05 tháng 3, 2006

Trả Lại Hào Khí Diên Hồng (CT22)


Lê Công Định

Lịch sử cho dân tộc những trang sách khó quên,

Tình yêu đất nước cho con người năng lượng cần thiết,

Tương lai giống nòi cho mỗi chúng ta đích điểm để hành động!

Đó là lý tưởng sống của những con người còn khái niệm phân biệt giữa Cái Ác và Cái Thiện.

Đó là lẽ sống của những trái tim còn biết cảm xúc trước Nỗi Khổ và Hạnh Phúc.

Với tình thương trong tim và ánh sáng từ khối óc, nỗi nhu nhược và sợ hãi thành quán tính quen thuộc bấy lâu sẽ được vượt qua, để mỗi một người dân là một mũi tên nhắm vào cái ác và nỗi nhục lạc hậu mà vươn tới.

Công Lý rồi sẽ phục hồi và trái tim rỉ máu của cả dân tộc sẽ thôi không còn bị đặt để trước cửa thềm của thế giới văn minh.

Những bàn chân đã tiến bước. Những cánh tay đã vươn lên. Những trái tim đã chung nhịp đập. Bốn ngàn năm dân tộc Lạc Hồng, đã nghe, đã thấy ! Hào khí đã dâng cao! Với Lê Công Định và biết bao người khác (Canh Tân)



Lịch sử Việt Nam là lịch sử thăng trầm của một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây. Những khoảnh khắc hòa bình hầu như ngắn ngủi. Sau 1975 niềm vui độc lập và thống nhất, với biết bao máu và nước mắt vô tội đổ xuống, đã không kéo dài bao lâu. Đất nước triền miên rơi vào khủng hoảng, hết khủng hoảng kinh tế, đến khủng hoảng đạo lý và bây giờ khủng hoảng niềm tin. Điều đó suy cho cùng có nguyên nhân nội tại từ chính sự nhu nhược của mỗi con người chúng ta.

Bốn ngàn năm lịch sử đã kết nối từng cá nhân thành một dân tộc, hun đúc nên khát vọng Đại Việt, đưa chúng ta đi hết chiến thắng này đến thắng lợi khác, giành lại độc lập tự chủ và thống nhất giang sơn về một mối. Thành tựu ấy có được là do sự quật khởi của hào khí Diên Hồng qua các thời đại. Tiếc thay khi chuẩn bị bước vào nền thái bình thịnh trị, sự nhu nhược đã thế chỗ cho tinh thần quật khởi! Kẻ thì bỏ nước ra đi, trốn tránh. Người thì ở lại nhẫn nhục, muộn phiền. Bọn cơ hội thừa dịp thi thố sự đồi bại, biến giang sơn chung thành món mồi riêng tư béo bở.

Vì nhu nhược, chúng ta không dám phản kháng thói hạch sách, nhũng nhiễu của lớp quan lại mới, chấp nhận dùng tiền vượt qua trở ngại. Đến khi nhìn lại, quốc nạn tham nhũng và quan liêu đã lan tràn, bất trị.

Vì nhu nhược, chúng ta che tai không dám nghe lời nói ngay thẳng, mặc nhiên dung túng sự dối trá và xu nịnh. Đến khi bừng dậy, đạo đức đã suy đồi, khó sửa.

Vì nhu nhược, chúng ta hài lòng với những gì đang có, cố tin vào sự ổn định giả tạo, đắm mình vào những lễ hội vô nghĩa liên miên. Đến khi nghĩ lại, xung quanh đã đầy dẫy ung nhọt, không còn thuốc chữa.

Vì nhu nhược, chúng ta bịt mắt trước những bước đi vũ bão của các dân tộc láng giềng. Đến khi tỉnh ngộ, sự tụt hậu quá rõ ràng, không còn cơ may rút ngắn khoảng cách.

Để che giấu mặc cảm do nhu nhược, khắp nơi người ta kể nhau nghe những bài vè châm biếm hoặc lớn tiếng dè bĩu chuyện cung đình tồi tệ, nhưng lại trong … quán nhậu! Chí khí kiểu “sĩ phu Bắc Hà” ấy liệu sẽ giúp ích được gì cho công cuộc chấn hưng đất nước đang lúc cần hào khí Diên Hồng năm xưa?

Muốn chấn hưng đất nước trong vận hội ngàn năm có một này cần phải rũ bỏ sự nhu nhược đó. Muôn người xin hãy nắm tay lại, chế ngự sự sợ hãi, cùng tiến về phía trước, may ra khát vọng Đại Việt mới có cơ may biến thành hiện thực. Xin đừng để sự nhu nhược của những cá nhân trở thành sự bạc nhược của cả một dân tộc.

Những Đoàn Xe Chuyển Tải (CT22)


Cành Nam

Trong kinh Vasala Sutta, có đoạn kể một buổi sáng Ðức Thế Tôn rời khu rừng Jeta (Kỳ Viên), đắp y mang bát vào thành Savatthi (Xá Vệ) để trì bình. Gần đấy, có nhà của một vị theo đạo Bà La Môn, cũng đang chuẩn bị ra ngõ. Những người theo đạo Bà La Môn cho rằng sáng ra mà gặp phải một Sa môn (Samana) hay một tăng lữ thì là điềm không may. Vì thế, khi mắt nhìn thấy đức Phật từ xa đến thì ông ta nổi giận, buông lời cộc cằn thô lỗ: - Hãy đứng lại, này ông thầy tu ! Hãy dừng lại, này ông đạo bần tiện đê hèn ! Hãy đứng lại đó, này người cùng đinh khốn khổ !

Trước sự nhạo báng, khinh miệt của người đối với mình, Ðức Phật đã ôn tồn bảo: - Này bạn, ông có biết người cùng đinh là thế nào, hay cái gì làm cho người ta trở nên bần tiện, đê hèn? làm cho người ta là hạng cùng đinh không?

Tò mò vì phong độ trầm tĩnh đầy bi mẫn của Ðức Phật, ông ta trả lời: - Không, quả thật tôi không biết. Này, Gotama (Cồ Ðàm), tôi không hiểu thế nào là cùng đinh và những gì làm cho người ta trở thành cùng đinh (vasala).

Lời dạy của Ðức Phật hôm ấy có 27 điều, nhưng tựu chung, ý chính Ðức Phật muốn truyền đạt có thể gom vào một câu này trong đời sống: Không phải do số phần, hay do nguồn gốc sinh trưởng mà là cùng đinh hay không là cùng đinh. Trở thành cùng đinh là do hành vi của chính mình, mà trở nên không cùng đinh cũng là nhờ hành vi của chính mình.

Khi nghe xong những lời luận giải, người ấy chợt hiểu ra mình mới là hạng cùng đinh vì chính những hành vi khiếm nhã, những lời lẽ lỗ mãng mình có, chứ không phải Ðức Phật, dù rằng ngài đang là kẻ khất thực, ăn xin lòng từ tâm của chúng sinh. Một cách ôn hòa, không cần tự tâng bốc mình, cũng không cần hạ thể người Bà La Môn, qua 27 điều giảng về tư tưởng, hành động của con người, Ðức Phật đã giúp người ấy nhận thức rằng không vì người ấy sinh trưởng nơi quyền quý mà đã là người quyền quý, không vì Ðức Phật nghèo khổ mà đã là kẻ đê hèn; mà chỉ có hành vi của chính mình mới quyết định giá trị thật con người mình.

Ðó là trong tôn giáo. Trong chính trị, người ta cũng thường nghe câu: "Dân chúng thế nào thì chính quyền thế ấy". Ngụ ý muốn nói rằng nhận thức của người dân, thể hiện qua ý chí và hành động, sẽ quyết định guồng máy cai trị quốc gia. Số phận của họ làm những quần chúng bị cai trị ngặt nghèo hay là những người được sống tự do, với đầy đủ nhân quyền và dân quyền, phần nào đều do ở chính họ. Ðời sống họ được tốt hay không đều phải do chính họ phấn đấu mà nên. Lịch sử loài người cho thấy tự do phải tranh đấu mới có, chứ không bao giờ do van xin mà được. Tinh hoa Phật giáo cũng thế, không có điều gì xẩy ra mà không do chính mình tự chủ động tạo ra, trong hiện tại, hay trong kiếp trước. Không có gì tự nhiên mà có, không có điều gì do ngẫu nhiên mà được. Nếu trong kiếp trước do tâm, ý, hành động của mình sai trái, tạo nên nghiệp và kiếp này phải lãnh quả báo; nhưng nếu biết nhận thức lý nghiệp báo, kịp ăn năn, tu tâm dưỡng tính, chuộc lỗi ngay trong hiện tại, sẽ hóa giải đi phần nào những tai ương phải chịu. Ðiều này đã được Ðức Phật giảng rõ qua ví dụ của thìa muối đổ vào tách nước thì ắt phải mặn không thể uống trôi, nhưng nếu thìa muối (nghiệp) đổ vào giòng sông bao la thì độ mặn không còn đáng kể. Tóm lại, lúc nào cơ hội để tạo dựng hạnh phúc hay đau khổ trong cuộc sống đều có và đều do chính mình chủ động mà được, hay mất. Trước cơn pháp nạn hôm nay, một phật tử thuần thành và hiểu biết, không khi nào van vái cầu xin được cứu vớt. Ngược lại, những phật tử giác ngộ sẽ đặt trọn vẹn niềm tin nơi chính mình, nơi hạnh tinh tấn, và nỗ lực cố gắng để tự mình giải thoát chính mình. Thay vì bó tay đầu hàng trước nghịch cảnh, hay vuốt ve tâng bốc một thế lực cầm quyền nào, người Phật tử đặt niềm tin mình trên ý chí của mình, và không ngừng hoạt động để mang an lành không chỉ cho mình, mà còn cho tất cả.

Chính vì tri thức được lẽ ấy mà từ những năm đầu sau 1975, các chân tăng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã không ngừng tranh đấu cho tương lai an lạc của nước nhà. Suốt quá trình bi thương trong lịch sử Việt Nam, đạo đã luôn luôn gắn liền với đời. Tinh thần "tự giác nhi giác tha" đã thôi thúc quý tăng ni phật tử, một mặt không ngừng tu đạo để "tự giác""tự độ", dù gặp phải bao cấm đoán, trù dập, đàn áp của đảng và nhà nước, mặt khác vẫn không quên thể hiện tâm từ bi, để canh cánh một lòng phổ độ chúng sinh. Nếu nhìn từ góc cạnh của tinh hoa phật pháp thì có lẽ chính tâm lượng quảng đại của Ðại Thừa, nên ‘chiếc xe chuyển tải’ ("thừa") không thể chỉ có mình tự độ lấy mình thoát kiếp khổ nạn, mà còn phải dốc tâm phá ngã chấp, mang tâm bình đẳng để cả dân tộc đều được đến bến bờ viên tịnh. Và nếu nhìn từ góc cạnh của những người cùng chung một tổ quốc, thì trước khi là Phật tử, hoặc tín đồ, hay không theo một tôn giáo nào... thì tất cả đều vẫn là con dân một nước, cùng có bổn phận và trách nhiệm như nhau trước cơn quốc nạn. Chính vì thế, những vị lãnh đạo tinh thần, bất kể là tôn giáo nào, từ Ðức Giám mục Nguyễn Văn Ðiền, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Linh mục Nguyễn Hữu Giải, Linh mục Phan Văn Lợi, Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Mục sư Nguyễn Hồng Quang, Cụ Lê Quang Liêm, v.v... và biết bao tăng ni phật tử, Hòa Hảo, Cao Ðài, giáo dân, tín đồ Tin Lành vô danh khác, đã cùng tìm gặp nhau trong cùng một ý chí của những nhà đấu tranh vì tự do, nhân quyền, dân chủ cho dân tộc. Họ chưa bao giờ ích kỷ, chủ trương sống giải thoát cách ly thế gian, bỏ mặc sự lầm than của cả nước, để mưu cầu an thân cho chính mình và gia đình mình. Từ những giáo dân Nguyệt Biều, An Truyền, đến những phật tử Hòa Hảo ở An Giang, tín đồ Tin Lành ở vùng Cao Nguyên, đến những tăng ni phật tử tại Nguyên Thiều, Bình Ðịnh ... tất cả đều ý thức được rằng chính mình phải là nhân tố tạo sự thay đổi, và đã đến lúc phải tự mình chứng minh trước lịch sử, rằng mình không phải là "hạng cùng đinh" (vasala) dù cho đảng và nhà nước có muốn biến cả dân tộc này thành những hạng cùng đinh khốn khó, cũng không thể được !!!

Số phận và tương lai dân tộc Việt hoàn toàn nằm trong tay mỗi người chúng ta. Ðất nước sẽ đầy cỏ xấu, gai sắc, hay tràn ngập hoa thơm, trái ngọt, là do ở nỗ lực diệt trừ, bứng tận gốc rể những loài cỏ xấu, để tạo điều kiện gieo trồng những hạt giống tốt. Chúng ta chỉ chú tâm tự lo giải thoát chính bản thân ta, gia đình ta, hay chúng ta sẽ phá ngã chấp, để góp một bàn tay, một tấm lòng hầu giải trừ quốc nạn, pháp nạn cho cả dân tộc mình. Ðã đến lúc, chúng ta cần nhận thức trách nhiệm của mình trước vận nước, và vững tin vào ý chí của chính mình, để lấy sức mình làm chính, hầu giải quyết vấn đề của dân tộc Việt Nam, mà không ủy thác hay trông chờ vào bất cứ thế lực siêu cường nào. Hãy là những đoàn xe chuyển tải đem công đức, duyên khởi vị tha, trí tuệ để giúp thăng hoa thêm cuộc sống của chính mình, hiện tại và tương lai.

Món Quà Cho Đảng (CT22)


Băng Tâm

Để đánh dấu Đảng tròn 76 năm tội ác (3/2/1930-3/2/2006), Hội Đồng Nghị Viện Châu Âu đã tặng các chế độ cộng sản nói chung, cộng sản nước ta nói riêng một món quà độc nhất vô nhị và có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử nhân lọai. Đó là Nghị quyết 1481 (2006) mang tên “Nhu cầu lên án của quốc tế đối với những tội ác của các chính quyền cộng sản độc tài”. Với sự đề xuất chủ yếu của các nghị sĩ ba nước: Estonia, Latvia và Lithuania thuộc Liên Xô trước đây, cùng tiếng chuông cảnh tỉnh của những nghị sĩ đã từng là nhân chứng sống trong các chế độ cộng sản Trung và Đông Âu thời đó. Nghị sĩ Goran Lindbled người Thụy Điển soạn thảo, đệ trình văn bản và đã được thông qua ngày 25/01/2006 với 99 phiếu thuận và 42 phiếu chống. Nội dung chủ yếu, ý nghĩa của món quà đầu năm này thế nào và tại sao một văn bản như vậy nay mới được chính thức lên tiếng?

Nội dung của Nghị quyết 1481 nhằm lên án Chủ nghĩa cộng sản và các thể chế cộng sản phạm tội ác chống lại nhân loại, cũng để dọn đường chuẩn bị đưa ra xét xử trước tòa án quốc tế như Chủ nghĩa Phát xít và những kẻ cầm đầu của chúng sau Đệ nhị thế chiến tại Nurember. Về mặt ý nghĩa của Nghị quyết thật to lớn: Mặc dù ai cũng biết và thật nhiều tài liệu đã nói, viết về tội ác man rợ của các chế độ cộng sản trên phạm vi thế giới, nhưng món quà 1481 là văn bản chính thức đầu tiên thông qua tại Đại Hội đồng Nghị viện Âu Châu. Nhân loại một lần nữa được nhắc nhở về những tội ác to lớn để làm bài học hầu tránh lập lại những đáng tiếc xảy ra cho ý tưởng xây dựng ngôi nhà chung toàn cầu.

Nghị quyết gồm 14 điều. Một trong các điều của nó đã chỉ ra khá đầy đủ những gì về một nhà nước cộng sản. Chẳng hạn, Điều 2 ghi: “…Những chế độ độc tài toàn trị cộng sản gồm khối Liên xô, Đông Âu trong thế kỷ vừa qua và một số chế độ cộng sản hiện vẫn còn cầm quyền tại một số nước trên thế giới, đều là những quốc gia vi phạm nhân quyền. Những vi phạm này tuy khác nhau về cấp độ văn hóa, về ranh giới quốc gia, cũng như tùy giai đoạn lịch sử nhưng đều có chung những cuộc giết người tập thể, ám sát, thủ tiêu cá nhân không cần xét xử, biến đất nước thành trại tập trung với sự đầy đọa con người về thể xác cũng như tinh thần: tra tấn, nô lệ hóa, lao động khổ sai, tù đầy, khủng bố tập thể, ngược đãi, ám sát vì lý do chủng tộc, tôn giáo, chính kiến; vi phạm quyền tự do tư tưởng, xúc phạm lương tâm con người, cấm tự do báo chí, tự do chính trị, độc tôn, độc quyền, độc đảng”.

Tất cả các chế độ cộng sản trên toàn thế giới đều có những chính sách bất nhân giống nhau. Đây không phải là điều ngẫu nhiên, mà các chính sách này đều xuất phát từ những nhà kinh điển của Chủ nghĩa Marx-Lenin. Những tội ác cộng sản quốc tế gây ra không thể kể hết được. Từ Liên Xô, các nước cộng sản Trung, Đông Âu tới Cu Ba, Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Hàn tiếng kêu rên siết đã thấu đến tận trời xanh. Theo Stephane Courtois tác giả chính “Cuốn sách đen của chủ nghĩa Cộng sản” thuộc Trung Tâm nghiên Cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), tác phẩm được nhiều người biết đến và gây tranh luận nhiều nhất trong giới trí thức, các chính trị gia hàng đầu trên phạm vi quốc tế những năm gần đây thì đã có hàng trăm triệu người đã bị sát hại dưới các triều đại cộng sản. Courtois cho rằng Chủ nghĩa Cộng sản đại diện cho cái ác còn lớn hơn Chủ nghĩa Phát xít. Nếu các nhà nước phát xít đã gây nên nhiều tội ác khủng khiếp chống nhân loại, thì những thảm họa ấy cũng không kéo dài và việc khắc phục nó tương đối nhanh. Bằng chứng là chính các quốc gia đại diện cho trục phát xít là Đức-Ý-Nhật hiện tại nằm trong 7 quốc gia phát triển hàng đầu thế giới (G7). Tội ác do các chế độ cộng sản gây ra không chỉ là số lượng sinh mạng con người tính bằng đơn vị triệu nạn nhân, hay tỷ Mỹ kim mà hậu quả của nó thật bất tận và không thể khắc phục một sớm, một chiều; đặc biệt về mặt văn hóa và nền tảng đạo đức xã hội. Nếu nạn nhân của chủ nghĩa phát xít là ngoài bãi chiến trường, hay trong các hầm hơi ngạt thì tại các nhà nước cộng sản là do hậu quả của những chính sách tệ hại và phi nhân với những trận bão giết chóc hỗn loạn làm bạt vía, kinh hồn những ai đã từng sống trong các chế độ này.

Điều 9 của Nghị quyết 1481 viết:

“Các chế độ độc tài toàn trị còn lại trên thế giới vẫn tiếp tục gây tội ác. Không thể dùng quan điểm quyền lợi quốc gia để bao biện, lấp liếm sự lên án của cộng đồng nhân loại với các tội ác của các chế độ toàn trị này. Hội đồng Nghị Viện Âu Châu cực lực lên án tất cả mọi vi phạm quyền con người trong các chế độ cộng sản, coi nó như là tội ác chống nhân loại…”.

Chỉ điểm qua một vài trong số không thể đếm hết những tội ác của một nước đàn em trong số bốn quốc gia cộng sản còn sót lại là Việt Nam, đủ thấy tất cả các đặc trưng cơ bản vốn dĩ của nó. Từ khi ra đời, đảng bắt đầu ra tay nhuốm máu trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh những năm 1930-1931 đã là hành trang tội ác để theo đảng trên con đường trở thành ác quỷ và triền miên gây nhiều cảnh đầu rơi, máu chảy cho chính đồng bào của mình. Cải cách Ruộng đất được chia làm 5 giai đoạn từ 1949 đến 1956. Sự khủng khiếp và man rợ tăng dần theo thời gian và trở lên dữ tợn, dã man và bất nhân nhất là giai đoạn cuối cùng từ 1955-1956 tại miền Bắc. Đảng dạy cách đấu tố, vu khống, nói xấu gây căm thù. Kết quả trong cải cách đã có nhiều trường hợp con đấu cha, vợ đấu chồng, anh em đấu tố lẫn nhau rất thảm khốc, làm cho hàng vạn gia đình bị tan nát và luân thường đạo lý bị tiêu tan. Trong cải cách có hàng vạn người vô tội bị bắn và không ít đã phải tự tử do quá sợ hãi vì bị vu khống. Những tiếng thét oan khiên, máu vung vãi khắp nơi, nước mắt không còn để chảy. Nhiều người lúc ấy chỉ mơ ước mình được biến thành con chó, con mèo để tránh cảnh đọa đày. Những năm 1956 – 1958, một số trí thức đảng viên đảng cộng sản đã từng kháng chiến chống Pháp, họ lập ra hai tờ báo «Nhân văn»«Giai phẩm» mục đích là đòi tự do báo chí. Những người này là Lê Ðạt, Trần Dần, Nguyễn Hữu Ðang… đều bị đảng cộng sản bắt giam, tù đày trên 20 năm. Sau khi tiêu diệt trí thức, tư sản, địa chủ và những người đòi tự do báo chí và các đảng đối lập, năm 1959 đảng cộng sản bắt đầu thi hành các chính sách cướp bóc tài sản và các tư liệu sản xuất của dân dưới những hình thức «công tư hợp doanh» ở thành thị hay «Hợp tác xã nông nghiệp» tại nông thôn. Qua năm 1961, đảng lại đánh vào các tôn giáo và bắt đầu khủng bố các nhà tu hành, phá hoại những di tích lịch sử như chùa chiền, nhà thờ, nơi thờ phượng đã bị phá hoặc sử dụng vào các mục đích không tôn giáo (như nhà ở, trường học, nhà kho chứa phân bón...).

Sau ngày 30/4/1975, cả nước đã biến thành một nhà tù khổng lồ có tên «Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ». Các tội ác của chế độ được lập lại. Công cuộc cải tạo tư bản tư doanh ở miền Nam sau năm 1975 thực chất là cuộc đại ăn cướp, xóa sạch nền kinh tế thị trường khá tiến bộ của một nửa nước không cộng sản này mà nay họ lại học cách làm lại từ đầu theo ngôn từ «Cải cách kinh tế». Chế độ tạo ra đói nghèo vô tận, bắt bỏ tù cả triệu quân, dân, chính, cán miền Nam; đẩy hàng triệu đồng bào xuống biển vượt biên làm mồi cho cá mập. Cho đến nay, mặc dù kinh tế có được cải thiện đôi chút, song các mặt còn lại của đời sống xã hội càng bi đát hơn. Đảng trở thành cai tù nhiều kinh nghiệm và xảo quyệt, đặc biệt trong kỹ năng cướp bóc làm giầu. Tất cả có thể nói lên rằng: đảng ta phạm những tội ác chống nhân loài một cách hệ thống trong cả quá trình từ lúc sinh ra, giai đoạn phát triển và đang trên con đường diệt vong của mình.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các tội ác kinh thiên động địa dưới các chế độ cộng sản đến nay mới được chính thức đưa ra trong Nghị Quyết 1481. Trong khi các tên trùm phát xít phải đứng trước vành móng ngựa ngay khi chiến tranh kết thúc. Có nhiều lý do để trả lời cho câu hỏi này, song một số lý do cơ bản là:

Thứ nhất, khác với các nhà nước phát xít, các chế độ cộng sản chỉ gây tang tóc, đau thương cho chính dân tộc của họ, mà đồng bào cả nước đang bị nhốt tù và khủng bố thì có thể làm gì khác hơn là chịu đựng. Nếu không có sự lên tiếng của công luận quốc tế, thì những tên ác thú trong các thể chế cộng sản tha hồ làm mưa, làm gió cho các đồng hương của mình. Các hành động dù có tàn bạo đến đâu cũng có nhiều nguy cơ bị bưng bít, che đậy vì chúng thừa hiểu chẳng có luật lệ nào dám động đến nếu không nói bọn họ đủ thông minh để lợi dụng công cụ pháp lý để làm lạc hướng dư luận. Theo luật quốc tế, tất cả các quốc gia đều bình đẳng về mặt chủ quyền. Hiến Chương Liên Hợp Quốc, mục 2.4 xác nhận:

«Tất cả các thành viên sẽ kềm chế…từ sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự thống nhất lãnh thổ hay sự độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào trong bất cứ hình thức mâu thuẫn nào khác với mục đích của Liên Hợp Quốc» (Article 2.4 of the UN Charter).

Chính điều khoản này, các nhà nước cộng sản trong quá khứ, hiện tại và tương lai vẫn sử dụng để phản đối sự tố cáo quốc tế dưới luận điệu: «Can thiệp vào công việc nội bộ» nhằm tiếp tục các tội ác chống nhân loại.

Thứ đến, có những người mặc dù không còn tin vào sự thành công của chủ nghĩa cộng sản, nhưng họ thấy khó từ bỏ giấc mơ xưa trong lý thuyết mơ hồ về sự giải phóng con người thoát khỏi nghèo đói và về sự bình đẳng. Một số khác mặc dù biết tội ác của chế độ, nhưng không thể tố cáo vì sợ hoặc bản thân đã là một phần của những hành động đó.

Cộng đồng thế giới nói chung, dân tộc Việt Nam nói riêng vì vấn đề nhận thức, cần tích cực tố cáo, vạch trần những hành động chống lại nhân loại của các nước cộng sản để đưa ra xét xử tại tòa án quốc tế hầu làm bài học cho những cá nhân hoặc các thể chế đang còn nuôi ước vọng cai trị bằng tội ác. Giấc mơ an toàn cho mọi thành viên trong ngôi nhà chung toàn cầu cần sớm được thực hiện.

Để Tạo Sự Đổi Thay... (CT22)


Trích Gene Sharp - Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Những ai muốn lật đổ chế độ độc tài một cách hữu hiệu nhất và ít tổn thất nhất đều phải làm ngay bốn việc:

  • Phải tăng cường sức mạnh của khối quần chúng bị áp bức bằng chính sự quyết tâm, lòng tự tin, và những cách thức kháng cự;
  • Phải tăng cường sức mạnh của các đoàn thể xã hội độc lập và những định chế của khối quần chúng bị áp bức;
  • Phải tạo cho được một lực lượng kháng cự mạnh trong nước; và
  • Phải khai triển một kế hoạch chiến lược tổng quan sáng suốt cho nỗ lực giải phóng dân tộc và áp dụng kế hoạch này một cách khéo léo.

Ðấu tranh giải phóng là giai đoạn rất cần tinh thần tự lực cánh sinh và sức mạnh nội tại của đoàn thể đang tiến hành công cuộc đấu tranh. Như Charles Stewart Parnell từng kêu gọi trong suốt chiến dịch đình công tại Ái Nhĩ Lan (Ireland) vào những năm 1879 và 1880:

Dựa vào chính phủ chẳng ích gì.… Bạn phải dựa vào chính sự quyết tâm của mình mà thôi… Hãy tự giúp mình bằng cách đứng chung lại với nhau… vun bồi sức lực cho những người đuối sức trong hàng ngũ… kết hợp lại với nhau, đoàn ngũ hóa… và chắc chắn bạn phải thắng …Khi bạn đã làm cho vấn đề này chín mùi phải giải quyết, khi đó và chỉ khi đó, nó mới được giải quyết. [1]

Trước một đội ngũ hùng hậu, tự lực, có chiến lược khôn ngoan, hành động dũng cảm, kỷ luật, và thực sự có sức mạnh nội tại, chế độ độc tài cuối cùng sẽ phải sụp đổ. Tuy nhiên, bốn công việc kể trên vẫn là những điều kiện tối thiểu phải hoàn tất để thành công.

Như phần trình bày bên trên cho thấy, nỗ lực thoát ách độc tài cuối cùng vẫn tùy thuộc vào khả năng tự giải phóng của chính dân tộc đó. Những trường hợp phản kháng chính trị thành công – hay đấu tranh bất bạo động cho các mục tiêu chính trị - liệt kê bên trên cho thấy thực sự có giải pháp cho mọi dân tộc giải thoát chính mình. Vấn đề là chưa khai triển giải pháp ra mà thôi. Trong những chương sau chúng ta sẽ nghiên cứu cặn kẽ giải pháp này. Tuy nhiên, trước khi làm việc đó chúng ta hãy thử xét đến vấn đề có nên dùng cách thương lượng để tháo gỡ những chế độ độc tài hay không.

[1] A History of Ireland Under the Union (Lịch Sử Ái Nhĩ Lan Dưới Thời Cai Trị của Anh Quốc) của tác giả Patrick Sarsfield O'Hegarity, 1880-1922 (London: Methuen, xuất bản 1952), trang 490-491.

Đảng và Ma (CT22)


Xích Long

Ma có từ rất lâu nhưng đảng cộng sản thì mới có. Tuổi của Ma thì coi như gắn liền với tuổi của loài người còn tuổi của đảng thì mới được hơn một trăm năm. Dù đảng mới ra đời nhưng kinh nghiệm bất hảo của nó cũng đủ để làm cho người ta hãi. Vì loài người sợ ma nói chung, sợ chủ nghĩa cộng sản nói riêng, nên mới đây nghị viện Châu Âu đã ra nghị quyết 1481 lên án tội ác của chủ nghĩa cộng sản. Nó đã làm tình làm tội nhân loại trong suốt thế kỷ qua và vẫn tiếp tục “ám” một số quốc gia nữa, cho nên việc lên án là điều cần thiết. Điều đó không chỉ cần cho hiện tại mà còn có lợi cho tương lai vì biết đâu nó quay lại giống như ma lại hiện về. Tất nhiên chủ nghĩa cộng sản đã chết thật rồi. Thông thường sau khi chết thì người ta biến thành ma. Chủ nghĩa cộng sản cũng không là một ngoại lệ. Nó đã hóa thành một con ma.

Đất nước chúng ta vay xương vay máu nhân dân quá nhiều. Chiến tranh triền miên đã giết chết bao nhiêu người dân vô tội. Sông Gianh xưa vẫn còn đó là “sa trường, là nấm mộ trời Nam” với “xương tàn xưa chất đống”. Lịch sử Việt Nam nào có được mấy khi an lạc thái bình. Có thể nói từ thời hậu Lê là một cuộc chiến kéo dài suốt mấy trăm năm với những xung đột và chiến tranh liên tục. Ông cha chúng ta đã đổ xương máu quá nhiều bởi những tranh chấp quyền hành nội chiến, bởi những nỗ lực tự vệ sống còn với giặc ngoại xâm. Đất nước chúng ta từ đó chắc hẳn đã ngập tràn những hồn ma chiến tranh vất vưởng. Gần đây, đảng đã biến thành một con ma “cái” sản sinh ra ma nhỏ, chỉ huy đánh chiếm miền Nam. Nhiều người dân lại bỏ xác, phơi xương, vong linh không siêu thoát. Ma bay rợp trời, nhiều hơn cả số lượng đảng viên. Ngay tại trung tâm Ba Đình, đảng xây một đài tưởng niệm cho những cô hồn là những người lính vô danh đã ngã xuống. Hình dáng của nó cũng rất quái dị và vô duyên. Nó là chỗ trú cho hàng triệu con ma mỗi lúc bị xua đuổi. Tội tình chi ma ám cả Ba Đình.

Bị ma ám lâu nên người dân Việt nam hình như đã mất hết nhuệ khí rồi ư?. Nhà văn Dương Thu Hương bảo rằng “lòng yêu nước cũng giống như xấp tiền trong ví” đã bị tiêu xài quá nhiều trong các cuộc chiến tranh nên bây giờ hết rồi. Mọi người trở nên yếu đuối, bạc nhược và buông xuôi, cũng vật vờ như ma xó. Tôi thấy đó là một ý đáng ghi nhận nhưng chưa hẳn là đúng. Đôi khi lòng yêu nước cũng giống như “tiền trong lưu thông”. Nó không mất đi mà lại còn chuyển dịch, sinh sôi nảy nở thêm. Vấn đề là có những kẻ biến hình đã biển thủ nó, đã giành giật nó cho riêng mình. Đảng đã giành giật lấy quyền yêu nước để giờ đây tiếp tục dùng bùa phép của đầu tư, của hợp tác để cướp lấy xấp tiền trong tay nải của nhân dân. Nhưng khủng khiếp nhất là dùng ma để ám ảnh từng đảng viên một.

Đảng rất giống ma vì đảng độc quyền biến hoá, kể cả lòng yêu nước. Hiện nay việc tách đảng ra khỏi chính quyền, khỏi dân tộc khá khó khăn vì những điều đảng nói trong 60 năm qua đã đi vào não trạng của đại bộ phận nhân dân. Câu hỏi “Đảng này bây giờ là đảng của ai?” là câu hỏi hay và đang bắt đầu đi vào đời sống của người dân. Dù vậy, trùm trên đảng là còn cả một bóng ma chủ nghĩa, nó ám ảnh cả những người đảng viên dũng cảm nhất. Họp chi bộ trong cơ quan tôi, các đảng viên không nói với nhau những điều tốt đẹp mà chỉ im lặng để bóng ma giống như chiếc quạt trên trần ù ù chạy và hù dọa mọi người.

Phàm đã là ma thì quá là phức tạp. Hãi lắm. Nhưng thực ra nếu chúng ta đặt câu hỏi : “ma là như thế nào?”. Khi đưa về những câu hỏi cụ thể và nhận được những câu trả lời cụ thể chúng ta sẽ thấy ít sợ đi. À, hóa ra nó là có sừng, nó là gái đẹp, nó là bà cố tóc dài, nó là con bò, nó cười khanh khách…. Thế thì cũng không có gì đáng sợ lắm. Nhưng hơi khác, ma thì sợ ánh sáng, trong khi đảng thì không. Đảng là “sao mai”, là mặt trời, là “ánh dương”, là “hừng đông”. Đảng là ma ngày. Cứ mỗi buổi sáng thức dậy là đụng đến ma hành chính, đến ma công an giao thông, đến ma trật tự phường, đến hàng mã phong bì, thuế má, nghĩa vụ... Nó rình rập ban đêm và bủa vây ban ngày. Nó chui vào giấc mơ để đến khi trời sáng tung lưới vây bắt, lùng bùng đến nỗi cả những người cộng sản và những người chống cộng sản đôi lúc cũng không nhận ra nhau, ăn thịt nhau lẫn lộn, nhồm nhoàm và khanh khách cười đắc chí.

Có một sự thật rằng những khi ở một mình thì hay sợ ma vì vậy để tránh sợ ma chúng ta nên xích lại gần nhau, tạo thành từng đoàn thể, chung lưng đấu cật với nhau. Để đấu tranh được với ma ta nên tạo ra ánh sáng, đừng đấu tranh trong bóng tối. Dù sao thì đối với ma ngày vẫn còn dễ dàng xử thế hơn. Ánh sáng đó chính là Sự Thật. Chúng ta có thể bật bóng điện, rọi đèn, mang bóng cao áp vào hoặc đơn giản là đốt lửa lên. Ngọn lửa của con tim. Ngọn lửa của màu xanh canh tân rực cháy chắc chắn sẽ đem đến trong tâm hồn mỗi một chúng ta sự hướng thiện và khi đó là lúc chúng ta chiến thắng được con ma trong cõi lòng mình và như vậy chính ta đã đánh đuổi bóng ma khỏi tâm hồn mình. Triệu người như một, tự mình đốt đuốc lên thắp sáng chính mình thì chắc chắn sẽ không còn ma trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Xích Long - Kẻ bị ma ám 16 năm nay.


Tôi đã thấy họ, ở những ngã tư đường, trên vỉa hè phố, nơi những góc chợ... Họ là những con người, hoặc bị tạo hoá, hoặc bị thế gian cướp đi một phần cơ thể. Họ, hoặc thiếu đôi mắt, hoặc thiếu đối tay, hoặc đôi chân hay tất cả. ... Họ lê la tìm sự mưu sinh bằng chính hơi thở của mình. Trên tay họ là những tấm vé số mời chào khách qua đường bằng hành động vẫy vẫy gần như vô vọng. Một chiếc lon móp méo cùng với một cây đàn cũ kĩ, những nốt nhạc xen kẽ với tiếng hát bi ai, đem “bán” cho những tấm lòng hảo tâm với một cái giá là những đồng tiền lẻ. Họ nằm trên một tấm ván bên dưới có 4 cái bánh xe và dùng một phần chi thể còn lại của mình cố đẩy cho chiếc “xe” trượt trên mặt đường gồ ghề sỏi đá, mang theo cả một khúc kinh cầu nguyện cho thế gian, được phát ra từ chiếc loa nhỏ cũng móp méo, rồi kèm theo những tấm vé số một bên. Họ đi tìm sự sống và khát khao cuộc sống.

Tôi đã thấy họ, trên những chiếc môtô đắt tiền, bên trong những chiếc xe con đời mới bóng lộn. Áo quần bảnh bao, giày da bóng loáng, ở những quán ba, trong những nhà hàng sang trọng. Họ, ăn những bữa ăn có thể nuôi sống một gia đình đông con trong một tháng, hay một năm và cũng có thể là hơn thế nữa. Họ, dùng đôi mắt sáng kiêu ngạo mà nhìn những người tàn tật xin ăn. Họ, dùng đôi tay lành lặn của mình bóp méo những chiếc lon bia còn nước để tỏ rõ “dũng khí”. Họ, dùng đôi chân không phải để đi mà chỉ để nghiền nát mẩu tàn thuốc đắt tiền, ra chiều đôi giày của ta là hàng hiệu. Đôi tai họ chỉ dùng để nghe tiếng sột soạt của đồng tiền mà không ai biết từ đâu họ có. Miệng họ luôn phát ra một thứ âm thanh kỳ lạ mà giới “phàm dân lành lặn” không sao hiểu được chứ đừng nói là những kẻ tật nguyền. Họ, xem nhẹ mọi vấn đề.

Tôi đã thấy ở hai con người. Một con người đã chết nhưng linh hồn vẫn luôn khao khát tìm về sự sống. Một con người vẫn còn đang sống nhưng linh hồn đã lạc mất đường về.

Làm Thế Nào Để Thành Lập Được Một Đảng Chính Trị Mới ở Việt Nam (CT22)


Lý Đại Văn

Gần đây tôi đã đọc nhiều bản góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị cho Đại hội X đảng Cộng sản Việt Nam. Có nhiều ý kiến đòi hỏi đảng cộng sản nên chấp nhận một thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng. Tôi cho rằng điều này là không hợp lý, bởi vì đảng Cộng sản không bao giờ chấp nhận điều đó và họ cũng không có quyền hay chức năng để cho phép một Chính Đảng mới ra đời. Về khía cạnh pháp lý đảng cộng sản cũng chỉ là một tổ chức chính trị bình đẳng như các đảng phái khác, hoạt động trong khuôn khổ đã được quy định bởi Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, mọi nghịch lý của nước ta đã khởi nguồn khi chính đảng cộng sản đã vẽ ra Điều 4 trong Hiến pháp để tự động qui định cho mình vai trò độc tôn lãnh đạo đất nước. Nói một cách khác đảng cộng sản đã tự động tước đoạt quyền làm chủ vận mệnh đất nước của nhân dân trong việc ngăn cấm người dân tự do thành lập và tổ chức những đảng phái để tham gia, góp phần vào công việc lãnh đạo đất nước. Sau đây là những vấn đề lý luận và thực tiễn khi tiến hành thành lập một Chính Đảng mới tại Việt Nam:

1. Về khía cạnh lịch sử:

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ở Việt Nam có rất nhiều đảng chính trị cùng hoạt động với đảng cộng sản, đặc biệt là trong chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vốn là một chính phủ đa đảng. Trong đó có đảng Xã hội và đảng Dân chủ đã hoạt động và tồn tại cho đến năm 1988 mới tự tuyên bố giải thể với lý do đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử (trong thực tế có thể không phải như vậy). Sự ra đời của các đảng chính trị trước đây, bao gồm cả đảng Cộng sản, dưới thời Pháp thuộc là dựa vào sự ủng hộ của lực lượng quần chúng mà họ làm đại diện, chứ không phải hay không thể theo một thủ tục pháp lý nào, và cũng không có bất kỳ một cơ quan nào cấp phép cho họ. Bản thân đảng Cộng sản đã được thành lập ở Trung Quốc chứ không phải ở Việt Nam.

2. Về khía cạnh pháp lý:

Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam không có điều nào cấm công dân của mình thành lập một đảng chính trị. Như vậy công dân Việt Nam có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm.

Điều 2 Hiến pháp Việt Nam qui định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân…”

Điều 50 qui định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, … được tôn trọng…”

Điều 53 qui định: “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội,…”

Điều 68 qui định: “Công dân có quyền tự do lập hội,..”

Như vậy mọi quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân và của nhân dân, người dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước bằng cách lập những đảng chính trị khác nhau để đại diện cho mình.

3. Về khía cạnh xã hội:

Hiện nay Việt Nam đang mở cửa và đổi mới, thực hiện nền kinh tế thị trường đặt căn bản trên việc cạnh tranh và cung cầu. Kết quả đến nay rất hiển nhiên là nhờ chính sách này mà nước ta đã giải quyết được một số vấn đề căn bản như lương thực, hàng tiêu dùng. Nhà nước ta đã ký kết các hiệp ước thương mại với thế giới và đã dựa vào căn bản cạnh tranh chính đáng, công bình, minh bạch và trọng pháp. Nền kinh tế đa dạng này không thể nào phát triển lâu dài, không thể đủ sức để thật sự đưa đất nước vươn lên ngang tầm với những nước tiên tiến khác khi mà nó vẫn bị kềm hãm bởi một thể chế độc tài, độc đảng. Vì thế cho nên nền chính trị của nước ta cũng phải được mở cửa và đổi mới. Trách nhiệm lãnh đạo đất nước cũng phải dựa trên sự cạnh tranh trí tuệ và lòng yêu nước của mỗi người và sự chọn lựa sau cùng để có những nhà lãnh đạo tốt nhất phải nằm trong tay nhân dân. Muốn thế, nước ta phải có những sinh hoạt chính trị đa nguyên với sự tự do ra đời của nhiều đảng phái chính trị khác.

4. Sự cần thiết và tất yếu của sinh hoạt đa đảng

Khi hiến pháp quy định rằng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân…thì người dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước bằng nhiều cách khác nhau trong đó là việc thành lập, tổ chức những đảng chính trị khác nhau. Hiến pháp Việt Nam không có qui định nào cấm các đảng chính trị khác thành lập và hoạt động, cũng không qui định ở Việt Nam chỉ duy nhất có một đảng Cộng sản được tồn tại và phát triển. Hiến pháp cũng không quy định hay cho quyền đảng CSVN có tư cách pháp lý để cho phép hay đồng ý một đảng chính trị khác được thành lập. Các đảng chính trị được thành lập dựa trên cơ sở duy nhất là có sự ủng hộ của một bộ phận người dân mà họ làm đại diện và qua sức ép của xã hội mà các đảng phái phải công nhận nhau và làm việc với nhau trong tinh thần bình đẳng với mục tiêu chung là đáp ứng nguyện vọng của quần chúng cử tri.

Hiện tại, đảng Cộng sản Việt Nam có khoảng 3 triệu đảng viên so với khoảng 83 triệu người Việt Nam, như vậy đảng Cộng sản chỉ đại diện cho một bộ phận rất nhỏ dân số Việt Nam.

Trong khi đó còn gần 80 triệu người Việt Nam có rất nhiều những ý kiến khác nhau, những quan điểm khác nhau về xây dựng đất nước, và họ cần có một Chính Đảng khác, ngoài đảng Cộng sản, để đại diện cho quyền lợi và tiếng nói của họ. Ngoài ra, mỗi người dân đều có quyền tự do tham gia hoặc rời bỏ bất kỳ một đảng phái nào. Tại các nước Âu Mỹ, có nơi có đến gần 50% số cử tri đăng ký thuộc một chính đảng và họ có quyền từ bỏ đảng này để tham gia bất cứ đảng khác mà họ thấy đáp ứng được nguyện vọng của họ.


Nhân dân ta không thể nào cứ nghĩ rằng không được phép hoạt động đảng phái để rồi không nỗ lực vận động hay thành lập đảng phái. Thực tế là đảng CSVN đang cầm quyền đã từng tuyên bố là xiển dương lý tưởng tự do, trong đó ắt phải có tự do lập hội hay lập đảng. Thực tế là lâu nay, cả nhà nước và đảng CSVN chưa có (và cũng không thể có) một văn kiện chính thức nào ngăn cấm việc sinh hoạt đa đảng.

Thông thường ở các nước dân chủ, họ có Tòa án Hiến pháp (hay một cơ quan hành chính độc lập với các đảng phái chính trị) là nơi để các đảng chính trị đăng ký hoạt động. Họ còn có Ủy ban bầu cử trung ương là nơi để các đảng chính trị đăng ký tham gia tranh cử. Như vậy ở các nước đó các đảng chính trị khi thành lập cũng không phải xin phép, mà họ chỉ đăng ký hoạt động hoặc đăng ký khi tranh cử.

Tóm lại, cả về khía cạnh lịch sử, khía cạnh pháp lý, và thực tiễn xã hội, mọi người dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng,… đều có quyền tự do thành lập đảng.

5. Vậy làm thế nào để thành lập được một đảng chính trị ở Việt Nam?

Đây là câu hỏi mà hiện nay rất nhiều người Việt Nam đang tìm câu trả lời.

Theo nghiên cứu của cá nhân tôi thì cách làm dưới đây có thể phù hợp:

Trước hết là nên thành lập một ủy ban gọi là Ủy ban Vận động Thành lập Đảng. Việc thành lập Ủy ban này không phải xin phép và cũng không cần ai công nhận vì không có điều nào trong hiến pháp cấm đoán. Ủy ban này sau khi soạn thảo ra điều lệ đảng và cương lĩnh tạm thời thì đưa ra cho quần chúng nhân dân để lấy sự ủng hộ. Ủy ban nên đặt ra khi thu được bao nhiêu chữ ký ủng hộ (ví dụ là 100, 500 hay 100.000,…) thì đủ để công bố thành lập đảng.

Ngoài ra những thành viên của đảng Dân chủ và đảng Xã hội cùng với hậu duệ của họ hoàn toàn có quyền để khôi phục lại hoạt động của đảng Xã hội và đảng Dân chủ, góp phần vào quá trình dân chủ hóa xã hội và đất nước.

6. Kết Luận:

Trên đây là những ý kiến của cá nhân tôi, tôi mong muốn có sự tranh luận và góp ý của tất cả những ai đang quan tâm đến Tổ quốc Việt Nam yêu dấu của chúng ta. Thiết nghĩ việc sinh hoạt đa đảng chẳng những là quyền hiến định của dân ta mà còn là việc tối cần thiết để xây dựng và phát triển đất nước. Mong sao những cơ quan thẩm quyền tạo sự dễ dàng và những bậc trí giả dấn thân thiết lập một định chế xã hội tối ư cần thiết này.

Trong xu thế tất yếu đi đến một xã hội dân chủ với thể chế chính trị đa đảng ở Việt Nam, tôi hy vọng rằng thế hệ trẻ Việt Nam sẽ tự đứng lên để nắm lấy quyền và cơ hội của mình chứ đừng bao giờ thụ động ngồi chờ vào sự ban cho của người khác.

Thân Phận Phụ Nữ Trong Nỗi Đau Chung (CT22)


Kim Ngọc

Ngày quốc tế phụ nữ 8-3 đã qua, phụ nữ VN đã trải qua bao nỗi u buồn đau thương trong một xã hội đã bị kéo dài hơn 30 năm, đến bao giờ chúng ta mới thoát ra khỏi cái gông cùm này.

Tôi sinh ra và lớn lên tại miền Tây Nam bộ. Bản thân tôi đã chứng kiến bao nhiêu chuyện đau thương của người phụ nữ VN. Những trận đói kinh hoàng mà con người VN đã phải chịu đựng trong những năm dài sau kết thúc chiến tranh. Mẹ tôi phải chịu nhịn ăn nhường lại những củ khoai mì cho chúng tôi trong cơn đói hành hạ, phải chống chọi giữa cái sống và cái chết đang chực chờ. Gia đình chị dâu tôi phải đi ăn trộm nồi cám heo mà trong đó người ta chỉ nấu rau muống và cám, đem về nhà cho các con ăn. Chị ấy nhìn các con ăn mà rơi nước mắt. Mẹ tôi, chị tôi và còn vô số biết bao nhiêu người phụ nữ khác đã khóc khô nước mắt trong những ngày tháng đó. Những người Cha thì bị tù đày không biết ở tận phương nào, những người Anh thì bị bắt đi bộ đội, đi biền biệt không biết còn sống hay chết, nếu hết 3 năm mà không thấy trở về thì chỉ có còn chờ giấy báo tử. Bệnh tật, đói khát, tử thương từ chiến trường Campuchia đã ám ảnh tuổi thơ của tôi. Quan quyền thì cướp của cải của nhân dân, từ miếng thịt heo, con tép, con cá... đều phải bán cho hợp tác xã (thời vô hợp tác xã), mọi tài sản của nhân dân bị quy là của đất nước, ai ai cũng bị cho là phản động. Nhúc nhích là phản động, người nào bị bắt đi thì chẳng biết bị đưa đi đâu và chẳng biết bao giờ trở về. Tội lỗi này ai đã gây nên mà những người như Mẹ tôi phải gánh chịu tất cả?

Đó là những diễn cảnh của cuối thập niên bảy mươi và thập niên tám mươi. Còn thập niên chín mươi thì sao? Cũng để chống chọi với đói nghèo, người phụ nữ VN phải tự rao bán mình như một món hàng được nhiều kẻ đi qua, đi lại, xem và trả giá mua (giống đi chợ mua gà), họ mang cô gái (vợ) này về quốc gia của họ, thích thì để sử dụng cho xứng đồng tiền bỏ ra, còn chán chê thì bán vào những động mại dâm hoặc đuổi về nước, để tìm một cô vợ khác. Hơn trăm ngàn phụ nữ đó đã vì chén cơm và manh áo mà bất chấp những cơn sóng to đang vập vùi họ. Vậy ai đã gây nên một xã hội đói nghèo triền miên? Tội lỗi này ai gánh chịu? Còn hiện nay, cũng để chống chọi với đói nghèo, người phụ nữ VN phải ra đi xuất khẩu lao động để tìm đường sinh nhai. Nạn đem con bỏ chợ, tạo nên những số phận bi đát, đau thương xảy ra, ai chịu trách nhiệm?

Tôi đã vòng quanh những khu công nghiệp, mấy chục công ty nước ngoài, trong nước đầu tư, đâu đâu cũng toàn là nữ công nhân, mới 5h sáng họ ùn ùn đổ xô đi làm, họ làm cho đến 20h, hoặc 21h, có những công ty đến 22h, cũng chỉ vì cần đổi lấy chén cơm và manh áo. Với những đồng lương quá thấp mà đã bị quên lãng hơn sáu năm trời, không một ai chịu nhận trách nhiệm về sự cố tình quên lãng có lợi nhuận này.

Còn bên cạnh nhà chúng ta, những bà mẹ già nua, những em bé lang thang không học hành đổ xô, tung ra khắp mọi nẻo đường để đi bán vé số, bánh tráng, bán hàng gánh .... để kiếm sống qua ngày. Hai từ đói-nghèo chẳng thấy ai chịu lãnh trách nhiệm cả, thật là đau buồn cho người phụ nữ VN. Chén cơm + manh áo = mồ hôi + nước mắt + nỗi nhục. Đó là người phụ nữ VN. Người phụ nữ VN phải chờ đợi đến bao giờ để nghĩ đến những buổi pinic hay những chuyến du lịch giải trí? Chờ đến khi nào chế độ cộng sản VN sụp đổ? Hãy chủ động góp sức giải quyết vấn nạn này. Bằng những việc nhỏ vừa tầm tay của từng người, nhưng 80 triệu nguười cùng làm, để đạt kết quả lớn cho cả nước. Hãy sát cánh cùng nhau để giải quyết nó.

Sài Gòn 3/2006