05 tháng 1, 2006

Ánh Sáng Cuộc Sống (CT20)

Thanh Bình

Trong bóng đêm chuyên chế bao trùm lên 82 triệu đồng bào Việt Nam, đang vào những giờ khắc báo hiệu sự tàn lụi của chế độ độc đảng và cả cái tập đoàn quyền lực bệnh hoạn sắp đến ngày bị phán xét cuối cùng; Trong sự phục tùng tiêu cực đó đã nảy sinh càng ngày càng nhiều trí thức, nhân sỹ dám đứng lên đương đầu với chế độ. Họ là những người có lương tri và trí tuệ. Họ dám hy sinh hạnh phúc cá nhân và gia đình để hướng đến một nền dân chủ văn minh và tiến bộ của Việt Nam trong tương lai. Mỗi một người đều có con đường đi tìm ánh sáng, sau đây là hình ảnh của một sinh viên trẻ tìm được đến con đường canh tân cuộc sống chính mình, góp phần xóa bỏ độc tài, canh tân môi trường xã hội.

Bóng hoàng hôn vàng xuộm hắt xuống vệt lúa trên cánh đồng ngoại ô. Đỉnh Tản Viên trở nên xanh ngắt vẽ lên nền trời thăm thẳm, bồng bềnh vài đám mây vô định; Cảnh vật êm đềm và thơ mộng là thế. Cậu sinh viên nghèo phờ phạc đạp xe rời xa thành phố xô bồ, nơi vào giờ này những dòng xe như đang chạy trốn thoát ra khỏi cái lồ ô khổng lồ của đô thị. Nơi đó tại những ngã ba ngã bảy, có những tên cảnh sát lừng lững và đen sạm đang múa may chiếc gậy trên tay. Cảm giác càng ngột ngạt và căng thẳng hiện lên trên nét mặt từng người. Những người nông dân vừa được đô thị hóa túa ra 5 cửa ô, đạp vội về với bóng đêm làng xóm sau một ngày mưu sinh vất vả. Trong số họ biết bao nhiêu người hôm nay chan cơm với nước mắt vì công an trật tự, theo nghị định 36/CP đã xô ngã họ, đạp đổ gánh hàng của họ hay ăn chặn của họ 50,000đ.


Làng quê. Nơi cậu sinh viên nghèo đã sinh ra và lớn lên trong sự êm đềm bởi những lũy tre từ ngàn xưa bao bọc lấy những dòng họ hiền lành và chất phác. Vậy mà giờ đây xóm làng không còn là xóm làng xưa nữa. Những cánh đồng xanh thẳm hôm nay vĩnh viễn bị vùi chôn bởi những phân xưởng, xí nghiệp từ những dự án béo bở của bàn tay nhân danh là đại diện “chủ sở hữu đất đai”. Chúng bắt ép nông dân bán đất với giá bèo bọt để rồi đem bán lại với cái giá bằng cả trăm lần mua. Xóm làng sống trong nháo nhác hoang mang. Thay bằng ruộng, họ cầm những đồng tiền mặt ít ỏi. Tiền tiêu đi không bao giờ còn nữa, người ta kéo nhau lên trung ương thưa kiện nhằm thỏa mãn một chút hy vọng, một chút bức xúc để mặc cả với chính quyền về giá đất. Nhưng tiền đã cầm, đất đã vào tay kẻ khác. Khi ruộng vườn vĩnh biệt nông dân là lúc mảnh đất thổ cư nơi chôn rau cắt rốn kế thừa từ đời này sang đời khác tiếp tục bị đe dọa. Anh em, cha con, chú cháu đòi chia nhau đất cát, giành giật nhau từng xăng-ti-met. Anh sinh viên nghèo không phải là nơi họ nhờ cậy vì anh cũng là một nạn nhân. Cuối cùng không dàn xếp được phải đưa nhau ra tòa. Mà tòa án thì giống như một con cáo qua đường trong truyện cổ của Lafonten. Nó dừng lại xoáy mắt và nhăn mũi để quan sát, hai con gấu không chia nổi miếng pho mát. Cứ thế, những người nông dân thấp cổ bé họng lần lượt đi hầu, hết tòa sơ thẩm, phúc thẩm lại đến giám đốc thẩm, miếng pho mát tan dần như chính mảnh đất cắm dùi của cha ông. Nền tư pháp mục ruỗng luôn coi “Bác Hồ” là lẽ phải cứ gặm nhấm dần những tấc đất thân yêu của họ.


Cậu sinh viên trẻ thao thức bao nhiêu đêm, dằn vặt với chính mình mà không cắt nghĩa được. Bao điều cậu đã được chứng kiến ở thành thị, nông thôn…Những điều xảy ra hôm qua, hôm nay và những ngày sau nữa khiến lòng cậu đau nhói. Nhưng cũng chính điều ấy đã thúc giục cậu bắt tay làm việc gì chứng minh cho một sự tốt đẹp trong tương lai cho cuộc sống này. Việc làm đó sẽ là cho cho trăm họ, cho nhân dân nhưng trước hết là cho gia đình và chính bản thân cậu nữa. Cậu sẽ phải là người nhóm lên những ngọn lửa của tự do và công lý, của dân chủ và ấm no. Khi gặp một luồng gió mới, ngọn lửa ấy sẽ bùng lên, soi đường cho tương lai bước đến.


Rồi điều gì đến đã đến. Trong nhóm bạn chí thú cậu tìm được một người đồng chí. Người ấy đã bộc lộ nhiều tâm tư với cậu. Họ nói với nhau những chuyện thời sự trong nước và ngoài nước, về đấu tranh dân chủ, về ước vọng tự do và hình ảnh Việt Nam vững vàng một cõi trời nam. Cậu sẻ chia quan điểm và gặp gỡ nhau về những nhận định trong quá khứ và đồng thuận về những dự báo tương lai. Cậu sinh viên nghèo hiểu rằng người đồng sự đó chính là đầu mối để đưa cậu đến một luồng ánh sáng. Thứ ánh sáng ấy ấp ủ cho những hạt mầm ngày hôm nay và sẽ trở thành mùa vàng thắng lợi của ngày mai. Thứ ánh sáng quyến rũ về một Việt Nam mới. Hình ảnh quần chúng hừng hực bước đi trong những cuộc biểu tình rầm rộ đòi tự do dân chủ đính thực cho mình. Hình ảnh nhân dân hăng hái đi bỏ phiếu để lựa chọn người thay mặt quốc gia. Hình ảnh nhân dân thực hiện cái quyền của con người mà tự nhiên đã thừa nhận và đã được ghi khắc vào trong các bản tuyên ngôn. Giờ đây loài người đã hiểu nhau bằng một chân lý hiển nhiên. Năm châu xích lại gần nhau và người ta giúp nhau đấu tranh chống lại bất công và độc tài cho dù nó xảy ra ở đâu, với xử sở nào, sắc tộc nào đi chăng nữa. Thế là cậu sinh viên đã được sống với chính mình và ngày đêm tận lực xây đắp cho quê hương một nền pháp quyền, thịnh trị.

Không có nhận xét nào: