05 tháng 2, 2006

Giành Tự Do Bằng Bạo Lực? (CT21)


Trích Gene Sharp - Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Khi những giải pháp xem chừng hiển nhiên thì lại đều vô dụng; khi những ràng buộc về luật pháp và hiến pháp, những phán quyết của tòa án; khi sự phán xét của dư luận thường bị những kẻ độc tài làm ngơ; khi bị đối xử bằng những trò thô bạo, tra tấn, thủ tiêu, và giết chóc... thì thật là một điều dễ thông cảm nếu con người đi đến kết luận rằng chỉ có bạo lực mới có thể kết thúc một thể chế độc tài. Ðã có những nạn nhân quá căm phẫn, kết hợp đánh lại những tên độc tài thô bạo bằng tất cả những phương tiện quân sự hay bạo lực có thể kiếm được, bất kể sự chênh lệch lực lượng giữa hai bên. Ðây là những người chiến đấu dũng cảm, đã trả giá rất đắt bằng những cực hình và sinh mạng của chính họ. Cũng có khi họ đạt được một số thành quả đáng phục, nhưng rất hiếm khi giành lại được tự do. Những cuộc bạo loạn dễ châm ngòi cho những trận đàn áp tàn bạo, để lại hậu quả một khối quần chúng càng thấy mình bất lực hơn nữa.

Cho dù phương thức dùng bạo lực có lợi ích gì đi nữa nhưng có một điều đã rất rõ là: Khi đặt tin tưởng vào phương cách bạo lực, các nhà tranh đấu đã chọn ngay cách đấu tranh mà những kẻ đàn áp hầu như luôn luôn chiếm ưu thế. Những kẻ độc tài có đầy đủ trang bị để đánh phủ đầu bằng bạo lực. Cho dù các nhà dân chủ có cầm cự được lâu hay chóng, thực tế thảm thương sau cùng của việc đối chọi bằng súng ống thường không tránh được. Phía độc tài hầu như luôn luôn nắm ưu thế về súng ống, đạn dược, phương tiện vận chuyển, và quân số. Cho dù dũng cảm tới đâu, những nhà dân chủ hầu như luôn luôn không đáng là đối thủ.

Khi nhận ra việc nổi loạn theo kiểu chiến tranh qui ước là không thực tế, một số nhà đối kháng chuyển sang chiến tranh du kích. Tuy nhiên chiến tranh du kích, hiếm khi đem lại lợi ích cho khối quần chúng bị áp bức hay đem lại được dân chủ. Chiến tranh du kích không phải là một giải pháp dễ chấp nhận, cách riêng là vì con số thương vong thường rất cao của đồng đội. Cách thức này cũng không đảm bảo là sẽ không thất bại, cho dù đã có đủ loại lý thuyết và phân tích chiến lược đi kèm, kể cả đôi lúc có viện trợ quốc tế. Các cuộc đấu tranh du kích thường kéo rất dài. Dân chúng thường bị giới cầm quyền buộc phải bỏ nhà bỏ cửa, tạo thêm vô số nhọc nhằn và mất thăng bằng trong xã hội.

Ngay cả trong trường hợp thành công, chiến tranh du kích thường để lại những hệ quả tai hại lâu dài và có tính nền móng cho đất nước. Một hệ quả ngay trước mắt là khi chế độ cai trị bị tấn công, họ càng trở nên độc tài hơn nữa để chống trả lại. Còn nếu các nhà du kích sau cùng thắng cuộc, chế độ mới hình thành lại thường độc tài hơn cả chế độ trước, do hiện tượng tập trung quyền kiểm soát quân đội trong lúc gia tăng thêm quân số, cũng như do tình trạng các đoàn thể và định chế độc lập đã bị làm suy yếu hay tiêu diệt trong thời gian đấu tranh.

Các tổ chức này vô cùng cần thiết để thiết lập và duy trì một xã hội dân chủ. Những người tranh đấu để chấm dứt độc tài nên tìm một giải pháp khác.

Không có nhận xét nào: