Trần Tường
Những cuộc đình công hồi cuối năm 2005, đầu năm 2006 vừa qua đã khiến đảng và nhà nước ta vô cùng hốt hoảng. Tuy phần nào bị bưng bít thông tin, nhưng người ta cũng biết là các cuộc đình công xẩy ra tại các khu công nghiệp vùng Sài Gòn và Bình Dương đã quy tụ trên 60.000 anh chị em công nhân làm việc tại các công ty có vốn đầu tư ngoại quốc, còn gọi là FDI. Mặc dù chính quyền đã huy động công an, thanh niên xung phong, các loại bảo vệ... để tìm cách dập tắt các cuộc tranh chấp lao động này, nhưng công nhân đã bất chấp, đồng loạt đình công. Cuối cùng thì đảng và tư bản nước ngoài đã phải chung đầu tính kế hoãn binh, thỏa mãn phần nào yêu sách của người lao động.
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến đình công là lương bổng quá thấp, không đủ sống. Từ nhiều năm nay, để có những con số tăng trưởng kinh tế, để có lợi nhuận bỏ túi, nhà nước đã chủ trương mời gọi và ưu đãi đầu tư nước ngoài. Mồi câu vốn nước ngoài là Việt Nam có công nhân rẻ. Họ đã sửa nhiều lần luật lao động, đầu tư để hạ mức lương tối thiểu từ năm 1999 từ 50 đô la Mỹ còn là 35 đến 45 đô la một tháng. Hiện nay, trên thị trường 1 đô la ăn 15.906đ; nhưng lương tính bằng đô la quy ra đồng vẫn chỉ được hưởng hối suất 13.910, tức hối suất của năm 1999. Sai biệt đến 2.000 đồng một đô la. Nếu lương là 45 đô la thì công nhân thiệt mỗi tháng 90.000. Nhân lên với hàng trăm ngàn công nhân thì sẽ thấy con số khổng lồ. Tiền này chui vào túi ai ? Nhưng sở dĩ lương bổng trở nên bức xúc đến độ công nhân phải đình công đòi hỏi là không những hối suất bất hợp lý mà từ 1999 đến nay vật giá đã gia tăng 28%. Với số lương hàng tháng 45 đô la quy ra tiền Việt Nam theo hối suất 13.910 được khoảng hơn 600.000 đồng. Với vật giá hiện nay phải trừ đi hơn 1/4 vì vật giá gia tăng, người công nhân chỉ còn trong tay khoảng 450.000 đồng. Đúng như lời một nữ công nhân đã nói với phóng viên báo Tuổi Trẻ: "Bạn em bảo mày đi làm cho ngoại quốc gì mà không bằng tao bán vé số!". Trả lương rẻ mạt như vậy mà nhiều chủ doanh nghiệp còn thiếu lương công nhân nhiều tháng. Vì sợ mất lòng tư bản nước ngoài, đảng và nhà nước không dám can thiệp để đòi tăng lương cho công nhân. Cộng sản đã hy sinh quyền lợi công nhân cho quyền lợi tư bản.
Nguyên nhân thứ nhì khiến công nhân đình công ồ ạt là điều kiện lao động không ai chịu nổi. Điều làm công nhân bất mãn ngoài lương bổng là chế độ làm việc. Để có thể tăng mức sản xuất với lương rẻ, và không phải thuê thêm công nhân, tư bản chủ nhân đã bắt công nhân phải tăng giờ làm việc, mà công nhân gọi là "tăng ca". Vì lương ít, nên muốn kiếm thêm lợi tức, một số công nhân tình nguyện làm thêm giờ. Nhưng tại nhiều doanh nghiệp ngoại quốc, chủ nhân đã bắt buộc công nhân phải tăng ca. Có người đã phải lao động 15 giờ một ngày. Trên nguyên tắc thì giờ làm thêm phải được tính gấp đôi. Nhưng phụ cấp tăng ca nhiều khi bị chủ quịt luôn. Đã thế, cường độ lao động tại các doanh nghiệp này rất cao. Công nhân đi trể bị phạt tiền, đi vệ sinh cũng bị phạt. Làm việc quá sức, lại tăng ca, thêm giờ, ăn uống trong doanh nghiệp không đủ dinh dưỡng đã khiến cho sức khỏe công nhân ngày càng suy kiệt. Tờ Thanh niên viết về một nữ công nhân quê ở Long An như sau: "Hòa kể lúc mới lên thành phố cô nặng 47kg, nhưng bây giờ cân cả giày dép mới tròn nổi 40kg. Bạn bè cô ai cũng sụt ký với đủ thứ bệnh tật ho hen triền miên". Đã thế, bảo hiểm sức khỏe đã bị chính quyền và tư bản phớt lờ. Lương ít, ăn uống không đủ, lao động kiệt sức, công nhân đau ốm không được điều trị. Một nữ công nhân than: "đã nghèo thì đừng có bệnh hoạn, tiền đâu để mua thuốc". Đây đúng là một sự bóc lột sức lao động một cách trắng trợn.
Nguyên nhân thứ ba đưa đến đình công là sự chà đạp nhân phẩm người công nhân bởi bọn chủ hay đốc công ngoại quốc và bọn cai công đoàn. Như báo trong luồng của đảng đã thú nhận: "Thực tế, tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp đã ít lại mang tính hình thức, thậm chí bị vô hiệu hóa hoặc biến thành “cái đuôi” của chủ doanh nghiệp...". Có thể nói, công nhân phải tự phát đình công để tranh đấu cho quyền lợi của mình vì thấy rõ ràng mình đã bị phản bội bởi chính quyền và bởi công đoàn là cơ quan đáng lẽ phải bênh vực quyền lợi họ. Thật ra công đoàn là của đảng, của nhà nước và phải ủng hộ chủ trương của đảng. Chỉ vì sợ những cuộc đình công của 60.000 công nhân lan rộng mà nhà nước đã phải can thiệp. Công nhân phải có công đoàn độc lập do chính công nhân bầu ra thì mới giải quyết được vấn đề bóc lột bởi tư bản nước ngoài. Hiện nay đảng và nhà nước ta đã đầu hàng tư bản nước ngoài.
05 tháng 1, 2006
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 nhận xét:
có quá đáng không khi chỉ đứng trên một quan điểm để phân tích vấn đề? chỉ vì một số mâu thuẫn ngoài mong muốn đã vội đi đến đả kích, nhạo báng, kết luận không đúng về Đảng và Nhà nước ta, về những thành tựu mà Đảng và Nhà nước ta đã đạt được. Đừng mang cái chữ "canh tân" ra mà bêu xấu chế độ chính trị của mình. Thử hỏi không có Đảng và Nhà nước ta thì có còn ngồi đó mà viết được những dòng đó không? (!)
Đăng nhận xét