gia nhập làm thành viên vào năm 1997.

Trên thực tế, cả quan hệ kinh doanh lẫn các biện pháp cô lập đều không biến các viên tướng này thành những công dân thẳng thắn được chút nào. Trong một báo cáo vào tháng 2 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố “hồ sơ nhân quyền cực kỳ nghèo nàn của chính phủ này đang ngày càng tệ hại hơn” trong năm 2004 với “vô số vụ ngược đãi nghiêm trọng”, kể cả lao động cưỡng bức, tử hình, tra tấn, cưỡng hiếp tù nhân và các đối thủ chính trị. Gần 700.000 người trốn khỏi Miến Điện hiện đang tị nạn tại Thái Lan, Malaysia, Bangladesh và Ấn Độ.

Chính phủ Junta là một mối nguy hiểm không chỉ với người dân của chính họ. Miến Điện là nơi sản xuất thuốc phiện bất hợp pháp lớn thứ nhì thế giới sau Afghanistan. Nạn buôn người ở Miến Điện nhan nhản, các phụ nữ trẻ bị buộc phải làm gái mãi dâm ở Thái Lan và nhiều nơi khác. Với sự bùng nổ buôn bán ma túy và tình dục, Miến Điện “có thể trở thành người góp phần lớn nhất cho các loại HIV mới trên thế giới”.

Trong khi chính phủ Junta được hưởng lợi từ các hỗ trợ kinh tế của các nước láng giềng thì họ gần như không làm gì cho phúc lợi của khoảng 50 triệu người dân Miến Điện. Thu nhập đầu người chỉ có 225$, một trong các nước thấp nhất Châu Á. Tương lai không có vẻ gì sáng sủa hơn. Dù chính phủ Junta tuyên bố GDP trong năm tài chính năm ngoái của Miến Điện tăng lên đến mức kinh ngạc là 12,6% - thậm chí còn cao hơn cả Trung Quốc và Ấn Độ - nhưng các nhà kinh tế vẫn cho rằng những con số thống kê chính thức này chỉ thuần túy là tưởng tượng. Đơn vị Tình báo Kinh tế ước tính mức GDP giảm xuống 2,7% vào năm 2004 và tăng lên chỉ có 1,5% trong năm 2005. Dù vậy, các viên tướng vẫn sống trong xa hoa. Vào đầu năm 2005, một cảnh sát đột nhập vào nhà cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Nyunt Tin, hiện đang bị bắt vì tội tham nhũng, đã tìm thấy một kho đồ quý giá gồm có vàng, tiền mặt và đồ trang sức.

Một cuộc đi dạo ngang biên giới Trung Quốc vào miền bắc Miến Điện có thể cho thấy người dân Miến Điện hầu như chẳng được lợi lộc gì từ những cuộc giao thương giữa hai nước. Trong khi Ruili của Gong là một thủ phủ hiện đại với những con đường rộng lớn, những tòa nhà không ngừng được xây dựng và thu nhập đầu người cao gấp năm lần khu lân cận, thì thị trấn Miến Điện Muse ngay bên kia biên giới hầu như chỉ là một mớ những túp lều tồi tàn làm bằng tre rạ, tranh lá và những tấm thiếc. Những chiếc xe buýt trong thành phố cũ kỹ đến mức mưa dột qua nóc xe. Ngôi chợ chính với những gian hàng trưng bày toàn hàng hóa Trung Quốc gần như trống rỗng. Từng đoàn người ăn xin quấy nhiễu các nhóm du lịch Trung Quốc để xin từng xu lẻ. Những ngôi nhà bê-tông duy nhất là những căn biệt thự hai tầng thuộc sở hữu của các thương nhân buôn ngọc Trung Quốc. “Thương mại không có gì tốt đẹp với người Miến Điện; nó chỉ tốt cho chính phủ mà thôi”, Aung Kyaw Zaw, một cựu phiến quân chống chính phủ sống tại Trung Quốc, than phiền, “Trung Quốc gởi rất nhiều đến Miến Điện, nhưng người dân ở đây chỉ ngày càng nghèo hơn”.

Và tuyệt vọng hơn. Trong khi đất nước này từng màu mỡ đến mức được gọi là bát cơm của khu vực, thì ngày nay, một phần ba số trẻ em Miến Điện bị suy dinh dưỡng kinh niên hoặc bị còi xương. Không thể tìm được việc làm trong những lĩnh vực mà mình lựa chọn, các sinh viên tốt nghiệp ngành vật lý phải đi lái taxi, còn các bác sĩ thì làm dịch vụ bất động sản. Mại dâm là một trong số hiếm hoi những ngành nghề thịnh vượng hiển nhiên. Những người cò mồi ở khu trung tâm thường quấy rầy du khách mời chào đổi tiền hoặc thuê xe nay còn giới thiệu những dịch vụ bổ sung: “Xoa bóp? Phụ nữ?”.

Chính phủ Junta đổ lỗi cho Mỹ về những khó khăn tài chính trong nước. Phong trào dân chủ Miến Điện khẳng định dân chúng ủng hộ sự trừng phạt này, nhưng thật khó tìm được sự hỗ trợ ở những người Miến Điện bình thường. “Chúng tôi muốn áp lực từ cộng đồng quốc tế, nhưng chúng tôi không muốn bị trừng phạt”, một phóng viên Miến Điện tại Rangoon nói, “Người dân của chúng tôi rất, rất nghèo”. Tuy nhiên, những chính sách kinh tế bất ổn và lạc lỏng của chính phủ Junta còn gây thiệt hại đáng kể hơn nhiều so với lệnh trừng phạt. Một biện pháp đo lường sự thất bại kinh tế của nước này là trong khi tỷ giá hối đoái chính thức vào khoảng 1 đôla/6 đồng kyat, thì giá trị thị trường chợ đen của 1 đôla là 1,160 kyat. Khi các viên tướng muốn chấm dứt sự sụt giá tiền tệ, họ bắt giam những người đổi tiền bất hợp pháp - thường rất nhẫn nhục - đang hoạt động ở các cửa hàng hoặc chợ búa. Ngành ngân hàng chỉ hoạt động được khoảng ba năm sau khi bị mất tín nhiệm của dân chúng và bị hụt tiền gởi do sự giám sát kém cỏi của chính phủ. Tất cả những hỗn loạn kinh tế này chứ không phải chính trị, mới là điều quan trọng nhất trong suy nghĩ của hầu hết người dân Miến Điện. “Chúng tôi không nghĩ về Aung San Suu Kyi hay Tướng Than Shwe”, một thương nhân Miến Điện nói, “Chúng tôi nghĩ về thức ăn, quần áo và nhà cửa”.

Trở lại văn phòng của mình ở New York, Thaung Htun nhìn thấy một tia hy vọng mong manh. Ông tin rằng chính phủ Junta đang gây cho Châu Á nhiều thiệt hại và lúng túng đến mức chính phủ các nước trong khu vực đang dần phải xem việc cải cách Miến Điện là một sự cần thiết. “Có một sự chuyển hướng chính sách trong khu vực này”, ông nói, “Nếu Miến Điện là một quốc gia thất bại thì họ sẽ tạo ra nhiều vấn đề cho những lân bang”.

Có vẻ như một số người bạn của Miến Điện thật sự đang quay lưng với các viên tướng, ngay cả trong “câu lạc bộ” ASEAN. Các thành viên thường không công khai chỉ trích chính phủ junta, do một chính sách tránh can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nhau. Nhưng quan điểm này đã thay đổi đột ngột tại một cuộc họp thượng đỉnh, các lãnh đạo ASEAN chính thức kêu gọi Miến Điện “xúc tiến” cải cách dân chủ và phóng thích các tù nhân chính trị. Dù không nhắc đến tên Suu Kyi nhưng rõ ràng ASEAN đang muốn ám chỉ đến bà. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đi đến kết luận rằng các viên tướng Miến Điện là những đối tác kinh doanh khốn nạn. Với mọi thứ từ việc quản lý tiền tệ và những quy định bất hợp lý cho đến việc thiếu điện và đường xá tồi tệ. 40% công ty dệt Nam Hàn từng hoạt động tại nước này đã bỏ đi trong ba năm qua, và khoảng một phần tư tổng số công ty Nhật cũng rút lui kể từ cuối những năm 1990. Nhà sản xuất đồ lót Triumph đã đóng cửa nhà máy của mình ở Miến Điện vào năm 2002 sau khi một nhóm nhân quyền Anh phát động một chiến dịch có khẩu hiệu “Nâng đỡ bộ ngực, không nâng đỡ kẻ độc tài”. Người khổng lồ dầu mỏ Unocal của Mỹ cũng vẫy tay từ biệt.

Những người Miến Điện như Ye Winn đang hy vọng đó là sự thật. Người thương nhân 59 tuổi này đã gầy dựng một cửa hàng tại khu vực kinh tế Jiegao của Ruili tám năm trước đây để xuất cảng máy móc Trung Quốc vào Miến Điện. Trước đây việc kinh doanh rất phát đạt, nhưng sau đó doanh thu bắt đầu giảm xuống khoảng 40% và vẫn còn đang tiếp tục giảm. Ông cho biết các khách hàng Miến Điện của mình đang trở nên nghèo khó đến mức thậm chí còn không mua nổi các thứ hàng hóa Trung Quốc rẻ tiền. Chính phủ Miến Điện đã đề ra quá nhiều hạn chế mới đến mức nhiều người buộc phải buôn lậu. Nhưng Ye Winn nói ông rất sợ gặp rắc rối, vì vậy nên ông chỉ ngồi giữa một cửa hàng ngột ngạt, hút thuốc và tự hỏi mình có thể làm gì để kiếm tiền. “Tất cả chúng tôi đều hy vọng và chờ đợi chính phủ Miến Điện thay đổi”, ông nói, “Không có cải cách, mọi việc chỉ ngày càng tệ hại mà thôi”. Đó là một số phận mà những người dân bị áp bức của Miến Điện - và các nước Châu Á khác - rất khó chịu đựng nổi.

Không có nhận xét nào: