05 tháng 2, 2006

Ðảo Chánh, Bầu Cử, hay trông chờ Cứu Tinh Ngoại Quốc? (CT21)


Trích Gene Sharp - Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Phương cách đảo chánh quân sự để lật đổ độc tài thoạt nhìn có vẻ như là cách dễ và nhanh nhất để loại trừ một chế độ đáng ghét. Tuy nhiên, phương cách này có nhiều nhược điểm rất nghiêm trọng. Nhược điểm lớn nhất là nó duy trì quyền kiểm soát chính phủ và quân đội trong tay một nhóm nhỏ chứ không chuyển quyền lực đó cho toàn dân. Việc loại trừ một số người hay tập đoàn ra khỏi các vị trí chính quyền đơn thuần chỉ để có chỗ cho những nhóm khác tương tự bước vào. Trên lý thuyết thì nhóm mới sẽ cư xử ôn hòa hơn và cởi mở hơn trong một giới hạn nào đó về các cải sửa theo hướng dân chủ. Tuy nhiên, trong thực tế người ta thường chỉ thấy những kết quả ngược lại. Sau khi củng cố địa vị, tập đoàn mới có khi còn tàn nhẫn và nhiều tham vọng hơn cả nhóm cũ. Kết cuộc, tập đoàn mới – mà nhiều người đặt kỳ vọng – chỉ làm những gì họ muốn mà chẳng đếm xỉa gì đến dân chủ hay nhân quyền. Ðảo chánh, vì vậy, không phải là giải pháp có thể chấp nhận để giải quyết vấn đề cai trị độc tài.

Bầu cử dưới chế độ độc tài không phải là cách thức để tiến tới những thay đổi chính trị. Một số chế độ độc tài cũng thường tổ chức bầu cử một cách máy móc cho có vẻ dân chủ. Những cuộc bầu cử đó được kiểm soát chặt chẽ để công chúng chỉ bầu các ứng viên mà những kẻ độc tài đã chọn, hoặc tổ chức bầu cử nhưng rồi cũng gian lận để đưa người của họ vào nắm chính quyền. Nếu các ứng viên đối lập ra tranh và thắng cử, như đã xảy ra ở Burma năm 1990 và Nigeria năm 1993 thì kết quả bầu cử bị xem như không có và “các người thắng” bị đủ loại hù dọa, bắt bớ, hay ngay cả xử tử. Không có chuyện kẻ độc tài lại để cho các cuộc bầu cử truất phế họ khỏi ghế quyền lực.

Những người đang khổ sở dưới ách độc tài thường không tin họ có thể giải phóng chính mình. Họ trông chờ vào người khác sẽ cứu vớt dân tộc họ, tức một lực từ ngoại quốc mới đủ mạnh để truất phế độc tài. Những người bị trị thường không muốn và có lúc không dám đấu tranh bởi vì họ không tin vào khả năng trực diện bạo quyền của họ, không tin có cách nào có thể giải phóng họ. Vì vậy có thể hiểu được tại sao họ đặt sự chờ mong giải phóng từ người ngoài. Thế lực bên ngoài đó có thể là công luận quốc tế, Liên Hiệp Quốc, một quốc gia nào đó, hay những biện pháp cấm vận về chính trị và kinh tế của thế giới. Một viễn cảnh như vậy nghe có phần êm tai, nhưng cũng có nhiều vấn đề nghiêm trọng trong hướng mong ước dựa vào cứu tinh ngoại quốc này. Trước hết niềm tin có thể bị đặt sai chỗ, vì thường thì chẳng có cứu tinh nào đến cả, và nếu có nước nào đó nhảy vào can thiệp thì có lẽ lại càng không nên tin vào thiện ý của nước này. Một vài thực tế phũ phàng về sự trông cậy vào những can thiệp của ngoại quốc cần được nhấn mạnh ở đây: (1) Ngoại quốc thường chấp nhận cho qua, và ngay cả tích cực hỗ trợ một thể chế độc tài để đẩy mạnh các quyền lợi kinh tế hay chính trị của họ; (2) Ngoại quốc có thể bán đứng một dân tộc bị đàn áp, thay vì giữ lời giúp giải phóng họ, khi cần trả giá cho một mục tiêu khác; (3) Một số chính phủ ngoại quốc có hành động chống lại chế độ độc tài nhưng chỉ để gia tăng mức khuynh loát về kinh tế, chính trị hay quân sự của họ trên đất nước này; và (4) Ngoại quốc có thể tích cực tham gia vì các mục tiêu tốt khi và chỉ khi phong trào đối kháng trong nước đã bắt đầu làm rung chuyển chế độ độc tài, và nhờ đó tập trung được sự chú tâm của thế giới vào bản chất thô bạo của chế độ.

Độc tài chuyên chế thường tồn tại được chính yếu là nhờ nắm hầu hết quyền lực trong nước. Dân chúng và xã hội thì quá yếu không làm gì nổi chế độ, do đó của cải và quyền lực tập trung vào một số rất ít nhân sự. Mặc dù chế độ độc tài có thêm chút lợi nhuận hay bị yếu đi một chút vì sự tiếp tay hay tẩy chay của thế giới, nhưng sự sống còn của họ tùy thuộc chính vào những yếu tố trong nước. Tuy vậy, áp lực quốc tế vẫn có thể rất hữu dụng khi đã có một phong trào kháng cự mạnh mẽ trong nước. Khi đó, những biện pháp như thế giới tẩy chay kinh tế, cấm vận, cắt đứt quan hệ ngoại giao, trục xuất khỏi các tổ chức quốc tế, lên án tại các cơ quan Liên Hiệp Quốc, v.v. sẽ góp phần trợ giúp rất lớn. Tuy nhiên, nếu không có một phong trào kháng cự mạnh mẽ trong nước thì khó lòng vận động được thế giới làm những hành động trên.

Không có nhận xét nào: