Lửa của người Hy Lạp dùng, nghe nói từ trước kia, Pơrômêtê ăn trộm trên trời xuống cho, nhưng lửa của Trung Quốc thì không phải như thế, mà do họ Toại Nhân tự phát hiện, hoặc giả phải nói là phát minh. Vì không phải là kẻ trộm, nên tránh khỏi nạn bị xiềng trên đỉnh núi cao cho chim ưng moi ruột, có điều lại không được truyền tụng, sùng bái như Pơrômêtê.
Trung Quốc cũng có Thần Hỏa. Nhưng vị đó không phải họ Toại Nhân, mà là ông nào đó, không ai biết ở đâu ra, tùy ý châm lửa đốt bừa.
Từ khi họ Toại Nhân phát hiện hoặc phát minh ra lửa, thì có được những món ăn nấu chín. Ban đêm thắp đèn lên, cũng có thể làm việc được. Nhưng, đúng như nhà triết học xưa, nói, "có một điều lợi tất có một điều hại", đồng thời với lửa nấu ăn thì có nạn cháy nhà, và những nhân vật ghê gớm cố ý châm lửa đốt cái tổ do Hữu Sào phát minh, cũng xuất hiện.
Họ Toại Nhân hiền lành thì quên đi là phải. Nếu ăn không tiêu thì lúc đó thuộc lãnh vực họ Thần Nông rồi, cho nên đến nay họ Thần Nông vẫn được nhớ đến. Còn như cháy nhà, tuy không rõ người phát minh là ai, nhưng nhất định là có tổ sư, thế là không có cách nào khác, đành phải nói mơ hồ là Thần Hỏa để mà tỏ lòng kính sợ. Xem tượng ông ta thì mặt đỏ, râu đỏ, có điều lúc làm lễ, kiêng không dùng vật gì màu đỏ. Có lẽ ông ta giống con bò Tây Ban Nha, hễ thấy màu đỏ là hăng tiết lên, và có những hành động dễ sợ.
Do đó mà ông ta được thờ. Ở Trung Quốc, những vị ác thần như thế còn nhiều lắm.
Nhưng, trên đời tựa hồ có họ mới thành chuyện. Trong hội hè đình đám, cũng chỉ có Thần Hỏa, chứ không có Toại Nhân. Nếu có cháy nhà, thì người có nhà cháy và người lân cận nhà không cháy, cũng đều cúng Thần Hỏa để tạ ơn, mặc dù không khỏi miễn cưỡng ít nhiều, nhưng không cúng, nghe nói lần sau có thể cháy nữa, nên tạ ơn cho yên chuyện. Vả lại, cũng không phải chỉ đối với Thần Hỏa, mà đối với người, có lúc cũng làm như thế. Tôi nghĩ, có lẽ đó cũng là một thứ lễ nghi chăng?
Thật ra, đốt nhà thì dễ sợ lắm, nhưng so với nấu cơm, có lẽ thú hơn nhiều. Ở nước ngoài thế nào, tôi không rõ, nếu ở Trung Quốc, thì tra cứu lịch sử, cũng không tìm ra được truyện của người nấu cơm và người thắp đèn. Trong xã hội, những người nấu cơm khéo, thắp đèn khéo thế nào đi nữa, cũng không có hy vọng trở thành danh nhân, nhưng Tần Thủy Hoàng đốt sách thì đến nay vẫn nghiễm nhiên là danh nhân, lại còn làm gương cho Hítle nữa. Giả thử vợ Hítle, khéo bấm nút đèn điện, nướng bánh mì, muốn tìm một cái gương như thế trong lịch sử, có lẽ khó lắm. Nhưng may mà việc như thế không thể làm náo động một thời được.
Đốt nhà, theo bút ký của người đời Tống, thì bắt đầu có từ người Mông Cổ. Bởi vì họ ở lều vải, không biết ở nhà, cho nên đọc đường gặp là đốt. Nhưng đó là nói láo. Người Mông Cổ không biết chữ Hán, nên không đính chính. Thật ra, cuối đời Tần có một danh nhân đốt nhà là Hạng Võ. Ông ta đốt cung A Phòng, thế là nổi tiếng khắp thiên hạ, đến nay vẫn xuất hiện trên sân khấu, ngay ở Nhật Bản mà cũng truyền tụng. Nhưng những con người hàng ngày thắp đèn trong cung A Phòng, khi cung này chưa bị đốt, thì có ai biết tên họ là gì đâu?
Bây giờ thì người ta đã làm ra nào là bom nổ, bom cháy các thứ, tàu bay cũng lại rất tiến bộ, nếu muốn làm danh nhân thì càng dễ. Vả lại, nếu đốt nhà thì, so với trước có thể đốt to hơn, thế là người đó cũng càng được tôn kính. Đứng xa nhìn giống như một Đấng cứu thế, mà ánh lửa đó thì làm cho người ta tưởng là ánh hào quang.
Lời bàn của Mao Tôn Chương: Lỗ Tấn viết thiên tiểu luận này vào tháng 3 năm 1934. Tiên tri cho cả một giai đoạn phá sản nhiều thập niên dài sau đó ở Trung Quốc. Cho cả vụ việc xảy ra ở phía nam Trung Quốc: có người mơ thành danh nhân bằng chủ trương đốt nám cả một rặng núi dài và nướng hàng triệu dân trong lửa chiến tranh, rồi sau đó đốt sách như vua Tần đã làm. Tất nhiên, chỉ là danh nhân được thờ trong đảng. Điểm khác biệt thời nay là người ta đã nhìn ra tội ác đốt nhà và biết cách phòng chống nạn đốt nhà. Còn những người nấu cơm ngon và thắp đèn sáng, thì cho dù không được đời biết tên, họ vẫn tiếp tục âm thầm nấu cơm và thắp đèn. Thậm chí còn tích cực rao truyền cho mọi người nấu cơm cho ngon hơn và thắp đèn cho sáng hơn. Thế kỷ 21 không phải là thời của những Thần Hỏa mơ hồ và độc ác.
Đáng Ngẫm:
Chúng tôi mong muốn Hòa Bình nên chẳng hề sử dụng đến bạo lực. Chúng tôi khao khát Công Lý nên chúng tôi đã kiên trì đấu tranh cho quyền sống của con người. Dân tộc chúng tôi không chọn bạo động, không chọn đổ máu. Vì tự do của chúng tôi không thể bị tước đoạt, nên chúng tôi phản đối việc giam giữ các tù nhân lương tâm chỉ vì sự xác tín của họ. Cổng nhà tù phải mở rộng để phóng thích các tù nhân chính trị đấu tranh cho các quyền dân sự và nghiệp đoàn. Cuộc đấu tranh bảo vệ nhân quyền và nhân phẩm của chúng tôi sẽ không bị ô nhiễm bởi lòng căm hờn và sự thù hận.
(LECH WALESA, Tù Nhân Lương Tâm tại Ba Lan, 1983)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét