Vũ Thạch
Quyết định tháng 7 năm 2005 của Hiệp Hội Âu Châu đánh vào xe đạp nhập cảng từ Trung Quốc đã làm nhiều người tại Đông Á tỉnh mộng. Những giới cầm quyền, các quan chức về mậu dịch lẫn nhiều nhà sản xuất vốn tin rằng hễ vào được cơ chế WTO là xong, khỏi còn phải lo ngại về hạn ngạch hay thuế nhập cảng nữa, đã bừng tỉnh với thực tế đã không diễn ra như họ luôn mong đợi. Quyết định của Hiệp Hội Âu Châu cho thấy rõ vai trò và chức năng của WTO là giúp cho các nước đồng phát triển nhưng phải ở trong một sân chơi công bằng và trong sáng. Những quốc gia, những kẻ quen với lề lối kinh tế thị trường hoang dã và nhiều mánh khóe sẽ phải trả giá cho những hành xử của họ khi trở thành thành viên của WTO.
Sau nhiều tháng điều tra theo yêu cầu của các hãng sản xuất xe đạp nội địa, Hiệp Hội Âu Châu đã đi đến kết luận Trung Quốc cố tình bán phá giá để giết các đối thủ tại Âu Châu. Trung Quốc với sự chủ mưu kế hoạch của chính phủ chứ không phải chỉ từ các công ty tư nhân đã chuyên chở các xe đạp này đến thị trường Âu Châu và bán dưới giá vốn sản xuất. Theo đúng các điều khoản cho phép của WTO, thuế nhập cảng xe đạp Trung Quốc tăng lập tức từ 30,6% lên 48,5%. Nhưng điều làm nhiều người ngạc nhiên là trong cùng một bản tuyên phạt, bỗng nhiên xe đạp nhập cảng từ Việt Nam cũng bị đánh thuế 34,5%.
Hiện nay, Hiệp Hội Âu Châu đang điều tra tiếp vào lãnh vực giày dép và quần áo nhập cảng từ Trung Quốc. Theo các chuyên gia tại Âu Châu cho biết thì nhiều phần cả Trung Quốc và Việt Nam sẽ bị trừng phạt như nhau trong những ngày tới. Câu hỏi được đặt ra là tại sao lại có hiện tượng “chết chung”, “chết chùm” như vậy. Tại sao Trung Quốc vi phạm mà Việt Nam bị ảnh hưởng lây?
Trước hết, Hiệp Hội Âu Châu, cũng như Bộ Thương Mãi Hoa Kỳ vào năm ngoái, ước tính giá vốn sản xuất của một món hàng dựa trên câu hỏi đầu tiên rằng tại nước xuất cảng thực sự có một nền kinh tế thị trường hay không. Nếu đây là nơi mà mọi giá cả được quyết định bởi thị trường tự do thì giá vốn có thể tính được ngay theo các dữ kiện lấy từ thị trường. Ngược lại, nếu giá cả vẫn phần lớn do Nhà nước qui định hay tài trợ gián tiếp qua hệ thống hãng xưởng quốc doanh, giá vốn sản xuất phải được tính theo một công thức riêng để công bằng cho các nhà sản xuất tại Âu Châu cũng như các nước thành viên khác trong WTO. Hiển nhiên kết luận điều tra dễ dàng chứng minh Trung Quốc không có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa và vẫn còn nằm trong sự kiểm soát, khống chế và điều hành bởi bộ máy chính phủ.
Và khi đã kết luận “Nền Kinh Tế Thị Trường Theo Đặc Tính Trung Quốc” không đủ gọi là kinh tế thị trường, thì khó mà không kết luận tương tự về cái khuôn được đảng CSVN vác về nước ta áp dụng với cái tên mới - “Kinh Tế Thị Trường Theo Định Hướng XHCN”. Đó là đặc điểm thứ nhất dẫn Việt Nam đến cảnh chết chung, chết trùng với Trung Quốc.
Đặc điểm thứ nhì dẫn đến “chết trùng” nằm ở cách hành xử tùy tiện và võ đoán của Nhà nước Bắc Kinh và Hà Nội. Cả hai nền kinh tế đều mang theo mình dày đặc những cái gọi là “bí mật quốc gia”, kể cả những thương ước ngầm lén giữa hai nước. Tính trong suốt, minh bạch, vốn là nền tảng căn bản của nền kinh tế thị trường đích thực, vì vậy, gần như hoàn toàn vắng bóng ở đây. Từ đó người ta khó có thể xác định chính xác xuất xứ của các thành phẩm kinh tế. Nhiều món hàng Trung Quốc mượn đường Việt Nam để tránh hạn ngạch của nhiều nước, và nhiều hàng hóa được thầu lại tại Việt Nam nhưng xuất cảng dưới nhãn hiệu Trung Quốc. Kết quả là nhiều hàng hóa Việt Nam bị liệt vào cùng hạng với Trung Quốc để nhận sự trừng phạt. Sự không trong suốt và lối sản xuất hàng hóa nhập nhằng giữa hai nước dẫn đến lý do chết chung, chết chùm thứ 2 của Việt Nam cùng với đàn anh Trung Quốc.
Đứng dưới bóng Trung Quốc đã và đang kéo theo nhiều hệ quả tai hại cho nền kinh tế Việt Nam. Ngoài những cảnh “lạc đạn” vì đứng quá gần và rập khuôn quá giống Trung Quốc như vừa nêu trên, chính Trung Quốc cũng là nguồn đe dọa lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Trước hết, việc thả lỏng cho hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa đã giết chết vô số các nhà sản xuất Việt Nam. Với dân số khổng lồ dẫn đến nhân công rẻ mạt, với nguyên tắc sản xuất 1 triệu món hàng đầu thì tốn kém nhưng tới cái 1 triệu lẻ 1 thì rẻ như bèo, Trung Quốc dễ dàng giết chết khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Các hàng Trung Quốc cho Việt Nam thầu lại thường là những mối hàng lợi rất ít vì tốn nhiều nguyên vật liệu. Ngược lại, có vô số dẫn chứng về việc Trung Quốc dùng vị trí tại các thị trường và kích thước kinh tế của họ để giành mối, chận đầu, giành các nguồn vốn đầu tư, giành các kiến thức công nghệ, v.v... khỏi tay các nhà sản xuất Việt Nam. Cho đến nay, vẫn theo thói thần phục đàn anh và đặt quyền lợi của đảng lên trên hết, lãnh đạo đảng ta vẫn hoàn toàn im lặng với lời biện giải: “tế nhị trong quan hệ hữu nghị”. Lời biện giải này giúp cho lãnh đạo đảng ta bám vào ghế quyền lực trong khi lãnh hải, lãnh thổ và nguồn lợi kinh tế từng bước rơi vào tay của các đồng chí môi hở răng lạnh Bắc triều.
Nhiều kinh tế gia quốc tế nhận định rằng ngày nào Việt Nam bước ra khỏi cái bóng của Trung Quốc ngày đó nền kinh tế của Việt Nam mới có thể tiến nhanh và tiến xa hơn được. Có lẽ 80 triệu người Việt Nam còn mơ ước điều đó gấp chục lần các nhà kinh tế kể trên. Tuy nhiên, những “mơ ước” này sẽ chỉ là những “ước mơ” vì:
- Đảng CSVN chưa bao giờ đặt lợi ích hay sinh mạng của đất nước lên trên tham vọng duy trì quyền cai trị bằng mọi giá;
- Đảng CSVN chưa bao giờ đứng một mình về tư tưởng, và nay chỉ còn Bắc Kinh làm chỗ dựa tư tưởng duy nhất để tiếp tục biện minh cho thể chế cai trị XHCN hiện nay;
- Đảng CSVN, suốt từ ngày thành lập và ngay cả trong thời gian chiến tranh, chưa bao giờ xa rời chủ trương dựa vào nguồn lực nước ngoài để đối phó với dân tộc.
1 nhận xét:
mấy thằng chó,hồi đó mày giỏi thì đi đánh hmay thằng Mỹ đi,được yên bình ko chịu con canh tân cái gì?ông nội tụi bây
Đăng nhận xét