05 tháng 1, 2006

Phải Đòi Mới Có! (CT20)

Dương Nguyên Quyền


Năm 2005 hạ cánh bằng một sự kiện rúng động cả nước: Công nhân ở hai khu chế xuất Linh Trung và Sóng Thần đã đình công tự phát ở qui mô tầm lớn để phản đối chế độ bóc lột của giới chủ nhân người nước ngoài thông qua sự tiếp tay của nhà nước. Riêng tại Cty Freetrend Indus, số công nhân tham gia đình công đã lên tới hai vạn người, sau đó còn kéo theo sự tham gia của công nhân ở nhiều xí nghiệp khác trong khu vực. Tính tới chiều ngày 4.1.2006, tổng số công nhân đồng loạt đình công của 11 doanh nghiệp có vốn của người nước ngoài tại Thành Phố đã lên tới 3 vạn người. Dư luận cả nước không chỉ quan tâm đến mức độ tham gia của công nhân trong cuộc đình công tầm cỡ này, mà còn lưu ý nhiều về nhịp độ đình công ngày càng nhặt.


Rõ ràng là "ở đâu có áp bức, ở đó tất có đấu tranh", và đây chỉ là đỉnh điểm của ngọn triều uất ức. Thực tiễn cho thấy là nhịp độ leo thang đã xảy ra từ lâu. Hội thảo cuối năm 2004 do Tổng LĐLĐVN và Bộ LĐTBXH tổ chức đã đưa ra số liệu: "Trước đây trung bình mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 150 cuộc đình công. Vậy mà năm 2004, riêng Thành Phố và 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đã có 150 vụ".

Bước vào năm 2005, hầu như không tháng nào thiếu tin về những cuộc đình công lớn nhỏ. Nếu tính theo lượt công nhân đình công (trải qua nhiều ngày mỗi lần) thì tổng số đã vượt quá 20 vạn, tức tương đương với số người tham dự mít-tinh ở Leningrad năm 1991!

Về địa bàn, số Cty bị đình công ở mặt Nam chiếm tỉ lệ cao nhất, trải rộng từ Bà Rịa-VT xuống tới Cần Thơ. Điểm tập trung là Sài Gòn, Đồng Nai và Bình Dương. Miền Trung có Phú Yên, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Miền Bắc có Hải Phòng, Phú Thọ và Hà Nội. Nói chung, đó là các thủ đô công nghiệp của ta.

Về thành phần xí nghiệp, ngoại trừ một số rất nhỏ những Cty dịch vụ trong nước, hầu hết đều là những Cty có 100% vốn đầu tư của người nước ngoài, thường được gọi tắt là Cty FDI. Đại đa phần là các Cty sản xuất hàng may mặc, túi xách, giày thể thao và các mặt hàng xuất khẩu (cá da trơn, dừa khô, đường, rau sạch, hàng thêu, đồ nhựa, đồ gỗ...).

Về lý do đình công, lương bổng chiếm phần trăm cao nhất (trả lương quá thấp, tính theo tỉ giá xưa cũ, nợ lương, quịt lương, thất hứa về quyền lợi công nhân...); kế đó là lý do bóc lột lao động (tăng ca không lương, phạt trừ lương, giảm ngày nghỉ, cấm nghỉ bệnh, cắt giờ nghỉ giữa ca, bữa ăn kém, hạn chế giờ vệ sinh...); hành xử trái luật định (cắt hợp đồng, hạ giá công, lường gạt, hăm dọa người đình công, đuổi việc vì đình công...); hành xử mất nhân phẩm (mắng chửi đánh đập công nhân...).

Sau đây là bảng thống kê:





Những lý do đình công vì lương bổng, vì bóc lột lao động, vi phạm lao động ... chỉ là những lý do nằm trên mặt nổi của tảng băng bất mãn. Cơn sóng ngầm bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân sâu xa hơn, chính yếu có thể kể đến các hình thức tiếp tay của nhà nước đối với giới chủ nhân người nước ngoài:


1. Tiếp tay về giá lương: Quy định mức lương 626.000VNđồng/tháng (tương đương với 45USD/tháng theo tỉ giá hối đoái 13.000VNđồng/1USD từ năm 1999) vẫn được duy trì cho đến nay (15.890VNđồng/1USD). Giới chủ nhân cứ dựa vào tỉ giá cũ đó để xén lương công nhân so với thời giá của đồng USD. Nhà nước cũng không màng đến tỉ lệ phần trăm tăng lương cho công nhân mà giới đầu tư nước ngoài cam kết. Trong khi mức lạm phát từ năm 1999 đến nay (7-8% một năm) đã khiến giá sinh hoạt vượt quá sức chịu đựng của giai cấp công nhân. Cán bộ nhà nước đã làm giàu bằng phong bì của giới chủ nhân người nước ngoài nên đã bảo vệ dung túng cho họ, nhân danh sứ mệnh ổn định mức độ đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, và nhân danh bảo vệ chỉ số tăng trưởng kinh tế.

2. Tiếp tay về mặt sinh hoạt công đoàn: Cán bộ công đoàn trở thành cánh tay nối dài của giới chủ nhân ngay tại xí nghiệp. Ông Ngô Văn Tuế, Trưởng ban Kinh tế chính sách LĐLĐHN thẳng thắn nhận định: "Nhìn lại các cuộc đình công, một số chủ tịch CĐ còn lảng tránh trách nhiệm, không dám đấu tranh, bỏ rơi người LĐ. Có nơi tổ chức CĐ lập ra chỉ mang tính hình thức, nếu có hoạt động thì cũng do sự áp đặt của bên sử dụng LĐ. Do vậy, khi có tranh chấp LĐ, người LĐ ít tìm gặp cán bộ CĐ mà thường vận động nhau đấu tranh tự phát...". Công đoàn chẳng những không bảo vệ công nhân, mà còn ngược lại giáo dục công nhân về "hệ quả đình công", lắm khi bằng cả hình thức hăm dọa. Tức là đã bắc thang cho sự ngang ngược của giới chủ nhân: "Bác bỏ hết những kiến nghị của người lao động; đuổi thẳng những 'kẻ' cứng đầu, cứng cổ dám đưa đơn kiến nghị; dọa dẫm họ với 'tội' danh 'phá hoại sản xuất, gây thiệt hại cho doanh nghiệp'...". Công đoàn có tên mới là "tập đoàn ăn theo", từ đó.

3. Tiếp tay về vai trò của hội đồng hòa giải: "Cần cải thiện cơ chế bằng cách bãi bỏ hội đồng hòa giải cơ sở và hội đồng trọng tài lao động vì nó chỉ mang tính hình thức, thậm chí còn gây hại, bởi nếu chủ doanh nghiệp chấp nhận hòa giải thành, nhưng không thực hiện thì không ai có thẩm quyền cưỡng chế thực hiện cam kết, trong khi người lao động bị mất quyền khởi kiện ra tòa". Đó là lời phát biểu đồng tình của ông Huỳnh Văn Tịnh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai.

4. Tiếp tay về mặt áp chế công nhân đình công: Công an địa phương được chỉ thị giải tán các cuộc đình công, nhân danh gìn giữ "trật tự địa phương". Ngay tại Cty Freetrend: "Cảnh sát 113, Công an quận Thủ Đức đã kịp thời xuống hiện trường can thiệp và thiết lập lại ổn định". Theo báo Thanh Niên: Khi cuộc đình công này lan rộng ra với sự tham gia của công nhân 13 Cty khác, thì "lực lượng Thanh niên Xung phong, đoàn viên Thanh niên Cộng sản, Công an Thành Phố, Công an huyện Thủ Đức, Công an tỉnh Bình Dương, Cán bộ Công đoàn, Cán bộ Liên đoàn Lao động....đã bủa ra khắp mọi nẻo đường nhằm tìm cách phát hiện sớm các vụ đình công". Chủ tịch LĐLĐ Thành phố, ông Nguyễn Huy Cận, cho biết "công đoàn luôn luôn ủng hộ sự tồn tại phát triển của doanh nghiệp và đã tăng cường cán bộ cho các khu chế xuất-khu công nghiệp để ngăn chận mọi cuộc đình công". Còn Đại tá Lê Thanh Bình, Phó giám đốc Công an Thành Phố, khẳng định "sẽ xử lý những người kêu gọi đình công, chấn chỉnh để không xảy ra những tình trạng tương tự". Tại Cty TNHH Rau Nhà Xanh, ngày 20.7, "trong lúc hàng trăm CN đang đứng đình công ngay trước cổng nhà máy thì một số người 'chức sắc' đã dùng điện dí vào cánh cổng sắt, còn một số người khác thì dùng dầu nhớt tạt vào đám đông". Có phải đó là đối sách triệt để của nhà nước nhằm lấy lòng doanh nhân nước ngoài, sau khi ông Chen San Lin, Trưởng Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Thành Phố, ra công văn số 021/2005 gửi Chủ tịch UBND Thành Phố, nội dung nêu 4 điểm "phê phán các cơ quan chức năng đã dung túng cho cuộc đình công tại Cty TNHH giày Huê Phong xảy ra hôm 3.6.2005" ?

5. Tiếp tay về mặt luật pháp: Theo báo Lao Động, trong buổi hội nghị giữa Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Hòa Bình với đại diện LĐLĐ các tỉnh phía Nam để lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Pháp lệnh Đình công và thủ tục giải quyết các cuộc đình công, đã "có nhiều người quan niệm rằng: Cần phải hạn chế Đình công, hoặc phải phòng ngừa Đình công"! Quái đản nhất là những phân tích của Phó Chủ tịch LĐLĐ Mai Đức Chính: "Về mặt lý luận thì đình công chỉ xảy ra khi tập thể người lao động đấu tranh đòi 'lợi ích', nhưng thực tế trên 900 cuộc đình công vừa qua phần lớn do NLĐ bị xâm hại về 'quyền'.... Do đó cả 900 cuộc đình công thực chất chỉ là biểu hiện bề ngoài của tranh chấp cá nhân chứ không phải tập thể, nhưng nó liên quan tới nhiều người lao động và xảy ra tại cùng thời điểm, ở cùng địa điểm, với cùng nội dung, nên ta cho đó là đình công. Thế rồi ta vô tình khoác cho nó những cái liên quan đến tranh chấp lao động tập thể". Có nghĩa rằng nếu không do công đoàn tổ chức thì đó chỉ là những tranh chấp cá nhân, bất kể số người tham gia! Hóa ra là cái gốc của cách diễn giải quái đản này bắt nguồn từ ...luật: Theo khoản 3 điều 19 Pháp lệnh Thủ tục Giải quyết các Tranh chấp Lao động thì "một dấu hiệu đặc trưng về mặt hình thức của tranh chấp lao động tập thể dẫn tới đình công là phải có sự tham gia của Công đoàn với tư cách đại diện tập thể người lao động đấu tranh với người sử dụng lao động để đòi lợi ích tập thể" !!! Với vai trò tay sai của Công đoàn như vừa đề cập ở đoạn có đánh số (2.) bên trên, thì phải chăng đó là cách làm luật và diễn luật của giới chức quyền vừa có lương vừa có lậu, đối với giai cấp công nhân chỉ đổi mồ hôi chạy gạo qua bữa từng ngày? Thẳng thắn và có tính thuyết phục hơn, ông Lê Thanh Khương, Trưởng ban Pháp luật Tổng liên đoàn cho rằng: "Trên 900 cuộc đình công vừa qua tuy không đúng trình tự luật định, nhưng hầu hết kiến nghị của người lao động đều hợp pháp và chính đáng. Từ đó cho thấy những chế định về đình công và giải quyết đình công hiện hành đang nặng về hướng đảm bảo yêu cầu của trật tự quản lý hơn là đảm bảo quyền đình công của người lao động".

6. Tiếp tay về mặt chính sách: Bà Cù Thị Hậu, Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, trong hội nghị BCH Tổng LĐLĐVN lần thứ 6 (khoá IX) vào ngày 5.1.2006 tại Hà Nội, đã thông qua 7 nhiệm vụ hoạt động Công Đoàn năm 2006. Hàng đầu là: "1-Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong CNVC-LĐ". Hai hàng cuối là: "6-Mở rộng các hoạt động đối ngoại của CĐVN" và "7-Tăng cường công tác tài chính, kinh tế CĐ". Nói cách khác, công nhân đừng làm mích lòng người nước ngoài, còn công đoàn sẽ chăm lo kiếm tiền. Trong lúc đó, bên công an sẽ sáng tác ra thêm một số "động cơ" đàng sau các cuộc đình công gồm cả "Bọn xấu" lẫn "Phản động", để lấy cớ đàn áp chính những công nhân làm ra của cải xã hội và giữ được chỉ số tăng trưởng kinh tế cho cả nước.

Qua sáu hình thức tiếp tay của nhà nước đối với giới chủ nhân người nước ngoài vừa tạm liệt kê, liệu là người lao động nghèo khó ở VN còn trông chờ được gì từ nhà nước hay từ những đại hội thường kỳ với giữa kỳ? Đã đành là niềm tin đã mất, mà bát mồ hôi cũng không thể đổi lấy bát cơm, trong lúc miệng bị bịt kín, bảo sao cánh tay đừng vung lên? Chỉ vào lúc đó, giới chủ nhân mới tương nhượng, nhà nước mới rụt cổ chùn tay, và người lao động VN mới được hưởng phần nào quyền lợi xứng đáng với công lao mà họ đã can đảm đòi hỏi bằng tiếng nói chung thông qua sức mạnh liên kết tập thể.

Có người bảo rằng có thể coi những cuộc đình công qui mô này là một thách đố giữa người lao động với chính quyền chứ không chỉ với chủ nhân xí nghiệp. Nghị định số 03/2006/NĐ-CP ngày 6.1.2006 quy định mức lương tối thiểu đối với LĐ Việt Nam làm việc cho DN có vốn đầu tư nước ngoài (870.000$/790.000$/710.000$) chính là một minh chứng. Điều mà mọi người thấy rõ là người lao động tranh đấu có kết quả ngay trước mắt, và biết chắc rằng vụ việc xảy ra tại Cty Freetrend Indus này không phải là lần đầu, ắt hẳn cũng không phải là lần cuối, ngày nào mà nhà nước vẫn còn ôm chân giới chủ nhân người nước ngoài. Tình hình có tiếp tục diễn biến phức tạp cũng là lẽ tất yếu. Bởi vẫn còn đó tình trạng nợ lương, đe dọa và hành hung nhân viên. Đặc biệt là trong dịp Tết truyền thống đang tiến dần đến ngưỡng và người lao động cần về quê xum họp với gia đình, mà ngoài đường xe tàu đang thiếu, còn trong xí nghiệp thì chủ nhân với công đoàn tranh nhau dọa nạt. Rồi sau đó là sự kéo dài động lượng thắng lợi của người lao động trong năm 2005.

Thắt lại, qua các cuộc đình công thắng lợi vừa kể, người lao động VN đã rút tỉa được điều gì?

Lấy sức mình làm chính! Không chờ nhà nước tổ chức hay cho phép! Phải tự liên hiệp lại hầu tạo sức mạnh liên đới để đòi cho kỳ được Công bằng và Lẽ phải! Phải Đòi Mới Có!

Không có nhận xét nào: