05 tháng 2, 2006

Những Suy Tư Về Một Nền Giáo Dục cho Tương Lai Việt Nam (CT21)


Đỗ Nam
Một nền giáo dục hiệu quả sẽ giúp quốc gia có nhiều công dân có khả năng, kiến thức, trình độ đồng thời có cả ý thức trách nhiệm và ý thức dân tộc để áp dụng sở học vào việc xây dựng, đóng góp, phục vụ quốc dân...


Giáo dục là gốc của sự phát triển con người. Giáo dục còn là gốc của xây dựng xã hội. Nói cách khác, giáo dục là nền tảng căn bản quan trọng để canh tân con người, và để từ đó canh tân xã hội. Nhờ giáo dục, con người thoát ra khỏi cái khung chật hẹp chủ quan giới hạn để bước vào bầu trời mênh mông của khoa học khách quan. Nhưng giáo dục không phải để đào tạo ra những "Oa lâm trì thượng độc Châu Thư" ("Chẫu chuộc ngồi dưới ao đọc sách nhà Chu"), nhìn lên bầu trời thấy những gì hay đẹp thì rập khuôn, nhai lại chữ nghĩa, học từ chương hay vọng ngoại, nô lệ tinh thần. Giáo dục cũng không để đào tạo những "Quých thiệt chi đầu đàm Lỗ Luận" ("chim Chích chòe đầu cành bàn sách Luận ngữ"). Giáo dục là để giúp con người có điều kiện góp phần xây dựng xã hội, không phải học để ngồi bàn luận vô bổ, để được tiếng khoa bảng, học rộng biết nhiều.

Một nền giáo dục hiệu quả sẽ giúp quốc gia có nhiều công dân có khả năng, kiến thức, trình độ đồng thời có cả ý thức trách nhiệm và ý thức dân tộc để áp dụng sở học vào việc xây dựng, đóng góp, phục vụ quốc dân. Một nước không thể có thuần những con dân chỉ biết dùng mảnh bằng để kiếm danh lợi áo cơm, thờ ơ vô tâm trước tương lai cả nước. Vì lẽ đó, giáo dục phải giúp phát triển con người toàn diện, ở cả ba mặt Tâm, Trí, Thể. Trí Cao, Thể Tốt, Tâm Sáng phải là mục tiêu nhắm đến của giáo dục. Lý do phải chú trọng đến phần Tâm mà không chỉ phần Trí là để đào tạo những con người có kiến năng nhưng còn biết góp phần phục vụ, xây dựng xã hội công dân, biết sống tự do và trách nhiệm trong một xã hội hài hòa có tổ chức với những tiện nghi đời sống do khoa học kỹ thuật mang lại.

Vì giáo dục là ưu tiên hàng đầu cho phát triển con người và cho đất nước nên chính sách giáo dục phải vừa phát huy dân trí, vừa chấn hưng dân khí, và phục hoạt dân phong. Do đó, nền giáo dục tương lai của Việt Nam khi không còn hệ thống chính trị độc tài bóp nghẹt phải chú trọng giải quyết sửa chữa những hậu quả của nền giáo dục hỗn loạn hiện nay. Trong hoàn cảnh đất nước nghèo nàn lạc hậu với trào lưu "học tài thi lý lịch và đô la" như hiện nay, nhiều người có khả năng nhưng không có điều kiện học thành tài, và phải lao vào kiếm sống. Nền giáo dục mới để xây dựng lại con người và đất nước sẽ phải là nền giáo dục đại chúng. Những đại học cộng đồng, các trường cao đẳng, trường kỹ thuật, chương trình huấn nghệ không phân biệt tuổi tác để giúp giải quyết những cá nhân bị dở dang việc học của ngày hôm nay, để giúp cho mọi tài năng đều có thể phát triển tối hảo, và đất nước tận dụng và tạo cơ hội cho mọi thành phần xã hội có cơ hội một cách công bằng. Các chương trình giảng dạy và cách thức tổ chức các đại học cộng đồng phải thực tiễn để mọi người đều có cơ hội nâng cao kiến thức, trau dồi nghề nghiệp, dù trong bất kỳ trình độ nào hay lứa tuổi nào, và đều có thể ứng dụng những điều học nơi nhà trường vào đời sống thực dụng. Tổ chức giáo dục đại chúng và thực tiễn để giúp mọi người vươn lên, làm lại tương lai, và nhất là để đất nước không phí phạm tài năng.

Tuy nhiên, ngoài động lực lương bổng, quyền lợi vật chất cân xứng với khả năng và chức vụ nghề nghiệp do chính sách nhân dụng thích ứng đi đôi với chính sách giáo dục mang lại, nhân tài chỉ có thể phục vụ tối hảo khi có những động cơ tinh thần thúc đẩy. Vì thế, nền giáo dục trong tương lai không nhằm đào tạo tất cả mọi người theo những mẫu mực toàn vẹn hay những tài năng siêu phàm, mà sẽ phải nhắm vào xây dựng những con người có ý thức; biết sống và ý thức được quyền lợi công dân của mình để bảo vệ những quyền lợi ấy, hầu tạo dựng nên một xã hội mà trong đó mọi người sẽ sống tự do, hài hòa, với đầy đủ những tiện nghi khoa học kỹ thuật.

Trong xã hội Việt Nam mới, chúng ta sẽ không thể áp dụng rập khuôn theo những khuôn mẫu giáo dục sẵn có trên thế giới, mà sẽ phải có những chính sách giáo dục chọn lọc, phù hợp với văn hóa, truyền thống, và điều kiện thực tế của xã hội Việt Nam, nhằm canh tân lại con người toàn diện. Từ các xã hội Tây phương, những tiến bộ trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật giảng dậy, cùng những phát triển trong mạng lưới, cơ chế tài trợ của chính phủ và phi chính phủ... sẽ giúp cho ta rút tỉa những bài học quý giá hầu tái kiến thiết hệ thống giáo dục tại Việt Nam, để nhắm vào việc phát huy dân trí. Tuy nhiên, cũng tại các quốc gia Tây phương, nền giáo dục của họ tuy giúp nâng cao phần Trí rất hữu hiệu, nhưng lại thiếu đầu tư xây dựng phần Tâm của con người, gây nên sự mất quân bình giữa Tâm và Trí, từ đó tạo ra những khủng hoảng triền miên trong đời sống xã hội. Qua các cuộc nghiên cứu của các tiến sĩ khoa tâm lý học, cho thấy xã hội càng phát triển về vật chất, khoa học kỹ thuật bao nhiêu thì tâm lý xã hội của quần chúng càng phức tạp, có vấn đề bấy nhiêu. Vì thế, nhà trường phải chú tâm giáo dục phần Tâm của con người, giúp trang bị học sinh, sinh viên, thanh niên có tâm gốc vững chải. Khởi đi từ xiển dương các giá trị truyền thống tinh thần của Việt tộc, giáo dục giới trẻ về ý thức Việt tính, và nhắc nhở luôn luôn, khơi dậy luôn luôn niềm kiêu hãnh lịch sử, văn hóa dân tộc, nhìn ra sức mạnh truyền thống để góp phần tạo dựng và phát triển đời sống tâm thức được bền vững; vượt qua những thành kiến, mặc cảm, khủng hoảng niềm tin do quá khứ để lại. Những chương trình giảng dạy này cần điều chỉnh cho phù hợp và phát huy một cách có hệ thống, để phục hoạt dân phong, dân khí vốn đang suy tàn hiện nay. Thêm vào đó, có chú trọng đến giáo dục phần tâm của con người thì mới giúp tuổi trẻ có tâm thức vững vàng để gạn lọc những điều xấu, tốt trong thế toàn cầu hóa, nhận ra được bản chất và những thách đố của xã hội tư bản vật chất để cẩn trọng không vong bản, mất gốc nguồn, bản sắc của mình. Chúng ta cần nghiên cứu, tìm ra các phương án để hướng dẫn con người nâng cao phần Tâm, hầu tạo ra những chuyển hóa trong Tâm Thức, thoát ra những loạn động, ẩn ức, tìm đến trạng thái an bình trong mọi hoàn cảnh.

Song song đó, chúng ta còn phải chú trọng vào việc giáo dục phần Thể. Thời trước khi Tây đô hộ, nền giáo dục Nho học cũ đã không quan tâm đến việc giáo dục thể chất, vì thế đã phản ảnh thực tế "thư sinh chân yếu tay mềm" hay "học trò trói gà không chặt". Chương trình giáo dục thời xưa hoàn toàn không nhằm xây dựng phần thể chất của học sinh, mà chỉ nhắm vào kinh điển, khoa bảng, học hành từ chương. Mãi đầu thế kỷ 20, theo mô hình của Tây Âu, chúng ta có thêm chương trình thể dục. Tuy nhiên, không ít những nhà giáo dục VN vẫn xem nhẹ ưu tiên của các chương trình thể dục thể thao, xem đó chỉ là phụ thuộc, giải trí. Thực chất, không một bộ óc minh mẫn nào có thể phát huy trọn vẹn trong một thân thể bạc nhược. Các lớp giáo dục phần Thể trong tương lai sẽ giúp bảo kiện và gia tăng về nội và ngoại lực, giúp các chức năng của cơ thể hoạt động hữu hiệu, khỏe mạnh, phù hợp với tâm sinh lý của mỗi lứa tuổi, cùng lúc tạo sức đề kháng bền bỉ và phòng ngừa bệnh tật.

Tóm lại, nền giáo dục tương lai cho Việt Nam phải là những phương hướng giáo dục không áp dụng bắt chước rập khuôn theo người, mà phải chọn lọc phù hợp với điều kiện thực tế của xã hội và văn hóa dân tộc, nhằm mục tiêu phát triển dân trí, chấn hưng dân khí, phục hoạt dân phong. Và giáo dục là nhằm đào tạo những con người lành mạnh ở cả ba mặt Tâm, Trí, Thể, để biết góp phần xây dựng xã hội công dân, biết sống tự do và trách nhiệm trong một xã hội hài hòa có tổ chức với những tiện nghi đời sống do khoa học kỹ thuật mang lại.

Muốn đào tạo được những con người như thế, không chỉ thay đổi nền giáo dục mà có thể đạt được. Trong một hệ thống chính trị xã hội bưng bít, khống chế, con người dù có kiến thức khoa học kỹ thuật, dù có tinh thần sáng tạo, dù có ý thức văn hóa truyền thống, xiển dương lý tưởng phục vụ, cũng không thể đóng góp gì nhiều cho chính mình, gia đình mình, kể gì đến góp phần xây dựng kiến tạo xã hội. Thí dụ điển hình là tại các quốc gia cộng sản cũ như Liên Xô, Đông Đức, Tiệp Khắc ... số lượng chuyên viên khoa học kỹ thuật không ít nhưng xã hội vẫn nghèo nàn, kinh tế lụn bại, đất nước không phát triển nổi. Do đó, muốn đào tạo con người có kiến năng khoa học kỹ thuật, có thể làm ra của cải vật chất và tinh thần, đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội, thì không thể chỉ nhắm vào cải tổ giáo dục, mà còn phải cải tổ cả cơ chế chính trị và môi trường sinh hoạt xã hội. Chỉ có trong một cơ chế dân chủ đích thực thì chính phủ mới không xem mình là đang ban bố ân nghĩa cho dân, mà là trách nhiệm phải phục vụ cho dân. Có như thế, con người mới được tự do đeo đuổi sự học, tự do tìm hiểu, tự do đối chiếu, tự do thông tin, tự do tư tưởng, tự do sáng tạo, tự do phát triển tài năng. Có như thế mọi người mới có quyền lẫn cơ hội đồng đều để mưu cầu hạnh phúc, bảo vệ quyền lợi công dân của chính mình, quyền được làm người của mình, và mới có được những cơ chế do chính họ góp phần quyết định để bảo vệ những quyền tự do tất yếu đó. Chỉ có trong môi trường sinh hoạt tự do dân chủ đó mới có thể động viên được mọi tầng lớp xã hội đồng lòng chung sức kiến tạo quốc gia. Một nền giáo dục đại chúng và thực tiễn trong môi trường dân chủ thì quốc gia sẽ tiến bộ, phát triển hài hoà, và sẽ tạo đất lành sản sinh nên những tài năng có thể làm thay đổi tương lai, vãn hồi thế nước.

Không có nhận xét nào: