05 tháng 2, 2006

Thời Cơ Vàng - Cơ Hội Cuối ? (CT21)


Lê Đạo Thạnh

Trước tiên, xin được gửi lời hoan nghinh báo Tuổi Trẻ Online, khởi đi từ bài viết tâm huyết của ông Nguyễn Trung, đã mở ra một diễn đàn sôi động những ý kiến đóng góp chung quanh các hướng nhìn về những vấn nạn của đất nước mà dân tộc ta đã oằn lưng gánh chịu nhiều thập niên nay.

Phải thừa nhận là đã lâu lắm rồi chúng ta mới có được một mảnh đất truyền thông sinh động mà ở đó, đại khối thầm lặng có dịp được bước khẽ qua cái bóng thầm lặng của chính mình. Bài viết "Thời Cơ Vàng: Vận Hội Mới" của tác giả Nguyễn Trung đã đạt ngay điểm son vừa nói. Những bài viết tiếp theo sau đó của ông quảng diễn càng rõ hơn những ý kiến cô đọng ban đầu, và càng khơi gợi sự góp ý trong sáng và tích cực của độc giả, như chiếc chìa khóa thần "Vừng Ơi..." để mọi người thư thả và tương kính bước vào kho tàng tâm tưởng của Nhân dân.

Ý tưởng dàn trải trong các bài viết của tác giả Nguyễn Trung rất sâu và khá rộng. Những góp ý của độc giả về chủ đề này cũng vậy, bất kể là đồng tình hay khác ý. Một người đọc có kiến thức bình thường như tôi chưa hẳn đã lãnh hội được tất. Nên chỉ có thể chia sẻ ở đây đôi điều tâm đắc. Tâm đắc nhất là 2 nhận diện và 5 thông điệp của tác giả Nguyễn Trung, xin tạm liệt kê như sau:

Nhận Diện 1:

"Kẻ thù của Nhân dân ta trên con đường thực hiện khát vọng thiêng liêng này là ai?

Trước hết đó là sự lạc hậu, là ý thức chưa đầy đủ về sự lạc hậu của mình và về những biến đổi của thế giới chung quanh mình. Thắng được kẻ thù này, dân tộc ta sẽ thắng được mọi kẻ thù khác. Động lực và sức mạnh để chiến thắng kẻ thù này? Đó là phát huy tự do dân chủ để giác ngộ được sự lạc hậu phải khắc phục, quan trọng hơn nữa là để có sức mạnh tinh thần và vật chất nắm bắt bằng được vận hội mới đang đến với đất nước - bắt đầu từ giác ngộ đầy đủ vai trò một dân tộc tự do là chủ nhân ông của một đất nước độc lập tự do".

Quả đúng vậy. Muốn dọn dẹp căn nhà cho sạch thì trước tiên phải biết chuyện khạc nhổ là mất vệ sinh và kém văn minh, bất kể là chính mình khạc nhổ hay để cho kẻ khác khạc nhổ vào. Lắm người mừng vì VN ngày nay đã khá ra, nhờ có nhiều hơn những hợp đồng với doanh nhân nước ngoài làm nền cho những chỉ số phát triển của cả nước, hay làm nền cho những căn biệt thự của riêng mình. Có khi doanh nhân nước ngoài còn mừng hơn vậy, vì có được một VN chuyên trách việc gia công giá hời và là nơi tích chứa chất thải công nghiệp. Hơn 60 năm trước, phát xít Nhật đổ quân vào VN để thu lúa về mẫu quốc thì dân ta hăng hái đáp lời sông núi mà vạt nhọn tầm vông. Ngày nay, doanh nhân Nhật đổ hàng điện tử vào VN để hốt đô-la về thì lãnh đạo ta cụng ly đón mừng thành quả tối huệ quốc, trong lúc Nhân dân hý hoáy đo vườn bán ruộng hay căng xác ra mài miệt tăng ca không phụ cấp, lại còn được lệnh là phải vỗ tay theo. Rõ ràng: Lúc đã vắng bóng ngoại xâm, lãnh đạo ta không thấy ra nổi loại kẻ thù vô hình này của dân tộc, khi mà tâm thức nô lệ là đám giặc nội xâm núp mình đàng sau những tờ đô-la. Và ẩn trong bức màn sương khói chập choạng kinh tế thị trường gọi là có định hướng hiện nay, dân ta cũng khó lòng chỉ mặt loại kẻ thù lạc hậu cực kỳ nguy hiểm và nhục nhã này: Không thấy ra bước tiến của thế giới, không thấy ra vị trí tụt lùi của VN trong bước tiến vũ bão đó của thế giới, và nhức nhối hơn hết là không thấy ra vật cản bước tiến của VN trên con đường đồng hành cùng nhân loại. Hoặc giả, thấy ra mà không dám nói một mình hay chưa dám cùng nói với nhau. Thời Cơ Vàng đầu tiên, qua tác giả Nguyễn Trung, đã đến trong tay chúng ta: Cùng thẳng thắn cất tiếng bày tỏ cho nhau nghe về những trăn trở khôn nguôi. Trăn trở đầu tiên của rất nhiều người, phải chăng chính là bức màn sương khói chập choạng vừa nói? Nó tranh tối tranh sáng. Nó đục nước béo cò. Nó làm luật tùy tiện. Nó bịt miệng mọi người. Nó bưng tai chính nó.... Quả thật, muốn nắm lấy Vận Hội Mới, người dân phải biết trước tiên vung nắm tay ra giành lấy cái quyền thực sự làm chủ lấy vận mệnh và tương lai của chính mình. Không một ai có thể nhân danh bất cứ điều gì để gọi đó là một sứ mệnh được giao phó. Chống lại kẻ thù lạc hậu, vũ khí phải là ý thức của từng người, nên nhất định không thể là một cuộc chiến đấu ủy nhiệm. Phải tự do tư duy trước đã. Phải tự do thông tin và được nhận thông tin trước đã. Tác giả Nguyễn Trung không khẳng định ai dung dưỡng kẻ thù u tối lạc hậu này. Ông chỉ giản đơn bảo rằng muốn thắng nó thì phải phát huy tự do dân chủ. Và thắng nó thì thắng tất. Chí lý thay!

Nhận Diện 2:

"Vậy kẻ thù đối với vai trò lãnh đạo của Đảng ta là ai?

Kẻ thù nguy hiểm nhất đối với vai trò lãnh đạo của Đảng ta là sự hẫng hụt về trí tuệ và phẩm chất so với đòi hỏi của sứ mệnh Đảng lãnh đạo trong nhiệm vụ dẫn dắt dân tộc ta tiến bước thành công trên con đường chấn hưng đất nước! (cho đến nay các văn kiện chính thức của Đảng mới chỉ nói là 'chưa ngang tầm với nhiệm vụ đòi hỏi'). Chiến thắng kẻ thù này Đảng ta mới tự bảo vệ được mình. Tiêu biểu nhất cho sự hẫng hụt về trí tuệ là Đảng ta chưa thành công bao nhiêu trong sự nghiệp làm cho Nhân dân ta giác ngộ sâu sắc và thực hiện được vai trò một dân tộc tự do là chủ nhân ông của đất nước độc lập tự do, để từ đó làm nền tảng cho việc xây dựng thể chế chính trị và hệ thống tổ chức xã hội dân sự, làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, phát triển quan hệ với thế giới bên ngoài".

Nhiệm Vụ Dẫn Dắt đó, nhiều nơi nhiều lúc còn được gọi là "sứ mệnh lịch sử", có lẽ nói quen nghe quen rồi như thế, chứ chẳng ai có thể trưng ra bất kỳ bằng chứng nào để thấy rằng đó là nhiệm vụ, chưa nói tới nhiệm vụ đó có được dân giao phó hay không. Hãy cứ tạm coi là Đảng tự nhận điều đó đi, nhưng hà cớ gì mà cứ 5 năm một lần Đảng lại tự báo cáo chính trị với nhau là "chưa ngang tầm nhiệm vụ", hay văn hoa như tác giả Nguyễn Trung là vẫn còn đó "sự hẫng hụt về trí tuệ và phẩm chất", nói nôm na là vô tài kém đức, mà cứ tiếp tục một mình khư khư ôm lấy cái nhiệm vụ ngoài tầm? Kẻ thù đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, ở nhận diện này, có khi không hẳn là tình trạng u mê tăm tối của lãnh đạo mà chính là sự tham quyền cố vị này chăng? Hay là cả hai cộng lại? Gì thì gì, cả hai loại kẻ thù này đều là con rơi của Đảng, sau khi Đảng đã dụng công cưỡng hiếp được cái Nhiệm Vụ Dẫn Dắt kể trên. Ở đây, tác giả Nguyễn Trung còn tế nhị trao thêm cho Đảng cái "sự nghiệp làm cho Nhân dân ta giác ngộ..." để tô đậm thực chất u mê của lãnh đạo Đảng về việc chọn lựa một con đường tăm tối XHCN cho dân tộc thay vì kiến tạo một nền tảng xây dựng thể chế chính trị và hệ thống tổ chức xã hội dân sự làm căn bản vững chắc cho sự phát triển toàn diện và lâu bền của đất nước. Rõ ràng: Kẻ thù đối với vai trò lãnh đạo của Đảng là chính nó. Hung hiểm dường nào! Mà đã vậy thì lấy gì để chiến đấu, nói chi đến chiến thắng? Có ai vừa tự đánh mình, để tự bảo vệ lấy mình, ngoài Chí Phèo? Nhìn riêng góc cạnh của Đảng là vậy. Còn nhìn vào hệ quả, thì than ôi, kẻ thù đối với vai trò lãnh đạo của Đảng chính là kẻ thù cấp hai của Nhân dân. Bởi chính sự u mê tăm tối và tham lam đó cộng với vai trò lãnh đạo tự phong và tự kéo dài nọ đã dính liền nhau thành một hệ thống dìm chết dân tộc trong 10 năm đầu thống nhất, rồi tiếp tục vây bủa tương lai của VN hơn 20 năm sau đó. Khoán 10 là một ví dụ thực tiễn cho thấy sáng kiến của Nhân dân tự vượt qua cái bóng của chính mình để đạt lấy mức sống đủ ăn (trước khi Bộ Chính Trị cơ hữu hóa nó thành nghị quyết). Không ai phủ nhận thành quả đổi mới, nhưng sao chỉ ngần đó, nhưng sao vẫn còn đó hàng triệu tiếng thở dài: Giá mà đổi mới tới nơi...? Gì thì gì, sau rốt rồi cũng phải cảm ơn tác giả Nguyễn Trung đã phân tích thật sâu sát để nêu đích danh kẻ thù đối với vai trò lãnh đạo của Đảng là sự u mê của chính nó, chứ không phải là đa nguyên đa đảng.

Thông điệp 1:

"Sống là mỗi ngày phải vượt qua cái bóng của mình!

Không như thế không còn danh hiệu người đảng viên! Không như thế Đảng ta không còn lý do để tồn tại với tư cách là đảng lãnh đạo".

Mệnh đề được viết theo thể điều kiện cách. Cái điều kiện này mới lớn làm sao trong hoàn cảnh "hụt hẫng về trí tuệ và phẩm chất" hiện nay của cả đảng. Hay nói như phát biểu góp ý của một sinh viên: "Chọn hướng đi quay lưng với mặt trời thì làm sao vượt qua cái bóng của mình?". Thành thử, đặt giả thiết rằng "Không như thế..." là thừa, thậm chí, cố ý thừa. Thắt lại, ý tưởng được gửi vào mệnh đề đó rõ là ở thể khẳng định, bởi cái điều kiện kia không hề thỏa. Tác giả Nguyễn Trung không phải là người đầu tiên nêu lên nhận định này. Các bậc thức giả Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang, Phan Đình Diệu, Lê Đăng Doanh... và rất nhiều người khác, từ lâu, đã từng cho rằng đảng viên ngày nay không còn đảng tính, và Đảng ta đã mất hẳn niềm tin của quần chúng. Ông Nguyễn Trung chỉ viết bằng một cách khác. Khẳng định, mà nghe cứ như phân tích. Rằng: Đảng ta không còn lý do tồn tại với tư cách là đảng lãnh đạo.

Thông điệp 2:

"Về đại thể, trí tuệ cơ bản của thế giới có hai cách xử lý những vấn đề của hệ thống: (1) cách mạng, (2) cải cách....Cách mạng thường là phá thì dễ và xây thì khó.... Cải cách đòi hỏi phải có những quyết định quyết liệt, nhưng giải pháp và thực hiện thì phải kiên định và kiên trì".

Tính cách mạng của Đảng không còn, khi mà Đảng thay một điều Đảng cho là kém bằng một cái kém hơn. Còn lại là sự cải cách. Đảng không tự nguyện cải cách để dân tộc đỡ khổ hay đánh thức tiềm lực để đất nước đi lên. Đảng chỉ cải cách khi chẳng đặng đừng, và chỉ cải cách vừa đủ để thoát hiểm từng giai đoạn, gọi là biện pháp tình thế, theo kiểu rút quân ra khỏi đất Chùa Tháp để thỏa điều kiện cho thế giới chấm dứt cấm vận VN. Đó là lý do vì sao Đại Hội VI chưa kịp làm guồng máy chạy ngon trớn thì đã bị khựng lại, tới nay. Không nghi ngờ gì nữa: Đảng chỉ cải cách chạm ngưỡng đủ để giữ nguyên trạng quyền lực. Nên không thể quyết định quyết liệt, mà cũng không cần kiên định giải pháp và kiên trì thực hiện. Rõ ràng: Ngày nào mà cải cách còn được sử dụng như một loại phương tiện nhất thời, hay thậm chí như là khẩu hiệu lừa mị, thì ngày đó, nhất định các quy hoạch cải cách còn đẻ ra nhà lầu xe con cho cán bộ, và đất nước vẫn còn lẽo đẽo lết lê theo sau thiên hạ, như đã từng, trong ba thập niên qua. "Xóa đói Giảm nghèo" và "Bảo hiểm Y tế" là những thực tiễn trước mắt. Muốn đất nước ra khỏi đêm tối tụt hậu thì canh tân phải là mục tiêu tối hậu cho mọi tư duy, mọi hành động, mọi chính sách. Không phải canh tân mặt tiền đường phố cho hào nhoáng ánh đèn khách sạn với vũ trường. Cốt lõi phải là tiến trình canh tân ý thức dân chủ của con người, môi trường dân chủ của xã hội, và cơ chế dân chủ của quốc gia. Bên cạnh đó là các hạ tầng cơ sở sản xuất và dịch vụ trong một thị trường tự điều tiết và cạnh tranh lành mạnh trong một sân chơi bình đẳng và thượng tôn luật pháp. Đó chính là bệ phóng để đất nước cất cánh và phát triển bền vững. Điểm son tâm huyết của ông Nguyễn Trung cũng chính là ở điểm cốt lõi này.

Thông điệp 3:

"Cầm quyền hay nắm mọi quyền lực?

...Đang tồn tại cách hiểu rất sai lệch về sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Không hiếm trường hợp cụm từ “xã hội chủ nghĩa” gán cho nhà nước pháp quyền bị lợi dụng làm bình phong hay sự biện hộ cho những việc làm chẳng dính dáng đến, thậm chí là trái với thể chế của nhà nước pháp quyền sơ đẳng nhất. Kết luận cần rút ra không phải là xóa bỏ khái niệm lãnh đạo toàn diện. Đã là đảng lãnh đạo thì phải chịu trách nhiệm toàn diện, phải lãnh đạo toàn diện. Nhưng Đảng phải tạo ra cho mình phẩm chất và khả năng làm đúng, làm thật tốt trách nhiệm toàn diện, lãnh đạo tốt toàn diện. Tuyệt đối không được biến tướng nhiệm vụ trọng đại này sang 'nắm toàn diện', cũng như đừng biến tướng nhiệm vụ của 'đảng cầm quyền' thành nắm mọi quyền lực! Hiến pháp hiện hành của nước ta không cho phép làm như thế".

Đúng là như thế. Điều này có tương quan hữu cơ với Nhận Diện 2 kể trên: Quyền lực phải song hành cùng trách nhiệm, mà trách nhiệm có chu toàn được không thì cần xét tới mức độ "hẫng hụt về trí tuệ và phẩm chất" của đảng cầm quyền. Ai xét, nếu không phải là Nhân dân, qua những cuộc trưng cầu dân ý? Nếu xét thấy mức độ đó quá thấp, "không ngang tầm thực tiễn đòi hỏi" qua suốt nhiều thập niên dài, thì phải thay đổi, để cả nước khả dĩ nắm bắt lấy Thời Cơ Vàng, đừng để vuột mất như đã từng đối với Thời Cơ Vàng 75 hay Thời Cơ Vàng 86. Ai thay? Câu trả lời có lẽ còn ẩn mình đâu đó đàng sau Thông Điệp 5 bên dưới. Ở đây, tác giả Nguyễn Trung đã dõng dạc nói giúp đại khối thầm lặng một lời căn dặn: "Không được biến tướng...", không chỉ dành riêng cho Đảng đương quyền, mà cho bất kỳ đảng phái chính trị nào minh danh hoạt động sau này. Cũng vậy, nền tảng căn bản của ý niệm này không chỉ dựa trên hiến pháp hiện hành, mà là dựa trên nguyện vọng của toàn dân. Nhân dân ta không cho phép bất kỳ đảng nào làm như thế!

Thông điệp 4:

"Dân chủ hóa toàn bộ đời sống của đất nước

Yếu tố bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng không phải là bảo hộ vị thế độc quyền của nó, mà trước hết và duy nhất là nâng cao phẩm chất và năng lực lãnh đạo của nó. Không có phẩm chất và năng lực ngày một nâng cao này, thì dù có độc quyền tới mức chuyên quyền độc đoán như thế nào chăng nữa, số phận diệt vong của nó đã được cài đặt sẵn như một lẽ tất yếu ngay trong cái chuyên quyền độc đoán này. Nguy cơ nằm trong sự cài đặt này chứ không phải trong nguy cơ đa nguyên".

Rõ là vậy. Nhưng, đã duy nhất thì không nhất thiết xếp hàng để lấy hạng trước hết. Cái duy nhất ở đây, nếu chấp nhận một thể chế chính trị độc đảng thì quả thật yếu tố bảo đảm vai trò lãnh đạo của đảng cầm quyền là phải "nâng cao phẩm chất và năng lực lãnh đạo của nó"; còn nếu hình dung ra một sinh hoạt chính trị đa nguyên với sự chọn lựa chân chính của toàn dân, thì cái duy nhất đó là yếu tố "phẩm chất và năng lực của nó", trên bảng lượng giá của từng người dân, còn nỗ lực "nâng cao" năng lực đó là sự cố gắng tất yếu của riêng nó, để thuyết phục lấy sự lựa chọn của Nhân dân. Đáng quan tâm là cái nhìn triệt để của tác giả Nguyễn Trung ở đây về sự diệt vong là một nguy cơ tự cài đặt sẵn của đảng chuyên quyền chứ không phải là sinh hoạt đa nguyên mà Nhân dân chúng ta thường nghe về các loại "diễn biến hòa bình" không mặt mũi.... Chẳng phải cất công rà soát lại các biến cố chính trị ở Đông Âu và Liên Xô, hẳn nhiều người trong số độc giả chúng ta cũng đã đồng ý với tác giả Nguyễn Trung về điểm đó, và càng đồng tình hơn với giải pháp Dân Chủ Hóa Toàn Bộ Đời Sống Của Đất Nước.

Thông điệp 5:

"Tôi nghĩ rằng truyền thống cách mạng của Đảng ta dù vinh quang đến thế nào chăng nữa cũng không thể mài lịch sử ra mà sống. Công việc đích thực chúng ta phải làm là chiến thắng sự ươn hèn của chính mình để làm được việc lớn: xây dựng nước VN độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh trong thế giới ngày nay".

Trong bốn đặc tính ngang tầm với ước mơ về một nước Việt Nam mới của tác giả Nguyễn Trung ở đây lại bao gồm cả yếu tố Thống Nhất, trong lúc giang sơn đã liền một dải, vì sao vậy? Ông đang nói về sự thống nhất cần thiết nào trong lúc khẳng định Đảng ta không thể mài lịch sử ra mà sống? (Mà đã vậy thì Đảng ta lấy gì để sống?). Thống nhất lòng người? Thống nhất ý chí? "Chúng Ta" ở đây là ai? Nhân dân chăng? Thống nhất mục tiêu chiến thắng sự ươn hèn của chính mình để cùng lật trang sử mới? Nhiều khả năng là như vậy lắm. Bởi trước đó, ông đã từng bật ra câu hỏi cho Đảng, rồi ung dung tự trả lời: "Đảng ta lựa chọn sự ứng xử nào? Không ai có thể trả lời thay, và Đảng ta không thể để bất kỳ ai trả lời thay mình câu hỏi này!". Cho nên mới có một thách thức nhỏ lửng lơ cho Đảng: "Hoặc là... Hay sẽ là...". Tựu chung lại, rõ ràng là VN có một thời cơ vàng trải dài phủ rộng. Trong đó, Đảng CSVN chỉ còn một cơ hội cuối là Đại Hội X. Nhân dân VN chỉ có thể cho đảng một cơ hội cuối đó thôi, để chiến thắng kẻ thù u mê của Đảng. Nhân dân VN nhất định không để vuột mất Thời Cơ Vàng lần này.

Người đọc chúng ta không thể chờ đợi tác giả Nguyễn Trung bạch hóa mọi ý tưởng của ông. Hãy đọc và ngẫm nghĩ những điều ông gửi gắm ở giữa những dòng chữ: Không cầu mong. Không kỳ vọng. Nhân dân VN sẽ cụ thể hóa những khát vọng của mình. Bắt đầu bằng những trao đổi đầy cảm tính hôm nay để chuyển hóa thái độ thờ ơ thành quan tâm. Sau đó, trách nhiệm công dân ở mỗi người sẽ chuyển đổi quan tâm thành hành động.

Không hẳn là quả bóng đang ở trong chân Đảng. Quả bóng đang ở trong chân mỗi người chúng ta.

Không có nhận xét nào: